Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

ĐIểm báo ngày 16/7/2021

  • |
T5g.org.vn - Ngay từ bây giờ, bất kể người dân Thủ đô nào cũng có thể đăng ký tiêm vắc xin COVID-19; 7 triệu chứng cảnh báo tăng huyết áp cần cấp cứu; Chưa hết Delta, biến thể Lambda gây lo ngại cho hàng chục quốc gia

 

Ngay từ bây giờ, bất kể người dân Thủ đô nào cũng có thể đăng ký tiêm vắc xin COVID-19

Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, được kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022). Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay từ bây giờ, bất kể người dân thủ đô nào cũng có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin COVID-19 và căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng.

Bất kể người dân nào cũng có thể đăng ký tiêm vắc xin COVID-19

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn với mục tiêu tiêm trên quy mô lớn để phòng ngừa chủ động theo phương châm "tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất", trong đó mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người (căn cứ theo Nghị quyết số 21/CĐ-CP của Chính phủ), đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vắc xin bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vắc xin của Bộ Y tế.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay: Ngay từ bây giờ, bất kể người dân Thủ đô nào cũng có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo 2 cách. Một là, người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử"; hai là đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vắc xin.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu. Khi căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khỏe của từng người, chúng tôi sẽ phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện.

Tuy nhiên, không phải người nào cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng. Thêm vào đó, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu.

Trên hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Tiêm chủng vắc xin COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm. Cơ sở tiêm chủng trên địa bàn căn cứ vào thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm chủng cho người dân.

Đảm bảo an toàn giãn cách trong tiêm chủng

Để bảo đảm an toàn khi tiêm chủng, bà Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã quy định nhóm đối tượng trên 65 tuổi và nhóm đối tượng có bệnh mạn tính vào danh sách tiêm chủng bởi có loại vắc xin phòng COVID-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.

Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng.

Về vấn đề đảm bảo giãn cách trong quá trình tiêm chủng, bà Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố Hà Nội sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế.

Trước khi triển khai tiêm chủng, lực lượng chức năng sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm chủng. Chẳng hạn trong một buổi sáng, dây chuyền tiêm cho khoảng 100 người thì sẽ có từng đó người được gọi. Sau đó, người dân sẽ đến tiêm theo thứ tự được gọi.

“Để tránh xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm giãn cách an toàn, chúng tôi cũng mong người dân phối hợp với ngành Y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định. Cụ thể, người dân khi đến tiêm phải theo đúng khung giờ được gọi, không thể nhận được tin nhắn tiêm buổi sáng nhưng đến buổi chiều mới ra tiêm.

Thêm vào đó, khi đến điểm tiêm, người dân cần tuân thủ quy định tại điểm tiêm, thực hiện đầy đủ quy định "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” – bà Hà đưa ra khuyến cáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

 

7 triệu chứng cảnh báo tăng huyết áp cần cấp cứu

Thông thường, tăng huyết áp kéo dài không có dấu hiệu cảnh báo về thể chất. Đó là lý do tại sao nó được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". 

Theo đó, 7 triệu chứng sau cành bảo bạn đang bị tăng huyết áp, cần gọi xe cấp cứu gấp, đó là: Đau ngực dữ dội; đau đầu dữ dội kèm theo lú lẫn và mờ mắt; buồn nôn và ói mửa; lo lắng nghiêm trọng; khó thở; co giật; giảm phản ứng với kích thích…

Huyết áp quá cao có thể làm tổn thương các cơ quan và có liên quan đến các biến chứng đe dọa tính mạng như đau tim, đột quỵ, suy tim hoặc thận… Một trong những nguyên nhân là do người bệnh quên hoặc uống thuốc huyết áp không đều đặn. Điều trị cơn tăng huyết áp có thể bao gồm nhập viện để dùng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch… (Sức khỏe & Đời sống, trang 10)

 

Chưa hết Delta, biến thể Lambda gây lo ngại cho hàng chục quốc gia

Kể từ khi có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 làm cho 190 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 4 triệu người tử vong. Trong hơn 1 năm qua, từ virus ban đầu đã đột biến nhiều lần, sinh ra các biến thể có “sức công phá” và mức độ lây nhiễm mạnh hơn. Sau Delta, biến thể Lambda đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới….

Lambda nguy hiểm hơn Delta

Biến thể Delta đã gây một làn sóng dịch ở Ấn Độ, tiếp tục sinh ra các đột biến như Delta Plus để trở thành “biến thể đáng quan tâm” trên thế giới. Bên cạnh đó, có những biến thể đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học và đã được đưa vào vùng cảnh báo màu đỏ-  là biến thể Lambda.

Biến thể Lambda (C.37) có nguồn gốc từ Peru, chỉ trong 4 tuần biến thể này đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là ở các nước Nam Mỹ như Peru, Chile, Ecuador và Argentina. Biến thể Lambda xuất hiện lần đầu ở Peru hồi tháng 4, khi đó nó chỉ chiếm 1% các ca COVID-19, nhưng đến tháng 6, biến thể này xuất hiện ở 81% các ca COVID-19, đặc biệt,  Peru  là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Tại Chile, biến thể Lambda chiếm 31% các trường hợp dương tính.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phân loại Lambda “là biến thể được quan tâm” vào ngày 14/6. Các nhà khoa học lo ngại biến thể Lambda này có mức độ lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo rằng, biến thể Lambda  “nguy hiểm hơn biến thể Delta”.  Nó không chỉ  gây dịch bệnh cho hàng chục  quốc gia, mà còn vượt biên giới tiến ra ngoài khu vực châu Mỹ La tinh.

Tiến sĩ Alicia Demirjian -  Giám đốc giải quyết các vấn đề khẩn cấp liên quan đến COVID-19 tại Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), đã nói với hãng tin BBC rằng: “Hiện tại có rất ít bằng chứng về biến thể này . PHE hiện đang thực hiện các nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm để xác định đặc điểm và tác động có thể có của nó đối với sự lây truyền trong cộng đồng.  Hiện không có bằng chứng cho thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin hiện đang được triển khai ít hiệu quả hơn.

Vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả với biến thể Lambda

Ông Ricardo Soto-Rifo, một nhà virus học tại Đại học Chile, người đã nghiên cứu về Lambda, cho biết: “Chúng tôi không có nhiều thông tin về Lambda so với các biến thể khác. Tuy nhiên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, dù chưa được báo cáo, nhưng  bước đầu các nhà khoa học cho rằng, các kháng thể được tạo ra sau tiêm vắc xin có hiệu quả ít hơn đối với biến thể Lambda  so với chủng ban đầu, tuy nhiên vắc xin  vẫn có thể chống lại và vô hiệu hóa biến thể Lambda.  Theo các nhà khoa học, kháng thể cũng không phải là cách bảo vệ duy nhất của cơ thể chống lại virus bởi nếu virus xâm nhập, các thành phần khác của hệ thống miễn dịch, như tế bào T, cũng có thể bảo vệ cơ thể con người.

Ông Kerry Bowman, Giáo sư đạo đức sinh học và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Toronto, nói thêm rằng vẫn còn sớm để hiểu đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của biến thể Lambda, nhưng càng có nhiều người được tiêm chủng đầy đủ, chúng ta sẽ càng sẵn sàng  đối mặt với bất kỳ biến thể mới nào.

Hiện nay, nhiều biến thể - như  Delta, Lambda -  sẽ nhắm “mục tiêu” tấn công  những người chưa được tiêm chủng, nên để bảo vệ  sức khỏe cộng đồng “chúng ta cần càng nhiều người tiêm chủng đầy đủ càng tốt, và tốc độ tiêm càng nhanh càng tốt", ông  Bowman nói.   Tuy nhiên, để giảm thiểu sự lây lan và xuất hiện của những biến thể mới này, theo chuyên gia sức khoẻ toàn cầu Bowman, cần phải bắt đầu xem xét các nỗ lực tiêm chủng ở các nước bên ngoài Canada. 

“Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về đại dịch này, khi việc tiêm chủng  tăng lên ở Canada, chúng ta  phải bắt đầu suy nghĩ về phần còn lại của thế giới về cả bình diện virus, dịch tễ học và đạo đức,” ông Bowman nhận định. “Nhiều nơi trên thế giới này, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp … sẽ còn những  biến thể khác  sẽ tiếp tục đến với thế giới. Tôi cho  rằng chúng ta cần phải có nghĩa vụ giúp đỡ những người khác nếu muốn chấm dứt đại dịch. " …. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16)

 

Chuẩn bị kịch bản cao nhất ứng phó Covid-19

Theo Thủ tướng, tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể để đưa ra những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

TP.HCM nỗ lực mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19

Cấp tập dựng thêm bệnh viện dã chiến

Họp với 27 tỉnh thành phía nam về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương chuẩn bị kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, đồng thời kêu gọi tinh thần dũng cảm quyết định những vấn đề đột phá, đột xuất.

Hôm qua (15.7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 địa phương từ Phú Yên đến Cà Mau để bàn về những giải pháp quyết liệt hơn trong phòng chống dịch Covid-19.

Dũng cảm quyết định những vấn đề bất ngờ

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận thời gian vừa qua, TP.HCM và các tỉnh có dịch đã nỗ lực hết mình, đặc biệt là các bí thư, chủ tịch, lãnh đạo các cấp đã thể hiện rất rõ tinh thần nêu gương, tất cả vì tính mạng, sức khỏe nhân dân, huy động được cả hệ thống chính trị và kêu gọi, vận động, truyền cảm hứng cho nhân dân và các doanh nghiệp vào cuộc để phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi có điều kiện.

Nhờ vậy, mặc dù biến chủng vi rút mới lây nhiễm nhanh, mạnh, khó lường, tình hình diễn biến phức tạp trên diện rộng, cơ sở vật chất còn hạn chế, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm do chưa có tiền lệ, nhưng TP.HCM và một số địa phương đã thực hiện được những biện pháp hết sức thiết thực, cụ thể và đạt được những kết quả nhất định.

Dù vậy, Thủ tướng cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như có nơi, có lúc chưa bám sát diễn biến tình hình, chưa dự báo, lường hết được những khó khăn, đặc biệt là sự lây lan nhanh của biến chủng vi rút mới. Có nơi, có lúc bị động, lúng túng, thậm chí bất ngờ, một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, chưa chấp hành nghiêm các quy định, nhất là quy định, hướng dẫn phòng chống dịch. Những điều này khiến kết quả phòng chống dịch tại một số địa phương chưa cao, chưa được như mong muốn.

Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, lúng túng

Do đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành phải phân tích, mổ xẻ nghiêm túc, kịp thời khắc phục những hạn chế nói trên để làm tốt hơn. Cụ thể, với TP.HCM và các tỉnh có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần ưu tiên số 1 là tập trung phòng chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua những cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Những nơi nào đủ điều kiện an toàn mới đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

“Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, lúng túng; cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch, mua trang thiết bị, bồi dưỡng cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, tập trung cho mua vắc xin”, Thủ tướng yêu cầu đồng thời nhấn mạnh tinh thần “tận dụng giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, ông nhấn mạnh đến việc công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất, xuyên suốt và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phải được tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác chỉ đạo và “đủ dũng cảm, có đủ khả năng quyết định những vấn đề có tính chất đột phá, đột xuất, bất ngờ”.

Bổ sung vắc xin ưu tiên cho các chuỗi cung ứng

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành với địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Cụ thể, Bộ GTVT phải bảo đảm giao thông thông suốt, không để ách tắc vận tải hàng hóa. Bộ Công thương bảo đảm cung ứng, phân phối hàng hóa đầy đủ.

Bộ TT-TT bảo đảm hoạt động thông suốt các công cụ công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch. Bộ NN-PTNT tăng cường sản xuất hàng hóa, cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân đang thực hiện giãn cách xã hội. Bộ Y tế đáp ứng các yêu cầu liên quan đến bảo đảm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chống dịch, nhân lực y tế; tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp.

Theo Thủ tướng, tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể để đưa ra những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và cả trong nhân dân, doanh nghiệp. “Phòng, chống dịch theo hướng tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; góp phần chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân. Các địa phương chủ động hơn nữa trong chuẩn bị nguồn lực về con người, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, tay nghề để đáp ứng yêu cầu chống dịch sát với tình hình thực tế”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, để giải quyết việc lưu thông hàng hóa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ GTVT thống kê toàn bộ lái xe đường dài, tập trung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng này. Bộ Y tế nghiên cứu, rà soát lại quy định xét nghiệm định kỳ cho lái xe vận tải hàng hóa. (Thanh niên, trang 2+3)

 

Bộ Y tế bác thông tin sai sự thật về nguồn gốc dịch COVID-19

Bộ Y tế khẳng định, thông tin COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người là thông tin sai sự thật và Bộ Y tế không đưa ra thông tin này. 

Chiều 15/7, Bộ Y tế cho biết, thông tin COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người là thông tin sai sự thật và Bộ Y tế không đưa ra thông tin này.  

Hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. 

Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do COVID-19. 

Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Bộ Y tế khẳng định, đây là thông tin sai sự thật, Bộ Y tế không đưa ra thông tin cũng và khuyến cáo như vậy. (Công an nhân dân, trang 1)

 

TPHCM: 38% số ca nhiễm ở khu phong tỏa là lây chéo

Chiều ngày 15-7, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Chủ trì hội nghị sơ kết tại điểm cầu UBND TP.HCM có ông Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM.

Số ca cộng đồng có xu hướng giảm

Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin - truyền thông - cho biết từ ngày 9-7 đến nay TP phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.

Hiện nay, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, quận 8, TP Thủ Đức… Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là phường 13, quận 10 (43 ca); phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca); phường 7, quận 8 (41 ca)…

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - đề nghị UBND TP chỉ đạo hạn chế công nhân đi lại tại các công trình; đánh giá và có thể tạm dừng các công trình thi công trên địa bàn, trừ các chương trình trọng điểm trong thời gian ngắn thực hiện chỉ thị 16 còn lại. Việc này sẽ hạn chế được vấn đề đi lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. 

Bên cạnh đó, ông Trần Quang Lâm cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung ứng hàng hóa.

Về vấn đề cung ứng hàng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng mặc dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Ông Phong yêu cầu cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.

Ông Phong cũng cho biết bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ý kiến về mở lại chợ truyền thống, tuy nhiên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc mở lại này.

Hiện nay một số địa phương có đưa ý kiến tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng. 

Ông Phong cho rằng cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này để phục vụ người dân khi hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung cứng. Phải tính toán trên từng địa bàn cụ thể, chưa thể áp dụng trên phạm vi toàn TP… (Tuổi trẻ, trang 3)

 

Chuyên gia nói gì về văcxin và chiến lược chống dịch của Việt Nam

Việt Nam đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4, mỗi ngày lên tới hàng nghìn ca bệnh. Nhiều người dân TPHCM lo lắng về việc tự cách ly ở nhà khi nhân lực ngành y tế đang quá tải. Xung quanh vấn đề phòng chống dịch, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Hồng Vũ, thành viên trong nhóm nghiên cứu văcxin Covid-19 tại City of Hope (Califfornia, Hoa Kỳ).

Thể nhẹ tự điều trị ở nhà

Cảm ơn TS Nguyễn Hồng Vũ (TS) đã luôn dõi theo tình hình dịch Covid-19 tại quê nhà và có nhiều chia sẻ hữu ích. Xin hỏi, với số lượng ca nhiễm mỗi ngày một cao như hiện nay, TPHCM vừa chính thức triển khai thí điểm cách ly F0 và F1 tại nhà. Nhiều người dân lo ngại về điều này. Quan điểm của TS thế nào?

Đây là một hướng đi đúng đắn vì hiện nay các ca nhiễm ở nước ta đã rất nhiều, đặc biệt là TPHCM với mỗi ngày đã lên tới hàng nghìn ca mới. Nếu vẫn giữ phương pháp cũ tập trung điều trị F0 thì sẽ sớm làm hệ thống y tế quá tải, tốn kém tiền bạc và chất lượng sinh hoạt/điều trị trong khu cách ly cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Với tỷ lệ người bệnh nhẹ khi mắc Covid-19 là khoảng 80% trong độ tuổi dưới 50, việc đưa F0 không có biểu hiện bệnh hoặc bệnh nhẹ về nhà tự điều trị sẽ làm nhẹ gánh rất đáng kể cho hệ thống y tế hiện nay. Tuy nhiên, để phương án này hiệu quả và an toàn đối với cộng đồng thì người mắc SARS-CoV-2 cũng cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà. Hiện TPHCM đã có văn bản hướng dẫn cụ thể F0, F1 tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm. Người dân nên đọc kỹ hướng dẫn để phối hợp.

Ngoài việc sát trùng thường xuyên giảm tối đa lây nhiễm cho người xung quanh, người tự cách ly cần chăm sóc như thế nào để hồi phục?

Với các loại bệnh do virus gây ra thì việc điều trị chủ yếu là “điều trị hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn phải cố gắng “làm dịu nhẹ” các triệu chứng khó chịu, để cơ thể có thời gian củng cố hệ miễn dịch chiến đấu với virus. Hầu hết các trường hợp tự điều trị Covid-19 sẽ hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.

Những triệu chứng nhẹ mà người bị mắc Covid-19 có thể tự điều trị ở nhà như sốt hoặc ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau nhức, đau đầu, mất vị giác, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy. Cách điều trị ở nhà chủ yếu là nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước cho cơ thể để hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus. Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nếu cần khi bị sốt cao (trên 39 độ C). Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi…). Nếu khó ăn, khó tiêu thì có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa. Phơi nắng mỗi ngày 5 - 10 phút, uống sữa, ăn trứng…

Khi đã nhiễm Covid-19 thì có bị nhiễm lại không và nếu nhiễm lại có nguy hiểm không? Người đã bị nhiễm Covid-19 rồi có cần tiêm văcxin không, thưa TS?

Nếu đã nhiễm Covid-19 thì khả năng nhiễm lại là rất thấp, vì khi hồi phục cơ thể đã tạo ra được kháng thể nhận biết virus này. Các trường hợp người tái nhiễm hiện nay là rất thấp và nếu có thì sẽ mau hồi phục vì cơ thể đã nhớ virus này nên tiêu diệt rất nhanh. Người đã nhiễm virus rồi thì coi như đã được "văcxin tự nhiên" nên không cần tiêm văcxin nữa.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, người sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có kháng thể bảo vệ trong cơ thể của họ ít nhất là 3 - 4 tháng (có thể dài hơn). Bảo vệ cho đến bao lâu thì còn phụ thuộc vào tế bào nhớ của hệ miễn dịch. Dù lượng kháng thể giảm sau 3 - 4 tháng nhưng nếu đã có tế bào nhớ thì khi nhiễm lại, hệ miễn dịch cũng được kích hoạt tấn công rất nhanh. Đó là lý do cho đến nay (sau hơn 1 năm) hiện tượng người bị tái nhiễm virus này vẫn là rất hiếm.

Tuy nhiên, cũng có một số khuyến cáo người đã nhiễm virus một cách tự nhiên vẫn nên tiêm văcxin để củng cố thêm hệ miễn dịch, tăng thời gian bảo vệ và đề phòng tái nhiễm sau 1 thời gian dài. Chuyện này nên được xem xét sau khi chúng ta có dư văcxin.

Một số người cho biết, người thân của họ có biểu hiện mắc Covid-19 nhẹ với biểu hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ, viêm họng nhẹ, mất vị giác, tiêu chảy. Họ đã uống zinc, theraflu, xông hơi, súc miệng nước muối và uống chanh nóng... thì thấy bệnh thuyên giảm nhanh sau vài ngày, tương tự như bị cảm, cúm thông thường. Liệu có phải do họ đã được tiêm ngừa chủng lao BCG hay quen với việc bị viêm họng ở Việt Nam?

Hiện mối quan hệ giữa văcxin ngừa lao (BCG) và hiệu quả bảo vệ/tình trạng bệnh đối với Covid-19 vẫn còn đang được tranh cãi vì chưa tìm ra được các bằng chứng thuyết phục.

Cần tiếp tục đưa ra những loại văcxin tốt hơn

Một số tin đồn thất thiệt cho rằng, chủng Lambda chứa đột biến có thể đánh bại văcxin. Theo TS phải hiểu thế nào cho đúng?

Một nghiên cứu ở Đại học New York (Mỹ) mới công bố cho thấy, biến chủng Lambda tuy làm giảm hiệu lực văcxin nhưng vẫn bị nhận diện và trung hòa tốt bởi các kháng thể được tạo ra ở những người được tiêm văcxin mRNA (của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) hoặc những người hồi phục từ việc nhiễm bệnh Covid-19 tự nhiên. Dựa trên kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ở New York và cho đến bây giờ chủng Lambda vẫn chưa trở nên phổ biến ở các nước có tỷ lệ người tiêm phòng cao bởi các văcxin Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca… nên chúng ta không nên quá hoang mang về biến thể này. 

Tiêm văcxin có thể ngừa bệnh trong bao lâu thưa TS?

Vì tình trạng cấp bách nên văcxin đã được chấp nhận sử dụng ngay khi có kết quả đảm bảo "an toàn" và "hiệu quả". Các văcxin đang phát triển không biết sẽ bảo vệ được trong bao lâu vì chưa có số liệu của nghiên cứu đường dài. Nhưng với các kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng cho đến hiện tại thì các nhà nghiên cứu hy vọng các văcxin có thể bảo vệ ít nhất trong khoảng 6 tháng và có thể dài hơn (dựa theo kết quả quan sát tiếp trong tương lai).

Là một thành viên trong nhóm nghiên cứu văcxin Covid-19 tại City of Hope (Mỹ), ông đánh giá thế nào về văcxin Nanocovax?

Thực sự là một câu hỏi khó vì cho đến giờ này chưa thấy bất cứ số liệu khoa học nào công bố từ nhóm nghiên cứu. Không có một thông tin khoa học chi tiết nào để một người làm trong ngành nghiên cứu văcxin hoặc một tổ chức y tế nào đó có thể đánh giá một cách khách quan.

Các văcxin được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới như PfizerBioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson… đều phải “lên thớt” nhiều lần trước khi có thể được một tổ chức y tế như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận cho phép sử dụng khẩn cấp. Do vậy, khi chỉ dựa trên thông tin công bố là “Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch đạt 99,4%” thì có phần “ngây thơ”. Để đánh giá được văcxin, các nhà khoa học cần có thông tin cụ thể gồm: Khả năng sinh miễn dịch này có đặc hiệu không? Kháng thể được tạo ra bởi phản ứng miễn dịch này có “nhận ra” được virus (và các biến thể mới của nó) hay không? Kháng thể có thể bám và “trung hòa” được virus để ngăn chúng nhiễm vào tế bào hay không? Người tiêm văcxin có những triệu chứng phụ nào, tỷ lệ ra sao? So sánh với nhóm đối chứng thì hiệu quả văcxin là bao nhiêu phần trăm?… Vì thế, việc “Kiến nghị cấp phép khẩn cho văcxin Việt Nanocovax” là một việc làm chưa chứng minh được một cách rõ ràng tính “an toàn” và “hiệu quả” của văcxin.

Được biết, các nhà khoa học nhiều quốc gia trong nhóm của TS đang tập trung nghiên cứu văcxin ngừa SARS-CoV-2 có tên COH04S1 và có những thành công bước đầu. TS có thể chia sẻ một vài thông tin?

Kể từ cuối năm 2020, FDA (Mỹ) đã cho phép đưa văcxin COH04S1 vào thử nghiệm lâm sàng pha đầu tiên. Cho đến nay các kết quả thử nghiệm của pha 1 cho kết quả khá tốt, nhóm hy vọng sẽ sớm công bố kết quả này trên tạp chí chuyên ngành trong thời gian tới và chuẩn bị cho pha thử nghiệm tiếp theo. Văcxin của chúng tôi chỉ cần bảo quản -20 độ C bằng tủ lạnh thông thường nên sẽ tiết kiệm chi phí, vận chuyển dễ dàng hơn. Không giống với hầu hết các văcxin hiện nay đang được sử dụng trên thế giới nhắm vào việc tạo đáp ứng miễn dịch của người được tiêm ngừa bằng protein S (protein trên bề mặt) của virus SARS-CoV-2) văcxin của chúng tôi được thiết kế để tạo đáp ứng miễn dịch trên cả protein S và protein N (Nucleocapsid, loại protein bên trong virus và liên kết với bộ gene của virus).

Hiện nay, thế giới vẫn chưa đủ lượng văcxin cần thiết và cũng chưa biết các văcxin hiện tại bảo vệ được trong thời gian bao lâu nên cần có nhiều nhóm nghiên cứu tiếp tục đưa ra những loại văcxin tốt hơn, củng cố thêm sức mạnh văcxin ngăn chặn đại dịch Covid-19 lâu dài và hiệu quả.

Xin cảm ơn TS! (Khoa học & Đời sống, trang 15)

 

Kiểm soát chặt các nguồn lây Covid-19 vào Hà Nội nhưng không “ngăn sông cấm chợ”

Ngày 15-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố. Tham gia đoàn có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố.

Hạn chế nguồn lây trong cộng đồng

Đoàn đã kiểm tra tại chốt số 2 Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km188) đi qua huyện Thanh Trì; tòa nhà Techno Khu Văn phòng TLIP - Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh); chốt 20 quốc lộ 2, đầu vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (huyện Sóc Sơn).

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, hằng ngày có khoảng 65 nghìn lượt xe ra vào thành phố qua chốt số 2 Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngày 15-7, một ngày sau khi thành phố lập chốt kiểm soát phòng dịch thì lượng phương tiện giảm đáng kể. Trong ngày 14 và sáng 15-7, nhiều chủ phương tiện đến từ các địa phương có dịch không đủ điều kiện vào Hà Nội đã phải quay đầu xe.

Theo báo cáo của huyện Đông Anh, từ ngày 5-7 đến nay, trên địa bàn huyện có 46 ca F0 liên quan đến ổ dịch tại Khu công nghiệp Thăng Long. Trong số 8.683 mẫu liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm thì có 7.963 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Đối với công nhân tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI và Công ty TNHH Molex Việt Nam, có 2.151 người đang cách ly y tế tại nhà. Huyện Đông Anh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp Thăng Long và 2 công ty này khử khuẩn toàn bộ công ty và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch đối với toàn bộ công nhân.

Tại buổi kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI cho biết, doanh nghiệp có 480 công nhân là F1 cách ly tập trung và 2.417 công nhân cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú. Đại diện công ty cảm ơn sự hỗ trợ của huyện Đông Anh và thành phố thời gian qua giúp đơn vị vượt qua khó khăn, đặc biệt là hạn chế các nguồn lây ra cộng đồng; đồng thời bày tỏ mong muốn huyện Đông Anh cũng như thành phố tiếp tục hỗ trợ để công ty có thể hoạt động trở lại vào ngày 25-7, với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, kể từ ngày 14-7 khi chốt 20 quốc lộ 2, đầu vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai được lập để phòng, chống dịch Covid-19, người dân chấp hành nghiêm túc. Hằng ngày, lượng phương tiện ra vào chốt 20 không quá đông, nên các lực lượng chức năng kiểm soát rất chặt, không để sót lọt nguồn lây Covid-19 ra cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Còn đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch, mỗi ngày có 4 đến 6 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, với khoảng 700 lượt khách. Để bảo đảm phòng, chống dịch, tất cả hành khách trước khi lên máy bay phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có báo cáo cụ thể danh sách từng chuyến bay, trong đó ghi rõ điện thoại liên hệ và địa chỉ của từng hành khách gửi các quận, huyện để tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ đủ 14 ngày và thực hiện 3 lần xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

Sau khi ghi nhận thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, các xét nghiệm nhanh tại 22 điểm chốt kiểm soát ngày 14 và sáng 15-7 đều cho kết quả âm tính. “Chúng tôi cho rằng, việc kiểm soát người ra vào thành phố trong thời điểm này hết sức quan trọng để dịch không lây lan ra cộng đồng, đồng thời giúp các địa phương phát hiện nhanh các ca dương tính để xử lý kịp thời. Những ngày tới, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tờ khai điện tử bằng việc quét mã QR Code để người dân thuận tiện trong khai báo y tế, giảm thời gian chờ đợi tại các chốt”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi dịch Covid-19

Sau khi ghi nhận thực tế và nghe báo cáo của các đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng, đặc biệt tại các chốt kiểm soát vào thành phố kể từ ngày 14-7 đến nay. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố vẫn chủ động kiểm soát tình hình dịch, đồng thời cũng lưu ý về nguy cơ và tính phức tạp của dịch bệnh đang tiềm ẩn rất cao.

Theo đồng chí Chu Ngọc Anh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố luôn chỉ đạo phải chủ động đi trước một bước, theo sát các di biến động của người dân từ các vùng dịch về Hà Nội. “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc và triển khai đồng bộ của các lực lượng chức năng tại các chốt để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm không ngăn sông cấm chợ với địa phương khác, đồng thời tạo điều kiện để người dân sản xuất, kinh doanh”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Để phù hợp với tình hình mới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố chỉ đạo sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi dịch bệnh tại các trạm thu phí, các chốt kiểm soát để cùng với kiểm tra ngẫu nhiên sẽ nắm được ngay biển kiểm soát phương tiện ra vào, từ đó biết được tình hình di biến động của người dân từ vùng dịch vào Hà Nội. Từ giám sát trên, thành phố sẽ giao trách nhiệm cho cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng nắm được những di biến động đó để theo dõi người từ vùng dịch về, lập tức yêu cầu khai báo y tế và y tế địa phương sẽ theo dõi tình hình sức khỏe, tổ chức xét nghiệm Covid-19.

Đối với đề xuất của Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ban quản lý Khu công nghiệp Thăng Long cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng cũng như của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý Khu công nghiệp Thăng Long phải có phương án sản xuất cụ thể cho từng doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra các ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, cần linh hoạt trong điều kiện của các công ty để vừa bảo đảm phòng, chống dịch nhưng không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với ca bệnh xuất phát từ nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI, lãnh đạo thành phố đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đông Anh trong công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu huyện Đông Anh tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch để nỗ lực cùng Ban Quản lý Khu công nghiệp Thăng Long tìm phương án hỗ trợ Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI có thể sớm hoạt động trở lại.

Đối với công tác phòng, chống dịch tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là vì tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là các nguồn lây từ các tỉnh phía Nam vào Hà Nội qua đường hàng không rất cao. “Chỉ khi nào kiểm soát chặt được các nguồn lây thì chúng ta mới ngăn chặn được các mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. Vì thế, việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người dân”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang