Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Kéo ngược bệnh nhân bằng bài toán nâng cao chất lượng bệnh viện; Minh bạch, an toàn máu hiến nhân đạo; Hà Nội: nghiêm cấm tăng giá thuốc dịp Tết; Viện phí tăng với người không dùng bảo hiểm y tế…

Kéo ngược bệnh nhân bằng bài toán nâng cao chất lượng bệnh viện

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số: 'Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh'.

Không chỉ ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương quá tải do người bệnh vượt tuyến, trong khi có những bệnh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện hoàn toàn điều trị được. Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để kéo ngược bệnh nhân từ nước ngoài về, từ tuyến Trung ương về tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh về tuyến huyện.

Bài 1: Tiếc nuối cho những ca xuất ngoại sai lầm

Xuất ngoại chữa bệnh đã diễn ra nhiều năm nay và con số gần 2 tỉ USD mà người Việt chi ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm đã nói lên một thực tế, nếu như các (BV) bệnh viện tuyến cuối có thể nắm bắt được lượng bệnh nhân này thì không chỉ nâng cao uy tín của bệnh viện, tay nghề của bác sĩ, mà đây còn là nguồn thu rất lớn cho BV. Bởi có người xuất ngoại tìm đến các BV có tiếng ở các nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…

Ca bệnh “xuất ngoại” không may mắn mà báo chí phản ánh đã cách đây không lâu là điển hình của việc sống dở, chết dở ở nước ngoài. Đó là trường hợp một phụ nữ có thai bị rau tiền đạo, BV Phụ sản Trung ương chỉ định phải mổ lấy con và cắt tử cung. Nhưng chị ấy nghe theo lời “cò mồi” nên đã ra nước ngoài để chữa bệnh, chi phí hết 1 tỉ đồng. Bác sĩ nước ngoài cũng mổ lấy thai, cắt tử cung như chỉ định của BV Phụ sản Trung ương, nhưng không hiểu vì sao, họ lại cắt luôn niệu quản của chị. Đến 23 Tết âm lịch, họ cho chị về Việt Nam và hẹn mồng 8 Tết sang khám lại.

Khi trở lại đất nước đó để tái khám, riêng tiền hội chẩn, bác sĩ nước ngoài yêu cầu chị phải nộp 12.000 USD, và nếu nối lại niệu quản thì chị sẽ phải mất 46.000 USD nữa. Thấy số tiền quá lớn và quá bất công (vì chính họ cắt niệu quản của chị), người mẹ này đã phải quay về Việt Nam, vào BV Việt Đức chữa trị.

Sau này tôi nghe các bác sĩ BV Việt Đức kể lại, thứ 2 chị nhập viện BV Việt Đức, thứ 3 chị được chỉ định mổ cấp cứu, thứ 7 chị đã được xuất viện. Tổng chi phí của chị tại BV Việt Đức hết 9 triệu. So với chi phí 1 tỉ đồng trước đó chị chi cho BV nước ngoài, mới thấy quyết định xuất ngoại của chị thật là sai lầm và đáng tiếc.

Một người quen của tôi cho biết, anh nuối tiếc khi đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng kết quả lại không như mong muốn mà chi phí bỏ ra quá lớn, khiến gia đình anh đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Cách đây 2 năm, bố anh được BV K chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, không còn cơ hội phẫu thuật, chỉ điều trị bằng hóa chất và xạ trị. Nghe điều này, anh không tin tưởng và quyết định đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh.

Chuyến đi đầu tiên chi phí khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu, thuê phiên dịch, thuê nhà, ăn ở, đi lại đã tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Riêng chụp PET đã cao hơn gấp nhiều lần so với giá trong nước. Sau 5 lần truyền hóa chất ở nước ngoài, do quá tốn kém, gia đình anh đã đưa bố về nước. Lúc này, khối u di căn ra vào gan, dạ dày và không còn đáp ứng với hóa chất, khi đưa bố quay trở lại BV trong nước, các bác sĩ đã lắc đầu. Hơn 2 tháng sau, bố anh mất.

“Bệnh của bố tôi nên điều trị trong nước vì có ra nước ngoài cũng không cứu được. Nếu ở trong nước điều trị, mẹ tôi còn có nhiều thời gian ở bên chăm sóc hơn. Đây là điều nuối tiếc nhất của gia đình tôi” – anh nói.

Con số 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm nói lên điều gì? Điều đó chứng tỏ điều kiện kinh tế của một bộ phận người Việt Nam không ngừng nâng cao, đi đôi với việc chất lượng cuộc sống cũng có yêu cầu cao hơn, đặc biệt là khám, chữa bệnh. Trong buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã cho biết, một bộ phận người dân sống ở TP Móng Cái cứ đau ốm là sang Đông Hưng, Trung Quốc chữa bệnh mà không tới các bệnh viện trong nước, trong khi chi phí chữa bệnh tại Trung Quốc rất cao. Vì sao người dân vẫn bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh? Có lẽ, đây là câu hỏi của rất nhiều nhà quản lý, của ngành Y tế, không chỉ đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Về câu hỏi này, Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: “Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quản lí, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều bác sĩ trăn trở đi tìm lời giải. Tôi cảm thấy vừa bức xúc, vừa tiếc nuối cho người bệnh. Trong lĩnh vực ngoại khoa của tôi, rất nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, và kết quả không thật sự mỹ mãn như người ta kỳ vọng.

Trong số 62 bệnh nhân ghép gan tại BV Việt Đức, có 5 bệnh nhân ra nước ngoài rồi lại quay lại chỗ chúng tôi để ghép. Về mặt xã hội, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 – 10 lần ở Việt Nam. Ví dụ ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ. Tôi hay nói đùa, “họ đã trả học phí một cách ngu ngốc”.

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từng chia sẻ, giá một ca ghép tế bào gốc ở nước ngoài cao gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Người dân ra nước ngoài ghép tế bào gốc không phải bởi nơi đó giỏi hơn Việt Nam mà chỉ bởi họ chưa được truyền thông rộng rãi về những thành tựu ghép tế bào gốc trong nước. Trong khi đó, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Viện Huyết học – truyền máu TP Hồ Chí Minh hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc, đã ghép thành công cho hàng trăm ca với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với bệnh nhân ra nước ngoài.

Theo nhiều người, họ ra nước ngoài chữa bệnh không chỉ vì tin vào y học tiên tiến của nước đó, mà còn là do chất lượng khám chữa bệnh trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận người dân còn chưa thực sự tin vào chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh trong nước. Tình trạng quá tải BV khiến họ ám ảnh. Các dịch vụ chăm sóc y tế chưa cao, chưa đồng bộ khiến người bệnh mệt mỏi, nên họ đã chọn cách ra nước ngoài để điều trị.

Đặc biệt, một số bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tế bào gốc ra nước ngoài chữa bệnh vì họ cho rằng các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch. Bên cạnh đó không ít người ra nước ngoài chữa bệnh là do tâm lí sính ngoại, cố gắng ra nước ngoài bằng mọi giá, trong khi có những bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối thì dù nước có có nền y học tiên tiến cũng không cứu được. (Công an nhân dân, trang 4).

 

Minh bạch, an toàn máu hiến nhân đạo

Máu và các chế phẩm từ máu là loại 'thuốc' đặc biệt rất cần trong điều trị, dự phòng, cấp cứu, nhất là với những bệnh nhân chấn thương, tai nạn hay mắc các bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, mỗi năm nước ta cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu nhưng thực tế lượng máu thu nhận được, chủ yếu máu hiến nhân đạo, chưa đáp ứng nhu cầu điều trị.

Hồi sinh nhờ truyền máu

Tại Khoa Tan máu bẩm sinh Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TPHCM lúc nào cũng đông kín bệnh nhân. 7 năm ròng rã theo con đi chữa bệnh là từng ấy năm anh Trần Văn Sinh (43 tuổi, ngụ Long An) quặn thắt lòng khi nhìn đứa con trai xanh xao đau đớn trên giường bệnh. Thấu hiểu được nỗi buồn của những phụ huynh có con mắc bệnh, nên nhiều năm qua anh Sinh đã tình nguyện hiến những giọt máu của mình để mong có thể mang lại sự sống cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu. “Mỗi giọt máu là liều thuốc quý giá giúp duy trì sự sống của con. Mỗi lần truyền máu, môi con trai tôi lại đỏ, nó cười, nó chạy nhảy, chơi được. Nếu không truyền máu kịp thời là sẽ biến chứng qua tim, phổi. Con tôi sống nhờ máu của người khác thì tôi cũng sẵn sàng cho máu những ai cần”, anh Sinh bộc bạch.

Theo ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, năm 2019, thành phố có trên 260.000 lượt người hiến máu, trong đó đạt trên 60% túi máu loại 350-450ml và chất lượng máu sạch, tốt đạt trên 94%. Còn theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2019, viện tiếp nhận hơn 350.000 đơn vị máu, trong đó 65% lượng máu tiếp nhận tại Hà Nội. Với lượng máu tiếp nhận được, viện đã cung cấp thường xuyên cho 170 BV tại 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với hơn 640.000 đơn vị máu và chế phẩm/năm. “Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Đối với những người bệnh mất nhiều máu, dù thuốc có tốt đến đâu, dù có những kỹ thuật tiên tiến nhất mà không có máu để truyền thì rất khó cứu sống được người bệnh”, ông Trần Trường Sơn cho hay.

Không trả tiền mua máu

Theo các chuyên gia huyết học, một túi máu khi được tiếp nhận từ người hiến sẽ được lưu trữ, phân tích kiểm tra. Sau đó sẽ truyền cho những bệnh nhân có chỉ định truyền máu toàn phần, hoặc được tách ra từng thành phần, như: hồng cầu, tiểu cầu, plasma, tủa đông, để sản xuất các chế phẩm từ máu phục vụ điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Việc chỉ định đúng, sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm từ máu là liệu pháp điều trị hữu hiệu giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp mất máu cấp.

Bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, cho biết những đơn vị máu thu được từ người hiến máu đều được kiểm tra chặt chẽ nhóm máu (hệ ABO, hệ Rh), virus HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét... Ngoài ra, cơ quan y tế cũng khuyến cáo những người đủ điều kiện hiến máu phải là từ 18-60 tuổi, cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45kg đối với nam giới và đặc biệt không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV hay các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác. Hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều về đường đi của máu nhân đạo sau khi hiến. Nhiều người cho rằng: Hầu hết lượng máu dùng trong điều trị hiện nay là của người tình nguyện hiến tặng, tại sao người bệnh dùng máu vẫn phải trả tiền? Đó là một câu hỏi đang được bỏ ngỏ, khiến nhiều người không “tâm phục khẩu phục” và tỏ vẻ nghi ngờ công tác vận động hiến máu. Trả lời vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Như Tố cho biết, người bệnh khi sử dụng máu, không trả tiền mua máu. Số tiền người bệnh phải trả là tiền mua dây truyền máu; kinh phí cho bộ phận đi tiếp nhận; chi phí sàng lọc, xét nghiệm; chi phí sản xuất ra các thành phần máu; chi phí lưu trữ tại các kho đông lạnh và chi phí vận chuyển, cấp phát. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Hà Nội: nghiêm cấm tăng giá thuốc dịp Tết

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành y tế tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hành nghề dược dịp cuối năm.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu rà soát các quy trình thao tác chuẩn, quy định chuyên môn, nghiệp vụ về dược theo đúng quy định hiện hành. Cùng đó, phải chú ý đến việc cung cấp đủ thuốc, nhất là không được lợi dụng thị trường trong những ngày Tết Nguyên đán để tăng giá thuốc.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hành nghề dược trên địa bàn, tập trung vào vấn đề hành nghề không phép, nguồn gốc thuốc và việc chấp hành các quy định về giá thuốc.

Xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc trực thuộc bệnh viện, Trung tâm y tế của các quận, huyện, thị xã bố trí cán bộ trực bán thuốc 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Đề án “Cải tiến phương thức bán vé tham quan khu phố cổ bằng hình thức vé tham quan số hóa”. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, điều hành phố cổ, góp phần hạn chế tình trạng trốn vé, ngăn chặn thất thoát, sai sót trong quá trình đối chiếu, soát vé và giảm phiền hà cho du khách đến tham quan phố cổ.

Vé điện tử là loại vé trọn gói đối với các điểm tham quan di tích. Vé dành cho khách Việt sẽ có 3 điểm tham quan và khách nước ngoài là 5 điểm tham quan. Khi qua cổng soát vé chính, khách đeo thẻ rồi đi vào trung tâm phố cổ để lần lượt đến các điểm tham quan. Vé chỉ được coi là hợp lệ khi có mã số vé, hình ảnh nhận diện trùng khớp với hệ thống đã được tải lên khi khách vào cổng vé trước đó.

Theo kế hoạch, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ thí điểm việc bán vé tự động chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 6/ 2020; Đến đầu năm 2021, sẽ bán vé điện tử tại tất cả các lối thành phố, mở rộng điểm bán tại các trục đường lớn ngoài phố cổ. Tuy nhiên, điều làm nhiều người băn khoăn đó là, không gian phố cổ là không gian mở, có rất nhiều cửa ngõ đi vào nên việc kiểm soát các cửa ngõ rất khó khăn. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Viện phí tăng với người không dùng bảo hiểm y tế

Từ 1.1.2020, hàng loạt tỉnh, thành sẽ áp dụng mức giá các dịch vụ y tế tối đa với người không dùng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Theo đó, nhiều loại dịch vụ sẽ tăng giá.

Việc điều chỉnh là theo Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Nhiều giá dịch vụ tăng cao

Tại TP.HCM, có 10 giá khám bệnh, 38 giá giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm được điều chỉnh. Quy định trong Thông tư 14 lần này so với hiện hành thì giá nhiều loại giường ngày bệnh tăng 11 - 14%, giá các DVKT và xét nghiệm tăng 3 - 4%.

TP.HCM đề xuất thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ KCB theo Thông tư 14 (bắt đầu từ đầu năm 2020), mức giá này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc KCB và thực hiện các DVKT. Đó là các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh, ngày giường các DVKT y tế, tiền lương... “Mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT quy định tại Thông tư 14 hiện nay mới được tính 2/4 yếu tố chi phí bao gồm: chi phí trực tiếp (thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế, điện, nước, nhiên liệu, duy tu bảo dưỡng, xử lý chất thải...); tiền lương, phụ cấp (theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng); chưa được tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản”, một cán bộ tài chính Sở Y tế TP.HCM cho biết.

UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, nắm được; vận động và có giải pháp phù hợp để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT (hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tại TP.HCM là 87,6%). Các bệnh viện (BV) niêm yết công khai bảng giá dịch vụ tại cơ sở KCB; cải tiến khâu thu, thanh toán viện phí; bố trí khu vực đón tiếp và nhân viên hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân khi làm thủ tục KCB. Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, phục vụ.

* Tại Nghệ An, giá dịch vụ giường điều trị tăng khá cao, trong đó BV hạng đặc biệt tăng 15,2%, BV hạng 1 tăng 14,6%, BV hạng 2 tăng 5%, BV hạng 3 tăng 10,5% và BV hạng 4 tăng 7,1%. Giá DVKT và xét nghiệm tăng khoảng 5%... Với mức tăng này, có hơn 300.000 người không tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng. Nghệ An có gần 3 triệu người tham gia BHYT (gần 90% dân số) và hơn 300.000 người chưa tham gia BHYT (chủ yếu là tiểu thương, kinh doanh cá thể, có thu nhập và mức sống trung bình trở lên).

* Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết bắt đầu từ ngày 1.1.2020, tỉnh này sẽ áp dụng tăng giá các DVKT y tế đối với người không dùng BHYT. Giá các DVKT tăng trung bình từ 1 - 4%. Theo ông Nam, hiện Bạc Liêu có khoảng 12% người dân không tham gia BHYT (chủ yếu họ có thu nhập trung bình trở lên).

* Ngày 6.12, Nghị quyết về giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 10% người dân chưa có BHYT. Đối với người bệnh bắt đầu điều trị tại cơ sở KCB trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng mức giá quy định ở thời điểm bắt đầu điều trị cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Tương tự, từ 1.1.2020, mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (áp dụng trong các cơ sở KCB của nhà nước thuộc TP.Hà Nội quản lý) đã được HĐND TP.Hà Nội phê duyệt sẽ chính thức có hiệu lực. Danh mục các dịch vụ điều chỉnh giá, gồm: giá 10 dịch vụ KCB; giá 6 dịch vụ ngày giường; giá 1.937 DVKT và xét nghiệm áp dụng cho các hạng BV.

Theo đó, giá khám tại BV hạng đặc biệt và hạng 1 của các cơ sở y tế của TP.Hà Nội là 38.700 đồng; BV hạng 2 là 34.500 đồng; BV hạng 3 là 30.500 đồng; BV hạng 4 và trạm y tế xã là 27.500 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các BV hạng đặc biệt, 1, 2.

Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng (áp dụng tại 5 hạng BV: hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4). Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng BV nêu trên. (Thanh niên, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang