Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Khánh thành dự án xây dựng nâng cấp mở rộng BV quận 2 giai đoạn 1; Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: Nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; Bỏ thủ tục công bố thực phẩm, giảm 95% cuộc kiểm tra giấy tờ thực phẩm nhập khẩu…


Khánh thành dự án xây dựng nâng cấp mở rộng BV quận 2 giai đoạn 1

Sáng 15-11, Bệnh viện (BV) Quận 2 đã tổ chức Lễ Khánh thành dự án xây dựng nâng cấp mở rộng Bệnh viện Quận 2 giai đoạn 1.

Dự án với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 170 tỷ đồng với quy mô thiết kế 110 giường trên diện tích xây dựng hơn 4.600m².

Đến dự có đồng chí Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, bà Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược tham dự.

Theo BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2, trong 9 tháng đầu năm 2017, BV Quận 2 tiếp nhận gần 594.000 lượt khám chữa bệnh, trong đó tổng số lượt điều trị nội trú là hơn 25.000 người. Hiện tại BV có 450 giường và công suất sử dụng là 110%. Cùng với việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, BV Quận 2 cũng đầu tư thêm một số trang thiết bị hiện đại như: máy MRI Tesla 1.5, máy C-ARM, máy lọc máu tiên tục,... nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tất Thành Cang cho rằng, việc xây dựng mở rộng BV Quận 2 là việc làm cần thiết và khả thi mang lại hiệu quả cao trong công tác đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe nhân dân, định hướng phát triển y tế chuyên sâu, giảm tải cho các BV tuyến TP, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất.

Bên cạnh đó, đồng chí Tất Thành Cang cũng yêu cầu, lãnh đạo BV Quận 2 trong quá trình xây dựng nâng cấp mở rộng BV phải chú ý dành khuôn viên xanh cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Ngoài ra, khi liên kết các khoa phòng phải chú ý thiết kế thật thuận tiện để dù trời mưa hay nắng thì bệnh nhân cũng không gặp khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh.

Dịp này, BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược TPHCM cũng đã ký kết với BV Quận 2 trong việc hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ đến khám chữa bệnh cho người dân tại BV Quận 2 trong thời gian tới.

Các lãnh đạo TPHCM và các y bác sĩ cũng đã tổ chức quyên góp nhằm ủng hộ cho đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương đã trao tặng BV Quận 2 một xe 29 chỗ, trị giá gần 1,3 tỷ đồng, nhằm thuận tiện cho công tác thiện nguyện của BV.
BV Quận 2 cũng trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ớt (Mẹ có chồng và con trai cả đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), tặng nhà tình thương cho 1 bệnh nhân nghèo, tặng 20 thẻ BHYT cho bệnh nhân nghèo, 20 thẻ BHYT cho đội ngũ phục vụ bếp ăn cho bệnh nhân nghèo và 260 nón bảo hiểm cho nghiệp đoàn xe ôm quận 2. (Lao động, trang 2), Tuổi trẻ, trang 4); Thanh niên, trang 16).

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: Nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, duy trì nòi giống của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị T.Ư sáu, khóa XII đã chỉ ra nhiều giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII đã nêu bật những kết quả đạt được sau 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII với những kết quả nổi bật. Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn đời sống và xu thế của thời đại. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, đủ khả năng triển khai hiệu quả phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tiếp nhận các dịch vụ y tế cũng như ứng phó kịp thời thiên tai, thảm họa. Các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô; y tế dự phòng được tăng cường, đã kiểm soát và phòng, chống tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được củng cố, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên… Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt hơn 73,1 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển; là điểm sáng trong việc đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ; Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật ghép tạng, ghép tế bào gốc, ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật…

Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, hướng tới BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính y tế hướng tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chuyển dần việc đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT, Nhà nước chỉ bao cấp cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, người trong diện chính sách… và hỗ trợ một phần kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, do một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp xu thế thế giới và tình hình mới trong nước, nhất là nhu cầu cần được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng, cũng như trình độ dân trí được nâng lên, giao thông đi lại thuận tiện, trình độ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, do vậy người dân đã quan tâm đến sức khỏe của mình. Trong khi đó, mô hình bệnh tật có sự thay đổi cơ bản, từ các bệnh truyền nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích. Mặt khác, tốc độ già hóa dân số đòi hỏi phải đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe để đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật và thích ứng với già hóa dân số. Nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn; các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, các tệ nạn ma túy, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh và sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, nước ta đang hội nhập với quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, giao thông thuận lợi đòi hỏi các cơ sở y tế phải được quy hoạch lại theo khu vực, cụm dân cư, đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, phương thức quản trị của các đơn vị y tế công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghị quyết 20 đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để triển khai được các nội dung cụ thể của giải pháp này, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, các tổ chức đảng cần xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình; tổ chức lấy ý kiến, thảo luận dân chủ trong cán bộ, đảng viên, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, Chính phủ, Quốc hội rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Nghị quyết từ trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng và đưa các chỉ tiêu về y tế được nêu tại Nghị quyết vào các kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết. Các chi bộ cần đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương; gắn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội, đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân để họ tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của các loại hình nhằm tuyên truyền và đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Thông tin báo chí cũng góp phần xây dựng và điều chỉnh nghị quyết phù hợp tình hình và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống từ thông tin báo chí, các cơ quan lãnh đạo, quản lý đã xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết. (Nhân dân, trang 5).


Lo ngại bệnh sởi bùng phát

Tại Hội thảo về công tác phòng, chống bệnh sởi diễn ra chiều 15-11 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Hiện thành phố đã ghi nhận 63 ca sởi (tăng 61 ca so với năm 2016), trong đó 1 trường hợp tử vong. Trong vòng 5 năm gần đây, có tới hơn 14 nghìn trẻ dưới 1 tuổi và hơn 18 nghìn trẻ 1-2 tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch...

Tốc độ lây lan nhanh

Nếu như những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1-2 ca sởi/tháng thì từ tháng 9-2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận hơn 10 ca mắc. Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khoảng 48% trẻ mắc sởi có đến khám hoặc điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang…

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cảnh báo, từ đầu năm đến nay, tại đây tiếp nhận hơn 80 ca sởi, trong đó Hà Nội có 30 ca.

Bệnh viện cũng đã ghi nhận những ca biến chứng, trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng cũng mắc sởi. Mặc dù phần lớn bệnh nhân sởi có thể tự khỏi, tuy nhiên sau khi mắc bệnh, khả năng miễn dịch bị suy giảm nặng, từ đó tạo cơ hội cho nhiều bệnh khác dễ dàng xâm nhập, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ở người lớn mắc sởi, biến chứng do suy giảm miễn dịch cũng nặng nề không kém ở trẻ em.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bài học từ hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh sởi năm 2014 cho thấy, công tác phòng, chống phải chủ động, quyết liệt ngay từ bây giờ, không để dịch sởi quay trở lại. Với bệnh sởi không có người lành mang trùng, chỉ là người bệnh lây sang người bệnh. “Tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn nhiều so với sốt xuất huyết. Chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là bệnh sẽ phát tán ra xung quanh. Do vậy, ngay từ bây giờ, tại các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly ngay cả những ca nghi ngờ, những ca sốt phát ban dạng sởi…” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tiêm vét tất cả trẻ dưới 5 tuổi

Bà Lê Hoàng Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, cả 5 trường hợp mắc sởi trên địa bàn đều chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi. Quận đang tiến hành rà soát đối tượng trẻ dưới 5 tuổi để tiến hành tiêm vét. Tuy nhiên, việc khai thác tiền sử tiêm chủng gặp nhiều khó khăn do hệ thống quản lý chưa được đồng bộ giữa tiêm chủng dịch vụ và chương trình tiêm chủng mở rộng, rồi tình trạng di dân trên địa bàn cao. Thậm chí, nhiều người dân lo lắng tai biến trong tiêm chủng nên từ chối tiêm tại các trạm y tế phường, từ chối cung cấp tiền sử tiêm chủng của trẻ…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chỉ có tiêm chủng đầy đủ mới giải quyết dứt điểm được bệnh sởi. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh việc rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tiến hành tiêm vét và việc rà soát phải được tiến hành cả ở những cơ sở nuôi trẻ mồ côi, cơ sở từ thiện… “Đối với những trường hợp bất hợp tác, có thể lập danh sách riêng gửi lên chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết” - PGS.TS Trần Đắc Phu gợi ý.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng. Hiện Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế từ 1 lần lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng trừ trường hợp trẻ đến lịch nhưng phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Giám sát việc phân luồng, cách ly tại bệnh viện, giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại địa phương, tuyên truyền đến người dân biện pháp phòng bệnh…, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát. (Hà Nội mới, trang 1).


Bỏ thủ tục công bố thực phẩm, giảm 95% cuộc kiểm tra giấy tờ thực phẩm nhập khẩu

Chiều 15-11, Bộ Y tế cho biết, đang đề xuất bãi bỏ hàng loạt thủ tục hành chính trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người kinh doanh.

Chiều nay, 15-11, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong quản lý ATTP.

Đáng chú ý, trong số các thủ tục được đề xuất bãi bỏ có nhiều quy định thuộc Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại NĐ số 67/2016-CP, Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra Nhà nước về thực phẩm; Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, an toàn thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm; Xác nhận kiến thức về ATTP.

Theo bà Trần Việt Nga, với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, doanh nghiệp không cần làm các thủ tục công bố hợp quy mà được phép tự công bố, gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.

Riêng với nhóm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước phải kiểm soát chặt, cần được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh.

Điểm đáng chú ý nữa, Bộ Y tế cũng đề xuất chỉ kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng; đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu; được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…

“Như vậy, 95% các lô hàng nhập khẩu sẽ không cần kiểm tra hồ sơ” - bà Trần Việt Nga thông tin. Với các sản phẩm kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày. (An ninh Thủ đô, trang 8; Tuổi trẻ, trang 4; Gia đình & xã hội, trang 7).


Bé 7 tháng tuổi tử vong do bệnh tay chân miệng

Ngày 15/11, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một ca tử vong vì tay chân miệng.

Được biết, bệnh nhân là bé T.M.T (7 tháng tuổi, ngụ tại khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).

Trước khi sự việc thương tâm xảy ra, gia đình phát hiện bé T. bị bệnh đã đưa đến bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để khám và thực hiện điều trị ngoại trú. Do bệnh tiến triển nặng, gia đình hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện Đa khoa Ô Môn kiểm tra.

Dù được bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm, gia đình lại tiếp tục đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.

Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và thực hiện các phương pháp điều trị theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, tình trạng của bé T. ngày càng nguy cấp nên gia đình bé T. xin được chuyển bé đến điều trị tại bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh. Dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng bé đã tử vong vào tối 8/11.

Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 13/11/2017, toàn thành phố ghi nhận có 842 ca mắc tay chân miệng, tăng 47 ca so với cùng kỳ 2016.

Trong đó các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là: Ninh Kiều 191 ca, Phong Điền 121 ca, Ô Môn 113 ca… (Tuổi trẻ, trang 14).


Trên 7,2 triệu người đã được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH

Trong thời gian qua, các đơn vị trong ngành BHXH trên toàn quốc đã thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình cho 62 triệu người đang tham gia, đạt tỉ lệ 83,4%, còn 12,4 triệu người chưa có mã số BHXH, chiếm tỉ lệ 16,6% (không bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và khối lực lượng vũ trang).

Theo đó, có 23 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ cao từ 85% trở lên như: Hà Nam, Cao Bằng, Đồng Nai, Bình Dương, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Lào Cai, Vĩnh Long, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, An Giang. Còn 17 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ từ 70% đến dưới 80% như: Đắk Nông, TPHCM, Tây Ninh, Kon Tum, Sóc Trăng, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hậu Giang, Quảng Trị, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về việc thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, toàn quốc đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho trên 7,2 triệu người, đạt tỉ lệ 9,6%. Trong đó một số tỉnh đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH có số lượng lớn như: TPHCM (587 nghìn thẻ), Hà Nội (558 nghìn thẻ), Bình Dương (424 nghìn thẻ), An Giang (398 nghìn thẻ), Cần Thơ (282 nghìn thẻ), Đồng Nai (278 nghìn thẻ), Đà Nẵng (255 nghìn thẻ). Một số tỉnh có số lượng lớn đã đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH nhưng chưa in quá 1 ngày như: Hà Nội (4.082 thẻ), Lào Cai (2.889 thẻ). BHXH VN đã yêu cầu BHXH hai đơn vị trên kiểm soát việc cấp đổi thẻ và thực hiện in thẻ để trả kịp thời cho người tham.

Về kế hoạch đổi thẻ BHYT, BHXH VN yêu cầu các đơn vị cần phối hợp với UBND xã rà soát, hoàn thiện danh sách cấp thẻ BHYT năm 2018 xong trước ngày 1.12.2017; in và đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH cho toàn bộ người tham gia có mã số BHXH, chậm nhất đến 30.6.2018 phải xong việc đổi thẻ BHYT (mới). Về sử dụng thẻ BHYT, các đơn chủ động báo cáo UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia. Thành lập tổ xử lý thu - sổ thẻ - giám định và đường dây nóng kịp thời giải đáp vướng mắc; đặc biệt lưu ý đến các trường hợp đến khám chữa bệnh từ tỉnh khác, không để đối tượng phải quay về địa phương nơi cấp thẻ BHYT để giải quyết.  (Lao động, trang 4).


Nhiều vi phạm pháp luật về đấu thầu tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh

Ngày 10 và 11.5, Báo Lao Động từng đăng loạt bài điều tra “Chuyện lạ đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM”. Nội dung loạt bài trên phản ánh gói thầu thiết bị y tế, do Bệnh viện Ung bướu TPHCM (viết tắt BVUB) làm chủ đầu tư, trị giá 240 tỉ đồng, được tổ chức đấu thầu có dấu hiệu bất thường v.v... Mới đây, kết quả kiểm tra từ cơ quan chức năng  cho thấy có quá nhiều vi phạm từ vụ đấu thầu này.

Nhiều “sạn” trong hồ sơ mời thầu

Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động về sự việc này, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản (số 1588/VPCP-V.I ngày 6.6.2017 và 2272/VPCP-V.I ngày 3.8.2017) chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), phải kiểm tra làm rõ vấn đề. Sau đó, Bộ Y tế và Bộ KHĐT đã vào cuộc kiểm tra toàn diện vụ đấu thầu.

Và, giữa tháng 8.2017, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng Trung ương cho thấy có quá nhiều “sạn” trong vụ đấu thầu. Cụ thể: Chỉ riêng tiêu chí đánh giá “Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hoá tương tự” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đã vi phạm Thông tư 05, ngày 16.6.2015 của Bộ KHĐT.

Trong đó, BVUB quy định trong HSMT rằng, nhà thầu phải có “hợp đồng mua bán, cung cấp thiết bị xạ trị đã ký (đã hoặc đang thực hiện”. Việc quy định là hợp đồng đã ký là chưa rõ ràng và không chứng minh được kinh nghiệm đã thực hiện gói thầu tương tự của nhà thầu.

Vì nếu vừa ký xong mới thực hiện được một phần rất nhỏ công việc của hợp đồng, thì không đáp ứng tiêu chí “hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng”. Trong khi Luật Đấu thầu quy định “nhà thầu phải có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu”.

Như vậy, việc HSMT ra quy định trên chưa phù hợp với pháp luật đấu thầu, dễ dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu trúng thầu ít kinh nghiệm, không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu...

Kế đó, việc không quy định giá trị hợp đồng cung cấp thiết bị xạ trị ở HSMT lần 2 (trong khi HSMT lần 1 quy định rất rõ giá trị tối thiểu là 150 tỉ đồng), cũng chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tại nhiều cuộc họp của các cơ quan chức năng đánh giá về vụ đấu thầu này, các chuyên gia y tế đều cho rằng: HSMT lần 1, ngày 29.11.2016, được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở khoa học, phù hợp về yêu cầu chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực xạ trị; khách quan và cạnh tranh hơn so với HSMT điều chỉnh lần 2 (15.3.2017).

Chính sự “điều chỉnh” không bình thường lần 2, mà HSMT đã loại bỏ một số tiêu chí kỹ thuật, điều chỉnh lại nhiều tiêu chí kỹ thuật, thay đổi thang điểm đánh giá theo định hướng tạo lợi thế cho thiết bị của một hãng sản xuất...

Thí dụ: Một số tiêu chí quan trọng khi đánh giá máy gia tốc như: Độ truyền qua lá đã bị loại bỏ. Một số tiêu chí không có ý nghĩa như góc quay của khung máy, số mức năng lượng photon, electron, suất liều tối thiểu... lại có điểm số rất cao(?), bất hợp lý, tạo định hướng lợi thế, thiếu sự cạnh tranh.

Bên cạnh đó, HSMT lần 2 còn thay đổi các yêu cầu về tiêu chí kỹ thuật quan trọng khi lựa chọn hệ thống gia tốcv.v... Một số tiêu chí yêu cầu trong HSMT lần 2 là tính năng riêng của một hãng, thì lại có điểm đánh giá rất cao theo hướng chỉ có một hãng sản xuất đáp ứng...

Theo nhận định của cơ quan chức năng khi xem xét vụ đấu thầu: Việc loại bỏ các tiêu chí cần thiết, quan trọng khi đánh giá hệ thống máy gia tốc và thêm vào các tiêu chí không có ý nghĩa, không phải là quan trọng, hạ thấp yêu cầu đối với các tiêu chí kỹ thuật quan trọng không giúp cho chủ đầu tư chọn được thiết bị tốt nhất.

Trái lại, còn dẫn tới việc định hướng, tạo lợi thế cho thiết bị của một hãng sản xuất. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với nhà thầu cung cấp thiết bị xạ trị của hãng sản xuất khác. Việc HSMT điều chỉnh lần 2 đã làm hạn chế việc lựa chọn được thiết bị hiện đại về công nghệ và tốt nhất, có giá phù hợp.

Tổ chức đấu thầu lại, xử lý vi phạm đấu thầu

Ngày 12.10.2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 10854/VPCP-V.I, gửi UBND TPHCM, Bộ Y tế và Bộ KHĐT. Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có ý kiến chỉ đạo về vụ đấu thầu tại BVUB.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đồng ý với nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ KHĐT và Bộ Y tế, xung quanh các vi phạm HSMT của BVUB, liên quan đến việc đấu thầu gói thầu thiết bị y tế 240 tỉ đồng... Văn bản của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, theo báo cáo của Bộ KHĐT và Bộ Y tế, vụ đấu thầu trên của BVUB đã vi phạm điều 17-Luật Đấu thầu năm 2013.

Từ đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo UBND TPHCM phải “chỉ đạo BVUB thực hiện nghiêm kiến nghị của Bộ Y tế tại Văn bản số 135/BYT-KHTC ngày 10.8.2017 và của Bộ KHĐT tại Văn bản số 448/BKHĐT-QLĐT ngày 13.7.2017, tổ chức đấu thầu gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM phải “xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TPHCM giải quyết khiếu nại, không để kéo dài. (Lao động, trang 4).


Bệnh viện Hòa Bình không đền, người nhà nạn nhân chạy thận sẽ kiện

Thông tin từ các gia đình của 8 nạn nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho hay trong tuần tới, gia đình các nạn nhân sẽ gửi đơn khởi kiện bệnh viện lên Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế.

Sau khi các gia đình đã có đơn kêu cứu, đơn khiếu nại nhưng hơn nửa năm (sau khi người thân của họ qua đời) vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

8 gia đình muốn "thỏa thuận dân sự"

Sáng 15-11, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con bà Nguyễn Thị Minh, 1 trong 8 người tử vong trong vụ tai biến từ tháng 5-2017 kể trên) cho biết chị và một số gia đình nạn nhân đã đến trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Hòa Bình, mong gặp được chủ tịch tỉnh để kêu cứu nhưng không gặp được.

Trong số 8 gia đình có người thân qua đời khi đang chạy thận nhân tạo, có 5/8 gia đình đang sống ở các huyện vùng cao, vùng sâu của Hòa Bình. Nghe đến việc khiếu kiện, ra tòa, bồi thường..., họ rất lúng túng và đành cử ra một người trong nhóm làm nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan chức năng để kêu cứu.

Theo chị Tuyết, từ khi xảy ra vụ tai biến, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình phúng viếng tại đám tang nạn nhân mức 10 triệu đồng/nạn nhân và gửi khoản "hỗ trợ" 10 triệu đồng/nạn nhân ngay trong ngày xảy ra vụ việc. Hiện bệnh viện muốn "tạm ứng" tiếp 50 triệu đồng/nạn nhân nhưng các gia đình không chấp thuận, do họ không phải làm thuê cho bệnh viện nên không nhận tạm ứng. Các gia đình nạn nhân đã mời luật sư và luôn mong muốn được "thỏa thuận dân sự" với phía bệnh viện.

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết họ đang đợi cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn bằng văn bản việc bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân và kết luận của cơ quan điều tra. Trường hợp không nhận được hướng dẫn bằng văn bản, bệnh viện sẽ nhờ tòa án giải quyết. "Sẽ có các cá nhân, tổ chức trong và ngoài bệnh viện chịu trách nhiệm theo kết luận của cơ quan điều tra"- đại diện Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết.

Theo luật sư đang hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân, bệnh viện cho rằng khoản 20 triệu đồng đã chi là tiền "hỗ trợ", nếu các gia đình đồng ý bệnh viện "tạm ứng" tiếp mỗi gia đình 50 triệu đồng. Theo luật sư này, bệnh viện phải "đền bù" cho các gia đình, không phải "hỗ trợ" hay ban phát. Chưa kể có sự "trốn tránh trách nhiệm", giám đốc bệnh viện ở thời điểm xảy ra vụ tai biến chạy thận là ông Trương Quý Dương bị cách chức, giờ đang đi du lịch. Còn giám đốc mới, theo một lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình, thì ông ta lại không phải là người gây ra vụ việc.

Giải quyết như thế nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-11, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết nếu bệnh viện và các gia đình nạn nhân không thỏa thuận dân sự được, việc đền bù sẽ dựa trên phán quyết của tòa án, nhưng tòa án lại phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Theo ông Quang, nếu thực hiện theo trình tự này, thời gian đền bù cho gia đình các nạn nhân sẽ kéo dài, như vậy hai bên rất nên thỏa thuận dân sự.

Điểm vướng mắc nhất dẫn đến thỏa thuận không thành (cho đến thời điểm này) là mức bồi thường. Các gia đình nạn nhân đề nghị mức bồi thường bằng nhau là 250 triệu đồng/người tử vong, nhưng bệnh viện lại đề nghị mức 136-242 triệu đồng tùy theo từng nạn nhân.

Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng việc bệnh viện đã chủ động thỏa thuận mức hỗ trợ, đến phúng viếng tại đám tang nạn nhân là thể hiện thiện chí và việc đề nghị mức bồi thường tùy tình hình từng nạn nhân là phù hợp.

Tuy nhiên rất khó đánh giá mức bồi thường nào phù hợp, khi tai biến làm cho 8 gia đình nạn nhân mất đi người thân, tổn thất tinh thần là rất khó đánh giá. Mức bồi thường 250 triệu đồng/người tử vong do lỗi của bệnh viện cũng không phải là mức bồi thường quá cao, khi so sánh với một số mức đền bù sau tai biến y khoa ở bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh gần đây. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang