Bộ Y tế: Không ghi nhận trường hợp tai biến tiêm chủng do chất lượng vắcxin
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ 1/1-30/9/2019, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 24 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ ngày 1/1-30/9/2019, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 24 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC và các triệu chứng khác.
Về tai biến nặng sau tiêm chủng ghi nhận 23 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.
Cục Y tế dự phòng cho biết, các trường hợp tai biến nặng kể trên đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắcxin cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế họp đánh giá và kết luận.
Bộ Y tế ghi nhận 4 trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vắcxin (17,4%); 9 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (39,1%); 10 trường hợp không rõ nguyên nhân (43,5%), không ghi nhận trường hợp nào thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân: do chất lượng vắc xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình. Về loại vắcxin sử dụng, trong 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận: 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin ComBE Five (15 trường hợp sau tiêm vắcxin ComBE Five và 3 trường hợp sau tiêm vắcxin ComBE Five - OPV) trên tổng số 2.766.531 liều vắcxin ComBE Five, 2.181.455 liều vắc xin OPV đã sử dụng.
Có 4 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin BCG trên tổng số 1.046.471 liều vắcxin BCG đã sử dụng. Có 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin Viêm não Nhật Bản trên tổng số 2.008.540 liều vắcxin Viêm não Nhật Bản đã sử dụng.
Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến 30/9/2019 ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vắcxin Hexaxim tại tỉnh Bắc Ninh, trường hợp này đã được tiến hành điều tra và hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế kết luận trẻ tử vong không rõ nguyên nhân.
Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, Bộ Y tế ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39 độ C và các triệu chứng khác.
Theo đó, các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắcxin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bình Dương (1) trường hợp, Bình Định (1) trường hợp, Đà Nẵng (1) trường hợp, Đắk Lắk (1) trường hợp, Gia Lai (1) trường hợp, Hà Nội (2) trường hợp, Lai Châu (2) trường hợp, Lào Cai (2) trường hợp, Nghệ An (1) trường hợp, Quảng Ngãi (1) trường hợp, Sóc Trăng (2) trường hợp, Sơn La (3) trường hợp, Tiền Giang (2) trường hợp, Thái Bình (1) trường hợp, Thái Nguyên (1) trường hợp và Vĩnh Long (1) trường hợp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Giả mạo bệnh viện, nhà chùa để kêu gọi tài trợ mổ tim
Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết thông tin 'BV Chợ Rẫy cùng bác sĩ Duc Thanh thực hiện chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi' đăng trên Facebook có tên 'Chùa Vĩnh Nghiêm' là giả mạo.
Theo lãnh đạo BV Chợ Rẫy, BV đã thực hiện mổ tim cho trẻ em nghèo, cận nghèo dưới 16 tuổi từ năm 2015, nhưng cũng đã có một mạnh thường quân khác hỗ trợ, đến nay đã điều trị trên 300 ca nhưng không hề có hợp tác với bác sĩ nào tên Duc Thanh.
Cùng với đó, trên fanpage “'Chùa Vĩnh Nghiêm TP. HCM'” cũng thông báo chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay bị rất nhiều trang giả mạo trang Facebook của chùa. Chùa chỉ đưa tin phật sự của chùa và không kêu gọi quyên góp hay vận động trên Facebook, nên bất cứ trang nào đưa các chương trình từ thiện rồi kêu gọi vận động quyên góp đều là giả mạo.
Trước đó, ngày 29.10, trên Facebook có tên “Chùa Vĩnh Nghiêm” đăng dòng trạng thái “BV Chợ Rẫy cùng bác sĩ Duc Thanh thực hiện chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi. Liên hệ Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy (giờ hành chính)”. Tuy nhiên, số tài khoản nhận hỗ trợ phẫu thuật tim lại là tài khoản cá nhân bác sĩ “Duc Thanh”. Thông tin tài khoản giả mạo này đã được BV Chợ Rẫy thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. (Thanh niên, trang 3).
Bệnh viện Bạch Mai có thêm hệ thống chụp, can thiệp mạch
Hệ thống này cùng phần mềm có tính năng hỗ trợ cho phép thay van tim động mạch chủ qua đường ống thông, bệnh nhân không phải mổ mở; ứng dụng 3D cho hình ảnh chẩn đoán chính xác chụp và trong can thiệp mạch, giúp bác sĩ can thiệp có thể kiểm soát được các ca bệnh phức tạp. Năm 2018, với 5 phòng can thiệp mạch, viện đã thực hiện 12.300 ca chụp và can thiệp mạch, trong đó nhiều ca bệnh khó được can thiệp điều trị cấp cứu thành công. Các dịch vụ này được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
Với 6 phòng can thiệp mạch trang bị hệ thống máy hiện đại, Viện Tim mạch còn đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện, giúp các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thuận lợi hơn trong tiếp cận điều trị kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch, lưu ý việc chỉ định can thiệp đặt stent cần phù hợp với tình trạng hẹp mạch vành, tránh chỉ định sớm gây lạm dụng. Sau đặt stent can thiệp mạch, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ uống thuốc và tái khám theo hẹn của bác sĩ điều trị để tránh các sự cố đáng tiếc. Gần đây, viện đã tiếp nhận trường hợp vào cấp cứu vì bị tắc mạch do hình thành huyết khối bên trong động mạch vành, ở vị trí mảng xơ vữa và bên trong stent. Nguyên nhân là bệnh nhân sau can thiệp mạch đặt stent đã tự dùng thuốc và các sản phẩm không phải do bác sĩ kê đơn. Người dân, ngay từ trẻ cần chủ động phòng bệnh tim mạch bằng kiểm soát cân nặng, kiểm soát mỡ máu bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì vận động thể lực; không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. (Thanh niên, trang 3).
Bệnh tim mạch 'tấn công' người trẻ
Thực tế hiện nay, nhiều người Việt Nam dồn sự quan tâm, lo lắng cho căn bệnh ung thư. Song, đó không phải là 'sát thủ' số 1, mà bệnh tim mạch mới thực sự đáng sợ. Không còn là bệnh của người cao tuổi, giờ đây bệnh về tim mạch đang ngày càng trẻ hóa. Dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, căng thẳng, nghiện bia, rượu, hút thuốc lá… là những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị bệnh tim mạch 'tấn công'.
'Quả bom' gây bùng phát bệnh tim
Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch (chiếm 30% số ca tử vong trên cả nước), gấp đôi số người tử vong do bệnh ung thư, trong đó có nhiều bệnh nhân chưa đến 20 tuổi.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình 10-20%/năm và ngày càng trẻ hóa. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch cũng tăng trung bình 15%/năm.
Trước đây, chủ nhân các hồ sơ bệnh án cho nhóm bệnh về tim mạch, như: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, đột quỵ… chủ yếu là người tuổi ngoài 60, nhưng hiện nay có nhiều người trẻ nhập viện do các bệnh về tim mạch.
Khởi phát với các triệu chứng như: Đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần, nữ bệnh nhân Trịnh Thị Thanh T. (18 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ, liệt tứ chi... Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não, mạch não cho thấy, T. bị đột quỵ, nguy cơ tử vong rất cao. May mắn, do được đưa đến bệnh viện kịp thời nên bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Không may như T., bệnh nhân Nguyễn Ngọc D. (38 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) sau khi đau đầu dữ dội và bị ngất, chị được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Đáng tiếc là chị D. đã không qua khỏi do cơn suy tim cấp. Bố chồng chị D. kể, chị không có tiền sử bệnh tim, nhưng do công việc ở ngân hàng bận rộn, nhiều áp lực khiến chị thường xuyên bị stress kéo dài…
Đề cập đến sự chuyển hướng của bệnh tim mạch khi 'tấn công' người trẻ, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bệnh lý tim mạch có thể chia thành hai nhóm chính, đó là nhóm bệnh liên quan đến bệnh lý tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng… và nhóm bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến bệnh lý do xơ vữa động mạch. Hiện nay, nhóm bệnh lý thứ nhất có xu hướng giảm trong khi nhóm bệnh lý thứ hai đang trở thành nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ người mắc cũng như tử vong.
'Lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Thêm vào đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống, công việc… chính là 'quả bom' khiến bệnh nhân tim ngày càng trẻ hóa', PGS.TS Phạm Mạnh Hùng lý giải.
Thay đổi những thói quen gây hại
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Đáng lưu ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp - tác nhân chính dẫn tới các bệnh lý về tim mạch đang gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Theo khuyến nghị của WHO, chế độ ăn thừa muối tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch. Do đó, mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày. Tuy nhiên, người Việt đang tiêu thụ lượng muối trung bình lên tới 9,4g/ngày và khoảng 90% người dân ăn thừa muối.
Chị Nguyễn Quỳnh Nguyên, nhân viên kinh doanh (45 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) kể: 'Tôi vừa có chuyến du lịch đến Hàn Quốc và các món ăn ở đây đều rất nhạt để giúp người dân phòng bệnh tim mạch. Chính vì vậy, hướng dẫn viên của Việt Nam mỗi lần sang đây đều phải mang theo nước mắm để phục vụ thói quen ăn mặn của du khách Việt'.
Ngoài thói quen ăn mặn, bác sĩ Trần Thị Linh Tú, Trưởng phòng Khám đa khoa (Bệnh viện Tim Hà Nội) khẳng định, tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá đều tác động lớn đến tim mạch và ngưỡng huyết áp. Hơn nữa, kết hợp giữa hút thuốc lá và tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác so với những người không hút thuốc bị tăng huyết áp. Để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, tốt nhất không nên hút thuốc lá và uống rượu, bia vừa phải.
Nói về sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ, nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp nên nhiều trường hợp đột tử mà trước đó 1-2 phút họ vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Vì vậy, mỗi người nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp như nhớ tuổi của mình. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, như: Không ăn mặn, giảm mỡ động vật, hạn chế uống rượu, bia, giảm cân với người béo phì, nên đi bộ 30-45 phút/ngày, vận động thể lực 4-5 ngày/tuần…
Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh. Khi người bệnh có các biểu hiện bất thường, như: Khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực... cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh gây những hậu quả đáng tiếc. (Hà Nội mới, trang 5).
Bé trai 10 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm kháng sinh
Sau 10 ngày nhập viện điều trị ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, một bé trai 10 tháng tuổi được bác sĩ thay thuốc tiêm kháng sinh nhưng bé trai có dấu hiệu bất thường rồi tử vong.
Chiều 17-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Văn Cương - phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An - cho biết bệnh viện đã gửi báo cáo ban đầu về một bệnh nhi tử vong tại bệnh viện này cho Sở Y tế Nghệ An, đồng thời bệnh viện sẽ lập hội đồng chuyên môn để tìm nguyên nhân tử vong.
Theo báo cáo từ bệnh viện, bé N.Đ.K. (gần 10 tháng tuổi, ngụ xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An từ 10 ngày nay với triệu chứng sốt cao liên tục, kèm theo ho, khò khè.
Bé được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, viêm não - màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Sau đó, bé K. được điều trị tại khoa cấp cứu và bác sĩ tiêm kháng sinh Ceftazidim và Tobramycin.
Đến 14h30 chiều 15-11, bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiệt đới chẩn đoán bé K. bị viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết, đề nghị thay kháng sinh dùng Rocephin.
Lúc 11h30 ngày 16-11, bé K. được tiêm kháng sinh Tobramycin ngày thứ 3, Rocephin ngày đầu tiên. Sau tiêm 3 phút, trẻ tím tái, mạch nhanh, khó thở, nổi vân tím toàn thân.
Các bác sĩ cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Đến 6h30 sáng 17-11, bé không qua khỏi.
Qua chẩn đoán ban đầu của Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, nguyên nhân tử vong do suy hô hấp, viêm phổi nặng, sốc nhiễm khuẩn chưa loại trừ sốc phản vệ.
Hiện gia đình đã đưa bé K. về quê nhà mai táng. (Tuổi trẻ, trang 13).