Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/10/2020

  • |
T5g.org.vn - Miễn dịch cộng đồng phải đi cùng với văcxin; Kiểm soát chặt người nhập cảnh vào Việt Nam; Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2…

 

Không chủ quan với dịch Covid-19

Đã qua hơn 40 ngày nước ta không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 70 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước, lại là cửa ngõ giao thương với quốc tế, TP Hồ Chí Minh có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài, nếu chủ quan.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thường xuyên nhắc nhở không được chủ quan với dịch bệnh này. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có công văn đề nghị các cơ quan, ban, ngành và các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; trong đó, yêu cầu mọi người khi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang.

Thực tế, vẫn có một số người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tại công viên, chợ, siêu thị hay tại bến xe, trên xe buýt…, vẫn có người không đeo khẩu trang. Theo quy định của thành phố, từ ngày 5-8, người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt.

Bên cạnh những người thiếu ý thức phòng, chống dịch Covid-19, thành phố còn có những thách thức khác như tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Có những trường hợp lực lượng chức năng phải vào tận khu phố, vào từng nhà mới phát hiện. Để kiểm soát tình hình, Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh trái phép để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19. Nhưng nhìn lại những hậu quả của làn sóng dịch thứ hai vừa diễn ra, không ai dám chủ quan với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Không một ai mong sẽ xảy ra đợt dịch Covid-19 nào nữa. Từ kinh nghiệm của đợt dịch thứ hai vừa qua, TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và bệnh viện. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở y tế. Nhiều bệnh viện tại thành phố tổ chức rất tốt khâu sàng lọc y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho những người ra, vào bệnh viện.

Một số bệnh viện bị đánh giá mức an toàn thấp cần phải khắc phục. Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện này tạm thời ngưng tiếp nhận bệnh nhân mới để khắc phục xong các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn thành phố cần tiếp tục tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”; người dân chủ động, không được  lơ là, mất cảnh giác trước những nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Thực hiện tốt giải pháp “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế).

Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt nhằm răn đe những người không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch Covid-19… (Nhân dân, trang TPHCM).

 

Kiểm soát chặt người nhập cảnh vào Việt Nam

Chiều 15-10, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hơn 43 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; những ca mắc mới là người nhập cảnh, được cách ly ngay. Bộ Y tế đánh giá, đến nay cơ bản các ổ dịch được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, nhất là khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát tất cả các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị ứng phó tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay; thực hiện đúng việc giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, nhất là chuyên gia nước ngoài, người hồi hương, nhập cảnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly và cộng đồng. Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với từng cơ sở y tế, trường học, khách sạn... để các cơ sở tự theo dõi, người dân, chính quyền giám sát thực hiện.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt, nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng trở lại rất mạnh. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa. Lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai trận đánh, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và toàn xã hội. Phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt, khi hết thời hạn cách ly tập trung phải thực hiện theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải tập trung tinh thần cảnh giác rất cao. Lúc tình hình dịch phức tạp thì nhắc nhau phải bình tĩnh, khi tình hình tốt thì nhắc nhau phải cảnh giác.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 15-10, ghi nhận hai người bệnh (người bệnh thứ 1.123 đến 1.124) mắc Covid-19. Hai người bệnh nêu trên từ Mỹ nhập cảnh sân bay quốc tế Vân Đồn trên chuyến bay VN0001, ngày 11-10, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại khu cách ly tập trung số 1 tỉnh Hưng Yên. Hiện, hai người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Trong ngày, có một người bệnh (người bệnh thứ 1.077) được công bố khỏi bệnh. Tính đến 18 giờ ngày 15-10, cả nước có 1.030 trong tổng số 1.124 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng”; Tiền phong, trang 6: “Nâng cao tinh thần chống dịch Covid-19”; Hà Nội mới, trang 1: “Đặc biệt cảnh giác phòng, chống dịch Covid-19 khi mùa Đông sắp đến”

 

WHO cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 đang đe dọa các nỗ lực toàn cầu trong công cuộc đẩy lùi bệnh lao, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài ra, Covid-19 còn làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em toàn cầu.

Không đạt mục tiêu chống lao

Báo cáo về bệnh lao hàng năm của WHO cho biết, trong năm 2019, căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,4 triệu người, không thay đổi nhiều so với con số 1,5 triệu người được ghi nhận vào năm 2018. Báo cáo cho thấy sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ do đại dịch Covid-19 gây ra là một trong những nguyên nhân khiến các chương trình chống bệnh lao gặp thất bại lớn. Tại nhiều quốc gia, nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác đã được tái phân bổ, chuyển từ công tác chống bệnh lao sang ứng phó với dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, thế giới cần “tăng tốc” và triển khai các biện pháp cấp bách nếu muốn đạt được những mục tiêu đẩy lùi bệnh lao. Theo báo cáo của WHO, trước đại dịch Covid-19, nhiều nước đã đạt được những bước tiến vững chắc trong cuộc chiến chống bệnh lao, với tỷ lệ mắc bệnh giảm 9% trong giai đoạn 2015-2019, trong khi số ca tử vong giảm 14% trong cùng thời kỳ. “Chiến lược chấm dứt bệnh lao” của WHO đặt mục tiêu giảm 90% số ca tử vong do bệnh lao và 80% tỷ lệ mắc bệnh lao vào năm 2030 so với mức cơ bản hồi năm 2015. Các mục tiêu tạm thời cho năm 2020 bao gồm giảm 20% tỷ lệ mắc và 35% số ca tử vong do bệnh lao. Bà Sharonann Lynch, một chuyên gia về bệnh lao thuộc tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Medecins Sans Frontieres (MSF), thừa nhận, cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này “đang quá chậm chạp” và “điều đáng buồn là các chính phủ đang đi không đúng hướng”.

Suy dinh dưỡng do Covid-19

Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) diễn ra ngày 14-10, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus đã cảnh báo về nguy cơ trong năm nay sẽ có thêm 10.000 trẻ em tử vong/tháng vì suy dinh dưỡng do hậu quả của dịch Covid-19. Trong phát biểu của mình, ông Ghebreyesus dự báo số trẻ em bị suy dinh dưỡng do hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ tăng 14% trong năm nay, tương đương 6,7 triệu em. Đa số trẻ bị suy dinh dưỡng tập trung ở vùng hạ Sahara của châu Phi và Nam Á. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu, chương trình tiêm chủng, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ - trẻ em, các chương trình dinh dưỡng cho trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Người đứng đầu WHO nêu rõ: “Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới mà người giàu được tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, trong khi người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế các nước. Thống kê mới nhất của trang worldometers.info, tính đến 15 giờ ngày 15-10, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã lên hơn 38,78 triệu người, trong đó có 1,1 triệu người chết. (Sài Gòn giải phóng, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 24: “WHO cảnh báo gia tăng ca tử vong vi Covid-19”.

 

Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 1587/QĐ-TTg về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 đối với các mẫu xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả.

Cụ thể, cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS- CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo. Thời gian thực hiện và đơn giá đặt hàng theo Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Thẩm quyền quyết định đặt hàng, hình thức đặt hàng, nội dung đặt hàng, phân bổ và giao dự toán, điều chỉnh kinh phí đặt hàng, thanh toán, quyết toán kinh phí đặt hàng và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Nguồn kinh phí đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đặt hàng xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 thuộc phạm vi quản lý của bộ, địa phương theo quy định.

Bộ Y tế thông báo danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 để các đơn vị thực hiện đặt hàng. Các cơ quan, đơn vị đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Quyết định này và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 theo phân cấp quản lý ngân sách.Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 14/10/2020. (Công an Nhân dân, trang  1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2”.

 

Sinh viên băn khoăn với quy định mới của Trường Đại học Dược

Nhiều sinh viên trường Ðại học Dược Hà Nội đang băn khoăn, thậm chí phản ứng với quy chế đào tạo tín chỉ mà nhà trường mới ban hành.

Ngày 8/10, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Dược Hà Nội ký quyết định quy định đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của trường. Theo đó, trong đánh giá, kiểm tra sẽ chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm 4 thay vì đổi từ thang điểm 10 sang thang điểm bằng chữ A, B, C, D như hiện hành. Nhiều sinh viên cho rằng, việc quy đổi này ảnh hưởng đến điểm tích lũy (GPA).

Cụ thể, thang điểm mới sẽ có ít mức hơn, một số mức điểm cao (7-10 điểm) sẽ bị thay đổi và quy ra điểm 4 thấp hơn so với thang điểm đang thực hiện. Ví dụ, hiện nay, 8,5/10 điểm sẽ quy thành 4/4. Nhưng với quy định mới, phải là 9/10. Hoặc quy định hiện hành, mức điểm 7,9/10 quy thành 3,5/4, nhưng quy định mới chỉ còn 3,0/4. Theo sinh viên, lý do Ban Giám hiệu nhà trường đưa ra là thang cũ, điểm sinh viên dược cao quá, nhiều bạn bằng giỏi/xuất sắc nên cần thay đổi phù hợp với mặt bằng chung với các trường trong cùng khối y dược.

 Sinh viên trường ĐH Dược Hà Nội cũng băn khoăn việc nhà trường quyết định áp dụng thang điểm mới không chỉ từ ngày kí, mà truy hồi cho tất cả điểm từ trước đó cho những khóa đang học. Điều này có nghĩa  đối với  sinh viên năm cuối, kết quả 4 năm đầu sẽ hoàn toàn thay đổi theo hướng giảm điểm. “Quy định mới này khiến một số sinh viên sau một đêm bỗng khoảng cách với tấm bằng giỏi rất xa; người gần như chắc suất bằng xuất sắc thì không biết có đạt được bằng giỏi hay không”, N.H.T, sinh viên năm thứ 4 ngành Dược, nói.

Nhà trường nói gì?

TS. Vũ Xuân Giang, Trưởng phòng Đào tạo  - trường ĐH Dược Hà Nội, cho hay, Quy chế đào tạo tín chỉ được trường xây dựng từ 2010, đến năm nay mới điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ông Giang khẳng định, sửa đổi quy chế có lấy ý kiến của giảng viên và sinh viên trong trường. Trường đang lắng nghe và giải thích  cho sinh viên rõ hơn. “Căn cứ vào mặt bằng chung khối trường y dược có thể thấy, quy chế của trường áp dụng 10 năm qua có những điều chưa hợp lý. Số lượng sinh viên xếp loại xuất sắc, giỏi hơi cao so với mặt bằng cùng khối. Lần rà soát, sửa đổi này để đánh giá kết quả, chất lượng sát hơn với thực tế, đồng thời tương đồng, không cao quá so với các trường cùng khối”, ông nói.

Về hai băn khoăn của sinh viên, ông Giang nói rằng, chất lượng, năng lực sinh viên trường ĐH Dược Hà Nội rất tốt. Trước khi áp dụng quy chế đào tạo tín chỉ, số lượng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của trường không nhiều. Nhưng với quy chế áp dụng 10 năm qua, số liệu từ 5 khóa sinh viên ra trường cho thấy tỷ lệ giỏi, xuất sắc nhiều hơn. Đây là căn cứ để trường  rà soát, đánh giá, chỉnh sửa.

 Theo ông Giang, khi đưa ra quy chế đánh giá mới, sẽ khó có thể để hai hình thức đánh giá cùng lúc với một sinh viên do không phù hợp và không đồng bộ. “Nhưng chúng tôi sẽ cân đối lại và dự kiến là sẽ không có chuyện truy hồi điểm trước đó. Quyết định chỉ có hiệu lực bắt đầu từ ngày ban hành chính thức”, ông Giang khẳng định. (Tiền phong, trang 14).

 

Miễn dịch cộng đồng phải đi cùng với văcxin

Với số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng trên thế giới, liệu đã đến lúc áp dụng miễn dịch cộng đồng?

Miễn dịch chỉ có khi phần lớn người dân được tiêm chủng

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số người nhiễm ngày càng tăng, một số ý kiến cho rằng nên chăng đã đến lúc áp dụng miễn dịch cộng đồng? PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi số người mắc bệnh đạt đến ngưỡng cần thiết và trở nên miễn dịch với virus, từ đó giúp cung cấp sự bảo vệ cho toàn bộ cộng đồng bằng cách hạn chế số người có thể lây truyền virus. Do vậy, khả năng miễn dịch cộng đồng có được khi phần lớn người dân được tiêm văcxin chủng ngừa chứ không phải qua việc để dịch bệnh lây nhiễm một cách tự nhiên.

Bao nhiêu phần trăm dân số cần phải miễn dịch với virus SARS-CoV-2 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng? Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), câu trả lời là 70 - 90% dân số, tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Vai trò của kháng thể và mức độ ảnh hưởng ảnh hưởng của chúng đối với khả năng miễn dịch lâu dài vẫn còn nhiều nghi vấn. Một nghiên cứu của Anh phát hiện ra rằng, các kháng thể chống lại virus này có thể bắt đầu giảm trong khoảng thời gian từ 20 - 30 ngày sau khi khởi phát các triệu chứng mắc Covid-19.

Đối với đại dịch Covid-19, theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, miễn dịch cộng đồng thậm chí rất khó xảy ra bởi ở nhiều khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), châu Âu và Mỹ, có rất nhiều trường hợp tái nhiễm. Nếu khả năng miễn dịch tự nhiên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thì điều này sẽ không đủ ổn định để cung cấp sự bảo vệ cho cộng đồng. Do vậy, không nên nghĩ đến giải pháp này ngay cả khi số người mắc Covid-19 tăng cao. Hơn nữa, khả năng đến 70% dân số thế giới nhiễm Covid-19 là rất thấp bởi công tác phòng chống kiểm soát dịch bệnh cũng như quy trình nghiên cứu văcxin đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

“Ở Việt Nam dù số người mắc Covid-19 không nhiều so với thế giới song việc thúc đẩy làm chủ công nghệ sản xuất văcxin vẫn cần được quan tâm”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất văcxin

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện đã có 2 trong 4 nhà sản xuất văcxin Covid-19 trong nước đang làm test thử thách là Viện Văcxin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN. Test thử thách là tạo ra văcxin, tiêm cho động vật. Sau khi được tiêm văcxin, các nhà nghiên cứu sẽ cho động vật sẽ tiếp xúc với mầm bệnh. Nếu văcxin bảo vệ được thì động vật thử nghiệm không mắc bệnh còn văcxin không bảo vệ được thì  động vật sẽ nhiễm virus. Toàn bộ thử nghiệm tiền lâm sàng văcxin Covid-19 đã được IVAC chuyển sang phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ với kinh phí đầu tư khoảng 1 triệu USD để đánh giá độc tính, tính sinh miễn dịch và test thử thách.

Còn NANOGEN đã thử nghiệm độc tính của văcxin ở Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đồng thời, làm test thử thách. Song song với việc làm test thử thách của Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư, Bộ Y tế yêu cầu NANOGEN phải gửi mẫu sang phòng thí nghiệm của Hàn Quốc để làm thử thách thêm. Dự kiến tháng 12/2020 sẽ có kết quả. Trên cơ sở kết quả tiền lâm sàng, tháng 12/2020 Bộ Y tế sẽ cho phép nghiên cứu văcxin lâm sàng và cho kết quả trong khoảng 1 năm.

Hy vọng đến tháng 4/2021 cả 2 nhà sản xuất có thể cho kết quả nghiên cứu lâm sàng. Nếu kết quả này khả thi thì Việt Nam sẽ sớm có văcxin Covid-19. Trước khi thử nghiệm trên người, văcxin phải trải qua quá trình điều tra cẩn thận trong phòng thí nghiệm, sau đó là thử nghiệm trên động vật. Sau thử nghiệm tiền lâm sàng, văcxin mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, trực tiếp trên cơ thể con người. (Khoa học & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang