Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Khống chế nhiều ổ dịch sốt xuất huyết; Cả nước đã ghi nhận 90.600 người mắc sốt xuất huyết; Yêu cầu không để người bệnh sốt xuất huyết phải nằm ghép; Siêu thực phẩm chống viêm khớp.

 

Hà Nội: Khống chế nhiều ổ dịch sốt xuất huyết

Chiều 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội về phòng chống dịch sốt xuất huyết. Bộ trưởng nhắc lại quyết tâm “hạ hoả” để diệt đàn muỗi nhiễm virus bằng phun đại trà trên diện rộng, diệt bọ gậy loăng quăng. Bà Tiến nhấn mạnh, cần phân loại điều trị tránh lây chéo, tránh quá tải, không truyền dịch khi không có chỉ định, không tập trung nằm tại 1 bệnh viện mà nằm tại các bệnh viện vệ tinh. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 4 đoàn của Sở đã đi các bệnh viện kiểm tra. Bộ Y tế điều 6 đội phòng dịch xuống hỗ trợ Hà Nội diệt bọ gậy phun hoá chất. 30 quận huyện đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 60.000 người, 4.600 tổ giám sát diệt bọ gậy. Với việc kết hợp phun ô tô chĩa vòi rồng vào trường học, chợ đã khống chế được 1.328/1.800 ổ dịch. Thống kê của y tế Hà Nội cho thấy, 80% ổ dịch chỉ có 2-3 bệnh nhân, cao nhất ổ dịch 30 bệnh nhân nhưng rất ít. Sau khi phun mật độ véc tơ muỗi giảm. Tại các bệnh viện Hà Nội trong ngày 16/8 có 2.558 bệnh nhân đang nằm viện. 

Theo ông Hạnh, điều kiện thời tiết như hiện nay thì khó dự báo được tình hình dịch. Trong thời gian tới Hà Nội phân lại vùng dịch tễ dựa trên mật độ dân, mật độ muỗi, số ca mắc tại từng quận huyện, tập trung 12 quận báo động đỏ. Vẫn có nhiều nhà dân không đồng ý cho phun hoá chất. Hiện có hơn 86% hộ gia đình đồng ý phun. Các chuyên gia nhận định, có thể đến cuối năm dịch mới giảm dần.

Cũng theo ông Hạnh, Hà Nội căn cứ vào tình trạng dịch tễ, hiện đã phân lại 12 quận mức đỏ tập trung 90% bệnh nhân sốt xuất huyết, 5 quận còn lại ở mức cam, 13 quận còn lại ở mức thấp hơn. Từ đó chia ra 3 mức ứng xử khác nhau với dịch, trong đó tập trung nhân lực, vật lực ở 12 quận đỏ.

Đại diện viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, kết quả giám sát tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) có mật độ muỗi khá cao. Phun sau 2 tiếng mật độ muỗi trở về không. Tại phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) có những ổ bọ gậy khá đặc biệt tại những khay dưới tủ lạnh.

Ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng côn trùng T.Ư cho biết, qua kiểm tra phát hiện ở các thùng xốp trồng rau, máng nước trên tầng thượng chứa nhiều bọ gậy nhưng đáng nói là người dân chưa quan tâm đến phòng hộ gia đình và cá nhân.

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay, trung bình mỗi tuần có 280-300 bệnh nhân. Trong vài ngày gần đây có giảm bệnh nhân. Hiện tại đang có 6 trường hợp bệnh nhân nặng sốc sốt xuất huyết. Ông Kính cũng cho biết, đa số trong các trường hợp tử vong có liên quan đến sốt xuất huyết đều trên nền bệnh sẵn như tăng huyết áp, tiểu đường.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội cần huy động thêm các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh việc phun mù nóng vì hiện nay việc phun này hiệu quả hơn phun sương. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất phải tiến hành thực hiện đúng theo khuyến cáo phun 3 lần.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng cho hay hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Số ca bệnh có xu hướng giảm so với tuần trước. Như vậy có xu hướng giảm muỗi và giảm ca bệnh mắc. Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị công tác truyền thông đi trước 1 bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, loăng quăng, những dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì điều trị thế nào. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Trung tâm truyền thông của Hà Nội phải ngay lập tức xây dựng các video tuyên truyền để phát rộng rãi. (Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cả nước đã ghi nhận 90.600 người mắc sốt xuất huyết

Cuối chiều 17.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến họp khẩn với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết sau khi tổ chức các đợt phun hóa chất diện rộng và thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, những ngày gần đây số ca mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao, hiện còn 2.674 bệnh nhân đang điều trị trong tổng số 17.365 ca mắc SXH ghi nhận từ đầu năm đến nayheo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 90.600 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. Số mắc tăng hơn 60%, số tử vong tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ 2016. Cùng ngày, 6 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra công tác phòng chống SXH trên địa bàn 12 quận/huyện. Qua kiểm tra, vẫn phát hiện tồn tại một số ổ bọ gậy muỗi SXH. (Thanh niên, trang 5).

 

Yêu cầu không để người bệnh sốt xuất huyết phải nằm ghép

Chiều tối 17-8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội để bàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 90 nghìn người mắc SXH, trong đó có 24 người chết. Riêng tại Hà Nội, đã có hơn 17 nghìn người mắc SXH, trong đó có bảy người chết.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội hiện có 12 quận ở mức báo động đỏ về dịch bệnh SXH, với hơn 92% số người bệnh mắc SXH của toàn thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngành y tế Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô-tô; 10 máy phun mù nóng và 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực số người mắc SXH cao.

Các quận, huyện, thị xã đã thành lập được hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy, với hơn 63 nghìn người tham gia; xử lý hơn 210 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP Hà Nội không để người bệnh SXH nằm ghép, không truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Đối với Sở Y tế, cần tiếp tục huy động thêm các lực lượng tham gia phòng chống dịch, nhất là đẩy mạnh việc phun mù nóng vì hiện nay việc phun này hiệu quả hơn so với phun sương và việc phun hóa chất cần thực hiện đúng theo khuyến cáo phun ba lần; tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng. Qua kiểm tra thực tế, hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã khiến mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong công tác vệ sinh môi trường, tham gia chiến dịch diệt bọ gậy và hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong việc phun hóa chất diệt muỗi...

* Ngày 17-8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 người mắc sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, hầu hết người bệnh mắc SXH đều đang công tác, học tập tại các tỉnh, thành phố hiện đang có dịch bệnh SXH trở về địa phương. Số người mắc bệnh SXH tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Cẩm Khê và TP Việt Trì. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ người bệnh đi từ vùng có dịch SXH về địa phương; giám sát các ổ bọ gậy và muỗi truyền bệnh SXH tại các xã, phường trên địa bàn để cảnh báo dịch bệnh kịp thời. Hướng dẫn các địa phương vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi...

* Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa Hà Đình Ngư cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 376 người mắc bệnh SXH. Riêng tháng 7, có 175 người bệnh mắc bệnh SXH từ các tỉnh, thành phố khác về điều trị tại Thanh Hóa. Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, nắm vững tình hình dịch bệnh SXH để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là việc giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; triển khai phun hóa chất, chủ động diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…

* Ngày 17-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết: UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế bảo đảm hóa chất, thuốc, nhân lực cho hoạt động phòng, chống SXH trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó khi số người bệnh mắc SXH tăng cao; củng cố các đội cơ động chống dịch của ngành y tế, nhất là giám sát chặt chẽ những ổ bệnh cũ trên địa bàn và vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 950 người mắc SXH, trong đó có một người chết. (Nhân dân, trang 8).

 

Siêu thực phẩm chống viêm khớp

Viêm khớp là bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi, nhưng thực tế căn bệnh khó chịu này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Đó là một tình trạng mà khớp bị viêm gây ra đau và cứng ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.

Súp lơ xanh

Súp lơ xanh chứa hợp chất lưu huỳnh, cụ thể là sulforaphane ức chế các enzyme có thể gây tổn thương khớp, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài ra, súp lơ xanh có thể có tính chất chống oxy hóa và chống viêm thúc đẩy sức khoẻ của xương và khớp. Vitamin K có những tác động tích cực lên sụn xương làm giảm đáng kể nguy cơ viêm xương khớp, là một dạng viêm khớp phổ biến.

Gừng

Gừng, gia vị phổ biến nhất có lợi ích về sức khoẻ, đặc biệt trong điều trị viêm khớp. Các thành phần phổ biến nhất của gừng là các hợp chất gingerol và shogaol có tính chất chống oxy hoá và chống viêm. Những đặc tính này có tác dụng làm dịu cơn đau ở khớp do viêm khớp.

Tỏi

Tỏi hiệu quả chống viêm và điều trị bệnh viêm khớp. Chiết xuất tỏi ức chế sự sản sinh các cytokine gây viêm. Cytokine được sản xuất ở mức cao, đặc biệt là trong trường hợp viêm khớp. Ngoài ra, các nguyên nhân gây viêm khác như prostaglandin và interleukins cũng làm giảm đáng kể. Với chất chống oxy hóa mạnh, tỏi ngăn chặn quá trình oxy hóa các gốc tự do gây ra các khớp bị tổn thương, làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh này. 

Trà xanh

Hợp chất chống oxy hóa epigallocatechin 3-gallate (EGCG), là một polyphenol, được tìm thấy trong trà xanh giúp bảo vệ sụn và xương không bị phá hủy. EGCG mạnh gấp trăm lần so với vitamin C và vitamin E. 

Sữa chua

Sữa chua hoạt động như một chất chống viêm mạnh mẽ có tác dụng trên độ cứng của khớp. Ngoài ra, nó giúp xương hấp thụ một chất dinh dưỡng thiết yếu, cụ thể là canxi. Sự hiện diện của các vi khuẩn có lợi trong sữa chua không chỉ chống lại chứng viêm mà còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch toàn diện. 

Các loại hạt

Các loại hạt như quả óc chó và hạt điều hiệu quả đối với rối loạn khớp này. Hạt óc chó là một nguồn giàu axit béo omega-3 rất hiệu quả trong điều trị viêm. Ngoài ra, hạt điều giàu đồng và magiê hạn chế các gốc tự do và cải thiện mật độ xương, do đó làm giảm các triệu chứng của viêm khớp.

Quả việt quất

Các loại quả mọng có rất nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại viêm nhiễm và gốc tự do - các phân tử có thể gây tổn hại tế bào và cơ quan. Các nghiên cứu khoa học cho thấy quả việt quất có nhiều chất chống oxy hóa nhiều hơn nam việt quất, dâu tây, mận và quả mâm xôi.

Cá hồi

Cung cấp nhiều axit béo omega-3 có khả năng kháng viêm, chất này có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp, làm giảm hẳn các triệu chứng viêm đau khớp. Cá hồi cũng có thể làm giảm đáng kể đau khớp và rút ngắn thời gian cứng khớp buổi sáng.

Nước cam

Vitamin C rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của sụn. Sự thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến sụn yếu. Một nghiên cứu năm 2010 của Mỹ cho thấy bổ sung vitamin C thực sự mang lại lợi ích trong việc ngăn ngừa bệnh viêm xương khớp đầu gối. (An ninh Thủ đô, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang