Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/1/2019

  • |
T5g.org.vn - Đảm bảo y tế thông suốt dịp tết; Lập đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi cấp; 55 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng

 

Đảm bảo y tế thông suốt dịp tết

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, hầu hết các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM gấp rút triển khai kế hoạch túc trực đảm bảo công tác y tế thông suốt trong những ngày nghỉ tết; đồng thời chăm lo đời sống, tinh thần cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại BV.

Sẵn sàng, chủ động

Nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ tết BV Chợ Rẫy đã ban hành kế hoạch bảo đảm trực 4 cấp: lãnh đạo; chuyên môn lâm sàng, cận lâm sàng, đường dây nóng; hành chính, hậu cần và trực bảo vệ, an ninh trật tự. BV chú trọng các khoa trọng điểm như cấp cứu, phẫu thuật gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, hồi sức ngoại thần kinh, dược, trung tâm truyền máu, bảo vệ…

“Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy còn thành lập các đội cấp cứu, đảm bảo thông tin liên lạc luôn thông suốt, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có lệnh điều động. Đối với các trường hợp bệnh nhân còn nằm lại điều trị, BV có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà tết, đặc biệt với bệnh nhân nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chính sách, có công cách mạng. Bếp yêu thương hoạt động liên tục đảm bảo cung cấp suất ăn miễn phí cho thân nhân trong những ngày nghỉ tết”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay.

Là BV đa khoa đặc biệt lớn nhất cả nước nên lượng bệnh nhân tới khám, điều trị tại BV Bạch Mai thường rất đông. Để hoạt động chuyên môn diễn ra bình thường, BV Bạch Mai cử 400 cán bộ, nhân viên trực trong những ngày đầu năm mới. Khoa Khám bệnh tổ chức làm việc tất cả các ngày tết.

Đặc biệt, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng của BV đã chuẩn bị thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và cung cấp đầy đủ các suất ăn bệnh lý cho người bệnh, nhân viên trực tết. BV cũng cung cấp suất ăn miễn phí cho hơn 800 người bệnh/ngày trong 4 ngày tết và hơn 5.000 suất ăn cho học viên, bảo vệ, nhân viên điện lực, vệ sinh môi trường; tặng quà cho tất cả bệnh nhân ở lại BV với khoảng 1.500 suất.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết dự kiến trong đợt nghỉ tết năm nay, BV có khoảng 1.000 bệnh nhi tiếp tục điều trị tại BV. Ngoài ra, vào dịp này, số trẻ cấp cứu ngộ độc thức ăn, chấn thương, tai nạn, hay bị mắc các bệnh về đường hô hấp thường tăng cao. Do đó, ngoài công tác bảo đảm điều trị cho bệnh nhân nội trú, công tác trực cấp cứu cũng luôn được BV sẵn sàng 24/24 giờ. Những gia đình có trẻ nhỏ phải ở lại BV trong dịp tết cũng được BV hỗ trợ suất ăn, lì xì và tặng quà đầu năm mới.

Lên phương án phòng, chống dịch bệnh

Tại buổi kiểm tra công tác trực tết tại các đơn vị y tế phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận xét, hiện nay dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, nên nguy cơ virus nguy hiểm này xâm nhập, lây lan là rất cao. Do đó, trong những ngày nghỉ tết, các BV cần bố trí đầy đủ trang thiết bị đáp ứng cấp cứu như: xe cứu thương, đảm bảo đủ cơ số thuốc, thành lập các phương án phòng chống dịch.

Đồng thời bố trí cán bộ y tế chuyên sâu về bệnh viêm phổi, bệnh truyền nhiễm và bố trí khu vực riêng để cách ly, điều trị bệnh nhân nếu có dịch xâm nhập. Tại các cửa khẩu, sân bay, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe khách nhập cảnh tới từ vùng có dịch để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhằm cách ly phòng ngừa lây nhiễm.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết công tác tổ chức trực tết, chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế tiêu hao để đảm bảo việc khám và điều trị cho người bệnh trong suốt dịp tết đã được BV triển khai từ sớm. Về việc phòng chống dịch viêm phổi do virus Corona mới, BV đã chuẩn bị các phòng cách ly và ban hành quy trình xử lý nếu dịch bệnh xảy ra.

“BV đã thực hiện các chỉ đạo sát sao về phòng chống lây nhiễm, thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, bố trí 2 phòng cách ly. Trong thời gian trực tết, BV vẫn thành lập hội chẩn liên khoa, chuẩn bị vật tư y tế tiêu hao, thuốc men để phòng tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, BV cũng phối hợp chặt chẽ với BV Bệnh nhiệt đới để hạn chế lây nhiễm và dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc cho hay.

Tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng - côn trùng TPHCM (đơn vị phụ trách 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam) đã có kế hoạch giám sát, can thiệp phòng chống sốt rét; tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh giun, sán, các bệnh đơn bào và phòng chống bệnh.

Theo Viện trưởng Lê Thành Đồng, viện đã triển khai công tác phòng chống dịch sốt rét, sốt xuất huyết trong dịp tết, đặc biệt với khu vực trọng điểm như huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng thuộc tỉnh Bình Phước. Còn tại Viện Vệ sinh y tế công cộng, theo Viện trưởng Đặng Văn Chính, kế hoạch đảm bảo công tác y tế trong những ngày lễ tết sẽ gồm 3 cấp: lãnh đạo, chuyên môn (khối cộng đồng và labo xét nghiệm), hậu cần và bảo vệ. Trong đó, công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và các sự kiện y tế công cộng khác.

Hiện Viện Pasteur TPHCM đã thành lập 6 đội cơ động phòng chống và 3 đội phản ứng nhanh, điều động các thành viên trực, phối hợp với khoa vi sinh miễn dịch, xét nghiệm… để sẵn sàng chống dịch bệnh nếu xảy ra. Các đội sẽ luân phiên trực 1 ngày. Trong thời gian trực dịch, nếu ghi nhận thông tin quan trọng yêu cầu báo cáo về dịch bệnh, sự kiện y tế công cộng khẩn cấp tại khu vực phía Nam (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Lập đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi cấp

Ngày 20/1, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ sở của Y tế các bộ, ngành về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do vi-rút corona mới.

Để chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị và ngăn chặn bệnh dịch viêm phổi cấp do vi-rút corona mới lan rộng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc khẩn trương thực hiện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.

Theo đó, người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân các cơ sở y tế cần: Cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán; Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và giọt bắn cho nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường quy…

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị: Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền; Rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.

Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện, phòng chống bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cụ thể như tình hình bệnh dịch viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân hiện nay, các biện pháp phát hiện, phòng lây nhiễm để người bệnh tự giác khai báo tiền sử đi lại tại nước liên quan đến dịch bệnh).

 Cụ thể như để phòng, chống hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới, Bộ Y tế  yêu cầu thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, thiết lập “đường dây điện thoại nóng” tiếp nhận thông tin và sẵn sàng  ứng cứu.

 Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ giữa công tác điều trị và dự phòng, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định để xử lý kịp thời dịch bệnh.

5 biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm

Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, do đó làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn...

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau: Tiêm vắc - xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc - xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm... 

 Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể có đủ vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

 Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (Tiền phong, trang 6). 

 

55 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông vừa ký ban hành Công văn số 279/QLD-CL về việc công bố đợt 30 danh sách các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các công ty xuất nhập khẩu thuốc. Theo đó, Cục Quản lý dược công bố danh sách 55 công ty thuộc 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng, phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu. Cụ thể, có 38 công ty của Ấn Độ, 2 công ty của Trung Quốc, 6 công ty của Hàn Quốc, 2 công ty của Pakistan, 2 công ty của Mỹ, 1 công ty của Ba Lan, 1 công ty của Thái Lan, 1 công ty của Liên bang Nga, 1 công ty của Romania và 1 công ty của Bangladesh.

52/55 công ty nằm trong danh sách có thuốc vi phạm chất lượng đã được cập nhật từ năm 2013 đến 2019. Ngoài ra, có 3 công ty có thuốc vi phạm chất lượng được cập nhật ngày 6-1-2020, đó là Flamingo Pharmaceuticals Ltd của Ấn Độ, Korea E-Pharm Inc và Young IL Pharm. Co., Ltd của Hàn Quốc.

Điều đáng nói, có những công ty khi được tiền kiểm và hậu kiểm đã phát hiện vi phạm từ 4-8 lần. Danh sách các công ty này được công khai trên trang web: https://dav.gov.vn của Cục Quản lý dược.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thanh tra, quản lý dược và kiểm nghiệm thuốc tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu lưu hành trên địa bàn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang