Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Đảm bảo 100% HS-SV tham gia bảo hiểm y tế; Ngừng lưu hành một số sinh phẩm do nghi nhiễm bệnh bò điên; Bãi bỏ thông tư quy chuẩn về sữa dạng lỏng; 4 phút “vàng” giúp bệnh nhân ngừng tuần hoàn thoát hiểm; ...

 

Đảm bảo 100% HS-SV tham gia bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lượng học sinh, sinh viên (HS-SV) tham gia bảo hiểm y tế tăng đáng kể, từ khoảng 85% số HS-SV tham gia bảo hiểm y tế năm học 2013 - 2014 đã lên 92% ở năm học 2016 - 2017.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tham gia bảo hiểm y tế chưa cao (khoảng 80%), nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận HS-SV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo hiểm y tế chưa thường xuyên.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HS-SV tham gia bảo hiểm y tế, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ tăng cường tuyên truyền giáo dục cho HS-SV và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HS-SV.

Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương vận động, hướng dẫn HS-SV và cha mẹ học sinh tham gia bảo hiểm y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

Cùng với đó, tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với HS-SV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hiểm y tế trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo hiểm y tế (Công an nhân dân, trang 1, Hà Nội mới, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

 

Ngừng lưu hành một số sinh phẩm do nghi nhiễm bệnh bò điên

Do nghi ngờ khả năng nhiễm bệnh Creutzfeld- Jakob (bệnh bò điên) nên Bộ Y tế đã ngưng lưu hành một số sinh phẩm Human Albumin 20%.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Nguyễn Tất Đạt vừa yêu cầu tạm ngừng mua bán, sử dụng trên toàn quốc ba lô sinh phẩm Human Albumin 20% (200g/l, lọ 50 ml) số lô 29610616, 29700916, 29590616 đã được nhập vào Việt Nam.

Số hàng này do Công ty Human BioPlazma Manufacturing and Trading Limited Liability Company, Hungary sản xuất, Công ty CP Dược phẩm T.Ư 1 - CPC 1 phân phối.

Trong thông báo này, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các Sở Y tế khẩn trương thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh việc ngừng mua bán, sử dụng sinh phẩm này.

Đồng thời, Cục yêu cầu tăng cường theo dõi và xử trí các phản ứng có hại nếu có, gửi về Trung tâm quốc gia về theo dõi phản ứng có hại của thuốc ở Hà Nội hoặc Trung tâm khu vực về theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại TPHCM. 

Công ty nhập khẩu, phân phối phải tổng hợp số lượng tồn kho, bảo quản đúng yêu cầu và báo cáo về Cục Quản lý dược trước 20-9.

Trước đó, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã có thông báo từ cơ quan chức năng của Italy và Hungary, cho hay có nguy cơ bệnh bò điên từ các sinh phẩm có nguồn gốc từ máu và huyết tương của công ty kể trên. 

Tuy nhiên cho đến nay chưa khẳng định được việc nhiễm bệnh cũng như chủng gây bệnh ở các sinh phẩm này (Tuổi trẻ, trang 14, Thanh niên ,trang 7).

 

Bãi bỏ thông tư quy chuẩn về sữa dạng lỏng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký Thông tư 36/2017 để… bãi bỏ bỏ toàn bộ Thông tư 03/2017 về quy chuẩn quốc gia sữa dạng lỏng. Thông tư 36 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2017. Việc bãi bỏ Thông tư 03 được thực hiện theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)…

Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng vừa bị bãi bỏ kể trên đã có những điều khoản rất mới, thay đổi tên gọi của nhiều sản phẩm sữa và loại bỏ tên gọi "sữa tiệt trùng" ra khỏi nhóm tên gọi sản phẩm sữa dạng lỏng... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

4 phút “vàng” giúp bệnh nhân ngừng tuần hoàn thoát hiểm

TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc BV Bưu điện cho biết, thời gian tốt nhất để cấp cứu cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn là 4 phút đầu tiên, đây được coi là thời gian “vàng” trong cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Chia sẻ trong buổi tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn với chủ đề "Vì sức khoẻ - Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng" do BV Bưu điện tổ chức chiều ngày 12/9 ở Hà Nội, TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc BV Bưu điện cho biết: “Tại nước ta hiện nay, kỹ năng sống của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết mọi người đều chưa biết cách xử trí đúng các tình huống cấp cứu thông thường xảy ra tại cộng đồng”.

Cũng theo ThS. Trần Hùng Mạnh, nếu một người chẳng may bị đột quỵ hoặc tai nạn, thương tích nặng khiến nạn nhân ngừng tuần hoàn thì thời gian tốt nhất để cấp cứu là 4 phút đầu tiên, đây được coi là thời gian “vàng” trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bởi vì sau khoảng thời gian này, não của người gặp nạn hoặc bệnh nhân sẽ bị tổn thương nặng nề và rất khó hồi phục. Chính vì vậy nếu được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời ngay trong 4 phút “vàng” đầu tiên thì khả năng cứu sống được người bị nạn là rất cao, hạn chế những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tại Thủ đô Hà Nội năm 2011-2012 thì có tới 91,35% trường hợp ngừng tuần hoàn bên ngoài bệnh viện, nơi không sẵn có những nhân viên y tế có kỹ năng cấp cứu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra thời gian trung bình từ khi nhận cuộc gọi đến khi nhân viên cấp cứu có mặt tại hiện trường phải mất đến 13,35 ± 6,62 phút.

Nhằm trang bị cho những người bình thường và nhân dân trong cộng đồng biết được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về cấp cứu ngừng tuần hoàn, từ đó họ có thể giúp đỡ người khác và hỗ trợ nhân viên y tế cứu giúp người bệnh khi có tình huống không may xảy ra, trong hai tháng 8 và 9/2017, BV Bưu điện đã tổ chức miễn phí chương trình tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn "Vì sức khoẻ - Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng" cho 6 cơ quan, doanh nghiệp.

Các bác sĩ, chuyên gia của BV Bưu điện đã phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản về cấp cứu thông thường và cấp cứu ngừng tuần hoàn, cách xử trí và kỹ năng cần thiết khi tiến hành sơ cứu, cấp cứu người gặp nạn trong trường hợp bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn do đột quỵ, tai nạn hay gặp các loại chấn thương như: gãy xương, đuối nước, điện giật, say nắng, say nóng, bỏng, ngạt khói... Bên cạnh phần lý thuyết được các bác sĩ truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu, các bác sĩ còn trực tiếp hướng dẫn thực hành kỹ năng ép tim, thổi ngạt trên mô hình. Nhiều người tham gia lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho biết, họ đã được tiếp nhận nhiều kiến thức hữu ích về y tế, biết cách ứng xử, giúp đỡ người gặp nạn khi có những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống hoặc trong hoạt động sản xuất. Qua tập huấn họ hoàn toàn có thể giúp bản thân và những người xung quanh hạn chế được nguy cơ bị chấn thương nặng hoặc tử vong khi có tình huống không mong muốn xảy ra.

"Một số kiến thức về cấp cứu như: hô hấp nhân tạo, ép tim, thổi ngạt, băng bó, sơ cứu vết thương thì đã được nghe nói nhiều nhưng khi được trực tiếp thực hành lần đầu tiên tại buổi tập huấn họ cảm thấy rất bổ ích và thiết thực. Nhiều câu hỏi xung quanh nội dung cấp cứu, hỗ trợ nhân viên y tế và người gặp nạn trong thực tế cuộc sống như: cấp cứu người bị động kinh, cấp cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo, bị nhiễm HIV/AIDS… mà học viên đặt ra đã được các bác sĩ giải thích, hướng dẫn tận tình"- anh Lê Xuân Huy - một người tham gia lớp tập huấn chia sẻ (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Xuất huyết dưới nhện tự phát do vỡ phồng mạch

Xuất huyết dưới nhện là một trong những dạng tai biến mạch não nặng nề rất thường gặp trên lâm sàng.

Nguyên nhân của xuất huyết dưới nhện bao gồm do chấn thương và không do chấn thương. Trong nhóm nguyên nhân không do chấn thương thì xuất huyết dưới nhện do vỡ phồng động mạch não chiếm tới 80%. Điều đáng sợ là nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân phồng động mạch não, nhưng... không thể biết ai sẽ bị và khi nào sẽ xảy ra.

Phồng động mạch não và xuất huyết dưới nhện

Cấu tạo của màng não bao gồm màng cứng (sát mặt trong hộp sọ), tiếp đến là màng nhện với bên dưới là dịch não tủy và hệ thống mạch máu phong phú và trong cùng, nằm sát vỏ não là màng nuôi. Khi có máu xuất hiện bên dưới màng nhện (khoảng nằm giữa màng nhện và màng nuôi) thì được gọi là xuất huyết dưới nhện (hay xuất huyết dưới màng nhện).

Thành động mạch bình thường được cấu tạo bởi những lớp cơ trơn có tính chất “chun giãn” rất cao để đảm bảo không bị “vỡ” ra dưới một áp lực máu nhất định (huyết áp). Vì một lý do nào đó, thành mạch máu bị yếu đi sẽ không chịu được áp lực dòng máu và bị “phình” ra theo thời gian tạo thành những túi phồng, giống như quả nho ở các đoạn mạch.

Phồng động mạch não hay gặp ở khu vực đa giác Willis, nơi có nhiều “điểm nối” giữa các động mạch não. Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân tại sao phồng mạch não lại hay ở những điểm nối này là do chênh lệnh áp lực máu giữa các đoạn động mạch cũng như độ “xoáy” của dòng máu vào các điểm nối nói trên. Các động mạch có túi phình nhiều nhất là động mạch thông trước (30%) và động mạch thông sau (25%) và động mạch não giữa (20%).

Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào

Tần suất mắc phồng động mạch não khá cao, ước tính vào khoảng 1-5% dân số. Tuy nhiên, điều may mắn là khoảng 50-80% những phình mạch này có kích thước nhỏ và không bị “vỡ” ra trong suốt cuộc đời người mang nó.

Phồng động mạch não xảy ra ở mọi lứa tuổi, nữ có xu hướng nhiều hơn nam và cho đến hiện nay, câu hỏi hóc búa cho các nhà chuyên môn vẫn là ai ở trong số 1-5% nói trên và khi nào thì quyết định điều trị tích cực.

Ai có nguy cơ bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phồng động mạch não?

Có một số yếu tố nguy cơ của xuất huyết dưới nhện do vỡ phồng động mạch não như người mắc bệnh thận đa nang di truyền theo nhiễm sắc thể trội, các bệnh có liên quan đến phồng động mạch não bao gồm tổn thương cơ loạn sản xơ hóa, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers - Danlos type IV (có tổn thương lớp mô liên kết của thành động mạch). Tuổi cao, tiền sử hút thuốc lá, nghiện rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, nghiện ma túy, chấn thương sọ não, nhiễm khuẩn huyết, phụ nữ hậu mãn kinh, tiền sử gia đình có người mắc phồng động mạch não cũng là những yếu tố nguy cơ đối với sự phát triển và vỡ túi phồng động mạch não.

Căn bệnh rất nguy hiểm vì gần như không có triệu chứng gì đặc biệt

Hầu hết các phồng động mạch não tồn tại không có triệu chứng, nên chúng ta không thể biết bệnh, đến khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu mới đến bệnh viện. Thông thường, các túi phồng khi chưa bị vỡ không có biểu hiện gì đặc biệt, có thể được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch vì bệnh khác. Một số ít bệnh nhân có các dấu hiệu chèn ép thần kinh như đau đầu mạn tính, giảm thị lực và thu hẹp thị trường, sụp mi, giãn đồng tử... Có một số trường hợp có các dấu hiệu “báo trước” như đau đầu dữ dội, kéo dài không rõ nguyên nhân; giãn đồng tử; thay đổi thị lực hoặc nhìn đôi (song thị); nói khó, liệt mặt, sụp mi; co giật thoáng qua nhưng các dấu hiệu này thường ít khi được bệnh nhân và thậm chí cả thầy thuốc để ý đến.

Biểu hiện của xuất huyết dưới nhện do vỡ phồng mạch

Khi túi phồng đã bị vỡ, một lượng máu lớn chảy ra khoang dưới nhện hoặc vào não thất. Áp lực nội sọ tăng cao. Các triệu chứng khởi đầu bằng đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, có trường hợp thấy như đầu bị “nổ tung” sau đó đi vào hôn mê sâu. Khám bệnh nhân có thể thấy dấu thần kinh khu trú, hội chứng màng não rõ. Chọc dịch não tủy thấy có máu không đông và áp lực rất tăng. Chụp cắt lớp thông thường có thể chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện với độ chính xác cao. Xác định xem bệnh nhân có phồng mạch não hay không dựa vào chụp mạch não xóa nền, chụp cắt lớp đa dãy hoặc chụp MRI mạch não.

Phương thức điều trị

Khi túi phồng đã bị vỡ ra gây xuất huyết khoang dưới nhện, các biện pháp hồi sức tích cực phải được tiến hành: đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, chống tăng áp lực nội sọ, kiểm soát huyết áp, chống co thắt mạch não thứ phát. Liệu pháp “3H” pha loãng máu để đưa hematocrite xuống 30% (hemodilution), nâng huyết áp lên (hypertension) và tăng thể tích tuần hoàn (hypervolemia) cần được duy trì. Sau khi đã điều trị bệnh nhân ổn định, cần nhanh chóng xác định vị trí, kích thước, các nguy cơ kèm theo, số lượng có thể có của túi phồng bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để có chỉ định điều trị triệt để bằng phẫu thuật hoặc can thiệp đặt coil.

Phẫu thuật là phương pháp mổ mở, tìm túi phồng trong não, kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại.

Can thiệp mạch: là phương pháp điều trị không phẫu thuật, sử dụng các ống thông đi trong lòng mạch, kỹ thuật chủ yếu là “Nút phồng động mạch não bằng lò xo kim loại”. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống dẫn đường để lên não, đầu ống được lái vào giữa túi phồng động mạch não. Qua ống thông đó, các cuộn lò xo nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào lòng túi phồng để làm tắc hoàn toàn phồng động mạch não. Sau một thời gian, tiểu cầu sẽ kết tập vào cuộn dây, tạo cục máu đông và làm túi phồng xơ hóa.

Nói chung, việc cần làm là xác định được bệnh nhân có phồng động mạch não khi túi phồng chưa vỡ ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ. Một khi túi phồng đã vỡ gây xuất huyết dưới nhện, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và nếu bệnh nhân không tử vong thì cũng sống với những di chứng nặng nề về thần kinh (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang