San sẻ với người bệnh
Đã 12 năm nay, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, cứ 6 giờ sáng, tại một góc tầng 1, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, người ta lại thấy một bà cụ ân cần phát từng bát cháo tình thương cho người bệnh nghèo. Đó là bà Hoàng Thị Dần, 69 tuổi, Chi hội phó Chữ thập đỏ khối 9, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Bà Hoàng Thị Dần là người trực tiếp nhận nấu và phát cháo miễn phí của dự án “Nồi cháo tình thương”, do Hội Chữ thập đỏ TP Lạng Sơn phối hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện. Để có được nồi cháo kịp phát cho bệnh nhân ăn sáng, ngày nào bà Dần cũng dậy từ 4 giờ, để chuẩn bị bếp và thực phẩm, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. Mỗi buổi sáng, bà phát từ 50 đến 60 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Bà Hoàng Thị Dần chia sẻ: Có hôm mưa bão, nước dâng cao vào tận trong nhà không nấu được cháo, tôi lại mua mì ăn liền vào bệnh viện phát cho bệnh nhân. Hằng ngày, tiếp xúc với nhiều người bệnh, biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của họ khiến tôi thêm hăng say với công việc này, hy vọng giúp cho mỗi bệnh nhân khó khăn có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Cầm trên tay tờ phiếu chờ đến lượt nhận cháo, bà Hoàng Thị X (57 tuổi, quê ở xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, Lạng Sơn), đang điều trị ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh xúc động kể: Tôi mắc bệnh hiểm nghèo vào điều trị được nửa tháng nay, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bao nhiêu tiền tích cóp được đều dồn hết vào điều trị. Nhận được bát cháo miễn phí từ các nhà hảo tâm, tôi rất cảm động và thấy ấm lòng.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Lạng Sơn Bùi Bích Thủy cho biết: Trong 12 năm qua, dự án “Nồi cháo tình thương” đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm. Trong đó có một số đơn vị tiêu biểu như: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn, Công ty TNHH Bảo Long... Đáng chú ý là sự đóng góp công sức của bà Hoàng Thị Dần. Trong suốt nhiều năm qua, bà Dần tận tâm nấu từng nồi cháo tình thương cho người bệnh đang điều trị tại bệnh viện. Dự án “Nồi cháo tình thương” đến nay đã thật sự tạo sức lan tỏa và là dự án điển hình được Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện đến tham quan học tập, được nhân rộng ra trung tâm y tế các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc... (Nhân dân, trang 8)
Sản xuất, kinh doanh rượu: Siết quản lý, tăng kiểm tra
Đã gần 2 năm kể từ khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành (ngày 1-11-2017), đến nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn tràn lan, khó kiểm soát. Trước tình trạng này, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã, đang siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.
Vẫn khó kiểm soát
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến tháng 7-2019, trên địa bàn thành phố có 22 doanh nghiệp đã được Sở cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô dưới 3 triệu lít/năm; 29 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, với tổng công suất khoảng 50.000 lít/năm.
Ngoài ra, theo ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nếu tính cả cơ sở sản xuất rượu thủ công, trên địa bàn thành phố có gần 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Qua kiểm tra thực tế, phần lớn các hộ sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ nấu rượu kết hợp với sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi, nên việc sản xuất không thường xuyên, không chú trọng chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, nhưng vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ. Điển hình là tại cơ sở sản xuất rượu vang và sâm panh của bà Nguyễn Thị Hoa (đường Ba La, quận Hà Đông), Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện 570 chai rượu vang nho, 108 chai rượu vang nổ (không có mã số, mã vạch trên các chai rượu), 2.000 lít cồn thực phẩm… không bảo đảm chất lượng, an toàn.
Trong khi đó, thực tế hầu hết các quán cơm bình dân thường dùng các loại rượu ngâm như: Táo mèo, ba kích, nếp cái hoa vàng để bán cho khách. Đáng nói là, các loại rượu này đều được đóng trong chai nhựa, không nhãn mác. Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, việc chưa có khái niệm rõ ràng về rượu thủ công đã gây khó khăn cho công tác quản lý, khó phân biệt với rượu công nghiệp. Ngoài ra, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rượu thủ công, nhất là những sản phẩm rượu ngâm khiến lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm...
Xử lý nghiêm vi phạm
Hiện nay, công tác quản lý, kiểm soát rượu thủ công vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều dễ nhận thấy nhất là các quy định, chính sách về quản lý rượu thủ công chưa nhận được sự quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc của những người sản xuất, kinh doanh. Rượu thường không được kiểm soát chất lượng, nhưng vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ. Đáng lo ngại là, trong khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhưng thực tế trẻ em có thể mua rượu dễ dàng tại các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ. Nhiều hộ sản xuất còn lấy lý do tự cung, tự cấp để “né” việc đăng ký giấy phép.
Ông Vũ Văn Luật, chủ một hộ nấu rượu thủ công làng nghề Tân Độ, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) phản ánh: "Một hộ dân muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; giấy phép sản xuất do Sở Công Thương; nhãn mác do Sở Khoa học và Công nghệ; đăng ký chất lượng do Sở Y tế đảm nhận… Do ngại mất nhiều thời gian làm thủ tục nên các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ đã "né" việc đăng ký cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu”.
Để siết chặt công tác này, ngày 5-8-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3323/UBND-KGVX, yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Sở đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; chỉ đạo các đơn vị chức năng quản lý chặt các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn… Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phố Hàng Hòm, Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm); tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu...
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Chu Xuân Kiên nhấn mạnh, để siết chặt hơn nữa quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu tại chỗ chưa có giấy phép, tiêu thụ rượu không có nguồn gốc, đặc biệt là cơ sở sản xuất rượu thủ công hoạt động không có giấy phép…; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tiêu hủy sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; tái kiểm tra các cơ sở đã bị xử lý vi phạm...
Ông Chu Xuân Kiên cũng đề nghị, chính quyền các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu thủ công. Bên cạnh đó, chủ động yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc; tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không nguồn gốc, không tem nhãn…
Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định trong sản xuất, kinh doanh, tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc... (Hà Nội mới, trang 1)
Bộ Y tế nói về việc chậm ban hành quy chuẩn và bổ sung vi chất vào sữa học đường
Những ngày gần đây, dư luận bày tỏ nhiều băn khoăn về việc Bộ Y tế chậm trễ trong việc ban hành quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, nhất là việc bổ sung vi chất vào sữa tươi…
Về nội dung trên, sáng nay, 15-8, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế đã thông tin đến báo chí để làm rõ một số vấn đề mà dư luận, các cơ quan truyền thông đang phản ánh.
Theo ông Vinh, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTCP về việc Phê duyệt chương trình sữa học đường, ngày 28-9-2016, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5450/QĐ-BYT về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.
Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh, sản phẩm dùng trong chương trình sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29-1-2017 của Bộ NN&PTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định 5450 của Bộ Y tế.
Hiện đã có 15 tỉnh/ thành phố đã và đang triển khai chương trình sữa học đường bằng các nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiêp và người dân, có cả tỉnh còn khó khăn như Sơn La.
"Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn cần được thực hiện nghiêm túc như trong thời gian qua” – đại diện Bộ Y tế cho biết.
Bên cạnh việc sớm ban hành quy chuẩn mới, người dân cũng băn khoăn về việc bổ sung vi chất vào sữa học đường. Báo chí đặt câu hỏi: “Nhiều doanh nghiệp và người dân băn khoăn về việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi dùng trong chương trình sữa học đường. Ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này?”.
Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cần có cơ sở khoa học (Bổ sung loại vi chất nào? Hàm lượng bao nhiêu, căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ, khả năng hấp thu, chuyển hóa…) và đảm bảo tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quan trọng là phải thực hiện đúng chỉ tiêu trong Quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ - đáp ứng 30% nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020. Cùng đó, cần xem xét, lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường.
“Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường. Việc bổ sung bao 21 vi chất, 3 vi chất, hay khuyến nghị bổ sung 18 vi chất… thì số lượng bao nhiêu đều phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để tạo sự đồng thuận” – ông Vinh nói.
Đặc biệt, đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong triển khai chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, kết hợp với các chương trình khác nhằm góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Chương trình sữa học đường: Công khai, minh bạch để hoàn thiện quy chuẩn cho sản phẩm”; Báo Lao động, trang 1: “Chưa có quy chuẩn chính thức cho sữa học đường: Hàng triệu học sinh có thể bị ảnh hưởng”; Báo Hà Nội mới, trang 5: “Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện quy chuẩn về sản phẩm sữa học đường”
Bố mẹ cho uống Paracetamol quá liều, bé trai 2 tuổi nguy cơ tử vong, phải ghép gan
Thấy bé sốt cao liên tục, ho khò khè, gia đình bé T.V.D (2 tuổi rưỡi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) đã tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày, uống đến ngày thứ 4 thì trẻ phải nhập viện vì ngộ độc nặng…
Bệnh nhi T.V.D vừa được chuyển từ tuyến tỉnh lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ đánh giá, trường hợp này có tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.
Trước đó, ngày 14-8, bé T.V.D được người thân đưa vào Khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cấp cứu với dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều.
Người nhà bệnh nhi cho biết, 4 ngày trước khi nhập viện, bé sốt cao từng cơn, ho khò khè nên bố mẹ cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg x 4 viên/ngày. Uống đến ngày thứ 4, tình trạng không đỡ mà còn nặng hơn nhiều.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi T.V.D. đã ở tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng (PH 7.1) trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ dộc paracetamol.
Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Tại đây bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm, 2 giờ sau khi vào viện bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao.
Sau khi điều trị đảm bảo các chức năng sống cơ bản cho bệnh nhi, cháu bé đã được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Trước đó chưa lâu, cũng tại Trung tâm Sản nhi này đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc paracetamol. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, các phụ huynh khi thấy con sốt, ho cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý dùng thuốc. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Nguy kịch do ngộ độc thuốc hạ sốt”
"Mùa thu yêu thương" tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Mùa thu với Tết Trung thu cổ truyền là ngày hội của trẻ nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không thể chung vui cùng chúng bạn.
Ngày 14-8, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Tập đoàn Terex phối hợp với Công ty TNHH Tuyết Nga đã tổ chức trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động xã hội tình nghĩa có giá trị nhân văn sâu sắc được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn Terex, sở hữu thương hiệu thiết bị xe nâng người Genie và Công ty TNHH Tuyết Nga.
Chương trình tài trợ mang tên “Mùa thu yêu thương” đã hỗ trợ 30 suất kinh phí điều trị trị giá 50 triệu đồng cho 30 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, dành tặng 200 suất cơm miễn phí cho bệnh nhi và người nhà. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng trao tặng Bệnh viện Nhi 3 máy bơm tiêm điện Terumo cho các khoa tại bệnh viện. Tổng kinh phí hỗ trợ trị giá 120 triệu đồng. Chia sẻ tại buổi lễ, ông Daniel Ho, Phó Chủ tịch Tập đoàn Terex và bà Trần Kim Dung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tuyết Nga đều khẳng định, những suất quà hỗ trợ tuy nhỏ bé nhưng mong muốn các em và gia đình sẽ phần nào vơi bớt đi những khó khăn trong dịp Trung thu này. Bằng những việc làm thiết thực, các nhà tài trợ đều mong muốn truyền đi ngọn lửa của tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt là với các em nhỏ, những mầm non tương lai của đất nước, chung tay để làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.
Bày tỏ cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, Th.S Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, những món quà mà Tập đoàn Terex và Công ty TNHH Tuyết Nga trao tặng trong dịp này đã không chỉ có giá trị về mặt vật chất, trực tiếp hỗ trợ gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn về kinh phí điều trị bệnh hiểm nghèo mà còn mang giá trị về tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội đối với các em nhỏ. Việc bệnh viện được tài trợ, trang cấp thêm những chiếc máy bơm tiêm điện là phần quà vô cùng ý nghĩa không chỉ với các bệnh nhân mà với cả các y bác sĩ. Đây là nguồn động viên rất lớn để các bác sĩ làm tốt hơn nữa công việc của mình. (An ninh Thủ đô, trang 10)
Thêm bệnh nhi động kinh kháng thuốc được điều trị thành công
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua, bệnh viện tiếp tục thực hiện phẫu thuật thành công thêm một ca bệnh nhi mắc chứng động kinh kháng thuốc bằng phương pháp phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não.
9 năm mắc động kinh, bỏ học vì mắc bệnh
Bệnh nhi là cháu Nguyễn Việt Anh, 15 tuổi, ở Phú Thọ. Gia đình cháu cho biết, khi sinh ra cháu hoàn toàn khỏe mạnh, năm 6 tuổi cháu lên cơn sốt cao kèm co giật. Tại bệnh viện địa phương, cháu được chẩn đoán mắc viêm não và chỉ định chuyển lên tuyến trung ương điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu mắc chứng động kinh. Kể từ đó đến nay đã 9 năm, cháu Việt Anh đã điều trị động kinh ở nhiều bệnh viện, thay đổi nhiều loại thuốc nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không tiến triển. Gia đình cháu cho biết, mấy năm đầu, cháu còn đi học được, nhưng sau đó, do sức khỏe yếu nên việc học của cháu ảnh hưởng nhiều, đỉnh điểm, có tháng cháu lên cơn giật 20 lần.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh. Người bệnh có thể gặp các tai nạn sinh hoạt, chấn thương do cơn giật gây nên. Cơn động kinh kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí gây tử vong.
8 giờ phẫu thuật đã cho kết quả thành công tốt đẹp
Mới đây, cháu Việt Anh được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ định tiến hành phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ vùng sinh động kinh, kết hợp với điện não đồ bề mặt để xác định chắc chắn loại bỏ hết vùng sinh động kinh và tránh làm tổn thương các vùng chức năng. Sau 8 giờ, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của êkíp mổ, bệnh nhi không gặp những tai biến như: chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ, cháu bé hồi tỉnh nhanh và được chuyển lên khoa theo dõi. Bệnh nhi chỉ lên cơn giật vào ngày đầu tiên sau mổ, từ ngày thứ 2 không còn xuất hiện cơn. Một tuần sau phẫu thuật, vận động của bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi tốt. Sau phẫu thuật, bệnh nhi vẫn cần được tiếp tục theo dõi và điều trị.
ThS.BS. Lê Nam Thắng, Phó khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả một vùng. Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.
Cũng theo ThS.BS. Lê Nam Thắng, phẫu thuật điều trị động kinh là loại phẫu thuật chuyên khoa sâu, nhằm loại bỏ hoặc cô lập vùng não bị tổn thương (vùng sinh động kinh). Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau trong điều trị động kinh như cắt vùng sinh động kinh, cắt thể trai, cắt bán cầu não... Cái khó của phẫu thuật động kinh là phải định khu được vùng sinh động kinh. Khi đã xác định được, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi vùng đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp động kinh kháng thuốc nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật.
Việc phẫu thuật phụ thuộc vào một số yếu tố như tổn thương được xác định trên não có phải là nguyên nhân gây ra các cơn động kinh hay không; có khả năng can thiệp phẫu thuật vào các khu vực tổn thương này hay không; tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có phù hợp để phẫu thuật hay không; vị trí của tổn thương trên não có gần các khu vực nhạy cảm không (chẳng hạn phẫu thuật để chữa khỏi bệnh động kinh nhưng sau đó lại khiến bệnh nhân bị liệt).
Với trường hợp của cháu Việt Anh, các bác sĩ xác định được nguyên nhân sinh động kinh là do loạn sản vỏ não. Sau khi xác định được vùng sinh động kinh, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ khi bắt đầu được các chuyên gia đến từ Alabama (Hoa Kỳ) chuyển giao kỹ thuật từ tháng 12/2017, đến nay, bệnh viện đã điều trị được cho 8 trường hợp động kinh kháng thuốc bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não. Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ xác định một cách chính xác, chi tiết hơn vị trí của vùng sinh động kinh, tránh phải phẫu thuật diện tích mô não lớn nhằm tiết kiệm cho bệnh nhi những vùng não thực sự còn lành lặn. Những ca bệnh phẫu thuật thành công mở ra nhiều cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho các bệnh nhi phải hàng ngày vật lộn với căn bệnh động kinh kháng thuốc.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã phẫu thuật động kinh cho 65 bệnh nhân từ năm 2010 và các bệnh nhân được theo dõi ít nhất 4 năm sau phẫu thuật. Quá trình theo dõi cho thấy 83,3% số bệnh nhân giảm ít nhất 75% mức độ cơn, trong đó có nhiều bệnh nhân hết hẳn động kinh, đã cho thấy một kết quả đáng khích lệ, tương đương nhiều trung tâm phẫu thuật động kinh hàng đầu trên thế giới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4)
Bệnh viện Tim Hà Nội: Điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô
Là một bệnh viện của thành phố, lại ở vị trí cách không xa so với Viện Tim mạch quốc gia và nhiều trung tâm tim mạch hiện đại của các bệnh viện trung ương khác, song nhờ hướng đi đúng đắn và táo bạo, Bệnh viện Tim Hà Nội ngày càng phát triển vững mạnh, trở thành điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô. Đây cũng là một trong hai bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối, với nhiều kỹ thuật về tim mạch sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Từ những nỗ lực không ngừng...
Vừa đặt chân đến Hà Nội trong chuyến du lịch cùng người thân, người đàn ông 79 tuổi, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) bỗng nhiên xuất hiện cơn đau ngực dữ dội. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, khi các bác sĩ đang làm xét nghiệm để chẩn đoán, bệnh nhân đột ngột ngừng tim, hình ảnh siêu âm cho thấy, có nhiều máu trong màng tim, dấu hiệu điển hình của vỡ tim do nhồi máu cơ tim, cơ hội sống chỉ còn chưa đến 1%. Ngay lập tức, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, gây mê được huy động, vừa hồi sức ép tim, vừa chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, đồng thời cho mở ngực để vá lại chỗ vỡ...
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội nhớ lại, thời điểm đó, các bác sĩ phải chạy đua từng giây để cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, thoát thở máy và sức khỏe cải thiện rất tốt. Từ Đài Loan đến thăm bệnh nhân, gia đình ông vô cùng ngạc nhiên khi biết, bệnh nhân được cứu sống khi tim đã ngừng đập. Đây cũng là thành công hiếm gặp ngay cả trên thế giới.
Không chỉ với các trường hợp cấp cứu, những trường hợp đến khám tim mạch định kỳ, bệnh nhân đều được khám tổng thể sức khỏe, như: Kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang… Nếu bệnh nhân huyết áp quá cao, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển sang phòng cấp cứu điều trị kịp thời. Tại các chuyên khoa, phòng nào cũng sạch sẽ, yên tĩnh, bác sĩ ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân, đọc kỹ các kết quả xét nghiệm để kê đơn cấp thuốc… Thậm chí, có những người bệnh khi ra viện đã được bệnh viện tặng cuốn sách “Tự sự của trái tim” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội...
Với tôn chỉ và mục tiêu “Vì một trái tim khỏe”, sau 15 năm hoạt động và phát triển, bệnh viện đã phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý tim mạch bẩm sinh và mắc phải phức tạp, trong đó có những kỹ thuật mà cả nước chỉ có một số trung tâm thực hiện được, nhiều kỹ thuật đã đạt tầm thế giới. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân (gấp 30,4 lần) và số người điều trị nội trú cũng tăng gấp 13,6 lần so với trước… Đặc biệt, quy mô giường bệnh cũng tăng nhanh, từ chỗ chỉ có 15 giường bệnh, đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tăng lên 380 giường (gấp 7,6 lần), với 5 mũi nhọn chuyên môn, gồm: Phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.
... Đến những khát vọng vươn xa
Chỉ có chuyên môn tốt chưa chắc đã thu hút được bệnh nhân, mà cần thêm một yếu tố quan trọng, đó là thái độ phục vụ của y, bác sĩ, nhân viên y tế. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh viện đang hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ tài chính, với phương châm 3H (Head, Hand, Heart - tức là làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm) và 3 TH (bệnh viện thân thiện, dịch vụ thuận tiện, nhân viên thanh lịch) của các y, bác sĩ dành cho người bệnh.
“Một lúc phải đi nhiều con đường, cả về nhân lực, trang thiết bị và thương hiệu, hành vi ứng xử đồng bộ mới tạo ra thành công trong quá trình phát triển. Đó là chiến lược phát triển của chúng tôi. Đặc biệt, tại Bệnh viện Tim Hà Nội hoàn toàn không có chuyện nhân viên y tế đòi hỏi “phong bì” của người bệnh. Bất kỳ trường hợp nào được phát hiện sẽ lập tức bị buộc thôi việc”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn khẳng định.
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, bệnh viện đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ. Những ngày đầu thành lập, giá trị tài sản của bệnh viện chỉ khoảng 50 tỷ đồng, nguồn thu dịch vụ y tế cả năm 2005 là 22,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên là 1,34 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sau 15 năm hoạt động, nguồn thu của bệnh viện đã đạt 1.139 tỷ đồng (tăng gấp 50 lần), thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên là 24,3 triệu đồng/người/tháng (gấp 18,1 lần). Theo bà Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nhờ thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống, cán bộ nhân viên đã yên tâm công tác. Bệnh viện cũng chủ động trong công tác thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản về làm việc.
Không dừng lại ở đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn luôn tâm niệm, nếu không có các kỹ thuật mũi nhọn, thế giới sẽ không biết đến nền y khoa Việt Nam. Đây cũng chính là chiếc cầu nối giúp người bệnh tiếp cận các kỹ thuật can thiệp hiện đại trên thế giới ngay tại quê nhà với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài chữa bệnh. Chính vì vậy, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ khám bệnh, tập trung nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh tim mạch chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật, can thiệp tim mạch, cấp cứu, gây mê hồi sức... Cùng với đó là phấn đấu mỗi năm có 5-10 kỹ thuật mới được áp dụng tại bệnh viện. (Hà Nội mới, trang 5).