Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế: Các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen; Hà Nội: Phân bổ thêm 17.850 liều vắc xin AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã; Hà Nội ghi nhận biến thể phụ XBB của Covid-19, đang có 21 ca dấu hiệu chuyển nặng...

 

Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình xứng đáng với sự tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 18-4, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ứng Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình (20/4/1963 - 20/4/2023). Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Bệnh xá Vân Đình (nay là Bệnh viện Đa khoa Vân Đình) được thành lập năm 1957 với chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Ngày 20-4-1963, y sĩ, bác sĩ của Bệnh xá đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Người đã dành thời gian thăm từng phòng bệnh, động viên người bệnh, thăm nhà mẫu giáo, vườn thuốc Nam và gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên đơn vị. Người đặt tên cho Bệnh xá Vân Đình là “Nhà thương Vân Đình” và căn dặn: “Trong công tác phục vụ, cần phải coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần: Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ tốt, coi người bệnh như ruột thịt...”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác, phát huy sáng kiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Đến nay, bệnh viện có 5 phòng chức năng và 19 khoa, với 444 cán bộ, viên chức, người lao động, 420 giường bệnh; trung bình số lượt người khám bệnh khoảng 650-1.000 lượt/ngày. Bệnh viện đã thực hiện được những phẫu thuật lớn…

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, 60 năm thực hiện học tập và làm theo lời Bác, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình luôn giữ vững truyền thống tận tụy, chủ động, sáng tạo trong phục vụ người bệnh, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Ba lần nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, đơn vị Anh hùng Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, tổ chức cơ sở Đảng nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh…

“Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ứng Hòa; cán bộ, nhân viên ngành Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình xin nguyện mãi mãi noi theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi theo con đường Bác đã lựa chọn; đưa huyện Ứng Hòa và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình ngày càng phát triển, xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận đánh giá cao những kết quả mà Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đạt được trong 60 năm qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, y sĩ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong suốt thời gian qua. Đồng chí tin tưởng, mong muốn, với truyền thống Anh hùng và bề dày thành tích của ngành Y tế huyện, của Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên bệnh viện sẽ không ngừng phát huy đạo đức, y đức, phẩm chất; cùng đoàn kết, chung tay xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực, từ đó tham gia xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, cao quý của ngành Y tế Thủ đô nói chung và bệnh viện nói riêng, mỗi cán bộ, nhân viên bệnh viện cần thực hiện tốt chuẩn mực y đức cao quý của người thầy thuốc theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Cùng với đó, cần không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, chú trọng lĩnh hội, phát triển các kỹ thuật của nền y học thế giới, đáp ứng các nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Ngoài ra, bệnh viện rà soát lại các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống của cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện lời căn dặn của Bác “Có thuốc hay thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, trong giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm, trong đó có lĩnh vực y tế, với tổng vốn đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng. Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình được đầu tư với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, Sở Y tế căn cứ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện dự án, bảo đảm xây dựng bệnh viện phát triển tương xứng với tiềm năng.

Lưu ý, dịch bệnh Covid-19 đang tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, bệnh viện thường xuyên cập nhật, bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố và Sở Y tế, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền khẳng định, sẽ xây dựng những chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình phát triển, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo của thành phố, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Thầy thuốc như mẹ hiền". (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hà Nội: Phân bổ thêm 17.850 liều vắc xin AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã

Ngày 18-4, Sở Y tế Hà Nội có Quyết định số 1419/QĐ-SYT về việc tiếp tục phân bổ thêm 17.850 liều vắc xin AstraZeneca sử dụng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Cụ thể, 17.850 liều vắc xin AstraZeneca được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, huyện Sóc Sơn được phân bổ số lượng vắc xin nhiều nhất là 1.420 liều, tiếp đến là quận Nam Từ Liêm được phân bổ 1.310 liều, quận Bắc Từ Liêm 1.220 liều, quận Đống Đa 1.060 liều, quận Hà Đông 950 liều, quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Oai mỗi đơn vị được 940 liều, quận Hoàng Mai 810 liều, huyện Ba Vì 830 liều…

Các quận, huyện, thị xã còn lại được phân bổ từ 160 đến 670 liều. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội được phân bổ 1.000 liều.

Sở Y tế Hà Nội giao CDC thành phố tiếp nhận vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và phân bổ cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, theo dõi sát nhu cầu sử dụng vắc xin của các đơn vị.

“Căn cứ quyết định phân bổ, tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và nhu cầu sử dụng thực tế để tham mưu kế hoạch sử dụng vắc xin, phân bổ và điều chuyển vắc xin đúng quy định”, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.

Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu, các đơn vị thực hiện tiếp nhận vắc xin tiếp tục thực hiện tiêm liều cơ bản, bổ sung và các liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh lãng phí; sử dụng hết vắc xin trước hạn sử dụng, không để tình trạng hủy vắc xin.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 99,9% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản; 98,9% đã được tiêm 3 mũi và 84,6% đã được tiêm mũi 4. Riêng đối với nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ trẻ đủ mũi cơ bản đã đạt 99,9% và 58,1% trẻ nhóm này đã hoàn thành 3 mũi. Nhóm trẻ nhỏ từ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 57,6%.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19 cơ bản (gồm mũi 1, mũi 2) thì cần tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (gồm: mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để triển khai tiêm.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc những ngày qua có xu hướng tăng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tổng hợp nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm trong 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt là tiêm cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai… (Hà Nội mới, trang 5).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Hà Nội phân bổ 17.850 liều vaccine AstraZeneca cho quận, huyện yêu cầu không để quá hạn”.

 

1.522 ca mắc COVID, 102 bệnh nhân nặng: Sớm cập nhật hướng dẫn điều trị

Tất cả biến thể phụ Omicron phổ biến trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam. Dự kiến tuần này nước ta cập nhật hướng dẫn điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Ngày 18/4, Việt Nam ghi nhận 1.522 ca mắc COVID-19 và 102 bệnh nhân nặng. Đây là ngày có số ca mắc mới và ca nặng cao nhất trong gần 1 năm qua tại nước ta. Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành rộng rãi trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF… Trong đó, biến thể phụ XBB.1.5 đã có mặt tại 95 quốc gia.

“Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện lưu hành ở hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế”, GS Lân nói. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 2.070 ca mắc COVID-19, trung bình 160 ca mắc mỗi tuần, tỉ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Từ đầu tháng 4 đến nay, số mắc có xu hướng tăng. Từ ngày 1- 7/4 có 278 ca/tuần, tỉ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ ngày 8 - 14/4 tăng lên 2.000 ca, nhưng tỉ lệ nặng/mắc giảm còn 1,1%. “Kết quả giám sát giải trình tự gien cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam”, ông Lân nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh viện tiếp nhận điều trị 20 ca mắc COVID-19 trong tháng Một, 21 ca tháng Hai, 45 ca tháng Ba, 47 ca trong tuần đầu tháng Tư, 85 ca trong tuần thứ hai. Đến cuối chiều 18/4, bệnh viện đang điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. “Trong số 21 bệnh nhân này, hầu hết trên 70 tuổi. Phần lớn có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan…”, bác sĩ Hà cho hay. Bệnh viện đã thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Học, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết: “Từ đầu tháng Tư đến nay, số người bệnh đến khám tại bệnh viện có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 có xu hướng tăng”. Trước đó, trung bình một tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận 10-15 ca dương tính. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, khoa Cấp cứu tiếp nhận đến 68 ca, riêng ngày 11/4 có đến 18 trường hợp. Trong đó, tỉ lệ nhập viện điều trị là khoảng 25% (17/68 bệnh nhân). Bác sĩ Học cho biết, so với trước đây, triệu chứng của bệnh hầu như không thay đổi nhiều. Phần lớn bệnh nhân vào viện với các biểu hiện gần giống cúm và các loại sốt virus khác như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan, sốt, đau mỏi người... Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5-7 ngày.

Tuần này cập nhật hướng dẫn điều trị phù hợp

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, Cục đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19. Trong tuần này dự kiến họp Hội đồng chuyên môn để rà soát, cập nhật hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới. Đối với việc sàng lọc tại bệnh viện, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu, hậu phẫu... “Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cùng đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện”, TS Khoa nói.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa cấp thêm cho Hà Nội 10.000 liều vắc-xin phòng COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vắc-xin để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu sớm họp hội đồng chuyên môn, rà soát, cập nhật hướng dẫn điều trị, tổ chức phổ biến. Các đơn vị rà soát lại các nội dung về cấp phép, mua sắm, tiếp nhận tài trợ, phân bổ, điều chuyển trang thiết bị, thuốc, vắc xin… để chủ động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp về phòng chống dịch COVID-19 để người dân tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), người bệnh nằm điều trị tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật. (Tiền phong, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Có 14 bệnh nhân Covid-19 phải thở máy”; Thanh niên, trang 15: “Ngày 18.4 trong nước ghi nhận thêm 1.522 ca mắc Covid-19”.

 

Chủ động trước diễn biến mới của dịch Covid-19

Gần đây, số ca mắc dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần thứ 2 của tháng 4, cả nước ghi nhận hơn 2.653 ca mắc mới Covid-19 (trung bình 379 ca/ngày), là tuần có số ca mắc cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Dù số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại nhưng thực tế tình hình dịch Covid-19 trong nước đang được kiểm soát tốt khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới nên giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua hơn 105 ngày không ghi nhận ca tử vong.

Đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vaccine, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc) thì tất cả yếu tố đều là màu xanh - an toàn và không vượt qua cấp độ 1.

Dịch Covid-19 gia tăng do đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới, chiếm ưu thế và có đặc tính lây lan nhanh. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.

Hơn nữa, hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng với đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch tăng rất cao cũng làm gia tăng sự giao tiếp, giao lưu tạo điều kiện cho virus lây lan.

Đáng lưu ý, thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine nhưng cũng vì thế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như: lơ là đeo khẩu trang và khử khuẩn… làm gia tăng sự lây nhiễm.

Dù chúng ta đã bao phủ rất cao vaccine Covid-19, với liều cơ bản bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, nhưng có nơi, có chỗ, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn, nhất là với đối tượng nguy cơ cao.

Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát, nhưng trước các yếu tố nguy cơ trên đòi hỏi chúng ta không được phép chủ quan, lơ là, cũng không quá hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh, chủ động chuẩn bị để đáp ứng kịp thời với các tình huống của dịch.

Bởi lẽ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục có đánh giá rằng thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Để phòng ngừa dịch Covid-19, đòi hỏi các địa phương, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, trong đó đẩy mạnh rà soát cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch; công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã, phường, khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng, không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Sắp tới là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày, nhu cầu đi lại, giao lưu, du lịch tăng cao nên người dân và cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hà Nội ghi nhận biến thể phụ XBB của Covid-19, đang có 21 ca dấu hiệu chuyển nặng

Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tuần đầu tháng 4 có 47 ca Covid-19 vào viện, tuần 2 tăng lên 85 ca và đến hết ngày 17-4 có 146 ca đang điều trị, trong đó 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 17-4 cho thấy, chỉ riêng từ ngày 12-16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca Covid-19 mới, cao điểm ngày 16-4 có 99 ca mắc. Trong khi đó 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.

Đáng chú ý, trong tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã gửi 10 mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19 tại 6 quận, huyện, thị xã tới Bệnh viện Bạch Mai thực hiện giải trình tự gene tìm biến thể mới virus SARS-CoV-2.

Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, phát hiện 2 mẫu bệnh phẩm dương tính Covid-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm là thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ. Đây là chủng có ở nhiều nước như Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines.

Cũng liên quan đến công tác giải trình tự gen, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gen cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.

"Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế" - ông Lân khẳng định.

Về công tác điều trị, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Thanh Hà cho biết, thời điểm tháng 1-2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca, nhưng từ tháng 4 đã tăng lên. Cụ thể, tuần đầu tiên là 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca và cập nhật đến cuối chiều nay, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.

Trong số 21 bệnh nhân này hầu hết trên 70 tuổi; đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan… (An ninh Thủ đô, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Số ca mắc COVID-19 tăng, Hà Nội phát hiện biến chủng XBB 1.9.1”.

 

Bộ Y tế: Các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen

Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen; Đồng thời triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị COVID-19.

Ngày 17/4, Bộ Y tế đã có văn bản tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành.

Phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành cho biết, số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng tăng. Trong 7 ngày từ 05/4/2023 đến 11/4/2023 cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày, qua phân tích 639 ca mắc mới đã ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2%) nhóm từ 50 tuổi trở lên, số ca nhập viện có xu hướng gia tăng và đã có 10 ca nặng. Riêng 3 ngày qua (14, 15, 16/4/2023) đã ghi nhận 2272 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có 757 ca mắc.

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai một số giải pháp. Cụ thể:

Rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp.

Chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp với bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế.

Đồng thời, tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị COVID-19

Bộ Y tế cũng yêu cầu tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…. Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.

Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19 khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng.

Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 04/3/2023 và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023, của Chính phủ để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị COVID-19 nói riêng. Đồng thời, nghiêm túc báo cáo số liệu hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế theo địa chỉ cdc.kcb.vn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang