Nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng: Không thể chủ quan
Ngày 17/5, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh lên 320. Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã chuyển 12 bệnh nhân lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Hiện Việt Nam đã qua 31 ngày không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng vẫn hiện hữu.
Liên tiếp các ca nhập cảnh nhiễm bệnh
Ca bệnh 319 là nam giới, 26 tuổi, (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 16/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bệnh nhân số 320 là nam giới, 29 tuổi (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1.
Ngày 15/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Trong số 12 ca bệnh chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 2 ca bị viêm phổi. Hiện Việt Nam đã có 260 bệnh nhân được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 82%. Còn 60 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định. Tính đến 18h ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 180 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều 17/5 tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn. Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân này đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.
Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO. Bệnh nhân đã trải qua 60 ngày điều trị, trong đó có 42 ngày sử dụng máy ECMO. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này. Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công Anh để có thể chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho ca ghép phổi.
Không thể chủ quan
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hệ thống Zema Việt Nam đã công bố quy trình dịch tễ phòng COVID-19 do PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam tư vấn xây dựng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ông Phu cho biết, những ca nhập cảnh về nước không thể lây lan ra cộng đồng. Hiện, năng lực cách ly, xét nghiệm, phát hiện ca bệnh của Việt Nam vẫn bảo đảm. Ngành Y tế vẫn đang áp dụng phương châm “4 tại chỗ” vì thế những ca bệnh nhẹ được điều trị tại tuyến dưới, chỉ những ca nặng mới chuyển tuyến trên.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đã 31 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID -19 nào ngoài cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng tuyệt đối không thể chủ quan để dịch bùng phát lần 2. Đặc biệt, khi bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”, tất cả các lĩnh vực phải có quy trình dịch tễ phù hợp để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương... (Tiền phong, trang 15).
230 người ngộ độc do ăn đồ chay nhiễm khuẩn
Sáng nay (17/5), BQL ATTP TP Đà Nẵng cho hay đã xác định được nguyên nhân khiến 230 người dân các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) bị ngộ độc thực phẩm.
BQL đã lấy 29 mẫu thực phẩm tại các gia đình và nơi cung cấp nguyên liệu để xét nghiệm. Trong đó, 23 mẫu tại các hộ kinh doanh thực phẩm chay ở chợ Túy Loan, 5 mẫu tại gia đình, 1 mẫu đậu khuôn tại nơi sản xuất.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định do người dân ăn phải các món ăn chay bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép. Bao gồm nem, mì căn, đậu khuôn chiên, cá kho chay, sườn xá xíu, chả chay kho, mì căn xào thịt bò, chả phù chúc, nui xào. Các vi sinh vật có trong thức ăn vượt mức cho phép và gây ngộ độc là: Bacillus cereus, Escherichia coli, Staphylococus aureus.
BQL ATTP đã đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm chay đã cung cấp cho các hộ kinh doanh tại chợ Túy Loan. Hiện tại, BQL đang tiến hành các bước chuyên môn và nghiệp vụ tiếp theo để xác định các vi phạm và mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý.
UBND huyện Hòa Vang cũng đã yêu cầu các hộ kinh doanh liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tạm ngừng kinh doanh, đồng thời phun thuốc khử trùng tại chợ Túy Loan và tại gia đình các hộ kinh doanh.
Trước đó, từ chiều 7/5, nhiều người dân ở huyện Hòa Vang bắt đầu nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Đến trưa 10/5, tổng số người nhập viện điều trị lên đến 230 người, với các triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy. Những bệnh nhân này đều mua thực phẩm chay ở chợ Túy Loan về ăn trong ngày 7/5. (Tiền phong, trang 11).
Đưa tim hiến tặng từ Hà nội vào TP.HCM cứu người
Chiều muộn ngày 13-5 vừa qua, êkip của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận chuyển trái tim được hiến tặng từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho người bệnh đang chờ.
Do thời gian bảo quản trái tim kể từ khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến tặng cho đến khi được ghép vào cơ thể người nhận tối đa không quá 6 tiếng, các bác sĩ và hãng vận chuyển đã vô cùng khẩn trương: đặt chỗ cho đoàn y tế và hành lý xách tay là hộp đặc biệt đựng trái tim hiến tặng, bố trí thời gian rời máy bay và sân đỗ chỉ 2 phút, đường ra sân bay và từ sân bay về Bệnh viện Chợ Rẫy đều có xe cảnh sát dẫn đường...
Chuyến bay chở theo trái tim hiến tặng đã hạ cánh tại TP.HCM lúc 20h10 ngày 13-5 và ngay trong đêm, trái tim được hiến tặng đã đập trở lại trong một lồng ngực mới.
Trong những ngày gần đây đã có khoảng 7 gia đình có người thân chết não đăng ký hiến tặng mô tạng. Ngoài trái tim kể trên được vận chuyển vào TP.HCM, còn một người hiến tặng tạng và tạng hiến được ghép tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Trong 5 năm qua, đã có 50 chuyến bay vận chuyển mô tạng được hiến tặng từ Hà Nội đi TP.HCM, Huế hoặc ngược lại. Theo các bác sĩ, có thể đây là "chuyến bay" đầu tiên của người hiến tặng trái tim hôm 13-5.
Năm 2018 cũng có một chàng trai trẻ hiến tặng trái tim và đó cũng là "chuyến bay" đầu tiên trong cuộc đời của anh. Thật đau đớn, đó cũng là chuyến bay cuối cùng.
"Dù rất quen với công việc này nhưng hành trình nào cũng đầy cảm xúc. Lần đầu tiên đưa một trái tim phụ nữ từ Bắc vào Nam. Một trái tim phụ nữ, trái tim mình cũng thế, cứ nghèn nghẹn. Cũng như lần trước, đợi trái tim ấy đập lại trong lồng ngực mới mình mới rời bệnh viện. Đêm nay có một phụ nữ hồi sinh, chị ấy sẽ có một cuộc đời rất mới và rất khác lạ, ở một phương trời rất xa quê nhà", thành viên của đoàn vận chuyển trái tim chia sẻ. (Tuổi trẻ, trang 18).
Thành tích chống dịch của Việt Nam được đánh giá cao
Theo tin nước ngoài và TTXVN, nhiều tờ báo của Ai Cập, như báo điện tử Events Magazine News, báo điện tử Al Naasher và nhật báo The Egyptian Gazette, đăng các bài viết đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây. Truyền thông Ai Cập đồng thời ghi nhận việc báo chí quốc tế ca ngợi kinh nghiệm phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Theo đó, Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực, các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các báo cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã gửi những chuyến hàng cứu trợ y tế đến các nước bị thiệt hại nặng nề do đại dịch.
* Truyền thông Nga liên tục đăng bài viết của trang AiF.ru nhận định lý do tại sao Việt Nam có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 khi dịch bệnh vừa bùng phát. Bài viết đánh giá cao việc Việt Nam chủ động chống dịch, bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 từ rất sớm. Trong thời gian ngắn nhất, Việt Nam đã huy động trang thiết bị y tế, đội ngũ y sĩ, bác sĩ cùng vào cuộc. Việt Nam tổ chức cách ly một cách triệt để, theo dõi và cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục đến mọi người. Người dân Việt Nam đồng lòng chống dịch cùng Chính phủ cũng là một trong những yếu tố chính giúp Việt Nam chiến thắng dịch bệnh.
* Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Nga, báo chí nước này cũng đồng loạt đưa tin về việc Việt Nam hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Theo TASS, trang gazeta.ru cùng nhiều trang tin khác, đến nay, Việt Nam đã tặng hơn năm tấn thiết bị y tế cho Nga, trong đó có 370 nghìn chiếc khẩu trang y tế. Cũng theo TASS, Việt Nam có kế hoạch tiếp tục cung cấp vật tư y tế cho Nga chống dịch.
* Trong bài viết có tựa đề “Việt Nam đã chiến thắng Covid-19 như thế nào”, trang Onliner.by của Bê-la-rút dẫn ý kiến phỏng vấn người dân Việt Nam, đưa ra các lý do cho thành công của đất nước Đông - Nam Á. Theo bài viết, dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, song Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc Covid-19. Việt Nam đã tận dụng triệt để các cơ hội để chống dịch, trong đó có việc kiểm soát các chuyến bay từ nước ngoài, đóng cửa các trường học. Việt Nam đã phòng ngừa dịch Covid-19 trên quy mô toàn quốc ở giai đoạn rất sớm… (Nhân dân, trang 8).
31 ngày không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng
Bản tin lúc 6h ngày 17/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay đã 31 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Hiện chỉ còn gần 10.000 người đang cách ly phòng chống dịch
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 17/5: Đến nay Việt Nam đã bước đầu bảo vệ thành quả 31 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 17/5: Việt Nam có tổng cộng 178 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 16/5 đến 6h ngày 17/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tính đến 6h ngày 17/5, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.161, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 302
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.179
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.680
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
Đến thời điểm này đã có 260 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện, chiếm 82% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước ta. Hiện còn 58 bệnh nhân đang điều trị tại 8 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng ngày 17/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 12 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Về tình hình bệnh nhân nặng, Tiểu Ban điều trị cho biết đến hôm nay sức khoẻ của BN91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh tuy tiên lượng còn nặng nhưng có tiến triển khá hơn. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp với virus SARS-CoV-2 và hiện đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy. Kết quả X-quang mới nhất cho thấy phổi của bệnh nhân hết tràn khí và còn ít dịch.
Đến hôm nay, BN91 đã trải qua 59 ngày điều trị (Bệnh nhân vào viện ngày 18/3/2020). Bệnh nhân tiếp tục sử dụng máy ECMO ngày thứ 42. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thơi điểm này. Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công Anh để có thể chuyển sang BV Chợ Rẫy chuẩn bị cho ca ghép phổi.
Liên quan đến công tác điều trị 25 ca bệnh COVID-19 tại BVĐK tỉnh Thái Bình, chiều ngày 16/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh của Bộ Y tế làm Trưởng đoàn cùng các thành viên kiểm tra và làm việc với BVĐK tỉnh Thái Bình về điều trị bệnh nhân COVID-19. Đoàn đã đi kiểm tra công tác khám, sàng lọc, tiếp nhận điều trị và cách ly người bệnh, thăm và động viên người bệnh mắc COVID-19.
Hiện BV có 25/33 ca dương tính, trong đó có 2 ca có biểu hiện sốt, viêm phổi (8 ca còn lại vẫn được theo dõi, cách ly tại BV). Các bệnh nhân được tập trung tại khoa Truyền nhiễm cách ly riêng, biệt lập có lối đi riêng.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đề nghị BVĐK Thái Bình tập trung tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị, chăm sóc toàn diện cho các ca bệnh COVID-19. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh, tổ chức Hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn với Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế qua Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 (Bộ Y tế) khi cần để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh.
“BVĐK tỉnh tuyệt đối không để dịch bệnh lây ra nhân viên y tế và người bệnh. Bệnh viện tập trung điều trị người bệnh, theo dõi sát diễn biến từng ca bệnh và đề nghị chuyển 2 ca bệnh có viêm phổi về BV Bệnh nhiệt đới TW; Đội cơ đồng BV Bạch Mai tiếp tục khám, theo dõi các ca bệnh còn lại, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện...”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh
Ttrước đó, sáng ngày 16/5, Tiểu Ban điều trị cũng đã yêu cầu Giám đốc BV Bạch Mai cử Đội cơ động xuống hỗ trợ chuyên môn BVĐK Tỉnh Thái Bình, đồng thời trao đổi với BV Bệnh Nhiệt đới TW về phương án tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ bệnh viện khi có yêu cầu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cùng chủ đề Nhân dân, trang 8: “Ngày thứ 31 không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng”.
Xử lý nghiêm cơ sở hành nghề y, dược không phép
Nghệ An là địa phương có cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập nhiều thứ 3 trong cả nước.
Vì vậy, trách nhiệm quản lý địa bàn để các cơ sở y tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật cần được quan tâm.
Còn nhiều cơ sở hành nghề không phép
TS.BSCKII. Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có mạng lưới y, dược tư nhân lớn nhất cả nước (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội). Hiện nay, tổng số cơ sở y, dược được cấp phép trên địa bàn tỉnh là 2.801, trong đó có 566 cơ sở hành nghề y và 2.235 hành nghề dược. Tổng số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép được các huyện rà soát, báo cáo trước khi ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND là 685 cơ sở; sau khi triển khai Chỉ thị, đến ngày 29/02/2020 còn 165 cơ sở (giảm 520 cơ sở).
Thực hiện Chỉ thị 03, 2 năm qua, Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp Công an tỉnh, Quản lý thị trường Nghệ An thành lập 30 đoàn thanh kiểm tra. Các đoàn đã kiểm tra 257 lượt cơ sở hành nghề và xử phạt 67 cơ sở với số tiền 870 triệu đồng, thông báo cho UBND các huyện xử lý 55 lượt cơ sở hành nghề không phép.
21/21 UBND huyện, thành, thị thành lập đoàn tổ chức kiểm tra 1-2 đợt/năm và đã kiểm tra được 1.639 lượt cơ sở, xử phạt 269 cơ sở với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, đình chỉ 520 cơ sở hành nghề không phép. Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý 39 vụ vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có chứng từ hợp lý, thu nhiều sản phẩm mỹ phẩm và thuốc chữa bệnh với tổng giá trị hơn 506 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thanh kiểm tra 457 cơ sở, xử lý vi phạm 253 cơ sở với tổng số tiền hơn 530 triệu đồng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03, các cơ sở hành nghề y dược có phép được quản lý chặt chẽ, chấp hành các quy định về chuyên môn tốt hơn. Công tác thanh kiểm tra về hành nghề y, dược được tăng cường. Việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm và kịp thời hơn. Một số huyện thực hiện tốt Chỉ thị 03 là Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.
Hiện nay, công tác thực hiện Chỉ thị 03 vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Cơ sở không phép vẫn còn nhiều, hoạt động ở quy mô nhỏ tại gia đình không treo biển hiệu khó khăn trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý. Con số 165 cơ sở không phép được báo cáo hiện nay đang thấp hơn so với số cơ sở hành nghề không phép thực tế.
Vào cuộc chưa quyết liệt, xử lý chưa nghiêm
Tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép trên địa bàn vẫn tồn tại được xác định là do công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm chưa nghiêm dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động.
“Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để việc hành nghề không phép trên địa bàn. Tất cả các cơ sở không phép, vi phạm đều được các cấp chính quyền biết hết, biết cả nhưng nể nang không xử lý... Khi cấp huyện xử lý lại có những cuộc điện thoại xin”, một trưởng phòng y tế huyện cho hay.
Việc xử phạt vi phạm hành chính không nghiêm, chưa quyết liệt, có huyện số tiền xử phạt vi phạm ít, còn có một số huyện kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt hành chính như Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn nên vẫn còn cơ sở hành nghề không phép hoạt động.
Một số huyện bố trí kinh phí, nhân lực liên ngành trong công tác kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân chưa hợp lý, chủ yếu là giao phó trách nhiệm cho phòng y tế là chính. Các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Trong khi đó, phòng y tế các địa phương hầu hết chỉ có từ 1-2 người. Công tác phối kết hợp của các cấp ngành, địa phương chưa tốt.
Người đứng đầu phải thật sự trách nhiệm
Theo ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Chỉ thị 03CT-UBND của tỉnh Nghệ An đã đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ sở y dược ngoài công lập, tạo sự thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và góp phần cùng ngành y tế tỉnh nhà thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khi vẫn còn có nhiều cơ sở hoạt động không phép, vi phạm tạo nên sự bất ổn xã hội, mất khách quan và công bằng đối với đơn vị thực hiện nghiêm túc.
Việc phát hiện cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập không phép, vi phạm là rất dễ. Vấn đề là lâu nay, các cơ quan chức năng, địa phương có chịu xử lý hay không. Một yêu cầu thực tế đặt ra là Nghệ An phải lành mạnh hóa hoạt động y dược ngoài công lập; khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện hoạt động tốt; phải thật sự trách nhiệm, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không để hành nghề không phép, không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn.
Ông Bùi Đình Long yêu cầu: Các cấp, ngành, địa phương, cơ sở hành nghề phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 03CT-UBND. Sở Y tế tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn đối với các cơ sở hành nghề, các địa phương trong tỉnh; phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ trong ngành vi phạm chỉ thị, đơn vị có cán bộ vi phạm chỉ thị (nếu có); thực hiện rà soát các văn bản quy định pháp luật còn chồng chéo bất hợp lý trong lĩnh vực để tham mưu tỉnh, trung ương sửa đổi. Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ.
Cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. UBND các huyện, thành, thị phải phân cấp rõ nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 03 cho từng ngành, từng xã, phường, thị trấn và các trạm y tế; phải đánh giá được đơn vị nào tốt và chưa tốt, cán bộ nào còn né tránh, không chịu làm để có giải pháp cụ thể. Phòng y tế các huyện, thành, thị tích cực nắm thông tin cơ sở vi phạm, cơ sở gặp khó khăn trong việc hoàn thiện giấy phép để tham mưu xử lý kịp thời. Người đứng đầu UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu trên địa bàn xảy ra vi phạm Chỉ thị 03CT-UBND. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Diễn biến đáng ngại của dịch sốt xuất huyết: xuất hiện ổ dịch ngoài cộng đồng
Thực tế đã xảy ra trong tuần qua tại TP Hồ Chí Minh càng cho thấy không thể chủ quan với dịch sốt xuất huyết (SXH). Cùng với việc ngoài cộng đồng xuất hiện gần 10 ổ dịch SXH tại 5 quận, huyện phải xử lý phun thuốc thì trong Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đang phải điều trị cho 22 ca trẻ mắc SXH, chủ yếu là trẻ ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Có ca diễn tiến có sự cô đặc máu, cần theo dõi sát sao.
Phải theo dõi sát sao
Chiều 14-5, tại Khoa SXH của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, các BS khá bận rộn với 22 ca bệnh nhi mắc bệnh SXH. Do thời tiết nắng nóng, cùng với việc chăm sóc các bệnh nhi mắc SXH, các BS còn phải tiếp nhận và điều trị thêm những ca trẻ mắc bệnh về đường máu (xuất huyết não, viêm màng não). Khoa SXH có 13 BS và 40 điều dưỡng, đều phải làm việc tích cực chăm sóc các em trong suốt tuần qua.
Chị Thu Phương (33 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) đang chăm sóc cho con gái 7 tháng tuổi mắc SXH, cho biết, khi phát hiện, bé chỉ sốt nhẹ, sau đó BV Vũng Tàu có thực hiện làm xét nghiệm máu và khuyên chị nên là đưa con đến BV Nhi đồng 1 ngay. Một BS cho biết, đây là bệnh nhi mắc SXH diện nhẹ, phát hiện kịp thời nhưng phải theo dõi để không bị vào sốc.
Trường hợp đang được chú ý nhất trong khoa là bé gái hơn 1 tuổi, được chẩn đoán mắc SXH nhưng có dấu hiệu lừ đừ, máu cô đặc và đây là một trường hợp nặng nhất trong khoa hiện nay. Mẹ của bé này cho biết, nhà chị tại quận 3, trong khu vực không có ai mắc SXH nhưng con gái chị đột ngột sốt cao, lúc đầu, khi nhập viện tình trạng lâm sàng lại theo hướng chẩn đoán sốt siêu vi, sau đó kết quả xét nghiệm lại nghi ngờ giống hiện tượng viêm màng não. Lần xét nghiệm sau mới khẳng định bé bị SXH.
Tại phòng bệnh 312, do thời tiết nóng nên cô con gái 8 tuổi của chị Trần Thị Nhơn (ngụ tại quận 6), dù đang hâm hấp sốt và ho, nhưng bà mẹ này đã phải đưa con ra ngồi dựa lưng vào ghế ở hành lang trò chuyện cho con đỡ khó chịu. Chị cho biết, con chị đi khám vào ngày 9-5, lúc đầu bé chỉ bị sốt khoảng 38 độ C, nhưng đi khám tại phòng mạch, BS chỉ chẩn đoán là bé bị viêm họng và cho về nhà uống thuốc.
Tuy nhiên, sau đó về nhà, tình trạng viêm họng của con chị không thấy đỡ, chị cho con nhập viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh ngày 12-5, và ngay sau khi có kết quả mẫu máu xét nghiệm đã khẳng định con chị bị SXH. Tức là đã vào ngày thứ 4 của bệnh nhưng không hề sốt cao mà chỉ khó chịu, ho như viêm họng, kèm đau nhức mình mẩy.
Theo lời chị Nhơn, khu nhà trọ tại quận Bình Tân nơi chị ở hơn 1 năm nay nhưng chưa ghi nhận có người mắc SXH; đầu năm tới giờ cũng chưa có ai bị SXH. “Tối đi ngủ, hai mẹ con nằm màn rất cẩn thận. Tôi nghi có thể vừa rồi, khi cho con về quê tại Đồng Tháp, né dịch COVID-19, nơi ở quanh đó có nhiều muỗi, nó bị muỗi chích”, chị Nhơn nói
Tại Bệnh viện Nhi thành phố, ghi nhận vào ngày 16-5, Khoa Nhiễm của BV này cũng đang chăm sóc cho 5 ca bệnh nhi mắc SXH. BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm của BV cho biết, 5 bệnh nhi trên đều nhập viện trong tuần qua, các bé trong độ tuổi từ khoảng 5-7 tuổi. “Tuy nhiên, trong 5 ca trên không có bé nào trong tình trạng máu cô đặc. Cô đặc máu là một diễn tiến của bệnh SXH cần theo dõi để không vào sốc hay bị nặng hơn”, BS Nam giải thích.
Diễn tiến một ca bệnh SXH bình thường là 3 ngày đầu là sốt, 2-3 ngày sau là có thể vào diễn tiến cô đặc máu và những ngày sau (ngày thứ 6, thứ 7) là giai đoạn khỏi bệnh dần. Nhưng lúc này mới có nhiều diễn tiến bất thường của SXH. Nó thường nhanh và không lường trước được. Do vậy, SXH là phải theo dõi chặt là vì vậy.
Cũng theo phân tích của BS này, thời gian từ khi con người bị muỗi đốt, siêu vi xâm nhập vào người và tới khi phát bệnh kéo dài có khi 14 ngày. Trung bình từ 7-10 ngày trước khi có biểu hiện triệu chứng, chứ không phải ngay khi bị muỗi chích cơ thể con người đã có biểu hiện SXH ngay. Cơ chế bệnh là sau khi bị muỗi đốt, siêu vi vào cơ thể và 7-10 ngày sau mới phát bệnh.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại cũng chưa nghe khuyến cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về đặc điểm của chủng virus SXH Dengue năm nay có gì đặc biệt. Thường là vào tháng 7 và tháng 8, Viện Pasteur mới xét nghiệm tìm ra những chủng điển hình của virus SXH Dengue của năm, dựa trên số ca mắc chiếm tỉ lệ cao nhất của chủng virus đó để xác định.
Phòng ngừa sốt xuất huyết trước nguy cơ “dịch chồng dịch”
Theo BS Nguyễn Trần Nam, trong phòng ngừa bệnh cho trẻ khỏi SXH, có 3 việc đó là phải luôn đề phòng vì SXH là bệnh quanh năm. Đề phòng là loại trừ nơi trú ngụ của muỗi tại nơi mình ở; hạn chế để vật dụng chứa nước, vật thải quanh nhà. Thứ 2, khi bị bệnh là phải đi khám, không được tự ý điều trị hay nhờ “thầy lang” tới cắt lễ, hay dùng các biện pháp chữa dân gian với bệnh SXH. Vì SXH có những diễn tiến nhanh và nặng vào những ngày cuối của bệnh, không xử trí được kịp thời nếu không có BS. Cuối cùng là sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi như: mặc áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi.
“Trong 5 ca bệnh đang nằm tại BV Nhi thành phố đều là đang theo dõi chứ không khẳng định là nhẹ. Vì diễn tiến SXH rất bất thường. Thường sau 1 tuần mới trả lời được ca đó nặng hay không”, BS Nam nhấn mạnh.
Theo các BS, trong hoàn cảnh còn phải đề phòng dịch COVID-19 như hiện nay, các trường học, nhất là trường mầm non cần làm thật tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên bằng cách là lau chùi, khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, các vật dụng cá nhân, tay nắm cửa, khẩu trang. Phòng tránh tới tối đa không để xảy ra việc lây nhiễm COVID 19. Luôn có dung dịch rửa tay sát khuẩn để trẻ có ý thức rèn luyện ý thức vệ sinh, và đặc biệt xung quanh ngôi trường nơi dạy học sinh cần phát quang bụi rậm để muỗi không có chỗ ẩn nấp, sinh sôi phát triển. Chú ý dọn dẹp các vật dụng chứa nước như lu, chậu trồng cây, lọ hoa, bình bông… bỏ quên trong sân trường.
Nếu các lớp học có tổ chức bán trú, phải cho trẻ nằm màn; đặc biệt hết sức tránh để trẻ nằm gần nhau. Tại các trường có tổ chức học 2 buổi/ngày thì phải lưu ý, nếu không giữ được điều kiện nằm ngủ giãn cách nhau 1 mét trở lên thì nhất thiết là phải để trẻ nằm quay lưng vào nhau khi ngủ, phòng tránh lây bệnh khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Trường dạy cho trẻ những việc làm thường xuyên quan trọng như: biết cách lấy tay che miệng, mũi khi ho, tránh lây cho bạn. Sau đó, chính thầy cô phải có ý thức sát khuẩn tay.
Ngoài ra, một điều cần chú ý nữa trong các ca bệnh SXH năm nay, đó là khu vực phía Nam với một đặc thù, “đuôi” của dịch SXH bao giờ cũng vắt qua mùa mưa và kéo dài sang tháng 2, tháng 3 năm sau. Chính vì vậy, nhiều khi thấy dịch SXH lên tới đỉnh dịch vào tháng 9, tháng 10 mà chủ quan cho là đã hết dịch, không chú ý phòng ngừa thì dễ xảy ra những ca bệnh nặng vào thời điểm này. (Công an Nhân dân, trang 7).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh: Xóa cảnh xếp hàng chờ đợi
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai khám theo hẹn, đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Không chỉ giảm quá tải, giãn cách người bệnh, việc đặt lịch khám trước qua tổng đài, qua phần mềm của bệnh viện còn giúp người bệnh không còn cảnh xếp hàng chờ khám.
Giảm áp lực cho bệnh nhân và bác sĩ
Mắc đến ba bệnh mạn tính, nên trung bình mỗi tháng, bà Dương Thị Nụ (68 tuổi, ở phường Cự Khối, quận Long Biên) phải đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ 1 đến 2 lần. “Trước đây, dù nhà gần bệnh viện, nhưng tôi vẫn phải xếp hàng từ 6h sáng và phải đến trưa, thậm chí có hôm đến chiều mới khám xong. Thế nhưng, từ khi bệnh viện triển khai khám theo hẹn, tôi chỉ phải đến bệnh viện trước 15 phút”, bà Dương Thị Nụ chia sẻ.
Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận khoảng 1.500-1.700 bệnh nhân/ngày, đến tháng 4-2020 giảm còn 600-700 bệnh nhân/ngày và từ tháng 5-2020 số bệnh nhân trung bình là 1.000 người/ngày. Có mặt tại bệnh viện dù vào giờ cao điểm, song theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, khu vực khám bệnh rất thông thoáng. Bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, từ khi thực hiện quy trình khám theo hẹn với mục tiêu giãn cách bệnh nhân để phòng, chống dịch Covid-19, khu khám bệnh đã thưa người hơn. Bệnh nhân đến bệnh viện chủ động theo lịch hẹn, không phải xếp hàng chờ đợi, thời gian khám bệnh cũng được rút ngắn.
Theo khảo sát của Phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), trước đây, với một bệnh nhân kèm theo 2-3 xét nghiệm cận lâm sàng phải mất từ 2,5 đến 3,5 tiếng mới khám xong. Tuy nhiên, từ khi khám theo hẹn với hệ thống gọi tự động (Autocall), thời gian khám của bệnh nhân giảm còn 1,5 tiếng. Đối với bệnh nhân mạn tính, trước đây, họ phải đến bệnh viện chờ đợi từ 5h sáng đến 11h trưa, thậm chí nếu xét nghiệm máu, thì phải chờ đến 14h mới khám xong; nhưng khi khám theo hẹn, chỉ 30 đến 45 phút là có thể ra về.
Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, 100% người bệnh khi đến khám đều phải đăng ký qua số điện thoại: 1900.6922; qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/, fanpage bệnh viện hoặc tải app vào điện thoại, máy tính thông minh. Nhờ đó, việc đặt lịch khám, xem kết quả xét nghiệm… đều có thể được tiếp cận rõ ràng. “Việc khám theo hẹn tránh được tình trạng khi vắng, khi lại quá tải, giúp công tác phòng, chống dịch, kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện được tốt hơn. Hơn nữa, bác sĩ sẽ chủ động về mặt thời gian để khám cho từng người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ứng dụng đăng ký hẹn khám qua website thời gian qua đã giúp tăng rõ rệt số người đến đăng ký khám, tầm soát ung thư. Theo bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân đặt trước lịch khám chỉ cần đến bệnh viện đúng giờ, không phải chờ đợi. Khi khám theo hẹn, bệnh viện biết được số lượng bệnh nhân để chủ động phân phối nguồn lực, trang thiết bị hợp lý…
Hướng tới bệnh viện thông minh
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để có được kết quả như hiện tại, bệnh viện mất 3 tháng để chuẩn bị. Hiện, bệnh viện triển khai 2 hệ thống phần mềm, gồm: Phần mềm sử dụng trong khám, chữa bệnh thông thường và phần mềm chuyển dữ liệu vào Autocall. Bệnh viện đã đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế sử dụng phần mềm hẹn khám một cách thuần thục. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai khám theo hẹn cũng gặp một số khó khăn khi nhiều bệnh nhân đến khám sai ngày, sai giờ. “Sau 3 tháng triển khai, tỷ lệ khám đúng theo ngày và giờ đạt từ 80 đến 85%”, bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện phải thông báo, nếu không đặt lịch trước khi đến viện khám, người mang thai, người bệnh vui lòng liên hệ với nhân viên tiếp đón để được hỗ trợ đặt lịch hẹn vào khám. Nếu người mang thai, người bệnh không đồng ý đặt lịch hẹn khám, bệnh viện có quyền từ chối phục vụ.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc ứng dụng khám theo hẹn đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc giảm tải, giãn cách người bệnh. Hiện còn rất nhiều ứng dụng công nghệ được đưa vào bệnh viện, như: Bệnh án điện tử, thanh toán phí không dùng tiền mặt… Thời gian tới, các bệnh viện cần chủ động bố trí nguồn lực để xây dựng, phát triển và duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, không chỉ cung cấp các dịch vụ có chất lượng, tạo thuận tiện cho người bệnh, mà còn bảo đảm minh bạch về giá khám, chữa bệnh. (Hà Nội mới, trang 1).
Hai thanh niên về nước trên chuyến bay VN0062 mắc Covid-19, Việt Nam có 320 ca bệnh
Chiều nay, 17-5, Bộ Y tế công bố có thêm 2 bệnh nhân mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc ở Việt Nam lên 320 trường hợp.
Cả 2 trường hợp mắc Covid-19 mới nhất đều là người từ Nga về nước trên chuyến bay VN0062 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không lây nhiễm ra cộng đồng. Cụ thể:
CA BỆNH 319 (BN319): Bệnh nhân nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1.
Ngày 16/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
CA BỆNH 320 (BN320): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1.
Ngày 15/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 17/5, Việt Nam đã trải qua 31 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 3).