Hơn 1.000 người tham gia Ngày hội hiến máu “Giọt hồng đất mỏ”
Đây là lần thứ 3 chương trình được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, với nhiều hoạt động ý nghĩa khác như diễu hành cổ động hiến máu, thăm và tặng quà cho bệnh nhân mắc bệnh máu…
Hưởng ứng chương trình Hành trình đỏ, trong các ngày 16 và 17 – 6, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình Ngày hội hiến máu “Giọt hồng đất mỏ”; lễ tôn vinh tập thể, gia đình và người hiến máu tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2018.
Hành trình đỏ là chương trình vận động hiến máu xuyên Việt được tổ chức từ năm 2013, do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chủ trì. Chương trình năm nay diễn ra từ ngày 13-6 đến 14-7, đi qua 27 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, sau 5 năm tổ chức trên phạm vi toàn quốc, Hành trình đỏ đã tiếp nhận trên 120 nghìn đơn vị máu, mang lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân cần truyền máu.
Tại Quảng Ninh, Ngày hội hiến máu “Giọt hồng đất mỏ” đã thu hút khoảng 700 cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân đăng ký tham gia. Kết quả trong ngày đầu Ban tổ chức đã tiếp nhận 585 đơn vị máu. Theo kế hoạch, ngày 17- 6, chương trình sẽ được tiếp tục tổ chức tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động (TP Uông Bí) và dự kiến tiếp nhận 300 đơn vị máu.
Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ và UBND tỉnh Quảng Ninh đã biểu dương khen thương nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. (Công an nhân dân, trang 8).
Vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới của Pháp đã có tại Việt Nam
Sáng 16.6 Công ty CP Vắc xin VN kết hợp với Công ty Sanofi Pasteur VN tổ chức lễ ra mắt vắc xin Hexaxim “6 trong 1” thế hệ mới tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP.HCM (198 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận).
Ông Thomas Gaudry, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Sanofi Pasteur VN cho biết, vắc xin của công ty đã được chứng minh tính hiệu quả, an toàn trên 23 nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên nhiều quốc gia, trong đó có VN. Thực tế, vắc xin đã được cấp phép lưu hành trên 113 quốc gia với hơn 50 triệu liều được sử dụng cho trẻ em. Việc lựa chọn Trung tâm tiêm chủng VNVC là nơi đầu tiên ở VN để tiêm chủng loại vắc xin mới xuất phát từ sự đánh giá cao Hệ thống tiêm chủng VNVC không những quy mô lớn về cơ sở vật chất, hiện đại về dịch vụ mà quan trọng hơn đây là hệ thống tiêm chủng vắc xin đáp ứng các điều kiện khắt khe về kho lạnh, quy trình tiêm chủng đảm bảo tính an toàn cho khách hàng khi sử dụng vắc xin.
Bộ Y tế đã kiểm định và cấp số đăng ký
Phát biểu tại buổi ra mắt vắc xin, ông Phạm Văn Hùng, Viện phó Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cho rằng, Hexaxim là loại vắc xin mới, được sản xuất bởi một hãng dược phẩm quốc tế là Sanofi Pasteur với công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức y tế thế giới, Châu Âu. Vừa qua, vắc xin cũng đã được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký.
Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện VN đã có 30 loại vắc xin đang lưu hành. Quan điểm của Bộ Y tế là mong muốn người dân và trẻ em tiếp cận ngày càng nhiều vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc xin hiện đại, thế hệ mới, đảm bảo hiệu quả và an toàn. Việc đưa về VN loại vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân VN, giải quyết định được tình trạng thiếu hụt vắc xin như thời gian qua.
Theo PGS-TS Phu, việc sử dụng vắc xin “6 trong 1” thì trẻ em chỉ cần tiêm một mũi có thể phòng được 6 loại bệnh, giúp trẻ tiếp cận vắc xin đầy đủ hơn, không phải tiêm nhiều lần. Đây là loại vắc xin vô bào nên phản ứng tại chỗ sưng, đau, sốt thấp. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần lưu ý tiêm nhắc lại cho trẻ để đảm bảo miễn dịch sau này. PGS-TS Phu cũng đã chỉ đạo phía Công ty Sanofi Pasteur cần có cam kết cung cấp vắc xin đầy đủ cho người dân.
Tiện lợi, an toàn
Theo nhà sản xuất, vắc xin Hexaxim “6 trong 1 được chỉ định để tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc lại cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi để phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh xâm lấn do Haemophilus influenza týp b (Hib) gây ra. Đây là loại vắc xin thế hệ mới với hỗn dịch tiêm pha sẵn không cần hoàn nguyên giúp thời gian tiêm chủng cho trẻ được rút ngắn, góp phần đơn giản hóa việc tiêm ngừa, tiện dụng cho đối tượng tiêm chủng, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác và đồng thời mang lại hiệu quả miễn dịch cao.
Hexaxim “6 trong 1” cũng đã được chứng minh về sự an toàn và tính dung nạp. Các nghiên cứu của Hexaxim với các vắc xin khác thì Hexaxim không có sự khác biệt nhiều về phản ứng phụ toàn thân và tại chỗ, đồng thời chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra trong vòng 30 ngày và 6 tháng sau khi tiêm.
Hệ thống tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn của Trung tâm tiêm chủng VNVC là hệ thống tiêm chủng dịch vụ cao cấp đầu tiên tại VN đi vào hoạt động với 2 trung tâm tại HN và TP.HCM. Ngày 17.6.2018, hệ thống sẽ đi vào hoạt động trung tâm thứ 3 tại tòa nhà ICON4 Cầu Giấy – Lầu 1-2, 243A Đê La Thành, P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, HN. Đây được xem là trung tâm tiêm chủng lớn nhất VN với tổng diện tích 3.000 m2, bao gồm 80 phòng khám và phòng tiêm cùng các khu tiện ích cao cấp, dự kiến phục vụ 2.000-3.000 lượt khách mỗi ngày. Với cơ sở vật chất sang trọng, diện tích mặt bằng lớn, hệ thống quản trị hiện đại, đặc biệt là nguồn vắc xin phong phú, giá thành hợp lí... hệ thống VNVC sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân (Thanh niên, trang 15; Tuổi trẻ, trang 14).
Bà tạp vụ tự khám chữa bệnh, chủ phòng khám vô can?
Chuyện giống như một vở hài kịch, nhưng điều lạ là cơ quan chức năng lại 'tin' điều này khi xử lý vi phạm của phòng khám!?
Như Thanh Niên đã phản ánh, Phòng chẩn trị y học cổ truyền ở địa chỉ 110/5/8 tỉnh lộ 2, tổ 5, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi, TP.HCM) do ông Lê Xuân Hòa (đang công tác tại Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh) phụ trách chuyên môn, thời gian hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy (17 giờ 30 - 21 giờ), riêng chủ nhật từ 7 giờ 30 - 20 giờ. Tuy nhiên, vào giờ hành chính hằng ngày, nhóm “lang băm” do bà Đào Thị Sen, ông Lê Văn Ngư, đứng phía sau là ông Trần Văn Cường quảng cáo và hoạt động khám chữa bệnh, đắp thuốc chữa các loại bệnh xương khớp, thoát vị đĩa đệm trái phép.
Ngày 3.4.2018, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra đột xuất, bắt quả tang bà Sen với ông Ngư đang khám, chữa bệnh đắp thuốc. Sau đó, UBND TP ra quyết định xử phạt bà Sen 140 triệu đồng, ông Ngư bị Sở Y tế xử phạt 35 triệu đồng. Riêng ông Lê Xuân Hòa vô can.
Điệp khúc “không biết”
Trả lời PV Thanh Niên vì sao ông Hòa đứng tên phòng khám, để nhóm người khác hành nghề vi phạm, nhưng lại không bị xử lý trách nhiệm? Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế, giải thích sau cuộc kiểm tra, ông Lê Xuân Hòa và bà Đào Thị Sen có đến Thanh tra Sở Y tế làm việc và giải trình về các nội dung liên quan hoạt động phòng khám. Trong giải trình, bà Sen cho biết địa chỉ trên là nhà của bà thuê ở và cho ông Hòa thuê lại để mở phòng khám. Bà Sen xác nhận việc tự ý thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, pha chế thuốc bột lá đắp cho bệnh nhân… trong thời gian phòng khám của ông Hòa không hoạt động. Việc làm của bà Sen ông Hòa không biết!
Còn bản giải trình ông Hòa cho biết ông đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh ngoài giờ tại địa chỉ trên; đồng thời thuê luôn bà Đào Thị Sen phụ giúp dọn dẹp vệ sinh và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân khi bệnh đông. Việc bà Sen và ông Lê Văn Ngư (chồng bà Sen) có thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ông Hòa không biết!
Người phát ngôn của Sở Y tế TP cho biết thêm việc ông Hòa có cho thuê mướn giấy phép hoạt động hay không, thì Thanh tra Sở chưa có cơ sở để xử lý vi phạm hành chính (do tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện có hợp đồng cho thuê mướn bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động giữa ông Hòa và bà Sen hoặc với các cá nhân khác). Thanh tra Sở đã yêu cầu ông Hòa khi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động; đồng thời đề nghị Phòng Y tế H.Củ Chi tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động khám, chữa bệnh tại địa chỉ trên và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện sai phạm. (Thanh niên, trang 16).
Hưởng ứng chương trình vận động hiến máu tình nguyện Hành trình Đỏ
Ngày 17-6 Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ phối hợp Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Thành đoàn Cần Thơ và Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ, tổ chức Ngày hội hiến máu “Sắc đỏ Tây Đô 2018” hưởng ứng chương trình vận động hiến máu tình nguyện xuyên Việt “Hành trình Đỏ”.
|
Ngày hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên cùng người dân trên địa bàn. Trong ngày hội, Cần Thơ dự kiến tiếp nhận khoảng 1.100 đơn vị máu, hoàn thành vượt chỉ tiêu 800 đơn vị mà Chương trình “Hành trình Đỏ” đề ra.
* Cùng ngày, đại diện Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ, đoàn “Hành trình Đỏ” trung ương và Ngân hàng BIDV đến thăm và tặng quà cho 15 người bệnh tan máu bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ.
* Tại Nhà hát Bến Thành (quận 1), UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố vừa tổ chức Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, 896 tập thể, cá nhân tiêu biểu tích cực tham gia các hoạt động hiến máu trong thời gian qua đã được tôn vinh; 10 đại biểu tham gia Hành trình trái tim Việt Nam lần thứ 12 - năm 2018 và 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện được tặng Bằng khen. (Nhân dân, trang 1).
|
Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng - kỳ 1: Nhập “lò” đào tạo “bác sĩ online”
Tàn nhẫn và xảo trá, đó chính xác là những gì nhóm PV Báo Lao Động muốn lột tả qua loạt phóng sự này, sau khi dày công tìm đến mảng hỗn độn nhất của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) - kênh giao dịch online.
Ở đó, khi mọi chuẩn mực đạo đức bị gạt sang một bên, thì một kẻ đọc, viết chưa sõi cũng có thể dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn. Một kẻ nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe… Tất cả quay cuồng, sấp ngửa chỉ vì hai chữ lợi nhuận.
Đụng đâu cũng thấy… “thần dược”
Nếu bạn vô tình đọc được ở đâu đó và bị hấp dẫn bởi những dòng lấp lánh như: “Chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình về căn bệnh A”; “Thuốc gia truyền B số 1 Việt Nam”; “Bí kíp C độc nhất vô nhị”; “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh D” hay thuyết phục hơn là “Không khỏi bệnh không lấy tiền”… thì rất có thể, bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo trong hàng ngàn, hàng vạn người đã cả tin rồi bỏ tiền chuốc lấy sự dối lừa.
Nhóm PV Báo Lao Động đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và nhận thấy, nhiều người tiêu dùng phổ thông tại Việt Nam không phân biệt được (và cũng không quá quan tâm) đâu là thuốc, đâu là TPCN, nếu người bán không chủ động thông tin. Với họ, cái gì uống/đắp/dán vào cơ thể giúp điều trị, đều mặc định là “thuốc”. Không những vậy, một bộ phận không nhỏ có xu hướng tin tưởng mù quáng vào quảng cáo hoặc những chia sẻ theo kiểu “tôi đã thử và thành công”.
Khoảng tháng 5.2018, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bé trai 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốt cao. Kết quả cuối cùng cho thấy, nguyên nhân là do trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, nhưng bù nước và điện giải tại nhà không đủ. Theo chia sẻ, khi thấy bé bị đi ngoài nhiều lần, nghĩ bé bị tiêu chảy, mẹ bé đã ra quầy thuốc mua TPCN về bù nước cho con.
Đáng chú ý, đây là trường hợp thứ 3 ở trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1,5 tuổi nhập viện gần đây do mất nước rất nặng. Trong số đó, 1 trường hợp đã tử vong và cả 3 trẻ này đều uống TPCN giống oresol…
Cũng sau thời gian dài tìm hiểu, nhóm PV Báo Lao Động có cơ sở để nhận thấy, hầu hết các loại TPCN đang “oanh tạc” trên thị trường mạng đều đến từ những cơ sở ít tên tuổi. Để tiếp cận khách hàng, họ chọn phương án bỏ tiền chạy quảng cáo trên facebook, đồng thời lập thêm những website bắt mắt để “yểm trợ”.
Do chế tài về quảng cáo trên mạng xã hội còn thiếu và yếu nên các doanh nghiệp dạng này mặc sức “tô hươu, vẽ vượn”, thậm chí bịa đặt trắng trợn về sản phẩm cốt thu hút sự quan tâm, qua đó lấy được số điện thoại và thông tin bệnh lý của khách hàng. Chúng tôi xin điểm ra đây một số căn bệnh có tỉ lệ quảng cáo trên facebook và tương tác luôn ở mức cao: Viêm họng hạt - amidan, xương khớp, viêm gan, gout, xuất tinh sớm, xoang, hôi miệng, viêm da, giảm cân, rụng tóc…
Đáng chú ý, phần đa các mẫu quảng cáo đều có đặc điểm chung tự nhận là “gia truyền” (hoặc “đông y gia truyền”, hoặc “thần dược” - dù bản chất chỉ là TPCN) đồng thời khẳng định: Chữa dứt điểm sau 2, 3 liệu trình; không khỏi không lấy tiền…
Từ các dữ liệu bệnh nhân để lại, đội ngũ tiếp thị qua điện thoại (còn gọi là telesales) tha hồ khoa môi múa mép, tự gán cho mình đủ các chức cao vọng trọng hòng chiếm được tối đa sự tin tưởng. Khi “bẫy đã sập”, việc còn lại của các “bác sĩ online” là bán được càng nhiều hàng càng tốt…
Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng
Trên chợ TPCN online đầy hỗn loạn, nhóm PV Báo Lao Động “đặc biệt bị thu hút” bởi 1 tên tuổi khá đình đám: Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (trang chủ: dndgroup.vn, dưới đây gọi tắt là Công ty Đông Nam Dược). Không chỉ “mát tay” phân phối hàng chục mã TPCN, sở hữu hàng chục chi nhánh và cả ngàn nhân viên, Công ty Đông Nam Dược còn nằm ở tâm 1 mạng lưới chằng chịt gồm đủ các loại phòng khám, công ty dược và cơ sở sản xuất, mà soi vào chỗ nào cũng thấy có vấn đề.
Sau khi cố gắng phân tách mối quan hệ chằng chịt của Công ty Đông Nam Dược với các công ty dược phẩm có cùng dấu hiệu bất thường khác như An nhiên, Amua, Kiwi, Vic, Cic, Doctor A… hoặc hệ thống phòng các phòng khám, cơ sở sản suất như Thiệu Khang Dường, Phúc Minh Đường, Đông y Dung Hà… chúng tôi quyết định chọn ra 1 nữ PV dày dặn kinh nghiệm, “rải” đơn xin việc vào tất cả các công ty kể trên. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, dù khác tên, nhưng tất cả các cơ sở đều cùng 1 hệ thống, chung cách hoạt động, chung mánh lới, chung chủ sở hữu.
Mặc dù Công ty Đông Nam Dược đăng tuyển ồ ạt, điều kiện đầu vào vô cùng dễ dãi, nhưng không hiểu vì lý do gì mà ở 2 lần phỏng vấn đầu tiên, ứng viên của chúng tôi đều bị đánh trượt. Đến lần thứ 3, khi nộp hồ sơ vào chính Công ty Đông Nam Dược, chúng tôi quyết định đổi người nhập vai - là 1 nữ PV còn rất trẻ, dùng 1 số điện thoại mới, lập thêm 1 tài khoản facebook mới và không kết bạn với bất kỳ ai làm báo, thì mọi thứ mới thuận lợi hơn.
Sau khoảng 3 ngày gửi hồ sơ qua 1 địa chỉ mail theo yêu cầu, nhóm PV nhận được lịch hẹn từ bộ phận tuyển dụng, mời đến phỏng vấn tại tầng 23 - Tháp A, tòa nhà Sông Đà (đường Phạm Hùng, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lúc đó là 9h sáng. Có khoảng 50 người, ngồi sau những dãy bàn vuông vắn, chủ yếu còn trẻ, đang tập trung cao độ vào công việc. Kẻ đứng, người ngồi, tiếng gõ phím, tiếng bấm điện thoại, hòa lẫn tiếng tư vấn oang oang tạo nên 1 không gian huyên náo không khác gì phiên chợ sớm.
Một thanh niên trẻ măng, xưng là Nguyễn Kim Cương phỏng vấn tôi. Sau 1 năm làm nhân viên, Cương giờ đây đĩnh đạc trong vai 1 trưởng phòng kinh doanh đầy quyền uy, dù chỉ vừa tốt nghiệp 1 trường đại học dân lập. Lướt qua lý lịch trắng trơn của tôi: Không bằng cấp, không kinh nghiệm, chỉ vừa tốt nghiệp THPT và vật vờ ở Hà Nội 2 năm bán quần áo, Cương cười xòa nói rằng, điều đó không quan trọng. Anh ta sẽ đào tào tôi thành “bác sĩ” giỏi, có nhiều cơ hội để thăng tiến.
Nhập môn
14h chiều, tôi bắt đầu buổi học đầu tiên để trở thành “bác sĩ”. Những tưởng giáo trình đào tạo sẽ công phu thế nào, nhưng bất ngờ lớn, tất cả những gì tôi nhận được chỉ là 2 bản tài liệu ngắn, gồm kịch bản tư vấn và thông tin về một số bệnh xương khớp thường gặp.
“Công ty đang chú trọng phân phối một số sản phẩm trị xương khớp. Em sẽ được đào tạo thành chuyên gia trong lĩnh vực này” - Cương nói và yêu cầu tôi học thuộc.
Tôi chúi mắt vào từng trang giấy, thấy rõ ràng đó chỉ là một mớ kiến thức hỗn độn cóp nhặt ở trên mạng theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia. Trong khi đó, kịch bản tư vấn cũng chẳng khá khẩm hơn: Mở đầu là hỏi bệnh nhân muốn chữa bệnh dạ dày phải không, nhưng ngay câu sau lại nói về bệnh xương khớp…
Tôi mất nguyên buổi chiều hôm đó để nằm lòng những nội dung được yêu cầu. Thêm 1 ngày nữa để quan sát rồi bắt chước phong thái tư vấn sao cho giống bác sĩ nhất.
Được biết, hầu hết các nhân viên ở đây đều không được đào tạo chính quy về y dược. Người thì tốt nghiệp cao đẳng kế toán, tài chính ngân hàng, trung cấp nấu ăn, hoặc thậm chí có cả sinh viên làm thêm… Vậy nhưng, nếu tập trung tai lắng nghe, có thể thấy ở góc kia 1 “bác sĩ chuyên khoa cấp II” đang ân cần vấn bệnh; một góc khác lại thấy “dược sĩ ưu tú” đang kê đơn, rồi những “trưởng khoa”, “phó khoa” nhan nhản.
Tôi được 1 nhân viên kỳ cựu tên Vân Anh (SN 1987, Hải Dương) chia sẻ: “Mình không cần phải học thuộc hết đâu, bởi trong quá trình tư vấn, mình không giải thích sâu về bệnh. Giải thích nhiều họ nghĩ mình nhiều chữ, vặn vẹo không thể giải đáp được. Mấu chốt là bán “thuốc” chứ không phải giải thích lan man về bệnh. Mình cứ nhắm mắt tự nhận là bác sĩ với dược sĩ là ngon ơ. Tâm lý bệnh nhân ai chả muốn được người có trình độ thăm khám. Sau một thời gian quen dần, chẳng có gì khó cả”...
(Còn tiếp)
Ma hồn trận địa chỉ, thông tin
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược đặt tại ngõ 71 đường Hoàng Văn Thái (Q. Thanh Xuân, TP.Hà Nội), do bà Nguyễn Thị Tường An là đại diện pháp luật. Vậy nhưng, trong nhiều tài liệu công khai, có lúc Công ty này nằm tại tầng 23 tòa nhà Sông Đà - đường Phạm Hùng (Q. Nam Từ Liêm); có lúc tại số 150 phố Trần Vỹ (Q. Cầu Giấy) hay cũng có khi tại số 234 Phạm Văn Đồng (Q. Bắc Từ Liêm) hoặc số 9 Liên Cơ (Q.Nam Từ Liêm)…
Hiện, Công ty Đông Nam Dược trùng lặp tên chủ sở hữu, địa chỉ và số điện thoại với hàng loạt các công ty khác như An nhiên, Amua, Kiwi, Vic, Cic, Doctor A... (Lao động, trang 1).
Người dân sớm có hồ sơ sức khỏe điện tử
Theo Bộ Y tế, tháng 1-2019, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm Hà Nội, TPHCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.
Đây là những cơ sở được lựa chọn tham gia vào đề án y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020 của Bộ Y tế. Sau khi triển khai thí điểm, dự kiến, tháng 7-2019, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ áp dụng trên cả nước.
Việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% dân số được quản lý sức khỏe.
Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử được lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Hồ sơ này cung cấp thông tin sức khỏe của người bệnh cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe cũng giúp ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn. (Sài gòn giải phóng, trang 1).
Phòng bệnh sởi: Nghiên cứu hạ độ tuổi tiêm chủng
Bệnh sởi thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, vậy nhưng vào mùa hè năm nay, dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng. Qua theo dõi dịch tễ trên thế giới, thường thấy cứ 4 năm dịch sởi quay lại một lần. Vào năm 2014, tại miền Bắc đã xảy ra dịch sởi với quy mô rất lớn, cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ nhỏ. Do lo ngại dịch bệnh này quay trở lại, Bộ Y tế đã nghiên cứu để hạ độ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ.
Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu như năm 2017 cả nước chỉ ghi nhận gần 300 ca mắc bệnh sởi thì chỉ tính hơn 5 tháng đầu năm 2018, tại 25/63 tỉnh, thành phố đã có 354 người mắc căn bệnh này. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, theo chu kỳ đã được ghi nhận thì năm nay chúng ta phải cảnh giác trước khả năng quay trở lại của dịch sởi, nhất là tại khu vực miền Bắc. Đây là bệnh có tính lây truyền rất mạnh, một người mắc bệnh sởi có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác, bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Hiện tại, Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc sởi cao so với các tỉnh, thành phố khác. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 4 và đầu tháng 5-2018 trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần đầu tháng 6-2018, con số này là 20 ca/tuần. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã có 148 trường hợp mắc sởi. Đáng lưu ý, trong số các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh sởi có thể gia tăng bởi trên thực tế, ngay sau khi ghi nhận các ca mắc sởi mới, Hà Nội và một số địa phương đã tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ và tỷ lệ trẻ được tiêm ở mức rất cao. Dù vậy, sau khi Bộ Y tế họp, đánh giá tình hình miễn dịch trong cộng đồng đối với bệnh sởi, kết quả cho phép đưa ra nhận định rằng miễn dịch sởi ở trẻ em là có nhưng với người lớn thì không.
PGS.TS Trần Như Dương cho biết thêm, thông thường thì trước 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ nhờ có kháng thể từ nguồn sữa mẹ. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng tại tỉnh Hải Dương gần đây cho thấy, hơn 92% trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi không có kháng thể phòng bệnh sởi.
Trong thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi với tỷ lệ khoảng 3%; đặc biệt, trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ trẻ bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm vắc xin là 20%. Tỷ lệ này trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng lên gần 40%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca mắc sởi, trong đó có gần 1/3 trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi.
Giải quyết dứt điểm “vùng lõm” tiêm chủng
Trước tình hình dịch bệnh sởi đang gia tăng, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời triển khai giải pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng. Hiện nay, thành phố đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Vì vậy, các trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Sở Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho mẹ và con.
Riêng với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh sởi để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đồng thời tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh.
Điều lưu ý, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em - bắt đầu tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay; kết quả nghiên cứu và đề xuất đã được giao cho Hội đồng nghiên cứu của Bộ Y tế xem xét, phê duyệt để tiến tới triển khai trong thực tế - dự kiến vào quý IV năm nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ cũng như khuyến khích các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, triển khai quyết liệt việc tiêm vét cho các đối tượng có nguy cơ cao sẽ giúp Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sởi sau năm 2020. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các “vùng lõm” về tiêm chủng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở cấp xã, phường...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Hơn tất cả, cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao. Dự kiến, Bộ Y tế tổ chức thêm một chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 4 tuổi trên phạm vi toàn quốc. (Hà Nội mới, trang 5).
Bệnh viện Bạch Mai lên tiếng về nguyên nhân bệnh nhân tử vong sau khi nội soi phế quản
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp tử vong của bệnh nhân Nguyễn Thị Bích (SN 1961, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là một tai biến đáng tiếc có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật xâm lấn. Hiện Lãnh đạo BV đang khẩn trương xem xét, đánh giá lại quy trình, nguyên nhân và nếu có sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý.
Cụ thể, theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, ngày 13/6, bà Nguyễn Thị Bích (SN 1961, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai do có dấu hiệu bất thường về hô hấp. Sau khi chụp CT ngực cho bệnh nhân, phát hiện có xẹp thùy giữa phổi phải - giãn phế quản thùy giữa nên đã được chỉ định nội soi phế quản tại Trung tâm Hô hấp để tìm nguyên nhân. Bệnh nhân cũng đã đươc làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành thủ thuật nội soi theo quy định.
Trong quá trình tiến hành thủ thuật cho bệnh nhân Bích sáng 14/6/2018, kíp nội soi phát hiện thấy có khối u phế quản nên đã tiến hành sinh thiết cho bệnh nhân và biến chứng chảy máu nặng trong lòng phế quản đã xảy ra trong khi đang tiến hành thủ thuật. Bệnh nhân suy hô hấp nặng, ngừng tuần hoàn, đã được được xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt nội khí quản tích cực, sau đó tim đã đập trở lại. Bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn toàn viện để đánh giá tình hình bệnh nhân và tiếp tục các kỹ thuật hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
11h50 phút ngày 14/6, bệnh nhân Bích được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện. Lúc này bệnh nhân lại tiếp tục ngừng tuần hoàn. Sau 2h45 phút được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực tiếp tục tiến hành cấp cứu hồi sức nhưng không có kết quả. Lãnh đạo Trung tâm Hô hấp, Khoa Hồi sức tích cực đã trực tiếp tới động viên, chia sẻ cùng gia đình và thông báo tin bệnh nhân đã tử vong.
Về trường hợp tử vong của bệnh nhân Bích, TS Dương Đức Hùng chia sẻ, đây là 1 tai biến đáng tiếc có thể xảy ra khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Trên thực tế, trước khi thực hiện thủ thuật, các bác sĩ đã thông báo rõ tới gia đình bệnh nhân về sự hiện diện của khối u, sự cần thiết tiến hành thủ thuật để xác định nguyên nhân và điều trị cũng như giải thích rõ những nguy cơ, tai biến, thậm chí có thể tử vong ngay trong quá trình thực hiện. Gia đình cũng đã hiểu và chấp nhận ký cam kết đồng ý trước khi thực hiện thủ thuật.
Cũng theo thông tin của TS Hùng, đối với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Bích, sau khi tập trung nguồn lực cao nhất để cấp cứu cho bệnh nhân nhưng không thành công, đại diện Lãnh đạo hai khoa liên quan đã trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ và động viên gia đình. Lãnh đạo Bệnh viện cũng chỉ đạo sẽ tổ chức 1 cuộc họp hội đồng chuyên môn sớm nhất, gồm các chuyên khoa có liên khoa để xem xét đánh giá việc thực hiện tuân thủ các quy trình chuyên môn, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Bích và nghiêm túc xử lý nếu phát hiện ra sai phạm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Từ 1/7: Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh vượt, trái tuyến ra sao?
Khi đi khám bệnh vượt tuyến hoặc trái tuyến, mức hưởng BHYT của người bệnh sẽ ra được quy định từ ngày 1/7/2018 ra sao? Xin cho biết, hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT được quy định như thế nào?
Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc tại Buổi Giao lưu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, chương trình do BHXH VN tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội.
Về nội dung này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 22 Luật BHYT, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến trong năm 2018, được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Về hồ sơ hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, gồm các giấy tờ sau:
Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có); giấy ra viện; bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan). (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Ekip bác sĩ trẻ của Bệnh viện 198 nối thành công bàn tay đứt rời
Sau 3 ngày được phẫu thuật khâu nối, bàn tay bị đứt rời của bệnh nhân Phạm Văn S. (21 tuổi, ở Mễ Trì, Hà Nội), đã dần hồi phục tốt. Đây là thành công mới nhất của các bác sĩ Bệnh viện 198 – Bộ Công an. Đặc biệt, thực hiện kỹ thuật vi phẫu phức tạp này lại do đội ngũ bác sĩ còn rất trẻ của Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng tiến hành.
Vào chiều ngày 14-6 vừa qua, anh Phạm Văn S. được đưa vào Bệnh viện 198 trong tình trạng bàn tay bị đứt rời, chỉ còn nối bằng một miếng da mỏng – kết quả của một nhát chém trong cuộc xô xát. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được các bác sĩ nhanh chóng chuyển lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật kịp thời với mục đích cao nhất là khâu nối thành công bàn tay cho bệnh nhân.
Theo TS. Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng của Bệnh viện 19-8, đây là trường hợp khá phức tạp, do bệnh nhân bị đứt hoàn toàn động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, gân cơ. Nếu các mạch máu không được nối kịp thời, bàn tay không có máu nuôi dưỡng đủ sẽ dẫn đến hoại tử và bệnh nhân sẽ bị mất một bàn tay. Các bác sĩ đều hiểu, mất một tay, lại là tay thuận, người bệnh sẽ gặp phải khó khăn rất nhiều trong cuộc đời còn lại.
Vì thế, ca phẫu thuật được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, quá trình vi phẫu để nối bàn tay cũng rất khó khăn, do các động mạc rất nhỏ. Bởi thế, cuộc phẫu thuật kéo dài tới 9 giờ đồng hồ căng thẳng. Cuối cùng, sau nỗ lực của các ekip phẫu thuật và gây mê, bàn tay đứt rời của nạn nhân đã được nối thành công. Chỉ sau 1 ngày bàn tay được nối lại, kết quả kiểm tra cho thấy bàn tay hồng ấm, có dấu hiệu hồi phục tốt. Hiện bệnh nhân hiện đang được tiếp tục được chăm sóc tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng.
Theo TS. Vũ Hải Nam, đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng nối thành công chi thể đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Song đây lại là lần đầu tiên, ca phẫu thuật phức tạp này hoàn toàn do các bác sĩ trẻ thực hiện. Điều này cho thấy các bác sĩ của Khoa đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật vi phẫu, có đủ khả năng tiếp nhận và xử lý các vết thương chi thể phức tạp. (Công an nhân dân, trang 8; An ninh Thủ đô, trang 15).
Bệnh nhân được ghép tim ở Huế hồi tỉnh
Bệnh nhân Phạm Văn C. (15 tuổi, trú TP Đà Nẵng), người được ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 14-6, đã tỉnh có thể giao tiếp với mọi người.
Chiều 17-6, các bác sĩ ở Khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh nhân được rút ống nội khí quản vào lúc 15h chiều cùng ngày. Bệnh nhân đã tỉnh, có thể giao tiếp với mọi người.
Theo một bác sĩ điều trị trực tiếp cho C., hiện các thông số như máu, nước tiểu của bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi đặc biệt thêm một thời gian nữa trước khi chuyển sang phòng hồi sức tim mạch sau mổ thông thường.
Trước đó như Tuổi Trẻ đã thông tin, một bệnh nhân 15 tuổi có trái tim to gấp 3 lần bình thường đã được cứu sống nhờ hiến tạng. Trái tim được hiến lấy từ một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội). GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã cùng với ekip chuyên gia của Bệnh viện Việt - Đức đem quả tim về Huế bằng đường bộ và đường hàng không.
Đây là ca phẫu thuật ghép tim thành công thứ 2 trong vòng 1 tháng ở Bệnh viện Trung ương Huế. Đây cũng là trái tim thứ 3 được hiến tặng trong vòng 4 tháng qua, theo thông kê của Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia. (Tuổi trẻ, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 4).