Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Thiếu thuốc thật, người bệnh lại đối mặt thuốc giả; Sốt xuất huyết: Nguyên tắc cần thực hiện để tránh biến chứng; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường họ; Khuyến cáo các biện pháp phòng, chống cúm mùa...

 

Thiếu thuốc thật, người bệnh lại đối mặt thuốc giả

Thời gian qua, câu chuyện thiếu thuốc cùng các vật tư, thiết bị y tế đã gây khó khăn rất lớn tới hoạt động chuyên môn của bác sĩ, nhất là công tác khám, chữa bệnh. Song bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả cũng làm “đau đầu” cho các cơ quan chức năng và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người, không chỉ tác động tới những người đang chữa bệnh mà còn cả những người chưa có bệnh.

Đội Quản lý thị trường số 19 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy (Công an huyện Thạch Thất) cùng Phòng Y tế huyện Thạch Thất bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất có địa chỉ tại thôn Cánh Chủ (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) vào ngày 5/10 và phát hiện có đến 90kg thuốc thành phẩm dạng viên nén mầu hồng và hai loại thành phẩm thuốc gồm: Thuốc Tetracyclin TW3 (250mg): 14 thùng (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp). Số hàng hóa nêu trên có dấu hiệu giả mạo sản phẩm thuốc Tetracyclin TW3; Thuốc Sabumol 2mg: 4.330 vỉ (10 viên/vỉ). Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói và phát hiện: 34 bao Maize Starch loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt trên nhãn ghi là tá dược dùng trong sản xuất dược phẩm/thực phẩm… cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất và hàng trăm ki-lô-gam nhãn mác các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất thuốc của cơ sở và các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang đối tượng Đoàn Minh Trường và Phạm Bích Ngọc điều khiển xe ô-tô mang biển kiểm soát 51D-499.25 chở 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ (10 viên/vỉ) thuốc nhãn hiệu Neo - Codion di chuyển theo hướng từ Long An đi TP Hồ Chí Minh. Qua đấu tranh, PC03 khám xét khẩn cấp các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức (Long An) và nhiều địa điểm cất giữ thuốc giả thành phẩm tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả khám xét, PC03 đã tạm giữ, niêm phong hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc giả. PC03 thu giữ khoảng một triệu viên thuốc giả thành phẩm nhãn hiệu Neo - Codion cùng nhiều nguyên liệu để sản xuất thuốc giả. Theo PC03, đây là đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ, cấu kết thực hiện khép kín.

Sự việc được các cơ quan chức năng phát hiện đã kịp thời ngăn chặn để những loại thuốc đó không tuồn ra ngoài thị trường. Nhưng qua đó thấy rằng, thuốc giả thật sự là mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Nhu cầu về thuốc rất lớn và chính đáng, nhưng cũng trở thành cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất bất hợp pháp để đưa hàng giả ra thị trường.

Ở một số vụ việc, các đối tượng còn mua bao bì, chai, lọ, dán nhãn mác sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng, cũng như lợi dụng tâm lý “sính hàng ngoại” để thu lợi bất chính. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Bộ Y tế, thuốc giả được phát hiện bao gồm cả tân dược và đông dược, sản xuất ở trong nước và nhập khẩu; gây nhiều tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.

Hiện nay, nhận biết được thuốc thật hay giả là việc rất khó khăn đối với người dân. Để xác định được chất lượng thuốc, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra được kết luận một sản phẩm thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo cơ quan quản lý thị trường, khi phát hiện lô hàng nghi bị làm giả thì việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng quản lý thị trường thiếu chuyên môn liên quan đến thuốc và công cụ để xác định độ thật giả của sản phẩm… (Nhân dân, trang 8).

 

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học

Để bảo vệ sức khỏe của học sinh, ngoài việc kiểm tra điều kiện thực tế tại các bếp ăn bán trú, thành phố Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào chế biến các bữa ăn tại bếp ăn của các trường học. Thời gian qua, thành phố đã tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho học sinh.

Rà soát đơn vị cung cấp

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 4.350 bếp ăn tập thể trường học, trong đó có 3.911 trường tự tổ chức nấu ăn, còn lại ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố tổ chức 900 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm của 4.493 bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp. Qua đó, các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền 132 triệu đồng.

Trong tháng 10, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Trung bình mỗi ngày, tại đây có 450 học sinh ăn bán trú. Kiểm tra các suất ăn cung cấp cho học sinh và qua thực đơn, đoàn kiểm tra tiếp tục truy xuất tại đơn vị cung ứng suất ăn cho nhà trường. Qua kiểm tra trên thực tế tại cơ sở cung ứng suất ăn, đoàn kiểm tra đã phát hiện không ít tồn tại, như: Bếp ăn của cơ sở chưa bảo đảm quy trình một chiều, không có lưới chống côn trùng…

Còn qua kiểm tra tại Trường Tiểu học Gia Thụy (quận Long Biên) có 1.700 học sinh ăn bán trú/ngày cho thấy, nhà trường và cơ quan chuyên môn luôn sát sao trong quá trình nấu ăn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bếp ăn cung cấp các suất ăn cho học sinh đã tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: Bố trí khu vực chế biến bảo đảm nguyên tắc một chiều; có phân khu thức ăn chín - sống riêng biệt; nhân viên chế biến được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ; việc lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước được thực hiện đúng quy định… Ngoài ra, nhà trường cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.

Hiện tại, 63/63 trường công lập thuộc quận Long Biên có bếp ăn tập thể triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Theo đó, các trường đã thành lập và duy trì hoạt động của Tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được đưa vào bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, các trường phải thực hiện việc công khai nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm và bản cam kết an toàn thực phẩm.

Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, trước mỗi năm học mới, cơ quan chức năng của quận cũng đã tổ chức rà soát các đơn vị cung cấp thực phẩm, lựa chọn các nhà thầu đáp ứng đầy đủ các quy định để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Bên cạnh đó, quận cũng đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức tập huấn triển khai các biện pháp chuyên môn về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học. Qua các buổi tập huấn đã giúp các học viên được trang bị đầy đủ kiến thức, các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý bếp ăn trường học.

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát từ ba phía

Với số lượng bếp ăn tập thể khá lớn trên địa bàn thành phố, để công tác quản lý đạt hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, giám sát tại các nhà trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu phát hiện các vi phạm, không chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học đó. Còn với nhà trường và ban giám hiệu nhà trường phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đơn vị cung cấp phải chấp hành đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

“Thực phẩm an toàn đóng vai trò to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người cũng như đối với sự phát triển giống nòi. Từ thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn của các đơn vị đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người…, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm”, ông Đặng Thanh Phong cho biết.

Từ kinh nghiệm triển khai trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ ba phía, gồm: Cơ quan chức năng, nhà trường và cha mẹ học sinh. Riêng với các trường học cần tăng cường vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú; giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn. Ngoài ra, các trường học cần nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) theo đúng quy định. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Khuyến cáo các biện pháp phòng, chống cúm mùa

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo như sau: Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa có 4 type A, B, C, D. Cúm B do loại vi rút thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu cho thấy, cúm B chiếm khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D. Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi và cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Tăng cường kiểm soát dịch đậu mùa khỉ

Ngày 1/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay Nội Bài, Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

Kiểm soát 3 ca liên tục

TS. Vương Ánh Dương, Trưởng đoàn, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước mà nguồn xâm nhập từ nước ngoài về. Hiện nay không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà nhiều nước trong khu vực cũng đã có ca bệnh như Australia 40 ca, New Zealand hơn 20 ca, Thái Lan cũng ghi nhận hơn 10 ca. Vì thế, nguồn bệnh xâm nhập đầu tiên là từ sân bay, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã bố trí một khoa Kiểm dịch y tế với 30 nhân viên chia làm 3 ca trực liên tục ở các điểm tiếp xúc với khách quốc tế.

“Điểm này đã đảm bảo rất tốt việc triển khai tập huấn cho anh em. Sân bay đã bố trí tất cả các phương tiện, pano, áp phích để truyền thông, các phương tiện cấp cứu cũng đã cơ bản được đáp ứng. Cảng hàng không cũng đã bố trí ưu tiên cho lực lượng y tế để sắp xếp các phòng cách li cũng như lưu đồ để chuyển bệnh nhân sau khi cách li xuống các khoa cấp cứu và vận hành hệ thống cấp cứu đến các bệnh viện trung ương và da liễu trên địa bàn”, ông Dương cho biết.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, có một khó khăn là khuôn viên bệnh viện khá nhỏ, số lượng bệnh nhân đông. Tuy nhiên bệnh viện đã bố trí khá tốt quy trình tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ khâu tiếp đón ban đầu tới khu hành chính và phòng khám của bác sĩ.

Đoàn kiểm tra đánh giá rất cao công tác chuyên môn của bệnh viện, các bác sĩ và nhân viên nắm được rất chắc các nội dung liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng lưu ý bác sĩ bệnh viện cần chẩn đoán phân biệt với các căn nguyên khác.

Phía Bắc chưa có trường hợp nghi ngờ

Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện dành một phòng container để cách li ca nghi ngờ. Đoàn kiểm tra đề nghị bệnh viện cần có phương án cho tình huống có nhiều ca nghi ngờ hơn. Bác sĩ Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có 1.000 - 1.500 bệnh nhân đến khám. Đến nay, bệnh viện có tiếp nhận một số trường hợp từ nước ngoài đến khám, chưa có trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

“Bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu về da như nhiều bệnh lí về da thông thường khác. Vì thế, bệnh viện đã lưu ý các bác sĩ khi thấy các triệu chứng về lâm sàng mà không giải thích được bằng các bệnh herpes, thủy đậu, giang mai, tay chân miệng… thì cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, khi người bệnh có thêm biểu hiện sốt, mệt mỏi toàn thân hoặc có tiền sử đi từ nước ngoài về cần chuyển xuống phòng khám cách li”, bác sĩ Hào nói.

Về quy trình, ông Vương Ánh Dương cho biết, khi một bác sĩ phát hiện ca bệnh nghi ngờ thì việc đầu tiên là cảnh báo, gọi cho đường dây nóng để kích hoạt hội chẩn, chẩn đoán xem bệnh nhân có nghi ngờ đậu mùa khỉ hay không. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại Hà Nội”.

 

Hà Nội: Sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo

Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh. Cộng dồn năm 2022, tính đến ngày 30/10 có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc năm nay tăng gấp 3,4 lần so với cùng kì năm 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kì 5 năm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: “Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11. Sốt xuất huyết thường bùng phát tại Hà Nội vào tháng 6-11, trong đó cao điểm vào tháng 9-11. Đây là chu kì dịch đã thành quy luật”.

Các chuyên gia dịch tễ thừa nhận, mặc dù các quận huyện đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, người dân vẫn thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Tập chung ngăn chặn, đẩy lùi sớm nhất bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội”.

 

Bộ Y tế ra văn bản yêu cầu đẩy nhanh hơn tiêm vaccine Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường tiêm vaccine COVID-19.

Theo Bộ  tế, đến nay cả nước đã tiêm trên 261 triệu liều vaccine COVID-19. Trên toàn quốc tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,5% và 81,3%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 62.0% và tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%.

"Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương có tiến độ tiêm còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Để khẩn trương hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cho các nhóm đối tượng, duy trì hiệu quả miễn dịch phòng bệnh của vaccine; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học và sử dụng hiệu quả vaccine được phân bố.

UBND các tỉnh, thành phố cũng cần chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành chủ trì, phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi: Rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm đủ các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các trẻ đủ điều kiện tiêm chủng.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 kịp thời, đầy đủ; đặc biệt chú trọng truyền thống tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Sốt xuất huyết: Nguyên tắc cần thực hiện để tránh biến chứng

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ nay đến tháng 11 hằng năm. Vì vậy, để tránh biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong dưới đây là những nguyên tắc cần biết.

Tránh hiểu sai về bệnh sốt xuất huyết

Các biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết có thể gây nhầm lẫn với sốt virus thông thường, điều này khiến bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ tử vong.

Khi mắc sốt xuất huyết giai đoạn khởi phát thường có biểu hiện sốt cao liên tục, sốt đột ngột trên 40oC. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ còn có các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết điển hình như: mệt mỏi, chán ăn, xuất hiện những cơn đau bụng, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau đầu, nhức hai hố mắt... Chính các biểu hiện đau cơ, đau đầu mà nhiều người lầm tưởng là cảm sốt nên  đánh cảm.

Có trường hợp thấy sốt, đau nóng họng đã tự uống kháng sinh để chữa viêm họng. Khi trẻ sốt cao, nhiều cha mẹ cho rằng do thay đổi thời tiết hoặc sốt virus.

Quan niệm vừa mắc sốt xuất huyết sẽ không mắc lại cũng là hiểu biết chưa đúng về căn bệnh này. Trên thực tế, virus gây sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch với chủng virus đó. Chính vì lẽ đó, kể cả vừa mắc xong nhưng ở chủng khác và nếu nhiễm chủng mới thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Tránh những sai lầm trong chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết

Nhiều người có thói quen dùng thuốc tùy tiện, nên khi sốt xuất huyết thường nghe theo mách bảo áp dụng những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng khoa học. Do quan niệm loại bỏ máu độc có virus gây bệnh sẽ khỏi sốt xuất huyết nên một số người thường cắt lể, nặn máu… Vì vậy tuyệt đối không làm việc này.

Với quan niệm sốt nhiễm khuẩn, mất nước, phòng sốc sốt xuất huyết nên nhiều người tự ý dùng thuốc kháng sinh, tự ý truyền dịch tại nhà… điều này đã đem lại nhiều hệ lụy. Những hiểu lầm này thực sự nguy hiểm, vì sốt xuất huyết là một diễn tiến tự nhiên, không ngăn ngừa được tình trạng sốc của người bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết chỉ truyền dịch khi có chỉ định, thường các bác sĩ xem xét người bệnh nôn ói, tiêu chảy nhiều hay ít, không ăn uống được, mất nước ... Còn với người bệnh chỉ có sốt nếu tự ý truyền dịch không chỉ nguy hại mà còn gây khó khăn cho vấn đề điều trị tiếp theo của bệnh nhân.

Tương tự việc dùng kháng sinh không đúng không chỉ làm người bệnh mệt mỏi do tác dụng phụ (dễ bị rối loạn tiêu hóa, gây độc thận, gan và kháng thuốc khi sử dụng nhiều lần). Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, không truyền dịch tại nhà…

Cần có chế độ ăn đúng để người bệnh sốt xuất huyết hồi phục nhanh

Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh cần một chế độ dinh dưỡng đủ chất, đặc biệt là bổ sung nhiều nước để cơ thể nhanh khỏe. Nhiều người khi mắc bệnh thường kiêng khem, tuy nhiên việc kiêng khem tuyệt đối nhiều loại thực phẩm khiến cho người bệnh ăn không ngon, thiếu hụt vitamin, khoáng chất dẫn đến lâu bình phục.

Một chế độ ăn khoa học cho người bệnh sốt xuất huyết bao gồm: Đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản như tinh bột (gạo, ngô, khoai...), chất đạm (thịt, trứng, cá...), chất béo (dầu, mỡ) và khoáng chất (rau, củ, quả...).

Người bệnh mắc sốt xuất huyết khi bị sốt cao nên bổ sung các loại nước để bù nước, chất điện giải. Có thể uống oresol, nước cam, chanh, bưởi, dừa, nước ép rau củ quả... để tiêu hóa tốt, tăng cường kháng thể giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Người bệnh cần ăn nhiều trái cây, rau xanh và chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, đảm bảo môi trường sạch sẽ và thoáng.

Người bệnh cần kiêng uống các loại coca, trà, cà phê (nước uống màu sẫm), các loại thực phẩm chiên xào, chua cay vì dễ gây tình trạng khó tiêu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang