Hai bệnh viện nghìn tỷ chậm tiến độ tại Hà Nam: Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc
Ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát hiện trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng để sớm đưa Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam vào hoạt động.
Nhiều khu vực xuống cấp, hoang hóa
Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, Thủ tướng và đoàn công tác chứng kiến nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành; phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt; đặc biệt nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.
Theo nhân viên bảo vệ và người dân sống gần bệnh viện, nhân dân trong vùng rất sốt ruột khi chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã đầu tư nay để lãng phí dưới nắng mưa, không tiếp tục đầu tư, sử dụng. Nhân dân mong muốn hai bệnh viện tiếp tục được đầu tư, sớm hoàn thiện để đưa vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trong vùng và các tỉnh lân cận, tránh phải về Thủ đô chữa bệnh gây quá tải.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng; cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng; thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017. Năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Tuy nhiên, sau đó cả hai dự án tạm dừng xây dựng.
Càng để kéo dài, càng khó giải quyết
Làm việc với các đơn vị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương đầu tư 5 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ. Trong 5 bệnh viện, có 3 bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư thì đã hoàn thành, trong khi 2 bệnh viện do Bộ Y tế làm chủ đầu tư thì vẫn dang dở, chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những yếu kém khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. Khi xuất hiện các vướng mắc lại không giải quyết ngay, dứt điểm, nên càng để kéo dài càng gây lãng phí, càng khó giải quyết, mất thời gian, mất công sức. Nhấn mạnh dứt khoát phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành đưa hai bệnh viện vào hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam.
Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác. Trên cơ sở đó, xác định vấn đề nào luật pháp đã có quy định, vấn đề nào chưa có quy định; vấn đề thuộc thẩm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể; trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Tiền phong, trang 3; Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 4).
91% số xã, phường trên cả nước thuộc vùng xanh
Ngày 18/9, bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, ca Covid-19 mới ghi nhận trên cả nước giảm còn 1.891 ca, trong ngày có 1 trường hợp tại Thái Nguyên tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.458.449 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.796 ca nhiễm).
Trong ngày có 639 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 10.579.029 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô-xy là 115 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 97 ca; Thở ô-xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 13 ca; Không có ca ECMO nào. Ngày 17/9 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Thái Nguyên.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.139 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm (Nhân dân, trang 8; Hà Nội mới, trang 7).
Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát
Những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng và dự báo, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh sốt xuất huyết cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch. Trước thực tế trên, để dịch sốt xuất huyết không bùng phát diện rộng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng ý thức tự giác của người dân.
Số ca mắc tăng mạnh
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 cho đến ngày 9-9, toàn thành phố ghi nhận 2.263 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021) với 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện; trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Long Biên, Đan Phượng và Thanh Trì. Số ca mắc đang tăng nhanh theo từng tuần. Tính từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, số ca mắc sốt xuất huyết tăng khoảng 20%/tuần đến hơn 46%/tuần. Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao, như: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai…
Các nhà khoa học cho rằng, chỉ số BI (Breteau Index - số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) có vai trò quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn cũng như các nguy cơ gây sốt xuất huyết. Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc thì chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên. Thế nhưng, theo báo cáo của CDC Hà Nội, kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi có chỉ số BI cao 2-5 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch.
Là địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết, trong tuần (từ ngày 2 đến 9-9), huyện Đan Phượng có 74 ca bệnh (cao nhất trong 30 quận, huyện, thị xã). Từ đầu năm 2022 đến ngày 9-9, huyện Đan Phượng ghi nhận 137 ca mắc xuất huyết. Trên địa bàn huyện cũng vừa ghi nhận 1 ca tử vong tại thị trấn Phùng được chẩn đoán, nhận định do mắc sốt xuất huyết. Qua giám sát, điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, ổ dịch cũ tại thị trấn Phùng từ ngày 2 đến 9-9 cho kết quả BI=45 (gấp hơn 2 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch).
Ngoài ra, kết quả giám sát từ tháng 8 đến ngày 9-9 cho thấy, một số nơi cũng ghi nhận chỉ số BI cao vượt ngưỡng: Phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) BI=25; xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) BI=46; phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) BI=54; xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) BI=100…
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tại các buổi kiểm tra, đoàn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng những khu vực xuất hiện ổ dịch và khu vực nguy cơ cao. Đây là việc dễ làm, không đỏi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần chính quyền địa phương và người dân quan tâm thực hiện.
Không tự ý điều trị...
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết được phát hiện trong năm 2022 trên địa bàn thành phố là Dengue 1 và Dengue 2. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại.
Về 3 ca mắc sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại 3 quận, huyện, theo Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân ban đầu được xác định là 3 trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn. Ngoài ra, cả 3 trường hợp trên có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường lưu ý, những người có nguy cơ dễ biến chứng do sốt xuất huyết là những người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền. Bên cạnh đó, những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột... cần chú ý theo dõi. Khi người bệnh sốt cao liên tục trong nhiều ngày, phát ban, đau cơ và khớp… cần đến khám tại cơ sở y tế. Không được tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu CDC Hà Nội bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, đội xung kích kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật... Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời (Hà Nội mới, trang 5).
Trẻ nhiễm Adenovirus tử vong chủ yếu có cơ địa đặc biệt
Ngày 18-9, trước mối quan tâm của nhiều phụ huynh khi số trẻ em bị nhiễm Adenovirus đang tăng cao, trong đó có nhiều ca tử vong, PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trương ương) cho biết, trung tâm đang điều trị 25 bệnh nhi viêm phổi do Adenovirus, trong đó có 15 ca phải thở oxy nhưng không quá nguy kịch.
Phần lớn bệnh nhi nhiễm Adenovirus được điều trị khỏi bệnh trong thời gian từ 10-15 ngày. Các bệnh nhi tử vong thời gian qua (6 ca) chủ yếu có cơ địa đặc biệt như: mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch và bệnh phổi mãn tính; chưa có nghiên cứu giữa tương quan nhiễm Covid-19 và viêm phổi do Adenovirus bởi trước khi có dịch Covid-19 xảy ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận các ca mắc Adenovirus đến khám và điều trị.
Trong khi đó, TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, để phòng ngừa việc lây nhiễm Adenovirus, gia đình cần lưu ý khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như: trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu riêng cho Adenovirus nên mọi người cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như: vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường thông thoáng; dinh dưỡng hợp lý; kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nguy cơ vi rút adeno gia tăng sau COVID-19
Mặc dù là chứng bệnh rất cũ, chủng vi rút cũng cũ, nhưng những ngày gần đây số trẻ em mắc vi rút adeno liên tục gia tăng, tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có sáu trẻ tử vong. Các chuyên gia cảnh báo có thể xuất hiện dịch do vi rút adeno. Số ca mới gia tăng theo tuần và những tuần gần đây ghi nhận có tuần tăng trên hai lần so với tuần liền kề trước đó.
Nguy cơ dịch gia tăng
Bệnh viện Nhi trung ương thông tin đến ngày 12-9 tổng số ca nhiễm vi rút adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn tổng số ca bệnh cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó đã có sáu trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm vi rút này.
Tương tư, tại khoa nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận số trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa với những triệu chứng như nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho (các triệu chứng của adeno) gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo BS Lê Thị Hồng Hanh - giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương, vi rút adeno gây viêm đường hô hấp trên, viêm phổi có xu hướng gia tăng. "Viêm đường hô hấp do vi rút là bệnh thường gặp. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường có xu hướng gia tăng vào tháng giao mùa như xuân - hạ, thu - đông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp nhất là trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy viêm phổi do vi rút adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm. Việt Nam vừa trải qua dịch COVID-19 và cúm A, vì vậy khả năng tỉ lệ viêm phổi do adeno cũng gia tăng" - BS Hanh nhận định.
Đối với các trẻ đã tử vong do nhiễm vi rút adeno, BS Hanh cho biết thông thường bệnh nhân điều trị trong 10 ngày đến 2 tuần sẽ khỏi bệnh. Những bệnh nhân tử vong rất ít xảy ra và xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc các bệnh nền: suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch, bệnh phổi mãn tính...
Hiện trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do nhiễm vi rút adeno, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở oxy, nhưng không có bệnh nhân nào nặng, với những người có cơ địa khỏe mạnh mắc vi rút adeno có thể tự khỏi.
Theo BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn), trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nếu nhiễm adeno như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan... Nếu để muộn có thể tử vong.
"Cha mẹ khi thấy con bị mắc bệnh, hãy quan sát tình trạng của trẻ, nếu có ít nhất một trong ba biểu hiện sau thì cần đưa con đi khám kịp thời: sốt cao kéo dài (có thể trên 40oC, hơi thở nặng nề, da tái nhợt, lơ mơ, ho khan dữ dội. Còn lại, đa số trường hợp nhẹ là không cần thiết xét nghiệm truy tìm vi rút và các bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng, kê đơn thuốc cho về nhà điều trị và theo dõi", BS Phúc nói.
Chủ yếu điều trị triệu chứng
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi rút adeno chủ yếu lây từ người qua người, thời gian ủ bệnh từ 5 đến 12 ngày và trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh, hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải vi rút ra ngoài.
Theo các bác sĩ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo dùng một số thuốc kháng vi rút cho đồng loạt trẻ nhiễm vi rút adeno và vắc xin phòng bệnh này cũng đang được nghiên cứu. Vì vậy, hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và sử dụng các biện pháp phòng bệnh.
BS Nguyễn Thành Nam, giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhi mắc viêm hô hấp, tiêu chảy, nôn, sốt... Hầu hết các trẻ đều khỏi bệnh sau thời gian điều trị.
"Khi bệnh nhân mắc vi rút adeno nhập viện sẽ được cách ly nhằm tránh lây nhiễm trẻ khác và chủ yếu điều trị triệu chứng. Cụ thể, bệnh nhân sốt cao sẽ được dùng hạ sốt kịp thời, suy hô hấp sẽ được hỗ trợ. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khi có viêm nhiễm phổi nặng. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm loại vi rút trẻ bị nhiễm chỉ cần thiết trong một số trường hợp, không phải bệnh nhi nào cũng cần phải xét nghiệm", BS Nam cho hay.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Theo các bác sĩ, phương thức lây truyền bệnh do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, qua phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm vi rút adeno.
BS Nam khuyến cáo, để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do vi rút adeno nói riêng, cần đảm bảo vệ sinh và chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Giữ gìn vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
"Trong thời điểm có tỉ lệ nhiễm vi rút adeno cao, gia đình hạn chế đưa trẻ dưới 2 tuổi đến nơi đông người, khi tiếp xúc cần chú ý giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với người bệnh", BS Nam nhấn mạnh (Tuổi trẻ, trang 14).
Gần 9.700 cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc
Ngày 18-9, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong 18 tháng qua (từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022), cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Nghỉ việc nhiều nhất là bác sĩ (3.094 người), tiếp đó điều dưỡng (2.874 người).
Trong số này, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM có 2.035 người, Hà Nội có 1.032 người, Đồng Nai 496 người, Bình Dương 368 người…
Theo Bộ Y tế, có nhiều lý do khiến nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là áp lực công việc cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn. Hơn nữa, tình trạng phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Lý do thứ hai là thu nhập thấp. Bộ Y tế phân tích, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm cộng với 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng/tháng. Với phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng/người/tháng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống nên khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần (Sài Gòn giải phóng, trang 1).