Nguy hiểm khi thai đậu trên vết mổ cũ
Chỉ có 1% số người mổ đẻ gặp phải tai biến này trong lần mang thai tiếp theo, tuy nhiên, nếu tình huống này xảy ra, những người đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ băng huyết, vỡ tử cung, thậm chí là mất mạng.
Dễ vỡ tử cung
Năm 2013, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từng tiếp nhận bệnh nhân ở Đông Anh (Hà Nội) chửa tại vết mổ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu trong ổ bụng. Nhận định tử cung đã bị vỡ, các bác sĩ ngay lập tức tiến hành mổ để khâu vết bục, bảo tồn tử cung. 8 bác sĩ đã được huy động, 2 lít máu đã được sử dụng và ca mổ phải kéo dài đến 4 tiếng mới có thể giữ được tính mạng cho bệnh nhân này. Đây là trường hợp vô cùng hy hữu và may mắn khi bệnh nhân sống sót sau biến chứng vỡ tử cung vì chửa trên vết mổ.
Vậy thai đậu trên vết mổ cũ là gì mà có thể gây nguy hiểm đến vậy? Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa - giảng viên Quốc gia về Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục, thực chất, đây là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng. Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có “diện tích” rộng rãi và lớp cơ tử cung đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, vì một lý do bất thường nào đó, trứng lại “mắc kẹt” ở eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ trước và phát triển thành túi thai.
Túi thai này trong quá trình sinh trưởng sẽ bám vào cơ tử cung. Do lớp cơ này mỏng nên các gai ở bánh nhau có thể xuyên vào bàng quang, dẫn đến tử cung bị vỡ. Không chỉ vậy, do mô sẹo không thể co giãn và mềm mại bằng mô thường nên nếu thai làm tổ ở đây, nó dễ làm rách vết mổ. Và cũng bởi không gian ở đây chật hẹp, nên cho dù không làm tổn thương cơ tử cung thì thai nhi cũng dễ bị sảy hoặc phát triển không tốt.
Thai làm tổ trên vết mổ cũ đuợc phát hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1978. Lúc này, thai phụ có hiện tượng chảy máu ồ ạt do sảy thai tự nhiên. Cũng kể từ thời điểm đó, các bác sĩ bắt đầu quan tâm đến hiện tuợng này và liệt nó vào biến chứng thai sản nguy hiểm, dù trên thực tế chỉ có khoảng 1% gặp phải biến chứng này. Theo đó, người chửa trên vết mổ cũ sẽ phải đối diện với các nguy cơ như băng huyết (nếu sảy thai tự nhiên), vỡ tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung, thậm chí là tử vong nếu không đuợc phát hiện kịp thời.
Nhiều người thắc mắc, với những người đã từng có thai đậu trên vết mổ cũ thì liệu có thể sinh con bình thường sau đó không? Các số liệu thống kê cho thấy: 76% số người chửa tại sẹo mổ cũ có thai lại sau đó, trong đó 88% là có thai tự nhiên và 95% là thai nằm trong tử cung. Chỉ có 5% là gặp lại hiện tượng này. Riêng với trường hợp phải cắt bỏ tử cung thì đương nhiên, khả năng làm mẹ sau đó sẽ không còn.
Phải chấp nhận bỏ thai
Như đã nói ở trên, thai làm tổ trên vết mổ không thể giữ đuợc vì thai càng lớn, nguy cơ vỡ tử cung càng nhiều. Thế nên, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, những người đã từng sinh mổ, khi có thai lại, cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai. Khi thai nằm ở vị trí bất thường, nhất định phải tiến hành bỏ thai càng sớm càng tốt. Thủ thuật bỏ thai trong những trường hợp này cũng đòi hỏi người thực hiện phải vững chuyên môn, do đó, nên thực hiện tại tuyến trung ương để tránh thai biến.
Không giống như như những người cùng làm thủ thuật khác, có thể về nhà ngay sau khoảng 30 - 60 phút nằm nghỉ ngơi, người chửa trên vết mổ cần phải nằm lại viện theo dõi khoảng 1 ngày. Cũng vì thời gian lưu lại viện lâu nên bạn cần có người đi cùng để hỗ trợ và chăm sóc.
Một câu hỏi được đặt ra là: sau khi tiến hành thủ thuật, bao nhiêu lâu sau thì nên có thai lại? Thực chất, bạn hoàn toàn có thể có thai ngay sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, lúc này, tử cung còn yếu, nên tốt nhất là nên mang thai lại sau khoảng 1 năm để an toàn cho sức khỏe. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Những bệnh về mắt liên quan tới công nghệ
Giới trẻ ngày càng tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ rất sớm và điều này có thể ảnh hưởng tới thị lực. Dưới đây là những bệnh về mắt mà thanh thiếu niên có thể gặp phải do lạm dụng các thiết bị công nghệ.
Mỏi cơ mắt
Ánh sáng màu xanh phát ra từ cả màn hình tinh thể lỏng, màn hình LED, iPad, tivi và điện thoại di động có thể có hại cho thanh thiếu niên. Các cơ nhỏ trong nhãn cầu dễ bị mỏi do tập trung nhìn vào một điểm duy nhất. Trong một số trường hợp đặc biệt, cơ mắt quá mỏi đến mức chúng không thể hội tụ được nữa.
Đau đầu do căng thẳng
Hiện nay, đau đầu do căng thẳng phổ biến ở tất cả các nhóm tuổi, kể cả thanh thiếu niên. Cuộc sống bận rộn, căng thẳng cùng với việc ngồi quá nhiều trước màn hình máy tính hoặc thậm chí là để điện thoại quá sát mặt có thể dẫn tới đau đầu. Mặc dù đau đầu hiếm khi là triệu chứng của những bệnh nghiêm trọng hơn, mọi người vẫn nên nhớ rằng khi nhìn vào một vật thể ở khoảng cách rất gần, mắt bạn sẽ bị căng thẳng hơn rất nhiều so với khi nhìn xa.
Hội chứng thị lực máy tính
Hội chứng này ảnh hưởng tới tất cả những ai mà cuộc sống gắn liền với chiếc máy tính. Ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính gây ra các triệu chứng như kích thích, nhạy cảm với tác nhân bên ngoài, nhìn mờ, ngứa, đỏ mắt, đau cổ, đau đầu. Những tình trạng này là do các tật khúc xạ không được điều chỉnh. Bên cạnh đó, hiện tượng khô mắt là do ít chớp mắt trong khi phòng có điều hòa thường có không khí khô. Tuy nhiên, các triệu chứng không đặc hiệu của hội chứng thị lực máy tính thường không phải là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng về mắt.
Cận thị
Cận thị là tật khúc xạ ảnh hưởng tới trẻ em và người trẻ với 60% các trường hợp là do yếu tố di truyền. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ngồi nhiều giờ trước các thiết bị công nghệ khiến cho tình trạng cận thị trở nên nặng hơn. Trẻ em được khuyên hạn chế sử dụng các thiết bị này để hạn chế sự tiến triển của cận thị. Ở người lớn, sự khởi phát đột ngột hoặc tăng nhanh độ cận có thể là dấu hiệu phát triển đục thủy tinh thể.
Các rối loạn khác
Sử dụng máy tính quá nhiều có thể gây ra các rối loạn khác như béo phì ở thanh thiếu niên do thiếu tập luyện hoặc hội chứng text-neck (hội chứng đau cổ do sử dụng điện thoại di động nhiều). Tư thế xấu khi sử dụng thiết bị công nghệ hàng giờ mà không nhúc nhích có thể dẫn tới thoái hóa cột sống. Sử dụng các thiết bị công nghệ quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển cảm xúc ở thanh thiếu niên.
Biện pháp hạn chế:
• Kiểm tra mắt định kỳ
• Hạn chế thời gian sử dụng máy tính và các thiết bị liên quan
• Sử dụng kính chống chói
• Khuyến khích nghỉ mắt khi sử dụng thiết bị
• Chớp mắt thường xuyên
• Sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn
(An ninh Thủ đô, trang 8).
Những giọt máu nóng vì cộng đồng của thanh niên Công an Thủ đô
Hơn 1.000 thanh niên Công an Thủ đô đã tham gia hiến máu cứu người. Với phương châm một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, đây là hành động cụ thể, thiết thực vì cộng đồng. Trong cái giá lạnh những ngày giáp Tết, những giọt máu nóng, những nụ cười tươi rói như món quà ấm áp đối với những bệnh nhân đang rất cần máu... Sáng 14-1, Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động Hành trình “Thắp lửa tình nguyện – Vì nhân dân phục vụ” lần thứ III, năm 2017 và chương trình Ngày hội hiến máu tình nguyện hưởng ứng Chương trình “Chủ nhật đỏ”.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội; GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; ông Vũ Tiến, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Chủ nhật Đỏ” 2017, dự lễ phát động.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Dịp Tết Nguyên đán sắp tới có thời gian nghỉ tương đối dài. Đây là khoảng thời gian mà các cơ sở y tế tập trung cao độ cho việc chuẩn bị lượng máu dự phòng. Trong dịp này, dự kiến cả nước cần khoảng 125.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị cho người bệnh.
"Chủ nhật đỏ" với nghìn sắc xanh
Hội trường Công an Thành phố Hà Nội chật kín sắc xanh quân phục. Ai cũng hăng hái đăng ký tham gia hiến máu. Dù đây là lần đầu hiến máu, nhưng Thượng sỹ Nguyễn Thị Yến (nữ Cảnh sát Đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động) nở nụ cười tươi rói: “Tôi chỉ nghĩ đến những người bệnh đang rất cần máu đặc biệt là hình ảnh các em nhỏ đáng yêu nhưng không may mắn ở Viện Huyết học truyền máu. Đây chỉ là món quà nhỏ cho các em khi ngày Tết đang đến rất gần”.
Thiếu tá Tống Mạnh Hùng (Phòng Ngoại tuyến, CATP Hà Nội) chia sẻ sau khi hoàn thành lần hiến máu thứ 16: “Tôi chưa bao giờ nghĩ hiến máu nhiều để được tôn vinh. Đây xuất phát từ tấm lòng, muốn được chia sẻ những gì mình có thể với những người kém may mắn trong cuộc sống. Lúc nào còn đủ sức khoẻ tôi còn hiến máu”.
Nhìn những thanh niên Công an Thủ đô náo nức đăng ký hiến máu, ông Vũ Tiến, Phó Tổng biên Tập Báo Tiền Phong xúc động chia sẻ: “Dù trời lạnh nhưng rất đông thanh niên Công an Thủ đô đã hồ hởi tham gia hiến máu. Đây là hoạt động rất thiết thực trong bối cảnh cuối năm rất thiếu máu cứu người”.
Thượng uý Bùi Mạnh Hùng, Phó Bí thư Phụ trách Đoàn Thanh niên Công an Thủ đô cho biết, đây là một trong nhiều phần việc mà thanh niên Công an Thủ đô triển khai để phục vụ nhân dân như: trông xe miễn phí phục vụ nhân dân các dịp tết, lễ hội; trông giữ xe phục vụ nhân dân vui chơi ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm...
“Năm 2017, Đoàn Thanh niên Công an Thủ đô sẽ triển khai nhiều chương trình thiết thực. Bám sát chủ đề "Năm Kỷ cương hành chính” của thành phố, mỗi nụ cười hài lòng, mỗi lời khen ngợi sẽ là căn cứ đánh giá kết quả công việc của các đoàn viên, thanh niên", Thượng uý Bùi Mạnh Hùng nói.
Xung kích vì cộng đồng
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong CATP thường xuyên quan tâm công tác, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ và chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thanh thiếu niên...
Trong đó, Đoàn Thanh niên CATP với vai trò xung kích của tuổi trẻ, không chỉ tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, mà còn là lực lượng đi đầu trong các hoạt động tình nguyện chung sức vì cộng đồng, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết với nhân dân, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ công an Thủ đô văn minh, thân thiện, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ.
Đánh giá việc làm hôm nay của thanh niên Công an Thủ đô là hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thể hiện rõ nét tinh thần của tuổi trẻ, nhất là trong tình hình khan hiếm máu phục vụ công tác cứu chưa người bệnh dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị Đoàn Thanh niên CATP tổ chức hiến máu an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua CATP tham mưu, tổ chức hiệu quả các ngày hội tình nguyện vì cộng đồng, bám sát các nội dung trọng tâm của hành trình, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hành động số 01 của CATP, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017-2025...
Kết thúc buổi lễ, gần 800 đơn vị máu được bảo quản cẩn thận để vận chuyển ngay đến các bệnh viện, nơi mà các bệnh nhân đang chờ đợi... Những giọt máu nóng như tinh thần xung kích của tuổi trẻ luôn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ - vì sự bình yên của Thủ đô. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Cứu người là nghiệp của bác sỹ
Đến với nghề y như một duyên nợ, GS.TS. Phạm Minh Thông, BV Bạch Mai đi từ mơ ước của cậu sinh viên gầy gò là “chữa bệnh cho người nghèo”, đến những người bệnh. Với ông, làm nghề y đơn giản lắm: cứu người (Khoa học & Đời sống, trang 12).
Bệnh viện các tuyến tràn ngập bệnh nhân ung thư
TS.BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc điều hành BV Ung bướu TP. HCM cho biết, năm 2017, dự báo bệnh nhân ung thư đến khám chữa bệnh tại BV này tiếp tục tăng khoảng 10%, tạo sức ép quá tải rất lớn cho bệnh viện. Đây là vấn đề BV rất quan tâm và đã làm việc với một số tỉnh, thành phố khác để rà soát lại vì sao đã có khoa, đơn vị điều trị ung thư tại địa phương nhưng bệnh nhân ở tỉnh vẫn đến BV Ung bướu TP nhiều thì mới thấy hầu như các tuyến đều tràn ngập bệnh nhân”, TS. Dũng nói (Tuổi trẻ, trang 5).
Thanh toán BHYT: Bác sĩ chỉ được khám 45 lượt bệnh nhân/ngày
BHXH TP. HCM vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh BHYT về giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, BHXH TP chỉ thanh toán tiền khám bệnh cho cơ sở y tế theo định mức do BYT qui định là 45 lượt bệnh nhân/bàn khám/ngày (8 giờ làm việc). Trường hợp đột xuất người bệnh đến đông hơn, cơ sở y tế phải bố trí thêm bàn khám, bác sĩ khám hoặc tạm thời tổ chức khám ngoài giờ để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh và phải thông báo cho cơ quan BHXH biết để có cơ sở giám định thanh toán (Tuổi trẻ, trang 2).
Lần đầu tiên cứu sống phụ nữ mang thai trong ổ bụng hiếm gặp
Ngày 14.1, TS-BS Lê Minh Toàn, Trưởng khoa Sản Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết sau 4 ngày tiến hành ca mổ đối với thai phụ mang thai trong ổ bụng, sức khỏe của mẹ con chị N.T.L tiến triển tốt.
Theo TS-BS Lê Minh Toàn, người trực tiếp phẫu thuật, đây là trường hợp mang thai trong ổ bụng (hay còn gọi là thai lạc chỗ) hiếm gặp, cũng là trường hợp lần đầu tiên được cứu sống ở VN.
Thai làm tổ ở sừng tử cung, sau đó lớn dần rồi bám vào ổ bụng; rau thai bám ở mặt ngoài của đáy tử cung, thai được nuôi dưỡng bởi mạch máu thắt lưng buồng trứng và mạch máu động mạch tử cung. Khi có chỉ định phẫu thuật, tiên lượng phẫu thuật khó khăn do rau thai bám vào các cơ quan phủ tạng, nếu xử lý không khéo dễ khiến bệnh nhân tử vong.
Trước đó, do quá trình phát triển thai nhi khác thường và bị đau bụng nên chị L.(30 tuổi, trú xã Hương Vinh, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được chỉ định nhập viện tại Bệnh viện T.Ư Huế ngày 29.10.2016. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ xác định chị L. mang thai trong ổ bụng được 38 tuần, ngôi ngang, cạn ối; thai đã đủ tháng nên chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Ngày 10.1, ca phẫu thuật được tiến hành, kéo dài 3 giờ; kết quả, bé gái nặng 3 kg đã chào đời lành lặn (là con thứ 3). Sau ca phẫu thuật, cháu bé được chuyển đến Trung tâm Nhi, Bệnh viện T.Ư Huế để tiếp tục chăm sóc đặc biệt, còn chị L. được chuyển đến điều trị tại khoa gây mê hồi sức A của bệnh viện. (Thanh niên, trang 5).