Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/5/2019

  • |
T5g.org.vn - Cảnh giác khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website; Hiếm gặp: Bé gái 10 tuổi đã phải cắt u nang buồng trứng; Nỗ lực kéo cậu bé 9 tuổi về từ cõi chết

 

Cảnh giác khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website

Ngày 16-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vina Tảo (Tảo xoắn Spirulina Việt Nam) và Egorex Omega 3.6.9, do hai trang web: http://www.leadviet.com.vn và http://five.vn quảng cáo, lưu hành. Sản phẩm bảo vệ sức khỏe Vina Tảo do Công ty cổ phần quốc tế Lead Việt Nam (địa chỉ số 05, lô OV16.5, Khu đô thị Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên trang web: http://www.leadviet.com.vn (quảng cáo sản phẩm Vina Tảo) và trang http://five.vn (quảng cáo sản phẩm Egorex Omega 3.6.9) đã vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, đồng thời có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với Công ty cổ phần quốc tế Lead Việt Nam và đại diện công ty khẳng định, hai trang web quảng cáo sản phẩm nêu trên không do công ty thực hiện, chịu trách nhiệm. Vì vậy, sản phẩm bán ra không được bảo đảm về chất lượng, an toàn theo công bố. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

 

Hiếm gặp: Bé gái 10 tuổi đã phải cắt u nang buồng trứng

Ngày 16-5, Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng cho một bé gái 10 tuổi. Bệnh nhi là cháu T.A.T, 10 tuổi (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng bụng chướng to. Gia đình cháu cho biết, khoảng 1 tháng nay, bụng cháu to lên bất thường.

Ban đầu, gia đình nghĩ cháu béo nên không đưa đi kiểm tra ngay. Chỉ đến khi bụng cháu to lên bất thường gia đình mới hốt hoảng đưa cháu vào viện thăm khám.

Kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy, cháu T có một khối u lớn dạng nang nằm trong ổ bụng, kích thước 107x204x263mm, thể tích 2870ml. Cháu T. được chỉ định phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, quá trình mổ thấy khối u quá to, xâm chiếm gần hết ổ bụng với kích thước hơn 26cm. Đặc biệt, khối u phát triển ở buồng trứng trái làm mất hết chức năng của buồng trứng nên các bác sĩ phải tiến hành chọc hút nội soi lấy hết dịch trong khối u, đồng thời quyết định cắt hết buồng trứng trái và vòi trứng trái của bệnh nhi. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối u buồng trứng cho cháu T. Sau khi phục hồi, bệnh nhi cần được theo dõi đặc biệt ít nhất là 15 năm.

Cũng theo bác sĩ Lân, trường hợp các bé gái bị u nang, u buồng trứng rất ít gặp. Để phát hiện sớm u buồng trứng hoặc các dị tật tiết niệu, sinh dục khác, cha mẹ cần quan sát bộ phận sinh dục ngoài của con. Nếu xuất hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường, hay đau bụng, cần đưa con đến viện để siêu âm, khám sàng lọc (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Nỗ lực kéo cậu bé 9 tuổi về từ cõi chết

Đầu năm 2019, gia đình sai A Huyên (thôn Đăk Kang Piêng, xã Diên Bình, H.Đăk Tô, Kon Tum) đi mua xăng nhưng không có can, phải bỏ vào bịch ni lông cầm về. Trên đường về nhà, bịch xăng bị vỡ, chảy ướt hết áo A Huyện. Chẳng ai ngờ được, ngọn lửa ở đám cháy bên đường theo vết xăng loa

Nghe con bị bỏng, cha mẹ A Huyên trên rẫy tất tả chạy về. Hai vợ chồng gói ghém đồ đạc, gửi lũ con ở nhà cho hàng xóm trông rồi đưa A Huyên lên bệnh viện huyện. Thế rồi không có tiền, bố mẹ cậu bé đành đem con về nhà. Sau gần 20 ngày, các vết thương của A Huyên bắt đầu hoại tử; ở những khu vực bị bỏng, da thịt dần dần thối rữa; dịch màu vàng chảy ra hôi hám.

Chuyện A Huyên nằm ở nhà chờ chết tới tai cô giáo chủ nhiệm. Đến nhà thăm cậu học trò nhỏ, thấy tình trạng của em đã rất nguy cấp, cô liền cầu cứu các nhà hảo tâm. Nhận được lời cầu cứu, nhóm thiện nguyện ACC (Kon Tum) liền đến nhà A Huyên xem xét tình hình. Ngay trong đêm, nhóm thiện nguyện dùng xe tải chở A Huyên tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum chữa trị.

“Thấy thằng bé gào lên trong cơn đau, cả nhóm chẳng kìm lòng được, ai cũng quay đi sụt sịt khóc. Lúc này các lớp da trên cơ thể A Huyên gần như đã dính hết vào chăn, giường mà cha mẹ A Huyên đã đắp cho em. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải dùng xe tải chở cả A Huyên và chiếc giường tới bệnh viện”, chị Chung Kiều Oanh, một thành viên nhóm ACC, kể lại.

Vì vết bỏng quá nặng, ngày 20.1, A Huyên được nhóm ACC đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chữa trị. Tại đây, các BS chẩn đoán A Huyên bị bỏng cấp độ 2 với trên 65% cơ thể và bị nhiễm trùng máu. Qua tích cực điều trị và 3 lần ghép da, thương tích của A Huyên đã giảm đáng kể, sức khỏe ổn định.

Sau 4 tháng chữa trị, những vết bỏng trên người Huyên đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 15% diện tích cơ thể. Các vết thương bị hoại tử, tình trạng nhiễm trùng máu đã được khống chế. Các BS chuẩn bị ghép da lần thứ 4, chỉ cần xong lần này, thân thể A Huyên sẽ lành lặn và chờ ngày bình phục, nhưng không hiểu vì lý do gì ngày 5.5, chị Y Húi (mẹ A Huyên) cương quyết xin cho con mình ra viện. Nắm được sự việc, ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện đã liên tục thuyết phục, vận động gia đình để cháu ở lại tiếp tục điều trị, thậm chí nhờ cả công an can thiệp nhưng đều bị khước từ.

A Huyên được cha mẹ đưa về căn nhà nơi góc núi Đăk Kang Piêng hẻo lánh. Từ ngày xuất viện, do không được lau rửa vết thương, điều trị đúng cách, các vết bỏng trên người A Huyên tiếp tục lở loét, nhiễm trùng. Cậu bé bắt đầu bị các cơn sốt hành hạ. Dù các nhóm thiện nguyện phát hiện sự việc đã vận động gia đình đưa A Huyên trở lại điều trị, toàn bộ chi phí thuốc men, ăn ở đều được các nhà hảo tâm tài trợ, thế nhưng gia đình cậu bé vẫn khước từ.

Chiều muộn ngày 11.5, sau ca trực, 3 bác sĩ (BS) từ TP.HCM vội vàng đón chuyến xe khách cuối ngày về Kon Tum. Họ là những người trực tiếp điều trị cho A Huyên từ những ngày đầu tiên khi em nhập Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi nghe các tình nguyện viên thông báo bệnh trạng của A Huyên, họ không thể ngồi yên nhìn cậu bé chết.

Tờ mờ sáng 12.5, các BS đặt chân đến Bến xe Kon Tum. Sau cuộc hội ý, cả nhóm liền lên đường hướng về H.Đăk Tô, nơi cậu bé A Huyên đáng thương đang bị những cơn sốt hành hạ.

A Huyên nằm thoi thóp trên chiếc giường duy nhất của gia đình. Khi các BS tháo băng gạc, mùi hôi của vết thương hòa lẫn cùng mùi thuốc bốc lên nồng nặc. A Huyên khóc ré lên, giàn giụa nước mắt khi những vết thương được lau rửa, sát trùng...

Thấy con khóc, chị Y Húi cũng khóc theo. Từ hôm về, A Huyên được gia đình cho nằm im tại đây. Theo lời các bác sĩ, chị cho con uống thuốc và lau rửa vết thương. Chị Y Húi bảo bản thân đang mang thai gần đến ngày sinh nở. Hơn 4 tháng ròng rã hai vợ chồng đã chăm con tại bệnh viện nên rất mệt mỏi và muốn đưa về nhà chăm sóc.

“Thời gian qua, con mình được các BS, các nhà hảo tâm giúp đỡ, mình biết ơn lắm. Nhưng mình không muốn mắc nợ thêm nữa. Vợ chồng mình chỉ cho BS khám con lần này, lần sau sẽ không cho khám nữa. Số phận con mình thì do trời quyết định. Bản thân mình và gia đình không muốn làm phiền ai vì sợ mang nợ. Nếu con chết mà mình đi tù thì mình đành cam chịu”, chị Y Húi nói trong nước mắt.

BS Nguyễn Bảo Lộc, chuyên khoa I, Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), là người hỗ trợ A Huyên ngay từ đầu sau khi thăm khám, cho biết lúc được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, A Huyên đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, sau khi được chuyển về nhà, một phần da mới ghép đã bị hoại tử, nhiễm trùng. Những vết thương lại tiếp tục loang ra trên 30% cơ thể. A Huyên cần phải quay trở lại Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục chữa trị. “Nhiễm trùng máu là điều hiển nhiên, cái chết chỉ còn trong gang tấc nếu để cháu ở nhà”, BS Lộc nói.

Sau khi lau rửa các vết thương cho A Huyên, các BS tiếp tục thuyết phục, thậm chí nài nỉ cha mẹ, họ hàng để đưa cháu về TP.HCM nhưng thất vọng vì gặp phải những cái lắc đầu.

Các phóng viên đã liên hệ với nhiều lãnh đạo tỉnh Kon Tum để giải cứu cháu bé. Sáng 13.5, trước sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, nhiều cơ quan, đoàn thể đã tới nhà A Huyên vận động. Đoàn cán bộ đã cố gắng thuyết phục vợ chồng A Nguy cho con trai đến cơ sở y tế chữa trị nhưng hai vợ chồng nhất quyết không đồng ý. Y Húi còn dọa sẽ tự tử nếu “bắt” con họ đi. Đoàn đưa ra ý kiến chỉ đem A Huyên lên Trung tâm y tế H.Đắk Tô gần nhà, cho gia đình dễ dàng chăm sóc, thăm hỏi. Cùng với đó, nhờ hàng xóm, bạn của hai vợ chồng tác động thêm, vợ chồng A Nguy mới thay đổi thái độ. Khi vợ chồng A Nguy gật đầu, các BS liền bế A Huyên đi ngay vì sợ cha mẹ cháu đổi ý.

A Huyên được đưa đến bệnh viện huyện rồi chuyển ngay lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Sau mấy ngày điều trị tích cực, đến chiều 16.5, sức khỏe cậu bé đã hồi phục rõ rệt. Những vết thương không còn làm cậu khóc ré lên; những cơn sốt không còn hành hạ... Ai cũng mừng và mong A Huyên lần này được chữa trị dứt điểm (Thanh niên, trang 20).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang