Xét xử vụ thông thầu tại Sở Y tế Cần Thơ: Người đứng đầu Sở Y tế đóng vai trò quyết định
Ngày 15.2, đại diện Viện KSND TP.HCM đã đối đáp quan điểm bào chữa của các luật sư đối với 20 bị cáo trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho Sở Y tế Cần Thơ hơn 32,6 tỉ đồng
Theo đó, có hay không việc cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi vụ lợi 3 tỉ đồng nhận từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn hành trình Thành công mới - NSJ Group), VKS nêu đã dựa vào nhiều chứng cứ, tài liệu, gồm lời khai của bị cáo Nguyễn Viết Hồng (Công ty NSJ), của Nguyễn Thị Khánh Linh (trợ lý của Nga) - người trực tiếp cùng Nga vào nhà Phi ngày 3.12.2019, để đưa 3 tỉ đồng cho bị cáo Phi. VKS đọc lời khai của Linh tại bút lục hồ sơ, biên bản ghi nhận Linh nhận dạng, mô tả về căn nhà bị cáo bị cáo Phi. Nội dung thể hiện Linh nhận 3 tỉ đồng từ bị cáo Hồng, sau đó đưa lại cho bị cáo Nga. Bị cáo Nga cầm túi tiền cùng Linh vào nhà bị cáo Phi, nhưng khi ra khỏi nhà bị cáo Phi, bị cáo Nga không còn cầm túi tiền.
"Lời khai của bị cáo, người liên quan không phải là căn cứ duy nhất để xác định một hành vi. Tuy nhiên, nếu những lời khai này phù hợp với nhau, phù hợp với tài liệu và những chứng cứ khác thì những lời khai đó là chứng cứ trong việc xác định bị cáo Phi đã nhận của bị cáo Nga 3 tỉ đồng", VKS nhận định và phát biểu thêm, luật sư bị cáo Phi cho rằng không có chứng cứ trực tiếp xác định bị cáo Phi nhận 3 tỉ đồng, nhưng VKS xác định chứng cứ trong vụ án dù là gián tiếp, nhưng tất cả đều có sự liên quan chặt chẽ đến nhau, có mối quan hệ nguyên nhân - hệ quả. Cựu giám đốc sở y tế cần thơ là chủ mưu, cầm đầu
Đối với quan điểm của luật sư cho rằng VKS xác định bị cáo Phi chủ mưu cầm đầu là có nhầm lẫn. VKS đối đáp, Sở Y tế là chủ đầu tư các gói thầu, bị cáo Phi là giám đốc, đại diện chủ đầu tư quyết định quy trình lựa chọn đơn vị thẩm định, đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật… Với vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình, bị cáo có nghĩa vụ bảo đảm việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho Sở Y tế Cần Thơ phải được thực hiện đúng quy định về luật Đấu thầu. Song, bị cáo Phi đã trực tiếp thực hiện nhiều hành vi, từ vai trò chỉ đạo, đến trực tiếp thực hiện, mang tính chất quyết định đến việc lựa chọn nhà thầu, giá thầu trái quy định pháp luật. Vì vậy, VKS xác định bị cáo Phi có vai trò chủ mưu cầm đầu là phù hợp.
Đối với các bị cáo khác cho rằng mức án VKS đề nghị là nặng, VKS nêu, khi luận tội VKS đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, vai trò của từng bị cáo để đánh giá. Quá trình tranh luận, khi luật sư cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, VKS đề nghị HĐXX xem xét thêm, nếu có căn cứ.
Kết thúc phần tranh luận, chiều qua, 20 bị cáo đã nói lời sau cùng, và mong HĐXX khoan hồng, để có mức án thấp nhất, sớm trở về với gia đình, người thân. Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên Bùi Thị Lệ Phi, Hoàng Thị Thúy Nga từ 9 - 10 năm tù, bị cáo Cao Minh Chu (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ ngày 1.1.2020) từ 8 - 9 năm tù, các bị cáo đồng phạm còn lại bị VKS đề nghị từ 2 - 6 năm tù.
HĐXX nghị án kéo dài và tuyên án chiều 17.2.2023 (Thanh niên, trang 22).
Những hệ lụy của bệnh đái tháo đường biến chứng
Những ngày sau Tết Nguyên đán, các khoa, phòng của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đông kín người bệnh. Đáng lo ngại, nhiều người bệnh bị đái tháo đường biến chứng buộc phải tháo đốt ngón chân, thậm chí phải cắt bỏ bàn chân, cẳng chân, cánh tay…
Bị bệnh đái tháo đường nhiều năm trước nhưng ông Quyên (77 tuổi, quê ở Hải Phòng) không tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, lại hay uống rượu. Thời gian gần đây, căn bệnh đái tháo đường bắt đầu gây ra những biến chứng, làm sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, cân nặng giảm tới hơn 10kg…
Chăm bố điều trị tại Khoa Chăm sóc bàn chân, cô con gái ông Quyên cho biết, cách đây ba tháng trong một lần ngã cầu thang, ông bị tím một ngón ở bàn chân phải, vết thương sưng to rồi nhanh chóng hoại tử và lan ra các ngón khác. Hơn hai tuần điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh không hiệu quả, nhiễm trùng lan rộng, phức tạp, cả bàn chân đen kịt, các bác sĩ buộc phải cắt cụt bàn chân.
Trước Tết Nguyên đán, thời điểm miền bắc rét đậm, ông Quyên đi tất dày để giữ ấm chân. Nhưng sau khoảng một tuần, ngón cái chân trái sưng to rồi tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Gia đình lại phải đưa vào bệnh viện điều trị tích cực nhưng cũng không đạt kết quả. Bác sĩ đánh giá tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn, cho nên cách đây ít ngày cắt nốt bàn chân còn lại để tránh nguy cơ nhiễm trùng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Cũng tại Khoa Chăm sóc bàn chân, bác P.T.V (67 tuổi, ở Hà Nội) vừa trải qua ca phẫu thuật cắt hai đoạn xương bàn chân phải do biến chứng đái tháo đường. Bác V. chia sẻ phát hiện đái tháo đường năm 40 tuổi, đến hơn 50 tuổi đã phải cắt một số ngón chân do nhiễm trùng và cách đây 3 năm phải cắt 1/3 bàn chân trái do chủ quan trong điều trị bệnh. Khi đó phát hiện khóe chân bị sưng nhưng nghĩ đơn giản nên rửa nước muối, bôi thuốc…
Mặc dù phát hiện đầu ngón chân thay đổi mầu sắc, chuyển dần sang mầu đen, nhưng do không có cảm giác đau hay khó chịu nên cũng không để ý nhiều. Chỉ đến khi vùng hoại tử đen ngày càng lan rộng, móng của 2 ngón chân bất ngờ nứt toác bác V mới đến bệnh viện thì đã trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng ngón 4, ngón 5 bàn chân trái và phải tháo khớp các ngón chân. Gần đây, khi các ngón của bàn chân phải tím đen, xuất hiện vết loét ở lòng bàn chân bác V. đã đi khám và điều trị sớm nên may mắn chưa phải tháo ngón.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, phần lớn người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân, làm các vết loét lâu lành, dễ dẫn đến hoại tử. Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh đái tháo đường.
Lý giải nguyên nhân người bệnh đã đông trở lại những ngày sau Tết Nguyên đán, BS Thiện cho rằng phần lớn người bệnh không đến khám đúng hẹn, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà, trì hoãn kiểm tra định kỳ. Trong khi đó, điều trị loét bàn chân do đái tháo đường biến chứng hiện gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh; đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, việc điều trị bàn chân đái tháo đường khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa.
Một số nghiên cứu, thống kê cho thấy có 5 đến 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân và nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp từ 15 đến 46 lần so với người không bị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,… Đây là những tổn thương không đảo ngược được, nên việc phát hiện sớm sẽ tận dụng được “thời gian vàng” trong điều trị và hạn chế biến chứng cho người bệnh.
Trong khi nếu được điều trị sớm và đúng cách thì chi phí cũng thấp hơn nhiều so với bệnh nhân phát hiện muộn, không trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội. Các bác sĩ khuyến cáo chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Với những người đã được chẩn đoán, xác định chính xác đái tháo đường thì tuyệt đối không dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm. Cùng với việc duy trì uống thuốc, người bệnh cần phải thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị, không tự mua thuốc lá, thuốc nam để điều trị…
Không chỉ ghi nhận số người mắc đái tháo đường gia tăng, nhiều ca biến chứng, thời gian gần đây Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận cả những người còn rất trẻ (từ 7 đến 18 tuổi) nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Tại Khoa Nội tiết, đang điều trị một trường hợp cháu bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu. Các bác sĩ cho biết, cháu bé nhập viện trong tình trạng đường huyết cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường kèm theo dấu hiệu mất nước. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, bé đã được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng. Sau gần một tuần điều trị hiện tại tình trạng của bé đã cải thiện tốt, đường huyết đã ổn định hơn.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết cho biết, đái tháo đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Chính vì điều này đái tháo đường type 1 thường được gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin.
Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi.
Trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, tuy nhiên điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Nhưng một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ (cha, mẹ hoặc anh, chị, em) mắc bệnh này.
Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây… đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Hiện nay có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Nhưng các bác sĩ khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Khi có các biểu hiện, người dân nên đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Đồng thời việc thăm khám định kỳ đối với người bệnh đái tháo đường type 1 là rất quan trọng giúp theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị cho người bệnh. (Nhân dân, trang 5).
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống y tế Thủ đô
Sáng 15-2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống y tế giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, tổng số dự án thuộc lĩnh vực y tế tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 là 22 dự án, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; 7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư và 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Cụ thể, 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng 5 bệnh viện: Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây.
7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư, bao gồm: Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Trung tâm Pháp y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, đồng thời cải tạo và nâng cấp đầu tư hệ thống khí y tế và hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Còn lại 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, gồm: Xây dựng Bệnh viện Thận cơ sở 2; cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Bắc Thăng Long; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; xây mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc; Bệnh viện Mắt thành phố Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam và cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Nếu lấy con số tối thiểu là 30 giường bệnh/ vạn dân thì Hà Nội đang cần bổ sung 4.204 giường bệnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, với các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới các bệnh viện nêu trên sẽ giúp tăng cơ số giường bệnh, giúp cho ngành Y tế Thủ đô thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, khi triển khai, thực hiện, các dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như giải phóng mặt bằng; việc triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế; làm sao khi di dời cơ sở khám chữa bệnh để nâng cấp mà vẫn bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh cho người dân; việc tổ chức bộ máy, nhân sự khi đưa vào vận hành…
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, Sở Y tế thành phố, các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình trọng điểm như: Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Bệnh viện Thận cơ sở 2…
Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh đến việc cần phải nâng tầm một số lĩnh vực là thế mạnh của các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội như: Tim mạch, thận… Từ đó, xây dựng những cơ sở này thành trung tâm khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng cần gửi kiến nghị thẳng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, gửi UBND thành phố để cùng đưa phương án tháo gỡ. (Hà Nội mới, trang 1).
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, BYT đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân tại một số địa phương trọng điểm ... (Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Bác sĩ người dân tộc Mông tận tâm với nghề
Là người con dân tộc Mông ở miền rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), con đường để trở thành bác sĩ của Lỳ Bà Gì chẳng dễ dàng gì. Nhưng với những nỗ lực vượt bậc, vượt qua bao khó khăn vất vả, bác sĩ Gì đã trở thành người bác sĩ tận tâm, tận hiến vì sức khoẻ người dân.
Vượt qua khó khăn để trở thành bác sĩ
Lỳ Bá Gì, sinh ra, lớn lên ở bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trong một gia đình làm nông, có 7 người con, gồm 4 trai và 3 gái, trong đó tôi là con thứ 6. Bản Noọng Hán nằm tách biệt, để đến được trung tâm xã, người dân phải đi bộ trên con đường mòn dài 8 km.
Lên 4 tuổi, bố Gì mất vì dịch bệnh kiết lỵ. Bố mất được 3 tháng, mẹ đi thêm bước nữa. Ngày mẹ đi mang theo em trai út vừa vài tháng tuổi, 6 anh em Gì ở cùng với chú ruột.
"5 anh, chị em của tôi không được đi học, cuộc sống gắn với nương rẫy. Ý thức rõ những thiệt thòi, hạn chế của bản thân, chú và các anh chị đã động viên, chăm lo cho tôi. Đến lớp 5, tôi rời điểm trường ở bản, mang theo gạo, mắm muối, về trung tâm xã học bán trú. Nhà bán trú là nhà tranh tre, do phụ huynh học sinh tự dựng lên để con em ở, sinh hoạt và học tập.
Nhớ lời dặn dò của chú và anh chị, bản thân tôi cũng rất cố gắng để học tập. Nên từ đó cho đến năm lớp 12, tôi thường xuyên là học sinh tiên tiến và có năm là học sinh giỏi huyện", BS Lỳ Bá Gì trải lòng.
Với ước mơ trở thành bác sĩ, chăm lo sức khỏe cho đồng bào, tốt nghiệp phổ thông trung học, Lỳ Bá Gì đăng ký thi đại học vào trường y nhưng không đỗ. Sau đó, Lỳ Bá Gì may mắn được huyện xem xét và cử đi học theo diện cử tuyển. Gì đã bày tỏ nguyện vọng và trúng tuyển vào học tại Đại học Y Thái Bình. Ngày nhận được thông báo đi học, Lỳ Bá Gì vừa mừng, lại vừa buồn lo. Lo là bản thân không biết lấy tiền đâu ra để ăn học trong 6 năm tiếp theo. Nhưng rồi, chú và các anh lại là người cố gắng lo cho Gì theo học. Với đồng tiền ít ỏi được chú và anh chị trợ cấp, Gì đã tính toán, chi tiêu hết sức chi li và tiết kiệm, buổi sáng nhịn ăn đã thành thói quen.
Xác định ngành học rất khó, nên Lỳ Bá Gì tự nhủ phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong 4 năm đầu, Gì ở nội trú tại ký túc xá, do có nhiều bạn bè để hỏi, cái gì không hiểu lại hỏi bạn bè, anh chị. Đây chính là điều kiện tốt để thi đua học.
"Gần ngày tốt nghiệp, Bộ Y tế có đoàn công tác đến khảo sát nguyện vọng công tác của các sinh viên. Các bạn thì có nhiều mong muốn, nguyện vọng. Riêng phần tôi là được đi học theo diện cử tuyển. Trước khi đi tôi có viết cam đoan về phục vụ quê hương. Vậy nên, tôi rất vững tâm, vững chí là mình sẽ về với quê hương Kỳ Sơn, về với tỉnh nhà.", Lỳ Bá Gì cho biết.
Tháng 5/2015, tôi tốt nghiệp ra trường. Lỳ Bá Gì trở về huyện Kỳ Sơn để chờ thi tuyển vào Trung tâm Y tế. Chờ hơn 1 năm nhưng thời gian này huyện lại không có chỉ tiêu để tuyển. Nên Gì đã vào tỉnh Đắc Nông nộp hồ sơ để thi. Trong quá trình đợi kỳ thi, đến năm 2016, Gì nhận được tin Trung tâm Y tế huyện Tương Dương (Nghệ An) có tuyển dụng bác sĩ.
Không có gì quý bằng được cống hiến sức mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình, Lỳ Bá Gì vội vã về nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.
Nhiều trăn trở
Trao đổi với với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Lỳ Bá Gì: Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy đơn vị mình vẫn đang còn thiếu những máy móc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu như đơn vị có thêm những máy móc hiện đại thì chắc chắn rằng công tác khám, chữa bệnh sẽ tốt hơn nữa.
Một trăn trở khác, đó là người dân ở khu vực miền núi cao vẫn chưa có nhận thức đầy đủ của việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân khi gặp triệu chứng bệnh nhẹ vẫn thường chủ quan, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới đưa đến cơ sở y tế thì lúc này đã quá muộn hoặc khiến cho việc cứu chữa, điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có những người dân khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế mà lại nhờ cậy vào những thầy mo, nhất là những bệnh nhân người dân tộc Mông. Bản thân tôi, ngoài việc khám, điều trị, mình cũng phát huy vai trò "là một bác sĩ người Mông" để tích cực tuyên truyền cho người dân được hiểu rõ về bệnh tật, không mê tín dị đoan mà khi ốm, đau phải đến cơ sở y tế ngay.
Trăn trở nữa là đời sống kinh tế người dân ở khu vực miền núi còn nhiều vất vả. Nhiều ông bố, bà mẹ đã gửi con ở lại cho ông bà chăm sóc khi còn ít tháng tuổi để rời quê đi mưu sinh. Chính vì vậy, nhiều đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, nhất là về dinh dưỡng. Cai sữa sớm, thiếu dinh dưỡng khiến kháng thể trẻ kém và trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nhiều trẻ bị rụng tóc sau gáy, 7-8 tháng rồi nhưng chỉ 5-6 kg. Đây cũng là một vấn đề rất đáng lo, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và chất lượng giống nòi sau này.
Tận tâm, tận hiến vì sức khỏe nhân dân
Với khát vọng cháy bỏng trở thành 1 bác sĩ giỏi, cứu sống được nhiều người bệnh, vậy nên, Lỳ Bá Gì xác định phải học thêm những kinh nghiệm khám, chữa bệnh từ các đồng nghiệp ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ ban giám đốc, cũng như các đồng nghiệp ở trung tâm y tế, Ban giám đốc đã quan tâm, tạo điều kiện cử bác sĩ Lỳ Bá Gì đi học thêm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, bồi dưỡng thêm kiến thức hành nghề.
Tại đây, được các bác sĩ thâm niên, các đồng nghiệp ở khoa, trung tâm rất nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi tuần tôi có 3 buổi trực, ngoài 3 buổi trực này thì ngày nào tôi cũng đến trung tâm để theo các bác sĩ có chuyên môn tốt để trực cùng và học hỏi thêm.
Là một bác sĩ, Lỳ Bá Gì thấu hiểu người làm việc trong ngành Y rất vất vả, thu nhập chưa phải là cao. Đã có lúc, có bộ phận chưa đánh giá đầy đủ về ngành Y… nhưng Lỳ Bá Gì cho rằng, đó không phải là một vấn đề quá lớn. "Điều quan trọng ở đây là mình đã yêu ngành Y thì mình cần tận tâm, tận hiến hơn nữa vì sức khỏe nhân dân. Mình cần phải làm tốt hơn công việc của mình để mọi người có cách nhìn nhận đúng và sát hơn công việc ngành Y.
Về thu nhập thì tôi nghĩ dần dần đời sống sẽ tốt hơn khi chính bản thân mình tốt hơn. Bản thân người bác sĩ tốt ngoài chuyên môn tốt cần có đạo đức tốt; cần coi người bệnh như người thân, người nhà để điều trị. Sự tận tâm, tận lực chính là một thước đo với người công tác ngành Y". (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).