Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ áp xe gan do ăn uống không bảo đảm vệ sinh; Phát triển TPHCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN: Nâng mình để hút nguồn lực; ĐBSCL thiếu máu đến bao giờ?; Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế; Ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng là tay chân miệng

 

Nguy cơ áp xe gan do ăn uống không bảo đảm vệ sinh

Thời gian gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do áp xe gan. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao mà nguyên nhân là do điều kiện ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gia tăng bệnh nhân nhập viện

Chỉ trong 10 ngày (từ ngày 7 đến 17-10), Khoa Ngoại - Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) đã tiếp nhận tới 6 trường hợp bệnh nhân nhập viện do áp xe gan, trong đó có trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Đơn cử như bệnh nhân T.V.C (40 tuổi, ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), vào viện trong tình trạng sốt, đau nhiều vùng hạ sườn phải, ấn kẽ sườn đau. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, chỉ số bạch cầu tăng, có hình ảnh nhiễm trùng, ổ áp xe ở gan lớn, có nguy cơ vỡ gây sốc nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành dẫn lưu ổ áp xe. Nhờ đó, các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện. Bệnh nhân hết sốt và hết đau, sức khỏe ổn định và tiếp tục được điều trị kháng sinh.

Tương tự, chỉ trong 3 tháng của năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40; trong đó nữ chiếm 68%.

Điều đáng nói, toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống. Các bác sĩ tại đây cho biết, sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Người mắc bệnh này thường do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như: Rau ngổ, rau cần, cải xoong…) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.

Trước đó, Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) đã điều trị cho bệnh nhân L.V.Đ.\ (ở Hà Nội) bị áp xe gan kích thước lớn. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy cho biết, tổn thương của bệnh nhân Đ được đánh giá là nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Theo kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của anh Đ, nguyên nhân chính của áp xe gan là do sán lá gan lớn. Đây là loại ký sinh trùng thường sống ký sinh ở những loài rau thủy canh như: Rau cần, rau muống, rau ngổ… Người bệnh sau khi được điều trị bằng thuốc diệt sán lá gan lớn thể trạng đã tiến triển tốt, khối áp xe gan giảm đáng kể.

Áp xe gan là một trong những tổn thương gan khá nguy hiểm. Khi bị áp xe sẽ xảy ra tổn thương tại gan. Lá gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng sẽ có biểu hiện sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ. Bệnh ở giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng rõ rệt. Bệnh ở giai đoạn nguy hiểm xảy ra đồng thời các triệu chứng như sốt cao, rét run, đau tức vùng gan, có thể gây khó thở, nặng vùng dưới sườn bên phải, ấn kẽ sườn thấy đau tăng lên… Nếu người bệnh không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, áp xe gan do sán lá gan lớn là một bệnh lý không phải hiếm gặp. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân gây áp xe gan: Áp xe gan do vi khuẩn, áp xe gan do amip… Nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân thường sốt và đau kéo dài, có thể dẫn đến suy kiệt. Ngoài ra, ổ áp xe cũng có thể vỡ vào ổ bụng, gây biến chứng nặng. “Biết được mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa, có các giải pháp bảo vệ sức khỏe bản thân”, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh nói.

Phòng bệnh ra sao?

Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng nguy hiểm của áp xe gan, bao gồm: Sốt cao, rét run (sốt có thể lên đến 39-40 độ C) trong giai đoạn cấp tính. Nhưng sau đó, người bệnh có thể sốt nhẹ và kéo dài nhiều ngày, kèm theo sốt là đau bụng. Ngoài ra, có thêm biểu hiện đau tức vùng gan, đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải. Nếu ổ áp xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng ra cả thượng vị hoặc khắp bụng. Mặt khác, do gan bị sưng to nên người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng ở vùng dưới sườn bên phải.

Thêm vào đó, do gan to ra đẩy cơ hoành lên cao nên bệnh nhân cũng có hiện tượng khó thở. Khi sờ, nắn vào vùng gan, bệnh nhân cảm thấy đau tăng lên.

Các bác sĩ cũng cho biết, thông thường, bệnh nhân áp xe gan nếu phát hiện sớm sẽ được chọc hút mủ, nằm viện trong khoảng 7- 15 ngày, dùng thuốc kháng sinh để chống tái phát. Tuy nhiên, có những bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do triệu chứng không điển hình. Trong trường hợp này, ổ áp xe có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc vỡ ra rồi chảy vào màng phổi hoặc phổi, màng tim hoặc gây viêm phúc mạc (viêm màng bụng), cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ áp xe gan cần đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn cao để được phát hiện, xử trí, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh cho rằng, người dân cần chú ý thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... Ngoài ra, không ăn rau sống chưa được rửa sạch, nhất là không nên ăn rau thủy canh sống như: Rau cần, rau muống dưới nước, rau ngổ dưới nước… Không uống nước không bảo đảm vệ sinh và chưa được đun sôi như nước lã, nước sông, hồ, suối... Cùng với đó, luôn tuân thủ quá trình chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Không được dùng phân tươi bón rau. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (Hà Nội mới, trang 5).

 

Phát triển TPHCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN: Nâng mình để hút nguồn lực

“Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” là hội thảo do Bộ Y tế và báo Tiền Phong phối hợp tổ chức ngày 19/10 tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM).

PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê - Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong là đồng Trưởng ban Tổ chức, với sự tham gia của đông đảo nhà quản lý ngành y tế các tỉnh, thành phố phía Nam, nhà quản lý cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y khoa; các chuyên gia hàng đầu cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y khoa.

Hội thảo nhằm góp phần cùng ngành y tế và TPHCM thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN được xác định tại Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài phiên thảo luận chung về định hướng phát triển TPHCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, hội thảo gồm có hai chuyên đề được thảo luận song song là “Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế” và “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Ngoài việc giới thiệu về những thành tựu đã đạt được của hệ thống y tế trong nước, các nhà quản lý, chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị một số cơ chế, chính sách để nhằm hướng tới mục tiêu đã đề ra.

Để những ngôi sao không cô đơn

Ghi nhận về những thành tựu của nhiều cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh trong nước hiện nay, PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê ví von đó là những ngôi sao trên bầu trời y học. Tuy nhiên, ông cho rằng, đó còn là những “ngôi sao cô đơn” lẻ tẻ, bởi chưa tạo thành một bầu trời đầy sao và đặc biệt chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy tiềm lực và tạo nên sức mạnh cho nền y tế nước nhà. Theo ông Khuê, để TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần có sự chung sức, đồng lòng của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành liên quan. “Để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế”, ông Khuê nói.

Ông Khuê bày tỏ sự nuối tiếc và trăn trở khi có nhiều người trong nước đi ra nước ngoài chữa bệnh, khiến mỗi năm có khoảng 2 triệu USD chảy ra nước ngoài theo con đường này. Vì vậy, xây dựng TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp.

Chặn chảy máu ngoại tệ

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho rằng, trình độ y tế của Việt Nam không thua kém các nước, nhưng chưa có sự đồng bộ. Bác sĩ có thể phẫu thuật rất giỏi, nhưng bệnh nhân sau đó gặp nhiều khó khăn trong quá trình hậu phẫu. Người có thu nhập cao vẫn còn nhiều khó khăn khi muốn đặt phòng riêng để khám chữa bệnh tại Việt Nam. “Chúng ta quan tâm nhiều đến chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, nhưng lại đang để một khoản tiền lớn tiền của người giàu chảy ra nước ngoài”, ông Cường nói.

Ths. BS CKII Hồ Hữu Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, dẫn chứng, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều Việt kiều về nước khám chữa bệnh vì họ tin tưởng tay nghề cao của bác sĩ Việt Nam, đặc biệt chi phí điều trị thấp hơn so với nước ngoài. Do đó, ông Tiến đề xuất cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mời các chuyên gia nước ngoài; phấn đấu đạt được các chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các trung tâm chuyên sâu; tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng, đầu tư vào trang thiết bị hiện đại. Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí giúp người dân không phải ra nước ngoài điều trị, ông Võ Hoàng Trí, Trưởng bộ phận Hình ảnh và Y tế số Siemens Healthineers (chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ chăm sóc sức khỏe) cho biết, đơn vị đã xây dựng lộ trình cho khách từ giai đoạn theo dõi bệnh sử, tầm soát và phát hiện ở giai đoạn sớm, chẩn đoán và phân định giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị đến khi hồi phục… Mỗi lộ trình có thiết bị và công nghệ phù hợp. Trong đó, y tế số và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong quá trình này để lưu trữ dữ liệu từng bệnh nhân. “Quan trọng nhất là phát hiện sớm, tầm soát sớm để điều trị hiệu quả”, ông Trí nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, nguồn nhân lực y tế hiện tại ở Việt Nam có chuyên môn cao, trẻ trung, tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dựa vào thế mạnh này, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành đội ngũ kế cận trong tương lai. Tuy nhiên, ông Bính cũng nêu những vướng mắc trong cơ chế, chính sách để đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế. Hiện, hệ thống y tế ngoài công lập mua sắm thiết bị dễ dàng hơn so với các đơn vị công lập, nhưng các bệnh viện mua sắm theo mục tiêu riêng chứ không đi theo mục tiêu chung. Do đó, cần định hướng của Nhà nước, Bộ Y tế để tránh mỗi nơi mỗi kiểu. “Những bất cập trong cơ chế, chính sách khiến cơ sở y tế công lập và ngoài công lập vẫn còn khoảng cách. Nếu chưa xoá bỏ được rào cản này, sẽ khó lồng ghép trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu mang tầm khu vực ASEAN, khiến chảy máu ngoại tệ về y tế hơn 2 triệu USD mỗi năm ra nước ngoài”, ông Bính bày tỏ.

Xây dựng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế là chìa khóa quan trọng nhất để phát triển y tế chuyên sâu và cũng là điều được các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và khám chữa bệnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã có sự gia tăng cán bộ, nhân viên ngành y tế. Năm 2010, có khoảng 7,3 bác sĩ/10.000 dân. Đến năm 2023, số lượng này tăng gấp đôi với 13,3 bác sĩ/10.000 dân. Tuy vậy, mật độ nhân lực y tế vẫn thấp so với các nước khác. “Nhân lực y tế thiếu hụt, trong khi kiến thức y khoa thì cập nhật liên tục. Những năm 1950, kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi mỗi 50 năm, nhưng đến năm 2020, chỉ còn khoảng 73 ngày để kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi. Điều này đòi hỏi phải hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chất lượng”, bà Thuỷ nói (Tiền phong, trang 4).

 

ĐBSCL thiếu máu đến bao giờ?

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, ngân hàng cung cấp máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế ở ĐBSCL, vừa phát đi báo cáo khẩn cấp về tình trạng "hết máu và chế phẩm máu".
Có mặt tại Khoa Điều trị BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, tiếp xúc với những bệnh nhân mỏi mòn chờ truyền tiểu cầu hay những bệnh nhân đang cố bám trụ chờ máu để phẫu thuật, mới thấu cảnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.

Mới đây nhất, chiều 18.10, tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, một ca hậu phẫu thuật tim có chỉ định truyền tiểu cầu AB khẩn, nhưng gõ cửa Ngân hàng máu, tiểu cầu đã hết sạch, cầu cứu tuyến trên TP.HCM tiểu cầu cũng không còn. Cả đêm xoay xở khắp nơi, đến sáng 19.10, bệnh viện mới vay được 2 kít tiểu cầu từ Kiên Giang để cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Có thể nói, chưa bao giờ các bệnh viện ở ĐBSCL lại gặp khó vì thiếu máu như lúc này. Hàng loạt bệnh viện lớn nhỏ, hoạt động trong nỗi lo phập phồng thiếu máu cứu bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân có chỉ định mổ theo chương trình buộc phải trì hoãn chờ máu hoặc chuyển lên tuyến trên.

Điều đáng nói là tình trạng thiếu máu trên không phải vì không có người hiến máu mà vì hết túi đựng máu, hóa chất để sản xuất máu, nguyên nhân là do công tác đấu thầu vật tư, hóa chất kéo dài đến khó hiểu. Đây cũng không phải chuyện mới bởi tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất từng là khó khăn chung của ngành y tế cả nước.

Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 với những quy định cần thiết, mang tính "cấp cứu" cho ngành y tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, y tế… Nhưng gần 1 năm trôi qua, ngành y tế TP.Cần Thơ vẫn loay hoay với những vướng mắc.

Nhiều bệnh viện trên địa bàn vẫn chưa thể thực hiện được các gói thầu mua sắm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chuyên môn. Riêng Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ từ cuối năm 2022 đã thực hiện hồ sơ gói thầu 394 mặt hàng, tổng giá trị gần 150 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn "vướng" 47 mặt hàng chỉ vì thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt. Hệ lụy là cả miền Tây thiếu máu kéo dài bởi lẽ có mua đủ 347 mặt hàng đã phê duyệt nhưng thiếu 47 mặt hàng còn lại thì hoạt động sản xuất máu vẫn chẳng thể diễn ra.

Sau văn bản "cầu cứu" mới nhất của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ, lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng đã họp khẩn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Nhưng câu hỏi: Bao giờ Bệnh viện Huyết Học - Truyền Máu Cần Thơ có đầy đủ túi máu, hóa chất để bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận, sản xuất, cung cấp máu cho ĐBSCL thì vẫn chưa có câu trả lời.

Khi chưa có câu trả lời, chắc chắn người bệnh còn chịu khổ. Vì thế, dù lý do gì, tình trạng trên phải được giải quyết ngay mà không thể trì hoãn thêm nữa! Không thể để thiếu máu ở ĐBSCL! (Thanh niên, trang 8). 

 

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế

Chuyển đổi số trong y tế là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn 'Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế 2023' do Pharma Group tổ chức ngày 18.10 tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu cùng thảo luận về tăng cường năng lực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và phát triển thuốc mới; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và nâng cao năng lực quản lý hệ thống y tế; thu hút đầu tư bằng môi trường pháp lý, qua các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao.

Trao đổi bên lề diễn đàn, PGS-TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho hay bệnh án điện tử là một nội dung lớn của thực hiện chuyển đổi số trong y tế. Theo lộ trình, đến 31.12, tất cả bệnh viện (BV) từ hạng 1 trở lên cần thực hiện bệnh án điện tử. Tuy nhiên, hiện chỉ có 20/135 BV hạng 1 thực hiện quy định này. 52 trong số gần 1.400 BV trên cả nước đã thực hiện bệnh án điện tử, nhưng hiện chưa có BV hạng đặc biệt của Bộ Y tế thực hiện. Bộ Y tế đang lùi thời điểm áp dụng bắt buộc triển khai bệnh án điện tử do các BV không thực hiện đúng lộ trình.

PGS-TS Trần Quý Tường đánh giá việc thực hiện BV không giấy tờ, bệnh án điện tử giúp rút ngắn thời gian xếp hàng, chờ đợi của người bệnh khi làm các thủ tục khám chữa bệnh. Nhân viên tiếp đón chỉ mất khoảng 30 giây để có thông tin cá nhân người bệnh, thay vì mất 2 - 3 phút nếu thao tác thủ công và có nguy cơ nhầm lẫn khi tiếp nhận thông tin.

Theo TS Tường, bệnh án điện tử với việc áp dụng chữ ký số sẽ giúp xóa bỏ bệnh án giấy, lưu trữ toàn bộ thông tin sức khỏe cá nhân theo suốt cuộc đời. Bệnh án điện tử giúp lãnh đạo BV đánh giá nhanh, chính xác các chỉ định của bác sĩ về xét nghiệm, chẩn đoán, sử dụng thuốc; về các tình huống cảnh báo chỉ định quá mức các dịch vụ y tế. Hồ sơ bệnh án điện tử được quy định phải đảm bảo các yêu cầu mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám chữa bệnh; phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử và tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định (Thanh niên, trang 14). 

 

Ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng là tay chân miệng

Tối 19-10, ông Võ Thu Tùng, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ sau khi xét nghiệm cho thấy là ca bệnh tay chân miệng.

Cụ thể, mẫu xét nghiệm của ca bệnh này được gởi vào Viện Pasteur Nha Trang vào ngày 18-10.

Đến tối 19-10 đã cho kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy âm tính mắc đậu mùa khỉ. Mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với tay chân miệng.

Như vậy đến tối nay bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, các trường hợp tiếp xúc gần không cần phải theo dõi sức khỏe.

Theo ông Võ Thu Tùng, mặc dù không phải ca mắc đậu mùa khỉ nhưng tình hình bệnh trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có văn bản gởi các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 18-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã có văn bản khẩn gởi các đơn vị y tế liên quan đến một trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ trên địa bàn.

Theo đó, trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ này nằm điều trị tại khoa y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng.

Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, CDC Đà Nẵng đề nghị các đơn vị triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Trong đó tạm thời cách ly bệnh nhân, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Đà Nẵng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời lập danh sách tất cả các trường hợp nhân viên, người có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (Tuổi trẻ, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang