Phòng chống dịch Covid -19: Cuộc chi viện tổng lực và hiếm có
Ngày 25/7, Đà Nẵng phát hiện ca bệnh Covid -19 số 416 - ca đầu tiên sau một thời gian VN không có ca bệnh lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ sau 1 tuần bùng phát, số ca nhiễm Covid -19 tăng nhanh liên tục. Nhận định tình hình nghiêm trọng, chiều tối 30/7, BYT đã quyết định thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid -19 của BYT tại TP. Đà Nẵng do Thứ trưởng BYT Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Chủ động các phương án bảo đảm an ninh trật tự trong ‘mùa’ dịch Covid-19
Ngày 9-8, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến đến Công an tất cả các tỉnh, thành trong cả nước về phòng chống dịch Covid-19. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Công an chủ trì.
Ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp; biểu dương những nỗ lực, cố gắng của CBCS toàn lực lượng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, bên cạnh tập trung phòng, chống dịch, không được sao nhãng các nhiệm vụ công tác Công an, tiếp tục chủ động các phương án trong công tác bảo đảm ANTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 04, ngày 8/8/2020 của Đảng ủy Công an Trung ương, các Công điện chỉ đạo của Bộ Công an về một số giải pháp của lực lượng CAND trong công tác phòng, chống dịch.
“Cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp phải thể hiện rõ vai trò trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền, BCĐ phòng, chống dịch bệnh địa phương; chủ động phối hợp với các lực lượng y tế và quân đội tham gia công tác phòng, chống dịch để triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp ứng phó với các tình huống, kịch bản, kể cả trong các tình huống bất ngờ và xấu nhất có thể xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ.
Đối với CBCS tham gia công tác phòng, chống dịch, đây là lực lượng có nguy cơ bị lây nhiễm dịch cao khi tham gia ở tuyến đầu. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của lực lượng CAND phải là đảm bảo phòng, chống lây nhiễm tốt nhất cho CBCS. Thủ trưởng đơn vị phải cung cấp đầy đủ thông tin về chức năng, phân công nhiệm vụ cho từng CBCS; yêu cầu nâng cao kiến thức về y tế phòng, chống dịch; nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân, gia đình và bảo vệ cộng đồng. Trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết khi tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Công an các đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, quản lý cư trú, kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người, đặc biệt là các địa bàn có nhiều nước ngoài cư trú, lao động và làm việc; bảo đảm tuyệt đối ANTT tại các khu cách ly tập trung.
Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các lực lượng chức năng kiểm soát tuyệt đối việc xuất nhập cảnh qua các tuyến biên giới; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép cư trú trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế, găm hàng, tăng giá, có hành vi gây bất ổn thị trường và lợi dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước để trục lợi.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên tổ chức họp bằng hình thức trực tuyến; tạm hoãn hoặc dừng tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, mít tinh, kỷ niệm, gặp mặt, đoàn công tác ra nước ngoài chưa thực sự cấp thiết…(An ninh Thủ đô, trang 1).
Sẵn sàng ra trận mỗi ngày
Cuộc chiến chống Covid -19 ở Đà Nẵng đổi thay từng ngày buộc lòng các nhân viên y tế phải thích ứng trong tâm thế sẵn sàng ra trận. ... (Tuổi trẻ, trang 10).
Cần Thơ có thêm bệnh viện tư đạt chứng nhận phòng xét nghiệm y tế chuẩn quốc tế
Ngày 30/8, tại Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Hòa hảo – Medic Cần Thơ tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ hệ thống chất lượng ISO 15189:2012 về phòng xét nghiệm y tế chuẩn quốc tế. Bên cạnh những bệnh viện công trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt được chứng nhận này như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ... thì Hòa hảo – Medic Cần Thơ là bệnh viện tư thứ 2 đạt được tiêu chí này, sau Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, góp phần nâng cao chất lượng ngành y tế của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bác sĩ Chuyên khoa I Phan Thị Thu Lan – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa hảo – Medic Cần Thơ cho biết, ngày 4/8/2020, Đoàn Chuyên gia đánh giá của Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký công nhận Phòng Xét nghiệm của Bệnh viện đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012.
Hệ thống chất lượng ISO 15189:2012 do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, dựa trên 15 yêu cầu về quản lý và 10 yêu cầu về kỹ thuật đối với các phòng xét nghiệm y tế như: năng lực, tay nghề cán bộ xét nghiệm; kiểm soát điều kiện môi trường; kiểm soát thiết bị xét nghiệm; công tác chuẩn bị trước khi xét nghiệm; kiểm soát quá trình thực hiện xét nghiệm…
Để xây dựng “Phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012”, Bệnh viện Đa khoa Hòa hảo – Medic Cần Thơ đã đầu tư hệ thống máy xét nghiệm chuyên sâu, hiện đại gồm: Hệ thống máy xét nghiệm trong các lĩnh vực sinh hóa, miễn dịch, huyết học truyền máu, sinh học phân tử, vi sinh - ký sinh và giải phẫu bệnh. Song song với đầu tư cơ sở vất chất, trang thiết bị, Bệnh viện chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực Khoa Xét nghiệm đat chuẩn về trình độ chuyên môn và y đức.
Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Công ty Vietravel mở các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại Đồng Bằng Sông Cửu Long... (Tuổi trẻ, trang 13).
Sáng 1-9, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, đã có 707 ca điều trị khỏi
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 31-8 đến 6h ngày 1-9, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19.
Hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 là 1.044 ca, trong đó có 690 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25-7 đến nay, cả nước ghi nhận 550 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, gồm: Đà Nẵng có 389 ca, Quảng Nam 96 ca, Hải Dương 15 ca, Hà Nội 11 ca, thành phố Hồ Chí Minh 8 ca, Quảng Trị 7 ca, Bắc Giang 6 ca, Quảng Ngãi 5 ca, Lạng Sơn 4 ca, Đắk Lắk 3 ca, Đồng Nai 2 ca, Thái Bình 1 ca, Hà Nam 1 ca, Thanh Hóa 1 ca và Khánh Hòa có 1 ca.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 707 ca, 34 ca tử vong. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 137 ca có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2.
Riêng tại Hà Nội, kể từ ngày 19-8 cho đến sáng 1-9, đã 12 ngày liên tục, thành phố không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Dù vậy, nguy cơ dịch vẫn thường trực vì mầm bệnh đang tồn tại trong cộng đồng. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn tiếp tục được tập trung thực hiện, không thể lơ là.
Ngay trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lan rộng; các đội phòng, chống dịch cơ động thực hiện chế độ thường trực sẵn sàng triển khai xử lý ổ dịch. Mặt khác, tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là hành khách đến từ các quốc gia có dịch Covid-19 và tổ chức cách ly tập trung ngay hoặc chuyển tuyến theo dõi, điều trị theo đúng quy định.
Với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị với tinh thần chủ động, không chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm công tác tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, cách ly theo quy định; bảo đảm các nguyên tắc và điều kiện phòng, chống dịch tại khu vực khám bệnh ngoại trú, khu khám cấp cứu, khu điều trị nội trú. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trong giám sát phòng, chống Covid-19; kịp thời phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ để chỉ định lấy mẫu xét nghiệm ngay, cách ly, chuyển tuyến theo đúng quy định, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong đơn vị. (Công an nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 5).
An toàn cho người rời tâm dịch
Nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch đón công dân của địa phương mình trở về từ vùng tâm dịch Đà Nẵng, trong tâm thế “cảnh giác cao” trước e ngại nguy cơ lây lan Covid -19.
Dự kiến, sáng nay (1.9) ngành chức năng tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp đưa khoảng 150 công dân đã đăng ký rời vùng tâm dịch Đà Nẵng về quê. Đây là tỉnh thứ 4 tổ chức đưa người dân rời vùng dịch Đà Nẵng, sau Quảng Ngãi (đưa khoảng 400 người), Quảng Nam (29 người), Đắk Nông (khoảng 160 người).
Còn trong hôm qua 31.8, Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng ghi nhận có khoảng 23.700 người thuộc 61 tỉnh, thành có nhu cầu và đăng ký rời khỏi Đà Nẵng qua nhiều kênh. Trong số đó, các địa phương đã có lịch đón cụ thể như: Quảng Bình (đợt 1, chiều 3.9), Hải Dương (sáng 7.9), Lâm Đồng (dự kiến ngày 4 - 5.9)…
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, các lần tổ chức xe đưa đón trước đó cho thấy công dân rời khỏi Đà Nẵng không nhiều như số lượng đăng ký. Trong đó, có nguyên nhân người dân lo ngại cách ly tập trung 14 ngày sau khi trở về địa phương.
“Các tỉnh đã đăng ký đưa công dân về có số lượng đăng ký lớn, gồm: Quảng Trị (khoảng 1.700 người), Hà Tĩnh (1.100 người), Nghệ An (1.745 người), Gia Lai (khoảng 1.000 người), Đắk Lắk (khoảng 1.000 người), Thanh Hóa (643 người)… Tuy nhiên, hiện các tỉnh này vẫn chờ chủ trương của Thủ tướng”, ông An nói thêm.
Rời TP.Đà Nẵng sáng 29.8, nhóm 29 công dân Quảng Nam chủ yếu là học sinh (HS), sinh viên (SV) sau nhiều ngày mắc kẹt tại tâm dịch đã được vận chuyển về quê trên 2 xe buýt. Tuy nhiên, nhóm này chưa về nhà ngay mà phải cách ly tập trung 14 ngày để theo dõi sức khỏe tại trụ sở Trung đoàn 885 (TP.Tam Kỳ). Tại đây, họ được sắp xếp 3 người/phòng, được cung cấp đầy đủ vật dụng thiết yếu phòng chống dịch và các vật dụng sinh hoạt cá nhân… Hiện tại, họ có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với Covid-19 và vẫn bám sát kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo… (Thanh niên, trang 1).
Ngộ độc Clostridium botulinum do ăn Pate Minh Chay: Nhập thuốc giải 8.000 USD/lọ
Thuốc được nhập khẩn cấp từ Thái Lan để điều trị cho 2 bệnh nhân nặng tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội).
Ngày 31.8, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận và điều trị nam bệnh nhân (BN) N.N.D(54 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) trong tình trạng nguy kịch, do ăn pate Minh Chay.
Hơn 30 năm trong nghề mới gặp
Theo TS-BS Hùng, chiều tối 25.8, BN ăn khá nhiều pate Minh Chay. Lúc 23 giờ ngày 26.8, BN có biểu hiện đau bụng, nôn ói, nuốt khó, nói khó và sụp mi, được đưa đến BV Bà Rịa-Vũng Tàu trong tình trạng yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy ngày 27.8 với chẩn đoán nhược cơ và đưa vào khoa nội thần kinh.
Tuy nhiên, thấy bệnh cảnh của BN không giống bệnh liệt cơ, các bác sĩ (BS) đã hội chẩn và nghi ngộ độc Clostridium botulinum nên chuyển vào khoa bệnh nhiệt đới. BN tỉnh, không sốt và liệt chưa cải thiện, thở máy. BV cũng đã lọc máu cho BN và ngăn ngừa các biến chứng do độc tố Clostridium botulinum gây ra. Do hiện nay Việt Nam chưa có thuốc giải độc nên BN được điều trị hỗ trợ bằng thở máy, lọc máu... “Hơn 30 năm trong nghề tôi chưa gặp ngộ độc dạng này. Các BS thế hệ trước có nói đã gặp lác đác vài ca thời điểm những năm 1980 và đưa vào BV Chợ Rẫy”, TS-BS Lê Quốc Hùng nói.
Như vậy, đây là ca thứ 6 nhập BV Chợ Rẫy sau khi ăn pate Minh Chay (5 BN trước đã xuất viện về tiếp tục điều trị tại các địa phương). Còn tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng có 2 ca đang được điều trị với 1 ca vẫn còn thở máy.
Trong khi đó, tối 31.8, BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết BV cũng đã tiếp nhận nữ BN T.T.T.H (41 tuổi, ngụ TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong tình trạng nặng sau khi ăn pate Minh Chay. BV đã thay huyết tương 5 lần, cho thở máy, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ. Hiện tại BN tỉnh, tiếp xúc được. Sức cơ tứ chi cải thiện 4/5 nhưng cơ hô hấp còn yếu nên chưa cai máy thở được.
Phải nhập thuốc khẩn cấp
Tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng đang điều trị nội trú 2 BN là hai vợ chồng (ông Đ.G.T, 70 tuổi, và bà T.B.L, 68 tuổi), bị nhiễm độc Clostridium botulinum sau khi cùng ăn pate Minh Chay. Hai BN nhập viện trong tình trạng liệt lan tỏa, liệt từ vùng đầu mặt cổ lan xuống tới tay, chân, đồng tử giãn.
BN cho biết tháng 7 vừa qua mua pate Minh Chay trên mạng sử dụng dần. Lần ăn cuối cùng vào khoảng cuối tháng 7. Các triệu chứng xuất hiện sau đó một thời gian ngắn, hai ông bà được đưa vào điều trị tại BV Lão khoa T.Ư, sau đó được chuyển sang BV Bạch Mai điều trị ngày 18.8.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, cho biết hai BN vẫn liệt hoàn toàn các cơ từ đầu đến chân, không thở được, phải phụ thuộc vào máy thở, tiên lượng khá nặng. Đây là những ca ngộ độc Clostridium botulinum đầu tiên tại BV Bạch Mai trong nhiều năm qua. Do Việt Nam hiện không có thuốc giải độc Clostridium botulinum, BV Bạch Mai đã cấp tốc gửi công văn lên Bộ Y tế báo cáo. Ngay sau đó, BV Bạch Mai, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải làm việc rất gấp rút để có thể đưa được 2 lọ thuốc giải độc từ một trung tâm chống độc của Thái Lan về Việt Nam trong 10 ngày.
‘‘Ngày 29.8 vừa qua 2 lọ thuốc giải độc đã được vận chuyển về Việt Nam và được sử dụng ngay cho 2 BN. Giá bán của mỗi lọ thuốc này tại Thái Lan lên đến 8.000 USD và toàn bộ chi phí hiện do WHO chi trả”, BS Nguyên nói và cho biết thêm với các ca bệnh có dấu hiệu nhẹ hơn, BN chỉ điều trị triệu chứng, hoặc điều trị ngoại trú. “Nếu tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh nặng thì nguồn cung thuốc điều trị sẽ rất khó khăn”, BS Nguyên nói.
1.290 người ở TP.HCM mua Pate Minh Chay
Liên quan ca bệnh nhập viện sau sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, ngày 31.8, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có văn bản hỏa tốc gửi BV Bạch Mai (Hà Nội), BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đề nghị thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc tố Clostridium botulinum có tiền sử dùng thực phẩm pate Minh Chay; cung cấp kinh nghiệm trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị; báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh và tình trạng hiện tại của BN. BYT sẽ có văn bản hướng dẫn chung cho các BV về công tác phát hiện ca bệnh, chẩn đoán để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi phát hiện ca bệnh mới.
Trong một diễn biến khác, sáng 31.8, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, có công văn gửi 24 quận, huyện trên địa bàn về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn liên quan các BN nhập viện sau khi ăn pate Minh Chay. Ban Quản lý ATTP đề nghị UBND 24 quận, huyện kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, TT.Đông Anh, H.Đông Anh, Hà Nội) và thông báo cụ thể về Ban, gồm 13 sản phẩm: pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mù, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc cháy tỏi.
PGS-TS Lan cũng cho biết Ban Quản lý ATTP đã xác minh có 1.290 khách hàng tại TP.HCM mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7 và 8.2020 qua mạng. Ban đã liên lạc với người mua cảnh báo ngưng sử dụng và thu hồi. Hiện Ban tiến hành rà soát các cửa hàng.
Độc lực vi khuẩn Clostridium botulinum rất mạnh
Trước đó, Cục ATTP (Bộ Y tế) thông báo khẩn trong thời gian từ ngày 13.7 - 18.8 đã xuất hiện 9 ca bệnh từ một số tỉnh trong cả nước phải điều trị tại BV Bạch Mai (2 ca), BV Chợ Rẫy (5 ca, chưa tính ca mới) và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (2 ca).
Các BN nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... Qua điều tra cho thấy các BN đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới.
Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm pate Minh Chay của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum thể B có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. (Thanh niên, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).