Hàng loạt biến thể mới xâm nhập, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý ca bệnh COVID-19
Việt Nam xuất hiện hàng loạt biến thể phụ lây nhanh của Omicron, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu tăng cường quản lý, báo cáo ca mắc COVID-19.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo các trường hợp mắc COVID-19.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và Việt Nam.
Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Ngoài ra, một số địa phương thông báo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:
Thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.
Tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc COVID-19.
Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán, đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên đăng ký bổ sung 152.485 ca, tiếp đó Nghệ An bổ sung hơn 4.400 ca mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.367.479 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)
Sẽ tiêm miễn phí vaccine cúm, phòng ung thư cổ tử cung và phòng bệnh do phế cầu
Theo đề xuất lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế, các vaccine phòng các bệnh tiêu chảy do virus Rota, bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm… sẽ lần lượt được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 15/8, Chính phủ đồng ý với lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế.
Cụ thể, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030. Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế.
Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.
Chính phủ cũng đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.
Cũng theo nghị quyết này, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương.
Ngoài ra, nguồn kinh phí còn gồm nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện lộ trình này. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí để mua vaccine theo lộ trình tăng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể sử dụng ngân sách địa phương để mua các loại vaccine đã được cấp phép bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 - 2030 và tổ chức triển khai tiêm chủng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương phối hợp với Bộ Y tế hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)
TP.HCM không thiếu thuốc protamin sulfat
Thông tin từ Sở Y tế TP HCM tối 15/8, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố có triển khai phẫu thuật tim hở đều khẳng định không thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc chống đông máu) và vẫn mổ tim cho bệnh nhân bình thường.
Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa của thành phố có triển khai kỹ thuật mổ tim như Viện Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP, tất cả đều báo cáo với Sở Y tế không có tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat - một hoạt chất không thể thiếu khi triển khai kỹ thuật mổ tim hở.
Tại bệnh viện chuyên phẫu thuật tim hàng đầu của thành phố như Viện Tim cho biết hiện còn hơn 3.300 ống có thể đủ dùng trong 3 tháng và khi hết thuốc chắc chắn sẽ có nguồn thuốc khác bổ sung. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng TP hiện còn hơn 400 ống có thể sử dụng trong 1 năm...
Trước đó, ngày 14/8, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã có văn bản thông tin về những nội dung liên quan đến thuốc Protamin sulfat. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).