Mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hiện đang điều trị cho hơn 51.000 bệnh nhân. Việt Nam đang hướng tới mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc.
3.000 bệnh nhân được cấp phát thuốc nhiều ngày
Tại Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện từ tháng 4.2021 tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng. Sau đó, năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng thêm tại 3 tỉnh mới là Nghệ An; Lào Cai và Bắc Giang, nâng tổng số tỉnh triển khai Đề án lên 6 tỉnh.
Mục tiêu của Chương trình là tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tính đến nay, tổng số có hơn 3.000 bệnh nhân được nhận thuốc Methadone cấp nhiều ngày.
PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, sau 14 năm triển khai điều trị Methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng; phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…
Điều trị Methadone hiện nay vẫn là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do đây là biện pháp điều trị lâu dài, hằng ngày người bệnh phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên việc triển khai điều trị Methadone cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất là với bệnh nhân, dẫn đến việc tuân thủ điều trị còn hạn chế và tỉ lệ bỏ cuộc còn cao.
Nguyên nhân bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, trong một thời gian liên tục nhiều năm. Ngoài ra, do đặc thù công việc của bệnh nhân (lái xe, ngư dân...) phải đi làm việc xa nhà thường xuyên, nên không thể đến uống thuốc hằng ngày.
Thế giới đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bao gồm Methadone, có tác dụng cứu người, ngăn ngừa hiệu quả việc lây nhiễm HIV, cải thiện chất lượng cuộc sống của người tham gia điều trị và cả gia đình của họ; đồng thời đóng góp tích cực cho việc giữ gìn trật tự xã hội.
Theo bà Maria Elena Filio Borromeo - Giám đốc quốc gia UNAIDS - do điều trị Methadone và các dịch vụ điều trị rối loạn sử dụng chất khác là các biện pháp điều trị lâu dài, nên việc đa dạng hóa cung cấp dịch vụ là hết sức quan trọng để khuyến khích người có nhu cầu tham gia điều trị nhiều hơn và hỗ trợ họ tuân thủ điều trị tốt hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn là một điển hình dẫn đầu trong khu vực về hiệu quả điều trị Methadone. Các tổ chức Liên Hợp Quốc ủng hộ việc tiếp tục mở rộng cách tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ điều trị Methadone này và khuyến nghị trong thời gian tới thể chế hóa cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trong chính sách pháp luật về phòng, chống HIV. "Chúng tôi tiếp tục cam kết và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những nỗ lực tiếp theo này, trong những nỗ lực chung để giúp Việt Nam đi đúng hướng thực hiện mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030" - bà Maria Elena Filio Borromeo nói.
Cần ban hành các văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật
Tại Việt Nam, sau 2 năm triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho thấy chương trình an toàn, khả thi và rất hiệu quả. Bệnh nhân và người nhà đều hài lòng và yên tâm điều trị lâu dài.
Cấp thuốc Methadone nhiều ngày đặc biệt phù hợp đối với những bệnh nhân sống cách xa cơ sở điều trị, bệnh nhân miền núi, vùng sâu, vùng xa; giúp người bệnh chủ động trong công việc, tuân thủ điều trị tốt hơn vì không phải bố trí thời gian đến uống thuốc trong giờ hành chính; có thời gian chăm lo cho gia đình nhiều hơn, góp phần giúp gia đình thêm thuận hòa, kinh tế ổn định và gia đình hỗ trợ kiểm soát bệnh nhân uống thuốc hằng ngày.
Việc cấp thuốc mang về cũng là phần thưởng cho bệnh nhân, khích lệ động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, đồng thời khích lệ các bệnh nhân khác cố gắng tuân thủ điều trị để được mang thuốc về...
Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng chủ động đặt lịch hẹn bệnh nhân đến nhận thuốc và khám theo đúng thời gian quy định. Từ đó việc khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân không bị dồn dập vào thời gian đầu giờ buổi sáng, có thể giảm áp lực cho cơ sở điều trị và bệnh nhân.
Để tiến hành mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cho hay về vấn đề này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đầu mối rà soát tính pháp lý và phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, bao gồm cả tính toán chi phí việc cấp thuốc nhiều ngày, để mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc. Ngay sau khi hoàn thiện văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham mưu để Bộ Y tế triển khai ra tất cả các tỉnh trên toàn quốc.
Với 6 tỉnh/thành phố Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An tiếp tục duy trì và mở rộng việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày ra tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn trong giai đoạn 2023-2034 theo đúng hướng dẫn. Kinh phí duy trì việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày tại 6 tỉnh/thành phố sử dụng nguồn Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; vận động kinh phí của các dự án quốc tế tài trợ, kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Bộ Y tế mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính và kỹ thuật để triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, bao gồm cả các sáng kiến như phần mềm quản lý người bệnh; các kinh nghiệm quốc tế về cấp phát thuốc nhiều ngày và các can thiệp với các ma túy khác nhất là ma túy tổng hợp. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong khi xu hướng người sử dụng và người nghiện không ngừng tăng lên (Lao động, trang 7).
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học: Cần có cán bộ y tế chuyên trách
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất cần có cán bộ y tế chuyên trách kiểm soát từng bếp ăn. Các nhà trường khó có thể đảm bảo được công việc này. Cùng với đó, cần một quy trình xử lý thật chặt chẽ khi có sự cố.
* Thưa bác sĩ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề ATVSTP trường học hiện nay khi mà trách nhiệm giao cho nhà trường nhưng bản thân hiệu trưởng, giáo viên không có chuyên môn sâu về ATVSTP, chỉ kiểm tra quy trình và giấy tờ?
- Tôi cho rằng, không thể giao cho hiệu trưởng hay giáo viên lo chuyện VSATTP được. Điều này phải do chính các bếp ăn đảm trách ngay từ chuẩn đầu vào, đăng ký đơn vị cung ứng bảo đảm chất lượng. Hiện nay, đa số trường học thuê đơn vị ngoài nấu ăn và đơn vị này phải có trách nhiệm kiểm tra, còn ở trường học có nhiệm vụ lưu mẫu và xử lý khi có sự cố xảy ra thôi. Nhà trường không thể xuống kiểm tra bếp được vì không có chuyên môn, muốn kiểm tra hiệu quả thì phải phân công, đào tạo nhân lực bài bản. Dù làm cách nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đầu vào, kiểm tra thường xuyên và lưu mẫu.
Hướng khác là nếu các đơn vị không có cán bộ chuyên trách thì phải tính đến phương án thuê người có chuyên môn để giám sát, phải chịu đầu tư thôi. Trong lúc chờ đợi, phụ huynh có thể là tham gia vào công việc này. Tuy nhiên, cũng phải xác định dù cẩn thận như thế nào thì thỉnh thoảng cũng sẽ có sự cố. Vì vậy cần có một quy trình giải quyết sự cố hợp lý, đừng để tới lúc đó rối lên không biết ai làm gì.
Ngành giáo dục và ngành y tế cũng phải phối hợp chặt chẽ. Các trường cần được trang bị kinh nghiệm qua các buổi diễn tập, phân công, huy động nguồn lực. Tôi hy vọng qua đợt sự cố vừa rồi thì ngoài kiểm soát tốt ATVSTP phải có đóng góp của y học thảm hoạ để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới tính mạng con người, làm người dân lo lắng.
* Vậy khi xảy ra sự cố thì phải vận dụng y học thảm họa để xử lý như thế nào?
- Theo y học thảm họa thì tại nơi bị ngộ độc cần biết làm gì. Ví dụ, ở một vài trường hợp bị ngộ độc diện rộng trước đó có hiện tượng khi đã xuất hiện một vài học sinh có biểu hiện ngộ độc mà vẫn cho về nhà. Như vậy là không hợp lý bởi ngộ độc thường xảy ra hàng loạt. Một bé ban đầu có biểu hiện nhẹ nhưng sau đó có thể chuyển nặng, bé chưa bị thì đến chiều có thể bị. Lúc có nghi ngờ, cần phải dặn dò kỹ càng về biểu hiện và cách xử lý khi chuyển nặng.
Khi có khoảng 5-10 bé có dấu hiệu ngộ độc trở lên là ngành y tế phải biết, vì với số lượng 5-10 bé ban đầu đó thì chắc chắn sẽ nhân lên 20-30 bé, thậm chí là hàng trăm bé.
Các đơn vị cần phải dự đoán được tình hình để lên phương án, phân bố nguồn lực, phải lấy mẫu thật nhanh, soi mẫu dự đoán tác nhân gây bệnh để có điều trị phù hợp.
* Nếu xây dựng một vị trí nhân viên chuyên trách để kiểm tra được vấn đề an toàn thực phẩm thì chi phí bữa ăn của các bé liệu có bị đẩy cao lên hay không, thưa bác sĩ?
- Tôi cho rằng thực ra không cao vì mình có đội ngũ chuyên nghiệp để thuê làm việc đó. Tôi vẫn nhấn mạnh là dù có thuê đội ngũ chuyên nghiệp thì công tác kiểm tra đột xuất, định kỳ, lưu mẫu vẫn rất quan trọng.
* Hiện nay, ngành giáo dục đang đóng một vai trò chính trong đảm bảo ATVSTP trong trường học nhưng nghịch lý là không có chuyên môn. Vậy theo bác sĩ, trách nhiệm chính có nên chuyển sang cho ngành y tế hay không?
- Thông thường ATVSTP thuộc về Sở Y tế và bộ phận về ATVSTP. Hiệu trưởng có xuống bếp kiểm tra thì cũng chỉ xem giấy tờ chứng nhận do Chi cục ATVSTP cấp. Hiệu trưởng đúng là “đứng mũi chịu sào” thôi chứ việc quyết định giảm mức tối thiểu thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm không phải là hiệu trưởng mà cần thuộc Chi cục ATVSTP hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận (Lao động, trang 7).
Cả nước có 177 ca Covid-19, thấp nhất trong gần 2 tháng qua
Chiều 18-12, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 177 ca mắc Covid-19 (giảm 142 ca so với ngày trước đó). Đây là số ca thấp nhất trong gần 2 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.522.927 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.448 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 49 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.610.266 ca. Ngoài ra, có 42 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 37 ca thở ô xy qua mặt nạ, 3 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 2 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay vẫn là 43.179 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 265.165.254 liều; trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.154.080 liều, tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.858.190 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.152.984 liều (Hà Nội mới, trang 7).