Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Sẽ có thuốc Anti-D cho sản phụ nhóm máu hiếm; Rước họa khi tẩy bỏ nốt ruồi; Tăng cường phòng dịch COVID-19, không để bùng phát trở lại...

 

Tăng cường phòng dịch COVID-19, không để bùng phát trở lại

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Đáng nói, số ca mắc mới được ghi nhận tăng dần theo từng ngày. Tính riêng ngày 15/4, cả nước có 775 ca mắc COVID-19, 10 bệnh nhân nặng, trong đó 8 ca thở oxy qua mặt nạ và 2 ca thở oxy dòng cao HFNC. Từ tháng 4 đến nay, COVID-19 bắt đầu tăng nhanh, đặc biệt, trước thông tin biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ và một số quốc gia, nhiều người lo ngại về một làn sóng dịch mới.

Nên đánh giá lại miễn dịch cộng đồng

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đều là người có bệnh nền, mới tiêm 2-3 mũi vaccine, thậm chí có người chưa tiêm mũi vaccine nào. Nếu trước đây, chỉ lác đác mới có ca COVID-19 phải nhập viện, thì nay số ca phải nhập viện, thở oxy tăng lên nhanh.

Lý giải về nguyên nhân tăng ca mắc, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới cũng có những làn sóng dịch COVID-19 tăng hay giảm. Việt Nam hiện cũng vậy. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường. Một trong những nguyên nhân tăng đột biến ca nhiễm, do miễn dịch từ tiêm vaccine và nhiễm COVID-19 suy giảm, cùng với việc người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan. Đồng thời, người dân hầu hết đều chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang nơi công cộng, quên các biện pháp vệ sinh tay, khử khuẩn thường xuyên. Đặc biệt, hiện nay triệu chứng COVID-19 như cúm, phần lớn mọi người tự điều trị, hoặc không test COVID-19, nên virus càng lây lan nhanh hơn khi không có biện pháp phòng bị.

Hiện nay, nhiều người có bệnh nền cũng không tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 vì cho rằng bệnh nhẹ, hoặc không mắc lại, hoặc vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ làm “sức khoẻ yếu”… Có người mắc lần hai đã phải nhập viện vì miễn dịch của vaccine đã yếu đi, bệnh nặng hơn. Theo ông Phu, thời điểm này, Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới vô hiệu hoá vaccine hay không. Đồng thời, ngành y tế cần đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. Bởi COVID-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng xác định tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm ra sao, đặc biệt lưu tâm đến nhóm người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

“Mặc dù những ca mắc đợt này đều có triệu chứng nhẹ, nhưng không chủ quan bởi những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, bệnh nền thì triệu chứng nặng lên khi nhiễm COVID-19”, ông Phu cho biết.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương và 30/4-1/5 năm nay được nghỉ 5 ngày, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi để kích cầu du lịch. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm người dân đi lại giao lưu, đám đông tụ tập nhiều, sau nghỉ lễ sẽ tăng ca mắc và có thể có làn sóng dịch mới. Đặc biệt khi Ấn Độ đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này và một số nước khác. Khi hoạt động giao thương, đi lại tăng cao, biến thể phụ này có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tuy Omicron vẫn là chủ đạo, nhưng liên tục xuất hiện các biến thể mới của chủng virus này. Với XBB.1.16 không đáng lo ngại lắm, dù lây lan nhanh, nhưng nó vẫn là biến thể của chủng Omicron. Hiện, XBB.1.16 chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Dẫu chưa đáng quan ngại, nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch.

 PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới, tuy nhiên, không quá quan ngại bởi chúng ta có lợi thế hiểu biết về COVID-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng linh hoạt hơn. Dù số ca mắc có gia tăng, nhưng không để bùng dịch lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền Nam trước đây. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, phải chủ động dự phòng vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 nên test nhanh để có biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình, cộng đồng, nhất là bảo vệ những người dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) và tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Trong dịp nghỉ lễ sắp tới, chuyên gia khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt phòng bệnh khi đi lại.

Trước sự gia tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế cũng đưa ra thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới, theo đó khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đặc biệt, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4.

Theo chuyên gia dịch tễ, thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của COVID-19 để có đủ điều kiện, đủ năng lực ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như chủng virus để đánh giá đúng nguy cơ. Nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch, nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá, dẫn đến cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Rước họa khi tẩy bỏ nốt ruồi

Dịch vụ tẩy nốt ruồi ngày càng xuất hiện nhan nhản, không chỉ ở các bệnh viện, cơ sở làm đẹp mà còn tại các quán cắt tóc, gội đầu. Các chuyên gia cảnh báo, việc tẩy nốt ruồi tùy tiện, không có chỉ định của bác sĩ tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường.

Phát hiện ung thư sau khi tẩy nốt ruồi ở spa

Sau một thời gian tẩy nốt ruồi tại spa, một người đàn ông 55 tuổi (ở Hà Nội) nhận thấy, nốt ruồi được tẩy không biến mất, thậm chí còn phát triển nhanh, xâm lấn sâu hơn, nhất là thay đổi cả kích thước và màu sắc. Thấy lạ, người đàn ông này đã đến Bệnh viện Da liễu trung ương thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tế bào đáy.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nốt ruồi là các nốt, sẩn trên da tăng sắc tố, có màu nâu hoặc đen và hình dạng thông thường là tròn hoặc oval. Nốt ruồi có thể xuất hiện từ khi trẻ sinh ra. Trung bình mỗi người có khoảng 10-40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt ruồi là lành tính nhưng cũng có một số nốt ruồi có nguy cơ ác tính. Thậm chí, có những nốt ruồi bị “ác tính hóa”, biến tính do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể hoặc bị tác động nhiệt trong quá trình tẩy xóa.

Hai phương pháp tẩy nốt ruồi phổ biến là sử dụng lazer và đốt điện. Hai phương pháp này có ưu điểm nhanh gọn, chi phí rẻ, nhưng chỉ áp dụng với các nốt ruồi có kích thước nhỏ, vị trí nông ở phần thượng bì. Với các nốt ruồi lớn hơn và sâu hơn, nếu áp dụng phương pháp này, người tẩy dễ gặp phải hậu quả là để lại sẹo lõm, sẹo co kéo, hoặc sẹo trắng mất sắc tố da. Nguy hiểm hơn, việc tác động nhiệt nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ nốt ruồi biến tính, tiến triển thành ung thư.

“Việc tự ý tác động tới vùng tổn thương đã khiến các tế bào ung thư xâm lấn sâu hơn, phát triển nhanh hơn và gây chậm trễ trong việc điều trị bệnh”, bác sĩ Nguyễn Đình Quân cảnh báo.

Trước đó, hai người đàn ông ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để đốt, tẩy nốt ruồi. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm cho kết quả, hai bệnh nhân này được xác định có khối u ác tính. May mắn, thay vì đến spa hay quán gội đầu, cắt tóc, hai bệnh nhân này đã đến bệnh viện để tẩy nốt ruồi và được phát hiện bệnh kịp thời.

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 vừa điều trị thành công cho cụ bà 98 tuổi ở Nam Định phát hiện ung thư da từ một nốt ruồi. Cách đây vài chục năm, trên vùng má, sát dưới mắt phải của cụ bà này xuất hiện nốt mụn ruồi nhỏ. Trong 3 tháng trở lại đây, nốt ruồi phát triển với tốc độ nhanh chóng thành khối u sùi loét, gây đau đớn. Tại Khoa Phẫu thuật tạo hình và Vi phẫu, Trung tâm Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), qua thăm khám lâm sàng và kết quả chọc hút tế bào, các bác sĩ chẩn đoán, khối sùi loét này là ung thư da.

Không phải nốt ruồi nào cũng có thể tẩy được

Có khoảng 80% thực hiện dịch vụ tẩy nốt ruồi là vì quan điểm “phong thủy” và tính thẩm mỹ… Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân tới các cơ sở y tế với mục đích loại bỏ nốt ruồi vì liên quan tới bệnh lý. Ung thư từ nốt ruồi là loại nguy hiểm, phát triển nhanh, di căn nhanh, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch... Nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ lúc nốt ruồi bắt đầu chuyển sang ác tính thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao.

Chính vì vậy, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho rằng, việc tẩy nốt ruồi là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, để tránh những hậu quả đáng tiếc, trước khi quyết định can thiệp, người dân nên được thăm khám tại các cơ sở y tế có bác sĩ da liễu nhiều kinh nghiệm để xác định, đó là nốt ruồi lành tính hay tổn thương ác tính. Ngoài ra, để tránh các tai biến như để lại sẹo, nhiễm trùng sau khi tẩy nốt ruồi, bệnh nhân cần được tư vấn, lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp, môi trường thực hiện vô khuẩn, an toàn.

“Không phải nốt ruồi nào cũng có thể tẩy được. Khi thấy nốt ruồi của mình có những biểu hiện bất thường, người dân không nên chủ quan mà nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Với các nốt ruồi có các dấu hiệu không điển hình và nghi ngờ, các bác sĩ sẽ loại bỏ và sau đó tiến hành xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Đình Quân khuyến cáo.

Để nhận biết nốt ruồi có dấu hiệu bất thường, Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Phương Lan, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Vi phẫu, Trung tâm Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) lưu ý, khi thấy có các biểu hiện như các nốt ruồi nổi sẩn, u cục với đặc điểm màu sắc bất thường, không đồng nhất, ranh giới không rõ, sẩn gồ, sùi loét, chảy dịch, tăng kích thước nhanh, gây đau, rỉ máu, người dân cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời, thích hợp. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Sẽ có thuốc Anti-D cho sản phụ nhóm máu hiếm

Thời gian gần đây, nhiều sản phụ có nhóm máu hiếm cho biết hoang mang và lo lắng khi đi khám thai được các bác sĩ tại bệnh viện thông báo đã hết thuốc Anti-D.

Đây là loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất kháng thể chống lại thai nhi mang nhóm máu Rh+ ở những phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh-, được tiêm khi thai vào tuần 28 và sau sinh trong vòng 72 giờ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Hải - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho hay thuốc Anti-D tại bệnh viện đã hết gần một tháng nay, hiện tại thuốc Anti-D không có hàng về Việt Nam.

“Đơn vị cung cấp thuốc đã hẹn bệnh viện đến cuối tháng 4-2023 sẽ có thuốc Anti-D, nhưng cũng chưa rõ có thuốc hay không, tùy theo chuỗi cung ứng”, ông Hải cho hay.

Đại diện bệnh viện cũng cho biết thêm Anti-D không phải là loại thuốc điều trị bắt buộc, đây chỉ là thuốc điều trị dự phòng. Trường hợp sản phụ máu hiếm nếu mang thai lần thứ hai hoặc ba sẽ giảm được nguy cơ với thai nhi.

Trước đó, nguồn cung thuốc Anti-D cũng không được đảm bảo liên tục, có những đợt vẫn không có hàng.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - cho biết hiện tại bệnh viện vẫn có thuốc Anti-D, sản phụ có nhóm máu hiếm Rh- vẫn sẽ được tiêm theo tuần tuổi thai.

Thời gian gần đây, đã có sản phụ đến bệnh viện tìm thuốc Anti-D vì đi tìm khắp nơi để tiêm không có.

“Bệnh viện phải quan tâm đặt hàng, vì đây chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong dân số, không chiếm nhiều nhưng có liên quan đến chất lượng sinh sản của phụ nữ. Bệnh viện luôn cố gắng đảm bảo số lượng thuốc Anti-D cho thai phụ, chỉ đặt theo đúng yêu cầu hằng năm”, bác sĩ Tuyết cho hay. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang