Thẻ khám bệnh '2 trong 1'
Thay vì phải mang lỉnh kỉnh các loại giấy tờ khám bệnh, tiền bạc như trước, việc áp dụng thẻ khám bệnh "2 trong 1" (khám và thanh toán) của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mở ra nhiều tiện ích, giúp giảm bớt sự phiền hà cho người bệnh.
Ngày 18-5 là lần đầu tiên bà Bùi Thị Ngọ (ngụ Q.Tân Bình) đến Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám chỉ với một chiếc thẻ trên tay. Tuy tuổi cao nhưng với sự hướng dẫn tận tình của nhân viên bệnh viện, chỉ sau khoảng 15 phút bà Ngọ nhanh chóng hoàn thành tất cả các khâu đăng ký khám, lựa chọn phòng và hình thức khám.
Tiện lợi
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thẻ khám chữa bệnh (KCB) này tích hợp cùng lúc hai chức năng: vừa là thẻ khám bệnh, vừa là thẻ thanh toán, áp dụng cho tất cả người bệnh ngoại trú.
Ngoài việc xác định đúng người bệnh, thông qua thẻ này người bệnh dễ dàng truy xuất các thông tin cá nhân, thông tin thẻ BHYT, thông tin khám bệnh của những lần trước đó trong những lần tái khám.
"Khi tái khám, người bệnh chỉ cần mang thẻ này mà không cần mang theo các giấy tờ khác. Thẻ còn tích hợp chức năng của thẻ ngân hàng giúp người bệnh thuận tiện trong quá trình thanh toán, đơn giản hóa quy trình khám bệnh, chống mất cắp, đồng thời lưu giữ tiền cho những lần tái khám" - bác sĩ Thức nói.
Đối với người bệnh nội trú, đơn vị triển khai app thanh toán trên điện thoại di động nhằm thuận tiện cho người bệnh khi thanh toán không dùng tiền mặt. Người thân có thể hỗ trợ thanh toán từ xa, lựa chọn nhiều hình thức thanh toán như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, QR code, ví điện tử...
Bệnh viện còn triển khai hóa đơn điện tử, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí giấy tờ, thiết bị lưu trữ; không lo thất lạc hóa đơn cũng như có thể sử dụng được nhiều lần.
Tương tự, từ năm 2019 Bệnh viện ĐH Y dược được Sở Y tế TP.HCM đánh giá là đơn vị tiên phong trong việc đa dạng hóa hình thức khám và thanh toán. Với mô hình bệnh viện "không giấy, không xếp hàng, không mang tiền mặt, đơn giản hóa các thủ tục trong KCB", đến nay bệnh viện này đang áp dụng thanh toán bằng rất nhiều hình thức.
Dẹp nạn móc túi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình KCB tại các bệnh viện hiện nay là nhu cầu bức thiết, qua đó góp phần làm giảm thời gian chờ đợi, tăng tính công khai minh bạch, đặc biệt là hạn chế sử dụng tiền mặt trong KCB. Việc áp dụng này, theo ông Sơn, đồng thời hóa giải được sự phiền hà cho người bệnh trong việc chờ đợi, cò mồi, trộm cắp.
Ông Sơn cho biết hiện nay từ các cơ sở y tế cho đến Bộ Y tế đều mong muốn việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KCB được đồng bộ ở tất cả các tuyến. Việc áp dụng này mang lại rất nhiều lợi thế, đó là hồ sơ sức khỏe người bệnh không cần phải mang theo, các xét nghiệm ở các cơ sở y tế tương đương nếu được liên thông sẽ không cần phải lặp lại.
Đặc biệt, sau khi khám hồ sơ của người bệnh đều được liên thông, từ đó ngành y tế có thể quản lý và có khuyến cáo trong chăm sóc sức khỏe. (Tuổi trẻ, trang 12).
35 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết ngày 20.5, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Từ 6 giờ sáng 16.4 đến chiều 20.5, đã 35 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 264 bệnh nhân (BN), chiếm 81% trong số 324 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, đã được điều trị khỏi. 7.945 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế).
* Ngày 20.5, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc báo cáo tình hình mua sắm hệ thống Realtime PCR.
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình mua sắm hệ thống Realtime PCR phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 3339/VPCP-V.I ngày 27.4.2020 của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được công khai, minh bạch và chất lượng; tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.
* Ngày 20.5, ông Trần Minh Thái, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Nam, cho biết đã có quyết định gia hạn thanh tra vụ mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR 7,23 tỉ đồng thêm 10 ngày. Lý do gia hạn là do có mời đại diện một số đơn vị, địa phương đến làm việc nhưng do ở xa không đến kịp; hiện các đơn vị, đại diện địa phương đó cũng đang khắc phục sản xuất kinh doanh. Như vậy, thời hạn thanh tra kéo dài đến ngày 30.5.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã giao Thanh tra tỉnh thanh tra đột xuất việc mua sắm máy xét nghiệm, báo cáo kết quả trước ngày 20.5. Trong thời gian thanh tra, đề nghị không chuyển tiền cho nhà thầu; nếu phát hiện có sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang công an tỉnh điều tra, xử lý. (Thanh niên, trang 3).
Ghép gan thành công cho bệnh nhân tại TP.HCM với gan hiến từ Hà Nội
Ngày 20.5, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM thông tin, qua theo dõi 24 giờ sau mổ, bệnh nhân (BN) được ghép gan xuyên Việt đã ổn định sức khỏe, gan của người hiến thích nghi và hoạt động tốt trong cơ thể người nhận.
Ca ghép gan đã được các y bác sĩ thực hiện xuyên đêm (từ hơn 22 giờ ngày 18.5 đến hơn 5 giờ 30 sáng 19.5), với gan hiến tặng từ một nữ BN ở Hà Nội, được vận chuyển hỏa tốc từ BV Việt Đức (Hà Nội) đến BV ĐHYD TP.HCM.
Người hiến gan là nữ BN ở Hà Nội. Sau hơn một tháng điều trị bệnh hiểm nghèo, chị đã không qua khỏi, rơi vào trạng thái chết não và đã có nguyện vọng hiến tặng gan của mình. Thông qua Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, gan của chị được xác định phù hợp với anh H.V.L (37 tuổi, ngụ tại TP.HCM). BN L. hiện đang điều trị xơ gan tại BV ĐHYD.
Sau khi nhận được thông báo xác định các chỉ số miễn dịch và sinh hóa phù hợp giữa người hiến và người nhận tạng, từ trưa 18.5, ban giám đốc, các y bác sĩ ở cả hai đầu BV Việt Đức và BV ĐHYD đã lập tức hội chẩn, đánh giá hoạt động của gan và tiến hành lấy gan từ người hiến chết não, cũng như chuẩn bị các điều kiện phẫu thuật ghép cho người nhận. Sau đó, gan được vận chuyển khẩn từ Hà Nội vào TP.HCM bằng đường hàng không và đến BV ĐHYD lúc hơn 22 giờ cùng ngày.
Ngay lập tức, ê kíp y bác sĩ của BV ĐHYD đã thực hiện ca ghép gan xuyên đêm cho BN L. (Thanh niên, trang 15).
82% số ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Theo báo cáo của Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 20-5, có 264 người bệnh trong tổng số 324 người bệnh được công bố khỏi bệnh (chiếm 82% số ca bệnh Covid-19 ở Việt Nam).
60 người bệnh còn lại đang được điều trị tại chín cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Ðáng chú ý, trong số người bệnh Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện ba người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với vi-rút SARS-CoV-2; năm người bệnh có kết quả âm tính 2 lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2.
* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết: Ðến ngày 20-5, tròn 34 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 7.945 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 331 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.187 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.427 người.
* Trong hai ngày 19 và 20-5, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Ðộ và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng Ấn Ðộ đưa về nước an toàn gần 340 công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh Ấn Ðộ đang thực hiện phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Ðại sứ quán Việt Nam tại Niu Ðê-li và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mum-bai đã hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục cần thiết; tích cực phối hợp các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam di chuyển đến sân bay và làm thủ tục lên máy bay. (Nhân dân, trang 8).
WHO với vai trò dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19
Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 19-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus tuyên bố, tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, "vốn đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế".
Ông Ghebreyesus cảm ơn các nước thành viên của WHO đã bày tỏ tinh thần ủng hộ và đoàn kết với tổ chức toàn cầu này. Ông cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên hiệp châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua, trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch".
* Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá năm triệu người. Theo thống kê, tính đến tối 20-5 (giờ Việt Nam), trên thế giới xác nhận hơn 5.003.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 325.000 người chết. Có hơn 1,9 triệu người bệnh đã được chữa khỏi. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,5 triệu người nhiễm và hơn 93.500 người chết.
* Ngày 20-5, Bộ Y tế Malaysia xác nhận 31 người nhiễm mới dịch Covid-19, đưa tổng số người nhiễm lên 7.009 người, 114 người chết. Tại In-đô-nê-xi-a, nước này thông báo có 693 người nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày tại nước này và đưa tổng số người nhiễm lên 19.189 người. Số người chết mới là 21 người, đưa tổng số người chết lên 1.242 người.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines xác nhận 279 người nhiễm mới, cao nhất trong một ngày trong vòng chín ngày qua và nâng tổng số người nhiễm lên 13.221 người, trong đó có 842 người chết. Bộ Y tế Philippines nhận định, nước này đang đối mặt làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai.
* Ngày 20-5, Singapore xác nhận 570 người nhiễm mới đưa tổng số lên 29.364 người, 22 người chết, ngoài ra có 10.365 người bệnh đã bình phục. Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó dịch Covid-19 đang được áp dụng tại nước này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1-6 tới.
* Ngày 20-5, Chính phủ Nhật Bản cho biết, có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 tại ba tỉnh thuộc khu vực Can-xai vào hôm nay (21-5). Một trong những tiêu chí quan trọng để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở địa phương là tỷ lệ số người nhiễm mới giữ ở mức tối đa 0,5%/100 nghìn dân trong bảy ngày liên tiếp.
* Ngày 19-5, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha M.Môn-tê-rô cho biết, chính phủ đang tìm cách thuyết phục Quốc hội nước này kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần, tức đến ngày 7-6 tới sau khi lệnh khẩn cấp hiện tại sẽ hết hạn ngày 23-5 tới. Ðến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 27.700 người chết trong hơn 278.000 người nhiễm Covid-19.
* Cùng ngày, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kéo dài lệnh cấm đi lại tại 15 thành phố lớn của nước này thêm 15 ngày, theo đó, lệnh cấm mọi hoạt động đến và đi bằng đường bộ, đường biển và hàng không hiện đang được áp dụng ở các địa phương này, sẽ có hiệu lực đến ngày 3-6 tới. Ðến nay, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 151.615 người mắc Covid-19 và 4.199 người chết.
* Ngày 20-5, nhà chức trách Nga thông báo số người chết vì nhiễm Covid-19 trong một ngày tại nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 135 người. Tuy nhiên, số người bệnh nhiễm mới trong ngày lại ở mức thấp nhất, với 8.764 người. Ðến nay, tại Nga đã có hơn 308.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2.900 người chết.
* Bộ Y tế Ai Cập ngày 19-5 thông báo có thêm 720 người nhiễm Covid-19, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số người nhiễm lên 13.484 người, trong đó có 659 người chết. Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập M. Madbouli ra sắc lệnh quy định người dân nước này phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cơ quan nhà nước kể từ ngày 30-5 tới. Những người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên tới 4.000 bảng Ai Cập (khoảng 255 USD).
* Ngày 20-5, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan gửi thư lên Quốc hội nước này thông báo một người nhiễm Covid-19 có nguồn lây từ chồn. Ca nhiễm nêu trên là một nông dân làm việc tại một trại nuôi chồn lấy lông xuất khẩu. Bức thư không nói cụ thể tình trạng sức khỏe của người bệnh này. Hà Lan lần đầu nhận báo cáo bùng phát dịch Covid-19 tại các trại nuôi chồn hồi tháng 4 vừa qua. Nhà chức trách đã mở rộng điều tra sau khi nhận được báo cáo. (Nhân dân, trang 8).
Y án sơ thẩm vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma
Ngày 20-5, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo của các bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại VN Pharma, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) và các đồng phạm bị cáo buộc đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư vào Việt Nam nhằm bán kiếm lời. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc này không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù, phạt Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM Hàng hải quốc tế H&C) 20 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Các bị cáo còn lại có mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù cùng về tội danh trên. Võ Mạnh Cường cùng 6 bị cáo khác kháng cáo. Các bị cáo còn lại, trong đó có Nguyễn Minh Hùng, không có kháng cáo.
Tại tòa, Võ Mạnh Cường cho rằng bị cáo chỉ là nạn nhân, không biết đó là thuốc giả. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Cường là người trực tiếp liên lạc làm thủ tục xin phép nhập khẩu lô thuốc; biết rõ nguồn gốc, xuất xứ lô thuốc. Do đó, việc bản án sơ thẩm xác định Cường là người đứng đầu, có vai trò cao nhất trong vụ án là đúng pháp luật. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Xét xử Phúc thẩm vụ VN Pharma: Bác kháng cáo, Giữ nguyên mức án sơ thầm”; Công an Nhân dân, trang 5: “Xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma”
Toàn cảnh Việt Nam trong “tâm bão” COVID-19
Chưa từng trong lịch sử xuất bản, một cuốn sách 280 trang được ra mắt chỉ vỏn vẹn trong 20 ngày nhưng lại mang đậm hơi thở của thời cuộc, khái quát trọn vẹn đời sống đất nước giữa một đại dịch khủng khiếp toàn cầu.
Phóng viên báo Sức khoẻ& Đời sống đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nhà báo Ngọc Niên - nguyên Tổng biên tập báo Nhà báo&Công luận, chủ biên cuốn sách và được ông chia sẻ rất nhiều điều thú vị.
“Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19” vừa ra đời đã nhận được sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Không chỉ bởi giữa trăm ngàn giấy mực luận bàn về cuộc chiến này, đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam nói về công việc phòng chống COVID-19 được biên soạn và in ấn, phát hành trong thời gian ngắn nhất, khi cả nước còn đang thực hiện chỉ thị “Cách ly xã hội”. Càng không vì cuốn sách ra đời đúng thời điểm kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2020) mà do tất cả những hữu duyên kia ghép lại, cuốn sách mang hơi thở của thời cuộc trở thành món quà tinh thần giá trị, kịp thời động viên, biểu dương, tiếp sức cho tinh thần “chống giặc” của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân ta; đồng thời cũng là tư liệu sống động để lại cho mai sau.
Nhà báo Ngọc Niên chia sẻ, Ban biên soạn cuốn sách đã triển khai công việc một cách hết sức khẩn trương, nghiêm túc, làm việc không kể ngày đêm. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã chủ động, sáng tạo trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 nên đã hạn chế đến mức thấp nhất số ca nhiễm bệnh. Đặc biệt, cho đến giờ phút này, không có bệnh nhân nào tử vong vì dịch bệnh. Điều đó đã thể hiện ý chí, sức mạnh của sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến coi “chống dịch như chống giặc”.
Sau khi ra mắt và tiếp cận với dư luận, các chuyên gia xuất bản nhận xét: “Đã nhiều năm nay, chưa có cuốn sách nào vừa ra đời đã được truyền thông rộng rãi và tạo ra sức lan toả mạnh mẽ đến như thế”.
Nhà báo Ngọc Niên bày tỏ: Là chủ biên của cuốn sách, ông cảm thấy vô cùng vui mừng khi tâm huyết của ông và nhóm tác giả đã được đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt của bạn bè trong nước và của quốc tế. Điều này chứng tỏ cuốn sách đã gánh vác được sứ mệnh là một vũ khí tinh thần sắc bén trên mặt trận tư tưởng trong cuộc chiến chống dịch của Việt Nam.
Khi được hỏi về quá trình ấp ủ và thực hiện cuốn sách này, nhà báo Ngọc Niên lật cho tôi xem những dòng nhật ký mỗi ngày dày đặc của ông trong quá trình xây dựng cuốn sách. Ông cùng các cộng sự đều cùng chung một nhận định: Đại dịch COVID-19 thực sự đã trở thành một thảm họa toàn cầu và rồi đây, cả thế giới sẽ tốn không ít giấy mực để luận bàn về cuộc chiến này. Nhưng ở Việt Nam, Chính phủ ta ngay lập tức đã giành được thế chủ động và điều hành hết sức quyết liệt, sáng tạo với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, với tinh thần toàn dân “chống dịch như chống giặc” và lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam lại trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ. Điều này đã khiến ông cùng người bạn là doanh nhân Nguyễn Đức Cây có niềm tin mãnh liệt: Việt Nam đã có một ngày 30/4 đã đi vào lịch sử, rất có thể lịch sử sẽ lặp lại lần nữa.
Ngay lập tức, ý tưởng về một “tác phẩm tổng kết nhanh” về cuộc chiến ra mắt đúng ngày Việt Nam toàn thắng 30/4 của hai người bạn vốn đã đồng cảm về mối quan tâm chung thời cuộc bắt đầu thai nghén và hình thành.
Hôm ấy đã là 10/4 - đang trong giai đoạn cao điểm của dịch, liên tục có ca nhiễm mới. Lập tức, một “Bộ Tham mưu chiến dịch” gồm đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực báo chí, xuất bản được thành lập. Một cuộc tranh luận “nảy lửa” để thống nhất quan điểm, nội dung của cuốn sách đáp ứng được yêu cầu về tính thời sự của thời cuộc đã diễn ra. Một guồng máy biên tập viên và phóng viên tác chiến bắt tay ngay vào công việc.
Nhà báo Ngọc Niên kể rằng: Trong những ngày “cách ly xã hội”, nhóm biên soạn đã phải làm việc trong một hoàn cảnh “hết sức đặc biệt”. Căn nhà nhỏ của ông những ngày này không khác gì một công xưởng sản xuất. Các chuyên gia biên tập lặng lẽ âm thầm, miệt mài suốt ngày đêm. Một nhóm thu thập tài liệu hoạt động liên tục tới mức cháy cả máy in. Cả vợ con ông đều tập trung vào phục vụ...
Cuối cùng, sau 15 ngày “máu lửa” không quản ngày đêm, cuốn sách được hoàn thiện bản thảo với 6 chương: Mệnh lệnh của Tổ quốc; Những ngày đen tối; Các chiến binh vào trận; Cuộc chiến sinh tử 15 ngày đêm; Toàn dân ra trận; Thế giới ca ngợi Việt Nam được mở đầu là các văn bản của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những quyết sách kịp thời, nhạy bén chỉ đạo cuộc chiến phòng và chống dịch COVID-19. Tiếp đó là các phần nội dung phản ánh cuộc chiến chống dịch của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân; những ngày tháng căng thẳng dập dịch ở các điểm nóng có ổ dịch lớn; những lực lượng xung kích ở tuyến đầu quên mình vì tính mạng của bệnh nhân; những tấm lòng vàng đóng góp tiền bạc, vật chất cho lực lượng chống dịch và các khu cách ly; sự khâm phục của dư luận quốc tế đối với giải pháp dập dịch của Việt Nam.
Cuốn sách đã khái quát chiến công của quân, dân, đồng chí, đồng bào, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt của Bộ Y tế. Nhà báo Ngọc Niên cho hay: “Mặt trận y tế là mặt trận chính, trọng yếu và vô cùng khó khăn, khốc liệt. Mọi người đều tạm gác hết niềm riêng, lao mình vào cuộc chiến sinh tử. Và có lẽ công lao lớn nhất thuộc về những “Chiến sĩ áo trắng” đang căng mình chống dịch. Thành tựu chống dịch của Việt Nam chính là chiến thắng của ngành y tế”.
Ngay trong lời nói đầu đã thể hiện rất rõ tinh thần đó: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - “Tổng tư lệnh chiến dịch” - đã nhấn mạnh, chúng ta có niềm tin, tuân thủ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế, sau 3 tháng cho thấy chúng ta đã hoàn toàn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng ta luôn đi sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO. Chúng ta luôn lường trước tình huống xấu hơn để không xấu đi và tình huống xấu nhất để không bao giờ xảy ra. Chúng ta kiên định với 4 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch. Đồng thời, chúng ta có được sự đồng lòng và hiệp sức của toàn dân”.
Ông nhận xét: Trong công cuộc chống dịch, Việt Nam rất chủ động và trên chiến trường, đã giành thế chủ động nhất định sẽ chiến thắng. Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực và có những giải pháp hữu hiệu, từ cách ly F0, F1, F2, truy tìm dấu vết F0, đưa Việt Nam vào thế làm chủ trận địa.
Tính đến thời điểm hiện tại, cuốn sách đã được cả bạn bè trên quốc tế đón nhận. Cuốn sách đang được tiến hành tái bản và biên dịch để xuất bản sang Tây Ban Nha. Hứa hẹn cuốn sách khi được tái bản sẽ mang tới một góc nhìn đa chiều và hoàn thiện hơn. Một hình ảnh Việt Nam thật đẹp, thật kiên cường sẽ được lan toả ra thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam là một nước kinh tế còn hạn chế, nhưng lại khống chế và đẩy lùi được đại dịch, một lần nữa lại khẳng định tinh thần và tư thế của Việt Nam. (Sức khỏe & Đời sống, trang 10).
Thử nghiệm đợt 2 vắc-xin ngừa COVID-19
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) cho biết, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 đợt 2 trên chuột vào đầu tháng 6.
"Đến nay, những đợt thử nghiệm đầu tiên đối với chuột đã cho ra những kết quả hứa hẹn. Thử nghiệm trên người sẽ cần thời gian lâu hơn, bởi tình hình cụ thể rất khác với những gì chúng ta từng thấy. Hiện tại chưa thể chắc chắn quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Đạt cho biết, ngay từ cuối tháng 1, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Hán, sau khi có trình tự gen từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của VABIOTECH đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin COVID-19.
“Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh. Bước đầu tiên, phải kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không. Chúng tôi đã sử dụng động vật, tức chuột để làm mô hình đánh giá đầu tiên, xem chuột có đáp ứng miễn dịch, có sinh kháng thể hay không. Từ đó, mới tiếp tục những bước nghiên cứu tiếp theo”, ông Đạt cho hay.
Trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người, đến nay mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là COVID-19. Cả 2 đại dịch lần trước, thế giới chưa có vắc-xin nào được thương mại hóa.
Ông Đạt cho biết thêm: “Nếu lần này sản xuất thương mại được vắc-xin phòng COVID-19 sẽ là một bước tiến rất lớn. Chúng ta không thể dự báo được trong tương lai có thể có thêm chủng coronavirus nào mới xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắc-xin rồi, lúc đó chỉ cần lắp ráp phần gene của chủng virus mới vào sẽ rất nhanh có vắc-xin mới.
Bệnh nhân phi công người Anh đã hết virus SARS-CoV-2
Bộ Y tế cho biết, ngày 20/5, Việt Nam không ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2, đánh dấu tròn 34 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tổng số ca nhiễm 324 được ghi nhận tới thời điểm này, đã có 264 người khỏi bệnh/xuất viện. Trong 60 bệnh nhân đang điều trị, có ca chuyển âm tính lần một, 5 bệnh nhân chuyển âm tính lần hai trở lên. Cũng trong số những bệnh nhân đang điều trị tại 9 cơ sở y tế, có một bệnh nhân rất nguy kịch là phi công người Anh (số hiệu 91), 2 bệnh nhân viêm phổi do virus phải thở oxy mặt nạ.
Ngày 20/5 đánh dấu ngày thứ 26 bệnh nhân 91 được mở khí quản, ngày thứ 45 đặt ECMO. Đã có 5 lần liên tiếp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân 91 đã được điều trị hết COVID-19. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn tình trạng nhiễm trùng màng phổi, nên chưa thể ghép phổi và tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế thống nhất chuyển bệnh nhân 91 sang Trung tâm Điều trị Chuyên sâu về Hồi sức Tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Đồng thời sẽ thành lập Hội đồng Quốc gia xây dựng phương án điều trị tiếp theo cho bệnh nhân 91. Trước hết điều trị nội khoa tích cực về tình trạng nhiễm khuẩn, ngoại khoa xét ghép phổi, thận… nếu có chỉ định. (Tiền phong, trang 6).