Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh trước năm học mới như thế nào?; Bộ Y tế cảnh báo bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc dịp Tết Trung thu

 

Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh trước năm học mới như thế nào?

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi học đường, các em học sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, đem mầm bệnh từ trường về gia đình nhiều nhất và ngược lại.
Chỉ còn vài ngày nữa, các trường sẽ đồng loạt khai giảng nhưng hiện tại một số trường đã cho học sinh nhập học. Môi trường học đường đông đúc, trẻ em có hệ miễn dịch yếu, trong khi đó các bệnh truyền nhiễm như viêm não, thủy đậu, cúm… đang diễn biến phức tạp, không ít phụ huynh lo con sẽ mắc bệnh.

Đưa con gái 6 tuổi và con trai 14 tuổi đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC Thới An (quận 12, TP.HCM), anh Thái Thành Danh cho biết trước đây con đầu (hiện 19 tuổi) của anh do không được tiêm vắc xin đầy đủ nên đi học thường bị lây bệnh "tập thể" từ các bạn. "Mỗi lần lớp học có học sinh nghỉ ốm vì cảm cúm thì y như rằng cháu cũng vậy và về lây cho hai em. Lần trường học có dịch thủy đậu, cháu cũng bị dính và bội nhiễm, giờ vẫn còn sẹo trên mặt và tay chân. Mỗi đợt 3 cháu cùng ốm, vợ chồng tôi thường phải thay phiên nghỉ làm để chăm sóc rất cực", anh Danh chia sẻ.

Sau khi được bác sĩ khám sàng lọc và tư vấn, anh Danh quyết định tiêm vắc xin cúm và phế cầu phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,... cho cả nhà. Anh cho con gái tiêm nhắc vắc xin sởi - quai bị - rubella, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu. Anh cho con trai tiêm tiêm thêm vắc xin HPV phòng bệnh lý đường sinh dục và ung thư.

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thời tiết chuyển mùa sang thu kèm hiệu ứng El Nino được thế giới cảnh báo kéo dài trong suốt năm 2023-2024 là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan. Thêm vào đó, từ 4 tuổi trở đi là "khoảng trống vắc xin" của trẻ khi các vắc xin trẻ tiêm trong những năm đầu đời dần hết khả năng bảo vệ, cần được tiêm nhắc.

Trẻ em, đặc biệt là các trẻ có bệnh lý nền là đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Điển hình như khi mắc cúm, trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hoặc phế cầu là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ, nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%. Trong khi đó, viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ tử vong và di chứng cao, lên đến 25-30%, 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần như: rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, điếc, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, nằm liệt giường… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm vắc xin ngừa HPV cho trẻ em 9-14 tuổi để đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ tốt trước khi trẻ bước vào tuổi quan hệ tình dục.

Ngoài tiêm vắc xin ngừa cúm hằng năm, trẻ cần tiêm nhắc và tiêm mới nhiều loại vắc xin tùy theo độ tuổi như: vắc xin phòng bệnh do phế cầu, viêm màng não do mô cầu, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sởi - quai bị - Rubella, viêm gan A, B, HPV. Trong đó, vắc xin viêm gan B cần làm xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cũng cho rằng vắc xin là thành tựu y khoa giúp giảm nhiều trường hợp tử vong vì bệnh truyền nhiễm. "Người dân khi đưa con đi tiêm vắc xin hoặc tiêm cho chính bản thân mình cần cung cấp đầy đủ tất cả thông tin về các lần tiêm chủng trước cũng như tình trạng sức khỏe. Đây là những thông tin cần thiết giúp bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn, chỉ định tiêm vắc xin phù hợp với mình", BS Nga lưu ý.

Bên cạnh việc cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch thì BS Nga cũng nhấn mạnh những biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc khác như ăn uống thực phẩm an toàn, rửa tay, vệ sinh cá nhân, khu vực sinh sống… vẫn rất cần thiết. Cần tránh tâm lý chích ngừa xong thì thoải mái, không cần phòng ngừa bệnh nữa. Chẳng hạn, với nhiều bệnh do muỗi truyền bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, việc vệ sinh nhà ở sẽ giúp loại trừ nơi sản sinh của muỗi. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

Bộ Y tế cảnh báo bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc dịp Tết Trung thu

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ...

Ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lí An toàn thực phẩm các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố….
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng kí bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn đề nghị các địa phương hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)


Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội thế nào?

Từ hôm nay 15/8, các cơ sở khám chữa bệnh được áp dụng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế. Khảo sát của Sức khoẻ & Đời sống tại một số bệnh viện công cho thấy, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu dao động từ 300.000 - 500.000 đồng.
Từ hôm nay 15/8, các cơ sở khám chữa bệnh được áp dụng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu quy định tại Thông tư 13 đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Cơ sở khám, chữa bệnh khác, giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Trường hợp mời bác sĩ trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống chiều 15/8, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh.

Thực tế tại Thông tư này cho thấy Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh cũng như giường bệnh rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình, tuy nhiên "tôi nhấn mạnh chỉ áp dụng ở nhóm đối tượng tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu. Tại Bệnh viện Bạch Mai từ hôm nay 15/8, chúng tôi chạy 'demo' việc triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu theo quy định tại Thông tư 13"- Giám đốc Đào Xuân Cơ nói.

Theo đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai từ hôm nay như sau: Giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; giá khám tiến sĩ, bác sĩ CKII là 350.000 đồng, khám thạc sĩ, bác sĩ là 300.000 đồng.

Trước thời điểm này, tại Bệnh viện Bạch Mai trong 3 năm qua hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều là theo giá BHYT. Giá khám theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai đối với giáo sư, phó giáo sư là 150.000 đồng/ lượt; tiến sĩ và bác sĩ CKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa 1 là 70.000 đồng/ lượt. Tuy nhiên theo ông Cơ mức thu như vậy ở một bộ phận người dân khám theo yêu cầu.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đại diện lãnh đạo Bệnh viện cho biết, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại đây được thực hiện theo khung quy định trong Thông tư 13.

Tại Bệnh viện Việt Đức, đại diện lãnh đạo Bệnh viện cho biết hiện bệnh viện điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung quy định tại Thông tư 13 của Bộ Y tế, những dịch vụ trước đây có mức cao hơn sẽ được chỉnh xuống, nếu thấp được điều chỉnh lên.

Cụ thể, từ ngày 14/8/2023, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Việt Đức áp giá chung là 500.000 đồng (gồm khám theo yêu cầu 1, khám theo yêu cầu 4 và khám chuyên gia), không còn chia ra các mức khám như trước đây. Một số dịch vụ cũng được điều chỉnh giảm như giá siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng, siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 xuống 287.000 đồng...; chụp XQ số hoá giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng...

"Đây là chi phí dịch vụ theo yêu cầu, bảo hiểm y tế không chi trả. Bác sĩ có trách nhiệm giải thích với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật này"- đại diện lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng quy định dải giá rộng như lần này tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường, giúp cơ sở y tế nâng cao chất lượng, từ đó cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi.

Hiện giá khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tối đa 300.000 đồng/ lượt, không có sự phân biệt khi khám giáo sư hay bác sĩ giỏi.

Về giá giường bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện là 2,2 triệu/ giường/ phòng. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 7 phòng bệnh có giường ở mức giá này. Giường dịch vụ thấp nhất giá 320.000 đồng/ giường. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

 

Hà Nội xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại

Sau 15 năm, từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành y tế Thủ đô không ngừng kiện toàn và nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân trên địa bàn cũng như người dân trên cả nước.

Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, Sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ ngày 1/8/2008), Hà Nội có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 100% trạm y tế có bác sĩ công tác tại trạm, trong đó có 86,3% trạm y tế có bác sĩ biên chế tại trạm, các trạm chưa có bác sĩ biên chế tại trạm thì có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế, bệnh viện huyện.

Đáng chú ý, 516 trong tổng số 579 trạm y tế, thị trấn; hai nhà hộ sinh; 54 phòng khám đa khoa thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân. Nhờ có hệ thống y tế bao phủ rộng khắp đã phát huy vai trò trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng như trong phòng chống dịch bệnh; góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Đối với công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn được triển khai thực hiện tại hai khối cơ sở y tế, gồm công lập và ngoài công lập với tổng số nhân lực là hơn 51 nghìn người.

Cụ thể, khối công lập hiện có 41 bệnh viện, gồm 29 bệnh viện tuyến thành phố và 13 bệnh viện tuyến huyện. Khối y tế ngoài công lập, gồm 3.953 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có 42 bệnh viện với 160 phòng khám đa khoa; 804 cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền và 2.949 phòng khám chuyên khoa.

Hiện tổng số giường bệnh của Hà Nội đạt 22.796 giường, tương ứng với tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 30 đến 35 giường bệnh/vạn dân.

Trong những năm qua, nhiều kỹ thuật cao đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô triển khai điều trị cho người bệnh như: Kỹ thuật ECMO, gây tê vùng dưới kích thích của máy dò thần kinh, phẫu thuật Laser không chạm-Smart Surf; phẫu thuật tim ít xâm lấn nội soi toàn bộ; phẫu thuật can thiệp bào thai; ghép thận, hướng tới kỹ thuật ghép gan... Trong khi đó, hiện các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa, sản khoa để dần trở thành hoạt động thường quy...

Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố thực hiện được kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội thông qua giám định điện tử, bảo đảm công khai minh bạch, người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh; giảm thời gian chờ đợi khám bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.

Không chỉ làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân, thời gian qua ngành y tế Thủ đô còn triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số, nâng cao chất lượng dân số. Ước tính đến tháng 6/2023, dân số toàn thành phố khoảng 8,6 triệu người.

Các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số tiếp tục tăng lên như: Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 78,2%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 88,5%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 87%; tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 48%; tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức 112 trẻ trai/100 trẻ gái...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Dân số Thủ đô sau khi mở rộng tăng nhanh, dẫn đến cần phải tăng số lượng giường bệnh, số lượng bác sĩ, điều dưỡng… Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ vào làm việc tại khối y tế tuyến huyện, xã còn không ít khó khăn. Trong khi đó, một số trạm y tế chưa được ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội do thiếu bác sĩ phụ trách chuyên môn, kỹ thuật; chưa có quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của các bác sĩ gia đình, quy định chuyển tuyến theo nguyên lý y học gia đình, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình. Ngoài ra, cơ sở vật chất của một số trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xuống cấp; trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất còn thiếu chưa đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch, khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn...

Để đáp ứng tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô trong tình hình mới, ngành y tế Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến, trong đó tập trung củng cố và hoàn thiện về cơ sở vật chất mạng lưới trạm y tế xã, bảo đảm tất cả trạm y tế có bác sĩ trong định biên; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, quản lý bệnh không lây nhiễm gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập; tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hiện đại hóa các bệnh viện ngoài công lập, nhất là từng bước áp dụng chuẩn khu vực và quốc tế trong khám, chữa bệnh; thiết lập hệ thống quản lý, kiểm định và kiểm soát chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, xây dựng bệnh viện thông minh.

Ngành y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và cả nước; trong đó, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; bảo đảm mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; phát triển các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm các tật, bệnh bẩm sinh, hỗ trợ sinh sản; phát triển chuyên ngành lão khoa tại các cơ sở y tế; khuyến khích phát triển các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người già, người cao tuổi và triển khai các giải pháp nâng cao thể lực, tầm vóc thanh niên Hà Nội.

Mặt khác, ngành y tế từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện bảo đảm kịp thời, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế; triển khai hệ thống Telemedicene giữa các đơn vị trong ngành và từng bước xây dựng hệ thống y tế thông minh tại các tuyến... (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang