Bất cập từ việc chậm phân hạng bệnh viện tư nhân
Trong khi các bệnh viện công lập được phân hạng, phân tuyến từ lâu thì đến nay, gần 200 bệnh viện tư nhân trong cả nước vẫn chưa được xếp hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật (viết tắt là phân hạng, tuyến). Việc không được phân hạng, tuyến không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của bệnh viện, mà còn ảnh hưởng quyền lợi người bệnh do không có cơ sở để Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Vấn đề này cần sớm được Bộ Y tế và các cơ quan quản lý giải quyết. Xếp hạng cho các bệnh viện là trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhằm "chứng nhận" chất lượng của một bệnh viện trên cơ sở các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Từ kết quả xếp hạng, bệnh viện được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật (tuyến huyện, tỉnh, trung ương) để xác định tuyến cho người bệnh điều trị, chuyển tuyến và mức tiền được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, đến nay các bệnh viện tư nhân vẫn chưa được phân hạng, tuyến dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập.
Theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT và Văn bản 6969/BYT-KHTC của Bộ Y tế thì hiện nay bệnh viện tư nhân được công nhận hạng tương đương các hạng của bệnh viện công lập, trên cơ sở lấy các tiêu chí của bệnh viện công lập. Nhưng việc công nhận chỉ là tạm thời nhằm có cơ sở phân tuyến và thanh toán tiền BHYT. Ðến nay, trong số 165 cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có một bệnh viện tương đương hạng 1, 72 bệnh viện tương đương hạng 2, 81 bệnh viện tương đương hạng ba, 11 cơ sở y tế tương đương hạng bốn. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí riêng cho cơ sở y tế tư nhân, cho nên việc xác định phân hạng tương đương thời gian qua chưa chính xác, nảy sinh tiêu cực, nhất là trong việc bệnh viện "xin" hạng. Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện tư nhân tại Nghệ An cho rằng, nhiều bệnh viện đủ điều kiện xếp hạng cao hơn nhưng vẫn xin được xếp tương đương hạng ba tuyến huyện. Ðây là một trong những nguyên nhân "ngốn" tiền BHYT, gây lãng phí quỹ khi người bệnh bỏ tuyến dưới, lên tuyến trên KCB và các bệnh viện tư nhân lạm dụng các chỉ định, dịch vụ. Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc thừa nhận, một số bệnh viện tư nhân tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa ồ ạt xin xuống hạng ba thời gian qua là do chưa có tiêu chí cụ thể để phân hạng, tuyến đối với bệnh viện tư nhân. Hậu quả là, nhiều bệnh viện sử dụng "chiêu trò" để thu hút người không có bệnh đến KCB, gây lãng phí Quỹ BHYT. Trước tình trạng này, cần phải có tiêu chí rõ ràng để đánh giá lại bệnh viện tư nhân, trả về đúng hạng, tuyến của nó.
Bên cạnh đó, việc chưa phân đúng tuyến, hạng của bệnh viện ảnh hưởng quyền lợi cho người bệnh khi phải tự thanh toán nhiều dịch vụ y tế. Theo quy định, người bệnh được BHYT thanh toán 100% phần chi phí tại bệnh viện hạng 3 tuyến huyện, nhưng thực tế người bệnh KCB ngoại trú tại đây lại phải bỏ tiền thanh toán những dịch vụ kỹ thuật cao tương đương tuyến tỉnh, tuyến trung ương do BHYT không thanh toán những dịch vụ này. Thí dụ, nếu KCB ngoại trú, bệnh viện chỉ định các kỹ thuật cao như chụp cắt lớp, gây mê nội soi, siêu âm tim… thì người bệnh phải trả tiền từ khoảng 500 nghìn đồng đến hai triệu đồng (tùy từng dịch vụ). Nhưng nếu phân hạng, tuyến đúng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bệnh viện thì người bệnh sẽ được hưởng đúng quyền lợi, không bị thu thêm các khoản như vậy. Ngoài ra, người bệnh cũng bị mất quyền được chuyển thẳng lên điều trị tuyến trung ương nếu điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.
Ðại diện BHXH Việt Nam cũng cho rằng, việc phân hạng, tuyến bệnh viện chưa chính xác gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan BHXH trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng BHYT cho người bệnh. Chẳng hạn, cùng quy mô bệnh viện như nhau nhưng có địa phương thì công nhận và áp mức giá dịch vụ của bệnh viện tương đương hạng 3 nhưng có địa phương lại áp mức giá tương đương hạng 2 gây lãng phí quỹ BHYT. Ông Lê Văn Phúc cho biết, do những bất cập nêu trên, từ năm 2014 đến nay, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Y tế ban hành tiêu chí để phân hạng, tuyến bệnh viện tư nhân hoặc có hướng dẫn tạm thời, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Trong thủ tục hoạt động KCB BHYT của bệnh viện tư nhân bắt buộc phải có quyết định phân tuyến, hạng vì Thông tư 41/2014/TTLT quy định cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT lần đầu phải có quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, hằng năm phải bổ sung quyết định phân hạng bệnh viện. Thông tư 43/2013/TT-BYT cũng quy định thẩm quyền cấp quyết định phân tuyến là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế, tùy theo từng trường hợp.
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Ðệ cho rằng, chính bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn. Ðó là bệnh viện tư nhân tương đương hạng 1, hạng 2 tuyến tỉnh không được nhận người bệnh từ bệnh viện công lập tuyến dưới chuyển lên điều trị. Nhà đầu tư bệnh viện tư nhân chưa yên tâm với môi trường đầu tư, nhất là khi cơ quan BHXH Việt Nam yêu cầu phải có quyết định phân tuyến để đủ điều kiện hoạt động KCB BHYT. Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành liên quan ban hành quy định để có hành lang pháp lý cho bệnh viện hoạt động. Bệnh viện đạt hạng nào cần trả về đúng hạng đó, tránh những bất cập từ việc phân tuyến kiểu tương đương như hiện nay.
Về phương án giải quyết bất cập nêu trên, Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí phân tuyến đối với bệnh viện tư nhân để áp dụng trong thời gian tới. Việc phân tuyến, hạng bệnh viện tư nhân không chỉ là hành lang pháp lý cho các cơ sở này hoạt động mà còn là căn cứ để BHXH Việt Nam quản lý Quỹ BHYT hiệu quả hơn. Nhiều bệnh viện cho rằng, trong thời gian chờ đợi tiêu chí phân hạng, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất việc cho "nợ" quyết định phân tuyến, hạng để bệnh viện tư nhân yên tâm hoạt động. (Nhân dân, trang 8).
Thêm 3 lô sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu nhiễm khuẩn
Đây là thông tin cảnh báo mà Cục An toàn Thực phẩm vừa nhận được từ Ban Thư ký Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế INFOSAN.
Như vậy, tính từ ngày nhận được cảnh báo đến nay, Ban Thư ký INFOSAN đã cung cấp thông tin của tổng cộng 10 lô hàng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella Agona - gây nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn Thực phẩm đã thông báo tới các bên liên quan yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm nằm trong danh mục cảnh báo. Cục An toàn Thực phẩm cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân tạm thời ngừng tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm mang thông tin số lô như trên.
Trước đó, đơn vị này đã nhận được cảnh báo từ Ban Thư ký INFOSAN về việc một số trẻ em dưới 6 tháng tuổi tại Pháp phát hiện nhiễm khuẩn Salmonella Agona.... (Nhân dân, trang 5, Sài Gòn giải phóng, trang 1).