Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Cần đảm bảo xét xử công bằng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến về đến đơn kiến nghị của bác sĩ Hoàng Công Lương - 1 trong 3 bị cáo liên quan vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng vừa ký văn bản hỏa tốc gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc đơn kiến nghị của bác sĩ Hoàng Công Lương - BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, bác sỹ Hoàng Công Lương công tác tại BVĐK tỉnh Hòa Bình có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sĩ trong vụ việc liên quan tới sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29-5-2017.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến: chuyển đơn của bác sĩ Hoàng Công Lương đến TAND tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Trước đó, vào ngày 29-5-2017, tại Đơn nguyên thận nhân tạo - BVĐK tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ việc 18 bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ bị phản ứng bất thường, 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng.
Sáng 7-5 vừa qua, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở BVĐK Hòa Bình. Trong đó, bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986 - người phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo thời điểm xảy ra sự cố) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (An ninh Thủ đô, trang 13).
Chuyện về một bị cáo đặc biệt
Một ngày trước khi phiên toà xét xử vụ án tai biến chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương- người hôm nay (15/5) sẽ đứng trước toà với tư cách bị cáo vẫn giữ chất giọng điềm tĩnh, tự tin. Trong suốt câu chuyện, thật khó để tìm thấy trong giọng nói ấy sự bối rối hay lo lắng vốn thường thấy ở những người bị coi là có tội…
Rằng qua cơn lận đận...
Ngôi nhà Lương đang ở cùng gia đình chỉ cách nơi xét xử chưa đầy 1 cây số, nhưng là đoạn đường chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ phải đi trong vai trò của một bị cáo, lại đúng vụ án khiến những bệnh nhân bao năm gắn bó với anh bị thiệt mạng. Có vụ án nào người thân của bị hại lại lo lắng, thông cảm và động viên bị cáo như với bác sĩ Lương?
Lương đã sống những ngày đan xen cảm xúc như thế. Anh chưa từng đến nhà bệnh nhân tử vong để gặp gỡ người thân của họ bởi anh không muốn đến với họ trong tâm thế một bị can. Anh muốn được bên bệnh nhân với vai trò của bác sĩ làm lành những vết thương, làm dịu cơn bạo bệnh mà ông Trời đày ải họ.
Nhưng chính những người đó lại tìm đến anh, cầm đôi bàn tay để dặn dò anh vững lòng trước phiên toà. Bà Nguyễn Thị Thu, mẹ bệnh nhân Thu Hằng, người đã tử vong trong vụ tai biến chạy thận không quản mưa gió đến nhà Lương chỉ để tặng anh chuỗi hạt với mong muốn phước lành đến với chàng trai tử tế Hoàng Công Lương.
Chính bà nói với Lương rằng, cậu là một chàng trai tốt bụng và có ích cho xã hội, rằng bà tin cậu không có tội gì dù con gái bà đã không may qua đời đúng kíp trực của bác sĩ Lương. Trong trái tim bà Thu, và biết bao đồng nghiệp cùng những người dõi theo bác sĩ Lương luôn có niềm tin đó, rằng anh vô tội và pháp luật luôn công bằng.
Hơn 1 tuần nay, bác sĩ Lương xin nghỉ phép. Đó cũng là khoảng thời gian Lương sum vầy bên gia đình, được nghe tiếng cười nói của 2 đứa con thơ, được cảm nhận tình yêu thương và sự sẻ chia của người vợ trẻ, người luôn là điểm tựa cho anh những lúc mệt mỏi và bi đát nhất.
Cha anh, ông Hoàng Công Mạnh đã gửi họ hàng trông nom vườn tược, nhà cửa để lên thành phố Hoà Bình với con trai những ngày trước phiên toà. Anh bảo, đến giờ phút này, khi chỉ cách phiên toà hơn chục tiếng đồng hồ, anh thấy thanh thản, không có nỗi sợ hãi nào xâm chiếm trong lòng bởi anh luôn tin chắc khi mình đã bước chân vào cái nghiệp cứu người thì mình sẽ không bao giờ hại người.
Bao nhiêu đêm không ngủ, bao nhiêu lần trở mình trằn trọc suốt gần 1 năm qua kể từ ngày tai họa xảy ra, bác sĩ Lương tự vấn mình hàng nghìn lần để xem mình sai ở đâu mà khiến 8 mạng người ra đi tức tưởi. Nhưng không. Không có một sai sót nào về chuyên môn mà anh phạm phải. Thậm chí anh cùng các đồng nghiệp đã gạt sang một bên nỗi sợ hãi, lo lắng khi tai hoạ ập xuống để tiếp tục cứu chữa những bệnh nhân còn lại.
Trao đổi nhiều lần về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Phó Chi hội trưởng Chi hội Luật gia cho rằng, việc truy cứu bác sĩ Hoàng Công Lương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác.
Theo ông Quang, trong vụ án này phải xác định được mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả gây ra. Nguyên nhân dẫn tới 8 người tử vong là do hàm lượng fluora cao gấp hàng trăm lần cho phép, tức là do quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị RO chứ không phải do điều trị. Như vậy, chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc sửa chữa hệ thống, không phải là bác sĩ Lương.
TS Quang khẳng định: “Bác sĩ Lương được đào tạo để cấp cứu, chữa trị cho người bệnh, còn việc bảo dưỡng, bảo trì là do bộ phận có trách nhiệm của bệnh viện. Bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm của vật tư y tế hay chất lượng thuốc”.
Một ngày trước phiên toà, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội khoá 14, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã được một lần gặp Lương, cảm nhận của tôi sau bữa trưa ngắn ngủi đó là một bác sĩ trẻ nhiệt huyết nhưng đang bị một áp lực nặng nề. Sao không áp lực được khi bao hoài bão của em đang có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.
Ngay cả khi tòa án Hoà Bình tuyên em vô tội thì em đã phải trả giá quá nhiều trong vụ việc 8 người tử vong khi chạy thận ở đơn nguyên em phụ trách. Em trả giá vì đã mất những bệnh nhân thân quen như trong gia đình của mình, em trả giá vì gần 2 tuần trong nhà tạm giam công an tỉnh, em trả giá vì mất niềm tin với công lý và lòng tốt trên đời”.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng: “Những bác sĩ khi ở vị trí của bác sĩ Lương cũng sẽ làm như vậy. Bởi lẽ bác sĩ Lương không ký giấy cho chạy thận thì nhiều bệnh nhân cũng ra đi trong đêm. Phải xem lại quy trình chọn nhà cung cấp dịch lọc, quy trình quản lý vật tư, trang thiết bị của lãnh đạo bệnh viện, của hãng máy: nhân viên kỹ thuật có tay nghề thực sự không?
Trang thiết bị chất lượng thấp, thuốc kém chất lượng...ấn cho bác sĩ chọn, hỏi bác sĩ tránh sao được? Xem lại tư cách, đạo đức kỹ thuật viên, người làm kỹ thuật phục vụ y học không như kỹ sư máy móc. Nếu kỹ thuật viên này làm theo quy trình của Ban Giám đốc công ty, thì Ban Giám đốc công ty và người sáng tạo quy trình cho nhà máy này phải chịu trách nhiệm. Giám đốc bệnh viện và Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình phải chịu trách nhiệm về chọn nhà thầu cẩu thả, vô lương”.
Vững một niềm tin
Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Nguyên rồi những tháng ngày miệt mài với bệnh nhân ở Đơn nguyên Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình), bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương chưa một lần nào nghĩ rồi có ngày mình sẽ được hàng triệu người nhắc đến. Bởi thế anh cứ cần mẫn với công việc, với những bệnh nhân từ xa lạ ban đầu đã trở thành người thân thương tự lúc nào không hay.
Vậy nhưng, một thảm hoạ y khoa đã biến cuộc sống của một bác sĩ trẻ đầy hoãi bão thành những tháng ngày chất chứa buồn đau. Nhưng tịnh trong hơn 300 ngày lao lý ấy, những người thân quen với Lương chưa từng thấy chàng trai trẻ đó tuyệt vọng.
Có chăng niềm đau hằn sâu nhất trong đôi mắt to tròn của Lương là lúc chứng kiến những sinh mệnh từng gắn bó với mình bao năm qua lần lượt trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn, trong nỗ lực từng giây phút mà anh và đồng nghiệp của mình cứu họ nhưng “lực bất tòng tâm” giữa cơn bão tai biến đã đi vào lịch sử y khoa.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn: “Tôi không biết phải chúc Lương thế nào, chỉ mong em bình tĩnh trong phiên tòa hôm nay. Và đặc biệt tôi thực mong những người có trách nhiệm hãy cho nhân viên y tế chúng tôi và những người có lương tri trên toàn Việt Nam thấy một phiên tòa hết sức nghiêm minh, không bỏ sót tội phạm và không hàm oan người vô tội”.
Cũng như TS Lân Hiếu, tất cả các đồng nghiệp của bác sĩ Lương đều tin anh vô tội. Và không có niềm tin nào bằng chính niềm tin mà bác sĩ Lương đang có: “Nếu tôi sai thì tôi đã không nhận được tình yêu thương từ chính người nhà những bệnh nhân không may tử vong trong thảm hoạ này”.
Giữa những ngày bão tố, trở thành bị can một vụ án với hậu quả nặng nề, Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Vì thế anh không thể làm tròn trách nhiệm trưởng nam dòng họ Hoàng khi để bà nội ngày đêm mong ngóng không thấy cháu đích tôn về thăm.
Giữa những sóng gió ập đến bất ngờ đó thì 13 ngày bị tạm giam cùng 2 tử tù và 4 tù nhân khác, Lương vẫn vững một niềm tin mình sẽ được tuyên vô tội, sẽ lại được khoác lên người tấm áo blouse thanh khiết và chữa trị cho những bệnh nhân bao năm qua gắn bó với anh.
13 ngày sống cuộc đời tù nhân, cho anh biết bao trải nghiệm về cay đắng cuộc đời nhưng chàng trai ấy vẫn nhiệt tình giúp đỡ bạn tù, vẫn động viên họ và nhận lại từ những con người đặc biệt ấy niềm an ủi và niềm tin rằng anh không có tội…
Hôm nay, ở vùng đất Tây Bắc diễn ra một phiên toà mà ở đó bị cáo lại nhận được sự cảm thông, động viên và chia sẻ đầy yêu thương từ mọi người. Sẽ có những người chưa từng gặp Lương cũng đến đây với hy vọng được nghe những phán xử công bằng, để thấy công lý được thực thi. Và chính cái tên của chàng trai trẻ Hoàng Công Lương đã gieo trong tâm trí những người tin vào chính nghĩa rằng đó là một phiên toà được xét xử bằng công lý và lương tâm (Tiền phong, trang 9).
Mở lại phiên xét xử BS Hoàng Công Lương ở BVĐK Hoà Bình
Ông Trương Quý Dương - Nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình tiếp tục vắng mặt trong phiên toà này dù được mời đến trong vai trò là người có liên quan.
Ngày 15/5, TAND TP Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo gồm: Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình) và BS Hoàng Công Lương (Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) liên quan đến sự cố chạy thận khiến 8 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hoà Bình, xảy ra vào ngày 29/5/2017.
Trong đó, BS Hoàng Công Lương bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ sáng sớm, người nhà nạn nhân tử vong trong sự cố chạy thận đã mang di ảnh đến Toà án. Ông Trương Quý Dương - Nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình tiếp tục vắng mặt trong phiên toà này dù được mời đến trong vai trò là người có liên quan.
Trong phiên toà sáng nay, các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo và bị đơn dân sự là BVĐK tỉnh Hoà Bình đã có mặt.
Trước đó, ngày 7/5, TAND TP Hoà Bình đã mở phiên toà xét xử vụ án này. Tuy nhiên, 8 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đều vắng mặt, trong đó, một số luật sư có đơn xin hoãn phiên toà…
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia tố tụng, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh quyết định hoãn phiên toà và thông báo phiên toà sẽ được mở lại vào ngày 15/5.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 11/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Duy Hưng đã ký công văn hoả tốc gửi TAND tỉnh Hoà Bình về đơn kiến nghị của BS Hoàng Công Lương.
Theo đó, BS Hoàng Công Lương, công tác tại BVĐK tỉnh Hoà Bình có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của BS trong vụ việc sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hoà Bình ngày 29/5/2017.
Về việc này, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình: Chuyển đơn của BS Hoàng Công Lương đến TAND tỉnh Hoà Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội (Gia đình & Xã hội, trang 7).
Vụ chuyển bệnh nhân ra ngoài mổ tử vong: Bác sĩ sai sót chuyên môn: BV An Sinh “rút kinh nghiệm chuyên môn”
Ngoài việc xác định bác sĩ phẫu thuật sai sót về chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM đang giao bộ phận thanh tra làm việc với các bên liên quan nhằm xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Ngày 14 - 5, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết vừa có kết luận của Hội đồng chuyên môn liên quan đến việc một bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân qua Bệnh viện đa khoa Bưu Điện phẫu thuật khiến một bệnh nhân tử vong.
Hội đồng chuyên môn khẳng định, trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân B.T.S tại Bệnh viện đa khoa Bưu Điện có sai sót chuyên môn. Cụ thể, bệnh nhân này được Bệnh viện Bình Dân chẩn đoán vào tháng 2-2018 nhưng chỉ định phẫu thuật lại vào tháng 4 -2018 tại Bệnh viện đa khoa Bưu Điện là chưa phù hợp.
Ngoài ra, Hội đồng còn yêu cầu bệnh viện rút kinh nghiệm việc phải có phác đồ điều trị đối với bệnh lý lồng trong trực tràng và sa trực tràng kiểu túi; bác sĩ lâm sàng phải phối hợp với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhằm chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai ngoài việc sai sót về chuyên môn, nội dung kết luận này sẽ được chuyển qua Thanh tra Sở Y tế TP để xác minh làm việc với bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nhằm xử lý trách nhiệm về hành chính.
"Mặc dù bác sĩ này từng mổ 97 ca tương tự thành công tại Bệnh viện Bình Dân nhưng tại Bệnh viện Bưu Điện bác sĩ này chỉ ký hợp đồng làm ngoài giờ, không có đăng ký chứng chỉ chuyên môn là sai quy định" - bà Mai khẳng định (Tuổi trẻ, trang 14; Thanh niên, trang 13).
Tắc ruột vì nuốt nguyên miếng nấm đông cô
Ngày 14-5, Bệnh viện quận 11, TP.HCM cho biết tại đây vừa tiếp nhận một ca cấp cứu khá hi hữu do nuốt nguyên miếng nấm đông cô, gây tắc ruột.
Trước đó, anh D.T.L. (25 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) nhập viện trong tình đau bụng quanh rốn, cơn đau ngày càng tăng dần.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán anh L. bị tắc ruột cơ học do dị vật và chưa rõ nguyên nhân.
Anh L. được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật, tạo lưu thông đường ruột. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận đoạn ruột hồi tràng xẹp, đoạn trên giãn lớn, viêm đỏ. Dị vật gây tắc ruột hoàn toàn. Các bác sĩ mở ruột lấy dị vật và xác định dị vật gây tắc ruột cho bệnh nhân là miếng nấm đông cô còn nguyên, kích thước khoảng 5cm. Bác sĩ Nguyễn Văn Vượng (khoa ngoại tổng quát Bệnh viện quận 11) cho biết hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và sẽ xuất viện vào ngày mai (15-5). "Qua trường hợp anh L., người dân cần thực hiện sơ chế thức ăn đúng cách. Riêng với nấm đông cô cần thái nhỏ trước khi chế biến. Đồng thời, khi ăn cần nhai kỹ, hạn chế nói chuyện, không nên đùa giỡn" - bác sĩ Vượng khuyến cáo. Được biết, trước đó hai ngày, anh L. cùng gia đình đang ăn cơm với món gà nấm đông cô thì anh L. bị mắc nghẹn. Trong quá trình chế biến, người nhà của anh L. không thái nhỏ nấm đông cô (Tuổi trẻ, trang 14).
Lấy thành công u nang buồng trứng lớn nhất Việt Nam
Ngày 14-5, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM công bố điều trị thành công ca u nang buồng trứng khổng lồ chứa 48 lít dịch. Đây là khối u ổ bụng to nhất Việt Nam và là một trong 5 khối u ổ bụng lớn nhất thế giới từng được ghi nhận.
Mới đây, sau khi dùng bữa tối, chị Đ.T. T., 39 tuổi, ngụ ở An Giang thấy bụng đau quặn, khó thở và được chuyển từ Bệnh viện khu vực Châu Đốc lên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị. Tại đây, người bệnh được thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết. Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược đã gấp rút hội chẩn và quyết định phẫu thuật bóc tách khối u cho chị T.. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, khối u khổng lồ gồm 48 lít dịch và 3kg vỏ đã được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh một cách an toàn với đường mổ nhỏ, chỉ 10cm. Hiện tại, sức khỏe của chị đã phục hồi và chuẩn bị xuất viện.
Tại buổi công bố, chị T. cho biết chị cứ tưởng mình không thể sống tiếp được nữa vì quá mệt. Chị nằm, ngồi, hay ăn uống đều không được. Giờ được phẫu thuật xong, chị rất mừng. Chị T. cho biết cách đây 4 năm, lúc 39 tuổi, chị phát hiện bị u nang buồng trứng. Chị T. đã điều trị ở một bệnh viện chuyên khoa tại An Giang và được chỉ định phẫu thuật lấy khối u. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật đó đã bị hoãn vì chị bị trụy tim mạch, suy tuần hoàn khi bắt đầu khởi mê. Từ đó, chị T. đến nhiều bệnh viện nhưng các bệnh viện đều từ chối mổ do nguy cơ tai biến gây mê hồi sức cao. Do không được mổ nên khối u ngày càng lớn nhanh trong ổ bụng. ThS BS. Lê Thị Kiều Dung , Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược, người trực tiếp phẫu thuật hút dịch và lấy khối u của chị T., cho biết: "Trong 34 năm làm nghề, đây là lần đầu tôi chứng kiến người bệnh có thể sống với khối u khổng lồ đến thế trong bụng.
Vì đây là u dính nên cả ê kíp phẫu thuật phải cẩn trọng bóc tách từng milimet khối u ra khỏi thành bụng. Khó khăn trong ca phẫu thuật này là khối u quá to, gây nên tình trạng chèn ép phổi. Vì vậy, dịch khối u phải được lấy ra từ từ từng chút để áp suất chèn ép nội tạng giảm chậm rãi. Nếu không có thể dẫn đến suy hô hấp, hoặc áp suất chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi, gây rối loạn huyết động học". Đây đây chỉ là một trường hợp u lành tính nhưng nếu chị T. không được phẫu thuật kịp thời, khối u ngày càng to gây chèn ép tim, phổi và các cơ quan nội tạng khác gây suy giảm chắc năng tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh (Tuổi trẻ, trang 14).