Xử nghiêm việc “găm hàng” tăng giá thuốc điều trị cúm Tamiflu 75mg
Ngày 18-12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo công văn trên, Cục Quản ý Dược nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc điều trị cúm (chứa hoạt chất oseltamivir) do thiếu nguồn cung. Để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.
Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Các bệnh viện, viện có giường trực thuộc Bộ Y tế chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.
Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.
* Cùng ngày, Cục Quản lý Dược cũng có công văn gửi Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 về việc đảm bảo cung ứng thuốc Tamiflu 75mg.
Cục nhận được văn bản của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về việc hết thuốc điều trị cúm Tamiflu 75mg, văn bản của Bệnh viện Nhi trung ương về việc vay thuốc Tamiflu 75mg từ nguồn phòng, chống dịch.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, thông báo về Cục Quản lý Dược để được giải quyết. (Thanh niên, trang 7; An ninh Thủ đô, trang 5).
Nhân viên tạp vụ thành y tá: Tỉnh yêu cầu xác minh
Nhân viên tạp vụ tại Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường Bình Dương đã nhiều lần khám sức khỏe cho công nhân.
Sự việc hy hữu xảy ra tại Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương. Mặc dù bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một nhân viên tạp vụ, không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhưng lại được giám đốc trung tâm cho đi khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ở các công ty.
Gần đây nhất là vào ngày 4-12, bà Ngân có trong danh sách 12 người được cử đi khám sức khỏe định kỳ cho công nhân của một công ty tại phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vào ngày 5-12. Kế hoạch do ông Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương ký.
Nhiều công nhân phản ánh trong quá trình khám bệnh bà N. mặc blouse trắng, đo mạch, huyết áp cho công nhân, sau đó ghi kết quả vào hồ sơ bệnh án. Nhiều lần công nhân bắt gặp buổi sáng bà Ngân tham gia đoàn khám bệnh ở công ty xong, buổi chiều về lại trung tâm tiếp tục công việc tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh nơi này.
Trao đổi với bà Ngân, người này thừa nhận mình là nhân viên tạp vụ tại trung tâm và đã làm việc tại đây được hơn 10 năm. Hai năm gần đây, một số lần bà được trung tâm cử đi cùng đoàn khám sức khỏe định kỳ cho các công nhân.
Bà Ngân cho biết: “Trước khi đi cùng đoàn khám sức khỏe, tôi được bác sĩ hướng dẫn cách đo mạch, đo huyết áp và ghi các thông số kỹ thuật. Còn những việc khác thì chuyển cho bác sĩ”.
Mặc dù thừa nhận đơn vị đã sai khi phân công thêm nhiệm vụ cho bà Ngân ở vị trí đáng lẽ là của điều dưỡng, y tá nhưng ông Hồ Hoàng Vân lại lý giải rằng do địa bàn Bình Dương công nhân nhiều nhưng nhân lực y tế tại trung tâm không đủ nên buộc phải bố trí người không có chuyên môn khi đột xuất.
“Chúng tôi thấy việc này là không đúng và sẽ chấn chỉnh, thực hiện những nhiệm vụ theo đúng quy định, theo đúng chuyên môn trong thời gian tới đây” - ông Vân cho hay.
Sau khi nhận được phản ánh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương giải trình. UBND tỉnh cũng đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác minh, làm rõ. Nếu phát hiện các dấu hiệu sai phạm phải xử lý nghiêm và báo cáo trước ngày 31-12-2019.
Một cơ quan sự nghiệp đảm nhận nhiều trọng trách
Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương là cơ quan sự nghiệp (tuyến tỉnh) trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, được giao nhiệm vụ thực hiện khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; quản lý, đánh giá về vệ sinh môi trường lao động như khí độc, bụi phóng xạ, tiếng ồn, độ rung… Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện dịch vụ chuyên môn như khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng lao động cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các cá nhân có nhu cầu. Trung tâm thực hiện khám bệnh, sức khỏe định kỳ tại cơ quan, doanh nghiệp và tại trụ sở trung tâm (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một).
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra về Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường Bình Dương và sẽ có báo cáo khi có kết quả kiểm tra. (Pháp luật TP. HCM, trang 12; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa
Ngày 19-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 11 tháng, cả nước có 408.907 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận chủng vi-rút cúm mới.
Các chủng vi-rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi-rút cúm A(H1N1) và vi-rút cúm B. Hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường, ô nhiễm môi trường tăng cao nhu cầu đi lại nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển và lan truyền. Dự báo thời gian tới, số người mắc bệnh cúm có thể gia tăng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đông người.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay với xà-phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi-rút, cần có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.
* Cùng ngày, trước nguy cơ thiếu thuốc điều trị bệnh cúm (thuốc có chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh liên hệ các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để mua sắm, bảo đảm đủ thuốc điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá thuốc. Các cơ sở nhập khẩu thuốc cần chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để cung ứng đủ thuốc. Trường hợp liên hệ được nguồn cung thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, cần khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế. (Nhân dân, trang 8).
Thủ tướng: Quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh mùa đông xuân
Trước diễn biến của tình hình bệnh, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019-2020.
Theo đó, tại báo cáo của Bộ Y tế về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc 11 tháng năm 2019 và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai, thực hiện, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020, nhất là chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị dịch bệnh mùa đông xuân, nhất là đối với dịch bệnh sốt xuất huyết; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực việc phòng, chống các loại dịch bệnh mùa đông xuân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Chưa ghi nhận chủng virus cúm mới và đột biến gene
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gene làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A/H1N1 và virus cúm B.
Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A/H1N1 và virus cúm B
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gene làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A/H1N1 và virus cúm B.
Trong năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018, cụ thể như sau 11 tháng năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018). Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Bên cạnh đó, cùng với ô nhiễm môi trường, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông - xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già có sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm
Trước thông tin về nguy cơ thiếu thuốc điều trị cúm (thuốc chứa hoạt chất oseltamivir) do thiếu nguồn cung ứng, ngày 19/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc yêu cầu chủ động đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp lợi dụng trữ hàng, tăng giá thuốc.
Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
VN đạt nhiều thành tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Ngày 19/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 và Triển lãm ảnh "Những câu chuyện cuộc đời". Phó Thủ tướng Chỉnh Phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thông tin thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở là bằng chứng tin cậy, căn cứ quan trọng và hữu ích phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết quả số liệu chính thức công bố ngày hôm nay sẽ tiếp tục cung cấp bổ sung các thông tin về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số và các điều kiện ở của nhân dân một cách đầy đủ và chi tiết hơn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.
Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009.
Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines (363 người/km2) và Singapore (8.292 người/km2).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.(Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Nhiều tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em
Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ.
Đông Nam Bộ có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất cả nước (62,8%), Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất (18,2%).
Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm.
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn: U5MR của khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 25,1 và 12,3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).
Tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030).
Thách thức già hoá dân số
Theo kết quả Tổng điều tra, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam nhận định: Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi dân số trong dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chính sách cho thanh niên, tạo việc làm thỏa đáng, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền và bình đẳng giới.
Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh rằng chuyển đổi nhân khẩu học, đặc biệt mức sinh giảm, chỉ ra rằng dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có, với chỉ số già hóa tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019. Do đó, trong khi tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng, Việt Nam cũng nên sẵn sàng giải quyết các thách thức của già hóa dân số.
4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc
Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở (chiếm 0,47 phần mười nghìn tổng số hộ), tương đương với 4.108 người. Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (ba bộ phận: tường, mái, sàn).
Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009...
Theo nhận định, trong 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân. Quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh...
Sức khỏe của người dân đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ người khuyết tật giảm; tuổi thọ của người dân tăng cao; tỷ suất chết của trẻ em và tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh.
Vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, xây dựng và Dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm mạnh; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao.
Thành quả trên sẽ tạo thêm động lực để chúng ta hiện thực hóa khát vọng về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Có trách nhiệm của bệnh viện trong quản lý vật tư y tế
Tại buổi giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Hà Nội tổ chức, Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết quả thanh tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng test (que thử) xét nghiệm nhanh HIV, HbsAg và xét nghiệm Elisa tại BVĐK Xanh Pôn, thực hiện từ ngày 11 - 14/12/2019.
Cụ thể, ngày 10/12/2019, Sở Y tế đã có quyết định thanh tra công tác mua sắm, quản lý, sử dụng test xét nghiệm nhanh HIV, HbsAg và xét nghiệm Elisa tại BVĐK Xanh Pôn sau phản ánh của cơ quan báo chí về việc “hàng nghìn” que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi trước khi sử dụng trong các xét nghiệm tại bệnh viện này.
Đoàn thanh tra đã làm việc trong 4 ngày (từ 11 - 14/12). Kết quả xác minh bước đầu làm rõ, BVĐK Xanh Pôn mua sắm vật tư y tế theo kết quả đấu thầu tập trung (do Trung tâm Mua sắm tài sản công, thông tin tư vấn tài chính - Sở Tài chính Hà Nội thực hiện) theo quy định, trong đó có 5 loại test, kit xét nghiệm đang được sử dụng tại Khoa Vi sinh y học. Khoa quản lý việc sử dụng 5 loại test, kit trên bằng 3 hệ thống: Sơ đồ test, phiếu kiểm kê và phần mềm quản lý kết quả xét nghiệm (Lapcom) nhập số liệu từ tháng 7/2019. Qua kiểm tra, số liệu thống kê trên 3 hệ thống của khoa không khớp nhau và không khớp với số liệu kiểm tra của đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ số liệu.
Kết quả xác minh việc nhận, sử dụng test Alere HIV Combo - Nhật Bản (test HIV Combo) tại Khoa Vi sinh y học cho thấy, bệnh viện không mua loại test này. Việc có test HIV Combo tại khoa là do bà Chu Thị Loan - Phó Trưởng khoa Vi sinh y học chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận từ Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh với số lượng 40 test. Tuy nhiên, khoa đã không báo cáo việc nhận và sử dụng test HIV Combo với bệnh viện. Về việc sử dụng test HIV combo, theo báo cáo của bà Chu Thị Loan và các nhân viên trong khoa, bà Loan đã phổ biến, chỉ đạo nhân viên thực hiện cắt dọc gần 40 test làm đôi để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm bằng test HIV 1/2 vì Công ty Lục Tỉnh chỉ cho khoa 40 mẫu, không đủ số lượng test cần kiểm chứng.
“Khoa sử dụng mẫu máu xét nghiệm bằng test HIV 1/2 còn dư để xét nghiệm test HIV Combo nên không lấy thêm máu của bệnh nhân. Thực tế, khoa chỉ xét nghiệm kiểm chứng gần 80 test HIV Combo - nhân viên khoa không nhớ số lượng cụ thể”, báo cáo của Sở Y tế khẳng định. Tại thời điểm kiểm tra, Khoa Vi sinh y học không còn test HIV Combo. Đoàn kiểm tra đang tiếp tục xác minh thông tin phản ánh việc nhân viên của khoa cắt các loại test, kit xét nghiệm khác. Về nội dung xác minh thông tin trộn 4 mẫu máu để xét nghiệm, tại thời điểm kiểm tra, đối chiếu kết quả kiểm tra, xác minh và báo cáo giải trình của toàn bộ nhân viên khoa, chưa xác định được việc trộn 4 mẫu máu để xét nghiệm Elisa.
Đoàn thanh tra đánh giá, Khoa Vi sinh y học không thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận quà tặng. Việc khoa tự ý sử dụng test HIV Combo để xét nghiệm kiểm chứng với test HIV 1/2 nhưng không xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, không báo cáo bệnh viện là không thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, việc Khoa Vi sinh y học cắt dọc test HIV Combo làm đôi để xét nghiệm đã không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn.
“Để xảy ra những tồn tại, vi phạm trên, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Khoa Vi sinh y học, đồng thời có trách nhiệm của bệnh viện trong công tác quản lý vật tư y tế. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, Cơ quan CSĐT- CATP. Hà Nội đã có quyết định giải quyết tin báo tội phạm và đang tiến hành điều tra, xác minh cùng thời điểm tiến hành thanh tra”, ông Phạm Thanh Học nói.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh sự việc nêu trên tại BVĐK Xanh Pôn. Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở và BVĐK Xanh Pôn cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra.
Về phía Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc tại BVĐK Xanh Pôn, Sở Y tế đã có văn bản gửi lãnh đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập chỉ đạo tăng cường rà soát quy trình quản lý hoạt động xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ các quy trình xét nghiệm, quy trình khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại đơn vị. Thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 49/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình chuyên môn kỹ thuật tại các khoa khám bệnh và khoa xét nghiệm. Kiểm tra, rà soát quy trình cấp phát và sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao tại khoa dược, phòng vật tư, khoa xét nghiệm, khoa khám bệnh. Xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận, làm thất thoát hóa chất, vật tư tiêu hao theo quy định của pháp luật.
Về phương hướng xử lý, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố cho phép chờ kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với vụ việc trên. Trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết, Sở Y tế chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở và BVĐK Xanh Pôn cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện nghiêm túc các nội dung của cơ quan Cảnh sát điều tra khi được yêu cầu.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều quy định, hướng dẫn về quy trình xét nghiệm. Thế nhưng sai phạm xảy ra đã cho thấy còn tồn tại những khoảng trống trong công tác giám sát, phát hiện sai sót tại các cơ sở y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Rút kinh nghiệm sâu sắc vụ việc liên quan thuốc gây tê ở Ðà Nẵng
Theo Kết luận số 3808/TB-SYT của Hội đồng chuyên môn (Sở Y tế TP. Đà Nẵng) đánh giá sự cố y khoa tại Bệnh viện Phụ nữ TP. Đà Nẵng làm 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch, Sở Y tế TP. Đà Nẵng đề nghị Bệnh viện Phụ nữ TP. Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các tai biến y khoa. Tập trung chú trọng ở khâu tiên lượng bệnh, triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa nghiêm trọng theo quy định.
Theo đó, sau khi nghe Bệnh viện Phụ nữ báo cáo, cùng với nghiên cứu hồ sơ, thu thập thông tin dữ liệu liên quan và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn kết luận, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine. Về nguyên nhân sự số, ca thứ nhất (sản phụ L.H.P.T.) tử vong ngày 22/10 nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê Bupivacaine. Ca thứ 2 (sản phụ V.T.N.S.) tử vong ngày 17/11 nghĩ nhiều đến do ngộ độc thuốc tê. Ca thứ 3 (N.T.H.) chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc tê, được cấp cứu kịp thời và xuất viện ngày 29/11. Kết luận của Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, các thành viên liên quan tham gia điều trị 3 ca này đều đã có chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp. Tính đến thời điểm xảy ra sự cố, Sở Y tế Đà Nẵng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho ca bệnh nêu trên từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc. Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12/2019 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
Về xác định có hay không sai sót chuyên môn của Bệnh viện Phụ nữ, Hội đồng chuyên môn kết luận, quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân là thực hiện đúng quy định. Các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp. Tuy nhiên, đối với trường hợp sản phụ L.H.P.T., hồ sơ bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh. Bệnh viện Phụ nữ cũng chưa tổ chức hội đồng chuyên môn phân tích tìm nguyên nhân của ca bệnh và không báo cáo ngay phản ứng thuốc trên hệ thống khi xảy ra sự cố.
Đối với sản phụ V.T.N.S., Bệnh viện Phụ nữ chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ diễn tiến theo chiều hướng nặng hơn nên việc cấp cứu và theo dõi sau mổ tại bệnh viện quá lâu trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên kịp thời. Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này, tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh và triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
30 phút nút mạch thành công chấm dứt tiểu máu dai dẳng
BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ cho biết, đơn vị can thiệp mạch BV vừa điều trị thành công 1 trường hợp tiểu máu do nguyên nhân rất hiếm gặp là giả phình mạch thận sau chấn thương mà không cần phải phẫu thuật.
Bệnh nhân Nguyễn Thị A. (58 tuổi, địa chỉ Thới Lai - Cần Thơ). Cách nhập viện 6 tháng, bệnh nhân đi xe bị ngã, chấn thương vùng hông trái, sau đó bị tiểu máu và tự mua thuốc (không rõ loại) uống nhưng không giảm. Bệnh nhân nhập BVĐKTW Cần Thơ với chẩn đoán chấn thương thận (T) độ 3 và được điều trị nội khoa bảo tồn. Tuy nhiên, tình trạng tiểu máu vẫn tái phát nhiều lần trong 6 tháng mà không hết. Cách nhập viện 1 tuần, bệnh nhân tiểu máu đỏ tươi toàn dòng nên nhập viện ĐKTW Cần Thơ. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ hội chẩn thống nhất chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền để kiểm tra mạch máu thận. Kết quả chụp mạch máu số hóa nền phát hiện dò động mạch thận phân thuỳ dưới thận trái tạo thành giả phình động mạch thận trái.
Ngày 16/12/2018, êkíp can thiệp do BSCK1 Trần Công Khánh - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh (kỹ thuật viên chính), BSCK1 Phạm Minh Phước - Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành nút tắc bằng 1 coil. Sau khi tiến hành đặt coil, tiến hành chụp kiểm tra. Kết quả đã bít hoàn toàn lỗ dò động tĩnh mạch và đoạn giả phình mạch. Thời gian thực hiện thủ thuật là 30 phút. Bệnh nhân không cần phải trải qua phẫu thuật mổ mở thận để cắt giả phình mạch.
Sáng 19/12/2019, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết tiểu máu. Dự kiến ra viện trong ngày 20/12/2019.
Việc Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ chẩn đoán và can thiệp thành công 1 trường hợp hiếm và khó như giả phình mạch thận sau chấn thương bụng kín bằng phương pháp bít coil chỉ trong 30 phút càng khẳng định trình độ chuyên môn của đội ngũ can thiệp nội mạch bệnh viện. Chắc chắn với những kiến thức và kỹ năng sẵn có, BV ĐKTW Cần Thơ sẽ tiếp tục phát triển những kỹ thuật tiên tiến với mục tiêu đáp ứng nhu cầu được khám và chữa bệnh với chất lượng ngày càng tốt của nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).