Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/7/2019

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không được để trên “nóng” dưới “lạnh”; Thành lập Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không được để trên “nóng” dưới “lạnh”

Ngày 15/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc và tặng quà cho 4 Trạm Y tế (TYT) xã của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh gồm: TYT Thị trấn Phố Châu; TYT xã Sơn Diệm; TYT xã Sơn Tây và TYT xã Kim Sơn 1. Đây là 4 TYT được chọn làm điểm triển khai theo Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Trong những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Qua thực tế kiểm tra tại 4 TYT điểm, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay, các TYT xã điểm đã bước đầu đạt được những tiêu chí đặt ra, sắp xếp lại công năng, thay thế cơ sở vật chất, trang bị thêm máy tính, bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán BHYT và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của TYT bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để YTCS là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi YTCS không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập khó khăn cần phải giải quyết đó là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì vậy, người dân đến với TYT xã để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải, không đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS,… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…

Tiếp tục sắp xếp các TTYT và bệnh viện tuyến huyện thành TTYT đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, ATTP, trực tiếp quản lý TYT xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ TYT xã làm những việc theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại TYT xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.

Về tài chính, huy động các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho YTCS. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước.

Về nhân lực, tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho YTCS, các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên YTCS, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Về cơ sở hạ tầng, Bộ Y tế sẽ giao cho các Cục , vụ chuyên môn, đánh giá, phân loại các TYT xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các TYT xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Cùng với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chính quyền địa phương và người dân, quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra, tránh để tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh” hoặc thực hiện không đạt hiệu quả như đề án đã đề ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Thành lập Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ

Ngày 16-7, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, Bộ Y tế đã công bố quyết định thành lập Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ thuộc Viện Pháp y tâm thần T.Ư.

Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ đặt tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An ở TP Vinh (Nghệ An). Phân viện có chức năng, nhiệm vụ: thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học về pháp y tâm thần; tham gia đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y tâm thần theo tinh thần của pháp luật về giáo dục; khám, chữa bệnh tâm thần thông thường theo yêu cầu… trên địa bàn ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Việc thành lập Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ tại TP Vinh sẽ giảm được khoảng cách đi lại của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; góp phần hạn chế bất cập trong việc tổ chức giám định; tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu các cơ quan tiến hành tố tụng; giảm tình trạng quá tải số lượng trưng cầu giám định cho Viện Pháp y tâm thần T.Ư và nhu cầu của người dân về công tác giám định.

Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Trung Bộ tại TP Vinh là địa phương thứ tám trong toàn quốc mà Bộ Y tế kiện toàn hệ thống pháp y tâm thần từ năm 2015 đến nay, gồm: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Cần Thơ và Đắc Lắc.

* Cũng trong sáng 16-7, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống xạ trị gia tốc Precise và Synergy Platform tại TP Vinh (Nghệ An), dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Nghệ An. (Nhân dân, trang 5; Lao động, trang 2; Tiền phong, trang 2).

 

Sở Y tế TP.HCM đề nghị xác minh vụ bé 3 tuổi tử vng sau 4 giờ nhập viện

Liên quan đến vụ bé N.H.T.T. (3 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đột ngột tử vong sau 4 giờ nhập viện cấp cứu bởi đau bụng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có báo cáo bước đầu gửi Sở Y tế TP.HCM.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Lan (62 tuổi, ông ngoại bé) cho biết khoảng 1h sáng 3-7 khi đang ngủ, bé T. đột nhiên tỉnh giấc ôm bụng kêu đau, đòi đi vệ sinh và ói. Lúc này gia đình nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ yêu cầu gia đình đưa bé đi siêu âm, thử máu. "Bé được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường ruột cấp, các bác sĩ yêu cầu gia đình làm thủ tục nhập viện điều trị. Lúc khám tôi thấy cháu tiếp tục ói có pha lẫn máu, sau đó bé được cho uống lần lượt hai loại thuốc" - ông Lan kể. Sau khi được cho uống thuốc, theo ông Lan, bé khỏe trở lại, không còn kêu đau bụng. Thế nhưng khoảng 5h sáng da bé biến sắc, kêu đau quằn quại, lả người rồi lịm dần. "Bụng cháu có biểu hiện phình to. Ở phòng cấp cứu dù được các bác sĩ dùng mọi thủ thuật sốc điện, hô hấp nhân tạo, bóp thở, ép lồng ngực… nhưng đành tuyệt vọng bởi cháu đã ngưng tim, ngưng thở.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 2 đánh giá với biểu hiện và quá trình đột tử nhanh của bé, nhiều khả năng là do viêm cơ tim tối cấp… (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Vụ thuốc ung thư giả VN Pharma: Đề nghị khởi tố cán bộ Cục Quản lý Dược

Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng, ủy quyền cho Viện KSND TPHCM giữ công tố xét xử vụ ‘Buôn lậu động trời VN Pharma’ mà Tiền Phong có nhiều loạt bài phản ánh. Đáng chú ý, ngoài 12 bị can đang bị truy cứu, hàng loạt đơn vị, cá nhân tiếp tục bị điều tra. Trong đó, Viện KSND tối cao đề nghị khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với chuyên gia, cán bộ Cục quản lý Dược (QLD).

Đến thời điểm này, vụ thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (Cty VN Pharma - trụ sở số 666/10/3 Đường 3/2, quận 10 TPHCM) có 12 bị can là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng XNK VN Pharma), Phan Xuân Thiện (Dược sỹ), Bùi Ngọc Duy (Trưởng phòng VN Pharma), Phan Văn Thông (dược sỹ), Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn), Hoàng Trúc Vy (Cán bộ VN Pharma), Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty H&C) cùng bị truy tố tội danh “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, theo khoản 4 điều 157 Bộ luật Hình sự, có khung phạt lên đến tử hình.

Ngoài 12 bị can trên, theo cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) và Viện KSND tối cao, hiện một số cá nhân, đơn vị do hết thời gian điều tra nên đã được tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo đó, cơ quan ANĐT đã tách hồ sơ, tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan việc lập hồ sơ, cấp phép nhập khẩu các thuốc nhãn mác Heath 2000 Canada; việc cấp số đăng ký lưu hành cho 7 loại thuốc; việc cấp giấy phép nhập khẩu 3 loại thuốc nhãn mác Công ty Helix Canada và việc cấp giấy phép hoạt động số 28/GP-2014/2 ngày 18/6/2014 cho Công ty Helix Canada.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao cho rằng, Phạm Đình Chương (Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) là người làm thủ tục thông quan lô thuốc; đối tượng Raymumdo Y.mararac và Collin cũng đã được tách hồ sơ để tiếp tục điều tra.

Đối với trách nhiệm của các chuyên gia, cán bộ Cục QLD để xảy ra việc nhập khẩu lô thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam, Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho rằng: “Tài liệu điều tra có căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục QLD tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm; bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu là không làm tròn trách nhiệm”.

“Viện KSND tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra làm rõ, nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện việc khởi tố. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ, tiếp tục điều tra”, cáo trạng nêu. (Tiền phong, trang 11).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang