Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/9/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế trao quà cho các bệnh nhi ung thư dịp Tết Trung thu; Tỉ lệ tai biến sau tiêm chủng của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn của WHO; Rượu - bia trên 15 độ cồn sẽ cấm quảng cáo? Ba loại thực phẩm chức năng dành cho trẻ phải kê khai giá.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế trao quà cho các bệnh nhi ung thư dịp Tết Trung thu

Chiều tối ngày 18/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến trao quà Trung thu cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi – Bệnh viện K. Tết Trung thu dành cho trẻ em là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong khi những bé thơ may mắn đang náo nức chờ đón ngày Tết Trung thu bên gia đình và bạn bè thì cũng có biết bao bạn nhỏ mang trong mình căn bệnh ung thư đang phải chống chọi từng ngày tại các cơ sở điều trị bệnh.

Với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật và mang lại cho các bệnh nhi một ngày Tết Trung thu hạnh phúc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bệnh viện K và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã trao 90 suất quà (mỗi suất quà gồm 01 túi quà và 1 triệu đồng tiền mặt) cho tất cả 90 bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Khoa Nhi.

Một Trung thu sẻ chia, ngọt ngào, một Trung thu trong vòng tay chan chứa tình yêu thương của gia đình, bạn bè, của các y bác sĩ, của cả xã hội là điều mà các bệnh nhi ung thư mong muốn và xứng đáng được đón nhận. Trao quà cho các bệnh nhi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ân cần hỏi thăm, động viên các bé. Bộ trưởng cũng thân ái gửi đến các bệnh nhi ung thư lời chúc sớm ổn định, ngoan, ăn ngon, thực hiện thành công những ước mơ của mình và có một ngày Tết Trung thu thật vui vẻ và tràn đầy yêu thương.

Tại buổi trao quà, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao hoạt động của Quỹ Ngày mai tươi sáng đã hỗ trợ cho hơn 21.000 bệnh nhân, bệnh nhi bằng tiền mặt, thuốc điều trị ung thư trong những năm qua trị giá hàng trăm tỷ đồng thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ ngành Y tế dành cho người bệnh ung thư nghèo. Quỹ đã trở thành địa chỉ tin cậy, là nguồn động lực lớn lao giúp những người bệnh kém may mắn có thể tiếp tục sống và thậm chí, sống khỏe mạnh.

Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế được thành lập năm 2011. Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng ra đời từ tình cảm của cán bộ ngành Y tế dành cho người bệnh ung thư nghèo và vì người bệnh ung thư nghèo.

Trong hơn 7 năm qua, Quỹ đã phát triển rất nhanh, mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả, được rất nhiều cơ quan, tổ chức và các nhà hảo tâm ủng hộ. Quỹ đã vận động, tổ chức hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 21.000 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc trị giá hơn 18 tỷ đồng; Quỹ đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 400 tỷ đồng;

Quỹ cũng đã tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 70.000 người dân trị giá hơn 41 tỷ đồng; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 5 câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại 5 thành phố lớn; các Ngày hội Vì phụ nữ, vì Ngày mai, các Diễn đàn phòng chống ung thư...

Các hoạt động vì cộng đồng này đã đưa Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng trở thành một tổ chức từ thiện có uy tín, là người bạn gần gũi, thân thiết với Thầy thuốc, bệnh nhân ung thư nghèo và nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bệnh viện Nhi TW: Sơ tán 100% bệnh nhân khỏi khu vực nguy cơ xảy ra cháy

Vào chiều tối ngày 17/9, một đám cháy lớn đã bất ngờ bùng phát và nhanh chóng bốc lên cao tại ngôi nhà 3 tầng trên đường Đê La Thành.

Vụ hỏa hoạn xảy ra gần BV Nhi TW ở Hà Nội khiến ít nhất 6 căn nhà và cửa hàng bị cháy, nhiều tài sản của người dân bị thiêu rụi. Theo thông tin ban đầu, vụ cháy phát ra từ nhà số 905 Đê La Thành và lan ra đến số nhà 897 cùng phố. Lúc 19h15, hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại BV Nhi Trung ương được sơ tán khẩn cấp. Toàn bộ bệnh nhân ở khu nhà điều trị gồm 100 giường bệnh nằm sát đám cháy được lệnh di tản sang khu nhà 15 tầng cách đó hơn 100m.

Theo đại diện BV Nhi TW, BV đã sơ tán toàn bộ 100% bệnh nhân và người nhà đang nằm điều trị nội trú tại Khoa Điều trị tự nguyện BC (nơi tiếp giáp với khu vực nguy cơ xảy ra cháy). Ban Giám đốc BV cũng đã có mặt đầy đủ để chỉ đạo công tác phòng chữa cháy. BV nhanh chóng phối hợp với các lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố, lực lượng bảo vệ; trực điều dưỡng... cùng phối hợp nhịp nhàng phân luồng và hỗ trợ, giải thích, tư vấn cho người nhà. Mặc dù đám cháy chưa lan vào BV Nhi TW nhưng BV đã chủ động phòng tránh bằng tất cả các giải pháp có thể nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Theo đại diện BV Nhi TW, đám cháy đã được khống chế. Bệnh nhân đã được các điều dưỡng đưa về bệnh phòng. Các bệnh nhân đã hết hoảng loạn và bình tĩnh phối hợp với bệnh viện.

Rất may vụ hỏa hoạn này không khiến trường hợp nào mắc kẹt dẫn đến tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Rượu - bia trên 15 độ cồn sẽ cấm quảng cáo?

Sau khi xem xét các phương án đưa ra cho thấy với cùng một lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.

Do rượu, bia chứa cồn là chất gây nghiện, xếp vào nhóm chất gây ung thư

Tại phiên họp cho ý kiến lần đầu về về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều ngày17/9, Báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực.

Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.

Tại Việt Nam, thực trạng sử dụng rượu, bia đã ở mức báo động thể hiện qua 3 tiêu chí về mức tiêu thụ (nhất là ở nam giới), bao gồm cả số lượng tuyệt đối cũng như quy đổi về số lít cồn nguyên chất bình quân đầu người.

Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, mỗi người dân Việt Nam (trên 15 tuổi) sử dụng tới 4,4 lít cồn nguyên chất trong năm 2014. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) con số này lên tới là 8,3 lít, và Việt Nam đứng thứ 64/194 nước sử dụng rượu, bia nhiều trên thế giới.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người uống rượu, bia đều gia tăng và tỷ lệ thanh niên, thiếu niên uống rượu, bia ở mức cao lên tới 70% với nam và 6% với nữ (trên 15 tuổi) vào năm 2010. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 80,3% ở nam giới và nữ giới là 11,6%, trong đó, 44,2% nam giới uống ở mức nguy hại, tăng 1,76 lần so với năm 2010.

Theo ban soạn thảo, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít. Đối với rượu, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã cấp được khoảng 167 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công… Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.

Theo Bộ Y tế, sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 – 3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Riêng chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.

Quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết

Sau khi thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đánh giá lợi ích và tác hại trong việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, việc ban hành dự án Luật là cần thiết.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ trên cơ sở 6 mục tiêu cụ thể với 3 nhóm chính sách của dự án luật, nhằm tập trung phạm vi điều chỉnh thông qua quy định về các biện pháp “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban do bà Nguyễn Thuý Anh- Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày cũng cho rằng, những lợi ích từ ngành công nghiệp rượu, bia đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Song cần nhìn tổng thể về những tác hại, mặt trái của việc sử dụng rượu, bia đang hiện hữu trong xã hội, đã được cảnh báo và khuyến cáo vì mục tiêu lâu dài về sức khỏe con người.

Chính vì vậy, cần thiết phải đưa ra quy định liên quan đến kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có, tính có sẵn và dễ tiếp cận của rượu, bia. Tuy nhiên, ủy ban thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến để quy định cụ thể và bảo đảm tính khả thi, đảm bảo chức năng quản lý nhà nước khi triển khai thực hiện các quy định.

Theo cơ quan thẩm tra, hiện quy định về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia đang còn hai loại ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết, nhằm làm giảm những tác động, ảnh hưởng của quảng cáo đến tiêu dùng rượu, bia, đặc biệt là giới trẻ, thực hiện “dự phòng” từ xa các tác hại của rượu bia.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng một lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng không phải rượu bia hoàn toàn có hại, mà chỉ khi lạm dụng mới có hại. Hơn nữa, mặc dù rượu và bia đều là hai loại đồ uống có cồn, tuy nhiên mức độ uống và tác hại của hai loại không hoàn toàn giống nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng về tên gọi cũng như một số nội dung quy định cụ thể về rượu và bia trong Dự luật.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng vấn đề rượu thủ công là một tồn tại xã hội lớn trong nhiều năm qua do đó Dự luật cần thiết kế các quy định để chiều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại một số quy định như: không được bán rượu trên mạng internet, không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18; đồng thời rà soát kỹ lượng toàn bộ Dự luật để đảm bảo tính khả thi và sự thống nhất giữa Luật này với các Luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của dự thảo luật; đánh giá đây là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng về các chính sách trong dự án Luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 tới đây. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tỉ lệ tai biến sau tiêm chủng của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn của WHO

Một vài ca biến chứng không mong muốn sau khi trẻ tiêm chủng, đã có khá nhiều phụ huynh sợ tiêm phòng cho con sẽ gây phản ứng. Nỗi sợ hãi của bố mẹ có thể dẫn đến trẻ không được tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vào chiều 18-9 cho thấy, sự thực không đến mức như các bậc cha mẹ lo lắng. Bởi, trong số hàng triệu được tiêm phòng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện 4.114 trường hợp phản ứng thông thường và chỉ có 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, các cơ sở y tế đã ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ  như sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm, sốt <39oC cả trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Về 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, có 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vaccine trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vaccine trong tiêm chủng dịch vụ.

Phân tích của Cục Y tế dự phòng cho thấy, các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong TCMR được ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm Ninh Bình (1), Phú Thọ (7), Bắc Giang (3), Thanh Hóa (5), Hà Nội (2) và Hải Dương (1), Sơn La (1), Đắc Lắc (1), Bình Định (1), Hậu Giang (1), Cần Thơ (1) và Bà Rịa - Vũng Tàu (3). Trong số này có 25 trường hợp hồi phục và 2 trường hợp tử vong.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, các tai biến nặng sau tiêm chủng do các loại vaccine: Quinvaxem-OPV, Quinvaxem-OPV-Rotarix, viêm gan B, viêm gan B – BCG, uốn ván.

Trong 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng có 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem, gồm 17 trường hợp sau tiêm vaccine Quinvaxem - OPV và 1 trường hợp sau tiêm vaccine Quinvaxem - OPV – Rotarix, trên tổng số 2.551.051 liều vaccine Quinvaxem, 3.615.000 liều vaccine OPV và 6.802 liều vaccine Rotarix đã sử dụng. Tỷ lệ phản vệ sau tiêm vaccine Quinvaxem là thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.

7 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine VGB và 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine BCG ( 6 trường hợp sau tiêm VGB, 1 trường hợp sau tiêm VGB-BCG, 1 trường hợp sau tiêm BCG) trên tổng số 687.545 liều vaccine VGB và 1.403.000 liều virus BCG đã sử dụng.

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận, ghi nhận 24 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%), 21 trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 5 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân (17%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.

Tiêm phòng cho trẻ vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, là điều Bộ Y tế khuyến cáo. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Ba loại thực phẩm chức năng dành cho trẻ phải kê khai giá

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2018/TT-BYT quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá.

Theo quy định tại Thông tư 22/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư, trước ngày 1-10-2019, Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) sẽ đăng tải toàn bộ Danh mục sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được UBND tỉnh, thành phố Trung ương chỉ định quản lý Nhà nước về ATTP có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục các sản phẩm quy định tại Thông tư này.

Trước ngày 1-7-2019, các địa phương phải hoàn thành việc đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý ATTP cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.

Thông tư 22/2018/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2018. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang