Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/6/2021

  • |
T5g.org.vn - Dồn lực dập ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM; Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện 5K; Hôm nay, TP.HCM có quyết định mới về giãn cách xã hội; Lý giải về nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn mắc bệnh; Nhiều chuỗi lây nhiễm ở TPHCM chưa rõ F0…

 

Dồn lực dập ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Ngày 13.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thông báo có 53 nhân viên dương tính Covid-19. Tất cả những người này đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin  Covid - 19. Một điểm đáng lưu ý, có đến 52/53 người không có triệu chứng.

Nguồn lây từ bên ngoài

Theo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 11.6, có một nhân viên phòng công nghệ thông tin (CNTT) sàng lọc qua khai báo y tế có triệu chứng nghi ngờ nên BV lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính Covid-19. Ngay lập tức, BV báo cáo Sở Y tế, đồng thời khẩn trương triển khai các hoạt động sàng lọc truy vết thần tốc, lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong BV, ưu tiên khẩn cho các trường hợp có liên quan với ca bệnh đầu tiên.

Đến sáng 13.6, BV đã hoàn thành xét nghiệm Covid-19 cho 887 nhân viên, trong đó có 834 nhân viên âm tính, và phát hiện thêm 52 nhân viên dương tính. Tất cả những người này chủ yếu tập trung tại các phòng ban khối hậu cần, như: CNTT (8 ca), phòng chỉ đạo tuyến (3 ca), phòng hành chính quản trị (17 ca), phòng tài chính kế toán (4 ca), phòng kế hoạch tổng hợp (3 ca), phòng tổ chức cán bộ (1 ca)... Ngoài ra, BV cũng đã lấy mẫu 88 bệnh nhân không nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các khoa nặng như: uốn ván, viêm não, HIV/AIDS, bệnh gan, tất cả đều âm tính.

BV Bệnh nhiệt đới cho biết thêm 53 nhân viên dương tính được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A, Nhiễm D. 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ 2 liều. Hiện tại, BV đang điều trị cho 94 bệnh nhân Covid-19 (bao gồm 53 nhân viên của BV), trong số đó có 35 ca nguy kịch đã hiện hữu từ các ngày trước. Bốn ngày trước, BV đã làm xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong BV, đều có kết quả âm tính.

Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới cho biết thêm BV đã phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) điều tra dịch tễ. Bước đầu nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của BV, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên CNTT và nhân viên quản trị.

Sáng 13.6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại BV Bệnh nhiệt đới nhằm dồn lực dập ổ dịch tại đây.

Trao đổi riêng với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã chỉ đạo BV phong tỏa hoàn toàn, thực hiện nghiêm phong tỏa. Bệnh nhân không nhiễm Covid-19 thì cố gắng chuyển tối đa đến các BV khác được phân công. Với F0, F1, BV cần quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, tránh lây chéo trong F1, tránh mất sức chiến đấu trong nhân viên y tế. Các bộ phận khác thì tổ chức cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn, rà soát và xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm.

Theo ông Sơn, chủng vi rút Ấn Độ lây rất nhanh, nên F1 có thể trở thành F0 trong thời gian tới nên cần theo dõi. Về điều trị, ông Sơn chỉ đạo BV tạm thời ngưng nhận bệnh nhân Covid-19 trong 1 tuần theo đúng thời gian tạm phong tỏa. Trong thời gian này, Sở Y tế sẽ bố trí các BV như BV điều trị Covid-19 Củ Chi, BV Phạm Ngọc Thạch (ngoài BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM thiết lập 7 cơ sở, với năng lực điều trị từ 3.000 - 5.000 bệnh nhân Covid-19) điều trị, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Những bệnh nhân quá nặng sẽ được hỗ trợ của BV Chợ Rẫy. (Thanh niên, trang 1).

 

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện 5K

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cộng đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao các nhân viên Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho biết hiệu quả bảo vệ trên thực nghiệm của vắc xin AstraZeneca là trên 70%, nhưng thực tế có thể đạt trên 80 - 90%. Tại BV Bệnh nhiệt đới, gần 1.000 nhân viên, với 53 người nhiễm thì tỷ lệ là 5,3%, do đó chưa phải là nhiều. Theo bác sĩ Khanh, việc thấy một số người sau tiêm vắc xin nhưng mắc bệnh mà cho rằng vắc xin không có hiệu quả là sai. Vắc xin có hiệu quả là bảo vệ được người đã đã tiêm không bị bệnh, nếu bệnh thì không bệnh nặng, không tử vong, bảo vệ người được tiêm ít có khả năng lây cho người khác, bảo vệ cộng đồng. Không có vắc xin nào bảo vệ được người tiêm 100%, kể cả vắc xin Covid-19. Ngay cả Anh, Mỹ dù tiêm ngừa rồi nhưng vẫn có một số người bệnh. “Việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế, mục đích là đảm bảo không lây nhiều cho bệnh nhân (nếu nhân viên y tế bị bệnh); đảm bảo cho nhân viên y tế không bị bệnh nặng”, bác sĩ Khanh nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford BV Bệnh nhiệt đới (nguyên Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới), chia sẻ ở BV Bệnh nhiệt đới hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu có xảy ra những trường hợp xét nghiệm dương tính ở mức độ 5 - 10%, thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng... Do đó, không thể đòi hỏi vắc xin hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thêm các vắc xin Covid-19 vẫn là mới, đều được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp, do đó cần có thêm thời gian để đánh giá về hiệu quả. Nhưng việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19. Hiện cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm bao lâu là có khả năng phòng bệnh.

Ông Phu cũng cho rằng vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Với vắc xin Covid-19, trên thực tế có những loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ 90% nhưng có vắc xin chỉ có hiệu lực bảo vệ khoảng 50 - 60% (vắc xin AstraZeneca, theo báo cáo của nhà sản xuất là 79%). Điều này có nghĩa một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang vi rút. Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm đủ liều vắc xin, kể cả sau 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ chỉ mang ý nghĩa khi nhiễm bệnh thì bị nhẹ hơn và không trở nặng. Việc bảo vệ để hoàn toàn chống lại vi rút 100%, hiện chưa có nghiên cứu kỹ. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cộng đồng. (Thanh niên, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).

 

Hôm nay, TP.HCM có quyết định mới về giãn cách xã hội

Đến hôm nay (14.6), TP.HCM đã trải qua 2 tuần giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15; riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.

Khi áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 31.5, TP.HCM quyết tâm khoanh vùng, dập dịch để sớm đưa hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

Mặc dù đã cấp tập lấy hàng trăm ngàn mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, cơ bản khống chế 6 chuỗi lây nhiễm cộng đồng với 441 ca từ nhóm truyền giáo Phục Hưng (thuộc địa bàn Q.Gò Vấp), nhưng cũng trong thời gian giãn cách, đã phát sinh nhiều chuỗi lây nhiễm mới với hàng trăm ca nhiễm.

Việc tiếp tục giãn cách xã hội nữa hay không, được xem là bài toán nan giải đang đặt ra, bởi thực tế luôn bị thúc ép vì 2 yêu cầu cấp bách: vừa sớm dập được dịch, vừa tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội vận hành bình thường trở lại.

Từ thực tế nan giải đó, ngày 13.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức làm việc với Q.Gò Vấp sau 13 ngày áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng. Ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết số ca bệnh trên địa bàn quận giảm dần trong những ngày qua, ca mới phát sinh chủ yếu trong khu cách ly, khu phong tỏa, tốc độ lây nhiễm cũng đã chậm lại. “Các chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát”, ông Khang nhận định.

Do đó, ông Khang kiến nghị UBND TP.HCM dừng thực hiện Chỉ thị 16 hoặc tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận và TP.HCM cho hết 15 ngày giãn cách rồi mới quyết định. Trong trường hợp áp dụng theo Chỉ thị 15 trên địa bàn quận, ông Khang cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát và thắt chặt các điểm có ca nhiễm, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết sau thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dịch bệnh được kiểm soát nhưng cuộc sống của người dân và doanh nghiệp gặp một số khó khăn. Việc nới biện pháp giãn cách sẽ giúp cuộc sống người dân từng bước trở lại bình thường.

Trong khi đó, dù chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng được kiểm soát, nhưng ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, cho hay từ ngày 3.6, quận ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng thông qua khám sàng lọc ở các cơ sở y tế, có 3 chuỗi đã được kiểm soát, còn 2 chuỗi tiếp tục truy vết.

Về tình hình dịch bệnh tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức, theo ý kiến của ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, là ngày càng phức tạp, số ca nhiễm lớn. Riêng đối với Gò Vấp, ông Hưng cho rằng có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn quận và tổ chức phong tỏa trên diện hẹp khu vực có ca bệnh.

Đánh giá tổng thể vấn đề, theo ông Dương Anh Đức, trong thời gian qua, có những ngày số ca dương tính “nhảy cóc” theo chu kỳ ủ bệnh, phát bệnh. Các biện pháp giãn cách thời gian qua đã phát huy tác dụng, nhưng điều đáng lo ngại là mầm bệnh trong cộng đồng có thể chưa được kiểm soát triệt để nhất.

Về việc áp dụng giãn cách xã hội ở mức độ nào khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn 15 giãn cách, ông Đức cho biết quyết định này sẽ được đưa ra trong cuộc họp giao ban của TP sáng nay (14.6) vì phải cân đối trên toàn TP. Riêng với Q.Gò Vấp, có thể nới trên diện rộng nhưng cần siết chặt những điểm có nguy cơ cao để không lãng phí công sức trong 2 tuần qua. Những vùng xác định có ổ dịch, có nguy cơ cao thì áp dụng Chỉ thị 16, đồng thời thu hẹp dần các vùng cách ly, phong tỏa. “Tinh thần là nới bớt các biện pháp không quá cần thiết để cuộc sống người dân TP.HCM dần quay trở lại bình thường, tập trung nguồn lực cho địa bàn trọng điểm”, ông Đức nói. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 2).

 

Lý giải về nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn mắc bệnh

Sự việc nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vaccine COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2?

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện các trường hợp dương tính COVID-19 là nhân viên của Bệnh viện.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc phát hiện các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cần phải được điều tra, đánh giá kỹ và tích cực, khẩn trương hơn nữa để từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

53 nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng tại phía Nam. Hiện tại bệnh viện đã bị phong toả từ chiều 12/6/2021 sau khi ghi nhận 22 trường hợp dương tính COVID-19 là nhân viên bệnh viện.

Sáng 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên làm việc tại đây, với số ca dương tính thực tế lên đến 53.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp dương tính tập trung tại các phòng, ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến, 17 nhân viên Phòng Hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như Tài chính-Kế toán (4), Kế hoạch tổng hợp (3), Tổ chức cán bộ (1), Dược (8)...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh điều tra dịch tễ và nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.

53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A-D, ghi nhận 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ 2 liều.

Vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong

Sự việc nhiều nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vaccine COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: “Vaccine COVID-19 là vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.”

Theo ông Phu, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế, có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ với 90%, nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo (14 ngày) thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” phó giáo sư Phu chỉ rõ.

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.

Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

“Lý do thứ 2 là vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác,” tiến sỹ Thái cho hay.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế./. (An ninh Thủ đô, trang 6; Tiền phong, trang 4).

 

Nhiều chuỗi lây nhiễm ở TPHCM chưa rõ F0

Chỉ trong vòng một tuần qua, TPHCM ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp từ ngoài cộng đồng vào bệnh viện với hàng trăm ca mắc COVID-19 mới nhưng chưa xác định được nguồn lây.

Theo nhận định của ngành y tế, chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM có khả năng bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.

Theo đó, sáng 11/6, nhân viên phòng Công nghệ thông tin (CNTT) cư trú tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn (nơi có chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng phức tạp với hàng chục trường hợp mắc bệnh chưa tìm được F0) đến bệnh viện đi làm và thực hiện khai báo y tế theo quy định. Do có triệu chứng sốt nhẹ, nhức mỏi và ho, nên nhân viên này được phân luồng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, liên tiếp phát hiện hàng chục ca dương tính khiến bệnh viện phải tạm phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên bệnh viện, điều tra dịch tễ, truy vết từ chiều 12/6.

Đến sáng 13/6, bệnh viện đã hoàn thành xét nghiệm RT PCR cho 887 nhân viên, trong đó có 834 ca âm tính, 53 trường hợp dương tính. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tập trung tại các phòng ban khối hậu cần của bệnh viện. Trong số những người dương tính có 1 người cư trú tại Block A1 chung cư Ehome 3 ở quận Bình Tân, nơi đang có chuỗi lây nhiễm phức tạp chưa tìm được F0.

Sáng 13/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã đến làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ông Sơn đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng phối hợp, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch cũng như mở rộng truy vết các trường hợp liên quan đến các ca bệnh COVID-19 đã phát hiện. Tiến hành khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, tăng cường công tác xét nghiệm và việc tuân thủ phòng, chống dịch COVID-19 đối với những trường hợp F1 liên quan. Viện Pasteur TPHCM cũng đã phối hợp cùng với bệnh viện làm các xét nghiệm liên quan để có thể tìm ra nguồn lây nhanh nhất.

Trước khi phát hiện chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TPHCM đã ghi nhận chuỗi lây nhiễm phức tạp tại xưởng cơ khí ở huyện Hóc Môn qua khám sàng lọc tại Bệnh viện Thống Nhất vào ngày 8/6. Ngoài ra, chuỗi lây nhiễm khác tại chung cư Ehome 3 ở quận Bình Tân cũng có tốc độ lây lan nhanh khi mỗi ngày phát hiện hàng chục ca mắc mới. Nhiều trường hợp lây nhiễm làm việc trong các công ty, khu công nghiệp khiến hàng chục nghìn công nhân phải tạm nghỉ việc trong một thời gian để phòng chống dịch bệnh. (Tiền phong, trang 4).

 

Tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vắc – xin Nano Covax phòng Covid -9 trên diện rộng

Thứ trưởng BYT Trần Văn Thuấn cho biết, BYT đã chính thức thông qua việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen. Đây là lần đầu tiên một vắc xin phòng Covid -19 do VN nghiên cứu, phát triển và sản xuất sẽ được thử nghiệm trên diện rộng đa trung tâm, đa vùng và đa đối tượng... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang