Hà Nội có 12 nơi báo động đỏ về sốt xuất huyết
Thành phố Hà Nội cảnh báo vùng dịch sốt xuất huyết bằng 3 cấp độ với 3 màu: đỏ, cam và vàng. Trong đó có tới 12 quận, huyện ở mức báo động đỏ và 5 quận, huyện ở cấp độ thứ 2.
Theo đó, 12 quận, huyện có dịch bệnh sốt xuất huyết ở mức báo động đỏ là: Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì và Thanh Xuân.
5 quận, huyện có mức cảnh báo cấp 2 là: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm và Long Biên. Các quận, huyện còn lại ở mức cảnh báo cấp 3.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 17/8, toàn thành phố ghi nhận gần 17.400 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp tử vong. Trong số hơn 2.000 ổ dịch sốt xuất huyết, đến nay, thành phố mới khống chế được hơn một nửa. Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, ngày 14/8 có hơn 3.000 bệnh nhân, từ ngày 15/8 - 17/8, mỗi ngày phát hiện trên, dưới 2.600 bệnh nhân. Tuy nhiên, thời tiết mưa, nắng xen kẽ như hiện nay đang tạo điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng, bọ gậy phát triển, vì thế tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết tại Thủ đô, sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự kiến đi kiểm tra công tác chống dịch tại quận Tây Hồ. Đây là một trong 12 quận, huyện có dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động đỏ của thành phố Hà Nội (Tiền phong, trang 2).
Hà Nội tổng lực dập dịch sốt xuất huyết
Trong những ngày qua, Hà Nội liên tục tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng từ vùng lõi trung tâm dịch ra ngoài. Toàn bộ lực lượng tham gia tăng cường phun thuốc diệt muỗi ở 2 quận Đống Đa, Hoàng Mai, sau đó sang các quận lân cận như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông và một số đơn vị khác... (An ninh Thủ đô, trang 7).
Nơi nào quyết liệt, nơi đó khống chế được dịch bệnh
Ngày 19-8, các đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Phúc Thọ… Qua kiểm tra cho thấy, nơi nào chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt, huy động mọi lực lượng tham gia chống dịch thì nơi đó dịch bệnh được khống chế.
Vẫn nặng tính hình thức
Tại buổi kiểm tra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, quận Cầu Giấy ngày 19-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý bày tỏ lo lắng trước việc phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy tại các khu nhà trọ, các công trường xây dựng vẫn chưa triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.
Thống kê đến ngày 18-8, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 1.075 ca sốt xuất huyết tại 8 phường. Dù đã triển khai các biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đất trống, nhiều khu đang giải phóng mặt bằng và thi công các công trình xây dựng, cùng với gần 8 vạn sinh viên, người thuê trọ trên địa bàn khiến nguy cơ dịch lây lan và bùng phát mạnh ở quận. Trong khi đó, nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, chưa tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…
Tương tự, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cũng ghi nhận 730 ca mắc sốt xuất huyết với 37 ổ dịch, tập trung chủ yếu tại 2 phường Mễ Trì (250 ca) và Trung Văn (227 ca). Lý giải vì sao số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại 2 phường trên, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết là do sự biến động dân cư ở 2 phường rất lớn, số hộ thuê trọ nhiều hơn cả cư dân địa phương. Ban ngày, các hộ thuê trọ đi làm xa, tối, đêm mới về nhà. Vì vậy, việc quản lý dân cư, hướng dẫn phòng, chống dịch gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động của một số đội xung kích diệt bọ gậy “đi từng ngõ, gõ từng nhà” chưa thật hiệu quả...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng thừa nhận, việc tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy nhiều nơi vẫn còn nặng tính hình thức. Dù cả quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy đã vào cuộc nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài việc thời tiết không ủng hộ, khu vực tập trung nhiều người thuê trọ… cũng có một phần nguyên nhân đến từ công tác triển khai thực hiện. Nếu đội xung kích chỉ lập ra theo kiểu “cho có” mà không hoạt động hiệu quả sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề.
“Hiện nay, mỗi đội xung kích chỉ có 2 thành viên, trong đó chủ yếu là cựu chiến binh, phụ nữ lớn tuổi. Như vậy, rất khó để yêu cầu họ đi kiểm tra liên tục nhiều nhà (từ 30 đến 50 nhà), từ tầng này lên tầng khác. Vì vậy, các quận, huyện nên có lực lượng dân phòng, quân đội tham gia vào đội xung kích. Đội này phải “chà đi sát lại” từng hộ gia đình và phải làm thật nghiêm túc thì mới có thể dập được dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Khó mấy cũng phải làm thật tốt
Cùng ngày, tại buổi kiểm tra trên địa bàn quận Long Biên, Đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đánh giá cao sự vào cuộc của UBND quận Long Biên trong công tác chống dịch sốt xuất huyết. Cụ thể, chính quyền đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai có đồng bộ và thực hiện nghiêm túc Văn bản chỉ đạo số 698-CV/TU ngày 31-7-2017 của Thành ủy, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11-7-2017 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Đồng thời, quận duy trì thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy 1 lần/tuần ở các cơ quan, đơn vị, trường học vào chiều thứ sáu và ở cộng đồng vào sáng thứ bảy hằng tuần. Nhờ đó, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được khống chế. Hiện toàn quận mới ghi nhận hơn 100 bệnh nhân. “Nếu nơi nào cũng làm tốt như quận Long Biên chắc chắn dịch sốt xuất huyết sẽ được đẩy lùi”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Phụ trách Đoàn kiểm tra tại huyện Phúc Thọ - nơi ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dung cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của chính quyền nơi đây. Phúc Thọ hiện cũng là một trong những địa phương “mạnh tay”, chi hơn 3 tỷ đồng cho công tác chống dịch sốt xuất huyết.
“Kiểm tra các trường học, hộ dân trên địa bàn xã Tam Hiệp, từng người dân và học sinh được hỏi về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đều trả lời rõ ràng tên loại muỗi gây bệnh, nơi bọ gậy sinh trưởng và phát triển… Thậm chí, các em học sinh còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực ngay tại chính gia đình mình”, ông Nguyễn Văn Dung cho biết.
Qua kiểm tra trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nêu rõ: “Công tác chống dịch dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành thật tốt và thành phố luôn đồng hành, chia sẻ, tạo mọi điều kiện, cơ chế để các quận, huyện, thị xã có đủ nguồn lực dập dịch sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất”.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh đến 3 nội dung mà các quận, huyện, thị xã cần tập trung triển khai quyết liệt, đó là: Việc phun thuốc diệt muỗi phải được triển khai dứt điểm tại các khu vực trọng điểm, diệt triệt để bọ gậy và tích cực tổng vệ sinh môi trường ngay trong tuần tới, trước khi học sinh nhập học (Hà Nội mới, trang 7).
Huy động mọi lực lượng phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Đây là chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở. Nội dung chỉ đạo thể hiện trong Thông báo số 866-TB/TU vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành.
Theo đó, ngày 18-8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm 2017. Sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết và công tác phòng, chống dịch và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất nhận định: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong. Một số địa bàn có số người mắc bệnh cao là quận Đống Đa, Hoàng Mai…Thành ủy, UBND thành phố đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung nhiệm vụ phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo; trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các địa bàn trọng điểm. Các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Ngành Y tế thành phố đã làm tốt công tác phối hợp với các bệnh viện trung ương, kịp thời động viên đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế nỗ lực, cố gắng trong công tác cứu chữa, điều trị bệnh nhân; phát hiện và xử lý các ổ dịch, nắm chắc tổng số ổ dịch, số ổ dịch đang hoạt động, đẩy mạnh các chương trình cấp phát thiết bị y tế, đồ dùng gia dụng phòng chống dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong phòng, chữa bệnh sốt xuất huyết.
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nói trên, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn bước đầu có kết quả, số ca mắc mới có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xuất hiện nhiều yếu tố làm cho dịch có thể tiếp tục bùng phát mạnh trong thời gian tới. Đó là: Thời tiết đang giữa mùa mưa tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển; ô nhiễm môi trường nhất là tại các khu vực công cộng, công trường, khu nhà trọ chưa được kiểm soát, xử lý chặt chẽ; số lượng người tăng mạnh khi sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn bước vào năm học mới…
Để chủ động ngăn chặn, kiềm chế, không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản chỉ đạo số 698-CV/TU ngày 31-7-2017 của Thành ủy, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11-7-2017 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải xác định công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thời gian tới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi lực lượng, triển khai quyết liệt các giải pháp tối ưu trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Các cấp, các ngành có trách nhiệm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức để nhân dân nhận thức đúng và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan về công tác tuyên truyền, thông tin một cách kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh, các hoạt động phòng, chống dịch của thành phố.
Các cấp ủy, chính quyền chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp thực hiện các đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng theo kế hoạch của thành phố đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các địa phương phải tổ chức tốt hoạt động của các đội phòng, chống dịch cơ động; đội xung kích diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không hợp tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương đóng quân.
Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, chỉ đạo, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch; hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố tổ chức các điều kiện tốt nhất để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, theo đúng phác đồ điều trị. Kịp thời tổng hợp tình hình, số lượng bệnh nhân để có giải pháp phân tuyến điều trị, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến y tế cơ sở, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh; bố trí đủ nguồn lực thực hiện hỗ trợ đối với các bệnh viện, cán bộ y tế, các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Thành ủy.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn chủ động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc địa phương được phân công phụ trách trong công tác tổ chức thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết. (Hà Nội mới, trang 7).