Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/4/2018

  • |
T5g.org.vn - Bác sỹ và điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn bị hành hung; Cố ý làm trái rồi cáo ốm; 7 bệnh không cần dùng kháng sinh; Hiến tạng - còn nhiều rào cản!

 

Bác sỹ và điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn bị hành hung

Khoảng 15h ngày 31-3, tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, các bác sỹ và điều dưỡng viên trong ca trực đã bị một người đàn ông lăng mạ và hành hung. Theo bác sỹ Trịnh Đình Cương, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, kíp trực ngày 31-3 gồm có 2 bác sỹ và 2 điều dưỡng. Ngày hôm đó có khoảng 60 bệnh nhân đang điều trị. Hơn 14h cùng ngày có một bệnh nhân nữ tên là L.T.H.T, 35 tuổi, trú tại phường sông Cầu, thành phố Bắc Kạn nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, tay chân tê bì, mệt mỏi. Bệnh nhân trước đó đã được điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn. Khi bác sỹ tiến hành các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, bệnh nhân kêu đau và tê tay. Người chồng của bệnh nhân này đã tức tốc gọi các bác sỹ, điều dưỡng viên của ca trực và to tiếng lăng mạ, đánh 1 nữ bác sỹ và 1 điều dưỡng của ca trực. Sự việc xảy ra có nhiều bệnh nhân đang điều trị tại khoa chứng kiến.

Bác sỹ Hoàng Thị Huế bức xúc cho biết: “Đó là ca trực của Trưởng khoa Nội tổng hợp Trịnh Đình Cương, tôi được phân công trực kèm bác sỹ cùng hai điều dưỡng. Khi bệnh nhân kêu đau và tê tay, chồng của bệnh nhân có lời lẽ xúc phạm. Chúng tôi đã gọi Trưởng khoa sang xem xét thì chồngcủa bệnh nhân đã dùng tay đẩy Trưởng khoa vào phòng bệnh và bắt chúng tôi lấy dụng cụ khám bệnh. Chúng tôi đã quay lại phòng dụng cụ để lấy thì anh ta đi theo và không ngừng chửi bới, sau đó tát mạnh vào sau gáy tôi làm tôi choáng váng. Chị Hà Thị Hảo là điều dưỡng cũng bị đánh một phát vào sau gáy”.

Còn theo trình bày của chị Hà Thị Hảo, điều dưỡng viên Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn: “Khi tôi và bác sỹ Huế quay về phòng để lấy dụng cụ thì chồng của bệnh nhân L.T.H.T đi theo chửi bới và đánh bác sỹ Huế, sau đó đánh tôi. Chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này. Sự việc khiến các bác sỹ cùng mọi người vô cùng bức xúc. Tôi chỉ mong các bác sỹ yên tâm làm việc và không để các trường hợp tương tự xảy ra”. 

Sự việc như lời kể của bác sĩ Huế và điều dưỡng Hảo cũng được chị Nguyễn Thị Hương, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn xác nhận. “Sự việc khiến cả khu vực náo loạn, tất cả mọi người đều rất bức xúc với thái độ và hành động của anh này”, chị Hương nói.

Bà Trịnh Thị Lượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết: “Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã nhận được báo cáo của Khoa Nội tổng hợp, đồng thời cho xác minh sự việc, trích xuất camera ghi lại hình ảnh, trấn an các bác sỹ, điều dưỡng. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc để giúp các bác sỹ an tâm công tác và không để trường hợp tương tự xảy ra”.  (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Cố ý làm trái rồi cáo ốm

Quan chức cố ý làm trái khi bị phát hiện sai phạm liền cáo bệnh, xin phép tạm nghỉ việc đi điều trị dài ngày cho tới khi... hết thời hiệu xử lý của cơ quan chức năng.

BỆNH ĐÚNG LÚC?

Đã hơn 3 năm nay cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông chưa xử lý được những sai phạm của ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Nguyên nhân là ông này báo cáo mắc trọng bệnh (trong đó có cả bệnh tâm thần), phải điều trị dài ngày. Khi có kết luận thanh tra về nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc triển khai xây dựng và mua sắm thiết bị cho bệnh viện thuộc trách nhiệm của ông Cường, UBND tỉnh Đắk Nông đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh thụ lý điều tra. Mãi tới nay sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cho biết: Trước đây ông đã chỉ đạo chính quyền (UBND tỉnh Đắk Nông-PV) tiến hành xử lý những sai phạm của ông Cường, đến nay, do bệnh tật của ông này, vẫn chưa thấy báo cáo.

Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông xác nhận: thời hiệu xử lý hành chính đối với ông Cường đã hết. Hiện ông Cường chưa khỏi bệnh, mà cũng không hợp tác với nhà chức trách, nên chẳng có cách nào cưỡng chế để thực hiện. Nếu có dấu hiệu tội phạm, mới làm ra được. Điều này phụ thuộc ở Công an. Mà Công an thì chưa có kết quả điều tra cuối cùng.

Như Tiền Phong từng phản ánh, tháng 10/2004, UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý phê duyệt dự án nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 1 với mức đầu tư là 176 tỷ đồng. Đến tháng 6/2008 vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng gần 215 tỷ đồng, và điều chỉnh tăng lên 233 tỷ đồng vào tháng 10/2011. Chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Dự án chưa được nghiệm thu, bệnh viện mới xây xong đã bộc lộ chất lượng rất kém, hư hỏng trầm trọng, máy móc nhiều loại mua về không dùng được, chất đống. Năm 2014, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kết luận có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị y tế, mua sắm và quản lý sử dụng thuốc, vật tư y tế tại dự án của bệnh viện này. Người chịu trách nhiệm chính là cá nhân ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc bệnh viện giai đoạn 2004-2011. Ông Nguyễn Đình Nga, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện cũng có phần trách nhiệm khi không giữ lại 5% giá trị hợp đồng tại 5 gói thầu để ràng buộc trách nhiệm nhà thầu, khiến việc thu hồi một số khoản tiền sai phạm gặp khó khăn.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thu hồi hơn 2,6 tỷ đồng từ các khoản sai phạm ở các gói thầu xây lắp, thiết bị để nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, ông Cường khai báo mắc nhiều trọng bệnh như thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, nhồi máu não, tăng huyết áp độ II, rối loạn mất ngủ kéo dài và rối loạn trí nhớ. Theo kết luận giám định, tỷ lệ mất khả năng lao động của ông Cường là 76%. Đối với ông Nguyễn Đình Nga, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã kỷ luật khiển trách, kéo dài thời gian nâng bậc lương 3 tháng, nhưng lại điều chuyển sang làm... Kế toán trưởng của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (!).

Phải chăng lỗi đầu tiên do lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã đưa cán bộ không đủ sức khoẻ vào ghế giám đốc bệnh viện? Do ông Cường lao tâm khổ tứ, bị công việc vắt kiệt sức nên đổ bệnh? Hay ông lợi dụng kẽ hở pháp luật, giả bệnh để trốn tội? Những thắc mắc đó của dư luận cần được nhà chức trách làm rõ!

Như Tiền Phong từng phản ánh, tháng 10/2004, UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý phê duyệt dự án nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 1 với mức đầu tư là 176 tỷ đồng. Đến tháng 6/2008 vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng gần 215 tỷ đồng, và điều chỉnh tăng lên 233 tỷ đồng vào tháng 10/2011. Chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. (Tiền phong, trang 10).

7 bệnh không cần dùng kháng sinh

Kháng sinh không thể giết chết virus và việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của siêu vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường sử dụng kháng sinh trong khi không cần thiết. Dùng thuốc kháng sinh không cần thiết có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như phát ban hoặc triệu chứng nghiêm trọng hơn như phản ứng dị ứng hoặc bệnh đường ruột. Kháng sinh cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các loại vi khuẩn kháng thuốc, sẽ gây khó khăn khi bạn cần chống lại những bệnh do vi khuẩn thực sự. Dưới đây là những bệnh phổ biến không yêu cầu điều trị bằng kháng sinh:

Đau họng

Khi bị đau họng, bạn có thể nghĩ do khuẩn liên cầu streptococcus nhưng nguyên nhân này là khá hiếm gặp ở người lớn, chỉ chiếm khoảng 10% trường hợp. Vì vậy 60% người đến khám được bác sĩ kê đơn kháng sinh là không cần thiết. Phần lớn, các trường hợp đau họng gây ra bởi virus có biểu hiện nhẹ hơn như chảy nước mũi, ho. Điều trị đau họng do virus, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ibuprofen để giảm đau. Thông thường, mất khoảng 5, 6 ngày để khỏi đau họng do virus. 

Viêm phế quản cấp

Khi bị ho ra đờm xanh hoặc vàng có thể là cách cơ thể làm sạch nhiễm trùng do virus. Không nên kê đơn kháng sinh trong trường hợp này, nhưng một nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 71% những người bị viêm phế quản cấp được kê kháng sinh. Viêm phổi với viêm phế quản có một số dấu hiệu tương tự. Cả hai bệnh này đều có thể có ho nhiều nhưng viêm phế quản thường đi kèm đau họng nhẹ hoặc sổ mũi, sốt cao, thở ngắn và đau ngực. Nếu bị viêm phổi, việc sử dụng các thuốc kháng sinh là cần thiết. 

Nhiễm trùng tai

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai đều nhẹ và có thể cải thiện trong 2-3 ngày mà không cần đến kháng sinh, đặc biệt là ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên với trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên bị đau tai với các triệu chứng nặng thì nên đi khám để được điều trị.

Chàm Eczema

Thuốc kháng sinh không làm giảm hầu hết nguyên nhân gây ngứa và đỏ da. Thay vào đó hãy giữ ẩm hoặc thoa kem hoặc thuốc mỡ được kê theo đơn của bác sĩ.

Nhiễm trùng xoang

Nhiễm trùng xoang do vi khuẩn thường tự biến mất sau một tuần. Do đó, bạn không cần phải dùng kháng sinh khi viêm xoang. Nếu bị viêm mũi xoang có sổ mũi, bạn có thể điều trị tại nhà. Thử dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm sốt và đau, thuốc làm thông mũi. Bạn cũng có thể dùng thuốc xịt mũi trong 5 ngày.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Vi khuẩn có trong nước tiểu không có nghĩa là bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng như cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu và cảm thấy thường xuyên phải đi tiểu hoặc các dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Đau răng

Trong nhiều trường hợp đau răng đơn giản, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích. Có thể răng bạn nhạy cảm khiến đau khi uống đồ nóng hoặc lạnh vì chân răng bị hở, hoặc dây thần kinh ở giữa các răng có thể bị viêm, hoặc là do bị sâu răng. Vi khuẩn không gây nên tình trạng viêm này, vì vậy kháng sinh không giúp giảm triệu chứng. (An ninh Thủ đô, trang 8).


Hiến tạng - còn nhiều rào cản!

Tuần qua, Bộ Y tế truy tặng “Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, ở Ninh Bình) - người đã hiến đa tạng đem lại sự hồi sinh cho 6 bệnh nhân. Sự việc này một lần nữa làm lan tỏa nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng cũng như khẳng định, Việt Nam đã thực sự làm chủ kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Thế nhưng, một số vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành lại cho thấy, có không ít rào cản với việc hiến tạng.

“Khoảng trống” pháp lý

Quyết định hiến một quả thận cho cháu gái, bà L.T.T.H. (55 tuổi ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) phải vào viện thực hiện các xét nghiệm trước khi tiến hành hiến tạng. Tại đây, bà H. được biết, người hiến tạng phải chi trả toàn bộ thủ tục làm các xét nghiệm xác định đủ điều kiện được hiến tạng hay không theo quy định (khoảng 17 triệu đồng)... 
 Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng, đây là rào cản đối với người hiến tạng. Bởi để thực hiện được nghĩa cử nhân văn cao đẹp, tất yếu người hiến tạng phải qua một loạt các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ và tốn kém để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép. 

Tuy nhiên, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật Bảo hiểm y tế chưa đề cập đến vấn đề chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Do đó, các bệnh viện cũng chưa có cơ sở để thanh toán. Người hiến sẽ phải tự chi trả chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp… 

“Không chỉ cần có chính sách chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm cho người hiến tặng mô, tạng mà cần có chính sách bảo trợ sức khỏe cho họ trọn đời”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Ngành Y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng từ bệnh nhân chết não. Trong số bệnh nhân được ghép tạng hiện nay, chủ yếu nguồn cung đều từ người thân và người chết não. Tuy nhiên, tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) đã ghi nhận 5 trường hợp tự nguyện hiến thận khi còn sống cho những người bệnh không phải họ hàng, người thân của mình. 

Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền để làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới được hiến thận. Thế nhưng, lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã bỏ kinh phí, thậm chí vận động và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để chi trả kinh phí xét nghiệm cho những trường hợp trên. 

Nhận thấy đây là “khoảng trống” pháp lý trong vấn đề hiến, ghép mô, tạng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, với các trường hợp tự nguyện hiến tạng sau khi bị chết não sẽ không phải mất bất cứ chi phí nào. Thế nhưng, với quy định, trường hợp tự nguyện hiến tạng khi còn sống sẽ phải chi trả chi phí xét nghiệm lại gây thiệt thòi cho những người thực tâm muốn hiến tạng, không vụ lợi. 

Từ thực tiễn trên, theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, từ khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực ngày 1-7-2007) cho đến nay, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng tồn tại những bất cập cần sửa đổi, bổ sung. 

Cần có chế độ, chính sách phù hợp 

Câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh nặng đã lay động trái tim của hàng triệu người. Trước khi bé Hải An qua đời, gia đình bé đã liên lạc với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với mong muốn, hiến tặng tạng của bé cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng. 

Thế nhưng, theo Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định, người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Chính vì vấn đề pháp lý nên Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người không thể tiếp nhận tạng hiến tặng từ bé Hải An. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua, nếu một người trước 18 tuổi (chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng), không may bị chết não mà họ đã có ý nguyện mong muốn được hiến tạng và gia đình xác nhận chuyện đó, đồng ý thì chúng ta nên tiếp nhận. Hiện một số nước trên thế giới đã thực hiện việc tích hợp thẻ hiến tạng trong bằng lái xe với các thông số về sức khỏe. Điều đó giúp mọi người thêm cơ hội lựa chọn, thêm cơ hội đăng ký hiến tạng mô, tạng mà không nhất thiết phải đến các bệnh viện... 

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả nhất cho người bệnh bị suy hay hỏng mô, tạng không thể phục hồi. Và một người mất đi nếu hiến tạng có thể cứu được 6-8 người. Để có thêm nhiều người hiến tạng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để người dân hiểu biết và ủng hộ, cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Đình chỉ lưu hành thuốc điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc ngành, Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã về việc đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Misoprostol không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, thuốc Misoprostol 200mcg (số đăng ký: VD-20509-14, số lô: 0207, hạn sử dụng: ngày 20-3-2020) do Công ty cổ phần Sinh học Dược phẩm Ba Đình sản xuất được lấy mẫu tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều hàm lượng, độ hòa tan, định lượng. 

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Riêng với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở nếu có kinh doanh, sử dụng loại thuốc nói trên. Misoprostol 200mcg được chỉ định dùng trong điều trị, ngăn ngừa viêm loét dạ dày, tá tràng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bộ trưởng Y tế làm việc tại Hải Dương: Đào tạo con người song song với phát triển y tế kỹ thuật cao

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hải Dương, ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại BVĐK tỉnh Hải Dương, Trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương và Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Triển khai phòng khám giáo sư để đáp ứng nhu cầu của người dân

Tại BVĐK tỉnh Hải Dương, trước khi làm việc với lãnh đạo các khoa, phòng của BV, Bộ trưởng đã trực tiếp đến nhiều khoa, phòng kiểm tra công tác khám chữa bệnh, hỏi thăm người bệnh và người nhà bệnh nhân có gặp khó khăn gì khi đến khám tại BV hay không? Cán bộ y tế có gây khó khăn gì cho người bệnh/người nhà bệnh nhân không?Thời gian chờ khám có quá lâu hya không?... Trả lời Bộ trưởng, nhiều bênh nhân chờ khám tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, đều cho biết họ hầu như không gặp khó khăn gì và cũng không phải chờ quá lâu để được khám chữa bệnh…

BVĐK tỉnh Hải Dương hiện được xếp hạng là BVĐK hạng I. BV có hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, trong đó có 192 bác sĩ, 45 dược sĩ, 651 điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh... Nguồn nhân lực chuyên sâu đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Năm 2017, BV có 75.359 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú, 56.058 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, thực hiện 11.908 ca phẫu thuật và hơn 252.000 ca thủ thuật. Tuy nhiên, một số khoa, trung tâm vẫn còn tình trạng quá tải…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ và nhân viên BVĐK tỉnh Hải Dương trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao việc BVĐK tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm những chính sách đổi mới của Bộ Y tế như đổi mới trong công tác phục vụ người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng môi trường BV xanh- sạch- đẹp... để từ đó làm cho BV đạt chỉ số hài lòng người bệnh trên 95%. Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc BVĐK tỉnh Hải Dương đã chủ động thực hiện phân rõ khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, triển khai các phòng khám giáo sư và phó giáo sư với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực từ các BV tuyến TW về thăm khám và điều trị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã và đang triển khai Đề án nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, do đó BVĐK tỉnh Hải Dương cần tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng chuyên môn của tuyến dưới, giúp người dân không phải lên tuyến trên điều trị những bệnh thông thường. Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu BV phải xây dựng Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao vì muốn phát triển kỹ thuật cao phải có con người.

Đồng thời, BVĐK tỉnh Hải Dương cũng cần xây dựng Đề án truyền thông để không chỉ truyền thông về những thành tựu của BV, những kỹ thuật mới được triển khai, và cũng để giải quyết khủng hoảng truyền thông đối với những sự cố không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, BV cũng cần xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý; Xây dựng đề án tự chủ, tiến tới tự chủ về mọi mặt...

Phát biểu đáp từ, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Y tế, đoàn công tác của Bộ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành TW tiếp tục quan tâm hơn nữa đến Hải Dương, tạo điều kiện, hỗ trợ và tăng cường liên kết giữa các BV TW và địa phương để người dân có điều kiện hưởng dịch vụ tốt nhất của ngành y tế.

Tại BVĐK tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng quà, động viên một số bệnh nhân đang điều trị tại BV

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Dược TW - Hải Dương và Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo nhà trường cho biết, hiện nay quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng Dược TW - Hải Dương đạt khoảng 3.000 học sinh, sinh viên. Chương trình đào tạo, việc đổi mới phương pháp của nhà trường được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, trường thiếu phòng thực hành thí nghiệm.

Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương hiện có hơn 3.500 sinh viên với hơn 360 cán bộ, giảng viên, nhân viên. Trường đang đào tạo các chuyên ngành: bác sĩ y khoa, điều dưỡng và kỹ thuật y học. Tỷ lệ sinh viên đại học chính quy có việc làm sau 1 năm ra trường đạt gần 90%.

Qua thăm trực tiếp các phòng thực hành, trò chuyện với một số sinh viên đang theo học tại các trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên hai trường.

Lắng nghe những đề xuất của hai nhà trường, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hai trường tập trung đổi mới cơ cấu, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh, nắm bắt yêu cầu của xã hội để đào tạo đúng hướng, dựa trên năng lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, mở rộng hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường phải chú trọng khâu thực hành, bảo đảm cho người học sau khi tốt nghiệp có tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức, sự thay đổi trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Riêng với trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu nhà trường cần đổi mới đào tạo đi theo hướng kỹ thuật y khoa để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở tuyển dụng. Bộ trưởng cho biết, hướng của Bôi Y tế là đang phấn đấu xây dựng một nền khoa học sức khoẻ, y học dự phòng tích cực. Do đó, nhà trường cần có đề án đào tạo bác sĩ đa khoa theo nguyên lý y học gia đình hoặc bác sĩ đa khoa định hướng bác sĩ gia đình để cung cấp bác sĩ đa khoa ưu tiên cho y tế cơ sở… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Lần đầu tiên phẫu thuật bảo tồn cánh tay cho bệnh nhân ung thư xương

Các y bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K phối hợp với bác sĩ BVĐK Xanh Pôn vừa phẫu thuật bảo tồn cánh tay cho nữ bệnh nhân ung thư xương 16 tuổi. Đây là ca phẫu thuật đánh dấu bước tiến mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.

Bảo tồn cánh tay cho bệnh nhân trẻ tuổi

Bệnh nhân Đỗ Thị N. (16 tuổi), trú tại tỉnh Thái Bình nhập viện trong tình trạng đau nhức xương khớp kéo dài. Sau khi tiến hành chụp chiếu và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư xương cánh tay.

Các bác sĩ cho biết, sau khi điều trị hóa chất 6 đợt, bác sĩ bệnh viện K có chỉ định phẫu thuật bảo tồn cánh tay cho bệnh nhân N.

Chiều ngày 28/3/2018, ekip phẫu thuật bao gồm PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, kiêm Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y Hà Nội, cùng với Ths.BS Nguyễn Hữu Mạnh, bệnh viện Xanh Pôn cùng 02 bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K là ThS. Nguyễn Trần Quang Sáng, ThS. Hoàng Tuấn Anh và ekip gây mê hồi sức bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

ThS. Nguyễn Trần Quang Sáng (Khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K) cho biết: “Trước đây thường phẫu thuật cắt cụt cánh tay hoặc cắt đầu trên xương cánh tay của bệnh nhân, sau đó treo phần còn lại vào ổ chảo. Bởi vậy toàn bộ cánh tay sẽ mất chức năng, thậm chí sau một thời gian cánh tay có thể sẽ sệ xuống, làm bệnh nhân khó chịu quay lại xin cắt cụt. Với trường hợp bệnh nhân N. ekip phẫu thuật đã cắt đầu trên xương cánh tay cách khối u trên 2cm để tránh tái phát sớm, dự kiến đoạn xương cắt dài 18cm.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại khớp vai nhân tạo chuôi dài nhất là 13 cm. Do vậy vấn đề khó khăn đặt ra là khi thay khớp vai nhân tạo sẽ làm ngắn chi ảnh hưởng chức năng của khớp. Kíp phẫu thuật đã tiến hành ghép thêm đoạn xương đồng loại sau đó mới đưa chỏm nhân tạo vào khớp vai, giúp phục hồi chức năng chi, khớp cũng như thẩm mỹ cho bệnh nhân”.

Với sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, phẫu tích tỉ mỉ ca phẫu thuật với 2 kỹ thuật mới và độ khó cao đã diễn ra thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, cánh tay được bảo tồn tiếp xúc tốt.

Cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư xương

Với kỹ thuật ngày càng hiện đại, bác sĩ điều trị cho người bệnh ung thư xương không chỉ dừng lại với mục đích dài thời gian sống mà còn đảm bảo phục hồi chức năng, hình dáng thẩm mỹ của chi tối đa nhất cho bệnh nhân. Thông thường các ca phẫu thuật sẽ thay khớp, ghép xương tự thân (có cuống mạch và không cuống mạch), ghép xương đồng loại, và các vật liệu thay thế.

Kỹ thuật mới được triển khai đã đánh dấu bước tiến mới trong phẫu thuật ung thư xương tại Việt Nam nói chung, bệnh viện K nói riêng. Là bệnh viện đầu tiên đi đầu trong việc thực hiện kỹ thuật mới này, Bệnh viện K mong muốn, trong tương lai sẽ cập nhật, trao đổi thêm nhiều kỹ thuật mới ứng dụng vào quá trình điều trị cho người bệnh, hướng tới sự phát triển chung của ngành y tế.

Theo các bác sĩ, ung thư xương là ung thư liên kết (sacôm) xuất phát từ tế bào tạo xương, tạo sụn, tế bào mô liên kết của xương. Ung thư xương thường gặp ở gần gối, xa khuỷu như ở đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay.

Ung thư xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ. Ung thư xương bao gồm ung thư nguyên phát (xuất phát từ các thành phần của xương) và ung thư thứ phát (các ung thư khác di căn đến). Ung thư xương với đặc điểm ác tính cao, thường di căn sớm, thậm chí ngay vào thời điểm chẩn đoán và thường là di căn phổi.

Điều trị ung thư xương cơ bản gồm phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và miễn dịch tùy theo giai đoạn và thể giải phẫu bệnh. Hiện nay khi điều trị kết hợp phẫu thuật với hóa chất sẽ giúp khoàng 70% người bệnh kéo dài sự sống thêm 5 năm. Tuy nhiên phẫu thuật thường dẫn tới cắt cụt hoặc làm mất đoạn chi ngắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng chi, cũng như tính thẩm mỹ và người bệnh sẽ mang tâm lý mặc cảm, đặc biệt là với người trẻ tuổi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang