Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/3/2021

  • |
T5g.org.vn - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì; Hơn 120 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới; Thêm 4.793 người được tiêm vắc xin Covid-19 an toàn…

 

30 ngày, 10 địa phương không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong ngày 14-3 nước ta chỉ ghi nhận một ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh, là người bệnh thứ 2.554 ở Việt Nam. Người bệnh 2.554, 46 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Nhật Bản, từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đáng chú ý, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố một tháng qua không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội qua 26 ngày, Hải Phòng qua 19 ngày không có ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng.

Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: tối 13-3, tại thị xã Đông Triều có ghi nhận một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại TP Chí Linh (Hải Dương) trở về Đông Triều. Người này đã được lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đưa về cách ly, điều trị theo quy định. Người bệnh có địa chỉ thường trú tại thôn Bắc Mã, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, là công nhân tại Công ty Poyun (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Bệnh nhân là F1 của trường hợp dương tính cũng làm việc tại Công ty Poyun. Trong quá trình cách ly tại nhà, người bệnh không tiếp xúc với ai ngoài người trong gia đình. Thị xã Đông Triều đã chủ động điều tra, truy vết những người có yếu tố dịch tễ với người bệnh và chuyển các trường hợp này vào cơ sở cách ly tập trung để theo dõi, do đó không có khả năng lây ra cộng đồng. Thị xã Đông Triều yêu cầu những người hết cách ly tập trung từ Hải Dương về sẽ tiếp tục cách ly tại trung tâm cách ly của thị xã để theo dõi tiếp.

UBND thành phố Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng đối với năm người trốn cách ly y tế. Những người này được yêu cầu cách ly y tế tại nhà nhưng vẫn đến công ty để làm việc. Mỗi người bị xử phạt 7,5 triệu đồng. (Nhân dân, trang 8)

 

Hơn 120 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới

Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 14-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 120,03 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 96,57 triệu ca đã hồi phục và 2.658.861 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 430 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 7.800 ca.

Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 30,04 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ này ghi nhận gần 50 nghìn ca nhiễm và gần 1.000 ca tử vong.

Brazil và Ấn Độ đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 11,43 triệu ca nhiễm và hơn 11,35 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Vương quốc Anh và Nga với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 4,38 triệu ca nhiễm và hơn 4,25 triệu ca nhiễm.

Theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 36,12 triệu ca mắc và 854.314 ca đã tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với hơn 34,51 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 790.152 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 26,07 triệu ca nhiễm và 409.215 ca tử vong

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn dẫn đầu về tổng số ca nhiễm Covid-19. Theo Worldometers.info tính đến 9 giờ (giờ Việt Nam) cùng ngày, quốc gia này ghi nhận hơn 4.600 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,41 triệu ca. Tiếp đến là Philippines với tổng số ca nhiễm ghi nhận là 616.611 ca.

Theo TTXVN, ngày 13-3, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cảnh báo tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại nước này là rất cao, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh, trong khi tình hình dịch bệnh đã lan ra gần một nửa tổng số tỉnh/thành tại Campuchia.

Bà Or Vandine kêu gọi toàn thể người dân Campuchia thận trọng bởi không thể dự đoán trước dịch sẽ bùng phát tiếp tại khu vực nào, đặc biệt là tại Phnom Penh.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia đề nghị người dân ở nhà, không di chuyển từ điểm này sang điểm khác, không tham gia các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, tiệc mừng hay các hoạt động tôn giáo khác không cấp thiết bởi cần hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Liên quan đến tình hình thông tin về dịch Covid-19, Bộ Thông tin Campuchia ngày 13-3 ra thông báo thu hồi giấy phép hoạt động của 2 website đưa tin giả (fake news) về tình hình dịch bệnh. Thông báo từ Bộ Thông tin Campuchia khẳng định đây là hai trang web đưa tin sai sự thật, có thể gây rối loạn trật tự xã hội tại Campuchia.

Hiện tổng số ca Covid-19 tại Campuchia tăng lên 1.264 người, trong đó một trường hợp tử vong. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt mốc 120 triệu người”

 

Một trường hợp xét nghiệm lần 9 mới dương tính với virus SARS-CoV-2

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về trường hợp một công nhân tại Công ty POYUN (ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau khi hết cách ly về nhà tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh lại dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chiều tối 14-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước chỉ thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 2.554) là chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh được cách ly, điều trị tại TPHCM.

Tới tối cùng ngày, số người mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước vẫn là 1.594 trường hợp, trong đó số ca mắc tính từ ngày 27-1 tới nay là 901 ca. Cả nước đã có 2.086 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 187 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về trường hợp một công nhân tại Công ty POYUN (ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau khi hết cách ly về nhà tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh lại dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đây là F1 của trường hợp dương tính cũng làm việc tại Công ty POYUN. Từ ngày 29-1 đến 12-3, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Trung đoàn 125 (ở TP Chí Linh). Ngày 29-1 đến 24-2, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 8 lần, tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong thời gian cách ly tập trung, cùng phòng bệnh nhân có một số ca dương tính, do đó thời gian cách ly tập trung của bệnh nhân được kéo dài hơn.

Lần gần nhất ghi nhận ca dương tính ở cùng phòng bệnh nhân là ngày 24-2. Cùng thời điểm đó, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 8.

Ngày 7-3, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, tức ngực, đau người, mỏi cơ, tiêu chảy. Ngày 10-3, bệnh nhân được CDC tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 9 khi đủ thời gian cách ly 14 ngày và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trước khi nhận kết quả dương tính, bệnh nhân đã được cơ sở cách ly tại TP Chí Linh quyết định công nhận hết cách ly tập trung và được bàn giao cho thị xã Đông Triều vào lúc 17 giờ ngày 12-3. Hiện bệnh nhân được đưa về TP Chí Linh, Hải Dương điều trị.

Lý giải về trường hợp công nhân này, PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu. Trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường vì thời điểm lấy mẫu bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh nên chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm. Một số chuyên gia khác cho biết thêm, bệnh nhân xét nghiệm âm tính tức là trong dịch họng không tìm thấy virus nên tại thời điểm đó không lây cho người khác. Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân phát bệnh thì sẽ có khả năng lây cho người khác. Vì vậy, trong trường hợp F1 âm tính vẫn cần cách ly tập trung vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành F0.

* Cùng ngày, Tiểu ban điều trị cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 thứ 1.536 đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã tiến triển tốt. Đây là ca bệnh nặng nhất Việt Nam, nặng hơn cả bệnh nhân thứ 91 (nam phi công người Anh). Bệnh nhân nặng khác (ca thứ 1.823) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cũng có nhiều tiến triển về sức khỏe.

Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, tính đến hết ngày 13-3, tại 12 tỉnh thành đã có 10.041 người được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Hầu hết sức khỏe của những người được tiêm chủng đều ổn định, không có tai biến nguy hiểm.

* Hôm nay 15-3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, vaccine Covid-19 Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, sản xuất sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người tình nguyện. Đây cũng là vaccine Covid-19 thứ 2 của Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được đưa vào thử nghiệm trên người.

Theo PGS-TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong ngày đầu tiên thử nghiệm lâm sàng sẽ có 6/120 tình nguyện viên được tiêm vaccine Covivac. Các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Covivac ở độ tuổi từ 18-59, có sức khỏe, cân nặng chiều cao phù hợp với việc thử nghiệm và cư trú ở Hà Nội. Khoảng 8 ngày sau sẽ tiến hành tiêm cho các tình nguyện viên tiếp theo. Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

* Trong đêm 13-3 và sáng 14-3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành 2 đợt tiếp nhận với tổng cộng 375 công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc để cách ly y tế tập trung tại Khu nhà ở sinh viên (phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), trong đó có 239 nam, 136 nữ (có 37 trẻ em dưới 2 tuổi và 9 phụ nữ mang thai).. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Xác minh việc chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên

Chiều 14-3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Công an tỉnh, Sở Y tế và các huyện, thành phố trên địa bàn, đề nghị dừng việc mời và cấp phép cho ông Võ Hoàng Yên về khám chữa bệnh tại tỉnh Quảng Ngãi.

Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Y tế tỉnh khẩn trương phối hợp cùng UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đánh giá hiệu quả, tính khoa học trong việc khám chữa bệnh của ông Yên và cộng sự tại huyện Bình Sơn vào tháng 7-2020; báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 20-3.

Về vấn đề này, ngày 14-3, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết Công an huyện Bình Sơn đang xác minh hiệu quả khám chữa bệnh của lương y Võ Hoàng Yên cho người dân tại địa phương vào tháng 7-2020. Công an huyện Bình Sơn đã làm việc với 12 hộ dân từng có người nhà khám chữa các loại bệnh như teo cơ, câm điếc bẩm sinh, viêm xoang… Tất cả các gia đình này đều cho rằng việc chữa bệnh của ông Yên không mang lại hiệu quả gì.

Tháng 7-2020, nghe ông Võ Hoàng Yên có thể chữa trị được các căn bệnh như câm điếc bẩm sinh, bại liệt, xương khớp… nên huyện Bình Sơn mời ông này về chữa bệnh miễn phí cho gần 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Việc mời ông Yên được Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn và nhiều sở ngành chuyên môn của tỉnh Quảng Ngãi thông qua, đồng ý.

Tuy nhiên, khi có nhiều thông tin về việc ông Yên bị tố cáo lừa đảo, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Công an huyện Bình Sơn điều tra, xác minh hiệu quả, tính khoa học trong việc khám chữa bệnh của ông Yên. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Kích hoạt “hộ chiếu vắc xin”?

Một số điểm du lịch hấp dẫn tại Đông Nam Á đang dần mở cửa đón khách trở lại.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nhưng việc có nên áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, mở cửa đón du khách vẫn còn nhiều e ngại.

Các nước rục rịch “tính kế” mở cửa

Ngay sau khi số ca mắc Covid-19 tại “thiên đường du lịch” Bali (Indonesia) có dấu hiệu giảm mạnh trong vài tuần, chính phủ nước này đã có kế hoạch mở cửa trở lại du lịch Bali khi tiến hành xây dựng các quy tắc, quy định cho hoạt động du lịch tại hòn đảo này, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại thiên đường du lịch Bali và một số điểm du lịch khác thông qua chương trình "Hành lang không Covid-19". Theo đó, bộ này kêu gọi chính phủ nghiên cứu khả năng mở cửa trở lại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp cho khách du lịch, trong đó có du khách nước ngoài. Theo kế hoạch, các “vùng xanh” cho khách du lịch từ một số quốc gia (trong đó có Trung Quốc, Singapore) sẽ được thiết lập tại Bali gồm Nusa Dua, Ubud và có thể được mở rộng đến Nusa Penida cùng một số khu vực khác.

Trong khi đó, Singapore cũng mở cửa biên giới và đàm phán thỏa thuận đi lại song phương với các quốc gia an toàn. Chính quyền đảo quốc sư tử đã có thỏa thuận nới lỏng các hạn chế và thiết lập "bong bóng du lịch bằng đường hàng không" (Air Travel Bubble), đồng thời ban hành chính sách "Thẻ thông hành hàng không" (Air Travel Pass) cho phép khách du lịch từ những quốc gia an toàn, có thể nhập cảnh với mục đích du lịch - giải trí trong ngắn hạn mà không cần cách ly tại nhà. Mới nhất, Singapore vừa đưa vào hoạt động Trung tâm hội nghị Connect@Changi nhằm tạo điều kiện cho du khách đến công tác gặp được nhau thay vì phải chờ đến hết thời gian cách ly, bước đầu khôi phục tổ chức các sự kiện MICE (du lịch kết hợp với hội họp, khen thưởng, triển lãm và sự kiện).

Không chịu kém cạnh, một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đang phát động chiến dịch "Mở cửa Thái Lan an toàn" nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1.7 tới. Thủ tướng Thái Lan cho biết nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng "hộ chiếu vắc xin" để chuẩn bị sử dụng trong tương lai.

Không chỉ các nước Đông Nam Á, các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha và nhiều nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch cũng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để mau chóng mở cửa lại thị trường du lịch. Điển hình, Israel - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới - đã xúc tiến thực hiện cung cấp “hộ chiếu vắc xin” cho người dân và quy định những người đã tiêm phòng được đến các khách sạn, phòng tập thể thao.

Tìm “cửa hẹp” mở du lịch quốc tế

Tại Việt Nam, mặc dù tình hình kiểm soát dịch bệnh đã khá ổn định, các hoạt động dịch vụ, thương mại đã dần trở lại bình thường tại hầu khắp các địa phương, du lịch nội địa vẫn liên tục được xúc tiến, khuyến khích nhưng vấn đề mở cửa cho du khách quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ.

Văn phòng Chính phủ hôm 5.3 vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá đề xuất của TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), về vấn đề mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vắc xin Covid-19 để làm tiền đề nâng cao vị thế du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề trở ngại về cơ sở pháp lý và công nghệ đối với việc đưa “hộ chiếu vắc xin” vào thực tiễn.

Đề xuất triển khai “hộ chiếu vắc xin” của ông Lương Hoài Nam xuất phát từ nhận định: Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mất nhiều năm để khôi phục trở lại mức trước đại dịch, có thể từ 3 - 5 năm. Đối với Việt Nam, công suất hệ thống lưu trú và nguồn nhân lực của các doanh nghiệp du lịch Việt đã được đầu tư, chuẩn bị đủ để phục vụ 20 triệu lượt du khách quốc tế, nhưng nguồn khách này bị mất gần hết do Covid-19, trong khi bản thân thị trường du lịch nội địa cũng bị sụt giảm 1/3 so với trước dịch, không thể hy vọng du lịch nội địa bù đắp được cho du lịch quốc tế.

Mặt khác, trong cuộc chiến chống Covid-19, khái niệm “vùng an toàn” thay đổi theo thời gian. Trước khi có vắc xin, “vùng an toàn” là nơi có ít dịch (như Việt Nam). Từ khi có vắc xin, “vùng an toàn” lại là nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin cao (như Israel, sắp tới là Mỹ, châu Âu). Việt Nam không nên chậm chân với việc chào đón du khách đến từ các “vùng an toàn”, cũng như với việc người Việt Nam đi đến các “vùng an toàn”.

“Việt Nam chống dịch tốt và điều đó cần được chuyển hóa thành các lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế, trong đó có việc phục hồi và phát triển các dịch vụ du lịch, hàng không. Cần tìm kiếm các “cửa hẹp” để sớm khai thác du lịch quốc tế. “Hộ chiếu vắc xin” là một “cửa hẹp” khi số lượng ban đầu còn chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ trở thành “cửa rộng” theo tiến độ tiêm vắc xin trên thế giới. Sẽ đến lúc số người có “hộ chiếu vắc xin” trở thành đa số áp đảo ở các nước. Nhằm vào những người đã tiêm chủng để khai thác du lịch quốc tế chính là nhằm vào các đối tượng khách hàng chính trong tương lai”, ông Lương Hoài Nam nêu quan điểm.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết đơn vị này đang bàn biện pháp từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế nhưng sẽ không mở cửa ồ ạt mà sẽ phải xem xét, cân nhắc kỹ những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, lượng khách, hình thức tour trọn gói, các yếu tố về y tế như tiêm vắc xin, cách ly, phạm vi độc lập của các khu du lịch nghỉ dưỡng… Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang xây dựng đề án trình Chính phủ giao cho đơn vị này làm thí điểm đón khách quốc tế trong thời điểm thích hợp. Hiệp hội sẽ mời các công ty lớn tham dự vào dự án, đồng thời sẽ phối hợp với các bộ ngành về vấn đề này.

Thận trọng để không “lọt dịch”

“Hộ chiếu vắc xin” có thể trở thành “liều doping” cứu ngành du lịch, hàng không sau 1 năm kinh hoàng hứng đòn Covid-19. Song, hiệu quả của vắc xin đến giờ vẫn chưa được thống nhất, kéo theo nhiều lo ngại về vấn đề an toàn, kiểm soát dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do vì hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu còn hạn chế. Trong số những trường hợp xin nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo quy định hiện hành, những trường hợp này vẫn phải cách ly 14 ngày và xét nghiệm 2 lần như bình thường.

Khẳng định mở cửa du lịch quốc tế là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp nhằm vực dậy thị trường, hồi phục kinh tế, tuy nhiên, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lưu ý “hộ chiếu vắc xin” chỉ phát huy hiệu quả nếu đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất, khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm thiểu tối đa rủi ro. Thứ hai, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ để đảm bảo khách khi đã được xét nghiệm bên nước sở tại, vào Việt Nam có thể yên tâm. Không đồng bộ thì vẫn có khả năng xảy ra để lọt nguồn lây nhiễm bệnh qua đường du lịch. Thứ ba, một khi đã đón thị trường quốc tế, phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.

“Cần nghiên cứu, cơ cấu, làm mới sản phẩm, làm sản phẩm mới, đào tạo lại đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp... Mở ra mà không đáp ứng được nhu cầu của khách thì không thể thực hiện trọn vẹn mong muốn từ “hộ chiếu vắc xin”, ông Lương nhấn mạnh. (Thanh niên, trang 1)

 

Thêm 4.793 người được tiêm vắc xin Covid-19 an toàn

Đến sáng 14.3, 10.041 người thuộc nhóm ưu tiên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 12 tỉnh, thành. Riêng trong ngày 13.3, có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vắc xin này

Ngày 14.3, Bộ Y tế thông báo ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, là bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.554 tại Việt Nam.

BN 2554 (nam, 46 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Nhật Bản) từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 10.3, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM. Hiện BN 2554 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM).

Bộ Y tế cho biết đến sáng 14.3, 10.041 người thuộc nhóm ưu tiên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 12 tỉnh, thành. Riêng trong ngày 13.3, có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vắc xin này. Trong ngày 13.3 không ghi nhận các ca phản ứng nặng sau tiêm. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Hơn 10 nghìn người ở 12 tỉnh, thành đã tiêm chủng vaccine COVID-19”

 

Bắt đầu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 thứ 2

Sáng 15/3, Covivac, vắc-xin phòng COVID-19 do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, được thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gồm 120 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-59, được tiêm 2 mũi/0,5ml cách nhau 28 ngày. Covivac là loại vắc-xin phòng COVID-19 “Made in Vietnam” thứ 2 được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng (sau Nano Covax của công ty Nanogen đang được tiêm thử nghiệm giai đoạn 2).

Người trẻ nhiệt tình hưởng ứng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 14/3, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho hay, nhóm 6 người đầu tiên sẽ được tham gia thử nghiệm vắc-xin sáng nay (15/3) gồm 2 nhóm từ 18-39 tuổi và từ 40-59 tuổi, tỷ lệ nam-nữ cân bằng nhau. “Đợt này, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, đặc biệt là giới trẻ từ 18-39 tuổi, các bạn đăng ký rất nhiều. Nhưng lượng người đăng ký 40-59 tuổi hạn chế hơn vì họ không sắp xếp được thời gian ở lại theo dõi sau tiêm 24 giờ. Hiện nay, chúng tôi đã thu nhận được 35 người từ 40-59 tuổi, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhóm nam nữ 18-39 tuổi đạt tiêu chuẩn rất nhiều, khoảng 50 người”, ông Thiểm nói.

Vì sao chỉ chọn tiêm thử nghiệm 6 người cho những mũi tiêm đầu tiên? Ông Thiểm giải thích: “Ban đầu, chúng tôi chọn 6 người để hoàn chỉnh lại quy trình tiêm, đồng thời thăm dò vì khi tiêm ít có thể có đủ điều kiện theo dõi, giám sát chặt chẽ. Từ 6 người này, sau 8 ngày khám lại xem sức khỏe của họ thế nào rồi mới tiêm nhiều hơn. Đợt sau dự kiến tiêm khoảng 15 người/đợt do cơ sở chỉ có thể bố trí được từng đó người theo dõi qua đêm. Nếu đủ cơ sở vật chất để theo dõi người tiêm thử trong 24 giờ, chúng tôi có thể tiêm cho 30-40 người/đợt mà không gặp khó khăn gì. Để chuẩn bị cho một đợt tiêm thế này, chúng tôi bố trí khoảng 30 nhân viên y tế trở lên để hoàn chỉnh cả quy trình”.

Hiện nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng Covivac cho giai đoạn đầu. Dự kiến, khi hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm cho nhóm thứ hai vào 9 ngày sau đó (dự kiến vào ngày 24/3). Việc tiêm chủng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, do Viện vệ sinh Dịch tễ T.Ư đóng vai trò thử nghiệm chính.

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, khẳng định, kết quả đánh giá bước đầu trên động vật thí nghiệm tại Mỹ cho thấy vắc-xin này có hiệu quả với biến chủng của SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi. Ông Thái cho biết, dự kiến, giai đoạn 1 tiêm 120 đối tượng chia làm 4 nhóm, trong đó có nhóm tiêm Covivac, có nhóm tiêm giả dược (chứa một thành phần tá dược có trong vắc-xin này). Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu từ tháng 7 sau khi có kết quả của giai đoạn 1 cũng như có kết quả sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc-xin. “Một người sau 2 tuần là có thể sinh miễn dịch, nhưng đây là quá trình thử nghiệm nên chúng tôi phải đợi tiêm hết cho tất cả những người tình nguyện rồi mới đánh giá kết quả. Quá trình tiêm rải rác theo từng đợt, sau đó đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch, rồi tổng hợp kết quả, phân tích số liệu để báo cáo lên Bộ Y tế. Quá trình này mất khoảng 3 tháng rồi mới bắt đầu giai đoạn 3”, ông nói.

Covivac được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Covivac được IVAC nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã qua nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người.

Hơn 10.000 người đã được tiêm chủng

Liên quan vắc-xin phòng đại dịch, Bộ Y tế cho biết, trong ngày thứ 6 triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca, cả nước có thêm gần 4.800 người được tiêm, nâng tổng số lên hơn 10.000. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, và thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. Một số cơ sở y tế tạm ngừng tiêm chủng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần này.

Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn và Nam Thành; các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3. Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, ngày 13/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm AstraZeneca. (Tiền phong, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Hôm nay (15-3), vắc-xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm trên người”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Sáng 15/3, Việt Nam chính thức thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVIVAC phòng COVID-19”; Lao động, trang 1: “Tiêm vaccine COVID-19 “made in Viet Nam” thứ 2 cho 120 người tình nguyện”

 

''Vắc xin + 5K'' - chiến lược lâu dài

Vắc xin đang thắp sáng niềm hy vọng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Ở Việt Nam, những liều vắc xin đầu tiên đã được tiêm cho các y, bác sĩ - những chiến sĩ trên tuyến đầu thực hiện sứ mệnh ngăn chặn, tiêu diệt vi rút SARS-CoV-2. Trong một chiến lược dài hơi phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ cũng xác định mục tiêu quan trọng là bao phủ vắc xin cho người dân Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu quan trọng này, nước ta đang tích cực đàm phán mua thêm vắc xin từ nước ngoài, đồng thời tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vắc xin trong nước. Đến nay, Việt Nam có 3 ứng viên vắc xin, trong đó 1 loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một, cho kết quả tốt và đang tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn hai… Đây là tin tốt lành cho người dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường và phức tạp…

Vắc xin có thể được coi như "tấm khiên", là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp chúng ta chống đỡ vi rút, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Song, ở thời điểm này còn quá sớm để khẳng định “tấm khiên” ấy sẽ nhanh chóng kết thúc được đại dịch. Và có một điều chắc chắn rằng, “chìa khóa” trong cuộc chiến cam go chống lại vi rút SARS-CoV-2 không chỉ nằm ở vắc xin…

Chính vì vậy, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 24-2-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chiến lược để đẩy lùi dịch là “vắc xin + 5K” và nhấn mạnh không vì vắc xin mà chúng ta lơ là, chủ quan.

Nhiều thông tin được ngành Y tế xác thực để chúng ta không thể chủ quan trước dịch bệnh, ngay cả khi có vắc xin. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 5-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo các nghiên cứu, vắc xin Pfizer đạt hiệu quả trên 90%; hiệu quả mũi 1, mũi 2 của vắc xin AstraZeneca lần lượt là 76% và 81%... Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định, vắc xin không thể bảo đảm phòng dịch 100%. Trong khi đó, còn một khó khăn khác, đó là việc tiếp cận vắc xin “không phải trong một sớm, một chiều”, mà đòi hỏi quá trình lâu dài do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế. Do đó, việc bảo đảm đủ vắc xin Covid-19 ngay lập tức là không thể…

Ở một phân tích rộng hơn, chuyên gia về dịch tễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu đưa ra thông tin đáng chú ý, những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh thời gian qua được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của vi rút, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vắc xin. Trong đó ông nhấn mạnh yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Phân tích như vậy để thấy, song hành với tiêm phòng vắc xin phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng và thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) - đó là cách chống đại dịch tối ưu lúc này.

Vì vậy, tinh thần và chiến lược xuyên suốt là chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Nói cụ thể hơn, chúng ta cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những quyết sách đúng đắn đã đưa Việt Nam trở thành “ngọn hải đăng” về phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Thực tiễn từ khi dịch bệnh diễn ra đến nay, chúng ta đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả. Đó là huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch. Ở mọi cơ quan, đơn vị, khu dân cư, nơi công cộng, nhà máy, chợ, bến xe…, hầu hết mọi người dân đều thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone” trên điện thoại di động được đông đảo người dân hưởng ứng, cài đặt để bảo vệ cộng đồng. Chúng ta cũng thực hiện biện pháp “bao chặt bên ngoài”, bên trong luôn đề cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh và triển khai triệt để việc phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn khi có ca mắc Covid-19… Và hơn hết, từ công tác phòng, chống dịch cho thấy sức mạnh tinh thần, sự gắn kết, tôn trọng cộng đồng của mỗi người dân là yếu tố cốt lõi để cùng nhau tạo nên lá chắn vững chãi trước vi rút gây bệnh.

Nước ta hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Trong lúc Việt Nam đang dần xác lập một trạng thái bình thường mới, không một ai được quên những bài học về sức khỏe cộng đồng. Thực hiện tốt thông điệp “vắc xin + 5K”, sử dụng thật hiệu quả nguồn vắc xin đồng thời duy trì ý thức phòng ngừa cao ở mỗi người và cả cộng đồng sẽ tiếp tục là chiến lược căn bản, lâu dài để triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. (Hà Nội mới, trang 2)

 

Không để phát sinh ổ dịch tại bệnh viện

Tính từ ngày 16-2 đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, nguy cơ ca bệnh mới xuất hiện và lây lan luôn hiện hữu, nhất là ở những cơ sở y tế, bệnh viện. Với quyết tâm không để phát sinh ổ dịch trong bệnh viện, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, ra quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của nhiều cơ sở không bảo đảm an toàn phòng dịch.

6 ngày đình chỉ hoạt động 2 phòng khám

Hơn 1 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp cho Bệnh viện Thanh Nhàn có thêm kinh nghiệm, phương pháp ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, lối ra, vào được bệnh viện bố trí theo quy trình 1 chiều. Khi bước vào cổng, người dân lập tức được kiểm tra thân nhiệt, sau đó di chuyển đến một trong 4 bàn kiểm tra việc khai báo y tế tại khu vực sàng lọc người bệnh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, bệnh viện đã bỏ việc khai báo y tế trên giấy, thay vào đó là phần mềm khai báo y tế ứng dụng QR-Code. Người dân trước khi đến bệnh viện có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR-Code để khai báo y tế. Như vậy, vừa tiết kiệm thời gian cho người bệnh, vừa giảm nhân lực bệnh viện so với khai báo y tế trên giấy trước đây. Hơn nữa, bệnh viện cũng nắm rõ tiền sử dịch tễ của người bệnh, bảo đảm việc sàng lọc hiệu quả hơn.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận từ 1.300 đến 1.400 người đến khám và khoảng 1.200 bệnh nhân nội trú. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, tại bệnh viện có những bệnh nhân rất nặng, mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm, nếu nhiễm thêm vi rút SARS-CoV-2, thì nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khu vực sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 được bố trí tách biệt hoàn toàn với khu điều trị người bệnh. Khi có bệnh nhân nghi ngờ sẽ xét nghiệm, điều trị luôn tại đây, không đưa vào phía trong bệnh viện, tránh việc lây nhiễm chéo.

Tương tự, với 42 khoa, phòng, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.800-2.000 người dân đến khám và điều trị, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đặt lên hàng đầu. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, không chỉ thường xuyên đánh giá các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, bệnh viện còn tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế. Qua kiểm tra cho thấy, các bệnh viện công lập triển khai công tác phòng, chống dịch bài bản và nghiêm túc hơn các cơ sở y tế tư nhân. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 5 đến 10-3), Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám đa khoa trực thuộc Công ty TNHH Dịch vụ y tế An Thịnh (số 58 phố Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và phòng khám đa khoa ở số 77E phố Hai Bà Trưng (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì không bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, đánh giá bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, bộ 37 tiêu chí bệnh viện an toàn chống dịch Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp. Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh song cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Chính vì vậy, khi đánh giá chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế tập trung vào “chấm điểm” nhiệm vụ chống dịch.

Để kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của bệnh viện. Vì vậy, tại các bệnh viện phải duy trì, siết chặt việc quản lý người ra, vào. Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường kiểm tra công tác này tại các bệnh viện, phòng khám. Nếu nơi nào lơ là, không tuân thủ biện pháp phòng dịch sẽ cho dừng hoạt động, kiên quyết xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Hơn 83% người bệnh mắc SARS-CoV-2 không có triệu chứng lâm sàng, do đó, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Đào Quang Minh cũng cho rằng, công tác sàng lọc người bệnh là vô cùng quan trọng. Nhân viên y tế phải hỏi rất kỹ tiền sử dịch tễ đi lại của người nhập viện. Nếu có ca nghi ngờ, đi về từ vùng dịch phải đưa ngay họ vào khu sàng lọc, chụp tim phổi, xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. “Để triển khai tốt việc sàng lọc, chúng tôi rất mong muốn người dân tích cực hợp tác, khai báo trung thực tiền sử dịch tễ của mình để cùng bệnh viện chung tay chống dịch”, ông Đào Quang Minh nói. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Các bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng đã tiến triển ngoạn mục

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19, đến sáng ngày 14/3, sức khoẻ các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng ở nước ta đã có nhiều tiến triển, đặc biệt BN1536- vốn nặng hơn cả BN 91- nam phi công người Anh đã tiến triển ngoạn mục. Các bệnh nhân này nhiều lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất. Dù bệnh nhân này đã dừng ECMO 18 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.

Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục. Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng...

BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đến nay BN1536 đã 6 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 liên tục. Lần gần nhất là ngày 11/3.

BN 1536 (79 tuổi), từ Mỹ quá cảnh Sân bay Incheon (Hàn Quốc), sau đó nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 13/ 1. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 14/1.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, suy tim,

Ngày 19/1, bệnh nhân bắt đầu có suy hô hấp và đến ngày 21/1 phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO. Bệnh nhân đã được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn quốc gia điều trị 6 lần.

Trường hợp nặng khác là BN 1823 (65 tuổi) đang điều trị tại BV Nhiệt Đới TW cơ sở 2 đã có nhiều tiến triển về sức khoẻ.

Nam bệnh nhân đã ngừng ECMO ngày thứ 2 thành công (các bác sĩ đã can thiệp ECMO cho bệnh nhân này 27 ngày), hiện bệnh nhân thở máy với PEE 6 FiO2 40%; SPO2 bn 93-96%. Khí máu pH 7.37; PCO2 48, PO2 78. Tình hình huyết động và chức năng các cơ quan khác khá ổn.

Bệnh nhân tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.

BN 1823 đã có kết qủa xét nghiệm 4 lần âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2. Lần gần nhất là ngày 9/3.

Trước đó, nam bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 1/2. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên nền đái tháo đường, tăng huyết áp.

Trường hợp BN 2332- vốn là bệnh nhân rất nặng điều trị tại BV dã chiến số 2- Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, hiện đã tự thở khí phòng, có thể tự đi lại, sinh hoạt, không cần sự trợ giúp của y bác sĩ.

Sau gần một tháng điều trị, hiện bệnh nhân đã hết sốt được 14 ngày, các xét nghiệm trở về bình thường, tổn thương phổi cải thiện rất tốt. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 của bệnh nhân này 2 lần gần đây đã âm tính liên tục.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện điều trị (ngày 18/2). Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở máy không xâm nhập, tiên lượng rất nặng, chỉ số nồng độ bão hòa oxy trong máu chỉ 70%. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng thở máy không xâm nhập, phải đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị tại phòng Hồi sức tích cực (ICU).

Bệnh nhân dùng thuốc an thần, lọc máu, phổi đông đặc hai bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi do COVID-19 biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển).

Tiểu ban Điều trị đã huy động các chuyên gia của BV Bạch Mai đến hỗ trợ điều trị. Đồng thời các chuyên gia hàng đầu của Tiểu ban Điều trị đã hội chẩn Quốc gia về tình trạng sức khỏe của nam bệnh nhân ngày 19/2.

Sau 3 ngày hội chẩn và các bác sĩ điều trị tích cực, hiện bệnh nhân này đã có nhiều tiến triển tốt. Sáng 23/2, bệnh nhân rút ống nội khí quản. Ngày 25/2, bệnh nhân bắt đầu tập đi. Đến chiều 7/3, người bệnh đã được ch uyển từ Khoa Hồi sức xuống Khoa Nội - Truyền Nhiễm để điều trị.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 4: “Cứu sống 2 bệnh nhân COVID-19 nặng nhất”

 

Thực hiện chủng ngừa vắc-xin COVID-19 theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả... Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả... Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy.

Hơn 10.000 người Việt Nam đã tiêm vắc-xin COVID-19

Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng ngày 14/3, cả nước đã có 10.041 người tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, riêng trong ngày 13/3 có 4.793 người được tiêm chủng, không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Trong số 10.041 người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19, tỉnh Hải Dương tiêm nhiều nhất: 6.287 người; tiếp đến là Hưng Yên 840 người; Bắc Giang 823 người; TP. Hồ Chí Minh 774 người; Bắc Ninh 312 người; Hải Phòng 205 người; Gia Lai 200 người; Long An 193 người; TP. Hà Nội 163 người; TP. Đà Nẵng 117 người; Khánh Hòa 95 người và Hòa Bình 35 người.

Đến nay, có 12 trường hợp phản ứng phản vệ độ II sau tiêm ghi nhận tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; tại BV Dã chiến Gia Lai và tại BV Hữu Nghị Việt Tiệp - Hải Phòng cơ sở 2 như nổi mề đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản)... Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này hiện đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày sau đó.

GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Việc triển khai tiêm chủng thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn

Liên quan đến công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở Việt Nam, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra cuối tuần qua, đề cập về thông tin đã xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin của AstraZeneca tại một số nước châu Âu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các chuyên gia, nhà khoa học, các thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và các quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vắc-xin của AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. “Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm. Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin của AstrazZeneca.

Người dân khai báo đầy đủ về tiền sử dị ứng và bệnh đang mắc cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe

Công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình Tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa vắc-xin vào triển khai tiêm, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur.

Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Việc xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng. Thông tin về kết quả triển khai và tình hình phản ứng sau tiêm chủng được cập nhật và báo cáo hàng ngày. Như vậy, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được thực hiện nghiêm túc tại tất cả các điểm tiêm chủng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ về tiền sử dị ứng và các bệnh đang mắc cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vì sức khỏe của bạn, những người thân yêu. Hãy chung tay bảo vệ mình và cộng đồng trước đại dịch COVID-19    

Từng bước chuẩn bị cho chính sách “hộ chiếu vắc-xin”

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cuối tuần qua, phân tích chính sách “hộ chiếu vắc-xin” của một số nước, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT… hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật vào khoảng tháng 4/2021, căn cứ vào đánh giá mức độ an toàn của từng loại vắc-xin phòng COVID-19, từng nước để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ mục tiêu kép trong nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, chiều ngày 12/3, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân lần thứ 13 cho PGS.TS Lương Ngọc Khuê và 3 đồng chí cán bộ Bộ Y tế đã nghỉ hưu

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2013-2017.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế     Ảnh: Trần Minh

Cũng tại buổi lễ, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, GS. TS Nguyễn Thanh Long đã trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân lần thứ 13 cho 4 cá nhân đã và đang công tác tại Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang