Hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc - Tìm cơ chế giữ chân người ở lại
Từ năm 2021 đến nay, toàn quốc có trên 9.400 nhân viên y tế (NVYT) xin thôi việc, bỏ việc. Làn sóng ồ ạt rời bỏ cơ sở y tế công có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do áp lực công việc, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Thực trạng này đang ảnh hưởng lớn tới hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và gây ra nhiều hệ lụy tới các thế hệ cán bộ y tế kế cận.
Ồ ạt bỏ việc
Là Trưởng Khoa Ngoại thần kinh của một bệnh viện công ở TPHCM, sau hơn 2 năm cùng các đồng nghiệp lặn lội đến nhiều địa phương chống dịch Covid-19, bác sĩ C.T.S. đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang làm cho một bệnh viện tư. Theo bác sĩ C.T.S., dù vài năm gần đây ngành y tế đã được quan tâm hơn, thu nhập của cán bộ y tế có tay nghề có thể đủ sống, nhưng hơn 2 năm dịch dã vừa qua và nhiều vụ việc tai tiếng xảy ra trong ngành gần đây khiến ông cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. “Biết rằng khi ra làm thuê cho y tế tư nhân, chúng tôi sẽ khó có cơ hội nâng cao chuyên môn và thăng tiến, nhưng bù lại sẽ nhẹ đầu hơn và được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn”, bác sĩ C.T.S. tâm sự. Qua ghi nhận, trường hợp như bác sĩ C.T.S. đang diễn ra rất nhiều tại các đơn vị y tế và địa phương, nhất là ở thành phố lớn. Theo Sở Y tế TP Hà Nội, chỉ trong một năm rưỡi qua, toàn thành phố có tới 860 cán bộ y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác, trong đó có 153 bác sĩ của nhiều bệnh viện lớn như: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, và hầu hết có tay nghề cao. Tại TPHCM, trong năm 2021 đã có 1.154 NVYT nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 có 874 NVYT nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 NVYT nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố.
Theo Bộ Y tế, qua báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Các tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều là TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Có tới 420 NVYT công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có khoảng 300 bác sĩ và điều dưỡng tay nghề cao.
Áp lực nhiều, chế độ ít
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới NVYT công lập nghỉ việc, bỏ việc là do thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; hệ thống y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt. Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.
“Bình thường đã rất nhiều việc, thời điểm chống dịch lại càng nhiều việc hơn, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng gây ra áp lực rất lớn. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận thì ít nhất phải có 10 năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Như vậy, họ cũng đã ở ngưỡng tuổi 30-35 và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Nhưng với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng không thể khiến họ yên tâm công tác, cống hiến. Trong khi đó, người giúp việc ở các thành phố lớn hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng/tháng, kể cả người phụ hồ cũng được trả công lao động hơn 300.000 đồng/ngày, tương đương 9-10 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là công việc ở khu vực y tế công không chỉ đối mặt với áp lực lớn, mà người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, cho nên bác sĩ, NVYT luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động... Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư nhân, họ lại cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực, chính sách đãi ngộ tốt.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế: Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%...
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Để bảo đảm duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập, ngành y tế thành phố thường xuyên động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của NVYT, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể. Sở Y tế thành phố cũng đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong ngành tế. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng NVYT làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại các tuyến y tế cơ sở.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM: Việc nhiều bác sĩ có tay nghề cao đang rời bỏ bệnh viện công không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh mà sâu xa hơn còn tác động tới thế hệ kế cận. Các bệnh viện công, là nôi đào tạo, thực hành cho nhân lực ngành y, nhưng các thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì có máy móc thiết bị hiện đại, đầy đủ thuốc men và thu nhập cao hơn. Các sinh viên, các bác sĩ nội trú thiếu thầy giỏi để theo học. Tình trạng này khiến các bệnh viện lớn mất thầy, từ đó trò sẽ không được đào tạo chuẩn, dẫn đến nguy cơ mất đi một vài thế hệ kế cận.
Các tỉnh phía Nam: Nhiều y, bác sĩ bỏ bệnh viện công
Từ năm 2020 tới nay, các tỉnh phía Nam có hàng trăm y, bác sĩ, NVYT xin nghỉ việc. Phần lớn do chế độ tiền lương không đủ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình; chính sách đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế.
Tại Đồng Tháp, từ đầu năm tới nay, có khoảng 50 NVYT xin nghỉ việc, chuyển việc
Tại An Giang, từ năm 2020 tới nay, có 439 NVYT xin nghỉ việc, chuyển việc. Phần lớn người xin nghỉ việc có độ tuổi dưới 40 (gần 70%). Ngành y tế, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp để giữ chân và thu hút nhân lực bổ sung, nhưng chưa thể thành hiện thực.
Tại Trà Vinh, từ đầu năm 2022 đến nay, có 51 NVYT xin thôi việc, bỏ việc; gồm 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác. Bệnh viện Sản Nhi có số lượng nghỉ nhiều nhất là 12 người, tiếp đến là Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.
Tại Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 35 NVYT xin thôi việc, bỏ việc.
Tại Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Số lượng nghỉ việc cao hơn nhiều so với các năm trước.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 168 y, bác sĩ, nhân viên phục vụ trong các cơ sở y tế công nghỉ việc. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 89 người nghỉ, chuyển việc.
Để bảo đảm nguồn nhân lực y tế và các chế độ chính sách ưu đãi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở; xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực y tế; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đồng thời, đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Số ca mắc cúm A ở Hà Nội bất ngờ tăng cao, nhiều người lớn, phụ nữ mang thai phải nhập viện
Bên cạnh Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng thì số bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện ở Hà Nội hai tuần nay cũng tăng đột biến, biểu hiện dịch bùng trái mùa…Trong hai tuần qua, trung bình mỗi tuần Khoa Nội của Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 40-50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)…
Điều nguy hiểm là đã ghi nhận một số trường hợp sau khi mắc cúm 3-5 ngày thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, viêm não, vào viện trong tình trạng co giật, lơ mơ...
Đặc biệt, không chỉ trẻ em mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm virus cúm, một số là phụ nữ mang thai. Đa số bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: Sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, cúm thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có những ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị, trong khi trước đó chỉ ghi nhận rải rác một vài ca…
Thông thường, virus cúm phát triển mạnh vào mùa đông - xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm và ít xuất hiện vào mùa hè, vì thời tiết khô nóng. Lý giải nguyên nhân bệnh cúm A gia tăng trái mùa, các bác sĩ đều cho rằng, có thể do thời tiết biến đổi thất thường, người dân đi du lịch, giao thương nhiều, nhất là nhiều người lơ là không tiêm vaccine.
Bác sĩ Thư lưu ý, đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai có thể nhiễm cúm ở các thời điểm trong năm. Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao sức đề kháng và đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm. (An ninh Thủ đô, trang 1, Tiền phong, trang 10).
Các bệnh viện nào của Hà Nội được phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue?
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3163/SYT-NVY về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue, gửi các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập.
Theo đó, thực hiện phân tuyến quản lý điều trị người bệnh SXH Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế giao việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh SXH đối với các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố gồm: Xanh Pôn; Thanh Nhàn; Đức Giang; Hà Đông; Đống Đa; Bắc Thăng Long; Hòe Nhai; Đông Anh; Bệnh viện đa khoa Vân Đình; Sơn Tây; Thanh Trì; Sóc Sơn;
Ngoài ra còn có: Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội; Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông; Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc; Bệnh viện Nam Thăng Long.
Sở Y tế Hà Nội lưu ý, về nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến, các bệnh viện tuyến thành phố tập trung nguồn lực thu dung điều trị trường hợp SXH Dengue nặng; hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
Sở Y tế giao Bệnh viện đa khoa Đống Đa chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm của thành phố cập nhật phác đồ điều trị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh SXH để tham mưu cho Sở về công tác quản lý và điều trị người bệnh SXH trên địa bàn. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Khi nào bệnh viện hết thiếu thuốc?
Dù Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc giải quyết tình trạng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tồn tại khiến bệnh viện, bệnh nhân lâm vào cảnh chẳng đặng đừng.
Cần giải quyết cho bệnh nhân
Ngày 18.7, ghi nhận thực tế tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), vẫn xuất hiện tình trạng thiếu thuốc cả trong và ngoài danh mục bảo hiểm y tế (BHYT).
Vừa trở ra quầy thuốc BHYT tại BV chợ Rẫy, ông N.V.L (60 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho hay đơn thuốc của ông nhận được khá đầy đủ, riêng loại thuốc kê theo đơn trong danh mục là Ferricure 150 mg (bổ sung sắt cho người thiếu máu) thì ông phải ra mua ở tiệm thuốc bên ngoài. Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng đành phải mua thuốc bên ngoài vì cả 2 loại thuốc kê đơn trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng ngoài danh mục BHYT, BV cũng hết.
Theo đại diện BV Chợ Rẫy, đơn vị này đã mua sắm trên 900 mặt hàng thuốc để cung cấp cho bệnh nhân (BN), đặc biệt là thuốc cung cấp cho BN ung thư. Còn khoảng 300 mặt hàng không có nhà thầu tham gia, nên tổ chức đấu thầu lại. Về vật tư y tế (VTYT), BV đã giải quyết được 70 - 80%. Lý giải việc thiếu thuốc, VTYT thời gian vừa qua, BV Chợ Rẫy cho rằng do số BN tăng đột biến vượt ngoài dự trù của BV. Mặt khác, khi đến hạn đấu thầu thuốc thì một số số đăng ký thuốc hết hạn phải chờ Bộ Y tế gia hạn…
Trong khi đó, lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) cho biết BV đang mua sắm trực tiếp VTYT để sử dụng cho cấp cứu. Gần đây, BV này thiếu đinh, nẹp, vít mà lãnh đạo BV này giải thích là do trượt giá, khi áp thầu giá cũ thì công ty trúng thầu không bán vì giá rẻ, còn mua giá cao thì BV… sợ. BV lựa giá rẻ nhất để mua, nhưng khi mua được thì công ty… hết hàng. Tình hình này tồn tại từ tháng 2.2022 đến nay.
Ca phẫu thuật thông thường cũng phải chuyển tuyến trên
Tương tự, tại TP.Cần Thơ, tình trạng thiếu thuốc, VTYT xảy ra trầm trọng suốt 3 tháng nay, đặc biệt là BV tuyến cuối.
BS CK2 Huỳnh Minh Phú, Phó giám đốc BV đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết thiếu nhiều nhất là các nhóm thuốc gây mê, gây tê, nhóm tim mạch, thần kinh, tiền liệt tuyến… “Nhiều ca phẫu thuật rất thông thường cũng phải chuyển BN lên tuyến trên vì không có thuốc”, BS Phú nói.
Không chỉ thiếu thuốc, 2 máy chụp CT Scanner và máy chụp MRI của BV này bị hỏng 5 - 6 tháng nay không thể sử dụng được. Mỗi khi có bệnh cần chẩn đoán bằng CT Scanner hay MRI, BV phải nhờ một BV khác hỗ trợ chụp. “BV đã có công văn báo cáo Sở Y tế về chi phí sửa chữa, khắc phục, sau đó gửi Sở Tài chính thẩm định thông qua trình UBND TP. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp nên đã mấy tháng qua vẫn chưa giải quyết được”, BS Phú cho hay.
Tại Long An, BS Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, thừa nhận tình trạng thiếu thuốc và VTYT chủ yếu xảy ra ở các tuyến y tế cơ sở, tuyến tỉnh cũng có nhưng không đáng kể. Theo BS Phúc, Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11.7.2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng do cấp huyện quyết định, dưới 500 triệu đồng do Sở Y tế quyết định và trên 500 triệu đồng do UBND tỉnh quyết định. Quy định này gây khó khăn ở tuyến huyện, vì trong cơ cấu tổ chức bộ máy có rất ít người có kinh nghiệm trong đấu thầu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong việc lập hồ sơ đấu thầu không đúng quy định, phải chỉnh sửa nhiều lần, lo lắng nên xin ý kiến cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng không đảm bảo tiến độ và bị chậm trễ.
Vẫn theo BS Phúc, trở ngại lớn nhất là tại khoản c, điểm 4, điều 14 Thông tư số 15 quy định: “Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng loại thuốc, dược liệu”. Trong khi năm 2020 - 2021, các cơ sở y tế trên cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và rất ít đơn vị tổ chức đấu thầu nên khó khăn trong việc lấy giá kế hoạch. Phần lớn các địa phương đang sử dụng nguồn thuốc từ kết quả đấu thầu năm 2019 nên không thể có giá để tham khảo. Một số loại thuốc khi lấy được giá kế hoạch theo 3 kết quả trúng thầu của năm 2020 - 2021, thì các nhà thầu không đồng ý bán hoặc không tham dự do giá nguyên liệu, vật tư tăng.
“Bẫy” mua giá rẻ
Lý giải về khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng các văn bản pháp quy, các nghị định, thông tư về đấu thầu hiện chưa cập nhật; một số văn bản pháp quy liên quan mua sắm vật tư, thiết bị y tế không còn phù hợp.
Về phân nhóm vật tư, thiết bị y tế trong đấu thầu, ông Cơ chỉ ra Thông tư 14 có quy định chia nhóm chưa hợp lý; chất lượng các vật tư, thiết bị y tế trong cùng nhóm rất chênh lệch, dù chung các điều kiện cơ bản về thông số kỹ thuật. Như với ống xông hút dịch phế quản cho BN hồi sức hô hấp thở máy cùng trong một nhóm kỹ thuật nhóm 2, của 2 nhà sản xuất khác nhau. Tất nhiên, khi chấm thầu, về kỹ thuật, các chỉ số 2 xông đều đạt nhưng giá chênh lệch khá xa: 160.000 và 220.000 đồng/cái. Tất nhiên, trong cùng nhóm, sản phẩm có giá rẻ hơn thì trúng thầu. “Khi thực tế sử dụng, các y bác sĩ nhận thấy, xông rẻ tiền hơn rất cứng, hút dịch phế quản BN rất khó, thậm chí gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nhưng một số BV phải mua xông giá rẻ đó”, ông Cơ nói.
Một giám đốc BV cho biết khi xây dựng kế hoạch chỉ đưa ra tiêu chí chung về kỹ thuật, như đã phân nhóm tiêu chí theo quy định. BV không thể có chi tiết riêng theo yêu cầu điều trị. Nếu đưa ra chi tiết riêng thì sẽ phạm lỗi chỉ định thầu. Tuy nhiên, nếu chỉ mua sản phẩm giá rẻ, thì thực tế điều trị có thể nảy sinh về chất lượng trong quá trình điều trị.
Đáng lưu ý, một giám đốc BV đầu ngành cũng phàn nàn về thực tế trong mua sắm nhiều loại thiết bị đắt tiền như máy chụp cộng hưởng từ, CT. “Với các thiết bị y tế kỹ thuật cao, khi các hãng giá rẻ nhảy vào, về hình thức, chỉ số cấu hình có thể “oách” hơn cả các hãng có công nghệ tiên tiến, máy giá rẻ có thể có cấu hình xếp ngang thiết bị nhóm 1 nhưng thực tế không chụp được. Chất lượng đầu ra về kết quả chụp chẩn đoán rất chênh lệch giữa máy giá rẻ và máy đắt hơn của hãng có công nghệ cao hơn. Nhưng khi tham gia trong cùng nhóm, thì máy giá rẻ sẽ trúng thầu”, vị giám đốc trên cho biết.
Nhiều cái khó?
Theo ông Cơ, việc tìm kiếm giá thật, giá đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để làm cơ sở khi xây dựng giá kế hoạch là rất khó. Vì hiện giá vật tư, thiết bị y tế do nhà sản xuất tự kê khai, không có cơ quan chịu trách nhiệm xác định, kiểm soát. Do đó, không thể đảm bảo đó là giá chuẩn; không có tính pháp lý. Vậy, chủ đầu tư, các BV dựa vào đâu để mua sắm?
Ngày 18.7, trả lời Thanh Niên, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình hình thuốc, VTYT tại TP tạm ổn, nhưng có những khó khăn nhất định trong đấu thầu. Tại cuộc sơ kết ngành y tế 6 tháng đầu năm 2022, BS Hoài Nam cho rằng, theo Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế yêu cầu phải kê khai giá, công khai giá, nhưng rất ít đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng được. Các nhà thầu gặp khó khăn trong xây dựng mã định danh mã dùng chung theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc phát sinh trong mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch trên cả nước cũng ảnh hưởng đến tâm lý trong mua sắm của các đơn vị…
Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan phải vào cuộc
Một thành viên trong hội đồng chấm thầu của một BV đầu ngành cho biết sau 2 năm chống dịch, khi mở thầu lại có tình trạng đứt gãy nguồn cung, do nhà cung cấp không tham gia thầu; hoặc họ bỏ thầu với giá cao hơn giá kế hoạch.
“Việc bỏ giá cao hơn là do giá kế hoạch của BV đưa ra là giá trúng thầu của những năm trước. Trong khi thực tế, do một số yếu tố đầu vào tăng, nên giá sản phẩm của đơn vị thầu điều chỉnh tăng lên, cao hơn giá kế hoạch. Do đó, BV có những thuốc, vật tư cần mua nhưng không mua được”, vị này nói.
Tương tự, một lãnh đạo của BV ngoại khoa nêu ý kiến: “Chúng ta đấu thầu để có giá hợp lý, và có thể thấp hơn giá bán lẻ, thấp hơn giá kê khai. Nhưng không thể quy định cứng, cứ giá mua năm sau phải thấp hơn năm trước. Vì làm sao giá thuốc, VTYT cứ giảm mãi được. Vì thực tế hằng năm đều có trượt giá”.
“Các quy định chưa phù hợp khiến các BV công, các chủ đầu tư công rất khó tổ chức đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế và các bộ liên quan, cơ quan thẩm quyền phải vào cuộc tháo gỡ, thay vì bắt các thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trong tình huống thiếu thuốc, VTYT”, một giám đốc BV thuộc Bộ Y tế phản ứng.
Trình kết quả trúng thầu 2 tháng vẫn chưa được phê duyệt
Tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT ngày 8.7, ông Lê Văn Phúc , Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết thống kê tạm thời 8 địa phương thiếu thuốc và vật tư “khá nhiều”, gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bạc Liêu, Cần Thơ. Có địa phương trình kết quả trúng thầu lên UBND tỉnh 2 tháng vẫn chưa được phê duyệt; có nơi đấu thầu vật tư không có đơn vị tham gia hoặc mở thầu nhưng không trúng... Bên cạnh đó, có những gói thầu từ năm 2021 đến nay chưa hoàn thành, chưa thực hiện được.
Theo ông Phúc, Bộ Y tế đã mở được gói thầu tập trung trị giá khoảng 9.000 tỉ đồng, hy vọng tháng này sẽ công bố kết quả. (Thanh niên, trang 1).
Khi nào bệnh viện hết thiếu thuốc?: Kiến nghị cơ chế cho người bệnh mua thuốc... trước, thanh toán sau
Do tình trạng các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) nên người bệnh ra ngoài mua thuốc, VTYT, nhưng không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.
Từ bất hợp lý này, BHXH Việt Nam kiến nghị BYT xin cơ chế giải quyết, để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Trả lời Thanh Niên ngày 18.7, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết theo Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT, bệnh viện (BV) phải có trách nhiệm đủ VTYT khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc để bệnh nhân đi mua thuốc, VTYT ở ngoài vừa không đảm bảo, vừa khó quản lý về chất lượng bởi nhiều loại thuốc yêu cầu về bảo quản nghiêm ngặt.
Ông Phúc cho hay: “Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu VTYT một phần do đại dịch hạn chế hoạt động, nhưng trước hết là do lỗi của các cơ sở khám chữa bệnh. Tại sao trước đây các BV vẫn đấu thầu đảm bảo thuốc cho bệnh nhân, bây giờ lại kêu thiếu thuốc? Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này, mới đây đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các cơ sở khám chữa bệnh và yêu cầu bằng mọi cách để đảm bảo thuốc và VTYT cho bệnh nhân”.
Trước tình trạng này, hiện không có quy định về trường hợp nào được ưu tiên thanh toán chi phí thuốc BHYT. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho người bệnh và các BV, Bảo hiểm xã hội VN kiến nghị Bộ Y tế xin cơ chế trong trường hợp đặc biệt có thể ưu tiên cho người bệnh mua thuốc, VTYT trước và thanh toán sau.
“Trên thực tế, có những loại thuốc giá đấu thầu 10.000 đồng nhưng mua ngoài là 15.000 đồng hoặc VTYT đấu thầu giá 10 triệu đồng nhưng mua ngoài lên đến 12 - 13 triệu đồng. Vì vậy, trường hợp nào được thanh toán và thanh toán ở mức giá nào, Bộ Y tế phải xây dựng và hướng dẫn cụ thể. Bảo hiểm xã hội VN sẽ tham gia góp ý và bổ sung sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn”, ông Phúc nói.
Lãnh đạo một BV cho rằng, hiện các BV phải tự xoay xở lo cho bệnh nhân, còn về cơ chế thì chưa có gì thay đổi đột phá. Thí dụ như việc thanh toán BHYT trên máy mượn, máy đặt vừa được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN tháo gỡ thì mới đây Bộ Tài chính lại có công văn cho rằng pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được “mượn” tài sản để sử dụng. Điều này cũng gây lo lắng cho các BV khi sử dụng máy mượn, máy đặt sử dụng cho bệnh nhân BHYT. (Thanh niên, trang 2).
Số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng lên 840 ca
Chiều 18-7, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 840 ca mắc Covid-19 (tăng 95 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 4.081 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh (gấp khoảng 5 lần số ca nhiễm mới) và không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.761.435 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.567 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 4.081 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.818.357. Ngoài ra, có 29 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 20 ca thở ôxy qua mặt nạ, 4 ca thở ôxy dòng cao HFNC và 5 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.091 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7).
TP.HCM lên kịch bản thu dung 6.000 ca bệnh sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM vừa xây dựng kế hoạch đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue theo các kịch bản từ 2.000 đến 6.000 ca tại các bệnh viện để thu dung, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM chuẩn bị 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó với dịch sxh. Cụ thể, nếu số ca nhập viện là 300 người/ngày, 2.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú và số ca bệnh nặng dưới 200 thì sẽ chuẩn bị 2.045 giường điều trị và 250 giường hồi sức tích cực.
Nếu có từ 300-600 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 2.000-4.000 người đang điều trị nội trú và 200-400 ca bệnh nặng sẽ tăng cường số giường trong giai đoạn này lên 4.000 giường điều trị và 410 giường hồi sức tích cực (trong đó có 120 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Còn với tình huống có 600-900 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 4.000-6.000 ca điều trị nội trú và 400-600 ca bệnh nặng, sẽ chuẩn bị 6.000 giường điều trị và 605 giường hồi sức tích cực (trong đó có 210 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Trong các tình huống này, ưu tiên điều trị bệnh nhân người lớn nặng tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược và các bệnh viện đa khoa khác…. Với trẻ em thì tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng trang thiết bị y tế, vật tư, dịch truyền, chế phẩm máu để đáp ứng nhu cầu điều trị trong tình huống nhất định.
Theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm của máu.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng cần được tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue và bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng cần được tập huấn hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa truyền nhiễm, 2.704 bác sĩ được tập huấn hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết, 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu, 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.
Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue theo phân tuyến, tuân thủ phác đồ điều trị. Các bệnh viện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghi lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Thường xuyên duy trì hoạt động tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn với các bệnh viện tuyến cuối và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Tính đến ngày 11/7/2022, TP.HCM có 26.138 ca mắc sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, 4... đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước… Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng cuối năm các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung 13 nhiệm vụ trọng tâm.
1/ Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
2/ Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
3/ Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
4/ Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng, an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
5/ Thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
6/ Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
7/ Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Các bộ, cơ quan, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023), sẵn sàng cho mọi tình huống; tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về sử dụng thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng chống chỉ định, người dân tiếp cận thuốc thuận tiện; tăng cường quản lý giá thuốc, chống đầu cơ, tăng giá, tham nhũng, tiêu cực; chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu, đánh giá tác động của các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện để chủ động giải pháp trong công tác phòng ngừa, khống chế dịch.
8/ Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân
9/ Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
10/ Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện tổ chức, bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.
11/ Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
12/ Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
13/ Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Thứ trưởng Bộ Y tế: Lần sửa đổi này, Luật BHYT dự kiến điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn
Luật BHYT sửa đổi được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi như Luật KCB, Luật BHXH, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Luật hình sự, Luật Lao động… vì vậy, việc xây dựng cần được cân nhắc để bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với pháp luật liên quan
BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó sự thay đổi chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Luật BHYT là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra tại hội thảo "xây dựng Dự án Luật BHYT sửa đổi" do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành, sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực của Bộ Y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng.
Số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12/ 2021, toàn quốc có trên 88,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,01% dân số, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13; phấn đấu đến hết năm 2022 đạt chỉ tiêu bao phủ 92,6% dân số có thẻ BHYT.
"Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19 tỷ lệ này vẫn duy trì được chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội, nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội nói chung và BHYT nói riêng"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết; các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn có một số hạn chế về năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ ngày một cao và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin...
Lần sửa đổi này, Luật BHYT dự kiến điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, để chuẩn bị cho sửa đổi Luật BHYT, ngay từ cuối năm 2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Thời gian qua Ban soạn thảo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành cơ quan liên quan đã tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT sửa đổi.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu rõ, Luật BHYT được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi như Luật khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Luật hình sự, Luật Lao động… vì vậy, việc xây dựng cần được cân nhắc để bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Khôi phục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới
Trong nửa tháng trở lại đây, số ca mắc COVID-19 toàn cầu có xu hướng gia tăng, trong đó các biến thể phụ của SARS-COV-2 ngày một nhiều, nhất là các biến thể Omicron gây nguy hiểm như BA.4, BA.5. Do đó WHO đã kêu gọi khôi phục các biện pháp phòng dịch.
COVID-19 vẫn là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca nhiễm vẫn tăng, virus vẫn lây lan
Gần 3 năm kể từ khi COVID-19 bùng phát và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19 vào ngày 30/1/2020. WHO cho rằng dịch bệnh này vẫn là vấn đề đáng lo ngại với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thông cáo phát đi ngày 12/7/2022, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết, COVID-19vẫn là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca nhiễm vẫn tăng, virus vẫn lây lan và gây sức ép lên hệ thống y tế của nhiều nước, lây lan rất nhanh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).