Sốt xuất huyết bất thường nhưng nhiều người vẫn chủ quan!
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời điểm này, cả nước ghi nhận đã có 45.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 13 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn khi tại khu vực TP Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH vẫn tăng cao, có 3 ca đã tử vong vì SXH.
Thêm nữa, trong tháng 7, tại TP Hồ Chí Minh có 2 trẻ bị tử vong vì viêm não Nhật Bản. Tình hình dịch bệnh là rất bất thường theo nhận định của các chuyên gia dự phòng.
Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, điều kiện thời tiết thành phố ban ngày thì nắng nóng, chiều tối mưa như hiện nay là rất thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Dự báo thời gian tới, SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại khu vực phía Nam.
PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những năm gần đây, SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhanh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số người mắc SXH vào điều trị trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, số người lớn mắc bệnh có xu hướng tăng. Vào năm 2012, khi dịch SXH hoành hành dữ dội tại phía Nam, riêng tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 8.921 ca nhập viện do SXH, trong đó SXH người lớn chiếm rất cao: 6.506 ca. Nhiều ca SXH nặng.
Cho tới thời điểm này của năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 9.628 ca SXH, tăng 14% so với cùng thời kì. Trong đó số lượng người lớn mắc SXH rất cao.
Đáng lo ngại, tại khu vực TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân vẫn chưa nắm được kiến thức cơ bản về phòng chống SXH. Trong khi, các tỉnh thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh SXH với 80% ca mắc và 90% ca tử vong của cả nước.
Bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho hay, trong những ngày này, đường dây nóng của BV thường phải giải đáp thắc mắc của người dân về bệnh SXH. Mới đây, một bà mẹ hoảng hốt gọi điện tới BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết con gái chị bị sốt nhưng trên người bé không có những nốt chấm màu đỏ li ti như "đài, báo" hay nói, chị nhờ bác sĩ chỉ giúp.
Theo BS Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1, SXH là bệnh lây qua trung gian muỗi vằn, do virus Dengue gây ra. Trong đó, việc theo dõi quá trình sốt của bệnh nhi là vô cùng quan trọng, để nhận biết những dấu hiệu đặc biệt để phát hiện bệnh kịp thời, phân biệt với những loại sốt khác (sốt siêu vi, sốt phát ban, sốt viêm màng não), nhằm đưa ra những hướng xử trí đúng nhất. Hai bệnh sốt siêu vi và sốt phát ban đều có triệu chứng nổi ban đỏ giống bệnh SXH. Do vậy, có một cách phân biệt, đó là sau 2 ngày bệnh nhi bị bệnh, có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên tì lên mặt da, căng vùng da tại chỗ có nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là SXH.
Ở sốt phát ban, từ ngày thứ 4 trở đi thường hết sốt, da có thể bị nổi phát ban 3-5 ngày rồi lặn dần. Ở sốt siêu vi, xuất hiện từng cơn sốt rất cao từ 38-39 độ C, thậm chí có lúc 40-41 độ C. Đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau, mỏi. Đồng thời sẽ có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, mặt mũi người bệnh thường có dấu hiệu sưng to, chảy nước mắt và mắt đỏ…
Trong SXH, bệnh triệu chứng ban đầu cũng là sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu vùng thái dương, mỏi các cơ, khớp, nôn mửa, ở trẻ em có thể kèm đau bụng, rát họng. Sau đó, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da.
Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn - BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ghi nhận vào năm 2012, toàn khu vực phía Nam có số ca mắc SXH Dengue (SXHD) lên tới 67.852 ca. Trong năm này, con số bệnh nhân tử vong vì SXH lên tới 61 ca ở khu vực phía Nam.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, năm 2012 tiếp nhận 9.130 ca SXH (ngang với số ca mắc SXH tại thời điểm này của 2017), là 9.628 ca. Trong đó có 197 ca SXH nặng. Đa số là người lớn. 162/197 ca bị sốc; 77/197 ca có biểu hiện tổn thương nội tạng; 42/197 ca có biểu hiện xuất huyết nặng và 28 trường hợp sốc kèm xuất huyết nặng cùng tổn thương tạng. Theo đó, có 21/197 ca đã nỗ lực điều trị nhưng vẫn tử vong.
Theo đánh giá từ những BS chuyên khoa điều trị SXH, thực tế ai cũng biết SXH là bệnh do muỗi truyền nhưng có một nghịch lý là người chưa bị thường lơ là với dịch, chỉ có người từng bị SXH rồi mới phòng ngừa. Vì thế, nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Nhiều người bệnh khi nhập viện mới thú nhận, cho biết, họ còn không muốn cán bộ y tế dự phòng tới phun thuốc trừ muỗi định kỳ xung quanh nhà. Thậm chí đóng cửa khi bên ngoài phun thuốc muỗi mà không mở cửa nhà để thuốc có thể xông vào nhà...
Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân của việc gia tăng ca người lớn mắc SXH dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. (Công an Nhân dân, trang 7; Tiền phong, trang 6).
Hàng chục bé trai mắc bệnh sinh dục sau cắt bao qui đầu
Trong vòng hơn 2 tháng, có gần 40 cháu bé cùng ở một huyện phải nhập viện điều trị vì mắc bệnh sùi mào gà. Hầu hết các bệnh nhi đều đã đến khám, điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư nhân ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Tại BV Da liễu TƯ ngày 17.7, các bậc phụ huynh của những bé trai trên đang vô cùng hoang mang và đau đớn trước tình trạng của con mình. Những cháu bé tuổi còn rất nhỏ, có cháu vài tháng tuổi đã phải chịu nỗi đau thể xác rất lớn do căn bệnh sinh dục quái ác kia mang đến. Nhiều cháu phải xử lý các nốt sùi bằng phương pháp đốt, có cháu phải gây mê để tiến hành thủ thuật. Nguyên nhân đáng sợ của sự việc “động trời” này đã được các bậc phụ huynh hé lộ.
Ngày 17.7, trả lời PV báo Lao Động về vụ việc trên, BS Lê Hữu Doanh- Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết: “Tại BV Da liễu TƯ, trong 2,5 tháng từ 1.5.2017 đến 15.7.2017, chỉ tính riêng tỉnh Hưng Yên, tổng số có 110 bệnh nhân (51 bệnh nhân ở Khoái Châu) đến khám sùi mào gà; trẻ em dưới 15 tuổi đến khám sùi mào gà có 39 trường hợp, riêng ở huyện Khoái Châu là 37 trường hợp. Có thể thấy sự gia tăng bất thường về số lượng, tỉ lệ bệnh nhi mắc”.
Theo BS Doanh, qua hỏi và thăm khám bệnh, bệnh nhân khai từng đi khám và làm các thủ thuật trong điều trị bao quy đầu. Đó có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh. Sùi mào gà là lây truyền ở người lớn thì lây lan qua đường tình dục, nhưng ở trẻ em thì bệnh lây qua do chăm sóc, can thiệp y tế, lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc trực tiếp, vì đây là bệnh do virus. Độ tuổi dưới 15 tuổi, hầu hết là trẻ nhỏ. Hiện tại BV sẽ phối hợp tích cực với BYT giải quyết vụ việc trong thời gian ngắn nhất… (Lao động, trang 3; An ninh Thủ đô, trang 6; Tuổi trẻ, trang 14; Thanh niên, trang 5).
Giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi để thu tiền
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang tăng mạnh ở Hà Nội khiến nhiều hộ dân lo ngại, tự ý mua hoặc thuê người đến phun hóa chất diệt muỗi. Thậm chí, có nơi còn xuất hiện trường hợp giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi để... thu tiền.
Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội khẳng định, phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH do ngành Y tế thực hiện là hoàn toàn miễn phí. Mặt khác, người dân không nên tự ý phun thuốc diệt muỗi truyền SXH bởi có thể lợi bất cập hại.
Số mắc tăng mạnh,người dân lo lắng
Ngày 17/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, 1 tuần qua, từ ngày 10 đến 16-7, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 1.171 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 5.316 trường hợp. Các đơn vị có số mắc cao trong tuần qua vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành như: Hoàng Mai (207 ca), Đống Đa (193), Hai Bà Trưng (90), Thanh Xuân (84), Cầu Giấy (83), Hà Đông (78), Ba Đình (73), Thanh Trì (66)...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH phát triển. Giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng bệnh là phải triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh, trong đó cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân.
Hiện nay, bên cạnh số ít hộ dân vẫn thờ ơ với dịch, không chủ động hợp tác với các đoàn phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH thì ngược lại, nhiều hộ dân sống trong các khu vực trọng điểm của dịch bệnh vì quá lo lắng đã tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun hoặc thuê người đến phun hóa chất diệt muỗi tại nhà. Nhiều trường hợp khi thấy bị sốt hoặc có người nhà bị sốt khi báo tin cho trạm y tế xã/ phường nhưng không thấy cơ quan y tế đi phun hóa chất diệt muỗi ngay thì tỏ ra bức xúc...
Theo bác sĩ Đào Hữu Thân, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP Hà Nội, về nguyên tắc, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH thường được đơn vị y tế dự phòng chỉ định triển khai ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, có ca bệnh, có chỉ số bọ gậy hoặc chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh SXH cao.
“TTYTDP Hà Nội phối hợp với một số quận thường xuyên tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại cộng đồng, kể cả vào ban đêm. Vì vậy, có thể nhiều người dân không biết, cứ nghĩ khu vực mình có bệnh nhân rồi mà không được phun muỗi, dẫn tới bức xúc”, một cán bộ TTYTDP Hà Nội chia sẻ.
Không nên tự phun thuốc diệt muỗi
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, việc người dân tự ý mua hóa chất về phun hoặc thuê người đến nhà phun hóa chất diệt muỗi có thể lợi bất cập hại bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất đó là gì thì sẽ không có tác dụng mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện đã xuất hiện trường hợp giả danh cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ hay Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền nhưng chất lượng kém. Do muỗi truyền SXH có đặc tính đậu khắp nơi nên khi phun hóa chất diệt muỗi phải phun dạng khí dung, tạo không gian sương mù diệt toàn bộ đàn muỗi đang mang mầm bệnh.
Tuy nhiên, do cách phun không tồn lưu nên chỉ có tác dụng 2 ngày và cần phải tiếp tục phun lần hai, còn nếu chỉ phun 1 lần và phun không đúng kỹ thuật thì tác dụng sẽ hạn chế. Hơn nữa, muỗi SXH có thể di chuyển trong bán kính 50m nên nếu trong một khu vực không phun đồng loạt thì cũng rất khó có thể diệt hết muỗi. “Do vậy, người dân cần lưu ý không nên tự ý phun hoặc thuê phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH. Việc phun thuốc diệt muỗi phòng SXH của các đội y tế dự phòng hoàn toàn không mất phí”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, việc phun thuốc diệt muỗi SXH chỉ là một biện pháp, cốt lõi là mỗi cá nhân cần chủ động diệt bọ gậy, loại bỏ các vật dụng tích nước có khả năng làm ổ bọ gậy, tạo môi trường sinh trưởng cho muỗi SXH phát triển. Khi nghi ngờ mắc SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Điều tra nghi vấn làm giả cồn y tế
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường vừa cho hay cơ quan này sẽ phối hợp với Công an huyện Hoài Đức sớm điều tra vụ cồn y tế ghi trên nhãn là ethanol, nhưng qua kiểm nghiệm lại chứa đến 88% methanol. Vụ việc liên quan tới một người chết mới đây (pha cồn với nước để làm rượu uống) tại BV Bạch Mai... (Tuổi trẻ, trang 14; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Hai em bé bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc
Ngày 17/7, thông tin từ Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho hai bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Tuy hiện nay hai cháu bé đã qua giai đoạn nguy kịch và không còn ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng những tác động lâu dài đến trí tuệ và sức khỏe của các cháu thì chưa thể xác định được.
Bệnh nhi Bùi Anh D., 6 tháng tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình, được chuyển đến khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai ngày 21/6 trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp phải thở máy, kèm theo triệu chứng co giật, có tổn thương não.
Theo lời người nhà, trẻ có tiền sử bị viêm da cơ địa, từ lúc 1 tháng tuổi đã được khám và điều trị theo đơn của bác sỹ tư nhân. Mặc dù được dùng cả thuốc bôi và uống theo đơn nhưng bệnh cứ tái đi tái lại nên gia đình đã chuyển sang dùng thuốc đông y, dạng thuốc cam đã 24 ngày. Cách 2 ngày trước khi vào viện, trẻ nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút, 5-6 cơn trong 2 ngày.
Qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sỹ của Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: Thở máy, dùng kháng sinh liều cao…, bệnh nhi được lấy mẫu máu gửi đi định lượng nồng độ chì. Kết quả: Nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100 ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Ngay lập tức, Khoa Nhi đã hội chẩn cùng Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để có phác đồ thải độc chì cho bệnh nhi.
Bác sỹ Kim Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, rút được máy thở sau 2 ngày, tình trạng viêm da cơ địa đã ổn định, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm.
Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.
Một trường hợp khác cũng bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc đang được điều trị tại Khoa Nhi là cháu Đỗ Thị Thu H., 7 tháng tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội.
Cách đây 2 tháng, trẻ có dùng thuốc cam mua ở hiệu thuốc để điều trị nang tuyến lệ. Khi trẻ xuất hiện loét miệng, gia đình đã mua một loại thuốc cam khác có dạng bột màu đỏ và dạng viên màu nâu của bà lang ở chợ (không có nhãn mác) về cho con uống nhưng sau đó trẻ xuất hiện nôn nhiều, đi phân đen.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hiếu - bác sỹ trực tiếp điều trị cho cháu H., hiện tại bệnh nhi bị tổn thương đường tiêu hóa, phổi và gan. Bệnh nhi được hội chẩn cùng các chuyên gia chống độc của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để có phác đồ thải độc chì tốt nhất.
Theo các chuyên gia, chì là một chất cực độc, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa…, gây các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói. Để tự thải trừ chì ra khỏi cơ thể đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề do không kiểm soát được.
Bác sỹ Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Nếu có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. (Sài Gòn giải phóng, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14).
Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn cho trẻ
Vừa qua, các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật nội soi- Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới trong phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho 5 bệnh nhi.
Điều đặc biệt, là kỹ thuật mới này giúp bệnh nhi sẽ được ra viện ngay ngày hôm sau và vết sẹo phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao (đường rạch 2mm), sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo của bệnh nhân.
TS Phạm Duy Hiền, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh lý thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, các cơ quan trong ổ bụng sẽ có nguy cơ thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này. Hiện phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này.
Con số bệnh nhân nhi mắc bệnh thoát vị bẹn hàng năm được phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Trung ương dao động khoảng từ 1.500-2.000 trẻ. "Tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8-3,8% và tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 -30% nếu chỉ dựa vào siêu âm đơn thuần. Còn tỉ lệ tái phát của phẫu thuật nội soi chữa thoát vị bẹn ở trẻ em chỉ khoảng từ 0,1-0,2 %”- TS Hiền cho hay. (Tuổi trẻ, trang 14).