Nhóm máu và sức khỏe
Một loạt các cuộc nghiên cứu do nhiều tổ chức thực hiện cho thấy nhóm máu có thể thao túng tình trạng sức khỏe của từng người. Nhóm máu là một trong những điều bí mật nhất của thế giới loài người. Đến nay chẳng ai giải thích được tại sao chúng ta lại được phân thành các nhóm máu khác nhau. Tuy nhiên, khoa học đang góp phần lần ra manh mối, cho thấy việc sở hữu một nhóm máu cụ thể sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe - có thể kể đến các nguy cơ như gặp vấn đề về giới tính và sinh sản, phát Alzheimer (một dạng mất trí nhớ), nghẽn mạch máu nguy hiểm, thậm chí ung thư.
Ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản
Một báo cáo mới công bố gần đây cho thấy nguy cơ trục trặc trong sinh hoạt tình dục ở những người đàn ông nhóm máu O thấp hơn đến 4 lần so với 3 nhóm máu còn lại. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do Đại học Ordu (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện và đăng trên chuyên san Archives of Italian Urology and Andrology. Theo đó, nhóm máu có thể là yếu tố nguy cơ tương tự thói quen hút thuốc, thừa cân và huyết áp cao ở đàn ông. Dù lý do chính xác đằng sau sự liên hệ này vẫn chưa rõ, các nhà khoa học cho hay có thứ gì đó trong cơ thể nam giới nhóm máu A, có thể ảnh hưởng xấu tới những mạch máu nằm tại vùng kín, dễ gây nên tình trạng rối loạn cương dương.
Ở nữ giới, nhóm máu ảnh hưởng đến năng lực sinh sản. Trong vấn đề này, nhóm máu A tốt hơn nhiều so với nhóm máu O. Trong thời gian qua, các cuộc nghiên cứu liên tục cung cấp chứng cứ về thực tế cho thấy phụ nữ nhóm máu O làm cạn kiệt kho trứng sớm hơn so với những nhóm máu còn lại. Báo cáo vào năm 2011 của Đại học Yale (Mỹ) thực hiện đối với hơn 560 phụ nữ ở độ tuổi giữa 30 đang điều trị vô sinh, đã phát hiện những người nhóm máu O đối mặt với nguy cơ cao gấp 2 lần (có số lượng trứng thấp hơn và chất lượng kém hơn) so với nhóm A. Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là khả năng thụ thai thấp hơn hẳn. Một cuộc nghiên cứu khác lại đề cập đến các gien di truyền, xác định nhóm máu O phải chịu trách nhiệm cho việc trứng có vấn đề. Song “bù qua sớt lại”, tin vui là thai phụ nhóm máu O ít bị tiền sản giật hơn những nhóm máu khác, theo báo cáo đăng trên chuyên san Blood Transfusions hồi năm ngoái.
Lợi thế của nhóm máu O
Nhóm máu quan trọng là vậy, nhưng ít người lại biết rõ nhóm máu của mình, trừ phi họ đi hiến máu. Thông tin về nhóm máu có thể giúp chúng ta tự bảo vệ sức khỏe, và một số nhóm máu được biết đến với năng lực phòng vệ trước những căn bệnh khác nhau. Chẳng hạn, các cuộc nghiên cứu do Đại học Toronto (Canada) thực hiện vào năm 2014 cho thấy người nhóm máu O được bảo vệ tốt hơn trước sự tấn công của bệnh sốt rét. Điều này có vẻ do các tế bào miễn dịch của người có năng lực nhận dạng tốt hơn những tế bào máu O bị nhiễm bệnh so với phần còn lại, và tổ chức tấn công nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, hệ miễn dịch dường như chỉ là một phần của câu chuyện.
Theo sau kết quả chụp ảnh não ở 189 người Anh, nhóm chuyên gia của Đại học Sheffield (Anh) phát hiện khối lượng chất xám ở người nhóm máu O cao hơn hẳn ở các vùng não chủ chốt có liên quan đến khả năng ăn nói, phối hợp và cân bằng. “Chúng tôi cho rằng hàm lượng chất xám được tác động bởi các yếu tố di truyền quyết định nhóm máu”, theo trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Annalena Venneri. Bên cạnh mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, người nhóm máu O do có nhiều chất xám hơn khi còn trẻ, sẽ chịu đựng được tình trạng thất thoát lúc tuổi già, hạn chế nguy cơ mất trí nhớ do tuổi tác. Trên thực tế, một báo cáo khác đăng trên chuyên san Neurology vào năm 2014 cho thấy người nhóm máu O đối mặt với nguy cơ tổn thất về nhận thức thấp hơn so với nhóm A và B. Dựa trên kết luận này, các chuyên gia khuyên những nhóm máu khác ngoài O nên tăng cường các hoạt động kích thích não bộ nếu muốn duy trì trí nhớ.
Một bức tranh tương tự cũng xuất hiện ở khía cạnh tắc nghẽn động mạch và tĩnh mạch có thể dẫn đến nguy cơ chết người. Theo chuyên san Circulation hồi năm ngoái, báo cáo kéo dài 5 năm với sự tham gia của 1,5 triệu người hiến máu ở Đan Mạch cho thấy nguy cơ mắc chứng máu vón cục ở người nhóm máu O thấp hơn đến 30%, dù là chứng nghẽn mạch máu hay tắc động mạch phổi. Thêm vào đó, có chứng cứ cho thấy người nhóm máu B có nguy cơ cao hơn hẳn các nhóm máu khác trong việc tái phát các chứng nghẽn mạch máu, dù chưa rõ nguyên nhân. Những nghiên cứu trên có thể giải thích lý do tại sao người nhóm máu A đối mặt nguy cơ chết sớm. Ngoài ra, nhóm máu O dường như ngăn ngừa các chứng ung thư một cách hiệu quả. (Thanh niên, trang 16).
Ăn mặn ảnh hưởng đến tầm vóc trẻ
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 60% người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối vượt quá khuyến cáo 2-3 lần.
Theo đó, mức được khuyên dùng chỉ là 5g/người/ngày, nhưng ở nhiều địa phương, điển hình là Nghệ An, trung bình người dân dùng 13g muối/người/ngày. Ngay cả tại Hà Nội, nơi người dân được tiếp cận với nhiều thông tin nhất, lượng muối sử dụng cũng lên tới 9g/ngày, gần gấp đôi lượng cho phép.
Ăn muối nhiều gấp 2-3 lần lượng cho phép
Thực tế cho thấy, thói quen ăn mặn của người lớn ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu thụ muối hàng ngày ở trẻ. Cụ thể, trẻ lớn lên ở những gia đình có thói quen ăn mặn thì khẩu vị cũng có xu hướng như vậy.
Nguyên nhân được lý giải là vì khi nấu ăn cho các bé, cha mẹ thường có thói quen nêm nếm gia vị vừa miệng mình vì nghĩ rằng: trẻ cũng giống như mình, phải vừa miệng mới ăn ngon. Chính vì vậy, khẩu vị của bé sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn và nếu người lớn ăn mặn thì đương nhiên, trẻ cũng sẽ hình thành thói quen này ngay từ nhỏ.
Bên cạnh việc gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, thận hư, tim mạch có vấn đề thì thói quen ăn mặn còn ảnh hưởng đến tầm vóc trong tương lai của trẻ. Nguyên nhân chính dẫn đến những hậu quả là bởi trong muối thành phần natri - nguyên tố có khả năng hấp thụ nước chiếm tới 40%.
Vì thế, khi chúng ta dùng quá nhiều muối, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng tích nước. Tích nước sẽ gây phù, khiến lượng máu tăng lên và gây ra huyết áp cao. Huyết áp cao không chỉ gây ra các bệnh về tim mạch mà còn tạo ra áp lực cho động mạch dẫn đến thận, từ đó gây hại cho thận. Không chỉ vậy, natri còn đào thải canxi khỏi cơ thể, khiến chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng. Điều này lý giải vì sao trẻ có thói quen ăn mặn thường thấp còi.
Ăn nhạt khác ăn nhạt hoàn toàn
Thói quen ăn mặn rất khó bỏ, thậm chí sẽ gia tăng theo thời gian. Bởi lẽ, khi đã quen với vị đậm đà, trẻ sẽ thấy nhạt miệng, khó ăn với những món được giảm muối. Thế nên, việc cho trẻ ăn nhạt ngay từ nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo Tiến sĩ Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec các bé dù mới sinh ra cũng rất cần muối để cơ thể phát triển toàn diện, bởi trong nước tiểu cũng có muối, nước mắt cũng có muối, mồ hôi cũng có muối, nên nếu không bổ sung hàng ngày thì cơ thể dễ sinh bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung một cách có liều lượng. Chẳng hạn, với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, nhu cầu muối chỉ khoảng 1g/ngày. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 1,5g/ngày. Trẻ 4-8 tuổi cần 1,9g/ngày. Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 2,2g/ngày. Vượt quá lượng muối cho phép này, trẻ sẽ gặp nhiều rắc rối về sức khỏe.
Một câu hỏi được đặt ra là, nếu ăn mặn, sau đó chúng ta uống nhiều nước thì có đẩy được lượng muối thừa ra khỏi cơ thể không? Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Thu Mai cho rằng, việc ăn bao nhiêu muối tương đương với việc trẻ được phép nạp bao nhiêu lượng natri vào cơ thể.
Khi lượng natri vào cơ thể dư thừa, nó sẽ không bị đào thải bởi nước, bởi vốn dĩ đây là phân tử ngậm nước. Uống nước chỉ giải quyết được vấn đề về cảm giác, là đỡ khát mà thôi. Thực tế, muối không chỉ có trong bột canh, nước mắm mà còn xuất hiện nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn để kích thích vị giác. Bởi thế, với trẻ nhỏ, bạn không nên cho bé ăn quá nhiều bim bim, thịt nguội, thịt nướng sẵn, vì ngoài lý do về an toàn thực phẩm, nó còn là nguyên nhân làm hỏng vị giác của bé.
Để có thể mang lại cho trẻ một bữa ăn bổ dưỡng, ngon miệng, chọn nguyên liệu tươi, sạch luôn là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, gia giảm thế nào cho vừa miệng, có lợi sức khỏe cũng rất quan trọng. Do đó, đừng để món bổ dưỡng trở thành món ăn có hại cho sức khỏe của trẻ chỉ vì sở thích đậm đà của mình.
Ăn nhạt và ăn nhạt hoàn toàn là khác nhau. Ăn nhạt hoàn toàn, tức là không nêm nếm một tí gia vị nào vào thức ăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nhưng ăn nhạt theo nghĩa giảm lượng muối đi thì sẽ rất tốt cho sức khỏe của trẻ (An ninh Thủ đô, trang 3).
Phân biệt cúm gia cầm và cảm lạnh
Vào mùa đông xuân, bệnh cảm lạnh và bệnh cúm thường xuất hiện, trong khi cúm gà A/H5N1 và A/H7N9 đang bùng phát ở nước láng giềng. Cảm lạnh và cúm đều có những biểu hiện khá giống nhau như: hắt hơi, ho, đau họng, sốt... nhưng người bị cúm có diễn tiến nhanh hơn và biến chứng nguy hiểm hơn nhiều.
Triệu chứng
Cảm lạnh (còn được gọi là cảm, viêm mũi họng, sổ mũi cấp) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng mũi. Bệnh cảm lạnh do các virus đường hô hấp gây nên thường có các dấu hiệu như ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau đầu, đau nhức cơ thể, mất cảm giác ngon miệng và sốt.
Với cảm lạnh, dấu hiệu đầu tiên thường là đau họng, có thể biến mất sau 1-2 ngày. Sau đó là các biểu hiện ở mũi như: chảy nước mũi, tắc mũi, cộng với ho vào ngày thứ tư và thứ năm của bệnh. Người lớn thường không bị sốt nhưng trẻ nhỏ thì có thể bị sốt nhẹ. Trong vài ngày đầu, bạn sẽ thấy chảy nước mũi trong nhiều, sau đó thì nước mũi đặc lại. Nếu bệnh không cải thiện sau một tuần, thì có thể là nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, khi đó bạn cần uống thuốc kháng sinh.
Trong khi đó, những biểu hiện của bệnh cảm cúm thông thường (do thời tiết) nặng hơn cảm lạnh và diễn tiến nhanh. Biểu hiện gồm: đau họng, sốt, đau đầu, đau nhức và mỏi cơ, ho...
Riêng với bệnh cúm gia cầm, virus lây truyền qua thịt, ruột của chúng, qua không khí, chất thải, phân và có thể gây nhiễm cho thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo.
Khi lây sang người, ngoài các triệu chứng tương tự như bệnh cảm lạnh, các triệu chứng về viêm và suy hô hấp rất rõ rệt. Bệnh diễn biến nhanh như ho khan, khó thở, khò khè, thở gấp, môi tái, sốt liên tục trên 38 độ C hoặc sốt cao đột ngột, một số trường hợp rét run, mặt đỏ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Biến chứng
Cảm lạnh có thể gây biến chứng nặng thành viêm phổi ở người già yếu và trẻ nhỏ hoặc những người bị ức chế miễn dịch. Với phụ nữ mang thai, nó có thể gây biến chứng viêm phổi hoặc sảy thai. Nhiễm trùng thứ phát có thể dẫn đến viêm xoang, viêm họng hoặc viêm tai.
Trong khi đó, bệnh cúm gia cầm có thể gây biến chứng viêm phổi cấp tính, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời. Khởi đầu của bệnh như cúm thường, rồi xuất hiện hội chứng suy hô hấp do phù phổi cấp tính gây tử vong do thiếu oxy máu không khắc phục được.
Phòng ngừa
Khi xuất hiện triệu chứng dù nghi là cảm cúm hay cảm lạnh đều cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, nếu bệnh xảy ra ở người có tiếp xúc với gia cầm với bất kỳ hoàn cảnh nào (chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh…) cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Đề phòng cúm gia cầm, người dân chỉ nên mua bán những loại gia cầm đã kiểm dịch an toàn, rõ nguồn gốc; ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ khi tiếp xúc gia cầm, tuyệt đối không được giết, mổ, ăn, đem cho, đem bán gia cầm chết. Hạn chế tiếp xúc, thăm nuôi, ăn uống với người bệnh. Cần tiệt trùng các vật dụng gia đình như chăn, màn, giường chiếu, áo quần của người bệnh vừa sử dụng (An ninh Thủ đô, trang 3).
Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm nhưng thiếu bền vững
Sau việc thực hiện hàng loạt giải pháp mạnh nhiều năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt mục tiêu ba giảm: giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS. Mặc dù dịch có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, cho nên rất cần những biện pháp can thiệp mạnh mang tính bền vững. |
Giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con Theo số liệu thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, năm 2016, cả nước phát hiện mới khoảng 10 nghìn người nhiễm HIV, 6.500 người chuyển sang AIDS và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. PGS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát số liệu thống kê, có một số trường hợp bị trùng lặp, hoặc không đúng tên, địa chỉ, cho nên đã đề xuất loại khỏi danh sách người nhiễm HIV, hoặc các trường hợp báo cáo còn sống, nhưng khi xác minh thì đã tử vong. Theo báo cáo, kể từ đầu vụ dịch đến nay, trên cả nước có 215.621 người nhiễm HIV còn sống, 88.868 người ở giai đoạn AIDS và 89.412 người nhiễm HIV đã tử vong. Kết quả phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV cho thấy nữ giới chiếm 30,2%, nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, nhiễm qua đường máu 34%, nhiễm do mẹ truyền sang con chiếm 2%, tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới tăng cao chiếm 69,8%. Về tình hình dịch HIV/AIDS; số người xét nghiệm phát hiện HIV mới tiếp tục giảm, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2015, số tử vong ở mức 2.000 trường hợp mỗi năm và sẽ có xu hướng tăng lên ở các tỉnh dịch đã lâu năm, hơn nữa mức độ bao phủ về điều trị còn hạn chế. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả nổi bật. Các hoạt động tiếp cận cộng đồng, tiếp cận thông qua đồng đẳng, truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao-su đã phát huy tác dụng. Đến cuối tháng 8-2016, Chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 62 tỉnh, thành phố với 265 cơ sở và điều trị cho 50 nghìn người bệnh. Các chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV được triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã kết hợp cấp phát thuốc ARV với các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào gia đình và cộng đồng. Tính đến 30-6-2016, trên toàn quốc có khoảng hơn 110 nghìn người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) tại 407 cơ sở điều trị, tăng gần bốn nghìn người so với cuối năm 2015. Tỷ lệ người bệnh đang điều trị ARV đạt 48% tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống được báo cáo. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thúc đẩy mạnh trong nhiều năm trở lại đây, với các hoạt động từ truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở... đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, có địa phương tỷ lệ này giảm xuống dưới 5%... Tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV còn cao Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh, hiệu quả. Đáng chú ý, trong số những người nhiễm HIV có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao-su mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận. Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm, dẫn tới, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển người bệnh sang hệ thống điều trị thanh toán qua Bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT... Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, để giữ vững và bảo đảm những thành quả mà công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, trước tiên chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang hình thức lồng ghép, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước bao gồm ngân sách trung ương, địa phương và BHYT. Dồn tổng lực để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, gồm cả việc ban hành văn bản mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành kể cả Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS từ trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đến các phòng khám và điều trị HIV/AIDS. Lồng ghép các dịch vụ và phân cấp về tuyến cơ sở, cộng đồng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị Methadone, điều trị ARV. Mở rộng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị cũng như giám sát dịch, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, nhất là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Đó là những giải pháp chính, nhằm bảo đảm duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS được bền vững (Nhân dân (trang 5). |