Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/05/2018

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện cấp thuốc quá hạn sử dụng cho bệnh nhân; Bác sĩ Hoàng Công Lương bị HĐXX truy hỏi gắt; Điều kỳ diệu của trái tim sau hành trình bay 700 km; Quyết liệt giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện...

 

Bệnh viện cấp thuốc quá hạn sử dụng cho bệnh nhân

Ngày 19-5, bác sĩ N.T.V. - trưởng ban thanh tra nhân dân Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai - xác nhận đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thuốc Encorate 200mg hết hạn sử dụng tại quầy thuốc bảo hiểm và 2 kho thuốc chẵn, lẻ của bệnh viện để xử lý. Trước đó, bệnh viện tiếp nhận phản ảnh của bà T.T.T.H. - ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), mẹ của bệnh nhi P.K.T., 13 tuổi - về việc quầy thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) của bệnh viện cấp thuốc quá hạn sử dụng.

Ngày 16-5, bà H. đưa con gái đến bệnh viện khám (có BHYT) và được bác sĩ kê đơn với 3 loại thuốc (mỗi loại 60 viên) gồm Encorate 200mg, Magnensi B6 và Nootripam 400mg. 

Về nhà, bà H. lấy thuốc cho con gái uống thì phát hiện thuốc Encorate 200mg đã quá hạn sử dụng nhiều ngày. Cụ thể, thuốc này được sản xuất vào ngày 10-4-2015 và hết hạn sử dụng vào ngày 9-4-2018. Sau đó, bà H. cầm đơn thuốc, số thuốc được cấp đến bệnh viện trình báo và yêu cầu đổi thuốc.

Qua kiểm tra, trong số 60 viên Encorate 200mg có 50 viên quá hạn sử dụng, 10 viên còn hạn sử dụng (trong đó bệnh nhi đã uống 2 viên). Riêng hai loại thuốc còn lại trong đơn thuốc được phát vẫn còn hạn sử dụng.

Từ tin báo của bà H., ban thanh tra nhân dân bệnh viện đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất quầy thuốc BHYT và phát hiện trong quầy còn 800 viên thuốc Encorate 200mg đã hết hạn sử dụng. Ngoài ra, trong kho thuốc chẵn của bệnh viện còn phát hiện một vỏ thùng thuốc Encorate 200mg với số lượng 3.000 viên đã bán hết.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thuốc quá hạn sử dụng và photo đơn thuốc giao cho ban thanh tra nhân dân quản lý, đề nghị đổi thuốc cho người bệnh.

Đánh giá về việc này, bác sĩ N.T.V. thừa nhận việc cấp thuốc hết hạn sử dụng cho người bệnh là sai phạm nghiêm trọng về mặt quản lý dược, cần phải được xử lý nhanh chóng, triệt để nhằm hạn chế hậu quả cho người bệnh. 

Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển ban giám đốc bệnh viện xem xét, xử lý. (Công an nhân dân, trang 8).

 

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị HĐXX truy hỏi gắt

Lời khai của hai đồng nghiệp về việc bị cáo có được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không trái ngược hoàn toàn với lời BS Lương. Ngày 18-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bìnhkhiến tám người tử vong bước sang ngày làm việc thứ tư. Cuối buổi chiều bị cáo Hoàng Công Lương đã bị HĐXX truy rất gắt về việc ra y lệnh lọc thận cho các bệnh nhân khi chỉ căn cứ vào thông báo duy nhất của điều dưỡng viên rằng hệ thống máy móc đã sửa xong.

Ra y lệnh chỉ dựa vào một thông báo

Theo đó, vấn đề BS Hoàng Công Lương có được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không tiếp tục là “tâm điểm”. HĐXX công bố lời khai của hai bác sĩ (BS) công tác tại đơn nguyên thận nhân tạo cùng với bị cáo, đó là BS Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Ninh.

Theo một số bút lục ghi lời khai của hai vị BS này, nhiệm vụ chính của họ là thăm khám bệnh cho bệnh nhân, sau khi thăm khám xong thì xin ý kiến BS Lương cho y lệnh lọc máu với từng người. Trong đó, cả hai được BS Lương phân công làm ở buồng số 3, BS Ninh ở buồng số 2 và BS Lương ở buồng số 1.

BS Huyền khai rằng bị cáo Lương là người có kinh nghiệm trong đơn nguyên và được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu, Phó khoa Hoàng Công Tình phân công phụ trách điều trị. Khi BS Lương ra y lệnh thì các BS khác phải thực hiện. Ngoài ra, BS Lương là người được giao nhiệm vụ quản lý chung tại đơn nguyên, trong đó phụ trách về chuyên môn và phụ trách trực tiếp hai BS Huyền và Ninh. BS Lương là người ra y lệnh cuối cùng của mỗi ca chạy thận nhân tạo.

BS Ninh thì khai sáng 29-5-2017 sau khi tiến hành thăm khám bệnh xong có báo cáo với BS Lương về tình hình bệnh nhân và được BS Lương nói ra y lệnh. Nghe vậy, BS Ninh đã ra y lệnh cho các bệnh nhân tại buồng số 2.

Lời khai của hai BS đồng nghiệp đã ngược lại với những gì BS Lương trả lời trước HĐXX suốt bốn ngày xét xử vừa qua. Theo đó, bị cáo này khẳng định không được bất cứ ai phân công, không có văn bản nào cho thấy mình phụ trách đơn nguyên. Khi HĐXX hỏi đánh giá thế nào về lời khai trên, bị cáo Lương đáp: Đây là những lời khai không đúng.

Tiếp đó, bị cáo bị HĐXX truy hỏi liên tục về việc ra y lệnh lọc máu cho các bệnh nhân khi chỉ căn cứ vào thông báo duy nhất của điều dưỡng viên rằng hệ thống máy móc đã được bảo dưỡng xong.

“Trước khi ra y lệnh, bị cáo có chắc chắn nguồn nước đã đảm bảo?” - HĐXX hỏi. Bị cáo Lương lặp lại câu trả lời đã nói nhiều lần trong những ngày xét xử vừa qua rằng điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo mọi người về việc bảo dưỡng đã xong, do đó bị cáo đã ra y lệnh.

HĐXX truy: “Vậy bị cáo có xác nhận lại hệ thống đã được bàn giao và đủ điều kiện an toàn?”. Bị cáo Lương nói rằng khi điều dưỡng thông báo như vậy thì chắc chắn đã an toàn.

HĐXX tiếp: “Với tư cách một BS điều trị, được chị Điệp thông báo thì bị cáo đã có đủ căn cứ để cho ra y lệnh hay chưa?”. BS Lương không trả lời đúng trọng tâm nên đã bị HĐXX nhiều lần nhắc nhở khá gay gắt. Sau đó bị cáo khẳng định là “đủ căn cứ”. Bị cáo cũng cho rằng sau khi được điều dưỡng viên Điệp thông báo thì ngay lập tức ra y lệnh chứ không báo cáo lại lãnh đạo khoa. “Bị cáo không báo cáo vì không có trách nhiệm” - BS Lương nói.

Có bị điều tra viên “mớm cung”?

Trước đó, trong phần xét hỏi, luật sư (LS) Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đã có màn đối đáp kịch tính với ông Bùi Tuấn Nghĩa, điều tra viên (ĐTV) trực tiếp thụ lý vụ án, liên quan đến việc lời khai của BS Lương giống hệt với ông Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc BV tỉnh).

LS Chiến đặt vấn đề có hay không việc ĐTV chuyển cho bị cáo lời khai của ông Khiếu để xem. Ông Nghĩa khẳng định chắc chắn rằng trước khi hỏi cung bị can cũng như ghi biên bản lời khai, ĐTV không chuyển bất cứ một văn bản nào.

LS Chiến đề nghị HĐXX cho gọi bị cáo Lương lên đối chất. Bị cáo này tiếp tục khẳng định tại buổi lấy lời khai ngày 1-7-2017, ĐTV và kiểm sát viên đã đưa cho bị cáo lời khai của ông Khiếu để khai giống. Theo BS Lương, việc đưa lời khai của ông Khiếu nhằm để cho bị cáo biết ngoài nhiệm vụ điều trị thì mình còn nhiều nhiệm vụ khác nữa. Đến đây, LS Chiến đề nghị thư ký phiên tòa đưa tờ khai của ông Khiếu cũng như bị cáo Lương cho bị cáo xem, BS Lương khẳng định đúng là của mình.

Ông Chiến nói rằng đã nghiên cứu lời khai của bị cáo Lương và lời khai của ông Khiếu thì thấy tại phần liên quan đến phân công nhiệm vụ cho BS Lương, hai bản khai có hai đoạn hầu như giống nhau mà các LS thường gọi là “lời khai sinh đôi”.

Về việc này, ĐTV Nghĩa cho rằng quá trình hỏi cung hoàn toàn đúng trình tự pháp luật và khách quan, việc giống nhau chỉ là ngẫu nhiên.

Ngoài ra, LS Chiến cũng hỏi về việc điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp khai đã được ĐTV cho xem cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 bằng bản ảnh, để từ đó nữ điều dưỡng viên này khai BS Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Mặc dù được đối chất trước tòa và bà Điệp tái khẳng định có được ĐTV cho xem cuốn sổ trên nhưng ông Nghĩa ngay tức khắc phủ nhận.

Đặc biệt, LS Chiến đề nghị ĐTV Nghĩa trả lời về việc tại sao có hai biên bản ghi lời khai của bà Điệp cùng được ghi bắt đầu vào 14 giờ và kết thúc vào 15 giờ 30 ngày 15-7- 2017. Ông Nghĩa chỉ nói ngắn gọn: “Sự trùng hợp này đã thể hiện rõ trong hồ sơ, tôi không giải thích gì thêm”. Lúc này HĐXX cắt ngang lời LS Chiến và đề nghị không hỏi thêm bởi các ngày làm việc trước đó, bà Điệp đều khai như vậy nên không cần làm rõ nữa.

Tòa thông báo tạm nghỉ và sẽ làm việc lại vào ngày 21-5.

Nhiều người liên quan vắng mặt

Trong quá trình tiến hành tố tụng tại tòa, LS bào chữa cho các bị cáo rất nhiều lần đặt ra các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh). Tuy nhiên, cả ông Dương và người đại diện theo ủy quyền của mình đều không có mặt.

LS Nguyễn Văn Chiến đề nghị HĐXX được đặt câu hỏi đối với ông Dương hoặc người đại diện; ông Khiếu, ông Trần Văn Thắng (trưởng phòng vật tư BV tỉnh); ông Đỗ Tiến Công (điều dưỡng trưởng và là người ghi chép biên bản các cuộc họp giao ban) nhưng tất cả đều vắng mặt. Từ đó LS Chiến đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập nghiêm khắc hơn đối với những người này để đảm bảo quá trình xét xử diễn ra xuyên suốt. “Tôi hỏi tới bốn người nhưng đều không có mặt tại tòa, vậy biết hỏi ai?” - LS Chiến nói. (Pháp luật TP. HCM, trang 6).

 

Điều kỳ diệu của trái tim sau hành trình bay 700 km

Trái tim của nam thanh niên đặt trong thùng bảo quản và được dành cho một chỗ ngồi trên suốt chuyến bay như một hành khách đặc biệt.

Sáng 18-5, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết nơi đây vừa thực hiện một ca điều phối đặc biệt: Đưa một trái tim từ BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội tới BV Trung ương Huế.

“Ngồi” riêng một ghế trong suốt chuyến bay

Trước đó, ngày 15-5, thông tin hiến tạng được cung cấp từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Trái tim được hiến là của một nam thanh niên rất khỏe mạnh không may bị tai nạn giao thông và được xác định là chết não sau đó. Gia đình người này đã quyết định hiến tặng toàn bộ mô, tạng để con trai mình được tiếp tục sống thêm một lần nữa và cũng là để cứu những bệnh nhân hiểm nghèo khác.

Ngay trong ngày, dưới sự chỉ đạo của GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng ghép tạng BV Trung ương Huế, BV đã cử một kíp bác sĩ đến Hà Nội phối hợp đánh giá sự tương thích của nguồn tạng người cho ở Hà Nội với người nhận ở Huế.

Đến 3 giờ sáng 16-5, khi vừa có kết quả cho biết phản ứng đọ chéo là tương thích với người nhận ghép tim tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã quyết định cho phép kíp mổ tim BV Trung ương Huế phối hợp với các kíp mổ tại Hà Nội phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não lúc 5 giờ sáng cùng ngày.

Sau khi nhận được thông tin về ca điều phối, vận chuyển, Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines đã lên phương án hỗ trợ tối đa để tiếp nhận và vận chuyển thùng đựng tạng cùng êkíp lấy, điều phối trái tim từ Hà Nội vào Huế. Thậm chí tổng công ty hàng không còn quyết định dành một ghế miễn phí cho thùng đựng tạng để kíp bác sĩ có thể chăm sóc và bảo quản tạng tốt nhất trong suốt quá trình di chuyển. Trái tim hiến đã được vận chuyển thành công đến phòng mổ tim BV Trung ương Huế lúc 10 giờ 45 ngày 16-5.

Gần 3 giờ chạy đua với thần chết

Tại BV Trung ương Huế, kíp phẫu thuật tim, đứng đầu là ThS-BS Trần Hoài Ân, kíp gây mê hồi sức do BSCKII Đặng Thế Uyên phụ trách, dưới sự chỉ đạo của GS-TS Phạm Như Hiệp đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ quả tim bệnh lý và ghép quả tim hiến khỏe mạnh vào cơ thể người nhận.

“Toàn bộ các kíp mổ, kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể, kíp rửa tạng đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất để chạy đua với thời gian” - GS-TS Phạm Như Hiệp cho hay.

Cũng theo BS Hiệp, tổng thời gian quả tim hiến thiếu máu là 5 giờ 30 phút, nằm trong giới hạn cho phép thiếu máu của quả tim ghép là từ bốn đến sáu giờ. Quả tim ghép đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 13 giờ 25 ngày 16-5.

Bệnh nhân ghép tim được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức tim lúc 17 giờ cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Đây là ca ghép tim khó do thời gian vận chuyển quả tim từ Hà Nội về Huế đã mất hơn ba tiếng đồng hồ.

Đến 8 giờ ngày 17-5, bệnh nhân may mắn được ghép tim đã hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, tự thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng cơ thể.

“Bệnh nhân này đã được điều trị tại bệnh viện nhiều tháng nay. Sau khi phẫu thuật thành công, người nhà rất vui mừng và xúc động cám ơn người hiến tim, gia đình người hiến tim cùng chúng tôi. Bởi vì trong trường hợp bệnh nhân bị suy tim như thế này, nếu không được chữa trị kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đang tiến triển rất tốt” - GS-TS Phạm Như Hiệp nói.

Trong sáng 17-5, ban giám đốc BV Trung ương Huế đã đến thăm và chúc mừng bệnh nhân cùng gia đình bệnh nhân ghép tim xuyên Việt này. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lẵng hoa và quà chúc mừng kíp phẫu thuật ghép tim. Đây là ca ghép tim lần thứ ba của BV Trung ương Huế. BV này đã làm chủ được kỹ thuật ghép tim từ năm 2011.

Hai sự cố thót tim trong quá trình ghép

GS-TS Phạm Như Hiệp cho biết sau khi ghép quả tim vào người nhận thì xảy ra những khó khăn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân: “Cụ thể là trong trường hợp này, khi đã phẫu thuật ghép tim vào rồi nó đập không có hiệu quả, không đẩy máu đi được nhiều nên có nguy cơ dẫn đến suy tim. Tuy nhiên, kíp phẫu thuật đã gấp rút sử dụng những biện pháp hỗ trợ để tăng nhịp tim lên, kiểm tra liên tục bằng siêu âm qua thực quản và đặc biệt là thực hiện các biện pháp để tăng cường lực bóp của tim. Cứ như thế, đến khoảng nửa giờ đồng hồ sau thì tim đập nhịp tốt. Một khó khăn nữa là sau khi mổ xong thì xuất hiện chảy máu ở điểm sau của xương ức vì chỗ đó là khó may nhất. Đặc biệt, đối với ghép tim thì đây là điều rất nguy hiểm. Nhưng sau khi tiến hành các biện pháp thì chúng tôi đã cầm máu được cho bệnh nhân”.

Kinh phí cực kỳ đắt đỏ

GS-TS Phạm Như Hiệp thông tin kinh phí để phẫu thuật một ca ghép tim trên thế giới lên đến 300.000 USD, thậm chí có ca lên đến 1 triệu USD. Còn kinh phí cho ca phẫu thuật ghép tim ở BV Trung ương Huế như mới đây thì vẫn chưa có thống kê cụ thể vì quá trình điều trị còn dài và có nhiều diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, kinh phí ước tính từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. (Pháp luật TP. HCM, trang 12).

 

Quyết liệt giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện

Sáng 18/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị "Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện" với hơn 500 đại biểu tham dự. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong số các giải pháp có việc ban hành Quyết định cải tiến quy trình khám, chữa bệnh và cải tạo khoa khám bệnh - bộ mặt của bệnh viện.

Nhờ đó, trong khảo sát hài lòng được Bộ Y tế công bố mới đây cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vị khám, chữa bệnh; trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh. Người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc trong khi kém hài lòng nhất là nhà vệ sinh bệnh viện. Lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58).

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế tiếp tục có những giải pháp nhằm giảm thời gian chờ khám, tăng thời gian chẩn đoán, điều trị và tư vấn cho người bệnh.

Tại hội nghị này, các đại biểu được lắng nghe báo cái đánh giá về 5 năm thực hiện quy trình cải tiến khám, chữa bệnh; Thực trạng nhà vệ sinh bệnh viện và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh và nhà vệ sinh bệnh viện.

Lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là cách tiếp cận phù hợp với xu thế của thời đại và chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính ở Việt Nam.

Bộ Y tế là một trong những bộ có tiên phong xây dựng và thể chế hoá hệ thống đánh giá chất lượng bệnh viện nói chung, thu nhận phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh nói riêng trong những năm gần đây để không ngừng phục vụ người bệnh tốt hơn.

Phát biếu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, mặc dù đã có nhiều cải tiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân... Hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến trung ương thời gian vẫn rất lâu. Bệnh nhân đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5-6h thì phải 8-9h mới được khám. Trường hợp đơn giản nhất chỉ chờ kết quả xét nghiệm sinh hóa, nhưng nhiều người phải làm thêm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Số lượng bệnh nhân quá đông, dù bệnh viện mở ra nhiều bàn khám vẫn không đủ. “Bệnh nhân đi khám sáng đều nhịn ăn, nay đợi kết quả xét nghiệm, chờ siêu âm… phải chờ 11-12h cũng đói lả, mệt mỏi. Có bệnh nhân phải chống gậy, chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc. Bệnh viện phải có giải pháp quyết liệt ”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) 80% người đến khám vào sáng, quá đông. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện thời gian tới phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

“Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để bệnh nhân không phải đợi quá lâu. Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5 h chiều và hẹn khám theo giờ”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường... về khám định kỳ, nhận thuốc tại trạm y tế.

Liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều khi tôi đi kiểm tra các bệnh viện, vào các nhà vệ sinh của nhân viên, tôi cũng không thấy có xà phòng rửa tay. “Chỗ rửa tay của nhân viên còn thế thì nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh/ người nhà bệnh nhân có xà phòng rửa tay. Do đó, từ nay đi kiểm tra bệnh viện nếu đi kiểm tra bệnh viện mà Trưởng khoa và giám đốc Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay... thì khi chấm điểm kết luận là lãnh đạo Bệnh viện “ở bẩn””- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngược lại có nhiều Bệnh viện, kể cả tuyến tỉnh và huyện làm rất tốt công tác vệ sinh bệnh viện. Nhà vệ sinh có treo tranh, sạch sẽ, có người dọn rửa liên tục...

Bộ trưởng cũng đề nghị sắp tới khi chấm điểm đánh bệnh viện cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn, thời gian chờ đợi quá lâu.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho biết sắp tới sẽ coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt). Nếu nhà vệ sinh ở mức 1,2 thì chất lượng xếp loại kém. Đồng thời chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, nước, xà phòng…

Hiện quy trình khám bệnh cơ quản gồm 4- 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giảm hơn so với trước đây 10 – 15 bước. Đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như bệnh viện phải phô tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện.

Báo cáo của Cục trưởng Lương Ngọc Khuê trình bày tại hội nghị cho biết thêm kết quả thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến , khám lâm sàng trung bình 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với quy định. Tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, 45,4 phút.

Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, giảm so với quy định 40 phút, tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vụ chạy thận Hòa Bình: Nhiều khả năng HĐXX trả hồ sơ điều tra lại từ đầu?

Ngày 21/5, HĐXX Tòa án nhân dân Thành phố Hòa Bình bước sang tuần làm việc thứ 2. Qua 5 ngày xét xử và chất vấn các bị cáo và các cá nhân có liên quan vừa qua các luật sư bào chữa đã làm rõ thêm nhiều vấn đề còn chưa rõ.

Các luật sư bào chữa cho rằng hoàn toàn có cơ sở chứng minh các bị cáo trong vụ án này bị oan sai và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Theo đó, nhận định chung của các luật sư là nhiều khả năng phiên xét xử sơ thẩm của HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình sẽ trả hồ sơ điều tra lại.

Cũng trong tuần xét xử vừa qua những vấn đề nghi vấn cần được làm sáng tỏ đó là: Trong buổi xét xử chiều 18/5, trả lời luật sư, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) đã yêu cầu bị cáo chạy lại hệ thống tuần hoàn. Mục đích chạy lại để làm gì thì bị cáo không nhớ. Thông tin này khiến các luật sư đặt nghi vấn Công ty Thiên Sơn đã cố tình làm sai lệch hiện trường, có thể là để xả hết hóa chất tồn dư.

Trước đó, khai với HĐXX tại phiên tòa ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc, đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết: “Từ năm 2010 đến khi xảy ra sự cố, bệnh viện đã có 6 hợp đồng ký với Công ty Thiên Sơn và đều do Giám đốc Trương Quý Dương quyết định và theo hợp đồng, hãng tư vấn về kỹ thuật với chuyên gia kỹ sư của bệnh viện. Cụ thể ông Dương đã giao tất cả việc liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa, chăm sóc sức khỏe… đều được giao Phòng Vật tư – Trang thiết bị Y tế. Người chịu trách nhiệm cao nhất là người lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng”. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn Phòng Luật sư Việt Lý một trong những luật sư bào chữa tại phiên tòa này cho rằng: ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư – Trang thiết bị Y tế mới là nhân chứng có vai trò quan trọng trong vụ án này. Tuy nhiên, chúng tôi đã đề nghị triệu tập tại tòa để làm rõ nhưng chưa được tòa triệu tập.

Trong ngày xét xử thứ 3, luật sư Lê Văn Thiệp cho biết: tại phiên tòa này những nhân chứng có liên quan luật sư muốn được triệu tập thì đều vắng mặt. Trong đó việc vắng mặt ông Trương Quý Dương và cử đại diện là ông Đỗ Quốc Quyền đến phiên tòa có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Sự vắng mặt của ông Dương có thể không làm rõ được sự thật khách quan.

Đáng chú ý, trong tuần qua, LS Trần Vũ Hải, trong quá trình tranh luận “thái quá” HĐXX đã đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp mời ông Hải ra khỏi phòng xử.

Một bất ngờ đáng chú ý tại phiên xét xử tuần qua đó là Luật sư Nguyễn Ngọc Trung, đại diện cho gia đình các nạn nhân cho biết, số bệnh nhân thiệt mạng do sự cố chạy thận nhân tạo chính xác là 9 nạn nhân thay cho con số 8 nạn nhân như cáo trạng truy tố. Luật sư đã thông báo cho HĐXX và được chấp nhận.

Bên cạnh đó, trong quá trình đối chất giữa các bị cáo và các cá nhân có liên quan, nhiều câu trả lời đã có sự khác biệt so với lời khai ban đầu. Trong phiên xét xử ngày 18/5 bất ngờ nóng lên với phần đối chất giữa BS Hoàng Công Lương và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp với điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa. BS Hoàng Công Lương và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp đều khai “Kiểm sát viên và điều tra viên đã đưa lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) để bị cáo khai giống như vậy”.

Khi Luật sư Nguyễn Văn Chiến đặt câu hỏi: “Hai biên bản của 2 người khác nhau, nhưng câu chữ giống nhau, vậy ông giải thích thế nào?”. Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa khẳng định quá trình hỏi cung đúng trình tự quy định pháp luật và khách quan, còn việc giống nhau chỉ là ngẫu nhiên. Sau đó, luật sư Chiến công bố trước tòa đã có 2 biên bản lời khai của chị Điệp, đều được lập cùng thời điểm 14 giờ đến 15 giờ 30 ngày 15/7/2017, và đề nghị điều tra viên Nghĩa làm rõ, tại sao hai biên bản lời khai lại trùng thời gian? Ông Nghĩa vẫn chỉ trả lời: “Đã thể hiện rõ trong hồ sơ và tôi không giải thích gì thêm”.

Luật sư Chiến cho rằng ông Nghĩa né tránh trả lời về thời gian cụ thể nên cung cấp trước HĐXX tài liệu hồ sơ vụ án. Theo các luật sư có thể coi đó là hành vi “mớm cung” và việc này sẽ được làm sáng tỏ thêm ở ngày xét xử tiếp theo.

Một số vấn đề quan trọng khác được các luật sư bào chữa nêu ra để làm rõ đó là hầu hết các quyết định giao việc chỉ giao “bằng mồm” mà không có văn bản cụ thể. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều không có chuyên môn gì về máy lọc thận nhưng lại được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, trong khi người có chuyên môn thì lại không được phân công; Các hợp đồng kinh tế ký kết với Công ty Thiên Sơn đều có vấn đề?...

Liên quan đến vụ án này, trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo chuyển đơn bác sĩ Hoàng Công Lương đến TAND tỉnh Hoà Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Trên tinh thần đó, hy vọng trong tuần xét xử thứ hai này, HĐXX tòa án nhân dân Thành phố Hòa Bình sẽ xét xử công tâm đúng người đúng tội, đó cũng là mong muốn của đông đảo người dân quan tâm đến phiên tòa này.

Chia sẻ với SK&ĐS, trong một nhận định của mình về phiên tòa này, Luật sư Lê Văn Thiệp chia sẻ tôi thấy có sự “không bình thường” trong việc xét xử vụ án này, đặc biệt là “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. Vì vậy khả năng cao vụ án này sẽ trả hồ sơ, điều tra lại!”  (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Các bệnh viện vất vả chống nóng

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, đông nghịt bệnh nhân đến khám trong cái nóng hầm hập, từ hành lang, gốc cây, ghế đá la liệt người đứng, ngồi, nằm. Gần 1 tuần qua, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc luôn trên 36 độ C, nhiều nơi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C. Nắng nóng khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng có ở bệnh viện, mọi người mới thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nhà và bệnh nhân khi họ phải tìm đủ mọi cách vật lộn với nắng nóng của ngày hè. Nắng nóng liên tục các ngày qua đã khiến số bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội tăng vọt, đặc biệt là người già và trẻ em. Tại BV Bạch Mai, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng từ 30 - 50%.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10 - 15% so với ngày bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 3.200 - 3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh lý sốt virut, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…Tình trạng quá tải trong những ngày nắng nóng vừa qua đã khiến cho môi trường trong các bệnh viện càng trở nên chật chội, ngột ngạt. Trong khuôn viên một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức…, tình cảnh người bệnh và người nhà nằm vật vạ, mệt mỏi, ngủ gà… tại các phòng chờ, hành lang, ghế đá, gốc cây… là những hình ảnh hay bắt gặp. Một người bệnh quê Phú Thọ đang khám tại Bạch Mai chia sẻ: Vào những ngày nắng nóng, có những khi cả gia đình tôi cùng ốm. Hôm nay vào trong bệnh viện thấy mọi người nằm la liệt thật kinh hoàng. Đến chỗ gửi xe trong viện cũng hết.

 Một người bệnh khác quê Nam Định cũng cho biết: Tôi đến đây khám từ sáng, không dám cho người nhà đi cùng. Nắng như vậy đến thì ốm chứ trông nom sao nổi. Nghe mọi người nói là cuối tuần, lượng người còn đông hơn nữa.

Để ứng phó với nắng nóng, nhiều bệnh viện đã chủ động tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống phục vụ cho bệnh nhân và người nhà tại các khu chờ khám bệnh… nhưng do quá tải nên tình trạng cũng không cải thiện được là bao. Càng về trưa, nhiệt độ càng cao, trẻ em khóc quấy, người lớn mệt mỏi, ai nấy đều bơ phờ, mồ hôi nhễ nhại... nhưng cũng chẳng chống nổi trong cái nóng hầm hập những ngày vừa qua.

Để giảm thiểu tác hại do thời tiết nắng, nóng tới sức khỏe người dân, Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 2005/SYT-NVY để chỉ đạo các cơ sở y tế trong thành phố tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống nắng nóng cho bệnh nhân.

Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị như: Tăng cường quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt... Có phương án giảm quá tải khu vực khám bệnh, khu thu viện phí..., hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép. Đảm bảo đủ quạt thông gió, điều hòa tại các phòng cấp cứu, hồi sức, khoa Sản, Nhi… Tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não mô cầu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Làm rõ vụ bé 32 tháng tử vong khi đang truyền dịch

Ngày 20.5, bác sĩ (BS) Võ Thành Danh, Giám đốc Trung tâm y tế H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể bé L.N.H.N (32 tháng tuổi) cho gia đình lo hậu sự. Khoảng 1 giờ ngày 19.5, bà Nguyễn Thị Kim The (52 tuổi, ngụ xã Thạnh Thới An, H.Trần Đề, Sóc Trăng - người được mẹ bé N. gửi nuôi bé) đưa N. đến Trung tâm y tế H.Mỹ Xuyên vì bị nôn ói. Kíp trực chẩn đoán bé bị viêm phổi và rối loạn tiêu hóa nên cho uống thuốc. “Ca trực chuyển tiếp vào buổi sáng 19.5 cho y lệnh sử dụng kháng sinh và truyền dịch. Khi truyền được khoảng 5 - 10 phút thì N. có biểu hiện bất thường. BS trực xử trí tích cực nhưng bé đã tử vong. Chúng tôi phải chờ hội đồng chuyên môn của Sở Y tế kết luận”, bác sĩ Danh nói.

Trong diễn biến khác, thông tin với Thanh Niên sáng 20.5, bà Trần Ngọc Quý, 51 tuổi - mẹ chồng chị Lê Thị Bích Tuyền, sản phụ bị tử vong ngày 19.5 tại Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết bé trai sơ sinh con chị Tuyền cũng đã tử vong tại bệnh viện ở TP.Rạch Giá vào đêm 19.5 sau khi được chuyển từ đảo vào đất liền.

Bác sĩ Trương Văn Hữu, quyền Giám đốc Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc đã đề nghị Công an tỉnh Kiên Giang ra đảo khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân vụ việc. (Thanh niên, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang