Ghép thận tự thân cứu sống bệnh nhi 12 tháng tuổi
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) đã thực hiện thành công ca ghép thận tự thân cho bệnh nhi M.K (12 tháng tuổi, ở Nghệ An) bị cao huyết áp, suy tim do hẹp động mạch thận phải.
TS-BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết thận cần được cung cấp đủ máu để đảm bảo chức năng lọc bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa và điều hòa huyết áp. Khi các động mạch thận bị hẹp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng máu giàu ô xy tới thận. Lưu lượng máu tới thận giảm làm tăng huyết áp trên toàn bộ cơ thể và gây tổn thương nhu mô thận. Với bệnh nhi (BN) M.K, nếu không được điều trị kịp thời, thận phải có nguy cơ hỏng hoàn toàn.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho BN. Ca phẫu thuật kéo dài 180 phút. "Các bác sĩ đã ghép thận của trẻ vào một vị trí hố chậu phải để có thể cấp máu đủ cho thận phải do động mạch chủ bị hẹp chỗ xuất phát của động mạch thận phải. Khó nhất ở cuộc phẫu thuật này là phải tạo hình làm rộng động mạch thận do đã hẹp hoàn toàn (đường kính động mạch thận phải khoảng 1,5 mm)", TS-BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết. Ca ghép thận tự thân đã được thực hiện thành công, thận ghép sau khi nối mạch máu đã tạo hình được cấp máu đủ. Sau phẫu thuật, BN được chăm sóc đặc biệt, sức khỏe ổn định, huyết áp trở về bình thường và mọi chỉ số đều rất tốt, trẻ đã được xuất viện.
Th.S-BS Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết ghép thận tự thân là phương pháp ghép thận cùng một cơ thể, lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính họ. Kỹ thuật này được áp dụng khi cần điều trị bảo tồn thận trong trường hẹp động mạch thận, teo hẹp niệu quản phức tạp, chấn thương cuống mạch máu thận. Thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sửa lại các bất thường mạch máu, sau đó ghép lại mạch máu và niệu quản.
Ghép thận tự thân là giải pháp tối ưu khi thận bị tổn thương do chấn thương, tổn thương mạch máu, hẹp động mạch thận. Sau phẫu thuật, người bệnh không phải dùng thuốc thải ghép, thuốc điều trị ức chế miễn dịch, giảm chi phí điều trị.
BN M.K là trường hợp ghép thận tự thân thứ hai được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ca ghép thận tự thân đầu tiên được thực hiện năm 2012 (Thanh niên, trang 15).
Đề nghị tử hình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế
Với số tiền nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, tới sáng 17-7, gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế mới khắc phục được 15 tỷ đồng, trong bản luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt người này tử hình về tội “Nhận hối lộ”. Hiện, đại diện viện kiểm sát đang tiếp tục đề nghị các mức án và hình phạt bổ sung đối với các bị cáo khác. Theo cáo trạng, hành vi nhận hơn 42 tỷ đồng của Phạm Trung Kiên được cơ quan công tố cáo buộc: Phạm Trung Kiên là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng/khách lẻ. Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ. Quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa đã làm rõ hành vi của bị cáo Kiên. Phạm Trung Kiên cũng khai nhận về hành vi nhận tiền, sau đó dùng tiền nhận hối lộ để cho người thân vay, dùng nguồn tiền này để đầu tư bất động sản tại một số địa phương.
Quá trình khai báo, Kiên ban đầu phủ nhận hành vi “ép” các doanh nghiệp phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay; tuy nhiên, sau đó, bị cáo này xin nói rõ lại tại tòa rằng, bị cáo có “gợi ý” các doanh nghiệp, khi xong việc cần có sự “quan tâm, hỗ trợ” (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
2 ca tử vong vì thủy đậu
Những ngày qua Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng phải nhập viện điều trị. Hai ca đã tử vong.
Diễn biến phức tạp
Trung tâm Bệnh nhiệt đới vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về. Hai ngày sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.
Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở ôxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút và hiện phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực….
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền”.
Bác sĩ Cường thông tin thêm, thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
Ngoài ra những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng là các trường hợp mắc bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận.
“Một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu”, bác sĩ Cường nói.
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,80-39,40C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả vùng khác trên cơ thể.
Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu”.
Cần thiết tiêm vắc xin phòng bệnh
Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày) và đến khi ban đóng vảy.
Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp (Tiền phong, trang 6).