Chuyển bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý: Vỡ kết cấu, kiến trúc hệ thống khám chữa bệnh
Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thuộc Bộ Y tế tuy đóng trên địa bàn Hà Nội nhưng lại thực hiện cả nhiệm vụ của vùng, khu vực, miền; giúp về chuyên môn cho cả nước bạn lân cận; đóng vai trò đảm bảo an ninh y tế.
Bệnh viện trung ương, chuyên khoa, đầu ngành như chiếc "máy cái"
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, từ khi có hệ thống khám chữa bệnh tại Việt Nam, đã có các tuyến để phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh viện của địa phương cũng đóng vai trò trong công tác khám chữa bệnh vì khi xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ nhân dân, mỗi tỉnh, thành đều có một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, có địa phương lớn thì 2-3 bệnh viện đa khoa.
Tại tuyến y tế cơ sở (tuyến huyện và xã, phường) cũng đều trung tâm y tế, trạm y tế và y tế dự phòng... Tuy nhiên giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, thành với bệnh viện tuyến trung ương vẫn có khoảng cách về chuyên môn.
Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thuộc Bộ Y tế tuy đóng trên địa bàn Hà Nội nhưng lại thực hiện cả nhiệm vụ của vùng, khu vực, miền. Thậm chí các bệnh viện này còn giúp về chuyên môn cho cả nước bạn lân cận.
Các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ và các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu để phục vụ việc đào tạo và chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tuyến dưới.
Các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức hay các bệnh viện chuyên khoa như Phụ sản TW, Mắt TW, Răng Hàm Mặt TW, Nhiệt đới TW, Tai mũi họng TW... là cánh tay nối dài của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cơ quan quản lý nhà nước về triển khai hoạt động khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đội ngũ nhân lực bệnh viện tuyến trung ương có rất nhiều các thầy, các cô có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, do đó các bệnh viện này đóng vai trò như chiếc "máy cái".
"Ngoài điều trị cho người bệnh nặng nhất ở tuyến cuối cùng, còn đảm nhiệm việc xây dựng phác đồ điều trị; định mức chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật kiến thức y khoa tiên tiến trên thế giới để có những phương pháp, kỹ thuật mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tham gia đào tạo nhân lực, thực hiện chỉ đạo tuyến" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Cùng đó, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế luôn đóng vai trò giúp cho Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân khi có thiên tai, thảm hoạ, đại dịch lớn xảy ra. Điển hình trong đại dịch COVID-19 vừa qua, các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc thuộc Bộ đã đóng vai trò đầu tầu, làm nên nhiều kỳ tích khi vừa lo công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, vừa tham gia hỗ trợ chống dịch cho các tỉnh là điểm nóng.
"Đây chính là vai trò đảm bảo an ninh y tế của các bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế" - Cục truởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Nguy cơ vỡ kết cấu – kiến trúc của hệ thống khám chữa bệnh
Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nội dung "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học Y".
Đại diện lãnh đạo Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, quy định của Đảng và Nhà nước về hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập y tế đang được quy định tại các văn bản sau:
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)".
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế"; "Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. Tập trung hoàn thiện bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trước khi thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh. Điều chỉnh, sắp xếp các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện...".
Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tại nhóm nhiệm vụ giải pháp về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
Giao cho Bộ Y tế: "Xây dựng Đề án chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý (trừ một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)".
Hiện nay các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đều là các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao trên phạm vi toàn quốc nên việc quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với các nghị quyết của Đảng là chỉ chuyển giao cho các địa phương quản lý.
Trước đây, hệ thống khám chữa bệnh trước chia thành 4 cấp như tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến quận/huyện và trạm y tế xã phường, tuy nhiên tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã tổ chức lại thành 3 cấp, gồm trung ương, tỉnh và y tế cơ sở (bao gồm trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, phường).
Đối với bệnh viện tuyến tỉnh cũng sẽ phát triển các chuyên ngành chuyên sâu dựa trên thế mạnh của bệnh viện và đặc điểm về quy mô dân số, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Còn bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành là tuyến y tế cao nhất, ngoài làm các nhiệm vụ như: chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm hoạ…
"Có thể nói, bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành chính là tuyến cuối cùng, cao nhất về khám chữa bệnh; là nơi mà y tế tuyến dưới cũng như chính người dân các nơi lúc ốm đau, bệnh tật trông mong khi y tế tuyến tỉnh, huyện chưa đáp ứng được. Vậy nếu chuyển hết các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành về cho Hà Nội quản lý, như thế đương nhiên là 'xoá' tuyến trung ương" - đại diện lãnh đạo Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh.
Và nguy cơ dẫn đến là vỡ kết cấu – kiến trúc của hệ thống khám chữa bệnh đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Với vai trò và vị trí của bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện này giữ vai trò dẫn dắt của ngành y trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới.
Các bệnh viện trung ương có mật độ chất xám cao, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên khoa đầu ngành nên thuận lợi trong đào tạo, chỉ đạo tuyến.
Mỗi bệnh viện trung ương, chuyên khoa đầu ngành của Bộ Y tế đang là bệnh viện hạt nhân của vài chục bệnh viện vệ tinh của nhiều tỉnh, thành. Nếu chuyển về Hà Nội quản lý thì vị trí sẽ khác. Lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn
Cùng đó trong công tác hợp tác quốc tế, với vai trò là bệnh viện thuộc Bộ Y tế, vị thế và tính chất sẽ khác. Khi các tổ chức quốc tế, các giáo sư, chuyên gia của nước ngoài đến làm việc với bệnh viện đầu ngành, bệnh viện thuộc Bộ Y tế, hợp tác sẽ có trọng lượng hơn và mang tầm quốc gia. Còn nếu bệnh viện thuộc địa phương, công tác hợp tác quốc tế sẽ giảm quy mô và tầm.
Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì là cơ sở y tế đầu ngành nên ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên toàn quốc, các bệnh viện này còn chăm sóc sức khỏe ngay tại chỗ cho khoảng 10 triệu người dân Hà Nội.
Một nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Theo Nghị quyết 19/NQ-TW thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ.
"Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng việc chuyển các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội là chưa hợp lý"- đại diện Lãnh đạo Tổng hội Y học Việt Nam bày tỏ quan điểm. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Sốt xuất huyết tăng mạnh, Hà Nội gấp rút phòng chống
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành điểm nóng của dịch sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 4 đến 11/8), thành phố ghi nhận 762 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm, trên địa bàn thành phố có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã.
Những ngày qua, một số bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Tại Bệnh viện E ghi nhận mỗi ngày có khoảng hơn 20 ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết, chủ yếu là người lớn mắc bệnh.
Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện khoa có nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu cam, chảy máu chân răng, tràn dịch màng phổi,...
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng mạnh do thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng phát sinh ra muỗi. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội đã chủ động điều tra dịch tễ tại những nơi có nguy cơ bùng dịch cao, lượng người mắc sốt xuất huyết hàng năm cao như huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai…
Đồng thời, CDC Hà Nội cũng đã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám sát phát hiện, xử lý bọ gậy cho lực lượng phòng chống dịch xã, thị trấn; tập huấn kỹ năng sử dụng máy phun, kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cho công nhân phun hóa chất.
Tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, đạt 82% chỉ tiêu kế hoạch. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 7 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 3 quận, huyện với tổng số 76 lít hóa chất. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát dịch trong thời gian tới. CDC Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.
Trong quá trình triển khai phun thuốc diệt muỗi tại các cơ sở xã, phường, CDC Hà Nội kết hợp tuyên truyền khuyến cáo người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Những nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao, khu vực ẩm thấp sẽ được khoanh vùng kiểm tra dịch tễ.
Các chuyên gia lưu ý, người dân không nên tự ý mua hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ để về phun mà cần phải liên hệ với cơ sở y tế dự phòng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)
Quy định mới của Bộ Y tế: Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, người dân được tiếp cận sớm thuốc biệt dược gốc
Theo Bộ Y tế, quy định mới về đăng ký lưu hành thuốc là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm...
Thông tin với Sức khỏe & Đời sống sáng 17/8, đại diện Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, với 5 Chương, 23 Điều và 2 Phụ lục, Thông tư 16/2023/TT-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành quy định các hồ sơ, trình tự, thủ tục để thực hiện đăng ký thuốc tại Việt Nam theo hình thức gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự theo các định hướng tại Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021.
Theo đó, với các quy định tại Thông tư này, các doanh nghiệp thực hiện gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc vào Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành thuốc, rút ngắn các thủ tục hành chính và thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời được xem xét, áp dụng các ưu đãi trong tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế.
Cụ thể, theo quy định mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý dược cấp giấy đăng ký lưu hành lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp, Cục Quản lý dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong khi đó, theo quy định cũ tại Thông tư 23 năm 2013, thời hạn này là 6 tháng.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, việc triển khai các quy định tại Thông tư này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc của Việt Nam được tiếp nhận các quy trình, công nghệ và kỹ thuật sản xuất thuốc tiên tiến, hiện đại, tận dụng tối đa năng lực sản xuất, đồng thời bảo đảm sự chủ động trong việc sản xuất, cung ứng các thuốc, vaccine, sinh phẩm có chất lượng cao cho công tác khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân Việt Nam có cơ hội được tiếp cận sớm các thuốc biệt dược, vaccine, sinh phẩm có chất lượng cao ngay tại trong nước.
Thông tư số 16/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ 1/10/ 2023. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2013/TT-BYT ngày 13/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động gia công thuốc, trên cơ sở các quy định tại Luật Dược năm 2016, các quy định về gia công tại Luật Thương mại và về chuyển giao công nghệ tại Luật Chuyển giao công nghệ và các Nghị định hướng dẫn các Luật này.
Bộ Y tế nêu rõ, các hồ sơ đã nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ, trừ trường hợp cơ sở đăng ký đề nghị tại văn bản giải trình, bổ sung hoặc có văn bản đề nghị tự nguyện thực hiện theo quy định kể từ ngày ký ban hành Thông tư này.
Đối với các thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ được cấp giấy đăng ký lưu hành theo các quy định trước ngày Thông tư này có hiệu lực và cơ sở có nhu cầu được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Thông tư này thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành mới theo các quy định tại Thông tư này để xem xét, thẩm định, cấp giấy đăng ký lưu hành. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).