Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/11/2020

  • |
T5g.org.vn - Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế; Sẽ sớm công khai giá thuốc, giá dịch vụ y tế; Kết quả xét nghiệm 50 người tiếp xúc ca nghi nhiễm COVID-19…

 

Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế

Bộ Y tế sẽ chính thức khai trương Cổng Công khai y tế, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công khai.

Ngày 17-11, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Y tế nhằm đôn đốc, kiểm tra và đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết thời gian qua bộ đã quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong ngành.

Một hoạt động được ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ mà ngành Y tế triển khai trong năm 2020 là khám chữa bệnh từ xa. Đến nay đã có 1.500 điểm cầu được kết nối, một số nước hiện đã xin kết nối với Việt Nam để cùng khám chữa bệnh.

Đặc biệt, ngày 20-11 tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức khai trương Cổng Công khai y tế. Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công khai. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, 28.000 loại thực phẩm chức năng cũng được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai giá bán…

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn.

Tới đây, tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh những dịch vụ công nào mà ngành Y tế cung ứng đều phải được công khai, như Thủ tướng đã chỉ đạo: “Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả ngành y tế đạt được, đồng thời đề nghị Bộ Y tế quán triệt đầy đủ toàn diện nhất về 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã phát biểu khi trao quyết định bổ nhiệm cho Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Ông Dũng cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan hỗ trợ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Bộ Y tế cần nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần không để nhiệm vụ nào quá hạn hoặc không hoàn thành.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế liên quan đến xã hội hoá y tế. Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tất cả các nền tảng chuẩn bị sẵn để kết nối, chia sẻ BYT cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện đẩy mạnh thủ tục thanh toán này…

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính Phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký kết quy chế hợp tác giữa hai cơ quan. (Công an nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Lao động, trang 7).  

Sẽ sớm công khai giá thuốc, giá dịch vụ y tế

Theo Bộ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long, khoảng 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, 28.000 loại thực phẩm chức năng sẽ được công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán. Đó là thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Thanh Long trao đổi hôm qua 17.11, khi Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao cho Bộ Y tế.

Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh

Ông Long cho biết, dự kiến ngày 20.11, Bộ Y tế sẽ khai trương Cổng công khai y tế.

Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công bố. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành trong nước; khoảng 28.000 loại thực phẩm chức năng sẽ được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán. Bên cạnh đó, tất cả dịch vụ y tế của các cơ sở y tế, những dịch vụ công nào mà ngành y tế cung ứng đều phải được công khai, nhằm “không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Long thông tin thêm, sắp tới Bộ Y tế sẽ khai trương 2 nền tảng là mạng lưới y tế Việt Nam và phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, mạng lưới y tế Việt Nam kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn. Còn phần mềm sẽ giúp 12.000 điểm trạm y tế xã không phải dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm với sự hỗ trợ của các nhà mạng. “Trước đây, mỗi trạm y tế xã có tối thiểu 38 - 72 cuốn sổ, thì tới đây sẽ thay bằng sổ điện tử hết”, Bộ trưởng khẳng định.

Ghi nhận những nỗ lực về số hóa, cải cách thủ tục của ngành y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, cũng mong muốn các dịch vụ như thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ hồ sơ bệnh án sẽ được liên thông, kết nối hơn.

“Nếu tôi khám ở Hà Nam xong, sau đó chuyển lên Hà Nội khám thì có phải mang theo bệnh án nữa không?”, ông Dũng đặt vấn đề, đồng thời lưu ý ngành y tế cần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. “Cố gắng không để chỉ thẻ ngân hàng này thì mới được thanh toán còn thẻ khác lại không, vì hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chúng tôi đã kết nối 40/44 ngân hàng nên tích hợp, liên thông hết”, ông Dũng ví dụ.

Sẵn sàng thanh toán dịch vụ y tế qua Cổng Dịch vụ công

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, số dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp mà Bộ Y tế thực hiện rất lớn, nên cải cách của Bộ Y tế càng nhiều thì càng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Ông Dũng cho hay, đến nay, Bộ Y tế đã triển khai kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng chưa hoàn thành việc tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ngành mới cung cấp 102/554 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, về tích hợp thanh toán dịch vụ y tế lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Y tế đã chỉ đạo 4 sở y tế là TP.HCM, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh và 6 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ, gồm: BV Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Nhi T.Ư, BV Lão khoa T.Ư, BV Nội tiết T.Ư, BV Mắt T.Ư chuẩn bị sẵn sàng kết nối thanh toán trên Cổng dịch vụ quốc gia. Chỉ đạo 3 BV (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV Đại học Y dược TP.HCM và BV Đại học Y Hà Nội) thực hiện nâng cấp, bổ sung các chức năng cần thiết, thực hiện tích hợp để thanh toán trực tuyến thí điểm thông qua nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia đối với một số loại phí dịch vụ y tế trong tháng 11.2020.

Đối với triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đến nay đã có 20 BV trực thuộc Bộ Y tế triển khai thanh toán điện tử. Tại các địa phương, theo thống kê cuối năm 2019, tỷ lệ BV triển khai khoảng 41%. Riêng tại Hà Nội, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ y tế công tại các đơn vị thuộc ngành ước khoảng 50% tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng.

“Bộ Y tế cũng đã ban hành đề án triển khai thí điểm xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sk của người lái xe với Bộ GTVT theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Tính đến ngày 31.10, tổng số cấp giấy khám sức khỏe lái xe và liên thông lên cơ sở dữ liệu quốc gia là 7.342 phiếu”, ông Thuấn thông tin. (Thanh niên, trang 11).

 

Kết quả xét nghiệm 50 người tiếp xúc ca nghi nhiễm COVID-19

Ngày 17/11, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, P.N.M (21 tuổi, sinh viên từ Nga về) âm tính với SARS-CoV-2, không có khả năng lây nhiễm. Đến nay, 50 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần (F1) đều âm tính.

Đây là bệnh nhân nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 10/8, được cách ly tập trung tại Hải Dương. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tự cách ly ở nhà 2 tuần. Ngày 7/11, bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội, được chẩn đoán sốt vi-rút và được cho về điều trị tại nhà.

Ngày 14/11, bệnh nhân sốt 39 độ. Kết quả xét nghiệm ngày 15/11 dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân và người nhà được chuyển sang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư âm tính.

Tối 17/11 Bộ Y tế cho biết, có thêm 5 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Hòa Bình và Khánh Hòa.

Tái dương tính không đáng lo

Theo truyền thông nước ngoài, một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những bệnh nhân COVID-19 có thể dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh, thậm chí là vài tháng sau vẫn dương. Một trong số đó là trường hợp của bác sĩ tại Trung tâm Y tế Ramat Gan’s Sheba ở Israel, được phát hiện nhiễm vi-rút vào tháng 4, âm tính vào tháng 5, đến cuối tháng 7 lại có kết quả dương tính.

Một nghiên cứu ở Ý trên 4.500 bệnh nhân COVID-19, được công bố trên tạp chí BMJ, cho thấy phải mất trung bình 36 ngày để vi-rút thải hết ra khỏi cơ thể. Nghiên cứu cũng khẳng định, với bệnh nhân cao tuổi, hay những ca nặng, thời gian đào thải vi-rút có thể kéo dài hơn nữa.

Lí giải cho việc xét nghiệm dương tính, các chuyên gia đều cho rằng, một số trường hợp tải lượng vi-rút cao bám sâu vào các mô cơ thể nên vi-rút bị đào thải chậm. Cũng có thể do người bệnh chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng các triệu chứng đã hết, một số ca bệnh Ebola cũng có hiện tượng này. Tuy nhiên, với những ca dương tính ở giai đoạn phục hồi, các chuyên gia đều khẳng định, tải lượng vi-rút không đủ để lây nhiễm cho người khác.

Nghiên cứu công bố trên BMJ còn khẳng định xét nghiệm trong giai đoạn phục hồi có tỉ lệ 1:5 dương tính giả, nghĩa là cứ 5 người dương tính thì có 1 trường hợp là dương tính giả. Lí do dương tính giả, theo các chuyên gia, là khi cơ thể vẫn đang tiếp tục thải ra các mảnh vi-rút, làm cho xét nghiệm PCR bị nhầm lẫn. (Tiền phong, trang 10; An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Người mắc bệnh Whitmore tăng đột biến sau mưa bão ở Miền Trung

Số người mắc bệnh Whitmore đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến sau bão lụt. Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị..., 50% còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).Ngày 17-11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh Miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại BV này tăng đột biến với 28 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi.

Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương (Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, có nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng...điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán mắc Whitmore. Từ tháng 1-2020 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.

Tuy nhiên, từ tháng 10-2020 đến giữa tháng 11-2020, chỉ trong một tháng rưởi đã có 28 bệnh nhân.

Bà Hương cho biết, sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường. Người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn.

Vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra.

Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trên các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. (Pháp luật, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang