Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 cho đối tượng có nguy cơ cao; Dịch COVID-19: Yêu cầu tăng cường phòng chống kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế; Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bác bỏ thông tin phong toả thành phố; ...

 

Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 cho đối tượng có nguy cơ cao

Ngày 19-3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa có công văn 1386/BCĐQG gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới có diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng ngừa cho đối tượng có nguy cơ cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan có các hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và các đối tượng có nguy cơ khác.

Theo đó, các đơn vị cần thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác. Các đơn vị khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu hai tháng). Bên cạnh đó, cần thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác. Hình thức khai báo trên thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính bảng) thông qua ứng dụng NCOVI tải từ Google Play hoặc App Store. Trong quá trình khai báo y tế điện tử, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ số điện thoại 0949760366.

Ban Chỉ đạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã/phường; công an xã, dân quân, mạng lưới dân số, y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; thông báo rộng rãi số điện thoại của cán bộ y tế, dân số trên địa bàn xã để người dân cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi, người mắc các bệnh không lây nhiễm. Thực hiện dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho các đối tượng người cao tuổi theo các hướng dẫn.

Các bệnh viện cần phân loại, cách ly người bệnh đúng theo hướng dẫn

Cũng trong ngày hôm nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các bộ, ngành; Các bệnh viện trực thuộc trường đại học về việc rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp tại cơ sở y tế.

Trong thời gian qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công tác tiếp đón, sàng lọc người bệnh tại một số địa phương. Kết quả kiểm tra có những bệnh viện chưa triển khai tích cực hoặc có triển khai nhưng chưa đúng theo các nguyên tắc sàng lọc, phân loại, cách ly người bệnh Covid-19 như các hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Để đối phó tốt hơn dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các bệnh viện khẩn trương thực hiện nghiêm các việc như sau: Nghiên cứu, thiết kế lại việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Các bệnh viện phải báo cáo hoạt động đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh bằng tệp tin trình chiếu (định dạng .ppt). (Nhân dân, trang 8; Hà Nội mới, trang 1).

 

Dịch COVID-19: Yêu cầu tăng cường phòng chống kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng y tế các ngành và giám đốc các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế.

Theo Bộ Y tế, tình hình bệnh dịch viêm đường hô hấp do COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên Thế giới và tại Việt Nam. Tính đến ngày 19/3/2020 Việt Nam đã có 76 trường hợp mắc, 60 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Hằng ngày, các bệnh viện đang phải thực hiện khám sàng lọc cho nhiều người nhiễm hoặc nghi nhiễm, do vậy nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nếu không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.

Nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh khác và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhiêm túc thực hiện một số nội dung: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành tại Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020 và các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành.

Bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Thực hiện tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh theo quy định. Hướng dẫn người bệnh khi đến khám bệnh phải đeo khẩu trang ngay từ khu vực tiếp nhận. Khu vực khám sàng lọc không bố trí nơi đông người, bảo đảm khoảng cách tối thiểu cho người chờ khám ít nhất 2m.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 của nhân viên y tế, người bệnh và các đối tượng liên quan.

Báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng khi có các sự cố, tình huống bất thường liên quan đến bệnh dịch theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu cần sự hỗ trợ về chuyên môn, đề nghị liên hệ Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế,138A, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng y tế Công an nhân dân

Những ngày qua, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an nhân dân đã nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong chính nội bộ ngành và trong nhân dân. Đáng chú ý, lực lượng y tế Công an nhân dân thời điểm này cũng đang chủ động, lên các phương án tốt nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Có phương án giảm áp lực cho các cơ sở cách ly của quân đội

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, cách ly người nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, xâm nhập vào lực lượng công an, cũng như lây lan trong cộng đồng. Quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: “Chống dịch như chống giặc” và các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công an đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó tình hình dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ và chuẩn bị các khu cách ly tập trung nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát diện rộng. Bộ Công an đã có phương án lựa chọn địa điểm tại Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I (cơ sở 2, tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân VI (cơ sở tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) làm hai nơi cách ly tập trung. Ngày 14-3 vừa qua, Đoàn công tác Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Y tế (Bộ Công an) làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát các địa điểm này. Qua chuyến khảo sát thực tế cho thấy, địa điểm tại Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I (cơ sở 2) có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc tạm trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bởi điểm trường này chỉ cách sân bay Nội Bài khoảng 13km, rất thuận tiện cho việc tiếp nhận những người ở vùng dịch trở về. Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, hiện trường có bảy tòa nhà đang được sử dụng làm giảng đường và ký túc xá cho học viên. Tuy nhiên, thời điểm này, số lượng học viên giảm, tổng số cả cán bộ, giảng viên của trường và học viên chỉ khoảng gần 500 người, cho nên nhà trường có thể sắp xếp lại để dành bốn tòa nhà D, E, F, G làm các phòng cách ly tập trung khi Bộ Công an có chủ trương trưng dụng. Bên trong mỗi tòa nhà của nhà trường gồm 40 phòng, với vệ sinh khép kín, nếu tính sơ bộ bố trí bốn người/phòng, tổng số người có thể cách ly trong một tòa nhà sẽ là 160 người, tổng số lượng người được tiếp nhận tại bốn tòa nhà được dành cho việc cách ly sẽ là khoảng 640 người. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, cần huy động thêm nơi ở, nhà trường có thể bố trí giường tầng, như vậy mức tối đa có thể tăng lên gấp đôi ước tính ban đầu. Trường hợp xấu nhất, nếu cần trưng dụng toàn bộ mặt bằng của nhà trường làm nơi cách ly tập trung, nhà trường đã có phương án chuyển toàn bộ cán bộ, giảng viên và học viên của cơ sở 2 này về cơ sở 1 của trường tại đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại địa điểm cách ly dự kiến tại trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, qua khảo sát thực tế, có thể trưng dụng sáu tòa để sử dụng làm khu cách ly tập trung với tổng sức chứa khoảng hơn 400 người.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, các cơ sở được khảo sát đều phù hợp và đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện khu cách ly tập trung. Các cơ sở này sẽ góp phần giảm bớt áp lực quá lớn đối với các cơ sở cách ly tập trung của quân đội. Đồng thời, khi có quyết định chính thức của Bộ Công an, các cơ sở này sẽ được sử dụng để làm khu cách ly tập trung cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ có tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao, nghi nhiễm dịch như: cán bộ, chiến sĩ quản lý xuất, nhập cảnh sân bay, cửa khẩu; cán bộ làm nhiệm vụ tại khu vực có dịch hoặc cảnh sát giao thông…

Sử dụng hạ tầng, vật tư của ngành Công an phục vụ chống dịch

Bên cạnh việc khảo sát các địa điểm để sẵn sàng trở thành các khu cách ly tập trung, Bộ Công an cũng chủ trương huy động đến mức cao nhất hạ tầng, cơ sở vật chất tại các đơn vị trên cả nước nhằm “chung tay”, “sát cánh” với cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại hội nghị phòng, chống dịch Covid-19 tại Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hệ thống nhà khách, khu điều dưỡng của ngành công an sẽ xem xét việc ngưng tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ đến nghỉ để dành hạ tầng phục vụ việc tiếp nhận người cần cách ly. Các bệnh viện tuyến trên và hệ thống y tế công an sẽ tiếp tục rà soát khả năng đáp ứng tiếp nhận, điều trị người bị lây nhiễm. Ngoài ra, hệ thống trường, trung tâm huấn luyện của Công an cũng có thể sẵn sàng chuyển thành cơ sở tiếp nhận người bị cách ly trong trường hợp dịch bệnh bùng phát theo chiều hướng xấu. Nhiều đơn vị trong ngành công an đã chủ động có phương án nhằm “chung tay” chống dịch với cả nước. Tại Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân V (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã được chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bàn giao cơ sở vật chất khu nhà N11 để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, theo dõi các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Theo đó, ngay sau khi có văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam và ý kiến đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, nhà trường đã bắt tay ngay vào việc rà soát tất cả các phòng, chuyển tất cả các cán bộ ở tập thể tại khu nhà N11 về nơi ở mới để dành lại hạ tầng, cơ sở vật chất cho công tác chống dịch. Hiện tại, mọi công tác tại địa điểm này gần như đã hoàn tất và có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống liên quan đến dịch bệnh xảy ra. Tại Công ty 19-5 thuộc Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Bộ giao, công ty đã đề xuất các đơn vị chức năng chủ động nguồn nguyên vật liệu, khâu kiểm định chất lượng bảo đảm yêu cầu trong việc sản xuất khẩu trang vải ba lớp kháng khuẩn. Hiện tại, công ty đã tổ chức sản xuất theo đúng kế hoạch Bộ đã đề ra. Đồng thời, huy động cán bộ, công nhân viên, người lao động làm tăng ca nhằm cung ứng đủ và kịp thời mặt hàng khẩu trang cho toàn lực lượng trong thời gian sớm nhất.

Có thể nói, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang là nhiệm vụ của toàn xã hội. Với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế, những kinh nghiệm tốt của ngành quân y toàn quân, cùng sự chung tay tích cực chuẩn bị sẵn sàng của ngành Công an nói chung và y tế công an nhân dân nói riêng trong phòng, chống đại dịch Covid-19 toàn cầu, chắc chắn sẽ là một trong những “lá chắn” tin cậy để bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch bệnh. (Nhân dân, trang 4).

 

Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội có thể tăng mạnh, tuyệt đối không được chủ quan

Đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 ở Hà Nội lúc này là rất cao, số mắc nhiều khả năng tăng mạnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố dự kiến sẽ kích hoạt bộ phận ứng phó với khủng hoảng…

Sáng nay, 19-3, phát biểu tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Huyện ủy Chương Mỹ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố cho biết, dù trên địa bàn huyện Chương Mỹ chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 song đã có những trường hợp F1, F2.

Đến thời điểm này, huyện cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Dù vậy, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới, trong nước cũng như trên địa bàn Hà Nội đang rất phức tạp, do vậy đề nghị huyện tuyệt đối không được chủ quan, nhất là khi thành phố sẽ đưa các trường hợp F1 về cách ly tập trung tại Xuân Mai (Chương Mỹ) từ hôm nay.

Trước đó, từ chiều tối qua, 18-3, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo mới về việc tổ chức cách ly theo hướng: các trường hợp F1 (tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân) thì cách ly tại cơ sở y tế; các trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) thì cách ly tại nhà; các trường hợp F3, F4 thì không cần cách ly như trước…

“Có thể nói giai đoạn này, nguy cơ về dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố là rất lớn. Ngay ở huyện Chương Mỹ cũng có nhiều khu công nghiệp đang có người nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia từ Thái Lan đến làm việc trong vòng 15 ngày trở lại đây, do đó cần rà soát để có biện pháp theo dõi” – ông Chung lưu ý.

Thông tin rõ hơn về diễn biến dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ khi bước vào giai đoạn 2 của dịch (từ ca bệnh số 17 – PV) đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 20 bệnh nhân mắc Covid-19, con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao.

“Trong những ngày tới đây, số bệnh nhân mắc hàng ngày rất có thể sẽ lên đến trên 2 con số (từ 10 bệnh nhân trở lên – PV) chứ không phải chỉ một vài ca nữa” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Thực tế, các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu đến thời điểm này đều đã “đóng băng”. Dịch Covid-19 cũng bắt đầu lan rộng tại Liên bang Nga, Ấn Độ, Quatar, Canada…

“Vì thế, dự kiến tới đây thành phố sẽ kích hoạt bộ phận ứng phó với khủng hoảng, mỗi quận/ huyện/ thị cũng phải thành lập bộ phận ứng phó với khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra” – Trưởng Ban chỉ đạo thành phố cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý với huyện Chương Mỹ, từ nay đến đại hội và cho đến hết năm 2020, cần giữ các chỉ tiêu tăng trưởng nhưng mục tiêu số 1 là đảm bảo, ổn định đời sống, an sinh cho nhân dân. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Việt Nam thêm 9 bệnh nhân COVID-19, tổng cộng 85 ca

Tối 19-3, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã có thêm 9 bệnh nhân COVID-19, từ 77 đến 85; đều từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Bệnh nhân 77 là nữ, 25 tuổi (địa chỉ ở Nhân Chính, Hà Nội). Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 17-3 trên chuyến bay QR976. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với COVID-19. Tối 18-3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định. 

Bệnh nhân 78 là nam, 22 tuổi (địa chỉ ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 17-3 trên chuyến bay EK394. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với COVID-19. Tối 18-3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định. 

Bệnh nhân 79 là nữ, 48 tuổi (địa chỉ ở Đông Hải, Bạc Liêu). Bệnh nhân sống tại Anh gần 2 năm nay. Ngày 14-3, bệnh nhân từ London, Anh đi Dubai trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK4, số ghế 72J và sau đó về Việt Nam ngày 15-3 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK392, số ghế 33J. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12, TP.HCM. 

Ngày 16-3, bệnh nhân sốt, ho và được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi lúc 18h cùng ngày. X-Quang phổi lúc nhập viện có tổn thương như mô tạng kẽ và được lấy mẫu xét nghiệm. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào khuya 17-3. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc 13h ngày 18-3.

Hiện nay bệnh nhân được tiếp tục điều trị, cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. 

Bệnh nhân 80 là nam, 18 tuổi (địa chỉ ở Đông Hải, Bạc Liêu, con bệnh nhân 79). Bệnh nhân sống cùng mẹ tại Anh gần 2 năm nay. Ngày 14-3, bệnh nhân cùng mẹ từ London đi Dubai trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK4, số ghế 72J và sau đó về Việt Nam ngày 15-3 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK392, số ghế 33J. 

Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12 và được lấy mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc 14h ngày 18-3. 

Bệnh nhân 81 là nam, 20 tuổi (địa chỉ ở Konplông, Kon Tum). Ngày 14-3, bệnh nhân từ Paris, Pháp lên chuyến bay của hãng hàng không AirFrance, số hiệu AF258, số ghế 44L và về tới Việt Nam ngày 15-3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12 và được lấy mẫu bệnh phẩm. 

Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc 1h ngày 19-3. 

Bệnh nhân 82 là nữ, 16 tuổi (địa chỉ ở Q.5, TP.HCM). Ngày 14-3, bệnh nhân cùng mẹ từ London đi Dubai trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK30, số ghế 12B và sau đó về Việt Nam ngày 15-3 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK364, số ghế 7K. 

Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12 và được lấy mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc 1h ngày 19-3.

Bệnh nhân 83 là nữ, 50 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ (trú tại quận Bình Thạnh,TP.HCM) Trong 14 ngày trước nhập cảnh, bệnh nhân đi Phuket, Thái Lan và từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ lên chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airline, số hiệu TK162, số ghế 14K về tới Việt Nam ngày 15-3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân không ho, không sốt, không khó thở, chuyển cách ly tập trung tại quận 12 và được lấy mẫu bệnh phẩm. 

Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lúc 1h ngày 19-3. 

Bệnh nhân 84: nam, 21 tuổi (địa chỉ ở Đống Đa, Hà Nội). Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18-3 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với COVID-19. 

Ngày 19-3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định. 

Bệnh nhân 85 là nam, 20 tuổi (địa chỉ ở Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18-3 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với COVID-19. Ngày 19-3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định. (Tuổi trẻ, trang 7; Thanh niên, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bác bỏ thông tin phong toả thành phố

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bác bỏ thông tin sẽ phong toả thành phố Hà Nội và kêu gọi người dân yên tâm, không nên hoang mang dao động tích trữ hàng hoá.

Trao đổi với Thanh Niên tối 19.3 liên quan đến thông tin đang lan truyền về việc Hà Nội sẽ bị phong toả, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định: "Không có việc Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đưa ra quyết định sẽ phong toả thành phố Hà Nội".

Trước tình trạng nhiều người dân lo lắng đổ xô đi siêu thị mua hàng hoá tích trữ, ông Chung khẳng định: “Hà Nội hoàn toàn đủ hàng hoá thực phẩm thiết yếu để cung ứng cho người dân trong dài hạn. Mọi người cần bình tĩnh, không hoang mang dao động, đi mua tích trữ hàng hoá trong lúc này”.

Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, số lượng ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội tăng lên trong vài ngày gần đây, nguyên nhân nguồn lây nhiễm do một số công dân Việt Nam từ các vùng dịch đi về, cũng như một số khách nước ngoài đến Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình, nhanh chóng phát hiện sớm các biểu hiện dịch bệnh, xét nghiệm và tiến hành cách ly nhanh.

Những công dân ở nước ngoài về đều được thành phố tổ chức cách ly tập trung tại các doanh trại và trường do quân đội quản lý. Chúng ta hoàn toàn yên tâm việc kiểm soát tốt dịch bệnh. Một số trường hợp khách nước ngoài đến Hà Nội trước thời điểm cấm nhập cảnh đã phát hiện dương tính và cách ly kịp thời, xác minh các trường hợp tiếp xúc để cách ly kịp thời. Thực tế, theo ông Chung, số ca dương tính trên địa bàn Hà Nội từ 6.3 tới nay chỉ có 21 ca.

Về ý kiến cho rằng cần thu phí chữa bệnh và cách ly với các trường hợp nhập cảnh dương tính với Covid-19, theo ông Chung, hiện Hà Nội chưa có chủ trương thu tiền của công dân trong nước và nước ngoài từ vùng dịch về khi cách ly. Mức chi phí cho mỗi người cách ly hết khoảng 1,4 -1 ,5 triệu tiền ăn trong 14 ngày, nơi ở đang tận dụng hệ thống cơ sở vật chất của các doanh trại quân đội, trường học...

Sắp tới, theo nguyện vọng một số du khách nước ngoài, cán bộ ngoại giao tại sứ quán có nhu cầu, thành phố đã thống nhất một số cơ sở khách sạn lưu trú trên địa bàn để tổ chức cách ly. (Thanh niên, trang 2).

 

TP.HCM chuẩn bị thêm khu cách ly

Chiều 19.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM họp khẩn sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên trong những ngày qua. TP đã có kế hoạch chuẩn bị thêm khu cách ly. 

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, nhận định trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia thì 2 tuần tới “có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

TP đã có kế hoạch chuẩn bị thêm khu cách ly tập trung, nâng tổng số giường lên khoảng 24.000 giường, trong đó có 800 giường ở quận, huyện. Đồng thời, TP đã tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân (BN) mắc bệnh khác đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP qua cơ sở khác để dành toàn bộ BV này chữa trị cho BN nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, phương án này là phương án sau cùng vì cách ly, điều trị trong nội ô là trường hợp bất khả kháng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cho biết Bộ Tư lệnh TP đang phối hợp với Đại học Quốc gia TP chuẩn bị làm khu cách ly tại ký túc xá, nếu thiếu cán bộ chiến sĩ thì huy động thêm lực lượng thanh niên xung phong.

Ngoài ra, 4 khu cách ly khác gồm khu cách ly BV 175 (300 giường), Trung đoàn Gia Định (300 giường), Trường Quân sự Quân khu 7 (300 giường) và trường bắn Phú Mỹ Hưng (250 giường). Trong bối cảnh số lượng người từ nước ngoài về VN tránh dịch, ông Phong yêu cầu các đơn vị phải tính toán đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng phục vụ đồng bộ với số giường tại 5 khu cách ly tập trung sắp tới.

Chủ tịch UBND TP thông tin hiện mỗi ngày có 1.300 - 1.700 người về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất và có thể phải đón nhận 17.000 người trong 10 ngày tới nên phải chuẩn bị cơ sở vật chất ngay từ bây giờ.

Về nhân lực, ông Phong yêu cầu ngoài nhân viên y tế đang phục vụ phải tính toán thêm phương án huy động bác sĩ nghỉ hưu, bác sĩ trong các lực lượng vũ trang như quân đội, công an và cả sinh viên trường y vào đội ngũ y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

“Việc chuẩn bị này hoàn toàn không thừa, nếu làm ngay từ đầu sẽ không bị lúng túng”, ông Phong nhận định trong bối cảnh TP có gần 19.000 bác sĩ nhưng trong đó chỉ có 341 bác sĩ và gần 1.000 điều dưỡng chuyên khoa nhiễm. Trước đó, Sở Y tế đã lập trung tâm điều phối nhân lực ngành y tế và tập huấn cho bác sĩ chuyên ngành khác về dịch bệnh Covid-19.

Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết kết quả xét nghiệm 195 người ở chung cư Hòa Bình (P.14, Q.10) tiếp xúc với BN thứ 48 đều âm tính. Ca nhiễm Covid-19 thứ 48 (Bộ Y tế công bố ngày 14.3) từng tiếp xúc với BN thứ 34, BN thứ 41 (tại Bình Thuận) và 45 đồng nghiệp. (Thanh niên, trang 2-3).

 

Ứng phó dịch Covid-19: Khoanh vùng dựa trên điều tra dịch tễ

Thời gian vừa qua có một số nơi khoanh vùng cách ly chưa đúng quy định gây lãng phí và hoang mang cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, khoanh vùng một cộng đồng để cách ly phòng chống dịch Covid-19 phải dựa trên điều tra dịch tễ của cơ quan chuyên môn.

Theo ông Trần Đắc Phu quyết định quy mô vùng cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly.Vừa qua xảy ra tình trạng một số ít nơi thực hiện chưa đúng việc cách ly gây lãng phí và hoang mang cho người dân, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Ông Phu cho rằng, việc cách ly tại nhà, cách ly cộng đồng (khoanh vùng một cộng đồng để cách ly) là rất quan trọng. Virus chỉ lây trong tiếp xúc gần, hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra. Xác định lây nhiễm đến đâu, chúng ta tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Điều này phải dựa trên điều tra dịch tễ của cơ quan chuyên môn. Ở các tỉnh, vai trò của các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế rất quan trọng. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, một người mắc bệnh cách ly cả phố hoặc cách ly cả làng.

Theo ông Phu, ngoài làm theo hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại vùng có dịch, cần phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để xác định quy mô cách ly một cụm dân cư, một tổ dân phố, một dãy phố hoặc một tòa chung cư, hay một cơ quan, đơn vị… Nếu bệnh nhân hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh không có liên hệ với với cộng đồng, với hàng xóm thì chỉ cần cách ly nhà bệnh nhân ở và có thể thực hiện khử khuẩn rộng hơn ở những căn liền kề để ngăn chặn dịch bệnh.

Để đáp ứng yêu cầu cần thiết, tuỳ vào tình hình diễn biến, ngành Y tế quyết định cách ly một khu vực, có thể rộng hơn. Tuy nhiên trong quá trình cách ly, nếu xác định dịch không lây lan đến mức độ phải nới rộng như thế thì có thể rút gọn phạm vi cách ly.

Kì thị người từ vùng dịch là thiếu hiểu biết

Thực tế xảy ra việc người dân ở gần vùng cách ly cũng bị kì thị vì bị coi là đến từ vùng dịch. Về vấn đề này PGS.TS Trần Đắc Phu nhìn nhận: “Xác định một vùng dịch phải xác định được những người lây nhiễm và yếu tố khả năng lây nhiễm. Những chỗ đã xác định được người lây nhiễm hoặc có yếu tố lây nhiễm thì xác định được vùng dịch. Vùng dịch có thể rất nhỏ, chỉ 2-3 nhà. Chỉ khi nào không xác định được ca bệnh này ở đâu, mà lại “lây lan lung tung” mới đặt ra vấn đề vùng dịch lớn hơn. Vừa qua, chúng ta đã xác định, phát hiện được rất rõ nguồn bệnh là từ bên ngoài về (ca xâm nhập), hoặc có những ca bệnh lây từ ca xâm nhập. Chúng ta cũng xác định được vùng đó chỉ có ở những đối tượng đó, khu phố nhỏ đó, kể cả người sống gần nhưng không tiếp xúc người bệnh thì không thể coi họ là ở vùng dịch”.

“Hiện nay có những quan điểm kỳ thị rất không tốt xuất phát từ việc hiểu chưa đúng. Tôi cũng nắm được thông tin, vừa qua có tình trạng coi người đến từ/đi qua Hà Nội là người ở vùng dịch. Điều này hoàn toàn không đúng bởi dịch xảy ra ở một vài điểm, vài gia đình. Chúng ta cần hiểu biết để có ứng xử, hành vi đảm bảo vừa thực hiện phòng bệnh, vừa thực hiện đoàn kết người dân trong chống dịch lúc này”, ông Phu khuyến cáo.

Hàng trăm sinh viên y khoa tham gia chống dịch

Cùng với việc cử 30 cán bộ làm việc tại sân bay Nội Bài để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho các hành khách đến từ châu Âu, Anh và Mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội còn đưa 100 sinh viên hỗ trợ ngành y tế Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19.Trường Đại học Y tế Công cộng có khoảng 600 sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Theo đề nghị của Sở Y tế Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội điều động các sinh viên năm cuối chuyên ngành y học dự phòng và y tế công cộng tham gia phòng, chống dịch cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội)”.

Sắp tới lượng công dân từ nước ngoài về rất lớn, nên Sở Y tế TP. Hà Nội huy động mỗi quận, huyện, thị xã thêm 2 người để bổ sung vào đội lấy mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội. Theo đó, 60 cán bộ của các quận, huyện sẽ phối hợp cùng 20 nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, 20 cán bộ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phân công lấy mẫu xét nghiệm cho mọi hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. (Tiền phong, trang 4-5).

 

Huy động y bác sỹ về hưu, sinh viên y khoa chống dịch

Chiều 19/3, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành y tế có kế hoạch cụ thể để kêu gọi và huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu và lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) tham gia chống dịch.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cảnh báo: Người dân nếu không có việc gì thực sự cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng. “Hai tuần sắp tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam”, ông Bỉnh dự báo.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đã có kế hoạch và bước đầu triển khai đảm bảo gần 24.000 giường cách ly. Các khu cách ly tập trung đã có ở tất cả các cửa ngõ TPHCM. Về các phòng cách ly áp lực âm phục vụ việc điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết có 3 doanh nghiệp đang thi công cho TPHCM. Nếu chạy hết công suất thì mỗi tuần sẽ làm được khoảng 20 phòng. Ngoài ra, nhiều nhà tài trợ cũng đang xúc tiến việc hỗ trợ lắp đặt cho TPHCM, số lượng sắp tới có thể đạt 100 phòng.

Người đứng đầu ngành y tế TP cũng cho biết TP đã lập trung tâm vận hành nguồn nhân lực để cung cấp nhân sự cho các khu tập trung mới, sẵn sàng nhân lực ứng phó cho 2 bệnh viện dã chiến. “Đội cơ động đã đi Củ Chi, xuống Cần Giờ. Lực lượng sẽ luân phiên nhau đi, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc”, ông Bỉnh nói.

“TPHCM đã tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đi nơi khác điều trị và dành toàn bộ bệnh viện này để chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Bệnh viện này là tuyến cuối, nằm trong nội ô. Tuy nhiên, phương án này là phương án sau cùng, là trường hợp bất khả kháng”, ông Bỉnh nhấn mạnh.

Về hình thức cách ly có thu phí theo yêu cầu, lãnh đạo Sở Y tế cho biết TPHCM đã có hướng giải quyết là trước mắt sẽ chọn những khách sạn ở ngoại ô thuộc các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi…

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành y tế TPHCM có kế hoạch cụ thể để huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu và lực lượng TNXP tham gia chống dịch. TPHCM phải chủ động có những phương án, kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế kết hợp với sở, ban, ngành từ nay đến cuối tháng 3/2020 phải thống kê chính xác các chuyến bay, tổng số người nhập cảnh vào TPHCM, tính toán kỹ số giường tại các khu cách ly, số bác sĩ, y tế, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ.

“Các sở ban ngành phải tính toán được nguồn nhân lực dự bị; có số liệu thống kê về đội ngũ y bác sĩ quân y tại các bệnh viện quân đội, số lượng xe cứu thương, thiết bị. Có như vậy, TPHCM mới xác định được chính xác nguồn lực để có những tính toán, ứng phó kịp thời. Nếu không chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ lúng túng”, ông Phong nói. (Tiền phong, trang 4).

 

Ghép gan cho bệnh nhi nhỏ nhất Việt Nam, khi sự sống chỉ tính bằng ngày

Vừa sẵn sàng chống dịch COVID-19, nhưng trong chỉ 3 ngày, các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp thực hiện hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, suy gan giai đoạn cuối, trong đó có một ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam, chín tháng tuổi, nặng 7,5 kg.

"Cân não" quyết định ghép gan cho bệnh nhi giữa lúc dịch COVID-19 căng thẳng

Chiều 18/3, Bệnh viện Nhi Trung ương công bố phẫu thuật ghép gan thành công cho hai ca bệnh đặc biệt, trong đó có ca bệnh nhỏ nhất Việt Nam được ghép gan đến thời điểm này. Đó là một bệnh nhi mới 9 tháng tuổi, bé T.G.B chỉ nặng 7,5 kg (Quảng Ngãi), bé bị xơ gan nặng. Một bệnh nhi nữ khác là bé T.H.A 20 tháng tuổi (Phú Thọ).

Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh teo đường mật, gan tiết mật ra nhưng không vào đường mật mà ứ đọng và phá hủy các tế bào gan.

TS. BS cao cấp Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cả hai bệnh nhi đều khởi phát bệnh từ thời kỳ sơ sinh với triệu chứng vàng da kéo dài, lâu dần sẽ dẫn đến xơ gan và suy gan. Cơ thể nhỏ bé phải hứng chịu bệnh cảnh vô cùng nặng nề ngay từ khi lọt lòng là xơ gan nặng mất bù và các biến chứng khác như: nhiễm trùng đường mật tái diễn, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy chức năng gan.

Ngay từ khi chào đời, với bệnh lý này, T.G.B đã được phẫu thuật Kasai (bệnh lý teo mật bẩm sinh) tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh nối khoảng cửa rốn gan với hỗng tràng. Trong khi đó, bé T.H.A cũng đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp bằng kỹ thuật Kasai. Tuy nhiên, tình trạng bệnh quá nặng, chức năng gan sau mổ ngày càng suy giảm.

Cuộc sống của các bé và gia đình tưởng như vô vọng. Chỉ có một cách duy nhất để các em được tiếp tục duy trì cuộc sống đó là ghép gan.

Tuy nhiên, theo TS Anh Hoa, đây là quyết định rất khó khăn trong hoàn cảnh bệnh viện đang cùng cả nước phải dồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19, bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, một trong hai bệnh nhân là trẻ rất nhỏ, mới 9 tháng tuổi.  Và, với việc ghép gan nhi, các bác sĩ luôn phải đối mặt với rất nhiều phức tạp.

"Sự sống của bệnh nhi là tính bằng ngày. Nếu không ghép, sẽ không còn lựa chọn nào khác cho bệnh nhi"- TS.BS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết.

Vì thế, giữa mùa dịch bệnh, bệnh viện đang căng mình chống dịch COVID-19, nhưng cả ekip đã nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Bệnh viện, quyết định thực hiện hai ca ghép đầy khó khăn này để cứu bệnh nhi, với sự hỗ trợ chuyên môn của giúp đỡ của Giáo sự Chin-su Liu cùng các cộng sự đến từ bệnh viện Veterans General – Đài Loan

Vượt qua những thách thức chưa từng có để chiến thắng

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành ghép gan cho hai bệnh. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình, trong đó bé 20 tháng tuổi nhân gan từ mẹ, bé 9 tháng tuổi nhận gan từ bố.

Theo TS Hiền, ghép gan là một kĩ thuật rất phức tạp, nhất là ghép trong tình trạng cháu bé rất nhỏ, xuất huyết tiêu hoá nặng, mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa, trong mổ, nguy cơ chảy máu rất cao. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.

Còn ca 20 tháng tuổi, khó khăn nhất với trường hợp này nằm ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ cần các kỹ thuật tạo hình mạch máu. "Người bình thường chỉ có một tĩnh mạch gan cho phần gan được ghép, nhưng chị M.T.P.D - mẹ bệnh nhi lại có ba tĩnh mạch gan. Chúng tôi phải tạo hình ba tĩnh mạch này thành một để nối với tĩnh mạch gan của người nhận"- TS.BS Phạm Duy Hiền nói.

Rồi sau ca mổ, bệnh nhi sẽ có nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch gan, nếu hồi sức không tốt làm cho tắc toàn bộ hệ thống trong gan sẽ rất nguy hiểm.

“Chúng tôi phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công”- TS.BS Phạm Duy Hiền chia sẻ

Ở trẻ nhỏ, một khó khăn khác là khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2mm. Các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.

Theo TS Nguyễn Ánh Dương, Phụ trách khoa Hồi sức ngoại, sau phẫu thuật, cháu bé xuất huyết khối tĩnh mạch gan. Nếu hồi sức không khéo thì có thể làm cho tắc toàn bộ hệ thống mạch máu trong gan, nguy hiểm cho khối ghép hoặc sẽ tăng chảy máu. “Rất may, các kỹ thuật cao trong phẫu thuật đã khắc phục được dòng chảy trong tĩnh mạch cửa”- BS Dương cho hay.

Với ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, BS Hoa cho biết, ghép gan cho bệnh nhi càng nhỏ tuổi, nguy cơ tai biến càng nhiều và biến chứng sau ghép nặng nề. Ghép gan càng nhỏ, đường mật mỏng manh và yếu nên dễ bị dập nát nếu khâu không cẩn thận, động mạch dễ tách, dễ bị vặn xoắn. Với ghép gan nhi, khó khăn trong cả vấn đề ngoại khoa và hồi sức.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất - T.G.B, 9 tháng tuổi được các bác sĩ hội chẩn rất nhiều lần để tiến hành ghép gan với phần gan hiến từ bố. Những khó khăn được các bác sĩ dự kiến từ trước là thách thức không nhỏ với cả ê-kíp. Bệnh nhi này có mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ, các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bố cháu bé cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.

Và sự sống đã hồi sinh...

Ca mổ đầu tiên diễn ra trong 9 giờ và ca thứ hai kéo dài hơn, khoảng 10 giờ đồng hồ. Tình trạng sau mổ tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật và hiện được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan Mật – Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Để phẫu thuật thành công cho bé, các bác sĩ phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công.

Một khó khăn khác là với các bệnh nhi, khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2 mm. Do đó, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.

Ba ngày tiến hành hai ca ghép, Bệnh viện Nhi Trung ương huy động tới gần 40 y, bác sĩ cùng tham gia vào cuộc lấy, ghép gan từ người cho sống trong suốt 9 giờ ca ghép cho bé T.H.A và gần 10 giờ ghép cho bé T.G.B. Gần 20 ngày sau mổ, hai bé đã được hồi sinh kỳ diệu, đang được theo dõi tại khoa Gan Mật - Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Về chống thải ghép, TS. BS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, nếu như người lớn phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời thì với trẻ con, khả năng dung nạp mảnh ghép tốt hơn người lớn. Vì thế, lượng thuốc chống thải ghép tính theo cân nặng sẽ được giảm dần.

Các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi triển khai được nhiều ca phẫu thuật gan nhi nhất, trong đó có ca nhỏ tuổi nhất Việt Nam. “Mặc dù chúng tôi chưa bảo đảm 100% về kỹ thuật ngoại khoa, mới chỉ đạt khoảng 80%, nhưng chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật được những ca ghép gan đặc biệt nhất. Chúng tôi đã thành công trong triển khai những ca ghép gan cấp cứu chỉ chuẩn bị trong 8-10 giờ bằng 100% nhân lực bệnh viện. Chúng tôi cũng đã thực hiện được ca ghép gan khác nhóm máu, tạo hình phức tạp ở những mạch nhỏ”-  BS Hoa thay mặt e kip nói.

Trong vài ngày tới, các cháu được ra viện, trở về cuộc sống bình thường. TS Phạm Duy Hiền cho biết thêm, từ ca ghép đầu tiên năm 2005, bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan thành công cho 18 trường hợp, đa số là các trẻ nhỏ dưới 10kg.

2 ca ghép gan thành công trong đó có một trẻ chỉ mới 9 tháng tuổi một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang