Bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ liên quan việc giải quyết hưởng BHXH, BHYT
BHXH VN vừa ban hành Quyết định 919/QĐ-BHXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/QĐ-BHXH, Quyết định 1399/QĐ-BHXH và Quyết định 488/QĐ-BHXH của BHXH VN. Theo đó, 11 thành phần hồ sơ liên quan tới việc giải quyết hưởng BHXH, BHYT sẽ bị bãi bỏ, gồm: giấy ủy quyền hoặc giấy tờ xác nhận quyền đại diện hợp pháp cho người bệnh với thanh toán hộ BHYT; giấy đề nghị thanh toán chi phí BHYT; giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận dành cho người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; giấy đề nghị xác nhận chữ ký và chứng nhận đang đi học ở nhà trường đối với người từ 15 - 18 tuổi nhận trợ cấp tuất hằng tháng; giấy đề nghị tạm ứng mai tang phí trong trường hợp người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, trợ cấp BHXH một lần chết, thân nhân đề nghị tạm ứng; giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận trong trường hợp người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng sau kỳ chi trả, trước khi BHXH huyện báo số chưa nhận về BHXH tỉnh...
Bên cạnh đó, Quyết định số 919 cũng sửa đổi, bổ sung và cắt giảm một số tiêu thức trong việc giải quyết hưởng chế độ BHXH, BHYT. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.10.2015 (Thanh niên trang 2, Tuổi trẻ trang 8).
Triển khai hệ thống cảnh báo tiêm chủng dịch vụ
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay đã triển khai hệ thống cảnh báo tiêm chủng dịch vụ
tại 11 tỉnh, TP: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Hải Phòng, Khánh Hòa,
Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng.
Qua giám sát của hệ thống, các đơn vị tiêm dịch vụ đã phản ánh thực tế tình hình sử dụng vắc xin tại các cơ sở này. Tới đây, việc triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo tiêm chủng dịch vụ trên toàn quốc sẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý tiêm chủng dịch vụ, hỗ trợ việc theo dõi, quản lý, lập kế hoạch sử dụng vắc xin.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết hệ thống này cũng sẽ kịp thời nắm được thông tin về các phản ứng, những sự cố liên quan đến tiêm chủng dịch vụ. Ngoài việc đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn về mặt kỹ thuật, các điểm tiêm dịch vụ còn phải cung ứng đầy đủ vắc xin, đảm bảo các trẻ phải được tiêm đầy đủ, đúng lịch, tránh để các trẻ không được tiêm chủng đầy đủ dẫn đến lây nhiễm bệnh nguy hiểm như thực tế đã xảy ra vừa qua với một số trẻ bị ho gà.
Hằng năm, có khoảng hơn 200.000 liều vắc xin đa giá được cung cấp cho khu vực tiêm dịch vụ, mỗi trẻ cần tiêm 3 mũi, bởi vậy có khoảng 70.000 trẻ được tiêm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm các vắc xin này kéo dài từ 2014 cho đến nay đã dẫn đến tình trạng các gia đình trì hoãn, chờ đợi vắc xin dịch vụ làm tăng nguy cơ cho các trẻ.
Ngoài ra, việc theo dõi các phản ứng sau tiêm cần được chú trọng hơn nữa, bởi vì bất cứ vắc xin nào cũng có thể gây phản ứng sau tiêm chứ không phân biệt vắc xin dịch vụ hay vắc xin miễn phí. Theo phản ánh từ các đơn vị tiêm chủng dịch vụ, hiện có khoảng 20 loại vắc xin được tiêm dịch vụ tại VN. Trong đó, một số vắc xin có nhu cầu sử dụng tăng hằng năm như: thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, vắc xin đa giá “5 trong 1” và “6 trong 1” phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, dự báo sẽ còn khan hiếm các vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” trong các tháng tới. Hiện tại, các bệnh viện có phòng tiêm dịch vụ như: BV Nhi T.Ư, BV Việt Pháp, BV Vinmec đã tiếp nhận vắc xin “5 trong 1” miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm thay thế cho các vắc xin dịch vụ hết hàng.
Khảo sát tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ cho thấy vắc xin dịch vụ có giá tiêm khá đắt như: vắc xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) hiện 710.000 đồng/mũi tiêm; vắc xin “6 trong 1” Infaric Hexa (phòng bạch hầu, ho gà uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib): 700.000 đồng/mũi tiêm. Cùng đó vắc xin ngừa thủy đậu có giá từ 400.000 - 650.000 đồng/mũi tiêm (tùy loại của Bỉ hoặc Pháp, Mỹ); vắc xin sởi, quai bị, rubella có giá từ 170.000 - 195.000 đồng/mũi tiêm (của Bỉ, Pháp, Mỹ). Trong đó, một số vắc xin cần tiêm 2 - 3 mũi mới đảm bảo hiệu quả miễn dịch (Thanh niên trang 5).
Lực cản ngành dược
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dược (sửa đổi) chiều 18/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: Không có ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành Dược.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài. Chính thực tế đó, dự thảo Luật Dược lần này hướng đến quy định việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường.
Mục đích, mục tiêu của dự thảo xem ra đáp ứng kì vọng của người dân, giải tỏa những bức xúc bấy nay của người bệnh.
Thực tế thời gian dài qua cho thấy, trong việc quản lí và điều hành giá thuốc đang rất có vấn đề. Những khoảng mờ ngày càng lớn ép không gian công khai, minh bạch ngày càng trở nên yếm thế. Người bệnh và nhất là người bệnh nghèo thường ở tình trạng “sốc thuốc” bởi giá thuốc tăng bất thường và chóng mặt. Trước tình trạng đó, không khó để công luận đặt câu hỏi có hay không sự bắt tay, thông thầu, chạy thầu, thao túng giá thuốc? Có hay không đã và đang hình thành lợi ích nhóm trong lĩnh vực béo bở này.
Lý giải giá thuốc tăng khiến nhiều bệnh nhân nghèo chấp nhận phương án về nhà tự điều trị, những người am tường chuyện khuynh đảo giá thuốc “bốc bệnh” rằng: Vì các bệnh viện ưa chọn các doanh nghiệp đưa ra giá thuốc cao trúng thầu, bởi đằng sau đó, các doanh nghiệp thừa biết vì sao mình cao mà vẫn được chọn để có lại quả xứng đáng.
Đã có những bệnh viện, nhiều cơ sở y tế “ăn dày” qua các thương vụ đấu thầu thuốc bị lộ tẩy và bị xử lí, nhưng trước sự “gây mê” của loại biệt dược có tên là Hoa hồng, nên đâu lại vào đó, khác chăng, mức độ tinh vi và bài bản hơn. Không khó để nhận thấy, việc đấu thầu thuốc riêng lẻ theo hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập vẫn diễn ra nhiều năm nay. Chính nó là nơi để cho các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và những nhóm lợi ích trong nước thoải mái “ đục nước béo cò”.
Một mệnh đề hiển nhiên được đặt ra, có người hưởng lợi (hay trục lợi?) ắt sẽ có người bị hại. Quá dễ để chỉ ra người bị hại không ai khác là người bệnh. Theo một chuyên gia trong ngành cho biết, nếu đấu thầu thuốc tập trung, công khai thì giá thuốc có thể rẻ hơn 12 lần. Các nước người ta đều làm vậy, rất hiệu quả, sao chúng ta không làm?
Trở lại băn khoăn, sao ngành Dược nước ta phát triển chậm đến vậy? Có thể trả lời câu hỏi ấy thế này chăng: nhóm lợi ích chính là lực cản sự phát triển toàn diện ngành dược. Bởi phát triển nhanh, minh bạch, vì cộng đồng thì đâu còn đất cho nhóm lợi ích trục lợi (Tiền phong trang 5).
An toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu: Không nương tay với cơ sở vi phạm
Thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu đang bước vào mùa cao điểm. Mới đây, sau khi cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương 2 (ở Thụy Khuê, Hà Nội) bị tạm đình chỉ sản xuất vì không đảm bảo điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để chấn chỉnh công tác này. Hàng chục cơ sở bị xử phạt. Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP Hà Nội cho biết, tính từ đầu vụ Trung thu 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập tới hơn 600 đoàn kiểm tra bánh Trung thu từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nhiều tồn tại, vi phạm.
Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, phát hiện 2/18 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, 5 cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm các loại bánh Trung thu kinh doanh, 3 cơ sở ghi nhãn thực phẩm chưa đúng theo quy định, điều kiện vệ sinh có 6 cơ sở không đạt yêu cầu. Đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế đã kiểm tra 12 cơ sở, có 2 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về ATVSTP đã bị xử phạt với số tiền 25 triệu đồng. Chi cục ATVSTP thành phố thực hiện kiểm tra sau công bố 17 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở chưa xuất trình kết quả kiểm nghiệm bánh, 5 cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu và 7 cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc bao bì thực phẩm.
Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 84 cơ sở, đã xử lý 23 cơ sở và đang chờ xử lý 43 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Ngoài ra, qua lấy mẫu kiểm nghiệm các loại bánh Trung thu tại cơ sở sản xuất và trên thị trường, kết quả phát hiện một số mẫu không đạt so với hồ sơ công bố, một số mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh…
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhìn chung các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn thành phố năm nay đều có nhiều tiến bộ, ý thức cao hơn trong việc đảm bảo ATTP, tuy nhiên vẫn còn không ít cơ sở tồn tại những vi phạm theo quy định bị lập biên bản xử lý, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ. Một điểm tích cực là năm nay, vấn đề đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu làng nghề truyền thống đã được nâng cao đáng kể. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, mới đây đoàn kiểm tra của Sở Y tế do ông làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại làng nghề Xuân Đỉnh và lấy 3 mẫu gửi kiểm nghiệm, qua kiểm tra các cơ sở đều đã được tập huấn kiến thức về ATTP, điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất tương đối đảm bảo.
Người dân cùng vào cuộc
Về việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu bị xử phạt vì vi phạm ATVSTP, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sau khi ra quyết định xử phạt sẽ bàn giao cho Phòng Y tế quận, huyện và UBND xã, phường giám sát hoạt động khắc phục của đơn vị. Nếu cơ sở khắc phục được sai phạm, các đơn vị liên ngành sẽ kiểm tra một lần nữa và cho hoạt động lại khi mọi điều kiện đã được đảm bảo. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, ngoài kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, các ngành chức năng sẽ tập trung giám sát các cơ sở đầu mối chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt từ nguồn, cơ sở mua nguyên liệu ở đâu phải có nguồn gốc, xuất xứ. Từ nay đến rằm Trung thu, công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường, phát hiện kịp thời vi phạm và xử lý nghiêm. Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, để đảm bảo ATTP trong mùa Trung thu, người dân cần nâng cao ý thức khi chọn lựa, sử dụng các loại bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, có đầy đủ hướng dẫn sử dụng… Nếu phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo, người tiêu dùng có thể liên hệ với cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, giám sát kịp thời.
Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương
Chiều 16-9, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trung ương do TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn cùng với đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội do TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh bánh trung thu của cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương (ở địa chỉ 201 và 223 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương 2, địa chỉ 223 phố Thụy Khuê do không đảm bảo các thủ tục pháp lý, vi phạm các quy định về ATVSTP. Được biết, cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương (ở địa chỉ 223 phố Thụy Khuê) có khoảng 60 công nhân, quy mô sản xuất tương đối lớn nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy đăng ký kinh doanh. Bênh canh đó, một số nguyên liệu như: mỡ lợn, trứng gà chưa chứng minh được nguồn gốc. Qua kiểm tra, điều kiện vệ sinh của cơ sở chưa đảm bảo do nền nhà, trần bong tróc, cửa sổ mở ra đường khiến cho bụi bẩn và côn trùng gây hại (chuột, ruồi, rán…) có thể xâm nhập vào sản phẩm và nguyên liệu làm bánh. Cùng với đó, dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, cơ sở vẫn dùng bàn gỗ để làm bánh, rổ tre đựng nguyên liệu.
Tại thời điểm kiểm tra, bàn gỗ dùng để nhào bột làm bánh dẻo tại đây cũng không đảm bảo vệ sinh, còn dính nhiều bột từ những lần sản xuất trước rất dễ gây nấm mốc. Thêm vào đó, cửa nhà vệ sinh mở thẳng ra khu sản xuất, nền nhà ẩm mốc. Cơ sở cũng không có kho để nguyên liệu mà để lẫn ở khu vực sản xuất, một số được để trên giá đỡ, một số nguyên liệu được để sát tường nhà ẩm mốc.
Qua kiểm tra tại cơ sở này, TS Nguyễn Hùng Long đánh giá, điều kiện vệ sinh của cơ sở cực kỳ kém. Bên cạnh đó, cơ sở công bố 2 sản phẩm là bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm nhưng thực tế sản xuất bánh nướng, bánh dẻo với nhiều loại nhân khác nhau. Bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng chưa đúng theo quy định và đăng ký. Với những sai phạm nêu trên, đoàn kiểm tra liên ngành của trung ương và thành phố đã thống nhất xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động sản xuất của cơ sở cho đến khi cơ sở khắc phục được các điều kiện về thủ tục pháp lý, vệ sinh cơ sở. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của thành phố cho biết, đoàn đã giao cho Thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm gửi Viện Kiểm nghiệm Quốc gia xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo trong những ngày tới. Nếu như sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP sẽ xử phạt tiếp.
Ông Nguyễn Hải Đăng, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương cơ sở 2, 223 Thụy Khuê cam kết sẽ khắc phục trong 2 ngày. Đoàn kiểm tra đã giao cho Phòng Y tế quận Tây Hồ và UBND phường Thụy Khuê giám sát hoạt động khắc phục của đơn vị. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ kiểm tra sau khi cơ sở đã khắc phục những sai phạm và sẽ cho hoạt động lại nếu cơ sở đảm bảo đủ điều kiện (An ninh thủ đô trang 8).