Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện cần cơ chế để 'sống'; 120 năm không ngừng khát vọng xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại; Whitmore - Bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm!; Cần xem dịch sốt xuất huyết như sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; Gần 5 triệu người mắc đái tháo đường, nhưng chỉ 23,3% được quản lý, điều trị

 

Bệnh viện cần cơ chế để 'sống'

Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng nhiều hạn chế, vướng mắc cũng từ đó lộ ra, khiến các bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ khi bản thân họ chưa thể tự giải quyết hết những hạn chế, vướng mắc đó.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một ví dụ. Đối thoại cùng Tuổi Trẻ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nói: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng tự chủ toàn diện hơn hai năm qua đã dẫn đến nhiều kết quả không mong muốn".

Từ "bệnh viện giàu" thành không có nguồn thu

* Ông vừa nhắc đến việc "cố gắng hết sức", cụ thể như thế nào, thưa ông?

 Sau hơn hai năm thực hiện tự chủ toàn diện, từ một "bệnh viện giàu", thu nhập y bác sĩ cao, chất lượng chuyên môn hàng đầu, những ngày này nói đến Bạch Mai nhiều người ái ngại vì lương y bác sĩ giảm còn 1/2, thậm chí 1/3. 

Từ giữa năm 2020 đến hết 2021 hơn 200 y bác sĩ xin nghỉ, chuyển việc, năm nay thêm 100 người. Lý do chính y bác sĩ nghỉ việc là thu nhập giảm thấp vì bệnh viện không có nguồn thu để chi trả khoản thu nhập tăng thêm, trong khi bệnh nhân đông, công việc quá sức.

Không phải chúng tôi không nỗ lực mà đã làm hết sức, để thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết 33 (nghị quyết về thí điểm tự chủ toàn diện bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế, trong đó có Bạch Mai) đã đặt ra, như hạn chế tối đa nằm ghép, tăng sự hài lòng của người bệnh, tổ chức lại các khoa, phòng hợp lý hơn theo chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt nhất là chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại một số khu vực nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân của kết quả "không mong muốn" này?

- Theo tôi là được tự chủ toàn diện nhưng giá dịch vụ lại không được tự chủ, vẫn thu theo giá bảo hiểm. Trong khi chúng tôi thực hiện nâng chất lượng dịch vụ, như trước đây giường dịch vụ ở nhiều khoa, phòng có thể chiếm tới 50 - 60% số giường kế hoạch thì hiện giảm còn dưới 25%, nhờ đó giảm tối đa nằm ghép, hiện giờ rất ít giường bệnh phải ghép hai bệnh nhân. Làm tốt nhưng thu vẫn theo mức cũ nên tài chính thâm hụt. Đây là khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua của chúng tôi.

Có gắng hết sức vẫn luẩn quẩn

* Và hiện tại đã có người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai phàn nàn về chất lượng dịch vụ, ít thấy bác sĩ kinh nghiệm...

- Năm 2020 - 2021 có 200 y bác sĩ, hậu cần, cả kế toán giỏi ở Bạch Mai nghỉ/chuyển việc, năm nay thêm 100 người. Lương, thu nhập thấp quá trong khi hiện nay bệnh nhân đông, y bác sĩ làm việc quá sức, thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/3, có nơi bằng 1/5 so với trước. 

Trong khi chúng tôi phải dành mọi nguồn thu để trả lương cho y bác sĩ, khoản tiết kiệm được (thực tế là quỹ phát triển sự nghiệp) trong 10 năm qua đã dùng hết để trả lương, vì năm 2020 nguồn thu giảm 2.000 tỉ đồng so với 2019, tương đương giảm 30%, đến 2021 lại giảm tiếp 1.500 tỉ so với 2020.

Thực tế những người ở lại bệnh viện là rất yêu bệnh viện, yêu nghề, chúng tôi đang cố gắng, nhưng người phải chịu đựng nhiều nhất chính là người bệnh. Hai năm vừa qua chúng tôi không đầu tư thêm được máy móc thiết bị, trong khi những máy móc thiết bị có từ giai đoạn trước thì đều ở diện liên doanh liên kết, đang phải "đắp chiếu" vì chưa rõ ràng về pháp lý.

Đáng tiếc nhất là toàn bộ máy móc dùng cho trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu (máy PET CT, thiết bị xạ phẫu, CT 256 lát cắt...), trong khi bệnh nhân phải chuyển đi các bệnh viện khác để chiếu chụp, số thiết bị đó nếu không được sử dụng thì một thời gian nữa sẽ biến thành đống sắt vụn vì không được bảo hành bảo trì.

* Nhưng dù sao các ông đã có một bệnh viện lớn, có thương hiệu, ở ngay trung tâm Hà Nội. Vậy theo ông, bệnh viện đã năng động nhất có thể chưa?

- Hiện cơ sở vật chất của Bạch Mai ở diện xuống cấp, nhiều tòa nhà đã xây dựng nhiều chục năm, ngay tòa nhà xây bằng vốn ODA của Nhật cũng đã có tuổi đời 22 năm. Hai năm qua toàn bộ chi phí sửa chữa là chúng tôi đi xin, vận động, số tiền này cũng lên tới hàng chục tỉ đồng và đều không sử dụng tiền của bệnh viện. Hay giai đoạn dịch COVID-19, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, nhận được thiết bị như bơm tiêm điện, máy truyền dịch...

Vấn đề của chúng tôi nằm ở chỗ nguồn thu bệnh viện rất thấp, tiền thuốc, vật tư y tế bệnh viện mua của nhà cung cấp bao nhiêu thu bấy nhiêu, bệnh viện chỉ có nguồn thu từ phí dịch vụ nhưng hiện nay không có thiết bị, tiền giường và dịch vụ nội khoa không đáng bao nhiêu so với khoản chi. Vì thế bệnh viện không đủ tiền đầu tư cho con người, cán bộ không yên tâm làm việc, người giỏi được mời sang các bệnh viện tư, nguy cơ ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Không xin tiền, chỉ xin cơ chế chính sách

* Sau hai năm thí điểm tự chủ, ông có nói về việc cần thay đổi chính sách để tự chủ mà "sống được", cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Theo các tiêu chí hiện tại, Bạch Mai có thể xếp vào nhóm tự chủ chi thường xuyên. Có người nói chúng tôi không tự chủ toàn diện nữa mà đề nghị quay về tự chủ chi thường xuyên, có phải quay lại "bầu sữa ngân sách" hay không thì không phải. Chúng tôi không xin tiền, chỉ xin cơ chế, chính sách.

Nếu tự chủ toàn diện thì cần phải có lộ trình, trong đó bao gồm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cũng phải tăng lên và có nhiều mức đóng để người đóng cao được chi trả cao. Người diện chính sách, người nghèo thì được hỗ trợ.

* Nếu có chính sách như ông nói, các ông có thể đưa Bạch Mai quay về như trước đây được hay không?

- Nếu có chính sách như vậy thì Bạch Mai sẽ về như cũ. Truyền thống ở bệnh viện này là có người đi nhưng khi nhận người về là rất khắt khe, bác sĩ nội trú mới được tuyển dụng. Chúng tôi còn bộ khung, còn nhiều người cốt cán, dù đã có nhiều y bác sĩ giỏi ra đi và nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục mất người. Nếu cho cơ chế, hai năm nữa Bạch Mai sẽ hồi phục (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Muốn tự chủ phải đủ điều kiện

Chiều 14-11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt nhất". Là bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, cho hay việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nếu để bệnh viện tự chủ đầu tư là "không thể lo được". Vì vậy, Nhà nước cần có đầu tư ban đầu về máy móc từ 3 - 5 năm để khi bệnh viện có nguồn đầu tư, lo đủ nguồn vốn mới tính đến tự chủ toàn diện.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đề xuất việc thực hiện tự chủ ở nhóm nào thì phải đủ điều kiện và phù hợp với từng đơn vị. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, để khi bệnh viện có đủ điều kiện sẽ tự chủ toàn phần.

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay việc Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, tức có quyền được điều chỉnh quy mô giường bệnh, về công tác cán bộ, đầu tư mua sắm quản lý tài sản... nhưng nhiều quy định liên quan lại không đồng bộ, chưa thống nhất, nên gây khó khăn trong thực hiện tự chủ.

Chẳng hạn với tiền lương, các bệnh viện được tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện theo thang bảng lương từ ngân sách, nên để có thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ là rất khó. Hay quy định về giá dịch vụ là "tính đúng tính đủ" nhưng mới chỉ đáp ứng được các chi phí khám chữa bệnh trong khi đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất là khó khăn.

Cũng theo ông Quang, hệ thống y tế của ta là hỗn hợp công - tư, nên dù tự chủ ở hình thức nào thì Nhà nước phải đảm bảo ngân sách trong chi đầu tư, nắm vai trò chủ đạo. Về hoàn thiện thể chế, ông cho rằng với bệnh viện tự chủ toàn diện gồm: chi thường xuyên và chi đầu tư, có thể tính tới việc thành lập thành công ty, vận hành như doanh nghiệp, đảm bảo tự chủ được minh bạch, hiệu quả.

Theo đó, cần xây dựng quy định về khung giá cho các bệnh viện để tự chủ về tài chính, có kế hoạch tính đúng, tính đủ trong các yếu tố cấu thành giá; hướng dẫn về quản lý tài sản công để thực hiện liên doanh, liên kết cho phù hợp, hướng dẫn thành lập hội đồng quản lý, sửa đổi quy định đấu thầu thuốc, trang thiết bị, điều chỉnh tiền lương tiền công cho phù hợp (Tuổi trẻ, trang 2).

 

120 năm không ngừng khát vọng xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại

Ngày 8/1/1902, Trường đại học Y Hà Nội được thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Y Đông Dương do nhà bác học Yersin làm hiệu trưởng. Trong bối cảnh đất nước khi đó có rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ trí thức của Việt Nam đã nuôi khát vọng xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam ngang tầm thời đại-niềm khát vọng luôn song hành cùng khát vọng độc lập dân tộc.

Thời kỳ đó, ở nước ta Nho học vẫn còn đang phổ biến, vậy mà những sinh viên thế hệ đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội tiếp cận nền giáo dục phương Tây đã phải “du học tại chỗ” trong điều kiện sơ khai và đầy khó khăn. Song, với tinh thần dân tộc cao, họ sẵn sàng đổi mới để tiếp thu, ứng dụng và truyền bá các thành tựu khoa học y học hiện đại để bồi đắp thêm cho nền y học nước nhà. Sự ra đời của cơ sở đào tạo y học phương Tây đầu tiên ở Đông Dương cũng đầy những trắc trở.

Tuy nhiên, với hành trang là lòng yêu nghề và mong muốn xây dựng một nền y học nước nhà, họ đã vượt qua muôn vàn thách thức để tiếp cận với y học thế giới. Đó là điểm mốc lịch sử quan trọng trong thời kỳ đầu, thời điểm mà các quan niệm truyền thống phải điều chỉnh để thích ứng với luồng gió mới của nền khoa học y học phương Tây.

Thật đáng tự hào, các thế hệ sinh viên những khóa đầu tiên đó đã trở thành những nhà khoa học, những thầy giáo của chính nơi mà họ đã học tập, rồi trở thành giáo sư thế hệ đầu tiên của đất nước. Những người đã tiếp thu tinh hoa nhân loại, đưa tinh hoa ấy trở thành một bộ phận không thể tách rời, hòa quyện và phát triển cùng nền văn hóa, khoa học truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sau ngày đất nước độc lập (2/9/1945), khát vọng xây dựng nền y học nước nhà ngày càng phát triển thêm cháy bỏng. Những người thầy thuốc đã mang kiến thức và tài năng của mình phục vụ tích cực cho công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

Đặc biệt là lúc này, những giảng viên ở Trường đại học Y Hà Nội đã không chỉ tiếp thu tri thức của y học hiện đại để đào tạo nguồn nhân lực nước nhà, mà chính họ còn góp phần tạo ra những giá trị khoa học góp phần phát triển nguồn nhân lực y học thế giới.

Giáo sư, Anh hùng lao động Đặng Văn Ngữ, người đã sản xuất thuốc kháng sinh Penixilin trực tiếp phục vụ điều trị thương binh, bệnh binh ở chiến trường; GS Tôn Thất Tùng đã đưa tên tuổi ngành ngoại khoa Việt Nam ra thế giới với phương pháp cắt gan khô...

Khát vọng xây dựng nền y học nước nhà ngang tầm thời đại đã bước đầu trở thành hiện thực và được các thế hệ thầy và trò Trường đại học Y Hà Nội hiện thực hóa trở thành truyền thống quý báu của trường.

Sau 120 năm, ngôi trường đã không ngừng phát triển, trở thành niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam, với những thế hệ thầy thuốc thành công trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đóng góp quan trọng cho nền y học nước nhà. Trường đại học Y Hà Nội đã trở thành trường đại học lâu đời nhất Việt Nam với chất lượng đào tạo đứng đầu.

Đến nay, trường đã đào tạo hàng chục nghìn bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, thạc sĩ và tiến sĩ y khoa. Với thương hiệu của ngôi trường có bề dày lịch sử, nhiều năm liên tiếp, tuyển sinh đầu vào của trường có điểm chuẩn rất cao, thuộc tốp đầu các trường đại học. Thành tựu lớn nhất của nhà trường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với thực hành; giữa đào tạo, nghiên cứu với khám, chữa bệnh vì mục tiêu phục vụ, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đơn vị trực thuộc Trường đại học Y Hà Nội là một minh chứng điển hình cho sự gắn kết chặt chẽ với trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám, chữa bệnh. Bệnh viện là nơi áp dụng trực tiếp các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn lâm sàng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Những điểm sáng nổi bật đó phải kể đến việc ứng dụng công nghệ phân tích gien trong chẩn đoán bệnh lý di truyền, ung thư; công nghệ tế bào miễn dịch trị liệu, điều trị đích trong ung thư; ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa và nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại được khởi phát từ nơi đây trước khi được triển khai rộng rãi ở các cơ sở y tế trong cả nước…

Trường đại học Y Hà Nội đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Đây cũng là giai đoạn bản lề, chuyển đổi sang cơ chế tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm xã hội. Quản trị đại học, kinh tế tri thức sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nhà trường trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa.

Mô hình Trường đại học Y Hà Nội đang dần được hình thành, chiến lược trong đào tạo đã được thiết lập, đó là giữ nguyên và dần giảm chỉ tiêu đào tạo bậc đại học, tập trung đào tạo chuyên khoa sau đại học, đào tạo đội ngũ tinh hoa cho nền y học nước nhà; tăng cường đầu tư cho khoa học-công nghệ, phấn đấu tỷ trọng nguồn thu về khoa học và công nghệ cũng như dịch vụ y tế sẽ chiếm phần lớn trong nguồn ngân sách của nhà trường.

Nhà trường cũng tăng cường đào tạo theo địa chỉ đối với bậc chuyên khoa sau đại học để tránh lãng phí nhân lực và tiết kiệm đầu tư ngân sách từ nhà nước. Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ thông qua các đơn đặt hàng, hợp tác từ doanh nghiệp nhằm ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và giảm phụ thuộc vào ngân sách quốc gia dành cho khoa học-công nghệ…

Thế giới và xã hội Việt Nam ngày nay có nhiều thay đổi. Truyền thống tốt đẹp của nhà trường được tiếp tục bồi đắp thêm theo thời gian. Đó là lòng yêu nước, là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với xã hội, là tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa tính khoa học và tính cách mạng trước mọi khó khăn.

Thời gian tới, với phương châm lấy kinh tế tri thức là động lực phát triển, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Trường đại học Y Hà Nội sẽ phát huy trí tuệ, có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. Từng bước xây dựng Trường đại học Y Hà Nội là đại học nghiên cứu ngang tầm với các trường đại học y hàng đầu ở châu Á (Nhân dân, trang 5).

 

Whitmore - Bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm!

Theo báo cáo mới đây của Bệnh viện Nhi trung ương và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại nước ta đã ghi nhận 3 trường hợp mắc whitmore, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tuy đây là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch nhưng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tử vong nhanh và hiện chưa có vắc xin dự phòng. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tỷ lệ tử vong lên tới 40-60%

Trong 3 trường hợp mắc whitmore vừa ghi nhận, có 2 trẻ em ở tỉnh Thanh Hóa điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, dù được các bác sĩ phẫu thuật và điều trị tích cực, nhưng 1 trong 2 bệnh nhi đã tử vong vào tối 11-11 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng. Trường hợp còn lại hiện đang được điều trị tích cực, theo dõi chặt chẽ.

Bệnh whitmore (tên gọi khác là bệnh melioidosis) là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Australia và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1925 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, bệnh whitmore không phải là hiếm, song không gây ra dịch và không lây truyền từ người sang người. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước trong sinh hoạt hoặc do tai nạn. Khi nhiễm bệnh dễ dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như vi khuẩn này gây nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi.

Từng điều trị cho nhiều ca bệnh whitmore, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, bệnh này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng: Sốt, với các kiểu sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Chính vì vậy, whitmore khó chẩn đoán, hay bị nhầm sang viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Những người có bệnh nền, như: Đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, 90% trường hợp mắc bệnh có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi; 50% người bệnh có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Tỷ lệ tử vong trung bình của whitmore là từ 40% đến 60%. Vi khuẩn gây bệnh cũng đã làm nhiều trường hợp tử vong trong những năm gần đây. Riêng năm 2020, vào đợt lũ diễn ra vào tháng 10 ở tỉnh Quảng Trị đã có tới 30 người nhiễm whitmore, trong đó có 4 người tử vong.

Chủ động phòng bệnh ở vùng mưa, lũ

Trước tình hình ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh whitmore, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ đối với bệnh này. Riêng đối với những vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm ca mắc; đồng thời tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Ngoài ra, các đơn vị y tế địa phương cần tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh và triển khai biện pháp phòng, chống bệnh whitmore.

Whitmore không phải bệnh lạ và bệnh mới xuất hiện trở lại, người dân không nên hoang mang. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, whitmore tuy là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nhưng hiện đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị, nên bệnh có thể chữa khỏi, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh whitmore phát triển. Các ca bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, nên người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

Để chủ động phòng bệnh whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt là tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông, nơi bị ô nhiễm. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn phải sử dụng đồ bảo hộ lao động. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cần xem dịch sốt xuất huyết như sự kiện y tế công cộng khẩn cấp

5 năm qua, dịch bệnh sốt xuất huyết liên tục hoành hành, theo đúng chu kỳ dịch 4-5 năm một lần mà các chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo. Hiện dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại vào năm 2022 với gần 300.000 ca. 

Sốt xuất huyết nặng đến mức suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận

"Chưa năm nào, gia đình tôi lại có nhiều người mắc sốt xuất huyết cùng lúc như thế. Hàng xóm cũng mắc nhiều. Sốt xuất huyết sao mà nó mệt như vậy. Cả nhà cứ người này sắp khỏi thì người kia nhập viện, 2 bố con cùng nhập viện, muốn chăm sóc con mà người cứ bải hoải, đau đầu như búa bổ, không thể nào gượng dậy được. Lúc nhập viện, tiểu cầu giảm còn có 19. Nếu không nhập viện, có lẽ tôi không sống nổi" - anh Nguyễn Đình Hoàn (quận Cầu Giấy- Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng, chia sẻ về 13 ngày nằm viện điều trị sốt xuất huyết. 

Cùng cảnh ngộ, chị Hà Thị Hiền (SN 1992 - TX Sơn Tây, Hà Nội) cũng bị ám ảnh bởi những ngày mệt mỏi, khổ sở vì sốt xuất huyết. Chủ quan nghĩ sức khỏe tốt, những ngày đầu chị Hiền không đi viện, xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết, chị Hiền mua thuốc hạ sốt và một vài loại thuốc điều trị tại nhà. Nhưng càng ngày, chị càng cảm thấy yếu ớt, không thể tiếp tục cố gắng. Ngày thứ 5, chị Hiền buộc phải nhập viện vì tiểu cầu giảm mạnh. Sau gần 2 tuần, chị mới được xuất viện. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, không ít bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang trong tình trạng nặng, phải thở máy. Nhìn cảnh bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh, máy móc chạy quanh người, mới thấy sức tàn phá sức khỏe con người khủng khiếp của dịch bệnh.

PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Cụ thể, trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9, con số này tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm đã ghi nhận thêm hàng trăm bệnh nhân. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 này và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Mỗi ngày, có hàng chục bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Nhiều bệnh nhân còn có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, hoặc trên cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.

PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thấp thì mới đến viện.

Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.

Nên ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp 

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á - là khu vực lưu hành sốt xuất huyết quanh năm với số mắc và tử vong cao.

Diễn biến dịch tễ cho thấy, số mắc tăng từ tháng 9 đến giữa tháng 11 hằng năm (vào mùa mưa, khí hậu, thời tiết thuận lợi). Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang... là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh... Vì vậy, để có thể kiểm soát triệt để dịch bệnh sốt xuất huyết là một bài toán khó.  

Bà Trần Thị Nhị Hà - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho rằng, đã đến lúc, chúng ta nên ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.

"Qua kiểm tra, giám sát, người dân trên địa bàn thành phố vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết" - bà Hà nói. 

Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay, điều quan trọng nhất để ngăn chặn sẽ bùng phát của dịch sốt xuất huyết là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 tại thủ đô Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo, dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng do điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, kết hợp với việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố (Lao động, trang 3).

 

Gần 5 triệu người mắc đái tháo đường, nhưng chỉ 23,3% được quản lý, điều trị

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người. Quan ngại hơn, tỉ lệ người bệnh trong cộng đồng không được chẩn đoán hiện ở mức cao là 63,6%.Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi thì có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Theo số liệu điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, một vấn đề quan ngại nữa đó là tỉ lệ người bệnh đã mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán hiện ở mức cao là 63,6%.

PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam cho biết: "Đái tháo đường vẫn đang còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Gánh nặng này kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống y tế, cho nhân viên y tế và cho cả bệnh nhân cùng gia đình của họ".

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Kết quả điều tra tại nước ta có hơn 55% bệnh nhân mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết: Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) và ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng I-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh đái tháo đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh (Công an nhân dân, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang