Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Chủ quan, dịch sẽ bùng phát; Gần 6.000 người tập trung ở cửa khẩu: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19; Hơn một tháng 'đi trên dây' của y bác sĩ tuyến đầu

 

Chủ quan, dịch sẽ bùng phát

Dù mấy ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca bệnh, nhưng các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo điều này vẫn đáng lo nếu chủ quan. Bởi lẽ phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa

Tối 19/4, Bộ Y tế cho biết trong ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã tròn 3 ngày rưỡi Việt Nam vẫn giữ nguyên số mắc là 268 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 ở nước ta chuyển sang giai đoạn 2, thời gian chưa ghi nhận ca mắc mới kéo dài kỷ lục. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, điều này cũng đáng lo nếu chủ quan.

Đánh giá về tình hình này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, ba ngày rưỡi không có ca mắc mới, các ổ dịch được xét nghiệm cũng không phát hiện thêm ca mắc mới là một tín hiệu tốt, khả quan. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy việc lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa đáng kể.

Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại có thể bỏ qua những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng rất nhẹ. Những người này không có biểu hiện bệnh nên không vào viện để xét nghiệm. Ông Hà cho rằng, phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới, khi hết giai đoạn giãn cách xã hội lần 2, nếu mọi chỉ số vẫn tốt thì sẽ có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

“Dù có tín hiệu vui nhưng 3 ngày không ghi nhận ca mắc chưa nói được gì, phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Lo ngại người Hà Nội miễn dịch thấp

Chuyên gia cũng đặt ra lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Hà Nội gặp khó bởi không biết được nguồn phát sinh đầu tiên (F0) và nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân.

Hà Nội luôn có nguy cơ cao với dịch bệnh bởi tiếp nhận số lượng lớn người nước ngoài về, nhập cảnh đông. Ở giai đoạn đầu, một số người khi qua cửa khẩu không có biểu hiện bệnh nên có thể chưa được phát hiện và cách ly, do đó, họ có thể mang mầm bệnh vào cộng đồng.

PGS Nga cũng đặt ra vấn đề gần đây những ổ dịch mới ở Hà Nội có người mắc chủ yếu là công nhân, người lao động chân tay, người buôn bán. Đây có thể là đối tượng không được tiếp cận các thông tin truyền thông về cách phòng chống dịch. Họ chưa chú ý nhiều đến các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, cách ly với người khác.

“Những yếu tố đó có thể gây cho Hà Nội và khu vực xung quanh thủ đô có tình hình dịch tễ phức tạp. Ổ dịch có thể bùng phát đột xuất bởi nhiều người không có triệu chứng đi lại trong cộng đồng dân cư, trong khi đó, tỷ lệ người chưa có miễn dịch rất cao”, PGS Nga nói.

Nhìn nhận việc trong thời gian qua Hà Nội đã xét nghiệm nhanh cho hàng chục nghìn người với kết quả âm tính ông Nga cho rằng đó cũng là điều đáng lo vì có nghĩa nhiều người trong cộng đồng chưa có miễn dịch. “Những người này khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sẽ dễ bị lây nhiễm. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp như vậy, dịch có thể bùng phát rất mạnh theo cấp số nhân nếu chúng ta không kịp thời khống chế”, PGS Nga nói.

Theo PGS Nga, Hà Nội cần tiến hành xét nghiệm rộng kể cả những người không thuộc diện F1, có tiếp xúc gần, xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm tỷ lệ kháng thể với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tức là những người đã và đang nhiễm bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Kết quả xét nghiệm sẽ cho chính quyền thành phố hình dung được bức tranh dịch tễ hiện tại để có các biện pháp xử lý.

Nếu chủ quan virus sẽ lây lan

Liên tiếp thông tin từ Bộ Y tế phát đi cho thấy trong 84 giờ liên tục Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới khiến nhiều người dân chủ quan cho rằng dịch đã bớt “nóng”. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định, điều này rất nguy hiểm vì nếu chủ quan, không giãn cách xã hội, không thực hiện những biện pháp phòng bệnh như Bộ Y tế khuyến cáo sẽ tạo điều kiện để virus lây lan.

Đặc biệt, người mắc COVID-19 có thể có những triệu chứng nhẹ. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát vì thế Việt Nam đang đối mặt rất lớn với những nguy cơ bùng phát bệnh nếu lơ là, chủ quan, nhất là người dân cần có ý thức phòng chống bệnh. Chính việc giãn cách xã hội là để người bệnh không tiếp xúc với người lành và người lành không tiếp xúc với người bệnh. (Tiền phong, trang 1)

 

Gần 6.000 người tập trung ở cửa khẩu: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Khoảng 2.600 xe container đang ùn ứ tại Lạng Sơn chờ bán hàng sang Trung Quốc, kéo theo gần 6.000 chủ hàng, lái xe, bốc vác ăn, nghỉ ở khu vực cửa khẩu.

Thiếu tá Nguyễn Đức Trịnh, đồn trưởng Biên phòng Tân Thanh, cho biết, ở Tân Thanh còn tồn 700 xe hàng, cửa khẩu Cốc Nam tồn 137 xe. Việc đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn khá phức tạp.

Anh Đặng Ngọc Tiến, lái xe người Phan Thiết, cho biết: “Hàng quán, dịch vụ ăn uống trong thời gian dịch COVID-19 đều đóng cửa, nghỉ việc nên chúng tôi chung tiền mua bếp gas, đồ ăn về chế biến. Chiếc bếp “dã chiến” được đặt dưới gầm xe container để tránh mưa. Các hốc trên chắn bùn, gầm xe biến thành chạn bát, giá để gia vị, nước uống, thực phẩm”.

Bà Kim Dung, một chủ hàng chuyên buôn hoa quả ở Lạng Sơn trăn trở: “Không phải lái xe nào cũng có điều kiện đi nhà trọ, nhiều người phải nằm ngủ trong cabin xe ô tô. Chỗ đi vệ sinh cũng rất khó, phức tạp, hàng ngàn người tụ tập rất dễ sinh bệnh, lo dịch bệnh thường trực hằng ngày”.

Lái xe Đặng Ngọc Tiến cho hay, năm nay tỉnh Lạng Sơn bố trí các bãi xe tập kết nên không lo mất đồ, có đủ nước uống, chỗ vệ sinh. Thực phẩm hay đồ dùng cá nhân cũng mua được ngay tại bãi. Có điều nấu ăn vẫn phải làm “chui” vì doanh nghiệp quản lý bãi xe sợ cháy nổ.

Thiếu tá Trịnh cho phóng viên Tiền Phong biết, lực lượng biên phòng phối hợp lực lượng hải quan, kiểm dịch y tế thành lập chốt dã chiến, kiểm tra việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt toàn bộ lái xe, phụ xe ra vào các bến bãi. Cùng với đó, một số doanh nghiệp nấu cơm phục vụ lái xe, trong đó chỉ bán cơm hộp, không tổ chức ăn tập trung. Trong bãi đỗ, lực lượng biên phòng điều tiết, sắp xếp phương tiện đỗ theo hàng lối đảm bảo đi lại thuận lợi và an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, hằng ngày có hàng nghìn lái xe, chủ hàng trong cả nước đến giao dịch, mặc dù đã được kiểm tra y tế theo quy định nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trước tình hình này, tỉnh Lạng Sơn đã sớm nâng cấp độ công tác phòng chống dịch lên cấp độ 3, lập các chốt dã chiến trực kiểm soát, kiểm tra thân nhiệt đối với toàn bộ người ra vào cửa khẩu 24/24h và cổng vào các bến bãi, kho ngoại quan.

Thực hiện khử trùng bến bãi, nhà làm việc và toàn bộ khu vực cửa khẩu hằng ngày. Đồng thời kiểm tra thường xuyên quy trình kiểm dịch y tế trong phòng chống dịch bệnh, yêu cầu bố trí đầy đủ khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn để phục vụ miễn phí cho lái xe, chủ hàng, người lao động.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề xuất với chính phủ hỗ trợ Lạng Sơn các trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19 ngay tại cửa ngõ biên giới. Bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn, cho biết, để vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, an toàn cho người dân, vừa giải phóng nhanh hàng hóa và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh trong 15 ngày. (Tiền phong, trang 3).

 

Hơn một tháng 'đi trên dây' của y bác sĩ tuyến đầu

Cách đây hơn 1 tháng, từ 15-3, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đón 2 bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên, gồm 1 bệnh nhân người Anh và bệnh nhân số 19 (bác ruột của bệnh nhân 17) người Việt Nam.

Chỉ vài ngày sau khi vào khoa hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân 19 tiếp tục chuyển biến xấu, đến ngày 19-3 phải sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO), bên cạnh máy thở và lọc máu liên tục. Nhưng số bệnh nhân nặng lại tiếp tục gia tăng, vài ngày sau thêm 1 người Anh và 1 người Việt Nam, rồi lại thêm 1 người Việt Nam nữa. Tất cả đều suy hô hấp, cần hỗ trợ thở máy, người nào cũng có từ 1-3 bệnh nền.

Ca làm việc kéo dài 12 giờ đồng hồ mỗi ca, ở vòng trong nhất có 1 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng, vòng thứ 2 lại 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, chưa kể vòng thứ 3. Họ theo dõi bệnh nhân từng phút, ghi chép lại để trao đổi với tổ hội chẩn chuyên môn mỗi ngày, trong mỗi tình huống khó khăn. 

"Bệnh nhân nào vào hồi sức tích cực cũng rất nặng, rất khó, cần điều chỉnh từng chút về tốc độ hỗ trợ thở, về thuốc để phù hợp với tình trạng bệnh. Giờ nghĩ lại thì đúng là ít có đêm nào ngủ được 3-4 giờ. Trời nóng, chỉ mặc bộ đồ bảo hộ 5 phút thôi là thấy bất tiện, ra mồ hôi, ngứa không được gãi... 

Nhưng chúng tôi cũng cố sắp xếp để sau mỗi nửa ca, tức là sau mỗi 6 giờ mọi người lại được sang khu vực đệm bên cạnh để nghỉ ngơi một chút, được bỏ bộ quần áo như bộ áo mưa phải mặc ở trong nhà" - bác sĩ Đồng Phú Khiêm, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ.

Mỗi bệnh nhân nặng lại có những phức tạp riêng, như bệnh nhân nam C.A.S. (50 tuổi) không phải thuộc nhóm nguy cơ nhất, nhưng bệnh biến chuyển rất nhanh, vào viện vài hôm đã phải thở máy. 

Bệnh nhân 19 sau bao nhiêu nỗ lực của các bác sĩ và điều dưỡng, đúng đêm bệnh nhân cai được thiết bị ECMO thì ngay trong đêm có đến 3 lần ngừng tuần hoàn. Thời điểm ngừng tuần hoàn lại vào lúc 1h sáng. Nhưng với 3 vòng theo dõi bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện ngay tình trạng bệnh nhân và cấp cứu rất kịp thời.

Phải là những người làm trong khu vực hồi sức mới hiểu được ý nghĩa của cấp cứu ngừng tuần hoàn, vì chỉ chậm 1-2 phút thôi có thể vẫn cứu được bệnh nhân, nhưng bệnh nhân sẽ gặp những biến cố lớn sau này, trong đó có thể có cả việc phải sống thực vật. 

"Bệnh nhân 19 đã có tri giác trở lại sau vài ngày được cai ECMO, giờ bệnh nhân đã nhận biết, có thể làm theo những yêu cầu của bác sĩ và điều dưỡng" - ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nói về nỗ lực của các đồng nghiệp trẻ.

Hơn 1 tháng qua, những đồng nghiệp trẻ của ông đã cố gắng từng phút, làm việc với hơn 100% sức lực của mình. Họ làm việc cả với áp lực và kỳ vọng của người dân, của đồng nghiệp, là làm sao cứu được những người bệnh COVID-19.

Mỗi phút qua đi mà người bệnh an toàn hơn một chút, họ lại thêm một phút bớt đi những lo lắng cho bệnh nhân. "Nơi chúng tôi làm việc là khoa hồi sức tích cực, ở đây sự sống và cái chết mong manh lắm. Có người bảo có khi bác sĩ sẽ bị 'chai lì', không cảm thấy gì quá đau đớn với mỗi ca bệnh nặng. Nhưng thật ra không phải, chúng tôi vẫn lo đến thắt ruột mỗi khi bệnh nhân chuyển biến xấu, và vui sướng đến mức khó ngủ mỗi khi bệnh nhân tốt lên. 

Chọn nghề này là duyên, chẳng dám nghĩ mình làm điều gì quá to tát, mà nghĩ nếu hỏa hoạn, lính cứu hỏa vất vả, nếu có dịch bệnh thì y tế sẽ cố gắng. Chúng tôi đang dốc sức làm tròn vai trò của mình" - bác sĩ Khiêm nói.

Tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương giờ còn 2 bệnh nhân, một người 88 tuổi, trước khi bị COVID-19 đã liệt nửa người và có tiền sử xuất huyết não, người còn lại là bệnh nhân 19. Cả hai đều chưa cai được máy thở, chỉ khi nào họ rời được khoa hồi sức tích cực, lúc ấy mới là thành công thật sự. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Thực hiện khai báo y tế khi mua thuốc ho, sốt: Chống dịch, chống cả bán thuốc tùy tiện

UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc lập sổ theo dõi thông tin người mua, nhất là những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở phải khai báo y tế. Biện pháp này vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa lấp lỗ hổng dược sĩ thành… “bác sĩ”, bán thuốc không kê đơn tồn tại lâu nay tại các cửa hàng thuốc. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, không phải cửa hàng thuốc nào cũng nghiêm túc thực hiện yêu cầu này.

Biết phạt nhưng vẫn... bán 

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới vào tối 17-4 tại nhà thuốc H.P (ở phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên), nơi đây đã tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như: Lắp tấm kính chắn giọt bắn tại quầy thuốc, bố trí các bình rửa tay sát khuẩn tại khu vực dễ thấy. Tuy nhiên, khi phóng viên muốn mua thuốc điều trị cảm, sốt và ho, nhân viên hiệu thuốc chỉ hỏi qua triệu chứng, không đo thân nhiệt, không yêu cầu khai báo y tế và chỉ định nên uống kháng sinh mặc dù biết rõ làm như vậy là vi phạm quy định và nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt.

Còn tại nhà thuốc P.H (ở phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), có niêm yết bảng thông báo ngay trước quầy thuốc, với nội dung: Người bệnh có biểu hiện đau nhức, ho, sốt không tự ý uống thuốc cảm cúm, thuốc ho, thuốc hạ sốt, mà phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Thế nhưng, trong vai người bị ho, sốt, phóng viên vẫn mua được thuốc ho, thuốc kháng sinh tại nhà thuốc này… Tương tự, khảo sát tại nhà thuốc T.A (ở phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho thấy, nhà thuốc không thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt đối với những khách hàng có triệu chứng ho, sốt, đau họng khi đến đây. 

Bên cạnh đó, nhiều hiệu thuốc đã nắm được yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và chấp hành tương đối đầy đủ. Khảo sát tại nhà thuốc N.M (ở đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), quầy thuốc B.L (ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) vào sáng 18-4, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, các cửa hàng thuốc này không chỉ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mà bất cứ khách hàng nào đến đây đều được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo thông tin y tế đầy đủ. Dược sĩ Đặng Thị Lan, chủ quầy thuốc B.L, thị trấn Đông Anh cho rằng, để việc khai báo y tế đạt được mục đích đề ra, người bệnh cần phối hợp tốt với các nhà thuốc, chủ động thực hiện khai báo y tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh nhân số 243 mắc Covid-19 (ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) có biểu hiện ho, sốt đã tự đi mua thuốc hạ sốt và vẫn tiếp xúc với nhiều người, trở thành nguồn gây bệnh. Do đó, khả năng một người dương tính với Covid-19, nhưng lại cho rằng, mình chỉ mắc cảm cúm thông thường là rất cao. Vì vậy, việc yêu cầu khai báo y tế đối với những người mua thuốc cảm, sốt tại các hiệu thuốc là biện pháp hết sức cần thiết, giúp sàng lọc một cách hiệu quả và hạn chế tình trạng bỏ sót người nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội), thói quen bị cảm, sốt tự đến nhà thuốc mua thuốc về uống đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nhiều ca bệnh có nguy cơ mắc Covid-19. Gần đây, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng bán thuốc không cần đơn, không lập sổ theo dõi người mua thuốc, không thực hiện đo thân nhiệt cho khách hàng, không hướng dẫn những khách hàng ho, sốt, khó thở kê khai y tế…

Tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nặng 

Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế Hà Nội, cho hay, hiện các loại thuốc sốt, ho, cảm cúm thông thường được phép bán lẻ và sử dụng không có đơn của bác sĩ. Chính vì vậy, việc nhân viên bán thuốc phải tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, khai thác thông tin bệnh sử của khách hàng, người mua và yêu cầu khai báo y tế đầy đủ sẽ góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nhận thức được sự cần thiết phải khai báo y tế khi mua thuốc sốt, ho, cảm cúm thông thường nên nhiều người dân rất hợp tác. Khác với trước đây, giờ đây khi đi mua thuốc ho, chị Nguyễn Thị Thu (ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) được nhân viên quầy thuốc tiến hành đo thân nhiệt, yêu cầu liệt kê các thông tin vào sổ theo dõi, như: Số điện thoại, địa chỉ, lý do mua thuốc, các triệu chứng sức khỏe… Theo chị Thu, lúc đầu thấy quy định có vẻ hơi rườm rà, nhưng khi được nhân viên quầy thuốc giải thích chị đã hiểu. Để bảo đảm an toàn, chị Thu cũng cho rằng mọi người nên tự giác thực hiện, nhất là trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Luân, Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh, tâm lý chung của một bộ phận người dân là ngại kê khai thủ tục, vì lo sợ phải cách ly y tế, phải lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra việc bán thuốc theo đơn và khai báo y tế tại các nhà thuốc. Khi kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc, quầy thuốc bán thuốc ho, sốt, cảm cúm cho người dân mà không thực hiện kê khai y tế, hay bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc, huyện sẽ tiến hành xử phạt ở mức cao nhất theo quy định.

Còn theo bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân, những thông tin khai báo y tế của người dân khi được gửi tới cơ quan y tế địa phương sẽ được điều tra, xác minh lại. Không phải trường hợp nào mua các loại thuốc: Ho, sốt, cảm cúm… cũng phải bị cách ly hay lấy mẫu xét nghiệm, vì vậy người dân không cần phải lo lắng. Hiện tại, Phòng Y tế quận đã yêu cầu hơn 300 nhà thuốc trên địa bàn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, 100% các nhà thuốc trên địa bàn quận đã niêm yết số điện thoại đường dây nóng của 11 phường và 2 số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 7.196 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.592 nhà thuốc và 2.475 quầy thuốc. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, ngành Y tế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các nhà thuốc. Trong tuần này, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối liên thông tại các nhà thuốc, quầy thuốc. Nếu cơ sở nào không tuân thủ thực hiện sẽ bị xử phạt, thậm chí bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. “Người dân cũng nên bỏ thói quen tự ý mua thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc, để tránh “tiền mất tật mang””, ông Trần Văn Chung khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 8).

 

Việt Nam tham dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 về COVID-19

Vào tối 19/4 (từ 19h-22h15 theo giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 họp trực tuyến để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu và phối hợp hành động chung tay đẩy lùi đại dịch. Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp.

Cuộc họp này tiếp sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến các nhà Lãnh đạo G20 vào tháng 3 năm nay.

Tại cuộc họp diễn ra vào tối 19/4, các Bộ trưởng Y tế G20 chia sẻ kinh nghiệm của mỗi quốc gia và đề ra những hành động khẩn thiết đối với G20 để chung tay chống đại dịch.

Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến để đưa ra các giải pháp y tế chống đại dịch và khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số để phối hợp toàn cầu và đưa ra ưu tiên chuẩn bị ứng phó với đại dịch COVID-19. Tham dự hội nghị có Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các Bộ trưởng Y tế của các nước G20.

Mục tiêu của cuộc họp trực tuyến G20 lần này bao gồm đảm bảo an toàn cho người bệnh và ứng phó toàn cầu đối với các tình huống y tế khẩn cấp. Cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 lần này có cả sự tham dự của các tổ chức quốc tế và khu vực gồm WHO, WB, OECD, Quỹ toàn cầu, Quỹ LHQ, GAVI, Liên minh tiêm chủng,....

Tại cuộc họp trực tuyến qua video lần này, đại diện của cả 5 châu lục gồm châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại dương đã thể hiện quyết tâm cần phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Bộ trưởng Y tế và đại diện cho Bộ Y tế các nước G20 gồm Mỹ, Italy, Pháp, EU, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Australia, Nhật Bản, Canada, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia,...đã có bài phát biểu. Bộ trưởng Y tế Pháp nhấn mạnh không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này và cùng với vai trò của LHQ, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng này. Bộ trưởng Y tế Đức cho rằng do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vắc xin nên chúng ta cần phải phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch là cách tốt nhất để chống lại đại dịch hiện nay. EU cam kết tài trợ cho các nghiên cứu vắc-xin và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Tại cuộc họp, Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết hiện đang có rất nhiều ứng cử viên vắc-xin ngăn ngừa COVID-19. Những thách thức đặt ra là đảm bảo đủ vắc xin, cần đề ra ưu tiên đối với đối tượng cần tiêm chủng trước tiên, đảm bảo cung ứng sản xuất đủ vắc xin, công bằng trong tiếp cận với nguồn cung vắc xin, và vắc xin có thể đến với cả các nước đang phát triển.. Toàn thế giới sẽ cần tới hàng tỷ liều vắc-xin, và điều quan trọng là phải bảo vệ nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu chống dịch. Anh quốc đã thông qua GAVI tài trợ cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Tại cuộc họp, các tổ chức quốc tế như GAVI, WB, OECD, EU, một số quốc gia như Singapore, Saudi Arabia, Nhật Bản thông qua các tổ chức quốc tế và cơ chế hợp tác đa phương ... cam kết tài trợ hàng triệu USD cho cuộc chiến COVID-19, trong đó có nghiên cứu vắc-xin, hỗ trợ nâng cao khả năng của hệ thống y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh nâng cao nền tảng kỹ thuật số trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Mới đây, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19. Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung. Trong bài phát biểu của mình tại Bộ trưởng Y tế G20, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Lãnh đạo ASEAN và 10 nước thành viên vào ngày 15/4 vừa qua đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết và cùng nhau đoàn kết, chung tay hành động và quyết tâm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, giảm thiểu và đảo ngược tác động của đại dịch lên cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế tại khu vực. Điều quan trọng là cơ chế ASEAN+3 (Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN-Mỹ, ASEAN-EU và các cộng đồng quốc tế khác để nhấn mạnh tính khẩn cấp của đại dịch và cam kết cùng ứng phó chung.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc". Việt Nam đã áp dụng 4 chiến lược gồm Phòng bệnh - Phát hiện sớm - Cách ly và Điều trị, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã áp dụng các biện pháp sớm để ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài về và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Nhiều biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội,...Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế nhất. App sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân, giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân.

Về mặt kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của COVID-19 như cắt giảm thuế, miễn giảm phí sử dụng đất cho doanh nghiệp, trong khi đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người buôn bán nhỏ lẻ và người dân. Việt Nam đã áp dụng biện pháp khống chế kiểm soát dịch bệnh đi kèm với bình ổn kinh tế xã hội. Những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người lao động để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN đồng thời đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Việt Nam có những nỗ lực nhằm nâng cao ứng phó dịch: chia sẻ kịp thời thông tin về phát hiện và điều trị COVID-19, các biện pháp chuẩn mực để giám sát sức khỏe ở vùng biên giới, trợ giúp lãnh sự đối với các công dân ASEAN đang trong tình huống cần giúp đỡ. Nhóm nghiên cứu xuyên lĩnh vực ASEAN gồm các quan chức cấp cao về sức khỏe, ngoại giao, quốc phòng, xuất nhập cảnh, giao thông đã được thiết lập nhằm phản ứng nhanh chóng, kịp thời với đại dịch. Một số biện pháp phối hợp chính sách giữa các nước ASEAN bao gồm củng cố năng lực ASEAN trước các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, thiết lập kho dự trữ thuốc men khu vực và xây dựng quỹ hỗ trợ đại dịch chung của ASEAN. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thêm bệnh nhân dương tính Covid-19 lại sau khi chữa khỏi

Bên cạnh thông tin đáng mừng là đã 4 ngày liên tiếp (đến 19.4) cả nước không ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19 mới, việc bệnh nhân thứ 188 dương tính trở lại sau khi được chữa khỏi cũng khiến nhiều người lo lắng.

Các bệnh nhân Covid-19 nặng đã có tiến triển

Trước đó, nam bệnh nhân (BN) thứ 22 (người Anh) được điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng từ 8 - 27.3; được xét nghiệm(XN) 3 lần âm tính và cũng đã thực hiện cách ly 14 ngày sau khi xuất viện. Ngày 10.4, BN đi cùng bạn (BN 23) từ Đà Nẵng vào TP.HCM trên chuyến bay VN125; được lấy mẫu sàng lọc tại sân bay, đến ngày 11.4 thì xuất cảnh về Anh.

Sáng 13.4, kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới xác định BN 22 dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã kiểm tra, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm hàng chục người tiếp xúc với BN này.

Dương tính trở lại “đã có trong phác đồ”

Với BN 188, theo Bộ Y tế, sau khi được xuất viện ngày 16.4 BN được BV đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Nam bàn giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng quy định. Tuy nhiên, ngày 17.4, khi cách ly tại nhà (H.Chương Mỹ, Hà Nội), BN ho khan và hơi tức ngực, được CDC Hà Nội XN cho kết quả dương tính Covid-19. BN đã được chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) tiếp tục theo dõi sức khỏe. Hiện BN ho khan nhẹ. Đến chiều 19.4, kết quả XN với 3 ca F1 liên quan BN 188 đều âm tính Covid-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc dương tính trở lại trong 14 ngày sau khi công bố khỏi bệnh như BN 188 không phải là bất thường, diễn biến này đã có trong phác đồ, quy trình điều trị do Bộ Y tế quy định. Do đó, tất các BN sau khi bình phục vẫn cần được cách ly tại nhà 14 ngày, theo dõi nguy cơ tái bệnh.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về BN tái dương tính này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi cũng không nắm được việc điều trị của BN ở BVĐK Hà Nam như thế nào. Các cơ quan chuyên môn về điều trị sẽ trả lời câu hỏi này. Về nguyên nhân BN tái dương tính, vẫn chưa xác định BN tái nhiễm hay chưa sạch hẳn vi rút trong người”.

Việc BN Covid-19 tái dương tính cũng mang đến nhiều lo lắng cho chính quyền địa phương và lực lượng chống dịch. Ngày 19.4, UBND H.Chương Mỹ thậm chí phải ra văn bản đề “thượng khẩn” về BN 188 này. Hiện nay, huyện đã cách ly y tế 2 ca F1, 10 ca F2, tiếp tục điều tra các ca F3, F4; phun thuốc khử khuẩn 3 lần tại gia đình BN, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm 2 ca F1, chuyển đi cách ly tập trung.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, rất may do BN 188 được yêu cầu trở về nhà cách ly, theo dõi thêm 14 ngày sau ra viện, nên diện tiếp xúc không nhiều, chỉ có 2 người F1 là chồng và con gái. Cả hai người này đều đã được XN và kết quả âm tính. Về việc vì sao BN 188 tái dương tính, ông Hiền cho biết “đang phối hợp với cơ quan chuyên môn để có nghiên cứu cụ thể”.

Người dân tuân thủ tốt quy định thì có dư địa để nới lỏng cách ly

Là ổ dịch phức tạp nhất cả nước và có phát sinh BN tái dương tính, nhưng nhìn chung Hà Nội đã trải qua 6 ngày yên bình, sau khi phát hiện BN 266. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội đã chạy hết số mẫu bệnh phẩm của người dân các khu vực quanh ổ dịch Hạ Lôi, tất cả đều có kết quả âm tính. Điều này cho thấy các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát và không để lây lan rộng ra cộng đồng. Một mối lo lắng khác của Hà Nội là các chợ đầu mối, nơi tập trung nhiều người ở khắp nơi đến buôn bán, giao lưu phức tạp; thì kết quả đến tối 18.4 cũng cho thấy chưa có nguy cơ nào xuất hiện.

Hà Nội đã thực hiện XN test Covid-19 nhanh cho 894 người tại 4 chợ đầu mối, trong đó chợ đầu mối Đền Lừ (Q.Hoàng Mai) đã lấy 277 mẫu, chợ Long Biên (Q.Ba Đình) lấy 254 mẫu, chợ Hà Vỹ (H.Thường Tín) lấy 223 mẫu, chợ Yên Sở (Q.Hoàng Mai) lấy 140 mẫu. Kết quả, 894/894 mẫu đều âm tính.

Cập nhật thông tin với Thanh Niên đến 20 giờ ngày 19.4, ông Khổng Minh Tuấn cho biết kết quả lấy mẫu XN sàng lọc hơn 1.300 người dân tại xóm Trên (thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, H.Thường Tín), nơi có BN 266, bằng phương pháp XN realtime-PCR đều cho kết quả âm tính. XN nhanh để đánh giá tại chợ Ngã Tư Sở cũng cho kết quả tương tự.

“Cả hai ổ dịch thôn Hạ Lôi (H.Mê Linh) và thôn Đông Cứu đều không xuất hiện thêm ca nào mới, nên chúng ta có thêm tin tưởng là sẽ khống chế được dịch”, ông Tuấn nói.

Hiện Hà Nội đang áp dụng cách ly xã hội đến 22.4 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến tích cực, Hà Nội dự kiến sẽ nới lỏng dần, để người dân làm ăn, sản xuất kinh doanh trở lại, tất nhiên vẫn cấm các hoạt động tụ tập đông người làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Ngoài ra, Hà Nội cũng kỳ vọng vào sự hợp tác của mỗi người dân trong việc tự bảo vệ mình, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn 2 m khi các hoạt động xã hội bình thường dần trở lại. Theo các chuyên gia y tế, người dân càng tuân thủ tốt việc phòng dịch Covid-19 thì chính quyền càng có dư địa để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. (Thanh niên, trang 4).

 

Khánh Hòa lên kế hoạch tiếp nhận, cách ly hơn 1200 công dân về nước

Ngày 19.4, thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh này vừa ban hành kế hoạch về việc tiếp nhận, cách ly y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn (giai đoạn 3). Theo đó, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa dự kiến tiếp nhận khoảng 1.220 công dân về nước qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Các công dân sẽ được tiếp nhận về 6 khu vực cách ly tập trung.

Đến nay, Khánh Hòa chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh, xuất viện ngày 4.2. Hiện, toàn tỉnh còn cách ly, theo dõi sức khỏe 14 trường hợp theo quy định. (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang