Báo động mắc và tử vong do sốt xuất huyết
Ngày 18/10, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 ca tử vong. So với cùng kì năm 2021 (54.219/21) số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp.
Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm Hà Nội ghi nhận 6.779 (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kì năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…
Tại TPHCM, tính từ đầu năm tới ngày 9/10, ghi nhận 64.461 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 627,6% so với cùng kì năm 2021. Thành phố đã có 26 ca tử vong, 75% là người lớn. Dù tình hình sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, nhưng số ca nặng nhập viện vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Để hạn chế số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế TPHCM đã quyết định áp dụng mô hình tháp 3 tầng theo kinh nghiệm của điều trị COVID-19 để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh COVID-19 nên dễ bỏ sót. Các chuyên gia cảnh báo, tâm lí cha mẹ lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện dễ lây nhiễm chéo các bệnh khác dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các chuyên gia truyền nhiễm chỉ ra 2 nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện muộn thời gian gần đây. Thứ nhất, do phụ huynh chủ quan. Nhiều phụ huynh khi con có các dấu hiệu cảnh báo bệnh như sốt, mệt mỏi nhưng không nghĩ con mắc sốt xuất huyết mà tưởng con chỉ bị cảm cúm thông thường và tự mua thuốc về điều trị. Tới khi trẻ trở nặng thì mới đưa con nhập viện. Thứ hai, phụ huynh đã đưa trẻ tới bệnh viện sớm khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh nhưng lại đưa tới các phòng mạch tư không có chuyên khoa nhi nên bị chẩn đoán nhầm bệnh sốt xuất huyết thành các bệnh như viêm hô hấp trên hoặc bệnh tiêu chảy. Đồng thời, phụ huynh không được dặn dò kĩ cho nên khi con trở nặng thì mới cho con nhập viện.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết sốt xuất huyết Dengue do 4 type huyết thanh của virus Dengue gây ra. Những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không (Tiền phong, trang 10).
Trẻ mắc bệnh hô hấp chật kín bệnh viện nhi
Những ngày gần đây, số trẻ đến các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM khám bệnh hô hấp gia tăng.
Tận dụng tối đa để kê giường bệnh
Ngày 17.10, khu Khám bệnh về hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 chật cứng bệnh nhi (BN) và phụ huynh, dù khu này được chia ra nhiều phòng. Bà Phạm Thị Nho (63 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết cháu ngoại bà ho cả tuần nay không dứt, dù đã uống thuốc, bà phải đưa cháu vào BV khám cho yên tâm. Theo bà Nho, BN đông quá, nhìn đâu cũng chật kín.
Còn chị Nguyễn Thị Xuyên (ngụ Bình Dương) có con 2 tuổi sốt, ho suốt 1 tuần nay, ban đêm con thường quấy khóc. “Cả tuần tôi mất ngủ vì con quấy khóc nên rất mệt mỏi, lên BV trên này khám lại phải chờ đợi vì đông”, chị Xuyên nói.
Sáng 18.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu điều trị nội trú Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 không còn giường trống dù nhân viên y tế đã tận dụng mọi không gian để kê giường bệnh. BN phải nằm ghép 2 em/giường vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Nhiều phụ huynh đành kê giường, mắc võng dọc các hành lang, cầu thang để làm nơi nghỉ ngơi cho con. Một số người khác xin điều trị ngoại trú vì sợ nằm ghép sẽ khiến con họ bị lây bệnh chéo.
Chị Phạm Thị Bích Hiền (ngụ Bến Tre) đưa con nhỏ bị viêm phổi đến điều trị tại BV Nhi đồng 2 nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy đông như vậy. Chị cho hay, điều trị nội trú tại khoa, 2 cháu phải nằm một giường rất bí bách nên chị xin chuyển ra nằm võng ngoài hành lang.
Nội, ngoại trú đều đông bệnh
Ngày 18.10, lãnh đạo BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, gần đây số trẻ em đến khám tại BV này gia tăng, đặc biệt là bệnh liên quan hô hấp. Cụ thể, trong ngày đầu tuần (17.10), BV tiếp nhận đến 2.669 BN khám ngoại trú, trong đó BN khám về đường hô hấp chiếm trên 50%. Do quá tải nên BN phải nằm tại Khoa Hô hấp và cả Khoa Nội tổng hợp.
TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết ngày 17.10 có 6.350 BN đến khám ngoại trú, trong đó BN hô hấp đông nhất, chiếm 26,4%. BV Nhi đồng 1 có 1.565 giường bệnh nhưng BN hô hấp chiếm đến 30%. “Cứ đến mùa này hằng năm, với ngoại trú thì BV mở nhiều phòng khám hô hấp, theo đó phải tăng BS và điều dưỡng. Hằng ngày làm việc từ 6 giờ sáng, trưa có 7 - 8 phòng khám làm xuyên trưa; ca 12 giờ 30 khám đến 22 giờ đêm; sau đó còn 2 bàn khám, khám đến sáng”, TS-BS Minh nói. Về nội trú, ngoài 2 khoa Hô hấp 1 và 2, BV lấy Khoa Nội tổng quát điều trị hô hấp, còn những BN nội tổng quát thì phân về khoa khác. Song song đó, BV tăng cường điều trị ngoại trú. Với BN ở TP, sau 3 - 5 ngày ổn thì cho xuất viện điều trị ngoại trú, tái khám hằng ngày. BN ở tỉnh nếu ổn thì cho về tuyến dưới điều trị tiếp.
BS Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho biết thêm: Ngày 17.10, BV có 6.700 ca đến khám. Theo tổng kết tháng thì số BN khám hô hấp trên và dưới khám ngoại trú chiếm khoảng 50%. “BN quá tải, BV Nhi đồng 2 phải tận dụng tất cả chỗ trống và chuyển BN về một số khoa khác”, BS Vinh thông tin.
Bệnh hô hấp vào mùa
Theo TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, thời điểm vào tháng 8 - 11 hằng năm là cao điểm của bệnh hô hấp, đây là quy luật của mấy chục năm nay. Các loại bệnh hô hấp đang chiếm ưu thế là nhiễm trùng hô hấp, viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm phổi. Năm nay cần lưu ý bệnh hen suyễn và hậu Covid-19, BN suyễn đi cấp cứu nặng có tăng hơn do kiểm soát suyễn tại nhà chưa tốt.
TS-BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh và trẻ em chú ý đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và môi trường, nhà cửa. Không cho các cháu nhỏ tiếp xúc với người đang mắc bệnh cảm, ho hoặc tới những nơi đông người. Thời tiết thay đổi, vừa nóng vừa mưa, trong khi trẻ nhỏ thích ứng hạn chế nên cần bảo vệ để các em tránh bị tác động. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, thêm vitamin, hoa quả để nâng cao sức đề kháng, uống nhiều nước. Cần chú ý việc chủng ngừa đầy đủ cho trẻ để ngừa tác nhân gây bệnh hô hấp cho trẻ. Các chuyên gia dự báo, bệnh hô hấp kéo dài đến giữa tháng 11, sau đó sẽ hạ nhiệt dần (Thanh niên, trang 22).
Cả nước ghi nhận 623 ca Covid-19, còn 55 bệnh nhân thở ô xy
Chiều 18-10, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 623 ca Covid-19 (giảm 50 ca so với ngày trước đó), trong đó có 622 ca trong nước và 1 ca nhập cảnh. Ngoài ra, hiện có 55 bệnh nhân đang thở ô xy (giảm 37 ca) và có thêm 1 bệnh nhân tử vong tại Bình Thuận.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.493.894 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.154 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 359 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.599.560 ca. Ngoài ra, hiện có 55 bệnh nhân đang thở ô xy (giảm 37 ca so với ngày trước đó), trong đó có 44 ca thở ô xy qua mặt nạ, 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 9 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, ngày 17-10 ghi nhận 1 ca tử vong tại Bình Thuận. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.158 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 260.667.497 liều, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.768.134 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.130.303 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.769.060 liều (Hà Nội mới, trang 7).
Ăn một chiếc bánh mỳ trước khi vào phòng tập thể dục, cô gái trẻ ngất xỉu, dị ứng toàn thân
Ngày 18-10, thông tin từ Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một ca bệnh dị ứng khá hy hữu. Bệnh nhân là cô gái trẻ 26 tuổi ở Hà Nội, bị dị ứng bột mỳ.
Theo lời kể của người bệnh, trước khi vào phòng tập thể dục, cô có ăn chiếc bánh mì lót dạ. Khi chạy bộ được khoảng 15 phút, cô gái thấy mệt mỏi, xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất tại phòng tập.
Sau khi được sơ cứu tại chỗ, cô gái đã tỉnh lại. Bệnh nhân được đưa vào viện thăm khám và với chẩn đoán sơ bộ là theo dõi phản vệ độ 3 do bột mì sau hoạt động thể lực.
Được biết, nhiều năm trước, nữ bệnh nhân này cũng thường xuất hiện các nốt ban, ngứa sau khi ăn bánh mì khoảng 1 giờ và có kèm theo hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ.
Cô gái cho biết, có lần sau ăn bánh mì, cơ thể xuất hiện ban đỏ ngứa kèm theo đi ngoài nhưng cũng có lần hoàn toàn bình thường. Người bệnh có đi khám tại một số bệnh viện, tuy nhiên không xác định được bệnh. Vì thế, dần dần cô không để ý đến điều này và tiếp tục ăn bánh mì lót dạ trước mỗi buổi tập thể thao.
TS.BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân này, bác sĩ nghi ngờ có thể phản vệ với bột mì; phản vệ với bột mì sau hoạt động thể lực hoặc phản vệ với phụ gia trong bánh mì.
Người bệnh được xét nghiệm test lẩy da dương tính với bánh mì. Các bác sĩ tiếp tục phối hợp với xét nghiệm IgE đặc hiệu, cho kết quả dương tính mạnh với bột mì, từ đó kết luận bệnh nhân này có phản ứng quá mẫn cảm với bột mì và chẩn đoán bệnh nhân phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực.
Cũng theo các bác sĩ, phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực gặp nhiều ở trẻ em vị thành niên và người lớn. Đây lại là bệnh lý nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán sớm.
Vì vậy, người có tiền sử bị dị ứng như vậy tốt nhất nên tránh đồ ăn có chứa bột mì, đặc biệt không hoạt động thể lực sau ăn bột mì vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra (An ninh thủ đô, trang 6).