Khai mạc ngày hội hiến máu Chủ Nhật Đỏ 2018 dự kiến thu nhận 35.000 đơn vị máu
Chủ Nhật Đỏ 2018 do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố tổ chức. Chương trình kéo dài trong thời gian hơn một tháng và dự kiến nhận về khoảng 35.000 đơn vị máu hiến tình nguyện. Được tổ chức lần đầu tiên năm 2009, với mong muốn mỗi giọt máu hiến đi sẽ mang tới niềm hạnh phúc cho người bệnh cho tình yêu thương nhân ái giữa người với người. Chủ Nhật Đỏ đã trở thành hoạt đồng thường niên, hành trình 10 năm Chủ Nhật Đỏ là sự nỗ lực của cộng đồng đã cùng nhau chung tay mang tới những giọt máu cứu người. Thông tin từ Ban Tổ chức, trước khi diễn ra ngày hội chính, tính đến trung tuần tháng 1/2018, có gần 20/31 tỉnh thành tham dự đã tổ chức Chủ nhật Đỏ. Có 30 trên 60 điểm đăng ký đã tổ chức hiến máu. Tổng số lượng máu tiếp nhận được đến nay là gần 24.000 đơn vị, đạt 67% so với kế hoạch đề ra. Được tổ chức trước Tết Nguyên đán, Chủ Nhật Đỏ sẽ góp phần tiếp sức cho rất nhiều người bệnh đang cần máu cấp cứu, điều trị trong giai đoạn cao điểm thiếu máu này. Thông tin từ Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết: trước, trong và sau Tết Nguyên đán, dự tính cả nước cần khoảng 320.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị và dự trữ tại các bệnh viện. (Nhân dân, trang 1; Thanh niên, trang 3; An ninh Thủ đô, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).
Chủ Nhật Đỏ: Rộn ràng trẩy hội hiến máu
Hoà cùng không khí rộn rã ngày hội nồng ấm tình người của Chủ Nhật Đỏ lần thứ X, đông đảo bạn trẻ và người dân tại Thái Bình và Nam Định đã náo nức tụ hội về điểm hiến máu tình nguyện trong ngày 21/1. Nhiều người đã vượt qua chặng đường dài bằng xe khách, xe máy hay đạp xe để làm cho bằng được việc tốt.
Thái Bình: Chen chân trẩy hội
Khi đường phố quê hương “Chị hai năm tấn” vẫn im lìm trong sương sớm, nhiều người đã có mặt tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình để hiến máu. Khu vực đăng ký, kiểm tra sức khỏe ngoài trời có đông người hiến máu đã xếp thành 4-5 hàng dài. Ngọc Minh Hiếu (SN 1997, quê Lạng Sơn) hiện là sinh viên năm 2 ngành Đa khoa, ĐH Y Dược Thái Bình là một trong những người hiến máu đầu tiên. Để có lần thứ hai hiến máu, Hiếu đã dậy thật sớm và đạp xe hơn 2km từ phòng trọ đến trường.
“Ra khỏi nhà từ 5h30 đến chương trình mà mình vẫn cứ lo muộn. Đến nơi thì thấy nhiều người đã đăng ký và kiểm tra sức khoẻ xong rồi, giờ cho máu rồi mình yên tâm hẳn”, Hiếu nói. Cũng với tâm lý náo nức như trẩy hội xuân, nữ sinh viên năm 2 ngành Đa khoa, ĐH Y Dược Thái Bình Đinh Thị Lan Anh (SN 1997) nhanh chân bước về khu vực hiến máu để nâng số lần cho máu lên 3. Lan Anh mới từ quê Nam Định lên trường, đồ đạc gửi vội bạn cầm giúp. “Cuối tuần mình thường về quê, rồi thứ hai quay lại trường đi học. Từng hiến máu trong chương trình Chủ Nhật Đỏ năm trước và rất ấn tượng với không khí náo nhiệt nên năm nay quyết định tham gia tiếp. Mình đã dậy và bắt xe ô tô khách từ lúc hơn 4 giờ sáng, vậy mà bố mẹ mình còn cứ lo muộn, Lan Anh chia sẻ.
Dù ngày diễn ra Chủ nhật Đỏ ở Thái Bình đã có lúc trời mưa, nhưng những tốp đoàn viên thanh niên, sinh viên và nhiều người dân làm đã đến đăng ký cho máu. Phát biểu tại ngày hội Chủ nhật Đỏ năm thứ năm tại Thái Bình, bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo vận động hiến máu tỉnh Thái Bình cho biết: Qua 5 kỳ tổ chức sự kiện, số lượng máu tiếp nhận ngày càng tăng, riêng năm 2017 tiếp nhận hơn 11.267 đơn vị máu đã góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp Tết Nguyên Đán, đồng thời thay đổi quan niệm của các tầng lớp nhân dân về hiến máu và hình thành nét đẹp hiến máu đầu Xuân trong nhân dân.
Nam Định: Đạo-đời gieo mầm thiện
Có mặt tại điểm hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ X năm 2018 tại Trung tâm Văn hoá Thiếu niên tỉnh Nam Định mới cảm nhận được hết không khí náo nức ngày hội. Người đăng ký cho máu rạng ngời nét mặt, lấp lánh nụ cười. Trong màu áo nâu tu hành, sư thầy Thích Thích Đàm Hiền SN 1983 (Chùa Thứ nhất, xã An Lão, Lục Bình, Hà Nam) và sư thầy Thích Giác Lâm SN 1996 (Chùa Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) đã cùng hội ngộ tại chương trình sau chặng đường dài bằng xe máy. Lần thứ hai hiến máu, sư thầy Thích Đàm Hiền cho biết: “Có đủ sức khoẻ hiến máu để cứu giúp những người bệnh đang cần máu vượt qua sinh tử là điều thiện nên làm, tôi cũng như mọi người đang có mặt tại chương trình Chủ Nhật Đỏ đây để cho đi những gì mình đang có”, sư thầy Thích Đàm Hiền nói.
Chương trình cũng thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia. Anh Nguyễn Văn Huyên SN 1984, Bí thư Đoàn xã Yên Cường (huyện Ý Yên) di chuyển chặng đường hơn 25km đến tham gia và nâng thành tích hiến máu lên 5. Chủ nhật Đỏ lần thứ X tại Thái Bình diễn ra tại điểm ĐH Y Dược Thái Bình thu hút hơn 1000 người đăng ký và tiếp nhận mức 752 đơn vị máu (vượt chỉ tiêu đăng ký 52 đơn vị máu). Đến ngày 25/1, chương trình sẽ diễn ra tại điểm Trường ĐH Thái Bình. Chủ nhật Đỏ lần thứ X tại Nam Định đã diễn ra ở 3/4 điểm là ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Điều dưỡng và Trung tâm văn hoá thiếu niên tỉnh thu được 1.875 đơn vị máu. Điểm cuối cùng sẽ diễn ra tại huyện Giao Thuỷ. Bí thư tỉnh Đoàn Nam Định Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết: Dự kiến chương trình sẽ thu được tổng cộng hơn 2.000 đơn vị máu. Tham dự chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ X năm 2018 tại Thái Bình và Nam Định, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong khẳng định: Chủ nhật Đỏ ngày càng lan toả nhờ sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan đơn vị, các địa phương, sự đồng hành của các bạn sinh viên, tình nguyện viên, trong đó có tỉnh Thái Bình, Nam Định. Đồng thời, cảm ơn những tấm lòng vàng đã sẻ chia giọt máu cứu người - sinh mệnh của bạn và tôi. (Tiền phong, trang 9).
Tăng cường phòng bệnh sởi và ho gà ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng
Trước tình hình trẻ mắc sởi và ho gà trước độ tuổi tiêm phòng gia tăng, TS Đặng Thị Thanh Huyền - Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, gần đây, trẻ dưới 2 tháng tuổi -chưa đến tuổi tiêm vaccine ho gà-mắc bệnh ho gà tăng tới 30%, bệnh sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi tăng 20%. Nguyên nhân là do miễn dịch từ người mẹ không cao nên trẻ dễ mắc bệnh.
Để phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, Viện sẽ đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6-8 tháng tuổi tại các vùng nguy cơ cao, khi có dịch.
Với trường hợp phụ nữ có thai, nếu được tiêm vaccine ho gà, con sinh ra sẽ có kháng thể cao hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa tiêm vaccine này cho phụ nữ mang thai.
Hiện, vaccine phòng bệnh ho gà được khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6 - 64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tại Mỹ, từ năm 2011 cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai nếu chưa tiêm phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván trước đó nên được tiêm vaccine ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể đến thai nhi/trẻ sơ sinh.
Theo bà Dương Thị Hồng, Viện vệ sinh dịch tễ Trung tương cũng đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván ở phụ nữ mang thai tại tỉnh Hà Nam trong giai đoạn từ tháng 2-2012 - 3-2014. Kết quả cho thấy vaccine là an toàn. Tất cả trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Hiện, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có đề xuất với Bộ Y tế xem xét chỉ định này với phụ nữ có thai.
Từ quý 3 năm 2018, sẽ đưa thêm vaccine bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi trong cả nước, thay cho kế hoạch được triển khai quy mô nhỏ tại 4 tỉnh. (Tuổi trẻ, trang 14).
Chuyển biến tích cực về chất lượng khám chữa bệnh và phong cách phục vụ người bệnh
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai công tác y tế năm 2018 và Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg” của Bộ Y tế cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng năm qua ngành y tế đã nỗ lực hành động, làm tới cùng một số việc và đạt được kết quả toàn diện.
Chất lượng khám chữa bệnh (KCB), thái độ phục vụ của cán bộ, y tế ở các bệnh viện (BV), các tuyến nâng lên một bước rõ rệt. Trong nhận thức, hành động, ngành y tế đã làm nhiều việc để y tế dự phòng, y tế cơ sở tiến tới thực sự làm đúng vai trò, đồng thời y tế chuyên sâu và y tế dự phòng phát triển đều nhau...
Vượt chỉ tiêu về số giường bệnh và tỷ lệ người dân tham gia BHYT
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành y tế năm 2018 với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu các quận, huyện, thị xã trong cả nước với sự tham dự của gần 17.000 đại biểu ở tất cả các điểm cầu.
Thay mặt lãnh đạo ngành y tế, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2017, thực hiện mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, ngành y tế đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao. Nổi bật là số giường bệnh/10.000 dân đạt 25,7 giường, tăng 0,2% giường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 86,4%, vượt 4,2% so với chỉ tiêu được giao. Lần đầu tiên ngành đã đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng KCB, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được áp dụng.
Hiện tại, với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó, có 75% số trạm có bác sĩ làm việc đã tạo điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu nhanh nhất. Hơn 80% trạm y tế đã tiến hành KCB BHYT cho người dân.
Cũng trong năm 2017, ngành y tế đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đối với 12.877 đơn vị của 63 tỉnh, thành phố; đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đã tiết kiệm 477 tỷ đồng so với giá kế hoạch. Đặc biệt, tháng 3/2017, lần đầu tiên ngành y tế đã sản xuất được vắc-xin 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đưa Việt Nam tự hào trở thành 1 trong 4 nước châu Á có thể tự sản xuất vắc-xin phối hợp sởi - Rubella.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn thừa nhận trong năm 2017 vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức như: Hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp; việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình còn chậm. Ngoài ra, tổ chức hệ thống y tế đang bước đầu được sắp xếp lại nhưng còn chậm; công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, đặc biệt là thanh, kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc, phòng khám tư nhân; còn gần 14% dân số chưa tham gia BHYT; đào tạo nhân lực y tế chưa đạt yêu cầu, không đồng đều về chất lượng và giữa các vùng miền...
Kiên trì, tiếp tục đấu thầu tập trung quốc gia nhằm giảm tiền thuốc
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế trong năm qua. “Tôi biểu dương ngành y tế các cấp, ngành, năm 2017 đã rất nỗ lực, đây cũng là năm chuẩn bị ráo riết cho nghị quyết TW, ngành đã làm được, tuy chưa ở quy mô toàn quốc nhưng đã nỗ lực đến cùng. Tựu trung với con mắt nhìn từ bên ngoài thì thấy chất lượng KCB, thái độ y bác sĩ nâng lên rất rõ rệt. Việc này không đơn thuần 1 ngày là làm được” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đẩy mạnh tự chủ BV. Các trạm y tế có thể mời bác sĩ tư nhân đến KCB với tinh thần sử dụng tối đa cơ sở vật chất, không phân biệt công tư để chăm sóc sức khỏe của người dân. Khi các cơ sở tự chủ thì không cần giải quyết bài toán biên chế, vấn đề là muốn làm thì phải có danh mục dịch vụ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trạm y tế cơ sở phải được tập huấn về công nghệ thông tin. Các BV tuyến trên phải cập nhật bệnh án điện tử, không chỉ phục vụ cho thanh toán BHYT mà để sau vài năm có đủ thông tin thành lập hồ sơ cá nhân theo dõi sức khỏe cho mọi người.
Lĩnh vực dược được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm khi đấu thầu cấp tỉnh qua 3 năm đã tiết kiệm được 30%. Do đó, yêu cầu Bộ Y tế và BHXH cần kiên trì, tiếp tục đấu thầu tập trung quốc gia nhằm giảm tiền thuốc.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý về mô hình quản trị BV, theo đó, Bộ Y tế phải chỉ đạo, hỗ trợ mô hình BV tự chủ, xây dựng chuỗi BV vệ tinh để giảm tải tuyến trên, hướng dẫn tuyến dưới. Với y tế tư nhân, không phân biệt y tế công - tư nhân, nhưng nhiều cơ sở tư nhân trục lợi rất nhiều nên phải xử lý nghiêm.
Trước hiện tượng nhiều bác sĩ bị hành hung, Phó Thủ tướng đồng tình phải bảo vệ những người đang làm nhiệm vụ, nghiêm trị kẻ hành hung, nhưng lưu ý: Chúng ta cũng phải nhìn lại những sự cố y khoa, để từng giám đốc sở, giám đốc BV phải làm sao để môi trường BV thật tốt, không chỉ nhà đẹp, sạch sẽ, mà phải minh bạch, liêm chính, công khai thu chi, chức năng nhiệm vụ từng người, có giám sát nghiêm túc. Một vài trường hợp hành hung cán bộ y tế do say rượu, phá quấy, còn lại phần lớn do người nhà bệnh nhân bất bình vì cơ chế phục vụ, cán bộ y tế chưa tốt, hoặc do họ không hiểu do nhân viên y tế không giải thích kỹ. Do đó phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Trong năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành gồm: Khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới. Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; Đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã.
Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính.
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong KCB; Đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức... Tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân; Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Thu hồi thêm 99 lô sản phẩm dinh dưỡng của Pháp có nhiễm khuẩn
Ngày 20-1, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Ban thư ký INFOSAN về việc có thêm 99 lô sản phẩm dinh dưỡng của Tập đoàn Lactalis (Pháp) phải thu hồi vì có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo tới các bên liên quan yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm nằm trong danh mục cảnh báo.
Đồng thời, thông báo Tổng cục Hải quan, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, ngừng nhập tất cả các lô hàng nằm trong danh mục cảnh báo. Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân ngừng tiêu thụ và dừng sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng của Tập đoàn Lactalis nằm trong diện cảnh báo và phải thu hồi.
Như vậy, tính từ ngày nhận được cảnh báo đầu tiên (12-12-2017), Ban thư ký INFOSAN đã cung cấp thông tin tổng cộng 153 lô hàng thuộc 33 mặt hàng dinh dưỡng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella được nhập khẩu vào Việt Nam. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).