Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Gia tăng nhiễm giun, sán vì thói quen ăn uống; Đưa bệnh nhân đột quỵ não bằng trực thăng từ Trường Sa về đất liền điều trị; Số ca mắc Covid-19 chỉ còn 325 ca, thấp nhất trong 4 tháng qua

 

Gia tăng nhiễm giun, sán vì thói quen ăn uống

Các chuyên gia về y tế cho biết gần đây tình trạng người dân nhiễm ký sinh trùng đang gia tăng do ảnh hưởng trào lưu ăn đồ tươi sống như hải sản sống, nhưng không kiểm soát được nguồn thực phẩm.

Phần lớn bệnh nhân đều cho biết không biết mình bị nhiễm giun, sán lúc nào, nhưng thường có thói quen như ăn rau sống, đặc biệt là gỏi sống, hải sản tươi...

Nguy cơ từ đồ sống

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị áp xe gan kích thước lớn. Bệnh nhân là anh L.V.Đ. (Hà Nội), có triệu chứng đau mạn sườn phải kèm ho, sốt rét.

Anh cho biết mình được phát hiện có áp xe gan khi đi khám tại một bệnh viện lớn. Sau khi được các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để tìm nguyên nhân gây tổn thương gan, trên hình ảnh chất lượng cao của cắt lớp vi tính thấy rõ bệnh nhân có tổn thương gan nhiều.

Từ kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của anh Đ. cho thấy nguyên nhân chính của áp xe gan do sán lá gan lớn. Đây là một loại ký sinh trùng thường sống ký sinh ở những loại rau thủy canh như rau cần, rau muống, rau ngổ...

Người bệnh được điều trị bằng thuốc diệt sán lá gan lớn. Sau ba ngày theo dõi và điều trị tích cực, anh Đ. hết đau mạn sườn phải, hết sốt, thể trạng khỏe mạnh, khối áp xe gan giảm đáng kể.

Trước đó, Sở Y tế Yên Bái cho biết một người đàn ông 42 tuổi bị sưng nề ở ngực, cánh tay, đùi trái, một tháng sau nốt sưng vỡ lộ ra... hai con giun dài 7-8cm. Bệnh nhân này ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, thường uống nước khe suối, ăn gỏi cá nhiều năm nhưng không tẩy giun, sán.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Yên Bái khám trong tình trạng sức khỏe bình thường trừ có khối sưng nề ở ngực, cánh tay trái và đùi trái, ấn đau tức, chảy mủ. Trước đó từ nốt sưng này anh đã kéo ra hai con giun, nhưng kéo được đoạn dài 7-8cm rồi đứt nên vào viện khám.

Kết quả siêu âm cho thấy dưới da vùng thành ngực, cánh tay, đùi bệnh nhân có vài ổ giun ký sinh. Các bác sĩ đã gắp hết giun ra, xác định bệnh nhân nhiễm giun rồng, dùng kháng sinh điều trị bội nhiễm vết loét.

Tăng người nhiễm ký sinh trùng

Bác sĩ Lê Thành Đồng, viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, cho biết thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân (ở mọi lứa tuổi) nhiễm các loại giun sán, ký sinh trùng hơn so với thời gian trước. Trong đó có nhiều người ở mức độ nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Đánh giá nguyên nhân, bác sĩ Đồng cho hay giun sán, ký sinh trùng liên quan đến các yếu tố môi trường, thói quen ăn uống (thích ăn rau sống, thịt sống, cá sống) và lâu dài hơn là phong tục tập quán. Một nguyên nhân "góp phần" làm tăng số người mắc giun sán, ký sinh trùng trong năm là yếu tố thời tiết, khí hậu (mưa nhiều, lũ lụt...).

"Riêng Nam Bộ, khi mưa nhiều thì cá nhiều và nhiều động, thực vật khác cũng phát triển tốt hơn. Người dân có nhiều nguồn thực phẩm thì kéo theo đó là thói quen ăn uống cũng đa dạng, thoải mái hơn. Hiện ở các thành phố lớn có xu hướng ăn những thức ăn sống, hải sản sống, du nhập thói quen ăn uống từ nước ngoài.

Nếu chúng ta không kiểm soát hải sản tươi sống, cộng thêm chế biến, bảo quản không đảm bảo thì làm tăng tỉ lệ người nhiễm các bệnh giun sán", bác sĩ Đồng phân tích.

Bác sĩ Đồng cho hay giun sán thường gây bệnh một cách âm thầm, kín đáo, lâu dài. Chúng lây truyền khi con người tiếp xúc với đất có ấu trùng rồi chúng chui qua da xâm nhập vào cơ thể như giun móc/mỏ, giun lươn...

Bệnh cũng lây qua đường tiêu hóa do thói quen ăn uống như ăn rau sống rửa chưa kỹ dễ nhiễm giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán dải lợn; hoặc ăn thực phẩm chưa nấu chín (gỏi cá, thịt heo tái, thịt bò tái, tiết canh, gan heo tái, cua nướng...) dễ bị nhiễm sán dải, sán lá.

Đặc biệt trong những năm gần đây số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường nhiễm vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống.

"Bản thân người nhiễm giun sán không có biểu hiện rầm rộ, không ác tính, ít gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng cả đời sống, tầm vóc người Việt Nam, màu da...", bác sĩ Đồng nói.

Bác sĩ Hà Văn Thiệu - quyền trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết khoa tiêu hóa thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ đang trong lứa tuổi đi học bị nhiễm ký sinh trùng. Trong đó có các loại giun sán như giun đũa chó, giun lươn, giun kim..., nguyên nhân là do cha mẹ chủ quan, không tẩy giun sán cho trẻ thường xuyên, phần còn lại là do nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Theo bác sĩ Thiệu, đường lây truyền chủ yếu của giun sán là thông qua ăn thức ăn chưa được nấu chín, uống nước lã, tiếp xúc với động vật, đặc biệt là chó mèo. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy như thiếu máu, chậm tăng trưởng, mệt mỏi, phát ban, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập.

Nhiều trẻ gặp tình huống giun, sán di chuyển trong cơ thể dẫn đến các bệnh lý ở tim, phổi, não dẫn đến co giật, ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng tránh giun sán, việc không mới nhưng dễ quên

Để phòng tránh nhiễm giun sán, ký sinh trùng, bác sĩ Đồng khuyến cáo trong quá trình canh tác cần sử dụng nguồn phân bón hợp lý, bởi thực tế vẫn còn nhiều người dân dùng phân tươi để bón rau, hoặc để chuồng trại gia súc, gia cầm gần nơi trồng rau màu.

Khi tiếp xúc môi trường đất có nhiều cỏ, cần mang ủng để phòng nhiễm giun móc bởi đây là nơi sống lý tưởng của chúng. Cá nhân mỗi người cũng cần có thói quen ăn uống hợp lý, ăn chín uống sôi.

Với những món ăn sống cần kiểm soát được nguồn cung cấp. Bên cạnh đó, định kỳ sáu tháng cần xét nghiệm máu và phân qua tích hợp khám sức khỏe tổng quát. Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm giun sán thì cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị đúng phác đồ.

Bác sĩ Thiệu khuyến cáo các bậc phụ huynh phải để trẻ ăn thức ăn chín, sạch có nguồn gốc, đặc biệt không ăn tái, chỉ uống nước đã đun sôi, nước lọc, tẩy giun cho trẻ định kỳ và đặc biệt hạn chế tiếp xúc với chó mèo.

"Nhiều người có quan điểm đồ tái chỉ cần vắt chanh thật nhiều có thể loại bỏ được giun sán, tuy nhiên thức ăn khi nấu chín mới đảm bảo được an toàn", bác sĩ Thiệu nói (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Đưa bệnh nhân đột quỵ não bằng trực thăng từ Trường Sa về đất liền điều trị

Ngày 16/10, các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) cho biết, sau 3 ngày, đêm cấp cứu và điều trị tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn và Bệnh xá đảo Nam Yết, ngư dân Võ Văn Sỹ (SN 1968, trú xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã được chuyển bằng máy bay trưc thăng về Bệnh viện Quân y 175 ở TP Hồ Chí Minh trong đêm 15/10. Như Báo CAND đã thông tin, khoảng 20h tối 11/10, trong lúc đang cùng nhóm ngư dân trên tàu cá QNg-90828TS hành nghề khai thác thủy sản trên vùng biển Trường Sa, ngư dân Võ Văn Sỹ bất ngờ đau nửa đầu phía bên trái, cơ thể yếu dần, không thể tự ngồi dậy được. Sáng 12/10, nhóm ngư dân trên tàu cá đưa ông Sỹ vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn khi đã mất cảm giác nửa người bên trái, huyết áp cao 200/110 mmHg.

Các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Sinh Tồn chẩn đoán bệnh nhân bị liệt nửa người bên trái với dấu hiệu đột quỵ não, nên phải cho thở ô xy, hạ huyết áp, chống phù não và theo dõi chỉ số sinh tồn.  Đến chiều 12/10, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh xá đảo Nam Yết trong tình trạng bất động, phải truyền dịch kiểm soát, theo dõi các chỉ số sinh tồn, đồng thời hội chẩn cấp cứu qua điện thoại với Bệnh viện Quân y 175.

Sau cuộc hội chẩn, các y, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ não cấp giờ thứ 65, tăng huyết áp khó kiểm soát, tiên lượng nguy cơ phù não tiến triển, chuyển dạng đột quỵ não, cần phải đưa về đất liền điều trị.

Theo chỉ đạo của Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, thuộc Binh đoàn 18 – Bộ Quốc phòng, trong đêm 15/10, trực thăng EC 225 mang số hiệu VN 861 đã bay ra Trường Sa đưa bệnh nhân Võ Văn Sỹ về Bệnh viên Quân y 175 an toàn.

Bệnh nhân Võ Văn Sỹ là một trong 40 ngư dân trên tàu cá QNg-90828TS do ông Bùi Văn Ánh (SN 1981, trú ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng ra vùng biển Trường Sa hành nghề câu mực (Công an nhân dân, trang 1; Thanh niên, trang 22).

 

Số ca mắc Covid-19 chỉ còn 325 ca, thấp nhất trong 4 tháng qua

Chiều 16-10, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 325 ca mắc Covid-19 (giảm 407 ca so với ngày trước đó). Đây là số ca mắc Covid-19 giảm thấp nhất trong khoảng 4 tháng qua. Ngoài ra, hiện có 47 bệnh nhân đang thở ô xy; không có bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.492.598 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.692 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, nước ta có thêm 241 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.598.974.

Ngoài ra, có 47 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, có 37 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn; 8 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua không có bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.155 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 260.552.191 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.690.461 liều; số liều tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 23.092.670 liều; số liều tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 16.769.060 liều (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang