Biện pháp mới trị ung thư phụ khoa
Bọc tinh trùng trong bộ giáp sắt và dùng từ trường dẫn dắt chúng đến mục tiêu cần tìm diệt, được xem là sáng kiến khả thi để đưa thuốc đến đúng vị trí ung thư phụ khoa.
Lâu nay, việc đưa thuốc với liều đủ, hiệu quả đến đúng nơi mọc khối u ác tính mà không làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh khác là một trong những thách thức chính khi nghiên cứu phương thức điều trị ung thư. Cách tiếp cận bằng cách bọc thuốc trong các viên cầu mạch máu kích thước nano, gọi là liposome, giúp “viên thuốc” dễ hòa tan, đồng thời bảo vệ cơ thể trước các hóa chất độc hại khi chúng di chuyển khắp cơ thể. Không may là vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm khả năng thuốc bị loãng dần trên đường di chuyển, cũng như làm sao đưa thuốc đến đúng tế bào ung thư.
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hợp nhất khoa học nano và Đại học Công nghệ Chemnitz ở Đức đã thử nghiệm một số biện pháp có sẵn lâu nay khi cần đưa thuốc đi qua các môi trường khó khăn và khắc nghiệt như âm đạo, cổ tử cung, dạ con và ống dẫn trứng để điều trị các căn bệnh như ung thư phụ khoa, viêm màng trong dạ con và nhiễm trùng xương chậu. Đầu tiên, họ sử dụng những chủng vi khuẩn hoàn toàn phù hợp với việc di chuyển bên trong cơ thể, nhưng vi khuẩn luôn đối mặt với thách thức khó vượt qua, chẳng hạn như sự tấn công của các tế bào miễn dịch. Sau đó, nhóm chuyên gia nghĩ đến khả năng nhờ cậy tinh trùng, loại tế bào được trời phú cho năng lực luồn lách bên trong hệ thống sinh sản của nữ giới. Chúng không chỉ phù hợp với hoạt động di chuyển bên trong môi trường như vậy, mà màng của tinh trùng còn cho phép bảo vệ số thuốc mang theo, tránh nguy cơ rơi rớt trong quá trình dịch chuyển, hoặc bị hệ miễn dịch xử lý, hoặc bị các enzyme của cơ thể đe dọa phân hủy.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng trên bằng cách nhúng tế bào tinh trùng động vật vào hỗn hợp hóa trị gọi là doxorubicin, thường dùng để điều trị ung thư phụ khoa. Để dẫn dắt tinh trùng đến đúng vị trí, nhóm chuyên gia áp dụng biện pháp in 3D để tạo nên một dạng “áo giáp” phủ một lớp mỏng chất sắt cho tinh trùng. Thế là dưới tác dụng của từ trường, tinh trùng được dẫn dắt đến mục tiêu. Khi đến nơi, “áo” được thiết kế để tự nhiên bung ra khi tinh trùng lao vào tế bào. Trải qua quá trình quan sát, đội ngũ khoa học gia phát hiện dù “áo” sẽ làm chậm gần 1/2 tốc độ bình thường, tinh trùng vẫn xoay xở theo mệnh lệnh điều khiển để đến nơi và đưa thuốc vào bên trong tế bào ung thư, ít nhất là trên đĩa thí nghiệm.
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân tước đi 266.000 mạng sống của phụ nữ trên toàn thế giới vào năm 2012, chiếm 7,5% trong tổng số trường hợp thiệt mạng vì ung thư ở nữ giới. Do vậy, nhóm chuyên gia Đức hy vọng sẽ sớm vượt qua thách thức và hoàn thiện liệu pháp mới, cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị ung thư trong tương lai. (Thanh niên, trang 16).
Nguồn dinh dưỡng "vàng" của ẩm thực
Bạn có biết dùng 1kg xương đã loại bỏ hết thịt, ninh lửa nhỏ liu riu trong 24 giờ, chúng ta sẽ thu được: 101g đạm (tương đương với 0,47kg thịt); 0,87g mỡ (tương đương 0,15kg mỡ); 250g bột xương (tương đương 70 liều canxi)? Như vậy, nước hầm xương có giá trị dinh dưỡng nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Giàu dinh dưỡng như nước hầm xương
Trong nền ẩm thực của các quốc gia châu Á, châu Phi hay các nước Trung Đông, nước hầm xương được sử dụng khá phổ biến. Trước đây, người ta nghĩ rằng: loại nước này chủ yếu có giá trị về mặt hương vị, tức là làm cho món ăn ngon hơn chứ giá trị dinh dưỡng thì không nhiều. Cụ thể, trong 100ml nước xương chỉ chứa khoảng 0,6g đạm, bằng 1/30 nhu cầu hàng ngày của trẻ em.
Còn về thành phần canxi, 100ml nước hầm xương cũng chỉ chứa 33,5mg canxi, đáp ứng 1/10 nhu cầu canxi của các bé. Cũng chính vì nguyên nhân này mà có một thời gian, các chuyên gia dinh dưỡng kết luận rằng: nếu mẹ thường xuyên nấu cháo bằng nước hầm xương sẽ khiến con còi cọc, chậm lớn.
Tuy nhiên, quan điểm mới đây của các nhà khoa học Mỹ lại cho rằng: nếu biết cách chế biến, nước hầm xương cũng có giá trị dinh dưỡng tương đương các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua… Phân tích về vấn đề này, Tiến sỹ Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng quốc gia khẳng định: “Người ta đã làm một thí nghiệm đem 7kg xương hầm liu riu trong 24 giờ thì thu được 707g đạm, tương đương với khoảng 3,3kg thịt lợn; 610g mỡ, tương đương với 1kg mỡ khổ; 1750 bột xương, nghĩa là có thể sản xuất được 500 liều canx
Lý giải về việc tại sao nhiều người sử dụng nước hầm xương để nấu ăn cho trẻ lại dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, Tiến sỹ Từ Ngữ cho rằng, bởi đó chỉ là nước xương được ninh trong một thời gian ngắn, khi các chất dinh dưỡng chưa kịp tan vào nước. Do đó, nó chỉ có mùi vị ngon, còn giá trị dinh dưỡng rất ít. Vì thế, nếu muốn cho trẻ ăn nước hầm xương thì chúng ta phải ninh trong một thời gian dài. Khi đó, nó sẽ có một lượng canxi, chất béo, chất đạm phù hợp, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Cần ninh xương ít nhất trong 8 giờ
Như vậy, để có thể giải phóng hết toàn bộ chất dinh dưỡng có trong xương, chúng ta phải ninh xương ít nhất là 8 tiếng. Thậm chí, nếu đó là xương bò thì tốt nhất, bạn phải ninh liu riu trong lửa nhỏ từ 12-24 giờ. Trước khi ninh, bạn nên bỏ vào nồi nước hầm 2 thìa giấm táo để đẩy được các khoáng chất từ xương vào nước. Muốn nước hầm có thêm hương vị, bạn có thể thêm vào đó cà rốt, hành tây, su hào… Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, khi nấu cháo bằng nước hầm xương, bạn cần thêm rau, củ, quả vào đó. Việc này sẽ giúp trẻ tăng cường chất xơ, phòng tránh táo bón. Riêng với dầu mỡ, bạn không cần thiết phải thêm vì nước xương đã có sẵn chất béo.
Mặc dù nước hầm xương có thể chứa nhiều dưỡng chất, tuy nhiên, nếu ngày nào cũng ăn theo cách này sẽ dẫn đến tình trạng bị mất cân bằng dinh dưỡng. Bởi vì, ở độ tuổi đang phát triển, trẻ cần phải có nguồn dinh dưỡng phong phú, đa dạng từ các loại thực phẩm. Hơn nữa, nếu quá lạm dụng cách ăn này, các bé sẽ mắc chứng lười nhai.
Dù cho trẻ ăn theo cách thức nào, bạn cũng cần lưu ý: một bữa ăn của trẻ phải đáp ứng đầy đủ 4 nhóm chất là: chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Có như vậy, trẻ mới đủ năng lượng để phát triển cả thể chất và trí não. Ngoài ra, các thực phẩm để chế biến bữa ăn cho trẻ cần phải đa dạng, phong phú và thay được thay đổi hàng ngày.
Để có thể giải phóng hết toàn bộ chất dinh dưỡng có trong xương, chúng ta phải ninh xương ít nhất là 8 tiếng. Thậm chí, nếu đó là xương bò thì tốt nhất, bạn phải ninh liu riu trong lửa nhỏ từ 12-24 giờ. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Biệt đội chăm sóc bàn chân
Người ta biết nhiều đến công việc nâng niu gót ngà ở các trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Song ít ai biết đến đội chăm sóc bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Họ đêm ngày phải tiếp xúc và giải cứu cho những đôi chân nhiễm trùng, lở loét… của bệnh nhân đái tháo đường lâu ngày.
Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới, cứ 30 giây trên thế giới lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chân, do biến chứng loét bàn chân. Người mắc đái tháo đường càng ngày càng tăng. Tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo đường cũng càng ngày càng cải thiện, do chất lượng điều trị được nâng lên. Tuy nhiên khi tuổi thọ bệnh nhân đái tháo đường dài ra cũng kéo theo nguy cơ bị biến chứng bàn chân cao lên.
Không kể những người bình thường, ngay cả không ít bệnh nhân đái tháo đường cũng không biết đến sự tồn tại của một khoa hiếm thấy ở Việt Nam: Khoa Chăm sóc Bàn chân, nằm trong Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Khoa Chăm sóc Bàn chân cho biết: “Khoa thành lập từ năm 2002, đến nay đã được 15 năm, chuyên điều trị những vết thương cấp và mãn tính ở người đái tháo đường”. Bác sỹ Thiện tiết lộ, những bệnh nhân đến đây thường đã tổn thương rất nặng, từng điều trị ở tuyến dưới hoặc các bệnh viện khác không thành công.
Sống với mùi tử thi, chi thể hoại tử
Theo bác sỹ Mai Trang, Phó khoa, phụ trách Khoa Chăm sóc Bàn chân, hiện nay khoa có 6 bác sỹ, 10 điều dưỡng. Bác sỹ Mai Trang công nhận Khoa Chăm sóc Bàn chân không hấp dẫn với các bác sỹ: “Bệnh nhân bàn chân có mùi rất đặc trưng, mùi tử thi, mùi xác thối rữa…”. Có những vết thương ở chân đã có giòi làm ổ. Ngay chính những người trong nghề, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân có khi vẫn nôn tại trận trước những ca hiểm.
Hiện nay, Bệnh viện Nội tiết đã chuyển đến địa điểm mới, khang trang, rộng rãi nên các y, bác sỹ và bệnh nhân bàn chân cũng được nhờ: “Từ năm 2011 chúng tôi chuyển về đây, thoáng đãng hơn, trước đây không gian chật hẹp, rất khổ sở”.
Bác sỹ Mai Trang là nữ bác sỹ duy nhất trụ với Khoa Chăm sóc Bàn chân từ thuở khoa mới manh nha: “Hồi đó, khoa chưa qui mô như bây giờ, chỉ là một đơn vị rất nhỏ, có một bác sỹ, hai y tá, một buồng bệnh nhỏ, mang tên đơn vị bàn chân đái tháo đường. Chúng tôi phát triển qui mô thành đội chăm sóc bàn chân bài bản vào khoảng những năm 2009, 2010. Bây giờ chúng tôi đã có “ngoại” trong “nội”, bác sỹ Mai Trang hào hứng.
Trước đây, tất cả những phẫu thuật, thủ thuật cho bệnh nhân như cắt xương, cắt cụt, trích dẫn áp- xe lớn, cắt lọc hoại tử… đều phải gửi sang Khoa Ngoại để thực hiện. Sau đó Khoa Ngoại gửi bệnh nhân trở lại Khoa Chăm sóc Bàn chân để chăm.
Nhưng năm 2010, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện với chuyên môn lâu năm về chỉnh hình chấn thương chuyển về công tác ở khoa, đã giúp khoa trở thành một đội bài bản và khép kín trong chăm sóc bàn chân: hầu hết các thủ thuật ngoại khoa được thực hiện tại khoa với người trực tiếp thực hiện là bác sỹ phiên chế của khoa nên bệnh nhân được xử lí kịp thời. Ngoài ra, đội chăm sóc bàn chân còn có bác sỹ tim mạch, bác sỹ nội tiết chuyên về đái tháo đường, có điều dưỡng viên được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ quốc tế, đào tạo ở Nhật về chăm sóc bàn chân….
Lượng bệnh nhân đái tháo đường cần chăm sóc bàn chân hiện nay khá lớn. Các bác sỹ cho biết: Bệnh nhân đông nhất thường vào thời điểm cận và sau tết, bởi thời điểm này mọi người hay “thả phanh” trong ăn uống. Mùa hè cũng là mùa đông bệnh nhân, bởi thời tiết dễ gây nhiễm trùng cho người bệnh.
Đội chăm sóc bàn chân phải hoạt động liên tục, thường họ làm thông trưa: “Ở đây bệnh nhân truyền suốt ngày, có khi truyền đến chục tiếng đồng hồ một lần, ngoài ra còn phải dùng thuốc, có những điều dưỡng viên xong ca trực đi cà nhắc luôn”, bác sỹ Mai Trang kể.
Ai đã từng đến thăm Khoa Chăm sóc Bàn chân đều cảm nhận được sự thân thiện giữa y, bác sỹ với bệnh nhân. Bệnh nhân nắm tay bác sỹ cảm ơn, chào ra viện, bác sỹ dặn dò tỉ mỉ, cẩn thận như dặn người thân. Nếu ở nhiều môi trường y khoa khác đang diễn ra vấn nạn “phong bì” thì ở Khoa Chăm sóc Bàn chân, bệnh nhân tỏ ra vô cùng bối rối khi muốn cảm ơn bác sỹ nhưng bác sỹ từ chối.
Bệnh nhân Nguyễn Khắc Chiến chuyên nghề làm kính, đã mang bệnh hiểm nghèo lại gánh thêm căn bệnh đái tháo đường, ảnh hưởng tới bàn chân. Anh đã đi khắp nơi để chữa trị nhưng không đạt kết quả. Cuối cùng, có người mách bảo, anh đã tới Khoa Chăm sóc Bàn chân của Bệnh viện Nội tiết. Chỉ sau một tháng, anh Chiến đã được “trả lại” bàn chân, bước đi tương đối thoải mái.
Anh xúc động muốn được cảm ơn bác sỹ tài hoa đã thực hiện phẫu thuật cho mình. “Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện kiên quyết không nhận phong bì. Tôi chưa từng thấy một bác sỹ nào như ông”, anh Chiến vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Trao đổi với người phụ trách Khoa Chăm sóc Bàn chân, bác sỹ Mai Trang cười: “Bệnh nhân ở đây toàn người nghèo, họ đi khắp nơi rồi, đến chỗ tôi gần như là cuối cùng. Bệnh nhân có điều kiện đếm trên đầu ngón tay, mình nhận của người ta cũng không đành, thêm nữa không tạo ra sự chuyên nghiệp trong công việc”.
Chăm sóc bàn chân như… gương mặt
Chỉ khi bệnh nhân đái tháo đường có ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình mới giúp đội chăm sóc bàn chân đỡ vất vả. Bác sỹ Mai Trang cảm ơn truyền thông đã khá mạnh mẽ truyền tải thông tin về bệnh đái tháo đường, bản thân các bác sỹ cũng thường xuyên giáo dục cho bệnh nhân nhưng ý thức của người bệnh về chăm sóc bàn chân vẫn chưa tốt: “Khi được bác sỹ cảnh báo có nguy cơ bị nhiễm trùng chân, loét chân do biến dạng thì bệnh nhân phải kiểm tra chân hằng ngày”.
Cách chăm sóc bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường được bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện ví von như chăm sóc khuôn mặt của mình: “Cũng được xoa kem, cũng được rửa ráy, tỉa tót…”. Bệnh nhân cần dùng gương để soi gót chân, soi từng kẽ ngón chân, mở từng kẽ ngón để kiểm tra, vì kẽ ngón là nơi bắt đầu của nhiễm trùng. Lưu ý khi bệnh nhân rửa chân hàng ngày: Chỉ dùng nước mát hoặc nước ấm, do người nhà trực tiếp kiểm tra.
Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng thần kinh ngoại vi bàn chân bị tê bì hoặc mất cảm giác. Khi bị tê bì nhiều bệnh nhân thường học dân gian ngâm chân bằng nước nóng. Các bác sỹ khuyên không nên ngâm vì người bệnh không kiểm soát được cảm giác của mình. Đã từng có những bệnh nhân dội cả phích nước sôi vào chân, bỏng tuột da từ đầu gối trở xuống, khiến các bác sỹ phải mất nhiều tháng chăm sóc, điều trị chống nhiễm trùng, vá da, cắt lọc hoại tử…
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự: Hầu hết các bệnh nhân tới Khoa Chăm sóc Bàn chân đều trong tình trạng bị stress, có người không muốn sống nữa. Người phẫu thuật viên này đã trải qua nhiều ca đặc biệt, để lại ấn tượng khó phai: “Có một giáo viên khá nổi tiếng ở Hà Nội, ông đến với chúng tôi khi đang bị trầm cảm, gia đình chăm ông khá tốt nhưng ông giấu bệnh.
Khi nhìn chân ông, tôi đã tính tới khả năng phải cắt cụt để cứu tính mạng. Gia đình tha thiết xin bác sỹ cố cứu bàn chân. Sau đúng một tháng tôi đã “trả lại” bàn chân cho ông khiến ông và gia đình cảm động”. Mỗi chiến thắng trong giải cứu những bàn chân tổn thương nặng là một niềm vui vô giá đối với các chiến sỹ áo trắng, khiến họ quên đi công việc vất vả trong môi trường sực mùi tử thi.
Vài cảnh báo với bệnh nhân bàn chân
Khi có bệnh đái tháo đường, bệnh nhân phải đến những nơi chuyên ngành về bệnh đái tháo đường để được tư vấn, điều trị.
Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì phải đi khám ngay. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân, tiền đề cho loét chân sau đó.
Với những vết thương dù rất nhỏ, người đái tháo đường cũng cần đến chuyên khoa để xử lí. Vì chi phí cho việc chăm sóc bàn chân khá tốn kém nên bệnh nhân cần thiết phải mua bảo hiểm y tế. (Tiền phong, trang 14).