Sau một tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết: Có chuyển biến nhưng không chủ quan
Sau một tháng các cơ quan chức năng của Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ý thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Song, cơ quan chức năng cũng không thể chủ quan, bởi đây là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm, nguồn hàng từ khắp nơi đổ về luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Để kiểm soát được an toàn thực phẩm, cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong 1 tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020 (từ ngày 15-12-2019 đến ngày 15-1-2020), toàn thành phố đã thành lập hơn 1.100 đoàn thanh tra, kiểm tra và số cơ sở được thanh tra, kiểm tra lên đến gần 5.000 đơn vị. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 600 cơ sở, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, năm nay, nhờ việc mở rộng lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn từ tháng 7-2019, nên các địa phương đã chủ động hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết. Chưa năm nào, số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm lại đông đảo như dịp Tết năm nay. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng lên; số cơ sở bị xử phạt và số tiền xử phạt vi phạm cũng nhiều hơn. Đáng chú ý, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuyển biến tích cực. Các sản phẩm được chú trọng về chất lượng, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, càng cận Tết, nguồn thực phẩm từ các tỉnh đổ về thành phố càng nhiều, kéo theo đó, tình hình mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan. Dịp Tết năm nay, riêng Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và phối hợp kiểm tra 355 vụ vi phạm, chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ; tạm giữ 25 tấn đùi gà hun khói, trong đó có 12 tấn đã hết hạn sử dụng; 30 tấn bánh kẹo, ô mai, hoa quả sấy...
Còn tại quận Long Biên, từ ngày 15-12-2019 đến ngày 10-1-2020, toàn quận đã thanh tra, kiểm tra 232 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 21 cơ sở với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng và tiêu hủy một lượng lớn thịt bò đông lạnh đã quá hạn sử dụng. Theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, chưa duy trì thường xuyên các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. "Đặc biệt, công tác kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường gặp khó khăn do nhiều quầy kinh doanh mang tính thời vụ, chỉ phục vụ dịp Tết, không có địa điểm cố định", bà Lương Thị Minh Nguyệt nói.
Tương tự, tại quận Tây Hồ, từ ngày 15-12-2019 đến ngày 13-1-2020, toàn quận đã thanh tra, kiểm tra gần 250 cơ sở, xử lý vi phạm 25 cơ sở với số tiền hơn 65 triệu đồng. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay, các đoàn thanh tra, kiểm tra gặp không ít khó khăn khi kiểm tra tại các chợ tự phát, điểm bán thực phẩm nhỏ, lẻ ở vỉa hè, lề đường… Bởi, những điểm kinh doanh này không bị ràng buộc về thủ tục pháp lý hay uy tín trong kinh doanh.
Theo bà Hà Thu Hương, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc quản lý các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng đang có sự khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lẻ để theo dõi quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Nhưng Sở Công Thương lại chưa thực hiện, nên khi kiểm tra, việc truy xuất nguồn gốc còn lúng túng…
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành; người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Từ nay đến ngày 25-3-2020, các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố, các đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành cấp huyện và cấp xã tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh tại chợ, siêu thị...
Hiện các quy định về quản lý an toàn thực phẩm đã khá đầy đủ, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm", song Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho rằng, bên cạnh Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, từ chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đến cán bộ thanh tra đều nắm rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn còn tồn tại gì. Do đó, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, sản xuất thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thì ngoài người kinh doanh, sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, do tâm lý tích trữ dịp Tết, nhiều gia đình đã mua thực phẩm “chất đầy tủ lạnh” nhưng không để ý đến nguồn gốc, hạn sử dụng nên có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, mọi người cần “tỉnh táo” trong lựa chọn, chú ý tem nhãn nguồn gốc, hạn sử dụng; chọn cơ sở kinh doanh uy tín, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi. "Đó là cách để mỗi người cùng góp phần triệt tiêu hàng giả, hàng kém chất lượng... và bảo đảm sức khỏe cho gia đình trong ngày Tết", ông Trần Ngọc Tụ nói. (Hà Nội mới, trang 1).
Một số nước châu đã có trường hợp mắc bệnh viêm phổi do vi rút corona mới xâm nhập
Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết: Tính đến ngày 19-1-2020, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ghi nhận 45 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV, trong đó ghi nhận thêm 4 ca mới, đã có 2 ca tử vong, 5 ca vẫn ở trong tình trạng nặng, 12 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng sức khỏe ổn định. Hai trường hợp tử vong đều có liên quan đến tiền sử mắc bệnh mạn tính.
Đặc biệt, ngoài Trung Quốc, hiện một số quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập. Cụ thể, Thái Lan ghi nhận 2 ca mắc (cả 2 trường hợp này đều là người cư trú tại thành phố Vũ Hán và đến Thái Lan du lịch); Nhật Bản ghi nhận 1 trường hợp (đây là người Nhật trở về từ thành phố Vũ Hán và có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán). Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người của vi rút nCoV.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 19-1-2020, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào mắc vi rút nCoV. Trước đó, qua giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, tại Đà Nẵng, đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ngay lập tức, cả hai trường hợp đã được cách ly và quản lý kịp thời. Qua theo dõi sức khỏe, cả hai trường hợp này sau đó đều không có các biểu hiện khác của bệnh viêm phổi, bệnh nhân đã hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và đã được xuất viện để trở về nước.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, trong bối cảnh một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập, đặc biệt, Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc.
Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, bệnh viện và tại cộng đồng để phát hiện sớm và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện xâm nhập; đồng thời, tổ chức các đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh liên tục trong dịp Tết Nguyên đán.
Để phòng bệnh viêm phổi cấp do vi rút nCoV, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Người dân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc gần các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Đặc biệt, những người mới trở về từ thành phố Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Có thêm nhiều trường hợp nhiễm chủng vi-rut corona mới ở Trung Quốc”; Báo Lao động, trang 7: “Conoravirus diễn biến phức tạp ở Trung Quốc”; Tiền phong, trang 12: “Virus nguy hiểm ở Trung Quốc lan rộng?”.
Thành lập Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu cao quý ngành Y tế năm 2020
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 105/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 13 - năm 2020.
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” trong lĩnh vực y tế lần thứ 13 - năm 2020. Quyết định nêu rõ, các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền. Các cá nhân được đề nghị xét tặng phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong danh sách quy định. Căn cứ kết luận, kiến nghị của các Hội đồng cấp bộ, cấp tỉnh và tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu, Hội đồng cấp nhà nước tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng thầy thuốc được đề nghị, lập Danh sách các thầy thuốc được đề nghị tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi có kết quả xét tặng danh hiệu của Hội đồng...
Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 16-1-2020. (Nhân dân, trang 1).
Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia dịp Tết
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định, chính sách liên quan đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương. Đặc biệt tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ, ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tập trung tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; không uống rượu, bia trước, trong thời gian làm việc và tại nơi làm việc...
Bộ Y tế giao các sở y tế chủ trì tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương; chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu, bia. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... (Nhân dân, trang 1).
Không nên hoang mang trước những thông tin không rõ ràng về bệnh viêm phổi cấp
Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng coronavirus tại Trung Quốc đã khiến 2 người tử vong và có nguy cơ lây lan rộng gây lo lắng cho không ít người. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM về căn bệnh này và cách phòng chống.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mức độ nguy hiểm của bệnh viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới ra sao và tác nhân gây bệnh là gì?
TS-BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU: Ngày 7-1-2020, Trung Quốc đã xác định được chủng virus mới thuộc họ coronavirus (và được gọi là 2019-nCoV). Đây là một loại virus mới cùng họ Corona với các virus đã biết trước đây bao gồm SARS-CoV (gây bệnh SARS) và MERS-CoV (gây bệnh viêm phổi vùng Trung Đông). Các virus này có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Điều may mắn là khả năng lây từ người sang người hiện còn rất hạn chế.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 13-1-2020 đã ghi nhận 59 ca trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hầu hết các bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ liên quan chợ hải sản của thành phố (Seafood City market), nơi bán hải sản và động vật sống. Trong số 59 bệnh nhân, có 41 bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm dương tính với một chủng coronavirus hoàn toàn mới (trước đây chưa được biết đến). Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ho, khó thở và có tổn thương viêm phổi lan tỏa 2 bên trên phim X-quang. Theo những thông tin cho đến hiện nay, bệnh viêm phổi do coronavirus mới này có biểu hiện lâm sàng không nghiêm trọng (so với bệnh SARS, MERS). Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người.
Vậy các ca bệnh mới phát hiện tại các nước khác là do đâu?
Cho đến nay có 2 trường hợp nhiễm virus nCoV-2019 bên ngoài Vũ Hán, Trung Quốc. Trường hợp thứ nhất được phát hiện tại Bangkok, Thái Lan. Đây là một phụ nữ Trung Quốc (61 tuổi), sống tại Vũ Hán, bắt đầu sốt ngày 5-1-2020, ngày 8-1-2020 bà cùng 5 thành viên trong gia đình đi theo tour du lịch 16 người đến Thái Lan. Bà được cách ly khi đến phi trường Suvarnabhumi do sốt, sau đó nhập viện. Tình trạng của bệnh nhân đã ổn định sau đó. Không có ai đi cùng đoàn bị nhiễm bệnh. Ca thứ hai là một người đàn ông Nhật Bản khoảng 30 tuổi, đi du lịch đến Trung Quốc và khởi sốt ngày 3-1 khi đang ở Vũ Hán. Ông ta quay về Nhật ngày 6-1 rồi nhập viện do ho, sốt kéo dài. Kết quả xét nghiệm sau đó cho kết quả dương tính với nCoV. Bệnh nhân sau đó đã ổn và xuất viện. Theo dõi cho đến hiện nay những người chăm sóc cho bệnh nhân này cũng như người thân trong gia đình không có ai bị nhiễm bệnh.
Như vậy cho đến nay tất cả các ca nhiễm bệnh chỉ xảy ra ở Vũ Hán, và kể từ sau ngày 3-1-2020 chưa phát hiện thêm ca bệnh mới. Bệnh chưa có khả năng lây từ người sang người trong giai đoạn này. Các cơ quan kiểm dịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các nước lân cận đang tăng cường giám sát các du khách đến từ Vũ Hán để kịp thời cách ly điều trị (nếu có).
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã chuẩn bị như thế nào để đối phó trong trường hợp không may xảy ra dịch bệnh này?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM, bệnh viện đã có kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận và cách ly các ca nghi ngờ đến từ Vũ Hán tại khu vực cách ly bệnh hô hấp của bệnh viện (nơi trước đây dùng để cách ly cúm gia cầm, MERS…) được trang bị phòng áp lực âm và đầy đủ các thiết bị phòng hộ cá nhân. Về mặt chẩn đoán, phòng xét nghiệm sinh học phân tử của bệnh viện phối hợp với các chuyên gia Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh quốc) đã xây dựng quy trình xét nghiệm sàng lọc phát hiện chủng coronavirus mới (2019-nCoV) theo hướng dẫn vừa được công bố của WHO ngày 17-1-2020.
Ông có khuyến cáo gì tới người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh?
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, người dân cần tuân thủ vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang và tự cách ly khi có biểu hiện hô hấp…). Đây là các biện pháp đơn giản không chỉ ngừa bện coronavirus mà ngừa được các bệnh lây qua đường hô hấp khác như cúm; Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân không nên hoang mang trước những thông tin không rõ ràng, thiếu khoa học về căn bệnh trên mạng xã hội. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCOV”; Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân viêm phổi do chủng virus mới”.
Hai bệnh nhân nghi viêm phổi cấp xuất viện về nước
Ngày 19/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông qua việc giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, tại Đà Nẵng phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Cả hai đã được cách ly và quản lý kịp thời.
Qua theo dõi sức khỏe cả hai trường hợp này đều không có các biểu hiện khác của bệnh viêm phổi, sau đó đã hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona và đã được xuất viện để trở về nước. Như vậy, đến ngày 19/1 Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc virus corona mới.
Liên quan đến dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.
Hiện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn có 7 máy đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại, 3 hệ thống phun khử khuẩn tự động và nhiều trang thiết bị khác. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 3 máy đo thân nhiệt từ xa, 1 hệ thống phun khử trùng tự động, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh. Đến nay 100% khách nhập cảnh được kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt và chưa phát hiện trường hợp nào cần cách ly.
Mặc dù Tết Nguyên đán đến gần nhưng cán bộ, nhân viên kiểm dịch y tế vẫn trực quân số 100 % tại những địa bàn trọng điểm ở biên giới như các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Chi Ma (huyện Lộc Bình). (Tiền phong, trang 2).
Chủ nhật Đỏ 2020 về Krông Năng (Đăk Lăk): 30 dân tộc cũng cổ vũ nghĩa cử hiến máu
Krông Năng là huyện đa sắc tộc, với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn 12 xã thị trấn. Sáng ngày 19/1, dưới nắng xuân rạng rỡ, hàng nghìn người trong trang phục truyền thống đã về trung tâm huyện dự lễ Chủ nhật Đỏ 2020.
Đoàn kết chia sẻ giọt máu cứu người
Theo Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ huyện Krông Năng, có 30 dân tộc anh em tham gia sự kiện, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Êđê, K’ho, Ba Na, Sán chay, Thái trắng, Mường, H’mông, Thái đen, Dao, Gia rai, Jẻ Triêng, Chứt, Chăm, Thổ, Mông, Nùng Inh, Nùng An, Sán dìu, Xơ đăng, Hoa, Mơ nông, Hrê, Mạ, Tà ôi, Lự vv... Ngoài ra còn có lực lượng tình nguyện viên các ngành nghề, như công nhân các công ty Cao su, Cà phê, Công an, Giáo dục-Đào tạo v.v...
Sư cô Thích nữ Như Tín chùa Huệ An (thị trấn Krông Năng) cho biết đã hơn 10 lần hiến máu toàn đơn vị máu lớn 350ml. Mới đây, tháng 10/2019 sư cô đón xe từ Đắk Lắk vào TP. Hồ Chí Minh để hiến máu trực tiếp tại ca mổ tim cho một em bé 16 tháng tuổi tại bệnh viện Tim. Hôm nay, sư cô đưa theo 9 phật tử tham gia Chủ nhật Đỏ, góp máu cứu người dịp Tết Nguyên đán. “Nhà chùa luôn hoan hỉ tinh thần hiến máu nhân đạo. Mỗi khi có chương trình hiến máu về địa phương, nhà chùa luôn vận động Phật tử hưởng ứng ”.
Trên 10 lần hiến máu nhân đạo, nhưng đây là lần đầu anh Kpă Y Biên (người Êđê công tác tại Trạm Y tế xã Ea Puk) hiến tại chương trình Chủ nhật Đỏ. Anh vui vẻ nhận xét sự khác biệt, độc đáo, đầy khí thế cống hiến cộng đồng trong công tác tổ chức sự kiện khiến đồng bào các dân tộc càng hào hứng đi hiến đông hơn.
Anh Hờ A Lứ (Bí thư chi Đoàn thôn Giang Đông, xã Ea Dah) nhờ vợ mua vải may cho một chiếc áo Mông truyền thống sắc màu rực rỡ. Anh Lứ cho biết, ngay hôm nay anh thôn anh có 60 người đi hiến máu. Họ dậy từ 5 giờ sáng đi 20 cây số để đến kịp dự chương trình khai mạc. Anh Nguyễn Văn Quy nằm hiến máu cạnh anh Lứ đã trên 7 lần hiến máu (trong đó có 2 lần hiến máu cấp cứu cho người thân trên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên). Từng chứng kiến người nhà nguy kịch vì thiếu máu, anh Quy hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc sẻ chia máu đào.
Đồng nghiệp của anh Y Biên là chị Triệu Thị Hà lần đầu đi hiến, đã rủ cả chồng là anh Nông Văn Thực tham gia. Hai vợ chồng dân tộc Tày dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước cho các con rồi chồng đèo vợ bằng xe máy chạy từ xã Ea Puk lên trung tâm huyện cách 13 km để hiến máu.
Chị Đinh Thị Thu Hà, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng chia sẻ: Chủ nhật Đỏ đúng là một dịp đầy ý nghĩa để đồng bào các dân tộc như chị được mặc trang phục truyền thống thật đẹp để làm việc nghĩa.
Gần Tết Nguyên đán, việc cơ quan nhiều nhưng Trung úy Cao Tiến Anh (từng 4 hiến máu) và Trung úy Phan Anh Tuấn (trên 10 lần hiến máu) thuộc Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Năng vẫn cùng đồng đội đi hiến máu. Trung úy Đinh Quang Thắng, Bí thư đoàn cơ sở Công an huyện Krông Năng cho biết Chủ nhật Đỏ 2020, Công an huyện có 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu.
Xung phong hiến đơn vị máu lớn làm gương ngay đầu buổi sáng, ông Trần Trung Hiển- Bí thư huyện ủy huyện Krông Năng chia sẻ lần nào đến với chương trình Chủ nhật Đỏ, cá nhân ông cũng thấy cảm động vì lòng nhân ái, đoàn kết giữa các dân tộc. Ông khẳng định sắp tới huyện sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp khả thi, để đồng bào mỗi dân tộc, kể cả các dân tộc ít người nhất ở các xã nghèo vùng sâu đều có đầy đủ trang phục truyền thống mỗi khi tham gia các sự kiện đầy ý nghĩa nhân văn như Chủ nhật Đỏ.
Vì đã quá cận kề Tết nguyên đán, các nhóm tình nguyện viên đăng ký hiến máu cả sáng lẫn chiều. Cho đến 12h, lượng máu đã thu nhận được là 700/ chỉ tiêu 800 đvm. Dự kiến đến cuối buổi chiều ngày 19/1 Chủ nhật Đỏ Krông Năng 2020 mới kết thúc. (Tiền phong, trang 11).