Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế: Quy định rõ trách nhiệm cơ quan tham mưu, người đứng đầu; Nhiều người nhập viện vì... ăn tiết canh; Đột qụy sau thời gian dài dùng thuốc tránh thai; Nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng 15 thuộc cấp hầu tòa vì sai phạm đấu thầu thuốc; Trẻ chậm phát triển 'chữa' được không?

 

Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế: Quy định rõ trách nhiệm cơ quan tham mưu, người đứng đầu

Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự thảo luật đã bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng áp dụng “thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu.

Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách. Qua đó, dự thảo quy định với mặt hàng thuốc, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, là tình trạng đấu thầu tập trung mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn. “Cần làm rõ hơn về việc này. Có vấn đề gì mà tổ chức thực hiện khó như thế, dẫn đến Thủ tướng cũng phải chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn khan hiếm?”, ông Thanh nêu.

Nhấn mạnh yêu cầu thống nhất trong các dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lưu ý, quá trình đấu thầu, tuy lựa chọn được giá rẻ, nhưng lại không lựa chọn được nhà đầu tư tốt. Vậy lần sửa đổi này có xử lý được vấn đề này không? Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng băn khoăn trước tình trạng đấu thầu thiên về lựa chọn giá rẻ mà không mấy coi trọng đến việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, với dịch vụ y tế, đòi hỏi phải có tính kịp thời. Tuy nhiên, khác với các sản phẩm hàng hoá khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể xác định được chính xác mức độ sử dụng, dễ xảy ra thiếu, nên phải được tính toán trong luật.

Giảm giá, rút ngắn thời gian và ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong đấu thầu là ba vấn đề lớn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải hết sức lưu ý khi sửa đổi Luật Đấu thầu.

Liên quan đến mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải lý giải được tình trạng như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói về bất cập khi quy định “giá lần sau phải thấp hơn giá lần trước”, do luật hay do nghị định, thông tư của Bộ Y tế?

“Chị Phạm Khánh Phong Lan nói cũng có lý khi bảo, nếu cứ thế thì cuối cùng giá sẽ xuống bằng không. Giá năm sau phải thấp hơn năm trước thì sẽ dần về bằng không. Thế thì do luật, hay do nghị định và thông tư?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Bộ Y tế “sẵn sàng chuyển giao cho BHXH”

Giải trình, làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong đấu thầu tập trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Trước tiên, theo ông Thuấn, Bộ Y tế phải mất nhiều thời gian tổng hợp lại số liệu. Rồi sau dịch, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, thống kê so với cùng kỳ tăng 40 - 60%, nên việc dự tính, dự trù không sát với nhu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế cũng cho rằng, khi diễn ra dịch bệnh trên toàn thế giới có xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, ở đâu đó cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là người đứng đầu một số đơn vị. “Một số đơn vị của Bộ Y tế lại quá tập trung vào phòng chống dịch. Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi việc thì nhiều”, ông Thuấn cho hay, đồng thời cũng đề cập đến nguyên nhân do một số quy định trong Luật Đấu thầu nên kéo dài thời gian thực hiện.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm mua sắm tập trung đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt là Thông tư 15, theo đó phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới, danh mục cũng dự kiến thu hẹp lại, thay vì 106 loại thuốc thì thời gian tới chắc chỉ tập trung vào vài chục loại, sẽ khả thi hơn, còn lại phân cấp cho cấp dưới.

Đặc biệt, theo ông Thuấn, nếu có sự tham gia của BHXH Việt Nam trong thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế sẽ rất tốt, giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. “Nếu BHXH Việt Nam đảm đương được việc này thì Bộ Y tế rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao”, ông Thuấn nêu (Tiền phong, trang 3; Tuổi trẻ, trang 4; Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 1).

 

Nhiều người nhập viện vì... ăn tiết canh

Trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ghi nhận hai ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp do ăn tiết canh lợn, lòng lợn. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 3 ca mắc bệnh này. Điều đáng nói là dù đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc ăn tiết canh, ăn thịt tái, sống… không bảo đảm an toàn, vệ sinh khi giết mổ có thể là nguồn gây bệnh nguy hiểm, dễ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.

Những đối tượng dễ khởi phát bệnh

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8-2022, cơ quan y tế ghi nhận nam bệnh nhân 48 tuổi làm công nhân (trú ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Trước khi xuất hiện triệu chứng sốt cao 2 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh, lòng lợn tại một quán ăn trên địa bàn quận Hà Đông. Sau khi sốt cao, bệnh nhân đi khám và điều trị tại trạm y tế, nhưng không đỡ. Tiếp đó, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, giảm nhận thức và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) của bệnh nhân cho kết quả dương tính. Hiện tại, bệnh nhân đã được điều trị ổn định.

Bệnh viện Quân y 103 cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 60 tuổi làm ruộng (ở xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ). Ngày 2-9, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, không nôn, chưa điều trị gì. Đến 21h ngày 3-9, bệnh nhân kích động, khó tiếp xúc, cứng gáy… Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả xét nghiệm vào ngày 8-9 cho thấy, bệnh nhân dương tính Streptococcus suis. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021).

Không chỉ tại Hà Nội, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn cũng xuất hiện rải rác ở khắp các địa phương trên cả nước, đặc biệt tăng trong những dịp nghỉ lễ. Vào đầu năm nay, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh) có tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q vào khoa trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê một tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán và xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis.

Các bác sĩ của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh trên người. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số loài động vật khác, như: Bò, dê, cừu, chó, mèo… Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.

Sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh thường trong vòng một tuần. Giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 đến 2 ngày với biểu hiện sốt cao, đau đầu, rét run, buồn nôn và nôn, hoa mắt chóng mặt, đau cơ khớp, đau bụng âm ỉ. Tiếp đến, giai đoạn toàn phát xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng, như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đặc trưng là rối loạn tiền đình, giảm thính lực 1 bên hoặc 2 bên, run đầu chi, liệt thần kinh sọ. Ngoài ra, bệnh nhân khi mắc liên cầu khuẩn lợn còn xuất hiện các triệu chứng khác: Suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi…

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh thường gặp.

Thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức cho biết, bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn lợn vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng rất nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là thay đổi thói quen ăn uống, nhất là với món tiết canh - một món khoái khẩu của nhiều người. Cùng với đó, không tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt lợn ốm, chết, lợn không rõ nguồn gốc. Nếu phải xử lý lợn ốm, chết thì cần mang đồ phòng hộ, như: Găng tay, ủng, khẩu trang y tế… Ngoài ra, người dân nên mua thịt lợn đã qua kiểm định, có nguồn gốc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao. Vì thế, để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời (Hà Nội mới, trang 6).

 

Đột qụy sau thời gian dài dùng thuốc tránh thai

Ngày 20/9, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đang điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân N.T.L (33 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM). Trước đó, vào ngày 18/9, người bệnh đã được bệnh viện địa phương chuyển viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

Tại bệnh viện Thống Nhất, các bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra và xác định bệnh nhân bị tắc mạch vành. Ngay lập tức, người bệnh được chuyển đến phòng DSA tiến hành thông tim can thiệp. Ê kíp bác sĩ đã lấy ra rất nhiều huyết khối, tái thông vị trí động mạch vành thành trước bị tắc và giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Sau 2 ngày can thiệp, sức khỏe của người bệnh đang bình phục tốt.

Trao đổi với phóng viên, PGS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, đây là bệnh nhân nữ có độ tuổi còn trẻ nhất được bệnh viện tiếp nhận, điều trị do bị nhồi máu cơ tim cấp. Qua khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ chưa ghi nhận những dấu hiệu bất thường ở người bệnh.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố nghi ngờ là việc người bệnh từng sử dụng thuốc tránh thai kéo dài nhiều năm qua.

“Chúng tôi chưa đủ cơ sở khoa học để có thể khẳng định một cách chính xác nguyên nhân gây ra đột quỵ cho người bệnh là do thuốc tránh thai. Để tìm nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở những bệnh nhân nữ còn trẻ tuổi, cần phải xem xét các yếu tố liên quan đến bệnh lý tự miễn làm thiếu chất gây loãng máu và các vấn đề liên quan đến thai kỳ, sinh sản. Tuy nhiên, thuốc tránh thai là một trong những yếu tố có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp bởi việc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tăng đông máu đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản” - PGS Nguyễn Văn Tân nói.

Từ trường hợp trên, PGS.BS Nguyễn Văn Tân khuyến cáo chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi cần tránh thai nên sử dụng những biện pháp không dùng thuốc (Tiền phong, trang 3).

 

Nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng 15 thuộc cấp hầu tòa vì sai phạm đấu thầu thuốc

Ngày 21/9, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm đấu thầu thuốc xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk (giai đoạn 2014-2015).

Thiệt hại do sai phạm đấu thầu hơn 5,7 tỷ đồng

Trong vụ án có 16 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk bị truy tố về các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, bị can Doãn Hữu Long, cựu Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2, Điều 285 BLHS năm 1999. Theo cáo trạng, ngày 19/6/2014, ông Doãn Hữu Long- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk (khi đó) có tờ trình 166/TTr-SYT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2014-2015.

Kèm theo tờ trình nói trên là Danh mục gói thầu thuốc theo tên Generic năm 2014–2015, trong đó các loại thuốc để tên theo hoạt chất gồm: Calcium gluconolactat+Calcium carbonat 0,3g+2,94g, Cefuroxim 125mg, Meloxicam 15ml, Paracetamol 80mg, Paracetamol 250mg, xếp thuốc nhóm 2; Paracetamol 150mg, Vitamin C 1000mg xếp thuốc nhóm 2 và nhóm 3.

Trên cơ sở đó, ngày 25/6/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định số 1355 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 do Sở Y tế làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 517,9 tỷ đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng phân công ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng. Sau đó, Sở Y tế đã thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu; Tổ giúp việc cho Chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đấu thầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều sai phạm như: Tự ý đổi nhóm thuốc, đổi hàm lượng, thay thế thuốc không đúng quy định; chấm thầu không đúng trình tự các bước quy định trong hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt (không thực hiện xét điều kiện tiên quyết về mặt hàng dự thầu) đối với Gói thầu thuốc theo tên Generic; xét duyệt trúng thầu 7 mặt hàng thuốc của nhà thầu sai nhóm (từ nhóm 3 thành nhóm 2) gây chênh lệch chi phí giá thuốc cao hơn), gây thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng.

Chưa hết, còn có 7 mặt hàng thuốc (Elaria, Medozopen 500mg, Surate gel, Bio- Cerin, Troynoxa, Aclav và Maxocef 200) được kết luận phê duyệt trúng thầu sai nhóm thuốc (thuốc thuộc nhóm 5 được phê duyệt trúng thầu nhóm 1 và 2) gây hậu quả thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 3,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại mà cơ quan chức năng xác định do vi phạm đấu thầu tại Sở Y tế Đắk Lắk hơn 5,7 tỷ đồng.

Sai phạm của tổ chuyên gia, chấm thầu

Cụ thể, cáo trạng nêu, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Long cùng một số cán bộ dưới quyền đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới nên không phát hiện ra các sai phạm dẫn đến đề nghị trúng thầu và phê duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng gây thiệt hại 5,7 tỷ đồng.

Các bị can được phân công chấm thầu 10 mặt hàng thuộc gói thầu Generic của Liên danh Hoàng Vũ -Pymepharco đã không kiểm tra, đối chiếu về phạm vi chứng nhận, dạng bào chế giữa mặt hàng dự thầu và quy định của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, từ đó đề nghị trúng thầu 10 mặt hàng thuốc không đúng nhóm thuốc được đấu thầu gây thiệt hại 3,7 tỷ đồng.

Nhóm bị can là thành viên Tổ Chuyên gia, được phân công theo từng nhóm xét thầu đối với bốn mặt hàng của Liên danh Công Thành - Ta ta - Vạn Hưng, đã không kiểm tra, đối chiếu về phạm vi chứng nhận, dạng bào chế giữa mặt hàng dự thầu và quy định của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế theo các đợt công bố thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và EU-GEP, đề nghị trúng thầu 4 mặt hàng thuốc không đúng nhóm thuốc được đấu thầu, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh dấu hiệu tham nhũng trong việc đấu thầu thuốc năm 2014-2015 dẫn đến nhiều hệ lụy (Tiền phong, trang 11).

 

Trẻ chậm phát triển 'chữa' được không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Tôn Nữ Vân Anh, phó trưởng khoa nhi thần kinh tự kỷ - Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết việc phụ huynh có con mắc các bệnh lý về chậm phát triển tìm cách đưa con đi khám, chữa bệnh nhiều nơi (không phải đến bệnh viện) khá phổ biến. 

Thậm chí nhiều gia đình làm lễ cúng, kêu thầy gọi thợ về để mong rằng con sẽ khỏi bệnh. Thế nhưng thực tế, các bệnh lý về chậm phát triển ở trẻ không giống như những bệnh lý khác là có thể điều trị "đích".

Trẻ mắc các bệnh lý chậm phát triển phổ biến như chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển về ngôn ngữ, vận động. Có thể do hội chứng tự kỷ; bại não; Down; câm, điếc bẩm sinh... mỗi trẻ sẽ có mức độ chậm phát triển khác nhau.

Bà Phạm Thị Kim Tâm - chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam - cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 nhiều trẻ mất cơ hội giao tiếp, học hỏi nên có thể sẽ phát triển chậm hơn độ tuổi. Với trẻ chậm phát triển cần can thiệp cũng bị mất cơ hội can thiệp kịp thời, làm cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19 nhiều trường bị đóng cửa, giáo viên bỏ nghề, nên có tình trạng thiếu chỗ can thiệp, thiếu giáo viên can thiệp. Cha mẹ phải trả nhiều chi phí hơn để tìm giáo viên, khiến gia đình càng thêm khó khăn.

Chậm phát triển có điều trị được không?

Theo bà Kim Tâm, chỉ điều trị cho trẻ chậm phát triển để cho hết bệnh và để phát triển như bình thường là chưa đầy đủ. Theo đó, đối với trẻ chậm phát triển can thiệp y tế chỉ là một phần, phần khác là can thiệp giáo dục và các phương pháp hỗ trợ khác.

"Can thiệp trẻ chậm phát triển sẽ dễ hơn trẻ tự kỷ. Phụ huynh và giáo viên cùng đưa ra các mục tiêu, kỹ năng vừa sức với trẻ, thống nhất cách dạy và cùng dạy, tốc độ chậm và chia nhỏ bài học để trẻ dễ tiếp thu. Áp dụng những kỹ năng đã học được vào cuộc sống. Phụ huynh cần vui vẻ, lạc quan, chấp nhận khả năng của trẻ để đừng đặt mục tiêu, kỳ vọng quá cao", bà Tâm cho biết.

Theo BS Vân Anh, hiện nay sau khi sinh tại các bệnh viện có thể phát hiện sớm những khuyết tật bẩm sinh của trẻ qua xét nghiệm máu gót chân. Nếu cha mẹ phát hiện sớm, bác sĩ sẽ tư vấn và can thiệp sớm để trẻ phục hồi bằng các phương pháp khoa học hiện đại.

Đối với trẻ mắc các hội chứng tự kỷ, bại não hay chậm phát triển trí tuệ cần có thêm thời gian để theo dõi, đánh giá. Những trẻ này thường có biểu hiện sớm như trẻ sơ sinh không khóc đòi bú, không tương tác bằng ánh mắt; trẻ đến tuổi vẫn chậm về hành động: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi... hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt khó khăn...

Trẻ kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản, không ý thức được hậu quả hành vi của mình, chậm chạp, ít linh hoạt... Với bất kỳ biểu hiện nào trẻ phát triển không đúng lứa tuổi thì cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá.

Với những trẻ chậm phát triển nhẹ như khó nói, khó đọc, chậm giao tiếp... được can thiệp sớm trẻ có thể khắc phục và hòa nhập tốt.

Đối với những trẻ chậm phát triển nặng hơn như mắc các hội chứng bại não, tự kỷ, Down, hầu hết các can thiệp chỉ giúp trẻ về kỹ năng, khắc phục tình trạng khiếm khuyết của trẻ chứ không thể hoàn toàn khỏi bệnh như nhiều người đồn thổi.

Trách nhiệm của phụ huynh?

Theo bà Đinh Thị Lan Anh, chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, cho rằng vụ việc đáng tiếc mới đây gây tử vong cho trẻ tại tỉnh Lâm Đồng là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Bản thân cũng có con mắc bệnh bại não (một bệnh lý chậm phát triển cả về vận động và trí tuệ), bà Lan Anh thấu hiểu được cảm xúc, tâm lý của cha mẹ khi con mình không may mang bệnh.

Theo bà Lan Anh, khi cha mẹ nhận thấy con có những biểu hiện mắc các hội chứng tự kỷ, bại não hay các bệnh lý chậm phát triển khác đều có tâm lý là không chấp nhận sự thật rằng con mình mắc bệnh. 

Lúc này, cha mẹ có suy nghĩ: "Con tôi không thể mắc bệnh này được" hay tin rằng sẽ có một phép màu xảy ra. Vì vậy, cha mẹ thường sẽ không tìm hiểu ngay về bệnh lý mà con gặp phải, thay vào đó sẽ đưa con đi "vái tứ phương" để điều trị bệnh.

Trong Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, không ít những cha mẹ đăng lên diễn đàn hỏi về phương thuốc điều trị, về ông này bà kia điều trị có tốt không, có khỏi bệnh không. Lúc ấy, cha mẹ vẫn còn một niềm tin rằng con sẽ được chữa khỏi và trở thành người bình thường.

Tuy nhiên, đối với trẻ mắc các hội chứng tự kỷ hay bại não thì không có phương thuốc nào điều trị khỏi. Những đứa trẻ chỉ có thể cải thiện được những khiếm khuyết khi mắc các hội chứng này.

Bởi vậy, việc đầu tiên khi cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện bất thường, cần xác định con mắc phải bệnh gì. Sau đó hãy bình tĩnh, chấp nhận rằng sẽ đồng hành cùng con để cải thiện tình trạng của con (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang